LUẬN NGŨ SỰ TỲ BÀ SA
Tác giả: Tôn giả Pháp Cứu
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN HẠ

Phẩm thứ 1: PHÂN BIỆT SẮC, phần 2

Hỏi: Sắc được tạo thuộc về căn bên trong, tôi đã nhận biết rõ. Nay lại muốn nghe sắc không thuộc về căn. Xin nói đến tướng ấy?

Đáp: Đối tượng xúc của sắc, thanh, hương, vị là vô biểu. Ở đây sắc là hiển sắc đẹp v.v… Nếu sắc như xanh, vàng v.v… là không biến hoại thì gọi là hiển sắc đẹp. Nếu sắc này biến hoại thì gọi là hiển sắc xấu. Nếu bình đẳng thì gọi là trung gian của hai thứ kia, do hiển bày xứ sắc.

Hỏi: Xứ sắc có hai thứ: (1) Hiển. (2) Hình. Vậy sao trong đây chỉ biện về hiển sắc?

Đáp: Nay ở trong đây nên nói như thế này: Sắc có hai thứ: (1) Hiển. (2) Hình.

Hiển sắc: Nghĩa là màu xanh, vàng v.v… Hình sắc: Tức là dài, ngắn v.v… Nhưng không nói là có ý gì? Nghĩa là hiển sắc thì thô và dễ nhận biết.

Như vậy các sắc ở trong sáu thức là đối tượng nhận thức của hai thức. Nghĩa là nhãn thức và ý thức. Trước hết dùng nhãn thức chỉ phân biệt về tự tướng. Sau dùng ý thức để phân biệt cả tự tướng và cộng tướng. Nghĩa là các sắc kia lúc trụ trong hiện tại, nhãn thức chỉ có thể phân biệt tự tướng của sắc ấy. Nhãn thức không gián đoạn khởi ý thức phân biệt, lại phân biệt rõ về tự tướng hoặc cộng tướng của sắc trước. Nhưng chỗ khởi ý thức phân biệt này là dựa vào nhãn thức trước, duyên nơi cảnh của sắc trước. Như vậy, lúc ý thức đang trong hiện tại thì đối tượng nương dựa và đối tượng duyên đều ở quá khứ.

Do năm cảnh này, lúc trụ trong hiện tại, ý thức không thể phân biệt về tự tướng của năm cảnh ấy. Thế nên cảnh của sắc là đối tượng nhận thức của hai thức. Nghĩa là lúc các nhãn thức hiện ở trước chỉ phân biệt rõ về tự tướng ở hiện tại không phải cộng tướng. Nếu khi các ý thức hiện ở trước, thì phân biệt chung về tự tướng và cộng tướng của ba đời, do các cảnh giới của ý thức đều hiện bày cùng khắp, nên có phân biệt. Nhãn thức không gián đoạn, không phải nhất định khởi ý thức, vì đối với sáu thức thân, chỉ chấp nhận tùy khởi một thứ. Nếu nhãn thức không gián đoạn nhất định khởi ý thức, thì khổ căn không nên là khổ đẳng vô gián. Vì khổ căn chỉ ở nơi năm thức thân.

Nếu như vậy thì trái với phần Uẩn căn đã nói. Như nói: Khổ căn cùng với khổ căn làm nhân đẳng vô gián tăng thượng (Ba duyên: Nhân duyên, đẳng vô gián duyên và tăng thượng duyên). Nhưng dựa vào nhãn thức để phân biệt sắc rồi, dẫn khởi không gián đoạn ý thức phân biệt, nên nói như vầy: Nhãn thức nhận biết trước, nhãn thức thọ nhận rồi ý thức mới tùy theo đấy để nhận thức. Thanh có hai thứ, cho đến nói rộng.

Có chấp thọ đại chủng: Nghĩa là các đại chủng trong sát-na hiện tại thuộc về số hữu tình.

Không chấp thọ đại chủng: Nghĩa là các đại chủng quá khứ, vị lai, thuộc số hữu tình và ba đời không phải thuộc số hữu tình.

Ở đây, có chấp thọ đại chủng đã sinh âm thanh, gọi là có chấp thọ đại chủng làm nhân. Có chấp thọ đại chủng cùng với âm thanh đã sinh này là năm thứ nhân sinh trước v.v… Không chấp thọ đại chủng làm nhân phát sinh âm thanh cũng như thế.

Nếu từ miệng phát ra, tay cùng kết hợp sinh, gọi là âm thanh có chấp thọ đại chủng làm nhân. Nếu từ rừng, nước, gió v.v… phát sinh, gọi là âm thanh không có chấp thọ đại chủng làm nhân. Ngoài ra như trước đã giải thích.

Các hương hiện có, cho đến nói rộng. Những thứ vừa ý gọi là hương tốt, không vừa ý gọi là hương xấu. Thuận theo xứ xả thọ gọi là hương bình đẳng.

Đối tượng ngửi của mũi: Nghĩa là cảnh của tỷ căn. Ngoài ra như trước đã giải thích. Các vị hiện có cho đến nói rộng. Các thứ thích ý gọi là vị vừa ý. Không thích ý gọi là vị không vừa ý. Trái với hai thứ này gọi là vị thuận theo xứ xả.

