NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Gởi Cư Sĩ Quan Quýnh Chi
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư gởi cư sĩ Quan Quýnh Chi

(thư thứ nhất)

Quang vô tri vô thức, được ông lầm để lọt mắt xanh, khôn ngăn cảm kích, xấu hổ. Hôm trước đã tặng một trăm đồng để in bộ Văn Sao, quả thật là nhiệm vụ cấp bách. Một người bạn Quang tên là Hoàng Ấu Hy cả nhà đều thuần thiện, nhưng bị chướng duyên đời trước trói buộc, khốn khổ vì vừa nghèo vừa bệnh. Trước đây, Quang từng đến đó, thương ông ta gặp cảnh khổ sở, biếu ông ta hai khúc vải Tây do ông Tôn Tam Nguyệt đã biếu cho Quang. Đêm Mười Chín khi nghỉ tại Tịnh Nghiệp Xã, nghe cư sĩ Giang Vị Nông nói ông ta đã bị bệnh thật ngặt nghèo, nay đã có chuyển biến; nếu từ rày lành bệnh thì cũng cần phải dưỡng sức hai ba tháng mới có thể lành lặn để làm việc tại xưởng in. Ông ta đi làm ăn lương mà còn khó thể trang trải, huống chi mấy tháng ngồi không, biết phải làm sao đây, mong mọi người giúp đỡ. Quang nghe xong xót xa, cũng muốn đề xướng, bèn giao mười đồng cho ông Vị Nông. Nay tính đem món tiền một trăm đồng của các hạ dùng làm khoản tiền cứu giúp kẻ ngặt; ông ta có được món tiền một trăm đồng này sẽ chống chọi được một tháng. Lợi ích ấy tuy chẳng lớn lao bằng in Văn Sao, nhưng ân đức sâu đậm hơn in Văn Sao nhiều lắm; vì chuyện ấy còn có thể để thong thả được, chứ cảnh này hết sức nguy cấp. Quang vốn biết các hạ đại từ ban vui, đại bi cứu khổ, nên chẳng thưa trình trước [mà đã đem khoản tiền ấy biếu tặng rồi!]

(thư thứ hai)

Nửa năm chưa gặp gỡ mà giang sơn mấy độ gấm vóc, nhân dân giàu mạnh đều trở thành điêu tàn khốn khổ, [lâm vào] tình huống chẳng nỡ nhìn được! Do vậy càng thêm tin tưởng “tướng cõi đời vô thường, tam giới như nhà lửa”. Các hạ nương sức túc nguyện tận lực hoằng dương Tịnh nghiệp, đúng là nên mượn dịp này để làm một mũi kim đâm xuống đảnh đầu đại chúng tu trì Tịnh nghiệp, ngõ hầu ai nấy đều chết sạch cái tâm mong ngóng “lại được sanh trong cõi trời, cõi người để hưởng thụ si phước” thì lợi ích càng lớn vậy!

Thiên Vương Điện của chùa Pháp Vũ kèo cột đã mục, lâm vào thế khó thể duy trì được lâu. Hòa Thượng [Trụ Trì] ngay từ lúc mới nhận chức đã bàn đến chuyện xây lại toàn bộ. Hiềm rằng hai năm qua có khi mùa màng thất bát, hoặc do chiến tranh liên miên, đến nỗi chỉ quyên được ba bốn ngàn đồng, còn thiếu rất nhiều, tính sai người sang các xứ Tân Gia Ba, Tân Lang v.v… để mộ duyên. Do những nơi ấy có đại sư Quảng Thông thuộc Hạc Minh Am trụ trì đạo tràng cả hai nơi, người nơi ấy trọn chẳng đến nỗi nghi là giả mạo! Tháng Sáu năm ngoái, Sư đã tận mặt cầu khẩn các hạ, đã được chấp thuận. Nay phái hai thầy Minh Đức, Hàm Nghiệp sang đó trước, sai Quang viết thư cho các hạ, mong các hạ sẽ xin thông hành, giấy nhập cảnh, hộ chiếu sang các nước ngoại quốc từ văn phòng giao thiệp thuộc Bộ Ngoại Giao và Lãnh Sự Quán để khỏi bị trở ngại. Nếu việc quyên góp được trọn vẹn để khởi công trùng tu điện ấy thì quả thật là do các hạ đã ban cho vậy.

Lẽ ra Hòa Thượng phải viết thư này, nhưng Ngài lại sai Quang viết vì Ngài chưa rõ lòng thành hộ pháp của các hạ; tuy vậy, để thành toàn cho đạo tràng của Bồ Tát thì chẳng nên sanh lòng so đo nơi tình người thân hay sơ. Quang được dính dáng vào chuyện công đức này thì cũng được lợi ích nên chẳng chối từ, kính cẩn trình lên, mong các hạ chẳng tiếc công sức khiến cho sở nguyện ấy được thỏa mãn thì may mắn lắm thay!

