KINH ĐẠI BÁT NIẾT-BÀN
ĐOÀN TRUNG CÒN, NGUYỄN MINH TIẾN dịch và chú giải
NGUYỄN MINH HIỂN hiệu đính
KIỀU-TRẦN-NHƯ
Phẩm thứ mười ba – Phần một
Khi ấy, đức Thế Tôn bảo ông Kiều-trần-như rằng: “Sắc [ấm] là vô thường. Nhờ phá trừ cái sắc [vô thường] này mà đạt được cái sắc giải thoát, thường còn. Thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Nhờ phá trừ [những thọ, tưởng, hành] thức [vô thường] này mà đạt được [thọ, tưởng, hành] thức giải thoát, thường còn.
“Kiều-trần-như! Sắc tức là khổ. Nhờ phá trừ cái sắc [là khổ] này mà đạt được cái sắc giải thoát, an vui. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.
“Kiều-trần-như! Sắc tức là không. Nhờ phá trừ cái sắc [là không] này mà đạt được cái sắc giải thoát, chẳng phải không. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.
“Kiều-trần-như! Sắc là vô ngã. Nhờ phá trừ cái sắc [vô ngã] này mà đạt được cái sắc giải thoát, chân ngã. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.
“Kiều-trần-như! Sắc là bất tịnh. Nhờ phá trừ cái sắc [bất tịnh] này mà đạt được cái sắc giải thoát, thanh tịnh. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.
“Kiều-trần-như! Sắc là tướng của sanh, già, bệnh, chết. Nhờ phá trừ cái sắc [là tướng của sanh, già, bệnh, chết] này mà đạt được cái sắc giải thoát, chẳng phải tướng của sanh, già, bệnh, chết. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.
“Kiều-trần-như! Sắc là nhân của vô minh cho đến sanh.[161] Nhờ phá trừ cái sắc [là nhân của vô minh cho đến sanh] này mà đạt được cái sắc giải thoát, chẳng phải nhân của vô minh [cho đến sanh]. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.
“Kiều-trần-như! Sắc là nguyên nhân của bốn sự điên đảo.[162] Nhờ phá trừ cái sắc [điên đảo] này mà đạt được cái sắc giải thoát, chẳng phải nguyên nhân của bốn sự điên đảo. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.
“Kiều-trần-như! Sắc là nguyên nhân của vô số pháp xấu ác như thân nam, thân nữ, ham muốn sự ăn uống, ái dục, tham lam, sân hận, tật đố, tâm xấu ác, tâm keo kiệt bủn xỉn… những sự ăn uống [nuôi sống] bằng cách nhai nuốt, [nuôi sống] bằng thức, [nuôi sống] bằng tư tưởng, [nuôi sống] bằng cảm xúc; sự sanh ra bằng trứng, bằng bào thai, bằng sự ẩm ướt, bằng cách biến hóa… cho đến năm món dục lạc, năm sự ngăn che… Những pháp như vậy đều có nguyên nhân từ sắc. Nhờ phá trừ sắc này mà đạt được cái sắc giải thoát, không có vô số sự xấu ác như vậy. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.
“Kiều-trần-như! Sắc là trói buộc. Nhờ phá trừ cái sắc trói buộc mà đạt được cái sắc giải thoát, không trói buộc. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.
“Kiều-trần-như! Sắc là sự lưu chuyển. Nhờ phá trừ cái sắc lưu chuyển mà đạt được cái sắc giải thoát, không lưu chuyển. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.
“Kiều-trần-như! Sắc chẳng phải nơi quay về nương dựa. Nhờ phá trừ cái sắc này mà đạt được cái sắc giải thoát, là nơi quay về nương dựa. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.
“Kiều-trần-như! Sắc là ung nhọt [đau đớn đáng ghê tởm]. Nhờ phá trừ cái sắc [như ung nhọt] này mà đạt được cái sắc giải thoát, không phải ung nhọt. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.
“Kiều-trần-như! Sắc không phải vắng lặng yên tĩnh. Nhờ phá trừ cái sắc [không vắng lặng yên tĩnh] này mà đạt được cái sắc Niết-bàn, vắng lặng yên tĩnh. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.
“Kiều-trần-như! Nếu ai rõ biết những điều như trên, người ấy đáng gọi là sa-môn, bà-la-môn, thành tựu trọn vẹn các pháp của sa-môn, bà-la-môn.
