SỐ 1516/2
LUẬN THÁNH PHẬT MẪU BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA CỬU TỤNG TINH NGHĨA
Tác giả: Bồ tát Thắng Đức Xích Y
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Hộ
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 1

Bốn Kệ nói:

Trí Bát-nhã Ba-la-mật-đa

Thể chứa tụ công đức báu, thiện

Hết thảy Ba-la-mật hiện có

Pháp ấy xưa nay tánh thường trụ.

Lìa các hý luận, không đối ngại

Dứt mọi phân biệt, đạt an ổn

Không tự tánh, vi diệu tối thượng

Lìa các thứ danh, tướng hiện có.

Phương tiện tuyên thuyết pháp ba Thừa

Mà tướng đạt được nơi các Thừa

Đều là nhân trí Nhất thiết trí

Đảnh lễ Bát-nhã Ba-la-mật.

Tuệ thắng hiện có, đến bờ kia

Như người vui muốn hành chánh quán

Phải nên nơi nghĩa chín Tụng nầy

Tổng, lược như lý mà xét chọn.

Chín Tụng nêu:

Theo nghiệp tăng thượng sinh

Gọi là tướng sáu xứ

Tức đây nói lại sinh

Chốn nhân như ảnh hiện.

Như huyễn, thành được hóa

Chủ thể quán, cũng hóa

Như sắc được thấy kia

Nghiệp hóa đời cũng vậy.

Các âm thanh nói pháp

Tức là cảnh giới nghe

Đều như đối tiếng vang

Duyên thành năng, sở nghe.

Ngửi hương cùng nếm vị

Cảnh như xúc, ái chấp

Hết thảy ấy như mộng

Tuy được, không có thật.

Như huyễn chuyển thành người

Các hành tạo không thật

Đây như hành tạo kia

Thân chuyển cũng vô ngã.

Như đủ loại đạt được

Cực sát-na kia sinh

Đây cùng với dợn nắng

Thấy, tức hoại vô tướng.

Sở thủ như ảnh tượng

Vô thỉ, từ tâm sinh

Tức tướng cùng thức ấy

Hỗ tương như hình bóng.

Quán trong chủng tự tịnh

Nếu trí, trăng xuất hiện

Như trăng trong nước kia

Hiện tiền không chốn có.

Như trí được tương ưng

Tức tướng hư không đó

Do đấy, trí nhận biết

Đều như tướng hư không.

1. Như kệ trước nói:

Tuệ thắng hiện có, đến bờ kia

Như người vui muốn hành chánh quán

Phải nên nơi nghĩa chín Tụng nầy

Tổng, lược như lý mà xét chọn.

Nói là Tuệ thắng: Nghĩa là các tướng như văn, tư, tu.

Bờ kia: Là nghĩa biên vực.

Đến: Là đi đến. Nghĩa là đạt tới biên vực cứu cánh, lìa các xứ sở phân biệt. Như vậy cho đến trọn cùng của nghĩa ấy.

Chánh quán: Nghĩa là tướng không điên đảo.

Vui muốn: Đó là tác ý, hy vọng là tánh.

Nghĩa nầy: Là nghĩa hiện có lúc nói về chín Tụng ấy. Nghĩa tức là môn nghĩa.

Xét chọn: Tức là tư duy, quyết định lựa chọn. Tư duy như thế nào? Tụng nói: Tổng, lược.

Tổng lược: Là bao tổng, gồm lược.

Ở đây nên hỏi: Do đâu nói là tổng – lược?

Đáp: Vì khiến cho người căn độn có thể hiểu được nghĩa.

2. Trước đã nêu chín Tụng, nay theo thứ lớp giải thích:

* Tụng thứ 1 nêu:

Theo nghiệp tăng thượng sinh

Gọi là tướng sáu xứ

Tức đây nói lại sinh

Chốn nhân như ảnh hiện.

Nghiệp: Nghĩa là nghiệp thiện, bất thiện.

Tăng thượng: Là nghiệp tăng thượng. Do sức tăng thượng của các nghiệp ấy, nên chúng tức có sinh. Sinh nơi chốn nào? Tụng nói: Tướng sáu xứ. Xứ nghĩa là xứ của đối tượng được sinh, là chỗ dựa của thức, nên gọi là xứ. Đây lại là thế nào? Nghĩa là sáu xứ trong như mắt v.v…

Tụng nói tướng: Là nghĩa tiêu biểu. Nếu tướng của sáu xứ nầy có chỗ sinh, tức các pháp kia như thế là lại sinh. Ở đây nói như thế, là nghĩa quyết định thành tựu trọn vẹn.

Hỏi: Ở trong thắng nghĩa đế, thế nào là tự tánh?

Tụng tự giải thích, nói: Chốn nhân như ảnh hiện, do dùng ảnh hiện làm dụ, nên ở trong ảnh hiện, các hữu tình, chủ thể tạo nghiệp, cùng đối tượng tạo tác là sự việc đều lìa tánh không. Nghĩa nầy là trọn cùng.

Lại nữa, nơi sáu xứ bên ngoài như sắc v.v… tự tánh sinh khởi, nay sẽ theo thứ lớp của mỗi mỗi thứ để hiển bày.

* Tụng thứ 2 nêu:

Như huyễn, thành được hóa

Chủ thể quán, cũng hóa

Như sắc được thấy kia

Nghiệp hóa đời cũng vậy.

