PHỤ LỤC VỀ ĐẠI SƯ THIỆN ĐẠO
VÀ NGHỆ THUẬT TỊNH ĐỘ

Nguyên tác: Trúc Tích
Việt dịch: Thích Hạnh Minh

I. Dẫn Nhập

Tháng 10 năm thứ 2 niên hiệu Quang Hòa đời vua Linh Đế nhà Hậu Hán (năm 179 TL), ngài Chi-lâu-ca-sấm và ngài Trúc Phật Sóc cùng ở tại thành Lạc Dương, dịch kinh Bát-chu tam-muội. Khoảng từ đầu niên hiệu Hoàng Vũ đến niên hiệu Kiến Hưng nhà Ngô (222–252 TL), ngài Chi Khiêm ở Kiến Khang dịch kinh Đại A-di-đà gồm hai quyển. Hai bộ kinh trên là sự mở đầu cho quá trình Hán dịch giáo điển Tịnh độ, là suối nguồn của tín ngưỡng Tịnh độ lưu truyền suốt 1700 năm nay.

Từ thời Ngụy, Tấn về sau, ngoài việc nhân tâm sĩ phu Trung Nguyên rối loạn, bên cạnh đó Chu dịch của Lão, Trang xem ra mọi người cũng chán ngán rồi, đột nhiên trông thấy ánh sáng từ bi của Phật giáo chói lọi ở đó, vì vậy ước vọng về cuộc sống thăng hoa nơi thế giới cực lạc và việc tìm cầu sinh mạng mới lại theo đó mà phát khởi! Từ đó, thế giới quan liên hoa của “sự thác sanh nơi hoa báu, vĩnh viễn xa lìa uế chất” chính thức trở thành cảnh giới tâm linh u tịch sâu lắng của mọi người đương thời.

Vào đầu đời vua Vũ Đế nhà Tây Tấn (265- 274 TL), có Khuyết Công Tắc là một danh sĩ ở huyện Cấp tỉnh Giang Nam và môn nhân của ông là Vệ Sĩ Độ, đều là những người đầu tiên tuyên dương giáo nghĩa trong hệ thống kinh điển Di-đà, đề xướng tín ngưỡng Tịnh độ, cổ xúy tư tuởng vãng sanh Tây phương. Tiếp đó, ngài Trúc Pháp Khoáng và ngài Chi Đạo Lâm lần lược cùng nhau ra đời, hoằng dương Tịnh độ ở các vùng thuộc đông nam, danh tiếng vang dội khắp nơi, rất có năng lực cải hóa những phong tục tập quán của quần chúng nhân dân. Vào đầu đời Đông Tấn, ngài Huệ Viễn ở Lô Sơn là bậc Đại thừa thạc học được khắp thiên hạ trọng vọng, quy tụ các bậc ẩn sĩ như: Lưu Di Dân, Lôi Thứ Tông v.v… kết thành Liên xã tại chùa Đông Lâm, cùng nhau kỳ nguyện vãng sanh miền Tịnh độ. Sau đó, sự giáo hóa rộng lớn dần dần thâm nhập dân gian, đến khoảng thời Tùy, Đường thì hầu như không nơi đâu không thấm nhuần trong bầu không khí của hình thức tín ngưỡng này! Đọc bia ký về việc tạo tượng được phát hiện trong thời cận đại, chúng ta có thể gián tiếp thấy được tình hình hưng thịnh của tín ngưỡng này vào lúc bấy giờ.

Trong trước thuật của các bậc cổ đức, mặc dù về giáo lý có đôi chút bất đồng nhưng chỗ quy hướng của tín tâm thì hoàn toàn không sai khác. Thí như đại sư Gia Tường Cát Tạng là bậc kế thừa tư tưởng Bát-nhã của Bồ-tát Long Thọ, đại sư Từ Ân Khuy Cơ là người thừa tiếp học phái Du-già của Bồ-tát Di-lặc; một bên bàn luận về Chơn không, một bên tuyên bày về Diệu hữu, học phong khác nhau rõ rệt như xứ Hồ và xứ Việt nhưng sâu thẳm bên trong tâm khảm thì đều hướng về Tịnh độ.