“Kiều-trần-như! Nếu lìa pháp Phật thì không hề có sa-môn, bà-la-môn, cũng không có các pháp của sa-môn, bà-la-môn. Tất cả ngoại đạo chỉ tự xưng một cách giả dối, không hề có đạo hạnh chân thật. Tuy họ khởi sanh tư tưởng rằng [trong nhóm của họ] có sa-môn và bà-la-môn, nhưng thật không thể có. Vì sao vậy? Nếu không có các pháp sa môn, bà-la-môn, làm sao nói là có sa-môn, bà-la-môn?
“Ta thường ở giữa đại chúng này lên tiếng [thuyết giảng Chánh pháp rền vang như tiếng] sư tử rống; các ông cũng nên ở giữa đại chúng lên tiếng [thuyết giảng Chánh pháp rền vang như tiếng] sư tử rống.”
Bấy giờ, có vô số ngoại đạo nghe những lời ấy rồi sanh lòng giận dữ, nghĩ rằng: “Nay ông Cồ-đàm nói rằng trong chúng ta không có sa-môn và bà-la-môn, cũng không có các pháp sa-môn và bà-la-môn. Chúng ta phải làm sao tìm mọi cách thích hợp để nói với ông Cồ-đàm rằng trong số chúng ta cũng có sa-môn và có pháp sa-môn, cũng có bà-la-môn và có pháp bà-la-môn.”
Lúc ấy, trong chúng [ngoại đạo] có một Phạm chí đứng lên nói rằng: “Thưa các vị, lời nói của ông Cồ-đàm chẳng khác nào lời của người điên, làm sao có thể khảo xét? Những người điên ở thế gian khi thì ca hát, nhảy múa, lúc lại khóc lóc, cười đùa, hoặc chưởi mắng, hoặc ngợi khen, đối với kẻ oán người thân đều không thể phân biệt. Sa-môn Cồ-đàm cũng giống như vậy. Hoặc có khi nói là sanh trong gia đình vua Tịnh Phạn, có khi lại nói là không sanh; có khi nói là sanh ra rồi liền đi bảy bước, có khi lại nói là không đi; có khi nói là thuở nhỏ học tập các môn học thế gian, có khi lại nói là người [tự mình] rõ biết tất cả; có khi ở trong cung điện thọ hưởng khoái lạc, sanh ra con trai, có khi lại chán ngán, chê trách đó là xấu xa hèn hạ; có khi chính mình tu tập khổ hạnh sáu năm, có khi lại quở trách sự khổ hạnh của các đạo khác; có khi nói là theo học với các ông Uất-đầu-lam-phất, A-la-la[163]… được nghe nhận những điều chưa biết, có khi lại nói rằng các ông ấy không hiểu biết chi cả; có khi nói là chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề dưới gốc cây bồ-đề, có khi lại nói là không có đến chỗ cây ấy, không có chứng đắc gì cả; có khi nói rằng thân này của ta tức là Niết-bàn, có khi lại nói thân này diệt mất rồi mới là Niết-bàn. Những lời Cồ-đàm nói ra [như vậy] thật không khác gì lời của người điên, sao các vị lại vì đó mà ưu sầu, bối rối?”
Những người bà-la-môn liền đáp rằng: “Thưa ông! Chúng tôi hôm nay làm sao có thể không ưu sầu? Trước kia, sau khi xuất gia, sa-môn Cồ-đàm thuyết dạy những lẽ vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh. Những đệ tử của chúng tôi nghe vậy lấy làm sợ sệt: ‘Làm sao chúng sanh lại là vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh?’ Nên họ chẳng tin theo lời ấy. Nay ông Cồ-đàm lại đến rừng Sa-la này, vì đại chúng mà thuyết dạy rằng có những pháp thường, lạc, ngã, tịnh. Những đệ tử của chúng tôi nghe được lời này rồi, ắt sẽ bỏ chúng tôi mà đi, tin theo lời dạy của Cồ-đàm. Vì nhân duyên ấy mà chúng tôi vô cùng sầu khổ.”
Bấy giờ lại có một vị bà-la-môn nói rằng: “Này các vị! Hãy lắng nghe cho kỹ lời tôi nói đây! Sa-môn Cồ-đàm xưng là người tu hạnh từ bi, lời nói ấy là hư dối, không chân thật. Nếu có lòng từ bi, sao lại dạy các đệ tử của chúng ta thọ nhận giáo pháp của ông ấy? Kết quả của [sự tu hạnh] từ bi là thuận theo ý người khác, nay ông ấy làm trái ý nguyện của chúng ta, sao có thể nói là từ bi?
“Nếu nói rằng sa-môn Cồ-đàm không bị tám pháp của thế gian đắm nhiễm, cũng là lời hư dối. Nếu nói Cồ-đàm có ít ham muốn, lòng tự biết đủ, vì sao hôm nay lại cướp mất những lợi ích của chúng ta?
