NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Châu Trí Trinh
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Châu Trí Trinh

(thư thứ nhất)

Quang đến đất Thân (Thượng Hải) từ hôm Hai Mươi Lăm tháng Bảy, đúng bữa nay trở về núi thì nhận được thư ông từ núi chuyển đến, biết cha ông sắp qua đời. Cần biết rằng: Người sống trăm tuổi cũng có ngày ra đi, chớ nên bi thương vô ích! Chỉ nên khuyên cụ nhất tâm niệm Phật giống như đang ở trong lao ngục mong trở về quê nhà, chớ nên có mảy may tâm lưu luyến. Ông và quyến thuộc trong nhà hãy nên chia ban niệm Phật trước cụ để cụ lắng tai nghe cho rõ ràng. Đến lúc cụ sắp mất, nếu cụ có thể tự tắm rửa, thay quần áo thì tốt lắm. Nếu không, đừng tắm rửa, thay quần áo sẵn cho cụ để đến nỗi dời qua, chuyển lại, thân tâm bất an, có thể sanh lòng sân hận thì cái hại ấy chẳng nông cạn đâu! Dẫu chẳng khó chịu, nhưng do bị dời động, tâm cũng chẳng thể thanh tịnh, sẽ khó cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương. Đang trong lúc ấy, quyến thuộc trong nhà đều cùng nên niệm Phật, niệm mãi cho đến khi [người sắp mất] tắt hơi. Qua ba tiếng đồng hồ sau mới ngưng tiếng niệm Phật để lau rửa, thay áo cho người đã mất. Nếu khớp tay đã cứng, mặc áo không tiện thì dùng khăn bông thấm nước nóng đắp trên vai, cánh tay, khủy tay, không lâu sau sẽ mềm ra, có thể mặc áo được!

Điều tối kỵ là chưa chết đã khóc lóc khiến cho cụ sanh tâm bi luyến sẽ khó được vãng sanh. Những chuyện này, Văn Sao, Gia Ngôn Lục đều đã nói tường tận, sợ ông chẳng lưu tâm nên nhắc lại! Sau khi đã chết, chỉ nên niệm Phật, đừng làm đàn Thủy Lục, niệm kinh, bái sám; do những chuyện ấy đều là thực hiện bề ngoài, phô trương thanh thế rỗng tuếch, có lợi ích thật sự rất ít! Hơn nữa, trong đám tang nhất loạt không dùng rượu thịt. Cổ lễ của Nho gia nghiêm cấm rượu thịt trong đám tang. Nếu dùng, người ta sẽ nghĩ [tang quyến] thất đức. Đời nay lễ nghĩa hoàn toàn bị chôn vùi, cho nên ăn thịt, uống rượu, tấu nhạc, ca hát, diễn tuồng, không điều gì chẳng làm! Nhưng cha ông đã quy y Phật pháp, ông cũng quy y Phật pháp, há có nên vẫn hành theo khuôn sáo xấu ác của thế gian ư? Mong hãy nói rõ nguyên do với các anh em của ông, đừng coi chuyện đại bất hiếu là có hiếu.

Hãy nên niệm Phật cho thần thức của cha được yên vui thì mới là hiếu. Làm được như thế thì cha ông cố nhiên được lợi ích, mà anh em con cháu cũng đều được lợi ích. Đừng cho rằng “những lời Quang nói đều chẳng thể tuân theo được” thì kẻ sống lẫn người mất đều được lợi ích. Ông không hiểu sự quá mức, vì chuyện của cha ông mà thỉnh thầy khai thị, thế nhưng vẫn chẳng nói “đảnh lễ, dập đầu” v.v… chỉ nói là “chắp mười ngón tay”. Ông thử suy nghĩ xem: Chuyện trọng đại ấy mà chỉ chắp mười ngón tay là xong, chẳng phải là coi chuyện ấy giống hệt như chuyện chẳng khẩn yếu hay sao? Do ông không biết nên Quang mới nói với ông, chứ không phải là mong được ông cung kính đâu nhé! (Mồng Một tháng Chạp, trước Ngọ liền về núi trong bữa ấy)

(thư thứ hai)

Sao ông chẳng biết sự vụ? Cứ không có chuyện gì lại bới ra chuyện, sai Thừa Tuân hai lượt sang đất Hỗ (Thượng Hải) để hỏi về chuyện thọ giới. Hơn nữa, Văn Sao, Gia Ngôn Lục tuy sâu, nhưng chẳng lẽ hoàn toàn không biết, lại cứ muốn Quang khai thị cho ông những pháp thiển cận ư? Thiển cận thì đã có Di Đà Kinh Bạch Thoại Chú Giải, há lẽ nào chẳng hiểu được lý ư? Quang chẳng ngại giảng cho ông một pháp giản lược. Pháp môn Tịnh Độ lấy ba pháp Tín – Nguyện – Hạnh làm Tông, cần phải thật sự vì liễu sanh thoát tử để phát đại Bồ Đề tâm “trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh”, dùng lòng tin sâu đậm, nguyện thiết tha để niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do vậy, Triệt Ngộ thiền sư nói: “Thật vì sanh tử phát Bồ Đề tâm, dùng tín nguyện sâu, trì danh hiệu Phật”. Mười sáu chữ ấy là cương tông lớn lao của pháp môn Niệm Phật. Đấy chính là yếu quyết giản tiện nhất.

Hơn nữa, khi niệm, ắt phải tâm, miệng, tai từng câu từng chữ rành rẽ phân minh: Niệm cho rõ ràng, nghe cho rõ ràng, tâm tự chẳng tán loạn. Tâm còn phải thường giữ chánh niệm, chẳng để cho hết thảy những ý niệm tham -sân – si đủ mọi thứ bất chánh chớm sanh. Nếu chúng ngẫu nhiên sanh khởi liền dùng Phật hiệu để chế ngự khiến cho chúng bị tiêu diệt.

Cha ông và ông đều cùng quy y, Thừa Tuân hai phen đến gặp, chỉ thấy khẽ vòng tay. Dẫu cho vái chào một cái thật sâu cũng chẳng chịu làm! Như vậy thì chẳng những khinh Tăng mà còn là khinh cha. Gặp thầy của cha, đến hỏi Phật pháp chẳng chịu tỏ lộ ý muốn cung kính chút nào, mà muốn được lợi ích nơi Phật pháp sẽ khó thể đạt được lắm! Quang đã quyết định ẩn giấu tung tích, nhưng muốn lợi người nên chẳng ngại nói với ông! (Mồng Chín tháng Tư, viết dưới đèn)