Thư Giãn
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Diễn dịch: “Tự ái” là… “tự thương” chứ gì (?) Đôi khi sống trên đời chẳng cần van cầu trông chờ vào tình thương người ban phát cho, ta cứ tự vẽ chân dung mình để rồi xao xuyến, thổn thức, tha hồ… như đương sự tự tả mình dưới đây:

Tự Thương

Một thương mắt hí môi trề
Hai thương ăn nói vụng về ưa gây
Ba thương hay cãi, nhằn dai
Bốn thương cau có mặt mày ưa nhăn
Năm thương “bó hó băn hăn”
Sáu thương gắt gỏng giống “chằn” hai nanh
Bảy thương gặp việc tài lanh
Tám thương khoái hứa hay giành rồi quên
Chín thương tật tánh giữ bền
Mười thương kẻ dưới người trên đều nhờ.

Chơn Tịnh Tín.

* * * * * *
Bữa Cúng Dường Lưu Danh…

Tình cờ trong một lần ăn bánh xèo Huệ thấy hàng bánh này rất ngon và phát tâm muốn cúng dường quí cô chầu bánh chiều. Tôi được phân làm nước chấm cho xứng với hương vị quyến rũ của bánh. Đang ngồi giã ớt cộp cộp, Tịnh Niệm thì chốc chốc lại xuất hiện ngoài ngõ bắn tiếng vô: “Xong chưa? Bánh về chưa? Ai nấy đang hò hởi chờ kìa!” – Mời quí vị nghe đoạn kết câu chuyện do chính người trong cuộc kể:

Chuyện Từ Một Buổi Chiều…
Trên đường gió thổi hiu hiu
Lượn xe đi lấy bánh xèo… đãi cô!
Thằng nhỏ ở đâu lạng vô
Làm em thắng gấp, bất ngờ té ngay!
Trước khi té, em còn bay…
Giống phim kiếm hiệp, đầu vai rụng rời!
Mắt thấy đom đóm, sao trời…
Rồi em ngầt xỉu, tưởng đời đi luôn!
Đầu vai đập mạnh vào con lươn
Tưởng đâu mình được diêm vương thỉnh mời…
Ngỡ là gần đất xa trời
Người lay, kẻ lắc, chờ lời em tuôn…
Em nằm bất động trên đường,
Mơ màng trông thấy bánh đương… còn dòn!
Quí cô ăn uống thật ngon…
Bỗng em tỉnh dậy mở choàng mắt ra..
Chung quanh đông đảo người ta
Toàn thân đau nhức em la: “Hừ!… Hừ!…”
Xương cổ tự dưng cứng đơ
Vai ê, đầu niểng, tật giờ còn mang
“Yêng hùng” lâm nạn giữa đường.
May mà sống sót nhờ… ơn Phật trời
Tình chùa, tình chúng biển trời,
Em nguyền ghi nhớ suốt đời… không quên!

Chơn Tịnh Tín.

Vậy là có thể tưởng tượng được, bánh chưa về tới nhưng quí cô đều mất khả năng thọ thực vì “lo quá hóa no”, không còn hồn vía để ăn! (Nhưng không sao, bánh được để qua sáng hôm sau, kết cuộc là ai nấy lúc ăn đều phải công nhận là bánh ngon thiệt)!

* * * * * *
Chuyện Cái Cốc Cạnh Chùa

Có cái cốc con con cạnh chùa, chùa có chi cũng cho cốc chủ cùng con chó cái chực. (Cả con của con chó cái cũng chực!) Chỗ chủ cốc chực cao cao cở cửa cổng. Còn chỗ con chó chực cạnh chốt cửa. Chó chực chùa, chó canh cửa coi cổng chăm chú, chúng càng cho, chó càng cố công canh chừng, càng canh chăm chuyên chẳng chán! Chó chẳng cắn càn, chó chỉ coi, chỉ canh cho chùa, chốc chốc chó có chạy chơi chút chíu. Chùa cưng, chùa cho chó cơm có cà, có cả cám… cao cấp. Còn chủ cốc chực chùa, chùa cho canh, cơm, cỗ cao.. Chủ cốc chẳng có chi, chỉ cúng chùa chút chíu. Chùa càng cho càng cao cả. Chủ cốc cùng con chó cái, con chó con, cùng cắn cỏ.. cảm chúng, cảm chùa.. chan chứa!

