NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Đại Sư Minh Tánh
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời đại sư Minh Tánh

Nhận được thư đầy đủ cả. Ông khen ngợi tôi quá lố khiến cho người ta bất an! Quang là người lòng nghĩ thế nào miệng nói toạc ra như thế ấy, chẳng khen ngợi người khác quá lố, chẳng nhận tiếng khen của người khác. Tuổi tuy tám mươi nhưng chẳng biết một điều gì! Vì thế, chỉ lấy niệm Phật làm phương kế tự giải thoát, nhưng do nghiệp nặng, trọn chẳng có sở đắc gì, do có sáu chục năm trải đời nên những lời nói ra chẳng đến nỗi chán tai người khác! Tọa hạ đã chẳng coi rẻ Văn Sao là hủ bại, dơ bẩn, thì hãy nên y theo những gì Văn Sao đã nói để tu tập, quyết chẳng đến nỗi làm hỏng đại sự của ngài. Còn như chuyện đến núi thì quả thật không cần thiết! Pháp môn Tịnh Độ trọn chẳng có chuyện “miệng truyền, tâm trao”, tùy ý để người khác tự hành lãnh hội từ nơi kinh giáo, trước thuật, không có gì là không được cả!

Chín vị tổ của Liên Tông không phải là mỗi vị đều được đích thân truyền ngôi vị Tổ như trong các tông khác mà là do người đời sau chọn lựa, dựa trên công lao hoằng dương Tịnh Tông sâu đậm của các Ngài mà xưng tụng như thế, chứ thật ra đâu phải chỉ có chín hay mười vị! Quang sau khi xuất gia, phát nguyện chẳng thâu nhận đồ chúng, chẳng làm Trụ Trì, chẳng làm giảng sư, cũng chẳng tiếp nhận pháp[1] của người khác. Vào thời Đường – Tống vẫn còn có pháp truyền tâm ấn của Phật, chứ nay chỉ còn dòng phái các đời [truyền thừa] mà thôi, gọi là “pháp” cũng đáng tội nghiệp quá! Tịnh Tông trọn chẳng có chuyện ấy.

Đến núi [gặp gỡ Quang] vẫn chẳng hữu ích bằng đọc sách! Cổ nhân nói: “Gặp mặt chẳng bằng nghe tên”. Dẫu có đến đây thì những gì tôi sẽ nói với tọa hạ vẫn là những lời lẽ trong Văn Sao, nào có bí pháp đặc biệt sâu mầu nào đâu? Mười mấy năm trước, cuối lá thư gởi cho Ngô Bích Hoa, tôi đã viết: “Có một bí quyết tha thiết bảo ban: Cạn lòng thành, tận lòng kính, mầu nhiệm vô cùng!” Hơn nữa, cuối chương Thế Chí Viên Thông trong kinh Lăng Nghiêm có nói: “Phật hỏi pháp Viên Thông, con không chọn lựa, nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc Tam Ma Địa, ấy là bậc nhất”. “Không chọn lựa” là dùng trọn khắp Căn, Trần, Thức, Đại để niệm Phật. Niệm Phật cậy vào Phật lực để liễu sanh tử, nhà Thiền cậy vào tự lực để liễu sanh tử. Người đời nay ngộ được còn chẳng thấy nhiều, huống là bậc chứng Tứ Quả (Tạng giáo[2]) và Thất Tín (Viên giáo[3]) ư? (Tứ Quả, Thất Tín mới liễu sanh tử). Chỗ để thực hiện “nhiếp trọn sáu căn” là do nơi nghe. Bất luận niệm lớn tiếng hay niệm nhỏ tiếng, hoặc chẳng mở miệng niệm thầm trong tâm, đều phải nghe từng câu từng chữ cho rành rẽ. Đấy chính là bí quyết niệm Phật. Ba thứ Tín – Nguyện – Hạnh là cương yếu của Tịnh Độ. “Nhiếp trọn sáu căn” là bí quyết niệm Phật. Biết được hai điều này rồi thì chẳng cần phải hỏi ai nữa!

***

[1] Còn gọi là “kế thừa y bát”, tức vị thầy thấy trong số các đệ tử hoặc tăng sĩ đến nhập chúng tu học, người nào lãnh hội được giáo pháp mình đang truyền thụ, sẽ phó chúc cho vị đó nhận lãnh vai trò đứng đầu chúng, tiếp tục hoằng truyền giáo nghĩa (Có thể tạm hiểu thô thiển là giống như tiếp nhận chức chưởng môn trong các phái võ).

[2] Tạng Giáo (gọi cho đủ là Tam Tạng Giáo), là một trong bốn giáo (Tứ Giáo) do Tông Thiên Thai thành lập, tức là tên gọi khác của Tiểu Thừa. Sách Tứ Giáo Nghĩa quyển một, giảng: “Giáo này hiểu rõ lý bốn Thánh Đế nhân duyên sanh diệt, chủ yếu dạy hàng Tiểu Thừa, kiêm dạy hàng Bồ Tát. Gọi là Tam Tạng Giáo thì một là Tu Đa La Tạng, hai là Tỳ Ni Tạng, ba là A Tỳ Đàm Tạng… Ba tạng này thuộc về Tiểu Thừa”. Như vậy, giáo này chú trọng đến những giáo pháp Tiểu Thừa trong Tam Tạng kinh điển, cụ thể hơn là Tứ A Hàm của Kinh Tạng, Bát Thập Tụng Luật của Luật Tạng và các pháp nghĩa được phân biệt bởi đức Phật và các Thanh Văn đệ tử.

[3] Theo Tông Thiên Thai, Viên có nghĩa là viên mãn hoàn bị chẳng thiên lệch. Theo Chỉ Quán Phụ Hành Truyền Hoằng Quyết, quyển một, thì tuy những giáo pháp được nói trong Hoa Nghiêm, Phương Đẳng, Bát Nhã đều là viên đốn nhưng chưa phải là viên đốn triệt để, chỉ có kinh Pháp Hoa là viên đốn triệt để. Theo Ma Ha Chỉ Quán, trong Viên Giáo lại chia thành bốn môn, tức:

1) Hữu Môn: Quán Kiến Hoặc, Tư Hoặc đều là giả, nhưng chúng chẳng lìa ngoài pháp giới, đầy đủ hết thảy Phật pháp.

2) Không Môn: Quán hết thảy pháp chẳng tại nhân, chẳng thuộc duyên, Ngã và Niết Bàn đều là không.

3) Diệc Hữu Diệc Không Môn: Không chính là Giả, Giả chính là Không.

4) Phi Hữu Phi Không Môn: Kiến Hoặc, Tư Hoặc chính là pháp tánh, do vậy Kiến Hoặc và Tư Hoặc đều chẳng phải có (Phi Hữu). Pháp Tánh chính là Kiến Hoặc, Tư Hoặc nên pháp tánh chẳng phải là Không (Phi Không).