NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Châu Trọng Hoa
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học
Thư trả lời cư sĩ Châu Trọng Hoa
(thư thứ nhất)
Nhận được thư biết lệnh nghiêm[1] đã qua đời vào ngày Hai Mươi Sáu tháng Mười Một (Thư báo tin buồn vẫn chưa gởi đến. Cũng không cần phải đọc thư báo tin buồn đã có thể biết rõ cụ có được sanh về Tây hay không). May là trước khi cụ mất, đã thiết tha dặn dò các ông hãy tuân theo những gì Văn Sao, Gia Ngôn Lục đã nói, nên cụ được chánh niệm vãng sanh. Tuy do túc căn hiển hiện trong đời này chiêu cảm mà cha ông [được sự vãng sanh tốt lành như thế], nhưng cũng là vì anh em trai, chị em gái của ông chẳng thuận theo phàm tình, tin sâu Phật pháp và tuân theo lời cha dạy mà ra! May mắn chi hơn? Nói chung, tấm lòng của kẻ làm con là mong cha mẹ sống mãi trên đời, nhưng tướng thế gian vốn thuộc sanh diệt chẳng trụ, há có thể còn mãi được ư?
Nay cụ đã mất rồi, chớ nên bi ai quá mức, hãy nên sốt sắng niệm Phật để linh hồn của cha ta được hưởng lợi ích thật sự! Nếu cụ chưa được vãng sanh thì cầu cho cụ được vãng sanh. Đã được vãng sanh, ắt sẽ tăng cao phẩm vị. Đừng thuận theo thói tục hèn kém, biến chuyện tang tóc thành dịp vui, bày vẽ mù quáng, phô trương hồ đồ, mắc tội với cha, với trời! Cha ông trước khi mất khiết tịnh, mất rồi vẫn khiết tịnh, điều ấy quả thật đã biểu thị thân tâm thanh tịnh. Kẻ có nghiệp lực thì chẳng những không thể khiết tịnh trong khi ấy, mà có kẻ còn tự ăn phân nhằm thể hiện tướng đọa lạc.
Hết thảy mọi chuyện trong đời người đều có thể giả vờ, chỉ có những tướng được biểu hiện khi sắp chết và sau khi chết đều chẳng thể nào làm giả được! Con người sắp chết, vẻ mặt liền biến đổi, huống chi chết đã hai ngày rồi lại càng thêm vui vẻ, hiện vẻ mỉm cười, đấy chính là tướng biểu thị vãng sanh. Lại nữa, chết đã mấy ngày, toàn thân đã lạnh, trán vẫn còn hơi ấm, đấy cũng là tướng biểu thị vãng sanh. Do phàm phu khi chết, hơi nóng từ dưới dồn lên trên. Nếu đảnh môn lạnh đi sau cùng, ắt là trở về thánh đạo, liễu sanh thoát tử. Ông chẳng biết rõ, nhưng cứ dựa theo vẻ mặt [cha ông] sau khi mất và lúc lâm chung được mọi người trợ niệm, thành tựu tịnh tâm, ắt cụ được đức Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Cha ông đã như thế thì mẹ ông cũng phải nên như thế. Phận làm con hành được đạo giúp đỡ cha mẹ như thế khiến cho [cha mẹ] được siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử thì tất cả sự hiếu trong thế gian chẳng thể nào sánh bằng!
Thân ta chính là di thể của cha mẹ ta; giữ lấy di thể của cha mẹ, nào dám chẳng dè dặt, kinh sợ để mong đấng sanh thành khỏi bị hổ thẹn ư? Do vậy, cần phải khăng khắng giữ vẹn luân thường, nghiêm túc trọn hết bổn phận của chính mình, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đánh đổ điều ham muốn xằng bậy để khôi phục lễ nghĩa, chẳng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, kiêng giết, bảo vệ sanh mạng, yêu tiếc giấy chữ, ngũ cốc. Người làm được như vậy đáng gọi là thiện nhân, đáng gọi là hiếu tử, đáng gọi là tôn kính cha mẹ. Lại còn có thể y theo pháp môn Tịnh Độ tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì sống sẽ dự vào bậc thánh hiền, mất đi trở về nước Cực Lạc, may mắn chi hơn?