“Nếu nói rằng Cồ-đàm thuộc dòng họ cao quý, đó cũng là lời hư dối. Vì sao vậy? Xưa nay chưa từng nghe thấy việc chúa sư tử lớn tàn hại loài chuột nhỏ. Nếu Cồ-đàm thuộc dòng họ cao quý, sao hôm nay lại gây rối loạn phiền não cho chúng ta?
“Nếu nói rằng Cồ-đàm có đầy đủ thế lực mạnh mẽ, đó cũng là lời hư dối. Vì sao vậy? Xưa nay chưa từng nghe thấy việc chim chúa kim sí đi tranh giành với chim quạ. Nếu nói [Cồ-đàm thật] có sức mạnh thì việc gì lại cùng chúng ta tranh đấu?
“Nếu nói rằng Cồ-đàm có đủ trí Tha tâm, đó cũng là lời hư dối. Vì sao vậy? Nếu có đủ trí Tha tâm thì do nhân duyên gì lại không biết được tâm của chúng ta?
“Thưa các vị! Thuở trước, tôi từng được nghe các bậc trí giả kỳ cựu nói rằng: Sau một trăm năm nữa, thế gian sẽ có một con yêu tinh huyễn hoặc xuất hiện, chính là ông Cồ-đàm này đó. Nay yêu tinh huyễn hoặc ấy đang ở rừng Sa-la này, không bao lâu nữa sẽ [tự hoại] diệt mất. Vậy các vị không nên sầu não.”
Bấy giờ, có một người thuộc phái Ni-kiền đáp lại: “Thưa các vị! Nay tôi sầu khổ không phải vì việc đệ tử cúng dường cho tôi, mà chỉ vì người thế gian ngu si tăm tối không có mắt nhìn, chẳng phân biệt được đâu là ruộng phước, nên từ bỏ những vị bà-la-môn kỳ cựu có trí mà chạy theo cúng dường những người tuổi trẻ. Vì thế nên tôi sầu khổ!
“Sa-môn Cồ-đàm rất giỏi chú thuật. Nhờ sức chú thuật nên có thể làm cho một thân hóa làm vô số thân, lại làm cho vô số thân trở lại thành một thân; hoặc có thể tự thân hóa thành kẻ nam, người nữ, bò, dê, voi, ngựa… Sức tôi có thể diệt trừ chú thuật như vậy. Khi chú thuật của sa-môn Cồ-đàm bị diệt rồi, các vị sẽ được cúng dường trở lại rất nhiều, thọ hưởng sự an vui.”
Bấy giờ, lại có một vị bà-la-môn nói rằng: “Này các vị! Sa-môn Cồ-đàm thành tựu đầy đủ vô lượng công đức, vì thế các vị chớ nên tranh [hơn thua] với ông ấy.”
Đám đông ngoại đạo đáp rằng: “Kẻ ngu si kia! Sao ông lại nói rằng sa-môn Cồ-đàm có đầy đủ công đức lớn? Ông ấy sanh ra vừa được bảy ngày thì mất mẹ, đó có thể gọi là tướng phước đức hay sao?”
Vị bà-la-môn kia đáp: “Khi bị mắng chửi mà không tức giận, khi bị đánh đập mà không đánh trả, nên biết rằng đó chính là tướng phước đức lớn. Thân ông ấy có đủ Ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, vô lượng thần thông, cho nên biết rằng đó là tướng phước đức. Lòng không kiêu ngạo, thường tùy ý [người khác] mà hỏi han; lời nói ra nhẹ nhàng êm dịu, không thô tục; tuổi tác và chí khí đang lúc thanh xuân cường tráng cũng không hấp tấp, nóng nảy; [ở cương vị sẽ] làm vua trị nước có nhiều của cải nhưng không tham tiếc, buông bỏ tất cả như nhổ bãi nước bọt ra đi xuất gia; cho nên tôi nói rằng sa-môn Cồ-đàm thành tựu đầy đủ vô lượng công đức.”
Chúng ngoại đạo đáp rằng: “Lành thay! Quả thật đúng như lời ông nói, sa-môn Cồ-đàm thành tựu vô lượng thần thông biến hóa. Chúng ta không so đo với ông ta việc ấy. Nhưng sa-môn Cồ-đàm sanh ra tánh tình nhu nhuyễn, không chịu nỗi sự khổ hạnh; sanh trưởng trong cung cấm, không thấu rõ những việc ngoài đời. Ông ấy chỉ biết nói lời êm dịu mà thôi, không thông thạo các môn kỹ nghệ, sách sử, luận nghị… Hãy mời ông ấy cùng chúng ta tranh biện rõ ràng những điều cốt yếu trong chánh pháp. Nếu ông ấy thắng, chúng ta sẽ theo hầu hạ ông ấy; nếu chúng ta thắng, ông ấy sẽ phải phụng sự chúng ta.”
