Dược Sư Và Tôi
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học
Chị tôi tu ở Dược Sư, năm lên mười tôi lên thành phố trọ học, chỗ trọ cách chùa Dược Sư vài cây số nên khi rảnh tôi tha hồ chạy qua thăm chị và viếng chùa.
Nếu đến chùa mà đi đường lộ sẽ xa hơn đi tắt, lối đi tắt thì gần nhưng phải băng qua nghĩa địa và cua quẹo vòng vèo. Lần đầu dắt tôi tới Dược Sư, chị Phượng vừa đi vừa bảo tôi:
– Con đường tắt này mau tới nhưng khó nhớ lắm, em đi một lần mà nhớ hết thì công nhận là em thông minh.
Câu nói của chị làm hào khí trong tôi trỗi dậy, tôi nhìn lom lom từng ngã rẽ (vì bận về thì chị sẽ thẩm tra kỹ năng nhớ của tôi, bắt tôi “trả bài” bằng cách đi trước dẫn đường).
Lối đi tắt luôn dẫn đến cổng sau chùa Dược Sư (tức là cửa sau nhà bếp). Đến nơi, chị em tôi vừa lên tiếng là quí cô mở cửa ngay.
Lần đầu ghé Dược Sư quang cảnh đập vào mắt tôi thật ngộ, rất đông quí cô hiện diện trong bếp đang lăng xăng xắt gọt, nấu nướng, rửa chén… một vài tiếng xì xào:
– Em Thủy đó hả, giống quá há!
Rồi có tiếng phản đối:
– Giống gì mà giống, chị em mỗi người một mặt!
Tới giờ tôi vẫn thích không khí ở bếp chùa Dược Sư, ấn tượng mà các nữ tu để lại trong tôi thật đặc biệt, (lúc nào cũng thấy quí cô rửa chén, có lẽ tôi đến cứ nhằm vào giờ này). Trừ ban giám sự ra hình như đa số quí cô đều rất trẻ, mặt ai cũng tươi tắn.
Hồi đó với tôi Dược Sư là một cõi giới mới mẻ, lạ lùng; cho tôi niềm vui và sự thư giãn khi đến thăm. Lúc ấy tôi chưa biết phân biệt (chưa lưu tâm đến) đẹp xấu, nhưng trong trí óc tôi quí cô giống như thiên thần, tượng trưng cho hoan hỉ và hạnh phúc.
Theo lễ tôi phải xá chào quí cô. Dược Sư có 60 cô, ít gì tôi cũng phải xá mấy chục lễ, thật chẳng dễ dàng được gặp cảnh quí cô hội tụ để xá một lần mà hễ gặp vị nào là chắp tay xá vị đó… cho nên một lần nọ tôi đã òa lên khóc, quí cô lao xao hỏi thăm:
– Sao vậy? Sao khóc vậy?
– Hu! Hu! Híc!… mỏi cổ quá! Chào mỏi cổ quá! Bữa nay phải chào nhiều quá!
Ai nấy đều bật cười. Dù vậy, tôi vẫn không bỏ được cái thú đến thăm Dược Sư và để bớt… khổ, sau khi lễ các vị trưởng thượng xong, tôi chạy thẳng vào nhà kho; ở đây tôi thường gặp một sư cô già có gương mặt nghiêm trang ít cười, người luôn gật đầu trước cái chào của tôi và chỉ vào cái ghế bố như có ý bảo tôi ngồi; thế là tôi tha hồ yên vị tại đó đọc sách mãi miết đến hết thôi.
Riết rồi quen, hễ thấy mặt tôi là quí cô cứ chìa sách ra, hầu như lúc nào đến tôi cũng có sách để đọc. Có lần cô giữ tủ thư viện xoa đầu tôi cười nói:
– Đọc gì mà dữ vậy? Gần hết sách rồi! Kiếm không ra sách cho mi đọc nữa!
Nhưng rồi dòm vẻ mặt của tôi, cô không nỡ để tôi thất vọng, lại cắm cúi lục tìm, cố kiếm cho ra sách mới đưa tôi. Tủ thư viện có hết thì vẫn còn tủ riêng của quí cô. Thế nên đến khi xa Dược Sư, nguồn sách cung cấp cho tôi đọc vẫn chưa bị cạn.
Tôi nhớ hồi ấy cô Đức còn rất trẻ, cô chỉ mới 21, 22 chứ không phải trên ngũ tuần như bây giờ. Cô cho tôi mượn tập sách Tuổi Hoa của cô. Trong sách có mục “Đồng Cỏ Non” dành cho các bé mà tôi rất thích. Thế là tôi nổi hứng sáng tác văn chương.
Đi học về là tôi hí hoáy viết, sáng tối gì cũng chúi mũi vào viết (không hề xấu hổ vì chữ viết mình như gà bươi). Tôi làm đúng như tòa soạn dặn, viết một mặt giấy xếp thẳng thớm bỏ vào bì thư.
Nhỏ bạn học cùng lớp khoe tôi là nhà nó ở gần bưu điện, để chắc ăn, tôi nhờ nó bỏ thư dùm.
Tôi canh hoài mà chẳng thấy bài mình đăng trên báo. Tôi hỏi nhỏ bạn:
– Mày có bỏ thư tao đàng hoàng không?
Con nhỏ chu môi:
– Chắc như bắp ấy, tao còn bỏ vào thùng thư bảo đảm giúp cho mày nữa kia?
– Là sao?
– Ngu ơi là ngu! Nghĩa là bỏ thư vào cái thùng có chữ “bảo đảm” sơn phía ngoài đó!
– Hiểu rồi, cứ gởi vậy là tới hả?
– Tất nhiên! Đã gởi là “bảo đảm” thì không bao giờ lạc!