* * * * * *
Bài gì?

Huệ Hân đem đĩa vi tính qua mở nhạc nhờ tôi ở nhà trên nghe và đoán thử xem lời bản nhạc này do ai đặt? Tiếng nhạc xập xình, âm thanh ca không rõ nên tôi chẳng đoán được. Hương cũng lắng tai nghe và ra sức dịch lại cho tôi hiểu:

– Thưa cô cái bài gì mà… tắm tới hai lần lận!

– Hả? Sao phải tắm tới hai lần?

– Con không biết, nhưng rõ ràng là ở trỏng hát tắm… hai lần mà!.. còn kể rõ là tắm sông nữa, tắm đúng hai lần!

Tôi ngẩn người, động não mãi, cuối cùng vỡ lẽ:

A! biết rồi! Đó là lời thơ trong bài “Tống biệt” của cô Thủy. Như vầy nè:

– “Làm sao có được hai lần tắm,

Trong một dòng sông để ngậm ngùi!”

Dà! Dà! Phải rồi! Đúng vậy đó! Con có nói là.. tắm tới hai lần mà!

* * * * * *
Sở Thích

Thấy chị tôi mua bộ bàn ghế văn phòng, Sư bà qua xem, ngắm nghía một hồi lâu rồi bình:

– Mấy “ông” xài đồ gì mà sang quá, cái ghế cũng biết quay vòng tròn, tôi thì tôi thích giống “Huề thượng” Viện chủ, sống dĩ vãng dĩ vãng…. Thôi!

Hương ngơ ngác hỏi tôi:

– Vậy nghĩa là sao hở cô?

– Ý Sư bà nói thích sống đơn giản, giản dị…

Hương gật gù:

Ra là vậy!

* * * * * *
Vui sưu tầm
Niềm Riêng

Lâu ngày gặp lại, các giảng sư tâm tình, phỏng vấn nhau:

– Đi giảng huynh sợ gì nhất?

– Sợ nhất là mình giảng mà thính chúng sàng qua, gục lại trước mặt mình.

– Còn tôi, tôi ngán nhất là chốc chốc họ lại giơ đồng hồ tay ra xem…

– Xem đồng hồ cũng chưa làm mình ngại, ngại nhất là họ đưa đồng hồ lên gần lỗ tai, lắc lắc xem nó còn chạy không nữa chứ!…

* * * * * *
Biệt Ly

Gặp rồi cũng phải chia tay
Tiễn người một khoảng trời đầy ánh dương
Đêm, trăng vằng vặc soi đường
Độc hành chiếc bóng, hơi sương ngút ngàn
Người đi trong cõi hồng hoang
Bao nhiêu bụi bặm gởi làn nước trong
Ngại chi lãng đãng bụi hồng
Giăng làm sao kín thiên không yên bình
Bụi về với kiếp phiêu linh
Niệm về với cõi bấp bênh sẵn dành
Trời xanh lồng lộng trời xanh
Khi không vướng mắc, riêng mình tự vui.

* * * * * *
Tỉnh Giấc

Mắt người là một giòng sông
Chứa nhiều bất trắc mênh mang sóng ngầm
Người mơ lướt sóng – tự trầm..!
Ba đào cuồng nộ, mơ thầm nước trong
Giữa cơn lốc xoáy quay mòng
Khoảng không bình lặng bao dung không ngờ
Thì thôi giã biệt cơn mơ
Mắt, sông, gì mặc!.. lên bờ giác thôi

* * * * * *
Từ Buổi Lễ Chúc Thọ

Tôi vừa kết thúc thời kinh tối thì Hương từ dưới nhà đi lên thang gác xin phép:

– Thưa cô, cho con ra mừng lễ chúc thọ lục tuần thầy Trụ trì Thường Chiếu!

Tôi gật đầu, Hương hớn hở rồ xe chạy đi. Mãi tới gần 11g khuya nó mới về.