Bấy giờ có vô số ngoại đạo cùng họp nhau, đồng lòng đi đến chỗ vua A-xà-thế, nước Ma-già-đà. Nhìn thấy họ, nhà vua liền hỏi: “Này các vị! Các vị thảy đều tu tập Thánh đạo, là người xuất gia, lìa bỏ của cải cùng những việc gia đình. Nhân dân trong nước này đều cùng nhau cúng dường, cung kính chiêm ngưỡng các vị, không ai dám xúc phạm. Vì sao các vị lại đồng lòng họp nhau đến đây?
“Này các vị! Các vị đều thọ nhận những pháp khác nhau, giữ giới khác nhau, xuất thân từ hoàn cảnh gia đình khác nhau, mỗi vị lại tùy theo giới luật và giáo pháp của riêng mình mà xuất gia tu đạo. Nay có nhân duyên thế tục chi mà các vị một lòng hợp lại cùng nhau, như đám lá rụng bị cơn gió xoáy gom về một chỗ? Hãy nói ra nhân duyên gì mà các vị đến đây? Trẫm đây vẫn thường hết lòng ủng hộ những người xuất gia, chẳng tiếc thân mạng.”
Bấy giờ, tất cả ngoại đạo đồng tâu lên rằng: “Đại vương! Xin hãy nghe cho kỹ. Nay đại vương là cây cầu lớn của giáo pháp, là sự khuyến khích lớn của giáo pháp, là đòn cân lớn của giáo pháp, là nơi chứa đựng tất cả công đức, là tánh chân thật của tất cả công đức, là con đường của giáo pháp chân chánh. Ngài là ruộng tốt để gieo hạt giống, là căn bản của tất cả đất nước, là gương sáng của cả nước, là hình tượng của tất cả chư thiên, là bậc cha mẹ của tất cả nhân dân trong nước.
“Đại vương! Thân ngài là kho báu chứa tất cả công đức của thế gian. Vì sao gọi là kho chứa công đức? Đức vua phân xử việc nước không phân biệt kẻ oán người thân, giữ tâm bình đẳng [vô tư] như đất, nước, lửa, gió; vì thế nên tôn xưng vua là kho chứa công đức.
“Đại vương! Tuy hiện tại đời sống của chúng sanh là ngắn ngủi, nhưng công đức của vua lâu dài như những vị vua trường thọ an vui thuở xưa; lại cũng như các vua Đỉnh Sanh, Thiện Kiến, Nhẫn Nhục, Na-hầu-sa, Da-da-đế, Thi-tỳ, Nhất-xoa-cưu… Những vị vua ấy đều có đầy đủ pháp lành, nay đại vương cũng [đầy đủ pháp lành] như họ.
“Đại vương! Nhờ có nhà vua mà đất nước được an vui, nhân dân giàu mạnh, cho nên tất cả người xuất gia đều ưa thích đất nước này, [cùng đến đây] giữ giới tinh cần, tu tập đạo chân chánh.
“Đại vương! Trong kinh chúng tôi có nói: ‘Nếu người xuất gia ở tại nước nào mà trì giới tinh tấn, chuyên cần tu tập đạo chân chánh, thì vua nước ấy cũng có phần [công đức] tu thiện.
“Đại Vương! Tất cả giặc cướp vua đều đã dẹp yên, những người xuất gia không còn phải sợ sệt. Nay chỉ còn duy nhất một kẻ đại ác là sa-môn Cồ-đàm. Vua chưa khảo xét người ấy, chúng tôi rất lo sợ. Người ấy ỷ mình [xuất thân] dòng tộc cao quý, có thân hình đẹp đẽ, lại nhờ phước báo bố thí đời trước nên được cúng dường nhiều, liền dựa vào những việc đó mà sanh ra hết sức kiêu mạn. Hoặc nhân ở chú thuật mà sanh kiêu mạn. Vì nhân duyên ấy nên không chịu khổ hạnh mà vẫn thọ lãnh, chứa trữ mọi thứ áo quần, mền gối mềm mại tốt đẹp. Vì thế, tất cả những kẻ xấu ác khắp thế gian, vì sự lợi dưỡng mà tụ họp đến chỗ ông ấy làm quyến thuộc, chẳng chịu tu hành khổ hạnh. Ông ấy dùng sức chú thuật mà điều phục Ca-diếp với bọn các ông Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên…
“Nay ông ấy lại đến chỗ của chúng tôi trong rừng Sa-la, lớn tiếng thuyết dạy rằng thân này là thường, lạc, ngã, tịnh để dụ dỗ đệ tử của chúng tôi.
