NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Sư Như Sầm Hỏi Thay Cho Bạn
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học
Thư trả lời sư Như Sầm hỏi thay cho bạn
Trả lời đại lược câu hỏi, chẳng thể trình bày chi tiết.
1) Đã có Phật đường thì cần gì phải thờ Phật trong liêu phòng nữa? Con người hiện thời quá nửa là vô ý, hời hợt, nơi điện đường còn phóng túng không kiêng dè, ngay đang trong lúc niệm tụng lễ bái còn dám phóng trung tiện thì trong liêu phòng sẽ càng phóng túng chẳng thể nói được! Nếu thờ Phật trong liêu phòng hãy tưởng như Đại Hùng bảo điện, may ra mới đỡ chuốc lấy tội lỗi! Nếu không, công rất ít, tội lỗi vô lượng! Thường thấy bậc pháp sư ở vào địa vị cao trọng mà vẫn chẳng nghĩ đánh trung tiện là phạm tội, trong lúc niệm tụng vẫn dám phạm, huống chi hàng học nhân hờ hững, hời hợt ư? Lời nói của tọa hạ chính là do không có cách nào khác được bèn tạo phương tiện cho ông ta; hãy bảo ông ta lễ bái trong chánh điện chính là phương pháp bậc nhất để khỏi chuốc lấy tội lỗi đấy!
2) Pháp Quán Tưởng cũng chẳng hoàn toàn dựa vào tướng bên ngoài. Nếu chú trọng vào tướng bên ngoài thì Báo Thân và Hóa Thân vốn là một thể, sao lại có vướng mắc nơi Báo Thân và Hóa Thân? Ví như đứa con thấy cha mẹ mặc quần áo trịnh trọng và thấy cha mẹ mặc thường phục trọn chẳng nghĩ lúc này là đúng, lúc kia là sai, hoặc lúc kia là đúng, lúc này là sai! Người ấy quán Phật mà có cái Thấy chấp tướng như vậy, nếu chẳng phải là tự khoe công phu, ắt là cố chấp chẳng thông suốt! Hạng người ấy lâu ngày chắc sẽ bị ma dựa, chứ không phải là bậc tu hành chân thật đâu!
3) Hình tượng nếu có thể để thờ hoặc cất giữ thì hãy thờ hoặc cất giữ. Nếu chẳng thể thờ hoặc chẳng giữ được nữa thì hãy thiêu hóa đi. “Hủy tượng đốt kinh tội cực sâu nặng” là nói về những thứ kinh tượng có thể để thờ hoặc cất giữ được. Nếu chẳng thể để thờ hoặc để giữ được mà vẫn cứ chấp vào nghĩa này sẽ trở thành khinh nhờn! Ví như đứa con trong lúc cha mẹ còn sống, ắt phải tìm cách sao cho cha mẹ được an toàn. Cha mẹ mất rồi, ắt phải tính cách mai táng. Nếu là kẻ ngu chẳng hiểu lý, thấy người khác mai táng cha mẹ được coi là thực hiện lòng hiếu bèn muốn đem cha mẹ còn đang sống sờ sờ chôn đi cho trọn hiếu, hoặc thấy người khác phụng dưỡng cha mẹ là hiếu, bèn đối với cha mẹ đã chết vẫn theo quy cách phụng dưỡng thường nhật mà phụng dưỡng. Hai loại người này đều chẳng phải là chân hiếu!
Kinh chẳng thể đọc được, tượng chẳng thể thờ được nữa, lẽ đương nhiên hãy nên thiêu đi, nhưng chớ nên làm giống như thiêu giấy chữ bình thường, mà phải tạo ra đồ để thiêu riêng, giữ gìn nghiêm ngặt chẳng để cho tro bay sang chỗ khác. Đem tro ấy đựng trong túi vải may thật kín, lại bỏ thêm cát sạch hoặc đá sạch để hễ bỏ xuống nước sẽ chìm ngay, chẳng đến nỗi giạt vào hai bờ. Nếu có ai ra biển, đến chỗ sâu bỏ xuống giữa biển, hoặc nơi sâu trong sông to thì được, chớ bỏ xuống ngòi nhỏ, rạch nhỏ. Người làm được như vậy là làm đúng pháp. Nếu chẳng bỏ thêm cát, đá, chắc chắn sẽ bị trôi giạt vào hai bờ, vẫn trở thành tội khinh nhờn. Tội ấy chẳng nhỏ đâu, nhưng chớ nên dùng đá dơ, ngói dơ!
4) Bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật lẽ đâu chẳng có chuyện cứu khổ ách? Quán Âm Bồ Tát tùy cơ chỉ dạy, há lẽ nào chẳng tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương? Người niệm Phật lâm chung thấy Phật và thánh chúng đích thân đến tiếp dẫn, há nên chấp chết cứng như thế? Nếu đúng là như vậy thì Phật cũng chẳng đáng gọi là Phật, Bồ Tát cũng chẳng đáng gọi là Bồ Tát! Sanh về Tây hãy nên lấy tín nguyện làm gốc, nếu gặp nguy hiểm bèn niệm Quán Âm. Có tín nguyện thì khi mạng chung quyết định sanh về Tây Phương, hoặc chỉ chuyên nhất niệm A Di Đà thì gặp khổ ách cũng được giải thoát. Những điều [cảm ứng như vậy được] sách cổ ghi chép càng khó tính kể. Nay trong trần lao thì chuyện gì cũng viên thông, nhưng trong tu trì thì chuyện gì cũng chấp chết cứng, chẳng đáng viên thông mà lại lầm lạc viên thông, chẳng đáng chấp trước mà cứ chấp trước chết cứng! Do điều này mà biển khổ sóng dậy liên tục, luân hồi không ngừng nghỉ vậy. Người có kiến giải như vậy khác nào trẻ nít, con người như vậy nào đáng để cùng bàn luận nữa!