KHÁCH KHÔNG MỜI
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học
Chuyện xảy ra cách nay 15 năm, vào lúc tôi không nuôi chó. Như thường lệ mỗi sáng tôi đều bỏ ra một hai tiếng tập thể dục. Đặc biệt hôm ấy trời rất trong và đẹp khiến tôi hứng chí bỗ sung thêm mấy thế Yoga vừa nghiên cứu trong sách… Đang uốn người, dang tay… Tôi bỗng giật mình khi thấy một khuôn mặt tròn vo, mập mạp, lạ hoắc… hiện ngoài cửa sổ, nhớn nhác tìm cách quan sát trong nhà… Người lạ bàng hoàng khi phát hiện ra tôi. Vừa nhìn thấy nhau, khách và chủ cùng biểu lộ sự kinh hoảng bằng tiếng hét thật to: – Áááá!..
Tôi cố làm gan, chất vấn:
– Đi đâu đây?
– Dạ…! Dạ…! Đi lượm đồ ve chai!
Tuy chưa lấy lại hồn vía nhưng tôi đã có thể quan sát đối tượng không mời này, đó là một người đàn ông mập mạp, hơi thấp, tuổi chừng ba mươi mấy, tôi dòm lom lom cái bao to hắn cầm trên tay, nghĩ thầm: – “Đi lượm ve chai?… Hừm! – Rõ ràng là cổng tôi đã khóa, vậy hắn vào đây bằng cách nào?… Cốc tôi thường xuyên đóng cửa nên người ở ngoài nhìn vào dễ tưởng lầm là nhà vắng chủ, cộng thêm bầu không khí tĩnh lặng không có bóng dáng con chó nào càng hấp dẫn kẻ có lòng tà không ngần ngại đột nhập vào, mạnh dạn kiếm chác … Tên này đích thị là có tâm gian! Hắn đã tính toán và “thủ” sẵn ngôn ngữ để chạy tội trước rồi… Nghĩa là hễ bị người bắt gặp thì hắn sẽ nói mình đi “lượm ve chai”, nhưng nếu thấy nhà vắng… Thì A-lê-hấp! Hắn sẽ tranh thủ… lượm của cải, dồn “hàng” quơ được vào bao hết cho coi”…
Nghĩ đến đây, tôi liền dọn bộ mặt hình sự, cố làm ra vẻ thật hung dữ, ráng sức quát lên, nồ hắn:
– Đi ra ngay! Nếu không tôi gọi điện báo công an…
(Nói ngon vậy chứ trong nhà tôi lúc ấy chưa mắc điện thoại), song câu dọa này cũng đủ làm hắn hết hồn. Hắn rối rít:
– Dạ, để con ra! Con đi ra liền đây…
Rồi hắn chạy biến, tôi thở phào nhẹ nhõm, ôi trời ơi! Mô Phật!… Nếu hắn lì lợm ở lại, tôi e là mình có hét khan cổ cũng chẳng ai nghe (Vì xung quanh hiện đang vắng quá)…
Nhưng tên “lượm ve chai” đã quay trở lại, báo cáo:
– Cô ơi! Cổng khóa! …ra không được!
Tôi nghiêm giọng:
– VÀO THẾ NÀO, RA THẾ ẤY!… Đi lẹ lên! Bằng không tôi gọi công an và mọi người tới bây giờ!
Hắn phóng như ma đuổi. Tôi ra khỏi phòng tập, đi nhanh xuống bếp, cố dòm qua khe cửa xem hắn “thoát” như thế nào? Tôi thấy hắn cuống quýt leo rào! Cái cổng sắt đu đưa, kêu ken két dưới sức nặng của hắn…
Tên trộm đi rồi, tôi ngẫm nghĩ vừa tức cười, vừa tội, vừa… không ưa! Tức cười vi cách ứng xử của mình, tội là nghĩ đến hoàn cảnh hắn, nguyên nhân nào đẩy hắn vào đây? – Lòng tham? Hay túng bẩn? – Mập vậy thì không đến nỗi đói… Tính ra trộm vẫn hiền hơn cướp, trộm đồng nghĩa với lén lút, có nghĩa là kẻ gian còn nể nang chủ nhà, chỉ lén chôm thôi. Còn cướp mới đáng sợ, vì cướp có thể hành hung, ra tay ác hiểm hơn… ít ra tôi cũng cho hắn một bài học, là chớ có thấy nhà im vắng mà… nhào dzô…
Tôi bỗng nhớ đến cuốn sách giải mộng mình từng đọc loáng thoáng ở đâu đó, rằng nếu nằm mơ, thấy bắt được trộm mà thả đi thì trong ngày sẽ nhận được quà. Thường thì hiếm khi nằm mơ thấy trộm mà mình chịu thả lắm. Theo phản xạ tự nhiên, dù là trong mơ mình cũng sẽ hét, gào tướng lên: “Ăn trộm!”… và hô hào mọi người phụ bắt với mình… Vậy mà cũng có một lần tôi nằm mơ thấy bắt được trộm rồi thả đi. Tỉnh dậy tôi mừng rơn, thấp thỏm chờ ngày đó có quà, mà hình như cũng có thiệt, ngày đó tôi được biếu xén khá vui vẻ…