Cũng như pháp huyễn đã hóa ra thành ấp. Sau, chủ thể quán cũng tức là hóa. Hai thứ ấy không phải là có. Vì sao? Vì tánh không thật sinh. Nhưng chủ thể thấy, đối tượng được thấy nơi hai sắc tướng đó, bên ngoài có đối ngại đều là nghiệp hóa. Đối tượng được thấy nơi ba cõi của thế gian, đây cũng như kia, nên về nghĩa cũng thế. Ở đây, hóa như thế, so với đối tượng được hóa ấy, tánh không sai biệt. Nên Tụng sau nói: Như thanh đối tiếng vang, là chứng nhận cho nghĩa đó.

* Tụng thứ 3 nêu:

Các âm thanh nói pháp

Tức là cảnh giới nghe

Đều như đối tiếng vang

Duyên thành năng, sở nghe.

Gọi là nói pháp: Tức chủ thể thuyết giảng, tăng thượng được sinh. Âm thanh được đối kia là cảnh giới nghe. Nếu cảnh giới nghe ở đây như thế, nên từ các pháp khác đều như vậy sinh, do đó dùng dụ như âm thanh đối tiếng vang. Âm thanh ấy đối tiếng vang, cùng với pháp khác đồng. Ở đây nói không sai biệt như vậy, nên gọi là tất cả ngôn thuyết được nêu.

Duyên thành: Tức là duyên thành như nghe v.v… Nghe như các thứ hiện có ấy đều là tánh được tạo tác. Thế nên chủ thể (Năng) nghe, đối tượng (Sở) được nghe, trong chỗ “Có sở đắc” đều là duyên thành.

Do vậy có âm thanh đều như đối tiếng vang. Như thế, nghĩa đó được nói là rốt ráo. Nên Tụng sau nêu: Hết thảy ấy như mộng, là chứng nhận do nghĩa ấy.

* Tụng thứ 4 nêu:

Ngửi hương cùng nếm vị

Cảnh như xúc, ái chấp

Hết thảy ấy như mộng

Tuy được, không có thật.

Nói ngửi hương: Nghĩa là cảnh giới của tỵ thức. Các đối tượng được tạo tác, tánh như hương v.v… được ngửi.

Nếm vị: Là cảnh giới của thiệt thức, biết rõ các vị.

Xúc: Là cảnh giới của thân thức, nhận biết các xúc.

Ở trong các cảnh giới như thế, theo chỗ cầu tìm, vui thích mà sinh ái chấp. Nơi các cảnh giới đó, mỗi mỗi đều hệ thuộc, theo đối tượng bị hệ thuộc, các thứ hương, vị, xúc cùng được thọ nhận riêng biệt. Nếu ở trong các cảnh giới kia, khởi tướng “Có sở đắc”, tức không thể thủ đắc. Do đó, Tụng nói: Hết thảy ấy như mộng.

Hết thảy: Đây tức là ý không sai biệt.

Nhưng xứ bên trong như mắt v.v…, xứ bên ngoài như sắc v.v… cũng chẳng phải là không có. Nếu không như thế, thì vì sao người tạo tác phát khởi đối tượng hành? Để phá bỏ nghi ấy, nên:

* Tụng thứ 5 nêu:

Như huyễn chuyển thành người

Các hành tạo không thật

Đây như hành tạo kia

Thân chuyển cũng vô ngã.

Ví như dụng của pháp huyễn chuyển thành tướng thân người, huyễn kia tạo thành người với vô số hành tác thảy đều có đủ. Cũng lại như người, giả có kẻ tạo tác cùng dụng của đối tượng được tạo tác.

Lại, cũng có các sự việc được hành tác, như các tướng đi, đến. Tụng nói Các: Là nghĩa đủ các thứ phần loại được tạo.

Gì là đối tượng được tạo? Nghĩa là thân do huyễn tạo thành. Nếu pháp huyễn của thân như thế được thành, tức thân huyễn kia thật là vô ngã.

là nghĩa lìa. Ngã nghĩa là chủ tể. Đây nói vô ngã nghĩa là lìa ngã. Sở dĩ ở đây không có người tạo tác, vì trong thắng nghĩa đế đều không chỗ có. Vì vậy, Tụng nói: Các hành tạo không thật. Không thật là nghĩa không có năng lực. Nay, ở đây, không có năng lực như thế, tức sự tạo tác ấy là không chủ tể. Nếu huyễn tạo thành người không có chủ tể, thì tuy có sự hiển bày mà không có thật. Các pháp cũng như thế, hoàn toàn không thật. Ở đây nên biết, ý không sai biệt, nên Tụng sau nói: Đây cùng với dợn nắng (dương diệm) v.v…, là chứng nhận về nghĩa nầy.

* Tụng thứ 6 nêu:

Như đủ loại đạt được

Cực sát-na kia sinh

Đây cùng với dợn nắng

Thấy, tức hoại vô tướng.

Đủ loại: Là nhiều chủng loại.

Đạt được (sở đắc): Là cảnh tướng của “Biến kế sở thủ” sai biệt. Cảnh của đối tượng được giữ lấy đó là cực sát-na sinh. Sát-na, sát-na gọi là Cực sát-na.

Sinh: Là nghĩa dấy khởi. Nghĩa là cực sát-na có chỗ sinh khởi. Nếu cực sát-na có chỗ sinh, thì các thứ pháp kia từ cực sát-na được sinh đều là vô thường. Nghĩa ấy là chung trọn.

HẾT – QUYỂN 1

Trang: 1 2