Hơn nữa, hiện thời thế đạo nhân tâm đã bại hoại đến cùng cực. Thiên tai, nhân họa giáng xuống bất ngờ. Họa hoạn xảy đến chẳng thể lường trước, trốn cũng không được, ngừa chẳng thể ngừa. Nếu có thể y theo những gì Văn Sao, Gia Ngôn Lục đã nói, chí thành niệm Phật và niệm Quán Thế Âm, ắt sẽ âm thầm được gia bị, hoặc chuyển biến thành không có tai nạn gì, hoặc chuyển nặng thành nhẹ, quyết chẳng đến nỗi phải chịu tai ương giống như người không niệm Phật! Cõi đời hiện nay chẳng giống như cõi đời mấy chục năm trước kia. Muốn chuyển hồi thế đạo nhân tâm, muốn cho con cái trong gia đình hiền thiện mà chẳng sốt sắng đề xướng nhân quả báo ứng và giáo dục trong gia đình (tức những đạo lý làm người như cha từ, con hiếu v.v…) thì trọn chẳng có hy vọng gì! Giáo dục trong gia đình, cần nhất phải chú trọng sao cho hai pháp nhân quả và báo ứng bổ trợ nhau, bổ sung cho nhau thì mới có lợi ích thật sự.
Chớ nói “ông là một người xuất gia sao cứ miệt mài đem những chuyện này nói với người khác?” Bởi lẽ, trong cõi đời hiện thời, những học thuyết phế kinh điển, bỏ hiếu, phế luân thường, vứt bỏ hổ thẹn… khiến lòng người bị ngu muội cứ nối tiếp nhau dấy lên. Nếu chẳng đem nhân quả báo ứng và đạo làm người bàn giảng kỹ càng cho con cái từ thuở thơ ấu thì sau này muốn cho chúng nó chẳng bị những tà thuyết xoay chuyển sẽ khó lắm, hết sức khó! Thiên hạ chẳng yên, thất phu có trách nhiệm! [Nói như vậy có] nghĩa là “khéo dạy dỗ con cái sao cho chúng nó trở thành hiền thiện” [sao cho] phong thái này từ một làng, một ấp lan ra khắp thiên hạ. Tôi thường nói: “Dạy con là cái gốc để bình trị, nhưng dạy con gái lại càng quan trọng thiết yếu hơn! Vì nữ nhân có quyền hạn giúp chồng dạy con. Nếu con gái hiền thiện thì con rể và con cái chúng nó sẽ đều hiền thiện”. Do vậy, lại nói: “Quyền trị gia bình thiên hạ bọn nữ nhân chiếm quá nửa”, ấy chính là chân ngữ, thật ngữ. Muốn cho cửa nhà hưng thịnh, con cháu hiền thiện, hãy nên lấy lời tôi làm khuôn thước thì những điều mong cầu sẽ đều đạt được.
Lại nữa, đề xướng nhân quả báo ứng, không tốt gì bằng dạy người ta thọ trì Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, Văn Xương Âm Chất Văn, bởi những loại sách giảng về thiện – ác [người ta] vừa đọc liền hiểu rõ thì sẽ dễ được lợi ích. Bành Định Cầu[2] từ nhỏ hằng ngày đọc tụng hai bộ sách này, tới khi đỗ Trạng Nguyên làm Thượng Thư, vẫn hằng ngày tụng đọc. Lúc rảnh rỗi bèn cung kính chép lại tặng cho người khác, ghi là Nguyên Tể Tất Độc Thư (sách phải đọc của Trạng Nguyên, Tể Tướng). Lời Bạt viết: “Không phải là đọc sách này có thể làm Trạng Nguyên, Tể Tướng, mà là Trạng Nguyên, Tể Tướng quyết chẳng thể không đọc sách này!” Đủ biết tầm quan trọng của hai bộ sách ấy! Trong khóa tụng sáng tối, lúc hồi hướng, Quang sẽ đọc pháp danh của cha ông để hồi hướng suốt một thất cho trọn hết tình nghĩa thầy trò. Những điều khác xin ông hãy đọc kỹ trong Văn Sao, Gia Ngôn Lục, ở đây không viết đầy đủ (Ngày Mười Ba tháng Mười Hai, viết dưới đèn)