“Đại Vương! Trước đây Cồ-đàm thuyết dạy về vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh, chúng tôi còn có thể nhịn được; nhưng nay ông ấy lớn tiếng thuyết dạy là thường, lạc, ngã, tịnh, chúng tôi thật không nhịn được nữa. Xin đại vương cho phép chúng tôi cùng với ông Cồ-đàm kia mở cuộc tranh biện.”
Vua [A-xà-thế] liền đáp rằng: “Này các vị! Nay các ông đã nghe ai xúi giục mà trong lòng cuồng loạn chẳng yên, khác nào như nước nổi sóng, như lửa cuồn cuộn, như khỉ chuyền cành? Việc này thật đáng hổ thẹn. Người có trí nghe được ắt lấy làm thương xót, kẻ ngu si nghe được ắt phải chê cười. Những điều các ông nói đó, chẳng phải tướng trạng của người xuất gia. Nếu các ông mắc phải các bệnh thời khí hay ung nhọt, ta đều có thuốc để trị. Nếu các ông vướng phải bệnh quỷ thần thì chú thuật Kỳ-bà nhà ta có thể trừ khử. Nhưng nay các ông lại muốn dùng móng tay mà cào cấu núi Tu-di, dùng răng trong miệng mà cắn nghiến kim cương, [thật không thể cứu chữa]!
“Này các vị! Ví như có người ngu si, thấy chúa sư tử lúc đói đang nằm ngủ lại toan đánh thức, hoặc như người lấy ngón tay đưa vào miệng rắn độc, lại như người muốn dùng tay chạm vào đống tro che phủ than lửa. Nay các ông cũng [ngu si giống] như vậy!
“Này các vị! Ví như con chồn hoang [muốn] rống tiếng sư tử, như con muỗi đọ sức nhanh chậm với chim kim sí, như con thỏ [muốn] lội qua biển và đưa chân chạm đến đáy. Nay các ông cũng [điên cuồng] giống như vậy! Nếu như các ông có nằm mộng thấy mình thắng được sa-môn Cồ-đàm, thì giấc mộng ấy cũng chỉ là điên cuồng huyễn hoặc, không thể tin được.
“Này các ông! Nay các ông khởi lên ý định ấy, chẳng khác gì con thiêu thân lao vào đống lửa lớn. Các ông nên nghe lời trẫm, đừng nói thêm nữa. Tuy các ông ngợi khen trẫm là bình đẳng như đòn cân, nhưng thật không nên để cho người ngoài nghe được lời ấy.”
Lúc ấy, bọn ngoại đạo lại tâu rằng: “Đại vương! Hẳn là huyễn thuật của sa-môn Cồ-đàm đã đến được chỗ ngài rồi chăng, nên mới khiến ngài sanh lòng hồ nghi, chẳng tin vào các vị thánh nhân. Đại vương không nên khinh miệt những vị đại sĩ ở đây.
“Đại vương! Mặt trăng khi tròn khi khuyết, nước trong biển cả đều mặn, núi Ma-la-diên kia, những sự vật ấy do ai làm ra? Há chẳng phải những vị bà-la-môn của chúng tôi đó sao? Đại vương lẽ nào không nghe việc tiên A-kiệt-đa ngăn dòng nước sông Hằng suốt mười hai năm trong lỗ tai [ông ấy] hay sao? Đại vương lẽ nào không nghe việc tiên Cồ-đàm hiện thần thông lớn, trong suốt mười hai năm tự biến mình thành thân Đế-thích, biến thân Đế-thích thành thân con dê đực, lại biến ra một ngàn cái nữ căn[164] trên thân Đế-thích? Đại vương lẽ nào không nghe việc tiên Kỳ-nậu chỉ trong một ngày uống cạn nước bốn biển, khiến đất đai khô kiệt? Đại vương lẽ nào không nghe việc tiên Bà-tẩu vì vị trời Tự tại mà tạo ra ba con mắt đó sao? Đại vương lẽ nào không nghe việc tiên A-la-la làm cho thành Ca-la-phú hóa ra vùng đất chai mặn đó sao?
“Đại vương! Trong đạo bà-la-môn có các vị tiên thần lực lớn lao như vậy, hiện có thể khảo xét, vì sao đại vương lại có lòng khinh miệt?”