Thế là tôi tiếp tục sáng tác, nhỏ bạn vẫn tình nguyện bỏ thư dùm, lá thư không có dán con tem nào được bỏ vào thùng “bảo đảm” cẩn thận, nghĩa là lúc nào cũng được gởi “bảo đảm” kiểu đó cả. Cho đến một ngày nhỏ bạn tôi hết kiên nhẫn, ca cẩm:
– Tao gởi bảo đảm chắc thế mà không thấy tăm hơi gì… thôi đừng viết nữa, bài mày dở quá họ không đăng đấy!
Thế là tôi giải nghệ.
Sau đó tôi lại mò qua Dược Sư, lần này cô Đức béo tai tôi:
– Con nhỏ này, lớn rồi phải tập tánh nữ công nữ hạnh đi chứ! Vô đây! Vô đây! Ta tập cho mà thêu!
Tay tôi cầm kim có mà làm gãy kim! Cái tuổi lên mười thuở ấy tôi có biết gì mà lưu tâm đến nữ công nữ hạnh? Dòm mấy cái mẫu thêu thiệt đẹp của cô tự dưng tôi đâm sợ, thế là tôi trốn biệt.
Có trốn mấy thì những ngày Phật Đản hay Vu Lan tôi vẫn mò qua, trong khi ngoài cổng chùa con nít bu đen chờ lãnh kẹo bánh, thì tôi đã được quí cô dành sẵn cho một phần thật to, nên Dược Sư đối với tôi là một điểm viếng tuyệt vời, là một nơi ban cho tôi niềm vui và nỗi hân hoan suốt thời thơ ấu mỗi lần ghé thăm.
Tôi nhớ sư cô Đồng gương mặt tròn đầy đặn trông rất phúc hậu, mỗi lần bịnh tôi thường vào phòng thuốc Dược Sư, lãnh một mủi chích vào mông rồi đi cà vẹo cà vẹo ra về với bộ mặt nhăn như khỉ ăn ớt trước tiếng cười vang của sư cô.
Còn sư cô già trong nhà kho, tôi nghe quí cô thường gọi là cô Hồng, cô ít nói, nghiêm trang; nhưng mỗi lần gặp cô tôi cảm thấy sung sướng, yên ổn; vì từ tâm của cô tỏa ra mát rượi, dù cô không nói câu nào nhưng cử chỉ của cô làm tôi cảm động; vì có khi vào nhà kho bắt gặp cô đang ngồi trên ghế bố, trong lúc tôi đang khép nép e dè thì cô đã đứng lên (như nhường chỗ cho tôi ngồi vậy). Thấy tôi hoảng sợ không dám ngồi, cô dịu dàng bảo:
– Tới giờ cô làm việc rồi, cô không nghỉ nữa, con ngồi đi! Đừng sợ!
Thuở ấy tôi chỉ là một đứa bé, nhưng cử chỉ trân trọng của cô làm tôi nhớ mãi, nhớ mãi đến mấy mươi năm về sau, thậm chí giờ cô mất rồi, kỷ niệm xa xưa vẫn còn đọng lại trong tôi như dòng nước mát ngọt ngào.
Sau này lớn lên vào Bát Nhã tu, thỉnh thoảng tôi có gặp cô Hồng nơi cái cốc ven triền núi, dĩ nhiên tôi vẫn lễ phép bái chào, mối cảm mộ âm thầm trong lòng tôi vẫn còn đấy, chẳng hề bày tỏ ra. Đôi lúc tôi cảm thấy mình thật lạ, mến mộ nhiều mà gặp vẫn thản nhiên, tri ân thầm mà tương giao như lạnh lùng.
Mãi đến sau này, một lần chị dâu tôi làm lễ trai tăng và có dành cho tôi một phần quà, cầm gói quà của chị trên tay tôi thích lắm, tôi thấy nó thật giá trị, vì nó chứa đựng cả lòng thương yêu chị dành cho tôi, tôi định mở ra xem nhưng dừng tay, bởi tôi nhớ đến cô.
Tôi muốn chuyển món quà đó đến cô. Hi vọng nó sẽ thay tôi chuyển tải tất cả những cảm tình, niềm mến mộ tôi hằng dành cho cô, dù không gặp nhưng được tặng cô chút gì đó thì thật là hạnh phúc.
Vài tháng sau cô mất. Thật là may vì tôi đã bày tỏ chút tình đến với cô kịp thời, nếu không tôi sẽ buồn suốt đời.
Cái thời ghé Dược Sư để chơi, để ăn và tha hồ đọc sách, tính đến giờ đã hơn ba mươi năm.
Dược Sư vô tình mà thành ươm mầm cho tôi, những cuốn sách Phật và những câu chuyện ý vị cứ thấm dần vào tôi như sương đêm đẫm áo, những gì từng vay mượn và tiếp thu từ thuở bé, giờ tôi cũng đang bắt đầu hoàn lại. Đọc của người nên viết cho người đọc.
Tôi viết những dòng này thay cho lời cảm ơn Dược Sư, cảm ơn những nữ tu Dược Sư đã tiếp đón tôi bằng tấm lòng bao dung hoan hỉ, để tôi tha hồ tới lui ngồi mòn ghế đọc sách mà tuyệt không hề có một lời, một thái độ hay cử chỉ phàn nàn nào.
Ngoại trừ cô Đức và một vài cô quen thuộc ra, tôi không nhớ hết tên lẫn nét mặt của các nữ tu chùa Dược Sư thuở ấy. Tượng Phật ngồi bất động trên cao luôn mỉm cười hiền hòa, còn trong trí óc non dại của tôi; quí cô thuở ấy cũng thật hiền hòa và hoan hỉ giống như Phật.
12/11/2004