Đối tượng nếm của lưỡi: Nghĩa là cảnh của thiệt căn. Ngoài ra như trước đã giải thích.

Hỏi: Nếu lúc nếm vị là khởi thiệt thức trước hay là khởi thân thức trước?

Đáp: Nếu các thứ vật nếm là chất lạnh, ấm v.v… tăng thì khởi thân trước thức. Nếu các thứ vật nếm là chất mặn, chua v.v… tăng thì khởi thiệt thức trước. Nếu vị xúc bình đẳng thì cũng khởi thiệt thức trước, vì vị dục mạnh hơn.

Một phần xúc, cho đến nói rộng. Tánh trơn láng nghĩa là mềm mại. Tánh nhám rít là khô mạnh. Tánh nhẹ là không thể cân đo. Tánh nặng là có thể đo lường.

Lạnh nghĩa là có sự thôi thúc muốn khởi ấm áp. Đói là muốn ăn. Khát là muốn uống. Bảy thứ như vậy là thuộc về xúc xứ, do sắc được tạo làm tự tánh. Bốn đại chủng trước tuy thuộc về xúc xứ, nhưng không phải do sắc được tạo làm tự tánh. Thế nên xúc xứ có mười một thứ, nay vì có bảy thứ được tạo nên gọi là một phần.

Đối tượng tiếp xúc của thân: Nghĩa là cảnh của thân căn. Ngoài ra như trước đã giải thích.

Hỏi: Đại chủng nào tăng nên có tánh trơn láng, cho đến đại chủng nào tăng nên có tánh khát?

Đáp: Có thuyết nói: Không có tăng thêm riêng, nhưng tánh của bốn đại chủng theo loại có sai biệt, tức có thể tạo nên tánh trơn láng, nói rộng cho đến có thể tạo nên tánh khát.

Lại có thuyết cho: Vì giới nước, lửa tăng thêm nên có thể tạo ra tánh trơn láng. Vì giới đất, gió tăng thêm nên có thể tạo ra tánh nhám rít. Vì giới lửa, gió tăng thêm nên có khả năng tạo ra tánh nhẹ. Vì giới đất, nước tăng thêm nên có thể tạo ra tánh nặng. Vì giới nước, gió tăng thêm nên có thể tạo ra tánh lạnh. Vì chỉ có giới gió tăng thêm nên có thể tạo ra tánh đói. Chỉ có giới lửa tăng thêm nên có thể tạo ra tánh khát.

Ở đây nói tăng thêm nghĩa là nghiệp dụng tăng thêm, không phải sự thể tăng thêm.

Như tâm, tâm sở, thế nào là vô biểu, cho đến nói rộng?

Sắc gắn với pháp xứ: Gắn với có sáu thứ: (1) Gắn với cõi. (2) Gắn với nẻo. (3) Gắn với Bổ-đặc-già-la. (4) Gắn với xứ. (5) Gắn với hữu lậu. (6) Gắn với tự thể.

Gắn với cõi: Như nơi phần Kiết uẩn nói: Các kiết gắn với cõi dục, kiết đó ở nơi cõi dục v.v…

Gắn với nẻo: Nghĩa là nếu thuộc về nẻo như vậy, gọi là gắn với nẻo.

Gắn với Bổ-đặc-già-la: Như Tỳ-nại-da nói: Có hai Bổ-đặc-giàla gắn với trong số Tăng, khiến Tăng chúng hòa hợp.

Gắn với xứ: Như trong đây nói: Thế nào là vô biểu sắc? Nghĩa là sắc gắn với pháp xứ.

Gắn với hữu lậu: Như Luận này nói: Thế nào là pháp gắn liền? Đó là pháp hữu lậu.

Gắn với tự thể: Như Đại Chủng Uẩn nói: Có chấp thọ là nghĩa gì? Đây là tăng ngữ đã làm sáng tỏ pháp gắn với tự thể.

Vô biểu sắc: Nghĩa là giới thiện, ác nối tiếp không dứt. Vô biểu sắc này nơi tất cả thời do một thức nhận biết, đó là ý thức, vì không có đối. Năm cảnh như sắc v.v… vào thời hiện tại là đối tượng nhận biết của năm thức. Ở trong ba đời, tức là đối tượng nhận biết của ý thức. Đây là vào thời nào ý thức cũng nhận biết. Năm căn như nhãn v.v… cũng là đối tượng nhận biết của ý thức trong tất cả thời.

Vô biểu sắc này gồm có hai thứ: Thiện, bất thiện, không có vô ký. Nghĩa là do sức mạnh nơi tâm có thể phát khởi vô biểu. Tâm vô ký yếu kém, không phát khởi vô biểu.

Các vô biểu thiện gồm có hai thứ: (1) Thuộc về luật nghi. (2) Không thuộc về luật nghi.

Vô biểu bất thiện cũng có hai thứ: (1) Thuộc về không luật nghi. (2) Không thuộc về không luật nghi.