Ngoài ra, như Tam tạng Từ Mẫn Huệ Nhật v.v… còn lập nên nhiều cứ địa quan trọng cho tông này. Đại sư Thiện Đạo sanh ra nhằm lúc cao trào tín ngưỡng này đang phát triển rầm rộ. Bẩm tính vốn sẵn có thiên tài về văn học và nghệ thuật nhưng ngài hoàn toàn không đứng biệt lập với xã hội hoặc tự cao tự đại, và cũng không sống theo kiểu phong lưu tài tử hay phóng đãng thân hình; trái lại, ngài đem hết tinh lực trọn đời cống hiến cho lý tưởng tôn giáo, cầu mong cho thế giới trở nên thuần khiết như hoa sen, chúng sanh đều được thanh tịnh an vui. Niềm hy vọng của ngài cùng với các đại sư Hiểu Nhiên, Hàn Sơn, Thập Đắc, Thiền Nguyệt, Mục Khê, Thạch Đào, Thạch Khác, Tâm Việt Mộc Am, Bát Chỉ Đầu Đà, Mạn Thù v.v… nếu chỉ dựa vào đức hạnh để suy lường thì không những có phần thiên phú mà quả thật hoàn toàn không có cách gì có thể luận bàn so sánh được!

 

II. Sự Tích Về Đại Sư

Đại sư pháp danh là Thiện Đạo, người huyện Tứ Châu tỉnh An Huy (một thuyết khác cho là huyện Lâm Truy tỉnh Sơn Đông). Ngài sinh vào năm thứ 9 niên hiệu Đại Nghiệp nhà Tùy, xuất gia từ nhỏ, nhân vô tình thấy được cảnh biến tướng Tây phương, lòng vô cùng cảm động, bèn phát nguyện vãng sanh Tịnh độ. Năm 20 tuổi, sau khi thọ giới cụ túc, ngài và luật sư Diệu Khai cùng nhau đọc kinh Quán vô lượng thọ, tự nhận thấy chỉ có pháp môn Quán niệm này mới có thể giải quyết được vấn đề sanh tử. Vào niên hiệu Trinh Quán nhà Đường, ngài đến Tịnh Châu (thuộc huyện Dương Khúc tỉnh Sơn Tây) yết kiến ngài Đạo Xước, cầu học tất cả các pháp môn niệm Phật vãng sanh. Không lâu sau, ngài đến Trường An giáo hóa dân chúng, chép kinh A-di-đà số đến vài muôn quyển, vẽ 300 bức biến tướng Cực lạc. Ban đầu ngài chấn tích trú tại chùa Ngộ Chân núi Chung Nam, chùa này do Sa-môn Tịnh Nghiệp xây dựng vào niên hiệu Khai Hoàng nhà Tùy. Đồng thời ngài cũng đến chùa Quang Minh thuyết pháp, chùa này tọa lạc tại phường Hoài Viễn trong thành Trường An. Từ năm thứ 3 niên hiệu Hàm Hanh đến năm thứ 2 niên hiệu Thượng Nguyên đời vua Cao Tông nhà Đường (672-675 TL), ngài xây dựng điện thờ tượng đức Đại Lô-xá-na ở chùa Phụng Tiên tại Long Môn và ngài là người trực tiếp giám sát quá trình thi công công trình đó. Đến cuối đời, ngài trở về Trường An trú tại chùa Thật Tế và chỉ đạo xây dựng công trình hệ thống hang động ở chùa Phụng Tiên tại Long Môn.

Trên đây là những sự kiện liên quan đến sự nghiệp hoằng hóa của đại sư tại Đông Kinh và Tây Kinh. Sau đó, đệ tử của ngài là ngài Trinh Cố, trước khi sang Ấn Độ lưu học, từng đến Tương Dương cầu học thắng hạnh của đức Phật A-di-đà, là nguồn mạch của chân giáo tại tỉnh Hồ Bắc suốt từ xưa đến nay.

