CHUYỆN VÃNG SANH Ở VIỆT NAM
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập
15. THẠCH TUYẾN (1989 – 2015) 26 Tuổi
Anh Thạch Tuyến sinh năm 1990, gốc Khơ-me.
Cha tên: Thạch Sơn, mẹ tên: Neang Thị Sanh. Có tất cả 7 người anh em, 6 trai, 1 gái. Anh đứng thứ Bảy trong gia đình. Cư ngụ tại: tổ 22, ấp Tân Đông, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
Nghề nghiệp gia đình là làm mướn và mót lúa. Anh học đến lớp 8 thì nghỉ học lên Thành phố đi làm mướn.
Tính tình anh hiền hậu, thương người, có lòng hay giúp đỡ người nghèo khổ và cúng dường Tam Bảo.
Năm 2003, đột nhiên anh ngã bệnh, đưa vào bệnh viện Núi Sập vài ngày thì chuyển lên bệnh viện Long Xuyên. Ở đây được 10 ngày, bác sĩ cho biết anh bị gãy cổ xương đùi, nằm viện theo dõi được 5 – 6 ngày, bác sĩ bèn cho thuốc về nhà uống 1 thời gian. Gia đình đang gặp hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên đưa anh đi điều trị thuốc Nam, thuốc Bắc nhiều nơi, được khoảng hơn 1 tháng nhưng bệnh không thuyên giảm, sức khỏe của anh ngày càng yếu, gia đình mới đưa anh lên Trung Tâm Chỉnh Hình Thành Phố khám. Qua quá trình khám nghiệm bác sĩ cho biết anh bị ung thư xương cần phải phẫu thuật cắt bỏ chân ngay lập tức, do gia đình không đủ kinh phí nên phải chờ đến gần 2 tháng mới tiến hành phẫu thuật.
Sau khi phẫu thuật cắt bỏ chân, về nhà anh được mọi người hỗ trợ chiếc xe 3 bánh để đi bán vé số ở Long Xuyên, được khoảng hơn 5 tháng thì bịnh của anh di căn thành khối lên đầu, không thể điều trị được, sức khỏe của anh rất yếu nên không còn đi bán vé số nữa.
Bệnh hành anh đau nhức dữ dội, thường khó thở, thỉnh thoảng xuất huyết ra đường hai lỗ tai, mũi, miệng, kéo dài hơn một năm. Quả thật đời là bể khổ, mỗi người mỗi kiểu khác nhau, như lời nhắc nhở của Chư Cổ Đức:
“…Đời nếu được bình yên thật sự,
Ai cũng đều hưởng thọ trường sanh;
Trọn vui trọn sáng trọn lành,
Phật đâu gọi việc tu hành làm chi.
Đời lại chẳng có gì thật cả,
Xác thân còn tan rã bùn lầy;
Huống chi các việc bên ngoài,
Cũng là giả nốt có ai giữ còn.
Tuổi sống cứ ngày mòn lụn mãi,
Còn ốm đau tai hại nọ kia;
Ghét, thương, được, mất, hợp, lìa,
Khổ cho đến chết chưa hề xong chi.
Thế mà chẳng mấy khi nghĩ tới,
Còn tạo ra nhiều nỗi khổ thêm;
Trên đời rối mãi không êm,
Giữa người thường có thù hềm nhau luôn.
Khiến cho kiếp vô thường càng khổ,
Cũng làm cho mạng số ngắn thêm;
Hết ngày rồi lại kế đêm,
Sống chờ quỉ sứ đến thềm bắt đi.
Bị hành hạ còn gì hơn nữa,
Chịu đọa đày không số đo lường;
Thế mà nghiệp ác còn vương,
Bao giờ ra khỏi con đường trầm luân.
Cõi Phật chẳng tử thần léo hánh,
Thật hoàn toàn một cảnh an vui;
Sao người chẳng chịu đến lui,
Cứ đeo cõi tạm đầy mùi khổ lao.
Lo giải thoát cho mau kẻo trễ,
Chậm ngày nào uổng phế ngày ni;
Ngày giờ qua nó mất đi,
Tuổi không chờ đợi chớ trì huỡn tâm.
Giải thoát kiếp trược phàm sớm được,
Sớm khỏi vòng trói buộc hồng trần;
Hoàn toàn Vô quái ngại thân,
Muốn đi tự tại, muốn dừng tự do.