Vô biểu thuộc về luật nghi lại có bốn thứ: a. Luật nghi biệt giải thoát. b. Luật nghi tĩnh lự. c. Luật nghi vô lậu. d. Luật nghi đoạn. Luật nghi biệt giải thoát: Là giới của bảy chúng. Luật nghi tĩnh lự: Là giới của cõi sắc. Luật nghi vô lậu: Là giới của hàng hữu học, vô học. Luật nghi đoạn: Là dựa vào một phần của hai luật nghi để kiến lập, là luật nghi tĩnh lự và luật nghi vô lậu. Lìa nhiễm của cõi dục, chín đạo vô gián tùy chuyển, gồm thâu, gọi là luật nghi đoạn. Vì có thể đối trị hết thảy giới ác và có thể đối trị phiền não khởi giới ác, nên gọi là đoạn. Tám đạo vô gián trước tùy chuyển, gồm thâu: Là chỉ có thể đối trị phiền não khởi giới ác. Đạo vô gián thứ chín tùy chuyển, gồm thâu:

Là có thể đối trị giới ác cùng có thể đối trị phiền não khởi giới ác.

Hỏi: Luật nghi biệt giải thoát do gì nên được, do gì nên xả?

Đáp: Do sự giáo hóa của ngưới khác nên được. Do bốn duyên nên xả. Những gì là bốn? (1) Xả giới đã học. (2) Sinh hai hình. (3) Căn thiện bị đoạn. (4) Mất chúng đồng phận.

Hỏi: Luật nghi tĩnh lự do gì nên được, do gì nên xả?

Đáp: Tâm thiện của cõi sắc nếu được liền được, nếu xả liền xả. Luật nghi này còn có hai thứ: (1) Do thoái chuyển. (2) Do cõi, địa có chuyển đổi.

Hỏi: Luật nghi vô lậu do gì nên được, do gì nên xả?

Đáp: Cùng với đạo đều cùng được, không xả hoàn toàn. Nếu tùy từng phần xả thì do ba duyên: (1) Do thoái chuyển. (2) Do được quả. (3) Do chuyển căn.

Hỏi: Luật nghi đoạn do gì nên được, do gì nên xả?

Đáp: Nếu thuộc về luật nghi tĩnh lự, tức là nói như luật nghi tĩnh lự. Nếu thuộc về luật nghi vô lậu, thì nói như luật nghi vô lậu.

Vô biểu thiện thuộc về luật nghi: Nếu tâm sở tịnh mạnh, phát sinh biểu thiện, tức được vô biểu này. Nếu tâm sở tịnh yếu kém, phát khởi biểu thiện, thì không được vô biểu này.

Xả vô biểu này do ba thứ duyên: (1) Ý lạc dứt. (2) Xả gia hạnh. (3) Lỗi của uy lực bị hạn chế.

Vô biểu bất thiện thuộc về không luật nghi: Nghĩa là các thứ bất luật nghi như đồ tể dê v.v… Bất luật nghi này do hai duyên nên tạo ra: (1) Do tạo nghiệp. (2) Do thọ nhận sự việc.

Bất luật nghi này do bốn duyên xả: (1) Do thọ giới biệt giải thoát. (2) Do được luật nghi tĩnh lự. (3) Do sinh hai hình. (4) Do mất chúng đồng phận.

Nhưng tất cả sắc, lược có bốn thứ: (1) Dị thục. (2) Nuôi lớn. (3) Đẳng lưu. (4) Sát-na.

Trong đây nhãn xứ chỉ có hai thứ: (1) Dị thục. (2) Nuôi lớn. Không có đẳng lưu riêng, vì lìa hai thứ trước, không có riêng tánh đẳng lưu. Xứ của nhĩ, tỷ, thiệt, thân nên biết cũng như vậy.

Sắc xứ chỉ có ba thứ: Dị thục, nuôi lớn và đẳng lưu. Xứ của hương, vị, xúc nên biết cũng như thế.

Thanh xứ chỉ có hai thứ: Tức nơi ba thứ trước, trừ dị thục. Sắc gắn với pháp xứ chỉ có hai thứ. Tâm vô lậu đầu tiên cùng có là thuộc về sát-na. Những thứ khác là thuộc về đẳng lưu.

 

Phẩm thứ 2: PHÂN BIỆT TÂM

Hỏi: Đã nhận biết sự lừa dối mê hoặc của sắc tướng, người ngu không thể nắm bắt, tiếp xúc, cũng như đống bọt nước. Vậy muốn được nghe tâm pháp, tướng của chúng thì thế nào?

Đáp: Tâm, ý, thức, không nên chỉ nói là tâm, là những gì đã hỏi.

Hỏi: Tâm, ý, thức, ba thứ ấy có gì khác nhau?

Đáp: Ba thứ này không có sai biệt. Như việc của thế gian: Một nói là nhiều, nhiều nói là một. Một nói là nhiều, như nói: Sĩ phu là người, là nho đồng v.v… Nhiều nói là một, như nói: Con chim, hạt đậu v.v… tức đồng tên lại sinh. Nên biết trong đây cùng dựa vào một sự việc để nói. Tâm, ý, thức cũng lại như vậy.

Có thuyết cho: Cũng có khác nhau. Quá khứ gọi là ý. Vị lai gọi là tâm. Hiện tại gọi là thức.

Lại nữa, theo cõi thì thiết lập tâm. Theo xứ thì thiết lập ý. Theo uẩn thì thiết lập thức.