Đại sư giữ gìn cấm giới thanh tịnh, tâm không màng đến công danh lợi lộc, kỷ luật tự thân nghiêm ngặt, khoan thứ bao dung với mọi người. Trong bài tựa văn bia do đại pháp sư Long Xiển chép: “Cây Từ trang nghiêm, hoa Bi rực rỡ”. Từ đó có thể hình dung được tác phong đạo hạnh của ngài, hơn nữa lòng tin của ngài vô cùng chân thành tha thiết nên rất đông nam nữ, đạo tục tiếp nhận sự cảm hóa của ngài mà quy hướng về Tịnh độ. Trong số đó, vì không kiềm chế được niềm hân hoan vui sướng nên thậm chí có người đã xả thân để cầu vãng sanh! Lại cũng có người đến chùa Quang Minh gặp ngài, sau khi thọ giáo, được lòng tin kiên cố bèn leo lên cây liễu trước chùa rồi nhảy xuống tự vẫn vì đạo! Đây là những điều do chính luật sư Đạo Tuyên – một chứng nhân đương thời nghe được mà chép lại trong Tục cao tăng truyện.

Theo Tân tu vãng sanh truyện chép: “Tăng ni, nam nữ tại gia ở Châu Hoa và Châu Kinh, người thì leo lên đỉnh núi cao tự gieo mình xuống, người thì trầm mình nơi suối thẳm, người thì nhảy xuống từ cây cao, người thì thiêu thân cúng dường v.v… cả thảy trên trăm người”. Ký sự này tuy có phần khuếch đại song có thể giúp ta thấy được năng lực cảm hóa vĩ đại của ngài.

Đại sư thị tịch nhằm ngày 14 tháng 3 năm thứ 2 niên hiệu Vĩnh Long đời vua Cao Tông nhà Đường (682 TL), hưởng thọ 69 tuổi. Các đệ tử Hoài Uẩn v.v… an trí kim thân của ngài tại Thần Hòa Nguyên thuộc nội thành Trường An, rồi cất một ngôi Già-lam bên cạnh tháp của ngài, trồng các kỳ hoa dị thảo, suốt bốn mùa cúng dường không ngớt. Những trước thuật của ngài hiện còn được 6 bộ gồm 10 quyển lưu hành ở đời.

 

III. Biến Tướng Tịnh độ

1.Thuyết khởi nguyên từ Tây vực.

Biến tướng Tây phương Tịnh độ mà lúc nhỏ đại sư vô tình trông thấy rồi dẫn đến hình thành tâm lý nguyện vãng sanh là một loại biến tướng Tịnh độ được lưu truyền ở đất Hán (Trung Quốc) trước khi Ngài ra đời. Trong quyển 6 thuộc tập đầu của Cao tăng truyện, ngài Thích Huệ Viễn nói: “Tần chủ Diêu Hưng khâm phục uy đức cao thượng của ngài, ban tặng cho Ngài biến tượng bằng lụa mịn của nước Quy Tư (nay giữa Trung Á) để bày tỏ tấm lòng thành.” Tượng và Tướng cũng đều là nghệ thuật biến tướng, như vậy ít ra vào thời Đông Tấn, ở các nước Tây Vực (đặc biệt là Quy Tư) đã rất thịnh hành. Mặc dù vào thời nào, do ai truyền sang Trung Hoa vẫn chưa thể khảo chứng được, song căn cứ theo quyển hạ của bản Giới châu truyện trong chùa Chân Phước ở Đông Vực thì có đoạn chép: Thị nữ Long Thị của hoàng hậu vua Tùy Văn Đế, noi theo gương hoàng hậu phát nguyện vãng sanh Tịnh độ, tụng kinh A-di-đà và tự tay thêu biến tướng Tịnh độ. Biến tướng mà lúc nhỏ đại sư trông thấy có lẽ là thuộc loại này. Lại xem xét trong số rất nhiều biến tướng Cực lạc Tịnh độ được khai quật gần đây ở Đôn Hoàng thì hình dáng của chư Phật và Bồ-tát rất giống với những nhân vật bích họa được phát hiện tại vùng Quy Tư. Ba sự kiện chứng thực cho nhau được nêu ra ở trên đủ để chứng minh về xuất xứ chung của chúng.