(thư thứ hai)
Thư nhận được đầy đủ. Biện pháp áp dụng trong đám tang như thế chẳng những hữu ích cho người mất mà thật sự còn khiến cho cả nhà đều gieo thiện căn không chi lớn bằng! Sau này, dẫu chẳng thể ăn chay trường thì cũng nên bớt ăn mặn, lập quy định chẳng đích thân giết chóc trong nhà để đỡ kết sát nghiệp. Chị ông muốn chuyên nhất niệm Phật thì vốn không có chương trình cố định. Nếu chiếu theo chương trình niệm Phật bình thường, canh Năm dậy lễ Phật (bao nhiêu lễ tùy theo mình lập). Lễ xong, niệm kinh Di Đà một biến, Vãng Sanh Chú (ba biến hoặc bảy biến, hoặc hai mươi mốt biến) xong liền niệm kệ Tán Phật, nhiễu niệm bao nhiêu câu đó, rồi mới tịnh tọa nửa tiếng, rồi lại niệm ra tiếng độ bao nhiêu câu, rồi quỳ niệm Quán Âm, Thế Chí, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát, mỗi danh hiệu ba lượt (Nếu muốn lễ bái thì trước hết lễ Phật bao nhiêu đó lạy, xưng danh hiệu Bồ Tát chín lượt, rồi lễ chín lạy), niệm bài văn phát nguyện, Tam Quy Y. Đấy là công khóa buổi sáng.
Ăn cơm sáng xong, tịnh tọa một khắc, lại đến lúc niệm Phật thì lễ Phật ba lạy, hoặc lễ nhiều hơn xong liền niệm kệ Tán Phật. Niệm xong, đi nhiễu và ngồi đều chiếu theo như trên; chỉ có điều niệm Phật xong, không cần phải niệm bài văn phát nguyện dài, chỉ niệm bốn câu kệ “nguyện sanh Tây Phương Tịnh Độ trung…” là được rồi, lễ bái lui ra. Hoặc buổi sáng hai thời, buổi chiều hai thời. Khóa chiều giống như khóa sáng. Buổi tối lại niệm Phật một lần, vẫn chiếu theo chương trình giống như sau khi ăn cơm sáng. Niệm xong phát nguyện, nên niệm bài văn phát nguyện do Tổ Liên Trì san định. Niệm xong, đọc bài Tam Quy Y.
Tuy trong đây có lúc khởi lên Phật hiệu, có lúc im lặng, nhưng trong tâm luôn giữ cho một câu Phật hiệu được trì niệm chẳng gián đoạn. Đi – đứng – nằm – ngồi, mặc áo, ăn cơm, đại tiểu tiện, trong tâm đều phải thầm nhớ Phật hiệu. Trong bảy ngày chẳng để khởi lên hết thảy tạp niệm, như con nhớ mẹ không lúc nào quên. Khi niệm, cố nhiên là niệm [Phật], lúc lặng tiếng không niệm thì trong tâm vẫn niệm, chỉ cầu tâm tương ứng với Phật (tức “ngoài tâm không có Phật, ngoài Phật không có tâm. Toàn tâm là Phật, toàn Phật là tâm”. Trong tâm trừ sáu chữ hồng danh ra, không có hết thảy tạp niệm, vì thế gọi là “tương ứng”), chớ nên khởi cái tâm muốn thấy đức Phật ngay. Chỉ cầu ngoài Phật hiệu ra, không có niệm thứ hai nào khác mà thôi!
Nếu chẳng hiểu rõ lý tánh, gấp muốn thấy Phật, phần nhiều chuốc phải ma sự, chẳng thể không cẩn thận! Cũng đừng nhọc nhằn quá mức; quá mệt nhọc thì ngày hôm sau sẽ khó thể thanh thản, sảng khoái đúng như pháp được! Hoặc là mỗi lần niệm Phật đều niệm A Di Đà Kinh, Vãng Sanh Chú, nhưng sáng dậy phát nguyện thì niệm bài văn phát nguyện dài, khóa tối cũng giống như thế, những lúc khác đều niệm bốn câu [kệ hồi hướng] mà thôi. Hoặc là sáng dậy [niệm Phật] lần thứ nhất thì niệm A Di Đà Kinh, Vãng Sanh Chú, từ đấy chỉ liên tục niệm A Di Đà Phật không ngừng, đến tối niệm bài văn phát nguyện, Tam Quy Y.