Hết bị việc đói no làm rộn,
Không còn lo ăn bận gây phiền;
Vô thường chúng quỉ đều kiêng,
Vô cùng khoái lạc, vô biên thọ trường.
Việc trước hết là đường giải thoát,
Giải thoát xong phàm xác nhẹ nhàng;
Mặc dù ở cõi thế gian,
Mà không bị sự buộc ràng trần ai.
Dù quả đất đổi thay cách mấy,
Mình cũng không động đậy chút nào;
Hoàn toàn vượt khỏi trần lao,
Nhiệm mầu trên sức hùng hào thế gian.
Chúng sanh cũng nên sang cảnh ấy,
Để tự mình chủ lấy đời mình;
Lúc nào cũng được quang minh,
Không còn bị lớp trần tình phủ che.
Tiếng phàm tục tai nghe không nhiễm,
Sắc hồng trần không chiếm được lòng;
Đi đâu cũng được thong dong,
Ở đâu cũng được tùy lòng tự do.
… Muốn được thế gắng lo tu tập,
Thiện cố làm ác cấp tốc xa.
Chí tâm tưởng niệm thiết tha,
Sen vàng chín phẩm nở hoa thơm lừng!”.
Được sự trợ duyên của người cháu tên Sang và chư liên hữu quanh vùng, đến khuyên gia đình nên thiết lập thờ phượng ngôi Tam Bảo, đồng thời cũng khuyên anh phải phát tâm ăn chay trường và niệm Phật cầu vãng sanh. Cả nhà đồng chấp thuận y theo, riêng anh cũng phát tâm trường chay cho đến cuối đời (khoảng 2 năm). Khi đó vào mỗi buổi tối Ban Hộ Niệm đến cộng tu niệm Phật với anh. Được gần 2 tháng, thấy anh khỏe lại nên ngưng. Từ đó bệnh của anh giảm bớt sự đau nhức rất nhiều.
Mỗi đêm khi bà mẹ thức giấc đều thấy anh ngồi niệm Phật lớn tiếng.
Có lần đang niệm Phật anh nằm chiêm bao thấy một ông râu ria đi lại và kêu:
– Tuyến ơi! Đi Tuyến ơi!
Anh ngạc nhiên và nói:
– Ủa! Con đâu có biết chú là ai đâu,… mà đi theo chú!
Ông già kia đáp:
– Chèn ơi! Con nguyện đức Phật Di Đà rước đó! Bây giờ tới giờ rồi, con đi không?
Anh quả quyết:
– Con không có quen biết chú đâu!
Sáng ra anh kể lại cho đồng đạo nghe, mọi người cười và nói:
– Vậy con đừng có đi! Không phải Phật đâu!
******
Lúc anh mệt nhiều gia đình lại mời Ban Hộ Niệm đến cộng tu niệm Phật vào mỗi buổi tối (cộng tu khoảng 13-14 ngày) , đến 2 ngày cuối thì hộ niệm liên tục 24 giờ.
Buổi sáng trước khi mất, mẹ anh mua trái táo cho anh ăn, nhưng ăn chưa hết trái táo, mẹ mua cho anh rau câu nhưng anh không chịu ăn, mẹ anh đem nước lại cho anh uống. Uống xong anh té ngã xuống. Gia đình quýnh quáng điện thoại mời đồng đạo đến niệm Phật cho anh. Đến 9 giờ thì Ban Hộ Niệm của chú Tư Xã đến. Niệm được một lúc thì anh tỉnh lại, anh kêu mọi người kéo tay đỡ anh lên. Sau khi đỡ anh lên lau sạch sẽ, mẹ anh khuyên:
– Con ơi! Con cố gắng lên!
Anh hỏi mẹ:
– Mẹ ơi! Mẹ mời đồng đạo chi mẹ? Mẹ khoan mời đi mẹ! Con chưa có mệt!
Mẹ anh đáp:
– Chèn ơi! Con ngất xỉu hồi sáng rồi con ơi! Mời đồng đạo đi con! Đừng có sợ gì hết! Con đi trước đi, con cố gắng lên! Con đi trước mẹ theo sau, mẹ không có bỏ con đâu! Con nhìn thấy đi, đồng đạo trước cửa mình đó con, nhà lầu nhà đúc và còn mạnh mà người ta còn nguyện về với Phật Di Đà không đó,… con đừng có sợ! Con cố gắng lên, mẹ theo con! Mẹ không có bỏ!