2. Vật chứng.

Gần đây, ngoài hàng loạt những bích họa được phát hiện ở Đôn Hoàng bởi Tư-thản-nhân (A.stein) và Bá-hy-hòa (P. pelliot), còn căn cứ theo học giả Đại Cốc Quang Thụy – người Nhật Bản, trưởng đoàn thám hiểm Trung Á thì trong số những tác phẩm khai quật được tại vùng Tân Cương có bản kinh A-di-đà do ngài Thiện Đạo phát nguyện chép, và một phần tựa đề của Quán kinh Mạn-đà-la có ghi niên hiệu của nhà Đại Tấn. Như vậy, càng đủ cơ sở để chứng minh nguồn gốc nghệ thuật Tịnh độ phát nguyên từ Trung Á, đại sư Thiện Đạo chẳng qua là thừa tiếp theo làn sóng đó mà thôi.

3. Thể loại và hình dáng.

Biến tướng Tịnh độ có rất nhiều loại khác nhau, dựa vào hình thức sai khác của chúng, thông thường có thể phân làm năm loại:

a. Biến tướng Linh Sơn Tịnh độ.

Vẽ theo sự trần thuật trong kinh Pháp hoa, miêu tả khung cảnh đức Thích Tôn thuyết pháp tại Linh Sơn. Loại này có thể phân thành hai kiểu:

– Dựa theo phẩm Hiện bảo tháp họa nên quan cảnh hội Pháp hoa và trạng thái xuất hiện của bảo tháp. Điển hình của loại này thường gặp ở nghệ thuật điêu khắc Long Môn, những di phẩm khai quật được tại Đôn Hoàng và tượng Phật Thích Ca ngàn thể trên bản đồng tại chùa Trường Cốc ở Đông Vực.

– Dựa theo phẩm Thọ lượng trong kinh Pháp hoa vẽ nên cảnh đức Thích Tôn thường ở tại Linh Sơn thuyết pháp và chư thiên cung kính vây quanh cúng dường. Như bức tranh thêu miêu tả cảnh đức Thích Tôn chuyển pháp luân được lưu giữ tại chùa Khuyến Tu ở Đông Vực và biến tướng Linh Sơn Tịnh độ được cất giữ tại Ba-sĩ-đốn (Boston) (nguyên được an trí tại Pháp Hoa đường của chùa Đông Đại), là những tác phẩm tiêu biểu còn lại thuộc loại này.

b. Biến tướng Di-đà Tịnh độ.

Chủ yếu là dựa theo kinh Quán vô lượng thọ để phác họa đồ tướng ấy, được gọi là Tịnh độ Mạn-đà-la hoặc A-di-đà Mạn-đà-la đồ, miêu tả bối cảnh quyến thuộc trang nghiêm của thế giới Cực lạc.

c. Biến tướng Dược Sư Tịnh độ.

Việc chế tạo loại biến tướng Tịnh độ này ngày xưa có được ghi chép, và hiện còn lưu lại một bức bích họa tại chùa Pháp Long ở Đông Vực (Nhật Bản) nhưng hình thức rất đơn giản, ngoài ra đều bị thất truyền. Trong những di phẩm khai quật được tại Đôn Hoàng gần đây có hơn 20 loại, trong những kinh điển biên chép ngày xưa được lưu giữ tại Điền Trung Phong Tạng ở kinh đô Nhật Bản, có phác họa biến tướng Tịnh độ như sau: Chính giữa bày trí một hình Phật và hai hình Bồ-tát, phía sau là một tầng riêng và bốn ghi chú để chế tạo, chính diện vẽ hai ngôi nhà có hai cây cột lớn phía trước, còn ngay phía trước tượng Tam Tôn thì vẽ hình một vị Bồ-tát đang nắm chéo áo nhảy múa, hai bên vẽ hình các Bồ-tát dưới hình thức tam thể đang tấu nhạc, xung quanh Tam Tôn và các vị Bồ-tát nhảy múa và tấu nhạc thì để vách trơn, ở chính diện của trung ương dựng bốn trụ tròn làm cổng.