Con người ở trong thế gian chẳng thể siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử đều là do vọng niệm gây nên. Nay trong lúc niệm Phật, liền nghĩ như chính mình đã chết, chưa được vãng sanh, trong mỗi một niệm đều gác bỏ tất cả hết thảy tình niệm thế gian ra ngoài. Trừ một câu Phật hiệu ra, không có một niệm nào để được! Làm thế nào để niệm được như thế? Là vì ta đã chết rồi, tất cả hết thảy vọng niệm đều chẳng vướng mắc nữa. Niệm được như thế ắt sẽ có lợi ích lớn lao. Những kẻ tri kiến nhỏ nhoi hiện thời hễ hơi có một chút cảnh giới tốt đẹp bèn tự mãn, tự cho là đủ, tưởng mình đã đắc tam-muội rồi! Hạng người ấy mười người hết chín kẻ đều bị ma dựa phát cuồng vì tâm niệm cách ngăn với Phật, phù hợp với ma, cho nên thành ra như vậy.
Mười đồng tiền hương kính đợi sau này các sách được in ra sẽ dựa theo khoản tiền ấy gởi đi mấy gói sách. Hôm Hai Mươi Ba, Quang xuống núi, đến chùa Thái Bình ở bến Trần Gia, Thượng Hải, để lo liệu việc in sách. Tháng Sáu mới trở về núi, tháng Bảy lại xuống núi chẳng trở về nữa. Tháng Tám, tháng Chín việc in sách xong xuôi, liền diệt hết tung tích, ẩn náu lâu dài. Bởi lẽ trong những năm tháng vừa qua, chuyện thù tiếp ngày một thêm nhiều, tinh thần ngày một giảm. Nếu chẳng làm theo một cách khác, ắt sẽ mệt đến chết. Đã tổn hại cho chính mình mà còn vô ích cho người! Vì thế, không thể nào chẳng làm như vậy được!
Thế đạo hiện thời là thế đạo đại hoạn nạn. Họa hoạn xảy đến không thể trốn tránh được! Chỉ có niệm Phật, niệm Quán Thế Âm thì mới chẳng gặp hoạn nạn. Dẫu bất hạnh gặp phải thì cũng có thể “gặp dữ hóa lành”. Gần đây, những kẻ do gặp hoạn nạn bèn niệm Phật, niệm Quán Âm được cảm ứng nhiều khôn kể xiết! Gia đình ông còn được coi là “có của ăn của để”, hãy nên dạy nam – nữ – lớn – bé trong nhà đều hằng ngày niệm Phật bao nhiêu đó câu, niệm Quán Âm bao nhiêu đó câu để làm kế dự phòng. Lúc vô sự niệm thì sẽ không có họa hoạn. Dẫu lúc đương đầu với hoạn nạn mà có thể chí tâm niệm thì công đức cũng chẳng thể nghĩ bàn. Người đời đều muốn yên vui, nhưng thường hay làm chuyện trái nghịch, đến nỗi trở thành vọng tưởng xuông, chẳng có lợi ích thật sự. Những điều vừa nói trên đây quả thật là những điều suy tính cho gia đình ông vừa sâu xa vừa thiết thực vậy! (Viết vào lúc lên đèn ngày Hai Mươi Mốt tháng Hai)
***
[1] Lệnh nghiêm: Tiếng gọi tỏ vẻ kính trọng cha người khác.
[2] Bành Định Cầu (1645-1719), tự Cần Chỉ, hiệu Phỏng Liêm, đỗ Trạng Nguyên năm Khang Hy (1591-1676), được bổ làm Hàn Lâm Tu Soạn, kiêm Tư Nghiệp trường Quốc Tử Giám. Ông là con người đức độ, chánh trực, rất được vua quý trọng. Người đương thời tặng ông mỹ hiệu “Nam Vận tiên sinh”.