Cái cốc tôi nằm ven đường…hẻm, vì vậy mà cây trái mọc sát rào cũng hấp dẫn đám trẻ quậỵ phá ra tay chôm chỉa. Trước là chúng có ăn, sau là tạo cảm giác chọc phá chủ nhà tìm vui… Cây mít ở ven rào của tôi hiện rất sai quả. Có một trái to chín tới, tỏa mùi thơm nòng nặc…
Đang lui cui nấu bếp, tôi thấy một đám năm sáu đứa nhóc tì tuổi khoảng từ 13 đến 16 đi ngang qua chỗ tôi, chúng vừa liếc ngó vừa chỉ trỏ, cười nói ồn ào…loáng một cái thì không thấy trái mít đâu nữa, chúng đã ra tay rất nhanh… Tên đầu đàn ôm trái mít chín chạy đi, vừa chạy vừa cười hô hố, đầy vẽ khoái trá. Mấy tên “đồng đảng” cũng trên đường bôn tẩu theo sau, song chúng không có vẻ gì là sợ hãi. Vài tên đi chót vẫn từ tốn bước, còn ngoái cổ lại dòm tôi, muốn chứng kiến vẻ tức tối lồng lộn của chủ nhà… tỏ vẻ sẵn sàng đương đầu, “nghênh chiến” nếu tôi chửi rủa chúng…
Vì vậy, khi tôi bước nhanh ra, ngoắc tên đi chốt lại là hắn bước tới liền, mặt đầy ngông nghênh, thách thức.
Đó là một bé trai tuổi khoảng 13-14. Tôi nhìn nhóc tì này chăm chú từ đầu đến chân, rồi chậm rãi phán:
– Dòm tướng mạo con, trông rất phúc hậu đường đường phước tướng, tại sao lại đi hái trộm?… Xem nào, mặt mũi con hiền như vậy, tốt như vậy, chứng tỏ con đã từng gieo điều lành nên bây giờ mới cảm được cái phước thân tướng trang nghiêm… Tại sao con lại làm điều không tốt để phá hoại phước đức của mình? Đôi tay con đáng lẽ phải làm điều tốt, thì tại sao lại làm việc xấu? Đâu phải con chỉ sống thế này thôi đâu? – Ngày sau con còn lớn lên, giúp ích cho xã hội chứ đâu phải chỉ làm những việc phá hoại nhân cách mình, biến mình thành tồi tệ, thành hạng phế thải trong xã hội… Trái mít đó có đáng gì đâu? Các con thích thì ngỏ lời xin một tiếng, cô cũng biếu cho được mà… Vì trái mít nhỏ nhoi mà con biến mình thành kẻ cắp, vậy có đáng hay không?
Thằng bé cúi gằm mặt. không dám nhìn tôi, mặt nó đỏ ké, lỗ tai cũng đỏ ké…
Tôi bồi thêm mấy câu sau cùng:
– Hãy sống thế nào để ngày sau mọi người nhắc tới con với niềm tri ân, quý phục, cảm mến… vì con là người có ích cho gia đình, xã hội, quốc gia. Bây giờ hái trộm vặt, con thấy rất vui? Nhưng từng hành vi xấu cỏn con này gộp lại, dần dà sẽ bào mòn và phá hoại tất cả đức tính cao quý trong con. Đừng để mọi người nhìn con miệt khinh, đừng để nhắc tới con hay gia đình con, người ta chỉ có rẻ rúng và khi dễ… Hãy sống sao cho người quý người phục… Thôi con đi đi! Bao giờ thèm mít thì xin cô! Đừng làm thế này nữa!…
Thằng bé chỉ chờ có thế, nó vội vã bước đi, dáng vẻ không còn ngông nghênh, mà lầm lũi bước, đầu cúi gầm…
Thật ra đám nhóc này ở các thôn làng khác, chúng kéo qua chỗ tôi cốt để phá phách, nghịch hoang thôi. Nhưng từ dạo bi tôi “giảng bài”, thằng nhóc “nạn nhân” đã tránh gặp tôi. Hễ đang đi mà nhác thấy tôi từ xa là nó đã vội lủi sang hướng khác. Bọn trẻ cũng không còn phá phách, hái trộm gì của tôi nữa. Sự tránh mặt của thằng bé làm tôi hài lòng – Em biết xấu hổ tức là có lương tâm – có hi vọng nên người, có thể chuyển hóa mình thành tốt đẹp…
Vậy đó, tôi và trộm tình cờ mà chạm trán nhau, song tôi vẫn âm thầm cảm ơn những sợ hãi, những xấu hỗ cùa đương sự… “Buông dao đồ tể đi thành Phật! Trời rải mưa hoa ngát hương lành” – Không! – Phải gọi là: “…ngưng tay chôm chỉa đi! Thành Phật…” chứ (?) Thật ra, mỗi người luôn tiềm ẩn những điều tốt đẹp, khi cái xấu được buông bỏ, rụng rơi… thì thiện tính, phẩm chất cao quý sẽ hiển lộ – Phải vậy không?
26/7/2008