Vua đáp: “Các vị! Nếu các vị không tin lời ta, cố ý muốn làm, thì đức Chánh giác Như Lai hiện đang ở trong rừng Sa-la gần đây. Các ông có thể đến để tùy ý chất vấn. Đức Như lai sẽ vì các ông mà phân biệt giải đáp, phù hợp với tâm ý của các ông.”
Bấy giờ, vua A-xà-thế với các người ngoại đạo và đồ chúng quyến thuộc của họ cùng đi đến chỗ Phật. Vua cúi đầu và mặt làm lễ sát dưới chân Phật, rồi đi quanh Phật ba vòng theo chiều bên phải. Lễ nghi cung kính vừa xong, vua lui lại đứng sang một bên, bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Những ngoại đạo này muốn được tùy ý chất vấn, xin Như Lai tùy ý giải đáp.”
Phật dạy: “Được, xin đại vương cứ tạm chờ ở đó, ta tự biết lúc thích hợp [để giải đáp cho họ].
Lúc ấy, trong chúng hội có một bà-la-môn tên Xà-đề-thủ-na lên tiếng hỏi: “Cồ-đàm! Có phải ông nói rằng Niết-bàn là pháp thường còn?
Phật đáp: “Đại bà-la-môn, quả đúng như vậy!”
Bà-la-môn ấy nói tiếp: “Cồ-đàm! Nếu nói rằng Niết-bàn là thường, nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Như pháp thế gian, từ hạt sanh quả, tiếp nối nhau chẳng dứt; như từ đất sét mà tạo ra bình, từ sợi chỉ mà [dệt] thành áo.
“Cồ-đàm thường nói: ‘Nhờ tu tập pháp quán tưởng vô thường mà đạt được Niết-bàn.’ Nhân là vô thường, quả làm sao là thường?
“Cồ-đàm lại nói: ‘Giải thoát khỏi lòng tham trong Dục giới tức là Niết-bàn. Giải thoát khỏi lòng tham trong Sắc giới và Vô sắc giới tức là Niết-bàn. Diệt trừ vô minh với tất cả phiền não tức là Niết-bàn.’ Từ dục cho tới vô minh, phiền não đều là vô thường. Nhân là vô thường thì [quả] Niết-bàn đạt được đó lẽ ra cũng phải là vô thường!
“Cồ-đàm lại nói: ‘Do nhân [đã tạo] mà được sanh lên cõi trời; do nhân [đã tạo] mà phải đọa xuống địa ngục; do nhân [đã tạo] mà được giải thoát. Vì thế, các pháp đều do nhân mà sanh.’ Nếu do nhân sanh mà được giải thoát, thì giải thoát ấy sao có thể nói là thường?
“Cồ-đàm cũng nói: ‘Sắc do duyên sanh nên gọi là vô thường. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.’ Như vậy, nếu giải thoát là sắc thì nên biết đó là vô thường. [Nếu là] thọ, tưởng, hành, thức thì cũng như vậy. Còn nếu lìa cả năm ấm [sắc, thọ, tưởng, hành, thức] mà có giải thoát, thì nên biết giải thoát ấy tức là hư không. Nếu là hư không thì không thể nói là do nhân duyên sanh. Vì sao vậy? Vì hư không là thường còn, là duy nhất, là khắp cả mọi nơi.
“Cồ-đàm cũng nói: ‘Do nhân mà sanh tức là khổ.’ Nếu đã là khổ, vì sao lại nói giải thoát là [an] lạc?
“Cồ-đàm lại nói: ‘Vô thường tức khổ, khổ tức vô ngã. Nếu là vô thường, khổ, vô ngã, tức là bất tịnh. Tất cả các pháp do nhân sanh ra đều là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh, vì sao lại nói Niết-bàn tức là thường, lạc, ngã, tịnh?
“Nếu Cồ-đàm nói rằng [Niết-bàn] là thường, cũng là vô thường; là lạc, cũng là khổ; là ngã, cũng là vô ngã; là tịnh, cũng là bất tịnh; như vậy chẳng phải là nói hai lời đó sao? Tôi từng được nghe những vị trí giả kỳ cựu trước đây nói rằng: ‘Nếu Phật ra đời thì không nói hai lời.’ Nay [nếu là như vậy thì] Cồ-đàm đã nói hai lời.
“Cồ-đàm lại nói: ‘Phật chính là thân này của ta hiện nay.’ Nghĩa ấy thế nào?”