Lại nữa, dựa vào hành nghiệp xa gọi là tâm. Dựa vào hành nghiệp trước gọi là ý. Dựa vào nghiệp nối tiếp sinh gọi là thức.

Lại nữa, do nghĩa gom hợp lại gọi là tâm. Do nghĩa dựa vào nẻo, cõi gọi là ý. Do nghĩa phân biệt nhận biết gọi là thức.

Sự việc này lại là thế nào? Nghĩa là sáu thức thân.

Hỏi: Vì sao chỉ có sáu thức, không phải giảm, không phải tăng?

Đáp: Vì chỗ nương dựa (đối tượng nương dựa) nhau v.v… Nghĩa là chỗ nương dựa của thức chỉ có sáu thứ. Nếu giảm thức còn năm thì có một chỗ nương dựa không có thức. Nếu tăng thức đến bảy là có một thức không có chỗ nương dựa v.v… Sáu đối tượng duyên nên biết cũng như vậy. Nhưng nói thức khác, là chỉ căn cứ vào chỗ nương dựa của thức là thân. Nghĩa là một thức có nhiều, không phải một nhãn thức gọi là nhãn thức thân, cần có nhiều nhãn thức gọi là nhãn thức thân. Như không phải một con voi có thể gọi là thân voi, cần phải có nhiều voi mới gọi là thân voi. Thức này cũng như vậy.

Thế nào là nhãn thức? Nghĩa là nương dựa vào nhãn căn: Là làm sáng tỏ chỗ nương dựa của nhãn thức. Đều phân biệt nhận biết sắc: Là làm sáng tỏ đối tượng duyên của nhãn thức.

Lại nữa, nghĩa là nương dựa nơi nhãn căn: Là nói nhân của nhãn thức. Sắc: Là nói duyên của nhãn thức. Như Đức Thế Tôn nói: Bí-sô nên biết! Nhân nơi mắt duyên sắc, nên nhãn thức được sinh.

Hỏi: Nhãn cùng với nhãn thức làm những nhân nào?

Đáp: Đây là nhân nương dựa. Ví như đại chủng cùng với sắc được tạo là nghĩa của nhân nương dựa.

Đều phân biệt nhận biết: Nghĩa là nói tướng của nhãn thức, vì thức lấy sự phân biệt nhận biết làm tướng của mình. Ý trong đây nói, dựa vào mắt, duyên nơi sắc, có tướng phân biệt nhận biết gọi là nhãn thức. Nói rộng cho đến dựa vào ý, duyên nơi pháp, có tướng phân biệt nhận biết gọi là ý thức.

Hỏi: Vì sao không chỉ nói là Dựa vào nhãn căn v.v… hoặc không chỉ nói Đều phân biệt nhận biết sắc v.v..?

Đáp: Nếu nói theo một nghĩa thì không thành. Nghĩa là nếu chỉ nói Dựa vào nhãn căn v.v… thì các pháp như thọ tương ưng với nhãn thức kia cũng dựa vào nhãn căn v.v…, tức nên gọi là thức như nhãn v.v… Nếu lại chỉ nói Đều phân biệt nhận biết sắc v.v… thì đã có ý thức cũng phân biệt nhận biết sắc v.v…, tức ý thức cũng nên gọi là thức như nhãn v.v… Tuy nhiên, ở đây nói Dựa vào nhãn căn v.v… là nhằm ngăn chận ý thức có thể phân biệt nhận biết sắc v.v… Lại nói Đều có thể phân biệt nhận biết sắc v.v… là để ngăn chận thọ v.v… tương ưng với thức như nhãn v.v…

Hỏi: Nhãn, sắc nêu rõ tác ý làm duyên sinh nhãn thức. Vì sao chỉ nói nhãn thức, không phải là thức khác?

Đáp: Vì nhãn căn là vượt hơn, như sách Vũ nhiễm (?), do mắt là không chung. Như mầm giống nào đó, là chỗ nương dựa của mắt. Như tiếng trống v.v… do mắt rất gần gũi, như nói giác chi.

Nhãn, nhĩ, thân thức đều có bốn thứ: Thiện, bất thiện, hữu phú vô ký, vô phú vô ký. Bất thiện là chỉ có nơi cõi dục. Hữu phú vô ký là chỉ ở nơi cõi Phạm thế. Thiện, vô phú vô ký thì chung cho cõi Phạm thế, cõi dục, không phải ở địa trên, vì có tầm tứ.

Hai thức tỷ, thiệt đều có ba thứ, trừ hữu phú vô ký, chỉ ở nơi cõi dục, vì duyên nơi đoạn thực. Ý thức có bốn thứ, chung cả ba cõi, không hệ thuộc.

Hỏi: Nếu từ tĩnh lự thứ nhất trở lên, các địa không có ba thức thân, thì sinh lên cõi đó làm sao có được thấy, nghe và xúc?

Đáp: Do sức tu nên ba thức nơi địa của tĩnh lự thứ nhất được hiện ở trước, khiến ba căn kia có được thấy, nghe, xúc.