Lúc này tôi đang díp mắt vì buồn ngủ nên chỉ đủ sức khoát tay khi nó xá chào, mà không hỏi han gì.

Sáng ra, tôi phỏng vấn nó:

– Sao? Hồi hôm đi chơi vui không?

– Dạ vui, quí thầy hát hay quá chừng! Viên Chiếu hát bài “Bụi phấn”, Linh Chiếu hát mấy bài, quà mừng chất cao, xếp thật đẹp…

– Vậy à? Linh Chiếu hát chắc vẫn còn hay, nhưng chắc Viên Chiếu hát dở hả?

Hương ậm ừ chưa đáp, tôi nói tiếp:

– Hồi xưa Viên Chiếu hát hay lắm, giờ già rồi nên hết hơi đó. Chỉ những người trẻ hát mới hay thôi!

– Đâu có! Quí thầy Thường Chiếu lớn tuổi nhưng hát rất có giọng. Tân nhạc, Vọng cổ gì cũng có ý nghĩa đạo vị…

– Ừ! Vậy yhì do chất giọng quí thầy hay!

Hương chợt nói:

– Không hiểu sao chỗ quí thầy ngộ lắm! Không khí làm sao ấy! Nó không giống chỗ quí cô…

– Là sao??

– Chỗ quí thầy làm mình cảm thấy… dễ thở, hân hoan, an lạc thế nào ấy!

Tôi lắng nghe, ngẫm nghĩ một chút rồi phân tích:

– Biết sao không? Chắc là vì tâm tư quí thầy phóng khoáng, dễ chịu, nên cảnh cũng tỏa ra như thế!

– Dà! Phải rồi! Đúng vậy đó!

Hương khoe thêm:

– Sáng này ra dự lễ, ai có mặt ở đó sẽ được thầy Trụ trì phát quà…

– Sướng quá ta? Vậy giờ Hương có đi hôn?

Hương cười lỏn lẻn:

– Dạ… thôi!

Xưa nay tôi vốn chẳng để ý tới lời tán tụng quí thầy, vì cho là lời phẩm bình sẽ thiếu chính xác nếu phát xuất từ thiên kiến “trọng nam”. Nhưng Hương ái mộ quí thầy lẫn quí cô, bản tính nó chất phác, thật thà, nghĩ sao nói vậy. Do đó mà tôi giật mình khi nghe nó đưa ra nhận xét như trên. Nếu tôi không có cái nhìn vô tư khách quan, tôi sẽ không lý giải được vấn đề một cách đúng đắn.

Cách đây khá lâu, có lần Hương mách tôi:

– Sáng nay con ra đường có một cô ni ngoắc xin quá giang. Con đưa cổ tới Long Thành, lúc xuống xe cổ nói:

– Quí hóa quá! Ráng làm phước như vầy cho nhiều nhen! Chúc con đời sau chuyển nữ vi nam!

Tôi bình:

– Đúng là câu chúc không mong đợi…

Hương cười hi hí:

– Chắc là cổ thèm làm nam quá nên mới chúc con như vậy!

Mỗi lần, trong chúng có người xầm xì bàn chuyện thị phi, nói lỗi sau lưng ai đó, chị Huệ ở đâu trờ tới bực mình lên tiếng:

– Bộ muốn làm đàn bà suốt kiếp sao mà cứ nói chuyện thị phi hoài vậy?

Cuộc chuyện trò vô bổ được cắt đứt ngay.

Mỗi khi thấy ai ngồi lê đôi mách, nói xấu sau lưng người, khoái đâm thọc nhiều chuyện, dù họ là nam nhân người ta vẫn bảo người này có “tính đàn bà!”

Như vậy, chứng tỏ là “tính đàn bà” hay “tật đàn bà” rất… “kém chất lượng”, dù nó hiện diện trong hình hài giới tính nào!

Có lời bình rằng: phái nữ có tài ngang nam nhân, có thể làm nên mọi chuyện, có thể chứng A-la-hán, có thể thành Phật… Song khuyết điểm của họ là tính cố chấp, nhỏ nhen, hẹp hòi, dễ giận, dễ tật đố…

Thường thì đối mặt với sự việc nam nhân buông xả dễ dàng, còn phái nữ cứ ôm đồm không hỉ xả cho qua, nên họ cứ mãi chịu thiệt thòi, mãi khổ dai, vì cái tật khó buông của mình!