d. Biến tướng Di-lặc Tịnh độ.

Ở đất Hán (Trung Quốc) không trông thấy loại biến tướng này, tác phẩm còn lại đại biểu cho loại này chỉ có quần thể tượng nặn bằng đất hiện được lưu giữ trong ngôi tháp năm tầng tại chùa Pháp Long ở Đông Vực, tương truyền chúng được chế tác tại chùa Hưng Phước vào năm thứ năm niên hiệu Nguyên Chánh Dưỡng Lão (năm thứ 7 niên hiệu Khai Nguyên, Huyền Tông). Ngoài ra còn có loại biến tướng Di-lặc Tịnh độ giống với biến tướng Dược Sư Tịnh độ, Di-đà Tịnh độ và Thích Ca Tịnh độ được kiến tạo vào năm thứ hai niên hiệu Thiên Bình, ở phía bắc ngôi tháp năm tầng của chùa Cai.

e. Biến tướng Quan Âm Tịnh độ.

Biến tướng này dựa theo sự trình bày về việc cứu giúp chúng sanh thoát các ách nạn của Bồ-tát Quan Thế Âm trong kinh Pháp thạch và phẩm Phổ môn mà vẽ nên. Chùa Ca-lăng-quật tại Ấn Độ từng lưu giữ loại điêu khắc này và gần đây người ta còn vẽ hình tướng 33 ứng hóa thân để cứu độ chúng sanh của đức Quan Thế Âm lưu bố khắp nơi.

Ngoài năm loại biến tướng Tịnh độ đã trình bày ở trên, còn có loại “Mật giáo hóa biến tướng Tịnh độ”. Loại này có hai hình thức:

– Quyển thứ 15 của kinh Bất-không-sách-la thần biến chơn ngôn1 do ngài Bồ-đề-lưu-chi người xứ Nam Thiên Trúc dịch vào năm thứ ba, niên hiệu Cảnh Vân triều nhà Đường (712 TL), có đoạn chép: “Viên Đàn (đàn tròn) ở cửa phía tây Đương Đàn (đàn chính) rộng tám khuỷu tay, đế cao hai khuỷu tay, theo đúng như pháp đồ mà vẽ, chỉ chừa một mình cửa phía đông, chính giữa bày biện đủ các loại cờ, hoa thật trang nghiêm và tôn trí biến tướng Tịnh độ Phật A-di-đà. Còn Phương Đàn (đàn vuông) ở cửa phía bắc Đương Đàn cũng rộng tám khuỷu tay, đế cao hai khuỷu tay, theo đúng như pháp đồ mà vẽ, chỉ chừa cửa phía nam, trang hoàng đủ các thứ cờ, hoa thật trang nghiêm và tôn trí biến tướng đức Tỳ-lô-giá-na, đức Địa Tạng Bồ-tát, đức Di-lặc Bồ-tát, đức Bất Không Phấn Nộ Vương”. Vào thời bấy giờ, các loại biến tướng Tịnh độ đều được sát nhập vào trong Mật giáo, chẳng qua là không còn dấu tích lưu lại mà thôi. Đồ tượng sao của ngài Huệ Thập, một Tăng sĩ người Nhật, dựa theo nghi quỷ (nghi thức) mà trình bày: chính giữa là đức Phật A-di-đà, tám cánh xung quanh tôn trí tám vị đại Bồ-tát. Tám vị đại Bồ-tát đó là Quán Tự Tại, Đại Thế Chí, Hư Không Tạng, Phổ Hiền, Kim Cang Thủ, Văn Thù, Trừ Cái Chướng và Địa Tạng.