Phật dạy: “Bà-la-môn! Theo những gì ông vừa nói, nay ta sẽ hỏi ông, ông cứ tùy ý trả lời.”
Bà-la-môn đáp: “Lành thay! Cồ-đàm, [xin ông cứ hỏi]!
Phật hỏi: “Bà-la-môn! Tánh của ông là thường hay vô thường?”
Bà-la-môn đáp: “Tánh của tôi là thường.”
Phật hỏi: “Bà-la-môn! Tánh ấy có thể làm nhân cho tất cả các pháp trong [thân] và ngoài [thân] hay chăng?”
Đáp: “Đúng vậy, Cồ-đàm!”
Phật lại hỏi: “Bà-la-môn! Làm nhân như thế nào?”
Bà-la-môn đáp: “Cồ-đàm! Do nơi tánh sanh ra đại; do nơi đại sanh ra mạn, do nơi mạn sanh ra mười sáu pháp, đó là: địa, thủy, hỏa, phong, không, năm căn nhận biết [gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân], năm căn tạo nghiệp [gồm tay, chân, miệng nói và hai căn nam, nữ] và căn tâm bình đẳng. Mười sáu pháp vừa kể do nơi năm pháp mà sanh, đó là hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm và xúc chạm. Cả hai mươi mốt pháp này có căn bản là ba pháp: nhiễm, thô và đen. Nhiễm gọi là ái; thô gọi là sân; đen gọi là vô minh.
“Cồ-đàm! Hai mươi lăm pháp này đều do nơi tánh sanh ra.”[165]
Đức Phật lại hỏi: “Bà-la-môn! Pháp đại và tất cả các pháp kia là thường hay vô thường?”
Vị bà-la-môn đáp: “Cồ-đàm! Theo pháp của chúng tôi thì tánh là thường, còn pháp đại và tất cả các pháp kia đều là vô thường.”
Phật dạy: “Bà-la-môn! Theo pháp của các ông [như vậy] thì nhân là thường, quả là vô thường. Vậy pháp của ta dạy nhân tuy vô thường nhưng quả lại thường có gì là sai?
“Này bà-la-môn! Trong pháp của các ông có [phân biệt] hai loại nguyên nhân chăng?”
Đáp: “Thưa có.”
Phật hỏi: “Thế nào là có hai nguyên nhân?”
Bà-la-môn đáp: “Một là nguyên nhân sanh ra, hai là nguyên nhân soi rõ.”
Phật lại hỏi: “Thế nào là nhân sanh ra? Thế nào là nhân soi rõ?”
Bà-la-môn đáp: “Nguyên nhân sanh ra là như từ đất sét làm thành cái bình; nguyên nhân soi rõ là như ánh đèn soi rõ đồ vật.”
Phật hỏi: “Hai loại nhân này vẫn cùng một tánh [là làm nhân cho pháp khác]. Nếu là một [tánh], vậy có thể lấy nhân sanh ra làm nhân soi rõ hoặc ngược lại hay chăng?”
Bà-la-môn đáp: “Không thể, Cồ-đàm!
Phật hỏi: “Nếu nhân sanh ra không thể làm nhân soi rõ hoặc ngược lại, vậy có thể nói là có tướng trạng của nhân hay chăng?”
Bà-la-môn đáp: “Tuy không thể thay thế cho nhau, nhưng vẫn có tướng trạng của nhân.”
Phật lại hỏi: “Bà-la-môn! Đối tượng soi rõ của nhân soi rõ ấy có đồng nhất với tự thân nó chăng?”
Đáp: “Thưa Cồ-đàm, không phải!”
Phật dạy: “Trong giáo pháp của ta [cũng vậy], tuy từ nơi vô thường mà đạt được Niết-bàn, nhưng [Niết-bàn] chẳng phải vô thường, [không đồng nhất với vô thường.
“Bà-la-môn! Do nhân rõ biết mà đạt được, cho nên là thường, lạc, ngã, tịnh. Do nhân sanh ra mà có, cho nên là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh. Vì thế, chỗ thuyết dạy của Như Lai tuy có phân thành hai [nghĩa], nhưng sự phân hai này không thật có hai [nghĩa], cho nên Như Lai không hề nói hai lời.
“Như lời ông vừa nói là đã từng nghe những bậc trí giả kỳ cựu trước đây nói rằng: ‘Nếu Phật ra đời thì không nói hai lời.’ Lời ấy đúng thay! Chỗ thuyết dạy của tất cả chư Phật ba đời trong mười phương đều không có sai biệt, cho nên nói rằng: ‘Phật không nói hai lời.’ Thế nào là không sai biệt? Nếu là có thì [tất cả chư Phật] đều nói là có; nếu là không thì [tất cả chư Phật] đều nói là không. Cho nên gọi là một nghĩa đồng nhất.