Tôi cũng không thoát khỏi khuyết điểm này, nhưng… hễ có ai miệt thị “phe ta” thì tôi công kích liền: – “Làm như mấy ông là hay lắm vậy!”

Nhưng trước cụm từ: “tính đàn bà” tôi đành ngậm họng, không còn lời lẽ để binh vực, biện minh.

Hồi xưa khi nghe thầy giảng đến chuyện một bà già hỏi ngài Triệu Châu:

Làm sao để thoát khỏi thân nữ hèn kém xấu xa?

Triệu Châu đáp:

– Nguyện cho mọi người đều được lên thiên đường, còn thân tiện tì này vĩnh kiếp ở địa ngục!

Chúng tôi cười ồ! Câu đáp có vẻ như ngài Triệu Châu muốn trêu chọc bà già. Rõ ràng là bà đang ôm nỗi khát khao cháy bỏng muốn thoát khỏi thân nữ, vậy mà ngài còn xúi bà: “Nguyện thân tiện tì này ở địa ngục vĩnh kiếp” và… “cầu cho mọi người được lên thiên đường hết.”

Sau này tôi mới hiểu, thật ra ngài Triệu Châu đã bày cách giúp bà, câu đáp chính là trọng tâm của yếu chỉ.

“Nguyện cho mọi người được lên thiên đường” đó là tấm lòng vị tha hào hiệp, tấm lòng từ mong muốn cho mọi người được hạnh phúc vui sướng, còn riêng bản thân sẳn sàng nhận chịu khổ đau. Đây là tấm lòng “vị tha xả kỷ”. Khi có được tấm lòng vì người với nhân cách cao thượng như thế, tức là đã thoát khỏi sự hèn kém xấu xa rồi!

Có nghĩa là cái hình hài thể xác không quan trọng, mà cốt lõi là cái tâm! Phật đã từng thị hiện mang thân nai, thân dã can để độ sinh, song tâm ngài vẫn là tâm Phật, tâm Bồ tát!

Ngài Hư Vân cũng từng nói: “Là nam hay nữ không quan trọng, quan trọng là biết sống.” Và ngàn kinh muôn luận đều nhằm dạy cho chúng ta cách để biết sống này!

Vì thế chẳng cần phải ước ao, băn khoăn lo nghĩ làm sao để “chuyển nữ vi nam”, làm sao để thoát khỏi thân hèn kém, mà chỉ cần thoát khỏi tâm hèn kém, bằng cách: chuyển tâm! – Chuyển tâm xấu thành tốt lành. Có được tâm tư trong lành thì dù có mang hình hài nào, có là nam hay nữ, cũng chẳng đáng quan tâm!

Thường trong cuốc sống mình cứ vô tư để tật tánh mình hành hạ người, khiến họ khổ não vì hít phải không khí “ô nhiễm” từ môi trường tâm của mình. Lắm lúc đang hành hạ người, ta chẳng hề ý thức và nhận ra được điều đó, thậm chí còn cho là người đang làm khổ ta. Nhưng trong tối tăm làm sao thấy rõ được lỗi tại ai? Làm sao cân lường được là ai khổ hơn ai? Chỉ có “tình nguyện nhận khổ” như ngài Triệu Châu đã bày cho bà già, mới giải tỏa được vấn đề. Mọi chuyện sẽ ổn ngay từ giây phút mình phát khởi ý niệm mong cho người được vui vẻ, an lạc. Khi nào tâm thật sự mong mọi người được hưởng niềm vui như thiên đàng, thì lúc ấy chẳng cần phải băn khoăn nhiều vì những điều lỗi, về những giới tính đang mang trong cuộc sống nữa.

Đây là yếu tố “dễ thở”, là thoáng khí mà Thường Chiếu tỏa ra, để Hương tình cờ hít vào cảm thấy hân hoan, nhẹ nhỏm, đến độ phải buột miệng khen.