– Chín phẩm Mạn-trà-la do ngài Huệ Vận Tăng Đô người Nhật Bản thỉnh về, đài giữa có tám cánh phô bày theo kiểu hoa sen, trên đài hoa tôn trí hình đức Phật A-di-đà thượng phẩm thượng sanh, tám cánh xung quanh tôn trí hình đức Phật A-di-đà của tám phẩm còn lại. Bốn gốc nội viện có những bài pháp ngữ khuyến hóa chúng sanh tu hành để đạt đến giải thoát an vui. Viện thứ hai trang trí hình 12 Quang Phật, bốn nhiếp, bốn ngoại cúng dường; viện thứ ba có hình 24 vị Bồ-tát, tức mỗi phương gồm 6 vị, tổng cộng thành 24 tôn tượng, lại thêm một vị Bồ-tát ở nội viện nữa thành ra 25 tôn tượng.

4. Sự diễn tiến của cấu trúc biến tướng Tịnh độ.

Theo sự nghiên cứu của Tướng Vĩ Tường Vân Thị – một học giả người Nhật – thì đại khái phân thành 6 cấp bậc, ở đây xin giới thiệu khái lược như sau:

a. Trong Tây phương yếu quyết thích nghi thông quy do đại sư Từ Ân trước tác cho rằng: “Không cần tạo biến tướng Tây phương A-di-đà quá rộng, chỉ cần bố trí một tượng Phật và hai tượng Bồ-tát thôi cũng được”. Hình thức Tam Tôn là tư tưởng chủ đạo. Hình thức này có nguồn gốc rất xa xưa, trong hệ thống tượng Phật ở Ấn độ có rất nhiều những điêu khắc nhỏ hình hai người cầm phất tử (chổi tua vải) đứng hai bên đức Phật. Có lẽ hình thức ấy là để biểu thị cho sự xuất thân từ giai cấp quý tộc của đức Phật, những nhân vật đứng hai bên đó chẳng qua là người hầu của Ngài mà thôi; mặc khác thứ tự đó còn biểu thị đức Phật là bậc có công đức vô lượng, siêu thắng tất cả nên khắc hình các Bồ-tát làm thị giả đứng hai bên. Đây là quá trình thành lập của hình thức Tam Tôn.

b. Nền của hình thức Tam Tôn này: Thêm vào đó tượng các vị Thanh văn và Bồ-tát khác, như ở động Thiên Phật (ngàn Phật) tại Đôn Hoàng; hoặc lại thêm vào đó hình bốn vị Thiên Vương v.v… hông phía bắc của Kim Đường chùa Pháp Long ở Đại Hòa có loại biến tướng Tịnh độ này.

c. Sự thay đổi nền của hình thức Tam Tôn này: Lại thêm vào đó cảnh liên hoa hóa sanh và tư tưởng vãng sanh Tịnh độ. Ông Bá-hy-hòa cho rằng biến tướng Tịnh độ A-di-đà ở vách bên trái của động thứ 146 tại động Thiên Phật ở Đôn Hoàng thuộc loại này.

d. Xung quanh tượng Tam Tôn ở chính giữa: Xung quanh là những bức họa nhỏ miêu tả cảnh 51 vị tân vãng sanh hóa sanh trong hoa sen. Biến tướng Tịnh độ Phật A-di-đà ở vách phía tây của Kim Đường chùa Pháp Long ở Đại Hòa đồng một hình thức với loại này, tuy đã bị hư hoại nhiều nhưng vẫn còn có thể trông thấy phía trên và phía dưới của tượng Tam Tôn ở chính giữa có 25 vị Bồ-tát dưới hình dáng các đồng tử hóa sanh trong hoa sen. Về sau, trên hình thức Tam Tôn này lại thêm vào các hàng Bồ-tát và bốn vị Thiên Vương v.v… để hiển bày Tịnh độ ấy là một cảnh giới cực lạc; ở mặt diện chính giữa của đạo tràng họa hình tượng các vị Bồ-tát đang tấu nhạc và nhảy múa, như biến tướng Tịnh độ Thiên Thủ Quan Âm và biến tướng Tịnh độ Dược Sư ở động Thiên Phật tại Đôn Hoàng là thuộc loại này (tham khảo A. Stenis the Phansand Buddhas).