Dựa vào nghĩa như vậy, nên có người hỏi: Từng có thân của địa khác, mắt của địa khác, sắc của địa khác và nhãn thức của địa khác sinh khởi chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là người sinh nơi địa của tĩnh lự thứ hai, dùng mắt của địa nơi tĩnh lự thứ tư để trông thấy sắc của địa nơi tĩnh lự thứ ba. Thân của địa nơi tĩnh lự thứ hai kia với mắt của địa nơi tĩnh lự thứ tư để trông thấy sắc của địa nơi tĩnh lự thứ ba. Nhãn thức của địa nơi tĩnh lự thứ nhất sinh khởi trong ấy.

Năm thức thân đều có hai thứ: (1) Dị thục. (2) Đẳng lưu.

Ý thức thân có ba thứ: (1) Dị thục. (2) Đẳng lưu. (3) Sát-na. Sát-na ở đây là ý thức tương ưng với khổ pháp trí nhẫn.

Hỏi: Từng có một nhân nơi đạo hiện ở trước, trong khoảng một sát-na đã xả tâm. Hoặc có: Là tự tánh của nhân đồng loại không phải là có nhân đồng loại. Hoặc có: Là có nhân đồng loại không phải là tự tánh của nhân đồng loại. Hoặc có: Là tự tánh của nhân đồng loại cũng có nhân đồng loại. Hoặc có: Không phải là tự tánh của nhân đồng loại cũng không phải là có nhân đồng loại?

Đáp: Có. Là lúc đạo loại trí nhẫn sinh. Nên tạo ra bốn trường hợp: (1) Là khổ pháp trí nhẫn đã sinh tương ưng với tâm. (2) Là tâm tương ưng với kiến đạo ở vị lai. (3) Là trừ tâm tương ưng với khổ pháp trí nhẫn đã sinh, các tâm tương ưng với kiến đạo đã sinh. (4) Là trừ các thứ đã nêu ở trước.

Hỏi: Từng có một nhân nơi đạo hiện ở trước, trong một khoảng sát-na đã xả tâm. Hoặc có: Là hữu lậu duyên nơi hữu lậu. Hoặc có: Là hữu lậu duyên nơi vô lậu. Hoặc có: Là vô lậu duyên nơi vô lậu. Hoặc có: Là vô lậu duyên nơi hữu lậu?

Đáp: Có. Là lúc đạo loại trí nhẫn sinh. Nên tạo ra bốn trường hợp: (1) Là tâm tương ưng với tùy miên duyên nơi hữu lậu thuộc cõi sắc, vô sắc do kiến đạo đoạn trừ. (2) Là tâm tương ưng với tùy miên duyên nơi vô lậu thuộc cõi sắc, vô sắc do kiến đạo đoạn trừ. (3)Là tâm tương ưng với diệt đạo nhẫn trí. (4) Là tâm tương ưng với khổ tập nhẫn trí.

Hỏi: Từng có vô sự phiền não, đạo đối trị hiện ở trước, trong một khoảng sát-na đã xả tâm. Hoặc có: Duyên nơi vô lậu không phải là duyên của duyên nơi vô lậu. Hoặc có: Duyên của duyên nơi vô lậu không phải là duyên nơi vô lậu. Hoặc có: Duyên nơi vô lậu cũng là duyên của duyên nơi vô lậu. Hoặc có: Không phải là duyên nơi vô lậu cũng không phải là duyên của duyên nơi vô lậu?

Đáp: Bốn trường hợp như vậy căn cứ theo nghĩa nên suy xét.

Hỏi: Từng có tâm đã diệt của tâm sát-na hiện ở trước. Hoặc có: Là định không phải là duyên của định. Hoặc có: Là duyên của định không phải là định. Hoặc có: Là định cũng là duyên của định. Hoặc có: Không phải là định cũng không phải là duyên của định.

Đáp: Bốn trường hợp như vậy căn cứ theo nghĩa nên suy xét.

Hỏi: Từng có tâm đã diệt của tâm sát-na hiện ở trước. Hoặc có: Đã sinh không phải là tâm đã sinh làm nhân. Hoặc có: Tâm đã sinh làm nhân không phải là đã sinh. Hoặc có: Đã sinh cũng là tâm đã sinh làm nhân. Hoặc có: Không phải là đã sinh cũng không phải là tâm đã sinh làm nhân.

Đáp: Bốn trường hợp như vậy căn cứ theo nghĩa nên suy xét.

 

Phẩm thứ 3: PHÂN BIỆT TÂM SỞ PHÁP

Hỏi: Đã nhận biết hành tướng lưu chuyển không phải là một chỗ nương dựa, một đối tượng duyên, cũng như sự huyễn hóa rất khó điều phục như voi, ngựa dữ, do có tâm sai biệt như tham v.v… Nay lại muốn được nghe nói về tướng của tâm sở pháp. Thế nào là tâm sở pháp? Làm sao để nhận biết là riêng có?

Đáp: Các thọ v.v… hiện có gọi là tâm sở pháp. Vì kinh là lượng, nên nhận biết là riêng có Thể. Như Đức Thế Tôn nói: Do hai duyên là nhãn, sắc nên sinh ra nhãn thức. Vì ba sự hòa hợp nên xúc cùng với xúc đều cùng khởi, có thọ, tưởng, tư, cho đến nói rộng.