Đây cũng là yếu tố là La Hầu La năm lên bảy lần đầu đón Phật về thành Ca Tỳ La đã hớn hở phát biểu khi được đứng cạnh Phật:

– Bạch Thế Tôn! Cái bóng của ngài mát mẻ làm sao! Con cảm thấy thật hạnh phúc khi được núp dưới cái bóng của ngài!

Đại sư Tinh Vân đã từng giảng giải chữ Phật là kết hợp giữa chữ Nhân và chữ Phất; Nhân là người; phất là buông bỏ, rũ sạch hết. Một người đã buông bỏ rủ sạch hết… thì là Phật.

Khi nào ta sống với Phật tâm thí người đứng cạnh sẽ thấy bình an mát mẻ. Giây phút nào ta sống với Quỷ tâm thì người quanh ta sẽ thấy khổ như đứng gần “Hỏa diệm dơn”. May mắn là Phật đã từng tuyên bố: “Ai cũng có Phật tính”… Thế nên, chỉ cần tẩy rửa, gột sạch cái tâm chúng sinh… thì ta lẫn người đều có thể hưởng bầu không khí hạnh phúc, dù còn đang hiện diện ở trần gian này.

Xin cảm ơn Thường Chiếu đã tỏa ra bầu không khí mát mẻ khiến người hiện diện thấy an lạc lây, để từ đó mảnh lý sự này được hình thành. Vì thế, bài viết này xin được dâng đến thầy Trụ trì Thường Chiếu thay lời chúc thọ, mong rằng môi trường trong lành tương tự Thường Chiếu sẽ tỏa khắp nhân gian để đâu đâu cũng có được bầu không khí… dễ thở, thanh lương.

24/8. (26/7 A.L) 2003.

* * * * * *
Chuyện Ẩm Thực

Em hỏi chị:

– Con chó nó không làm gì nặng mà nó lại ăn nhiều là tại sao vậy?

– Vì nó sủa, sủa cũng hao hơi tổn tiếng…

– Còn chị, chị đâu có làm gì nặng mà cũng ăn nhiều?

– Chị… sủa, à không! Chị giảng… cưng à.

* * * * * *
Gói Ấy Là Gì?

Bé Hà kể:

– Mùa Trung thu gia đình con được khách biếu cho hộp bánh. Má con vui vẻ cắt bánh ra chia, bà xé cái gói bột nhỏ trong hộp bánh ra, rắc lên bánh và ăn ngon lành.

– Ối trời, sao bà lại ăn như vậy?

– Má con nghĩ đó là gói gia vị ăn kèm với bánh, bánh thời nay tân tiến nên phải ăn như vậy…

– Đó là cái gói có đề chữ “do not eat” phải không?

– Dạ, đúng! Sao ạ?…

… nghĩa là “không được ăn” đó là gói chống ẩm, ăn rất có hại! Có gói còn dặn: “… lỡ cho vào miệng phải súc miệng ngay, nếu dây vào mắt phải rửa mắt ngay và đi bác sĩ liền…” (if put in mouth by accident, wash mouth immediately, if into eyes, wash eyes immediately, and go to see a doctor…)

– Mèn ơi, ai biết đâu? Bánh Việt Nam mình làm mà sao không cảnh cáo bằng tiếng Việt cho dễ hiểu?

– Ờ! Chắc tại nhà sản xuất… không rành tiếng Việt!

* * * * * *
Bánh Tên Gì?

Một bà già quê bảo cháu gái:

– Nè, có đi “xiu thị Cô Ra” thì mua cho bà bánh về ăn thử, nghe nói “săn quít” ăn ngon lắm!

Cô cháu đem đúng bánh về, bà ngắm nghía, xăm xoi bánh hồi lâu rồi lườm cháu:

– Bây nghĩ tao cù lần, ở quê không biết gì hả? Vầy mà là bánh “săn quít” à?

– Trời! Chứ bà muốn “phải thế nào”?

– Phải có nhưn thiệt ngon kẹp ở giữa kìa!

– Đó là bánh “hăm ba gơ” bà ơi!

– Không phải, mầy phải nói thiệt cho tao nghe, bánh này tên gì? Nhất định không phải là “săn quít”!