Cuối cùng, người ta còn đem yếu chỉ kinh Quán vô lượng thọ minh họa vào trong hình thức Tam Tôn này, kết hợp cả cây báu, lầu gác báu, ao sen báu và chín phẩm vãng sanh v.v… . Ông Bá-hy-hòa cho rằng biến tướng Tịnh độ ở vách bên trái của động thứ 139 tại động Thiên Phật, Đôn Hoàng còn có thể nhìn thấy được bản gốc của Trí Quang Mạn-đồ-la2, Đương Ma Mạn-đồ-la3 và Hải Thanh Mạn-đồ-la (?), thậm chỉ là những Mạn-đồ-la được thành lập theo tinh thần kinh Quán vô lượng thọ mà đại sư Thiện Đạo đời Đường đã đích thân họa nên để lưu truyền ở đời.

 

IV. Sự Phát Triển Của Nghệ Thuật Tịnh độ

Vào đời Đường, nghệ thuật Tịnh độ ở nước ta (Trung Quốc) tợ rừng xuân rực rỡ, muôn hoa khoe sắc, thật là một cảnh quan vô tiền khoáng hậu! Ở đây chỉ dựa theo kết quả nghiên cứu trên hiện vật và tư liệu lịch sử tạm phân ra để trình bày như sau:

1. Họa đàn trung ương.

Nhà Đường kế thừa dư ba của thời Lục Triều, bích họa rất được thịnh hành, nội dung miêu tả về biến tướng Tịnh độ. Trong đó, tiêu biểu như biến tướng Tây phương Tịnh độ do Phạm Trường Khang vẽ ở hành lang phía tây của Tam Giai Viện tại chùa Cảnh Công, miêu tả cảnh ao báu cực kỳ tinh xảo, nước trong ao lung linh huyền ảo tợ hồ như thật (Dậu dương tạp trở tục tập quyển 5). Các nhà danh họa nổi tiếng vẽ về biến tướng Tịnh độ vào đời Đường ở hai vùng Trường An và Lạc Dương, thứ tự như sau: 1. Doãn Lâm (chùa Quang Trạch ); 2. Ngô Đạo Huyền (chùa Hưng Đường và chùa An Quốc); 3. Triệu Vũ Đoan (chùa Vân Hoa); 4. Chủ Vận Ứng (chùa Kính Ái); 5. Úy Trì (chùa Đại Vân); 6. Trình Tốn (chùa Chiêu Thành); 7. Lưu A Tổ (chùa Kính Ái) v.v… đều dựa theo mô hình cơ bản của đại sư.

Đoàn thám hiểm Đại Cốc (tỉnh Hà Nam) phát hiện được một phần của bức tranh lụa vẽ hình đức Phật tại Thổ Dục Câu còn có lời minh rằng: “Tây Phương có đức Phật hiệu A-di-đà, chúng sanh làm lành mau thoát cõi Ta bà, rừng thiêng hoa lá báu, cung điện thuần hoàng kim”, và còn ghi rõ niên hiệu “ngày 18 tháng 4 năm thứ 6 niên hiệu Đại Lịch”. Khảo xét năm thứ 6 niên hiệu Đại Lịch (771 TL) là niên hiệu của đời vua Đường Đại Tông, thừa tiếp sự thịnh hành từ đời Đường Khai Nguyên trở về sau, theo lời bài minh mà suy đoán thì tượng Phật này hiển nhiên là miêu tả về cảnh Tịnh độ A-di-đà. Xem xét phần còn lại của bức họa ấy thì thủ pháp hoàn toàn dựa theo phong cách họa đàn trung ương của thời Đường. Nhà Đường và Cao Xương có mối quan hệ với nhau rất mật thiết, điều đó đủ cho thấy tình hình hưng thịnh của tín ngưỡng Tịnh độ ở Trung Quốc lúc bấy giờ.