 (thư thứ ba)

Chắc hai lá thư trước đây ông đã nhận được rồi. Hiện thời vận đời đổi mới, những kẻ vô tri lầm lạc đề xướng thuyết hủy diệt Phật pháp trong lúc này, thật nguy hiểm quá! Đạo pháp chẳng bị diệt vong ngay lập tức là nhờ vào các hạ và các đại cư sĩ đổ công sức duy trì bằng nhiều phương cách. Nếu không, huệ mạng của Như Lai vĩnh viễn đoạn diệt từ đây, đông đảo chúng sanh trọn chẳng mong chi thoát khổ, nguy hiểm đến cùng cực! Ngày hôm qua, hòa thượng Diệu Liên ở Nam Kinh gởi đến một bức thư vốn là thư của Tôn Đại Tổng Thống (Tôn Văn) trả lời các cư sĩ thuộc hội Phật giáo vào năm Dân Quốc thứ nhất (1911). Lá thư ấy được đăng tải trong cuốn Phật Học Tùng Báo số thứ nhất, chẳng biết các hạ và các đại cư sĩ đã từng đọc qua hay chưa? Hòa thượng nói là bài viết ấy được đăng tải trong tháng Ba, có lẽ không đích xác, tôi sẽ kiếm trong những số Phật Học Tùng Báo còn giữ được để kiểm chứng.

Có lẽ nên cho đăng [lá thư ấy] trong những tờ báo lớn để những kẻ xướng xuất bừa bãi, tiến hành bừa bãi biết Tôn Đại Tổng Thống đã làm chuyện hoằng dương, bảo vệ Phật giáo như vậy. Nếu đăng báo nên ghi là “Công hàm bảo vệ Phật giáo của Tôn Đại Tổng Thống”, phía dưới ghi chú bằng hàng chữ nhỏ rằng “trích từ Phật Học Tùng Báo số thứ nhất”, hoặc ghi “do phân hội Phật Giáo Giang Tô sao chép gởi tới”, mong ông hãy cân nhắc.

(thư thứ tư)

Đã lâu chưa được gặp mặt, khôn ngăn mong tưởng. Cư sĩ phát tâm Bồ Tát, lấy chốn đô thị làm đạo tràng, lấy những người cùng hàng làm pháp lữ. Thân tuy tại gia, hạnh giống như vị Đầu Đà, sẽ thấy sự giáo hóa từ bi được thấu khắp hết thảy những người cùng hàng dù thiện hay ác, sẽ do vậy mà thoát khỏi cõi Sa Bà này sanh về cõi Cực Lạc kia, ngõ hầu an ủi ý niệm từ bi của Thích Ca, Di Đà, Quán Thế Âm; khôn ngăn vui mừng, an ủi tột bậc! Ngày hôm qua, tôi nhận được thư của một người bạn là cư sĩ Trương Thụy Tăng cho biết: Trong tháng trước, do bị mất chi phiếu đã phải cùng người ta thưa kiện nơi tòa án, kẻ bị cáo cậy vào thế lực lớn gần như tố ngược lại, [may mà ông Trương] được cư sĩ có lòng yêu mến ngấm ngầm xoay chuyển giùm nên chưa đến nỗi bị kẻ ác gây khốn đốn lớn lao! Quang nghe xong mừng rỡ khôn cầm, khác nào chính mình được giúp đỡ, cảm tạ khôn xiết. Vốn tính gởi thư này thẳng đến chỗ ông ở, nhưng do địa chỉ, tên đường, số nhà đều không biết, chẳng thể giao cho bưu điện được. Vì thế, nhờ cư sĩ Thụy Tăng đem qua Thượng Hải thay mặt Quang trình lên, mong hãy rủ lòng từ bi thứ lỗi!

(thư thứ năm)

Nhận được thư khôn ngăn cảm kích. Đang trong lúc cuối thời pháp yếu ma mạnh, tổ đạo điêu linh này, may được các hạ và các vị cư sĩ cực lực cứu vãn, [Phật pháp] chẳng đến nỗi bị diệt vong ngay lập tức, nếu chẳng phải là nương theo nguyện để sanh trở lại, há có được như thế hay chăng? May nhờ vào đại lực mà thành lập được các hội Phật hóa, nên [Phật giáo] chẳng đến nỗi hễ bị xô đẩy liền đổ nhào ngay, không cách nào vực dậy được! Điều đáng lo là trong giới Tăng sĩ, do hàng tri thức kém cỏi nên chẳng dễ khiến cho người khác sanh lòng tin. May mà vẫn còn có các cư sĩ tuyên dương khiến cho người hiểu lý biết Phật là bậc đại thánh nhân, giáo pháp của Ngài là chuyện chẳng thể nghĩ bàn, quả thật là may mắn lớn lao! Lá thư hôm mồng Hai là thư gởi chung cho ông và cư sĩ Nhất Đình được gởi bằng thư bảo đảm, dẫu ông chưa nhận được cũng không sao. Những điều được nói trong ấy cũng chỉ là những ý cầu xin che chở mà thôi!