Cô cháu thở ra:

– Vậy thì thưa bà, đây là bánh… “sân nguýt” ạ!

Bà già toét miệng cười.

* * * * * *
(Trẻ con có những lí luận, quan điểm mà người lớn khó lòng giải thích, xin ghi lại những điều tai nghe mắt thấy):

Lí Do

Cu Tý là con bà chị họ tôi. Một hôm, dỗ cách nào thằng bé cũng không chịu đi học. Bực quá mẹ nó gắt:

– Có muốn tao phát cho mấy cái vào mông không?

Thằng bé ấm ức trả lời:

– Cô giáo con không biết gì hết á! Có mấy cái chữ… mà ngày nào cũng hỏi con, con cũng không biết thì làm sao mà nói cho cổ nghe được?!

* * * * * *
Nếu…

Cu Bi (anh hai cu Tí) đi học về khoe:

– Má ơi, hôm nay bài luận con làm được chín điểm!

– Giỏi quá! Thế con tả gì nào?

– Con tả ba lúc nóng giận, mặt đỏ, gân xanh nổi lên… Thầy giáo phê: “văn đạt, có óc quan sát…”

Mẹ cháu cười ngặt nghẽo… cu Bi cao hứng nói:

– Nhưng nếu mà con tả má giận, chắc chắn thầy giáo sẽ cho điểm mười!…

* * * * * *
Ngôn… ngữ

Em ra đời bên Mỹ, không ràng cách đùa vui xài từ của Việt nam.

Một hôm tan học em về nhà hỏi mẹ:

– Sao ba mẹ gọi nhà vệ sinh là thư viện?

– Vì ba con hay vào đó đọc sách!

– Báo hại.. bạn bè ai cũng cười nhạo con, vì hôm qua chúng hẹn gặp con tại thư viện, nhưng con đã đi đến nhà vệ sinh để đứng đợi…

* * * * * *
Bịnh Gì?

Cùng nhau quá giang trên chiếc xe hơi bóng lộn, gần tới trạm thu tiền đường, để biểu lộ lòng tốt với tài xế, cô bạn huých vào hông tôi nói nhỏ:

Tới trạm nhớ xin họ cho qua, khỏi đóng tiền nha!

Tôi hơi bị bất ngờ chưa kịp há miệng nói gì thì đã thấy Cảnh vệ giơ cây lên ngăn xe lại:

Cô bạn chọt vào hông tôi, thúc:

Nói nhanh lên! Nói!…

Quýnh quá tôi gào lên:

– Thưa… ông thông cảm, tụi tôi bị… bịnh hết rồi!

Cô bạn gật đầu, ra điều ưng ý rằng lí do tôi nêu rất đạt…

Ông cảnh vệ trố mắt nhìn mấy ni cô mập mạp hồng hào, nghiêm giọng hỏi:

– Bịnh gì?

– Dạ, có bịnh thiệt mà, tụi tôi… bị bịnh… tiếc tiền!!

Ông ta hạ cây xuống, muốn cười mà không dám cười, khoát tay:

– Thôi đi đi!… mấy bà nội!

* * * * * *
Chuyện Điện Thoại

Ta bước tới, đi lui quanh, điện thoại
Nhấc ống nghe, rồi đặt xuống ngập ngừng
Gọi cho người… đầu bên kia… máy bận…
Gọi cho người, người đi vắng,
… ủ-ê!
Rồi những lúc buồn dâng tràn mi mắt
Tim tái tê mong tìm kẻ sẻ chia
Gọi cho người, đầu bên kia máy… tắc,
Gọi cho người… đường giây bận?…
-não nề!-
Thôi hãy để… khi nào ta thanh thản…
Máy sẽ thông, người hãy nhấc, chuyện trò…
Vì lúc ấy cõi lòng ta trong sáng…
Có nói gì… cũng là lời thơm tho!
Còn những lúc ta buồn, hay đang giận…
Máy cứ kêu, nhưng… cứ… bận tha hồ!
Để ta trút buồn vào… trong quên lãng…
-Đừng để người nghe!! – tội thêm thôi!-
Người ta bảo: “Đừng nói khi… mình giận”
Đừng hứa khi vui, để tránh lỗi… bất toàn
Nên ta sẽ… cám ơn! – vì máy bận!-
-Tránh cho mình… đem buồn phát… lang bang!
Nếu thích, ta cứ… bấm, quay… tùy ý!
Lỡ máy thông, ta tìm được ai rồi
Xin hãy nói… những gì người hoan hỉ
Còn buồn kia?? – nên… mang một mình thôi!
Buồn hay vui! – rồi cũng sẽ phôi pha –
Tâm thức mình, có niệm nào tồn tại?
Đời sẽ đẹp, sắc xuân còn thắm mãi…
-Khi ta mang… nụ cười đến… cho người! –
Ừ, thôi cứ…
đi loanh quanh điện thoại
Nhấc ống nghe và quay số… tha hồ
Gọi cho người, đầu bên kia máy bận…
Gọi cho người, người đi vắng??…
-may ghê!-