Trong Khế kinh Tát Tha Phiệt Để nói: Lại có suy nghĩ: Các tâm sở pháp dựa vào tâm mà khởi, hệ thuộc nơi tâm. Lại nữa, Tôn giả Xá-lợi-tử hỏi Tôn giả Câu-chi-la: Vì sao tưởng, tư gọi là ý hành? Câu-chi-la thưa: Hai tâm sở pháp này đều dựa vào tâm khởi, hệ thuộc nơi tâm, cho đến nói rộng.

Do vô lượng Khế kinh như vậy v.v…, nên nhận biết tâm sở pháp nhất định là có riêng Thể.

Lại, nếu tâm sở pháp không có Thể riêng thì Xa-ma-tha, Tỳbát-xá-na, căn thiện, thức trụ, các thứ thực, niệm trụ, các uẩn, sáu đại, giác chi, đạo chi, các kiết, pháp học, cùng chi hữu nơi Khế kinh đã nói nên giảm. Lại, không nên lập pháp địa đại v.v… Nhưng kinh đã nói pháp môn không giảm, pháp của địa đại v.v… thật sự có thể kiến lập, nên biết riêng có các tâm sở pháp.

Hỏi: Dựa vào đâu để nhận biết tâm sở tương ưng với tâm?

Đáp: Vì kinh là lượng (Thánh giáo lượng v.v…). Như Đức Thế Tôn nói: Kiến là tín căn, tương ưng với chứng trí. Nên biết tâm sở có nghĩa tương ưng.

Hỏi: Nói tương ưng là nghĩa gì?

Đáp: Các Đại Luận sư của A-tỳ-đạt-ma đều nói thế này: Nói tương ưng là nghĩa bình đẳng.

Hỏi: Có tâm lúc khởi vị thì tâm sở pháp nhiều. Có tâm lúc sinh thì tâm sở ít. Vì sao nói bình đẳng là nghĩa tương ưng?

Đáp: Vì dựa vào Thể bình đẳng nên nói như vậy. Nếu trong một tâm có hai thọ, một tưởng thì đúng không phải bình đẳng là nghĩa tương ưng. Nhưng trong một tâm chỉ có một thọ, một tưởng, tư v.v… cũng như vậy, nên nói bình đẳng là nghĩa tương ưng.

Lại nữa, cùng không trái nhau là nghĩa tương ưng. Cùng không ly tán là nghĩa tương ưng. Bình đẳng vận chuyển là nghĩa tương ưng. Như các bộ phận của xe, nên gọi là tương ưng.

Lại nữa, đồng một thời phần, đồng một chỗ dựa, đồng một hành tướng, đồng một đối tượng duyên, đồng một quả, đồng một đẳng lưu, đồng một dị thục, là nghĩa tương ưng.

Sự việc này lại là thế nào? Nghĩa là thọ, tưởng, tư cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao trước nói thọ, không phải nói tưởng trước v.v…?

Đáp: Vì hành tướng thô. Thọ tuy không trở ngại, không trụ ở nơi chốn nư hành tương thô nên thiết lập như sắc. Vì vậy thế gian nói: Hôm nay tôi đau tay, đau chân, đau đầu, cho đến nói rộng. Tưởng, tư, xúc v.v… không có việc như vậy.

Thế nào là thọ? Nghĩa là tánh lãnh nạp. Có dụng lãnh nạp, gọi là tánh lãnh nạp, tức là nghĩa nhận lãnh cảnh của đối tượng duyên.

Thọ này có ba thứ: Là lạc thọ, khổ thọ và bất khổ bất lạc thọ. Nếu có thể nuôi lớn đại chủng của các căn theo tánh thọ nhận bình đẳng gọi là lạc thọ. Nếu có thể tổn giảm đại chủng của các căn theo tánh thọ nhận không bình đẳng gọi là khổ thọ. Cùng với cả hai đều trái nhau, theo tánh thọ nhận không phải bình đẳng, không phải không bình đẳng, gọi là bất khổ bất lạc thọ.

Lại nữa, nếu ở nơi thọ này, khiến hai duyên nơi tùy miên tham tùy tăng, nghĩa là đối tượng duyên hoặc là tương ưng, đó gọi là lạc thọ. Nếu ở nơi thọ này, khiến hai duyên nơi tùy miên sân tùy tăng, nghĩa là đối tượng duyên hoặc là tương ưng, đó gọi là khổ thọ. Nếu ở nơi thọ này, khiến hai duyên nơi tùy miên si tùy tăng, nghĩa là đối tượng duyên hoặc là tương ưng, đó gọi là bất khổ bất lạc thọ. Tuy tùy miên si ở nơi hai duyên của tất cả thọ tùy tăng, nhưng si bất cộng tự dựa mà khởi, tự lực mà chuyển, nên phần nhiều cùng kết hợp với bất khổ bất lạc thọ. Vì các pháp còn lại là rõ, nên không nói đến.

Do vừa ý không vừa ý, thuận cảnh xả có sai biệt nên kiến lập ba tánh lãnh nạp như vậy. Thế nên chỉ nêu có ba thứ thọ nhưng thật sự thì tánh thọ có vô lượng thứ. Ngoài ra, là nhằm khiến nhận biết lạc thọ và bất khổ bất lạc thọ là không thật.

Hỏi: Nhân định kia do duyên nào nói lạc thọ là không thật?