“Bà-la-môn! Đức Như Lai Thế Tôn tuy [có lúc] gọi tên [sự việc] dùng đến hai lời, nhưng đó đều là vì để làm rõ một lời. Thế nào là [dùng đến] hai lời để làm rõ một lời? Như [nói về] mắt và hình sắc là hai, [nói] sanh ra [nhãn] thức là một. Cho đến ý và các pháp [sanh ra các thức khác] cũng giống như vậy.”[166]
Bà-la-môn [Xà-đề-thủ-na] nói: “Cồ-đàm thật khéo phân biệt những ý nghĩa như vậy. Nhưng nay tôi còn chưa hiểu chỗ nói ra hai lời để làm rõ một lời.”
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền vì bà-la-môn [Xà-đề-thủ-na] mà tuyên thuyết Bốn chân đế. Sau đó Phật dạy:
“Này bà-la-môn! Nói Khổ đế đó, cũng là hai, cũng là một; cho đến Đạo đế cũng là hai, cũng là một.”
Bà-la-môn [Xà-đề-thủ-na] liền nói: “Bạch Thế Tôn! Con đã hiểu rồi.”
Phật hỏi: “Thiện nam tử! Ông hiểu như thế nào rồi?”
Bà-la-môn [Xà-đề-thủ-na] thưa: “Bạch Thế Tôn! Khổ đế đối với tất cả phàm phu là hai, đối với thánh nhân là một; cho đến Đạo đế cũng giống như vậy.”
Phật dạy: “Lành thay! Ông đã hiểu.”
Bà-la-môn [Xà-đề-thủ-na] thưa rằng: “Bạch Thế Tôn! Nay con được nghe Chánh pháp, đã được sự thấy biết chân chánh. Con xin quy y Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng. Cúi xin đức Đại từ nhận cho con được xuất gia.”
Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo ông Kiều-trần-như: “Ông hãy vì Xà-đề-thủ-na mà cạo bỏ râu tóc, cho phép ông ấy xuất gia.”
Kiều-trần-như vâng lời Phật dạy, liền cạo tóc cho Xà-đề-thủ-na. Ngay lúc vừa đưa dao cạo, cả râu tóc và phiền não đều đồng thời rơi rụng hết. Xà-đề-thủ-na ngay nơi chỗ ngồi [khi ấy] liền chứng đắc thánh quả A-la-hán.
KINH ĐẠI BÁT NIẾT-BÀN
HẾT QUYỂN BA MƯƠI TÁM
[161] Câu này nói tóm ý đề cập đến 11 trong số 12 nhân duyên, tức là từ vô minh, hành, thức… cho đến sanh; còn nhân duyên thứ 12 là lão tử (già chết).
[162] Bốn sự điên đảo: do nhận thức sai lầm về thực tại nên vô thường mà cho là thường, khổ mà cho là vui, các pháp vô ngã mà cho là hữu ngã, các pháp bất tịnh mà cho là thanh tịnh. Bốn sự điên đảo này khiến chúng sanh không nhận thức được đúng về bản chất của đời sống.
[163] Uất-đầu-lam-phất và A-la-la là những vị tiên nhân ngoại đạo mà đức Phật tìm đến trước tiên trên con đường học đạo. Sau khi thọ học với các vị này, ngài nhận ra là họ hoàn toàn không có khả năng đạt đến sự giải thoát rốt ráo, nên đã từ bỏ họ để ra đi.
[164] Nữ căn: bộ phận sanh dục nữ.
[165] Những pháp do bà-la-môn này trình bày cho thấy có sự lẫn lộn với những điều có trong pháp Phật, có thể là do chịu ảnh hưởng chung từ những quan điểm truyền thống đã có từ trước. Tuy nhiên, các pháp ở đây được trình bày một cách không hợp lý, và ngay cả sự tính đếm cũng sai lệch. Từ đại cho đến ba pháp căn bản, vị này đã kể ra cả thảy 26 pháp. Nhưng trên đã nói mạn sanh ra 16 pháp, dưới lại nói 16 pháp này do 5 pháp sanh ra! Tuy nhiên, đức Phật đã hoàn toàn không lưu tâm đến những sai sót này mà chỉ nói thẳng vào điểm trọng yếu nhất để phá đổ lập luận này.
[166] Câu này nói tóm ý từ mắt, tai… (sáu căn) và hình sắc, âm thanh… (sáu trần) tương ứng sanh ra sáu thức.