* * * * * *
(Mỗi cuối năm, Thông Nhựt thường tặng tôi chậu bông để đón xuân, cho nên):

Vắng Em

Người đã đi rồi nên… thiếu bông
Để ta buồn, ngó cái thềm không!
Vắng em, vắng chậu hoa mừng tết
Vắng cả… hình như… một tấm lòng!

* * * * * *
Lễ Đạo Đầu Năm

Thế rồi ta lại diện kiến nhau
Em mới gặp tôi, vội xá chào
Phận nhỏ, tha hồ em mỏi cổ
Không cần thẩm mỹ, mỡ tiêu mau
Xong lễ đầu năm… em mỏi tay
Chào nhiều – cổ lắc – nhức tới vai
Thương em, tôi gặp vờ không thấy
Tuy rằng lễ nghĩa mới nên, hay!
Và mùa xuân qua em lớn lên
Chúc em còn mãi nét hồn nhiên
Để tô sắc thắm cho nhịp sống
Để mãi bình an giữa muộn phiền.

1999

************

* * * * * *
An Ủi

Rồi bỗng dưng cuồng phong về nhặt lá
Mắt người buồn sao nặng hạt sương sa?
Giữa rừng khuya vàng thắm ánh trăng tà
Phiền muộn nhé, xin gởi theo gió hạ

1979

* * * * * *
Lời Thầm

Có thể bây giờ tôi đang gần Viên Chiếu
Nên tôi không thấy thiếu tình người
Trăng dịu dàng về đêm như sao lấp lánh trên trời
Thả sương xuống vỗ về cỏ hoa óng mượt
Cõi thiên đường được diễn tả… rất xa!
Khó tưởng tượng và tôi chưa đến được
Nhưng gần đây chỉ vài bàn chân bước
Giống… địa đàng, Viên Chiếu đang lập nên
Cảnh cũ, người xưa vốn rất thân quen
Vậy mà mỗi lần đến thăm, tôi đều thấy lạ
Tôi đã kìm, để lòng đừng nghiêng ngã..
Khi ngắm sắc hoa, màu lá, cả… ngôi chùa!
Có thể mai này tôi lại xa
Viên Chiếu dù quen, nhưng… sẽ lạ!
Những gương mặt sơ giao chưa có
Ngơ ngác nhìn nhau, bỡ ngỡ câu chào
Nhưng tôi yêu, nét thân thiện lẫn lạnh lùng
Bởi cuộc sống… con người là vậy!
Đủ thân, sơ, ghét, thương và yêu giận…
Nhưng tựu chung cũng cùng một tâm Phật
Ngày mai xa, tôi nhớ “Phật” vô cùng!

* * * * * *
Hoa Cỏ Cũng Nên Thơ

Thuở ấy, bây giờ đã khác nhau
Thoáng chốc mà thay đổi quá mau
Chỗ xưa hoang dại nay là chốn…
Chánh điện, tăng đường san sát nhau
Trăng vẫn thường xuyên rọi xuống hiên
Bây giờ khép nép trải dáng nghiêng
Bâng khuâng nhìn mái chùa cong vút
Chờ đợi mây thành sương giăng đêm
Viên Chiếu lạ lùng như cõi mơ
Đẹp vì hoa cỏ cũng nên thơ
Hơi hướm tịch liêu, hương rừng cũ
Còn lẫn đâu đây, chửa xóa mờ!