Đáp: Vì kinh là Thánh giáo lượng. Nghĩa là Khế kinh nói các thọ hiện có đều là khổ. Lại như Khế kinh nói: Ông nên dùng khổ để quán lạc thọ. Nếu tánh của lạc thọ là thật có, thì sao Đức Thế Tôn lại dạy đệ tử quán lạc là khổ?

Lại như Khế kinh nói: Ở nơi khổ cho là lạc, gọi là điên đảo. Nếu có lạc thọ tức nên không có ở nơi khổ cho là lạc, là tưởng điên đả, tâm điên đảo, kiến điên đảo.

Lại như Khế kinh nói: Các thọ hữu lậu là thuộc về khổ đế.

Ở đây nói thuộc về: Là thuộc về tự tánh, không phải lạc thọ thật sự là tự tánh của khổ. Vì sao có thể nói là thuộc về khổ đế? Vì đã nói là thuộc về khổ đế nên lạc thọ là không thật.

Lại, vì tướng khác biệt. Nghĩa là tướng bức bách gọi là khổ. Không phải thật sự lạc thọ có tướng bức bách. Vậy sao có thể nói các thọ hữu lậu đều thuộc về khổ đế? Là do hiện quán. Nghĩa là quán tất cả hữu lậu đều là khổ, gọi là hiện quán. Nếu tánh của lạc thọ là thật có, thì việc quán lạc là khổ trở thành kiến điên đảo, nên không phải là hiện quán. Vì vậy nên biết nhất định không có lạc thọ thật sự. Các Luận sư A-tỳ-đạt-ma nói: Thật có lạc thọ vì lấy kinh để xác định.

Nghĩa là như Khế kinh nói: Đức Phật bảo Đại Danh: Nếu sắc hoàn toàn là khổ, không phải là vui, không phải là vui đã theo, thì hữu tình không nên tham đắm các sắc, cho đến nói rộng.

Lại như Khế kinh nói: Cùng lạc cùng hỷ đối với bốn Thánh đế, Ta nói là hiện quán.

Lại như Khế kinh nói: Có ba thứ thọ là lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ.

Lại như Khế kinh nói: Các lạc thọ lúc sinh khởi, lúc lạc trụ, lạc do vô thường nên có lỗi lầm tai hại. Các khổ thọ lúc sinh khởi, lúc khổ trụ, khổ do vô thường nên có lỗi lầm tai hại.

Nếu tánh của lạc thọ không phải là thật có, tức nên không phải tạo ra một cách nói như khổ. Tức nên ở nơi lạc thọ tạo ra cách nói khác. Tức nên ở nơi khổ thọ tạo ra cách nói khác.

Lại, nếu tánh của lạc thọ không phải là thật có, tức nên không có khinh an, do không có nhân. Như Khế kinh nói: Do có hỷ nên thân tâm khinh an. Nếu không có khinh an, tức cũng nên không có lạc. Lần lượt cho đến tức nên không có Niết-bàn, không có nhân quả, vì không phải hữu.

Sư kia ở đây đã tạo ra ngôn thuyết theo nghĩa biện hộ: Như trong địa trên tuy không có hỷ nhưng không phải không có thân tâm khinh an, thế nên lời dẫn chứng không phải là quyết định.

Sự biện hộ kia là phi lý. Vì sao? Vì trong địa trên đều không có hỷ. Nên quán về nghĩa này. Như Kiền-đạt-phược do ba sự hòa hợp là thức ăn, danh sắc và thức. Như Khế kinh nói: Cha mẹ giao hợp có Kiền-đạt-phược đang hiện ở trước, nhưng lúc thấy hữu, không có cha mẹ giao hợp, thì Kiền-đạt-phược cũng hiện ở trước. Như thọ thấp sinh và hóa sinh, không phải thọ hai thứ thai sinh, noãn sinh, loài hữu tình lìa sự việc cha mẹ giao hợp vẫn có nghĩa vào thai.

Lại như Khế kinh nói: Ba sự hòa hợp là thọ mạng, hơi ấm và thức. Nhưng cõi vô sắc tuy không có hơi ấm nhưng có thọ mạng và thức, không phải là thân của cõi dục, cõi sắc, vì thọ mạng và thức đã lìa hơi ấm.

Lại như Khế kinh nói: Thân dựa vào thức ăn để trụ. Không phải hai cõi trên trụ do ba thứ ăn, cõi dục cũng như vậy. Không phải trong cõi dục trụ do bốn thứ ăn, cõi trên cũng như vậy.

Lại như Khế kinh nói: Danh sắc duyên thức, thức duyên danh sắc. Không phải cõi vô sắc tuy không có sắc nhưng danh cùng với thức lần lượt duyên nhau, khiến trong cõi dục, sắc cũng có nghĩa này. Ở đây cũng như vậy. Nếu có xứ hỷ, do có hỷ nên có được khinh an. Nếu xứ hỷ không có, khinh an cũng có, là do duyên khác. Tức không nên vấn nạn.

Thế nào là duyên khác? Nghĩa là trước tiên nơi cõi dục có hỷ thọ hơn hết dẫn đến khinh an của định vị chí khiến khởi. Hai tĩnh lự đầu có hỷ thọ hơn hết, dẫn đến khinh an trong địa trên, khiến khởi. Nếu khiến không có hỷ tức không có khinh an, do đấy chứng biết nhất định là có lạc thọ.