Ban Hộ Niệm khi hay tin bèn kéo đến nhà chia ca niệm Phật, niệm khoảng 20 phút anh nói:
– Đồng đạo ơi ngưng 5 phút đi đồng đạo! Bởi con thì mới té mà chân của con đau quá đi! Con mệt dữ lắm, đồng đạo ơi ngưng 5 phút đi!
Mọi người cũng ngưng niệm cho anh. Khi niệm tiếp trở lại thì một lát sau anh lại xin:
-Đồng đạo ơi ngưng 5 phút đi đồng đạo! Con mệt quá rồi, nó nhức nhối, rồi cuống họng con còn nhỏ quá, con thở mệt lắm đồng đạo ơi!
Một lát sau anh kéo vạt áo tràng của đồng đạo và khẩn xin tiếp:
– Ngưng 5 phút đi đồng đạo ơi, để một chút con niệm Phật trước rồi đồng đạo niệm theo sau con!
Khi Ban Hộ Niệm hoan hỷ chấp thuận, anh cười và nói:
– Thôi con cám ơn đồng đạo nghen!
Cứ thế anh xin đi xin lại nhiều lần, lần này anh diện cớ nói khéo:
– Đồng đạo ơi! Đồng đạo thì thay phiên, đồng đạo đừng có ép người quá đáng đồng đạo ơi! Để rồi đây… nó hư bột hư đường hết đó!
Thấy thế mẹ anh khuyên:
– Tuyến ơi! Mẹ biết con giỏi lắm! Thôi con cố gắng lên đi! Con ráng niệm Phật đi con! Con mệt rồi con ráng niệm Phật đi! Con yếu rồi đồng đạo ủng hộ mình mừng lắm đó con!
Anh vâng lời:
– Dạ… dạ….
Ban Hộ Niệm chia ca, mỗi ca 5 – 6 người, tiếp tục hộ niệm cho anh, anh cũng nhép môi niệm theo. Niệm được khoảng 20 phút thì anh kêu mệt và nói:
– Đồng đạo ơi ngưng 5 phút đi, con mệt quá!
Một lát sau, anh lại kêu:
– Đồng đạo ơi ngưng 5 phút đi, con mệt quá hà!
Được một lúc em kéo vạt áo tràng của đồng đạo và nói:
– Thôi ngưng 5 phút đi! Ngưng 5 phút đi để chút nữa con niệm dẫn trước cho!
Đến một lúc sau anh tự nhiên cất tiếng hỏi:
– Bác Tư ơi! Bác Tư có thấy chiếu hào quang gì không bác Tư? Con thấy lần này nữa là 2 lần rồi đó bác Tư!
Chú Tư đáp:
– Ủa! Chuyện chiếu hào quang đó là con thấy chứ bác Tư đâu có thấy!
Anh diễn tả tiếp:
– Sáng trưng luôn đó bác Tư!
Đồng đạo liền hỏi:
– Em thấy rồi biết chừng nào Phật rước không?
Anh đáp:
-Em không biết nữa!
Đồng đạo giả vờ hỏi:
– Em thấy ba lần phải không?
Anh khẳng định:
– Em thấy có hai lần hà!
– Bây giờ em có quyết tâm đi với đức Phật Di Đà không?
– Em quyết tâm!
– Vậy em niệm Phật đi!
Anh liền niệm:
– Nam Mô A Di Đà Phật! Nam Mô A Di Đà Phật! Cầu xin đức Phật Di Đà rước con về Cực Lạc!
Không bao lâu sau đó anh mỉm miệng cười 2 lần, rồi an tường trút hơi thở trong tư thế mặt hướng về phương Tây vào lúc 8 giờ 30 tối, ngày 16 tháng 9 năm 2015. Anh hưởng dương 26 tuổi.
*****
Hộ niệm thêm, hơn 8 tiếng đồng hồ sau, khi thăm thân thì thấy các khớp xương đều mềm mại, toàn thân lạnh duy có đảnh đầu còn ấm nóng.
(Thuật theo lời ông Thạch Sơn, bà Neang Thị Sanh, cha mẹ của anh và chư liên hữu trong Ban Hộ Niệm)