1998

* * * * * *
Chân Không

Tôi chưa về thăm lại Chân Không
Từ lúc hạ sơn… xuống ruộng đồng
Và khi dỡ ngói Thiền Đường xuống…
Tô bồi Thường Chiếu… trả đồi hoang…
Có một chút gì đang vỡ tan
Không Thiền Đường như… không thiên đường!
Núi trơ nền vắng, buồn hiu hắt
Cỏ cũng úa vàng… nhờ áo tăng…
Tôi chưa về… ngắm lại Chân Không
Từ lúc phục hưng núi Tao Phùng
Cỏ hoang thôi úa, cười xanh biếc
Ngời dáng Thiền Đường… hanh nắng trong
Tôi chưa về thăm lại Chân Không
Nhìn hình thôi, đã thấy… phiêu bồng
Cảnh nay giờ đẹp… hơn xưa nữa!
Bát nhã hai tầng… cao mênh mông
Dù chẳng về thăm, ngắm núi xưa
Trong tôi còn mãi… nét nguyên sơ
Chùa im lìm ngủ trên triền núi
Mây trắng nép hầu… đẹp như mơ!
Gió thoảng, vang lời như reo ca…
“Dù người chẳng đến viếng… núi ta…
Trăng thu muôn thuở luôn vàng thắm…
Dù giữa thanh bình hay phong ba”…

2005

* * * * * *
Bụi Nắng

Nắng chiều rọi khoảng sân lam
Bụi len vào cổng nghịch thầm cỏ hoa
Lén chiêm ngưỡng Phật hiền hòa
Rồi theo gió cuốn bay ra ngoài vườn
Áo ai phất giữa thiền đường
Vạt vương giọt nắng đang luồn qua song
Nghiêng tay rũ sạch bụi hồng
Thoảng nghe trong gió còn xông hương trầm

2002

* * * * * *
Thuở Xưa Ấy…

Ta một thuở…
Đã làm ni Viên Chiếu
Áo đà, lam…
Dính đất ruộng đen thui
Giờ đã xa, bên lề ngồi viết kể…
Chuyện ngày xưa,
thân thiết đến… ngậm ngùi…
Ta một thuở…
Cùng ngụ trong chòi lá
Khi mưa về…
Nước rỉ rả dột đêm
Vách thưa rĩnh, gió lùa qua lạnh quá
Mưa hắt vào, giấc ngủ ướt lem nhem..
Ta một thuở…
Đã cùng nhau chằm, vá…
Giờ nghỉ, lôi kim chỉ… đến cau mày…
Mơ nhàn nhã không thành…
– vì áo rách –
Vá trăm màu…
– như lễ hội cái bang –
Ta một thuở…
Đã cùng nhau ăn độn
Sáng khoai lang…
… chiều lại khoai mì
Gạo khan hiếm..
Nên dành nhau cơm cháy
Cho đỡ ghiền..
hương vị… mê ly!
Ta một thuở…
Đã cùng nhau chống lụt
Nước dâng cao, lội bì bõm thâu đêm
Di tản đồ, môi run, da lạnh buốt
Vẫn chan hòa..
tình pháp hữu dịu êm..
Ta một thuở..
Trời khuya còn ngoài lộ..
Đường hắt hiu,
nên trăng sáng hơn đèn
Vui hò hát…
-bị người hăm: “vặn cổ!”
Ngó nhau cười,
mắt lấp lánh sương đêm…
Ta một thuở…
Bao lo toan cùng cực
Chia cho nhau..
từng hạt muối, tán đường
Đêm sốt rét, bạn ngồi quanh không ngủ
Chờ di thư… (?)
-hay dâng kệ… tiễn hồn!?…
Ta một thuở…
Cùng làm thơ, đặt nhạc…
Giữa rừng khuya…
Ca hát, ngắm trăng lên
Giờ đã xa…
Tóc người xưa bạc trắng
Chuyện hôm nào…
Kể lại… vẫn bâng khuâng…

2005