Lại như quả thứ nhất, ở hai cõi trên, tuy không thể đạt được, nhưng nơi hai cõi kia có thể được quả A-la-hán, do sức trước dẫn dắt. Đây cũng tức như vậy, không nên nêu ra vấn nạn.

Lại như dùng cây gậy, trước là đánh vào bánh xe, sau lúc bỏ gậy, bánh xe kia vẫn còn quay. Ở đây cũng nên như vậy. Do sức của hỷ trước dẫn đến khinh an sau. Thế nên khinh an nhất định là do có hỷ. Hỷ tức là hỷ thọ thuộc về lạc thọ. Vì vậy nhất định nhận biết thật có lạc thọ.

Lại, do lạc thọ nên có hy vọng. Như Khế kinh nói: Nếu người có lạc thì đối với pháp có hy vọng. Lạc thọ nếu không, tức nên đối với pháp không có hy vọng. Vì thế nhận biết nhất định là thật có lạc thọ.

Lại, vì nghiệp đáng yêu thích tức nên không có quả. Nếu không có lạc thọ, thì các nghiệp đáng yêu thích tức nên trống không, không có quả. Vì các nghiệp đáng yêu thích nhất định do lạc thọ là quả của các nghiệp ấy. Cũng không nên nói các nghiệp đáng yêu thích đều lấy các vật dụng tạo an lạc làm quả dị thục, vì các vật dụng kia chỉ là quả tăng thượng. Nghĩa là các vật dụng tạo an lạc là quả tăng thượng, không phải là quả dị thục. Vì sao? Vì các vật dụng tạo an lạc hiện có đều có thể có cùng với người khác cùng thọ dụng. Vì sau khi mình qua đời, chúng không hoại mất. Nghĩa là các vật dụng tạo an lạc đều có thể cùng thọ dụng với hữu tình khác. Các quả dị thục thì nhất định không có nghĩa thọ dụng chung cùng với người khác, vì gắn liền với sự tương tục của chính mình, không cùng với người khác.

Lại nữa, các vật dụng tạo an lạc sau khi mình qua đời, như voi, ngựa v.v… cũng không hoại mất. Các quả dị thục đều cùng với thân mạng kết hợp. Thân mạng nếu đã không có, thì quả dị thục kia nhất định hoại mất. Cho nên nghiệp đáng yêu thích nếu không có thì lạc thọ tức nên trống không, không có quả. Lý ấy là quyết định.

Lại, vì gồm thâu lợi ích. Nếu không có lạc thọ, thì đại chủng của các căn tức nên không có gồm thâu lợi ích. Nếu cho việc gồm thâu lợi ích là do các hữu tình phân biệt cảnh giới, không phải do lạc thọ, thì lý ấy cũng không đúng. Nên biết gồm thâu lợi ích như do khổ thọ nên có tổn hại.

Lại, vì chánh gia hạnh tất có quả. Nếu không có lạc thọ, thì chánh gia hạnh tức nên trống không, không có quả. Người chánh gia hạnh tức nên lấy khổ thọ làm quả dị thục, vì không có lạc thọ. Như tà gia hành tất lấy khổ thọ làm quả dị thục, chánh gia hạnh nên dùng lạc thọ làm quả dị thục. Vì cùng trái nhau, như sáng với tối, bóng với ánh sáng v.v…

Lại, do lạc thọ khởi hành ác. Nếu không có lạc thọ, thì hành ác tức nên không có. Do các hữu tình tham đắm lạc thọ, nên khởi các hành ác chiêu cảm quả khổ thọ. Hành ác nếu không có tức nên không có khổ thọ. Khổ thọ đã có thì hành ác không phải là không có. Đã có hành ác thì nhất định là có lạc thọ.

Lại, vì pháp thọ. Như Khế kinh nói: Có bốn pháp thọ: Hoặc có pháp thọ hiện vui, sau khổ. Hoặc có pháp thọ hiện khổ, sau vui. Hoặc có pháp thọ hiện vui, sau vui. Hoặc có pháp thọ hiện khổ, sau khổ. Nếu không có lạc thọ, thì pháp thọ tức nên là một, không nên có bốn. Do vô số các nhân duyên như thế, nên nhất định là có lạc thọ.

Hỏi: Nếu có lạc thọ thì lời Đức Thế Tôn đã nói trái với lạc thọ. Vậy kinh kia có lý sâu xa gì?

Đáp: Vì có lý sâu xa riêng. Lại, như kinh đầu nói: Các thọ hiện có đều là khổ. Nên biết là kinh kia đã dựa vào ba khổ để nói. Những gì là ba khổ? (1) Khổ khổ. (2) Hoại khổ. (3) Hành khổ. Nếu các khổ thọ thì do khổ khổ nên nói là khổ. Hoặc các lạc thọ thì do hoại khổ nên nói là khổ. Hoặc các bất khổ bất lạc thọ thì do hành khổ nên nói là khổ. Như Khế kinh nói: “Vì vô thường nên khổ”. Nên biết kinh kia có lý sâu xa này.

HẾT – QUYỂN HẠ

Trang: 1 2