2. Điêu khắc.

Di vật điêu khắc hiện còn gồm năm loại:

a. Tượng đức Phật A-di-đà 52 thân. Tượng này được phát hiện tại hai nơi. Một là ở vách phía sau của động Vạn Phước thuộc hang thứ chín tại Long Môn. Tượng được kiến tạo vào năm đầu niên hiệu Vĩnh Long nhà Đường (680 TL), cùng an trí một chỗ với tượng 54 thân, xem xét thật kỷ càng thì đó là tượng Bồ-tát 52 thể, ngồi trên hoa sen chỉ một cành mà có nhiều hoa, và hình chư thiên hai thể đang bay rất rõ ràng. Còn một nữa là ở vách phía sau tầng thứ nhất của hang thứ chín thuộc thạch động núi Thiên Long, thuộc thể loại tượng phù điêu. Tượng này được tạo vào khoảng thời Sơ Đường, chính giữa là Tam Tôn Phật, xung quanh đó là tượng chư Phật và chư Bồ-tát nhỏ hơn ngồi trên hoa sen, cành đan xen nhau thành như một tấm lưới, tôn trí khoảng 52 tôn tượng hoặc còn thêm nhiều hơn nữa.

b. Tượng Phật A-di-đà. Ban đầu được kiến tạo tại các động Tân Dương, chùa Kính Thiện, chùa Phụng Tiên v.v… thuộc hệ thống hang động Long Môn ở Lạc Dương và các động khác; từ khoảng niên hiệu Trinh Quán đến niên hiệu Khai Nguyên, mỗi khi tôn trí tượng Phật A-di-đà đều có lập văn bia tạo tượng, khoảng chừng 100 tượng, muốn rõ xin hãy xem phần 3 và phần 4 trong Kim thạch mục, cũng như thiên Điêu Tố (điêu khắc, đắp tượng) trong Chi Na Mỹ Thuật Sử của Đại Thôn Tây Nhai Thị v.v…

c. Tượng Phật A-di-đà tư duy về năm kiếp.

Tượng này do đại sư Thiện Đạo tạo, dài 3 thước 6 tất; vào đời Tống, ngài Trọng Nguyên người Nhật Bản sang Trung Hoa thỉnh về. Tượng ngồi trên đài hoa sen, mặc thông y, hai tay chấp trước ngực, mắt lim dim. Đặc điểm nổi bậc của tượng này là đầu tóc kéo dài như chiếc lồng tròn, hiện nay được lưu giữ tại chùa Đông Đại và viện Ngũ Kiếp ở Nhật Bản, mỗi nơi phụng thờ một tượng.

d.Văn bia tạo tượng A-di-đà nhỏ.

– Theo sự trần thuật trong bản Giới châu truyện ở chùa Chân Phước thì ngài Huyền Minh y theo sự chỉ dạy của ngài Hoài Cảm tạo tượng Phật A-di-đà cao 3 tất bằng gỗ Chiên-đàn.

– Theo sự ghi chép của bia đồng, thuật lại việc thiếp vàng tạo tượng vào tháng giêng năm thứ 21 niên hiệu Trinh Quán trong chương hai sách Sơn hữu kim thạch chí có đoạn chép: “Bia bên phải cao 3 tất 5 phân, rộng 1 tất 2 phân, hai con rồng trang trí trên đầu bia vẫn còn nguyên vẹn, trên đầu có khắc 4 chữ “A-di-đà bi …”. Thời nhà Đường kế tục thời Lục Triều, Phật sự rất được quan tâm, ngoài những bảo sát (chùa) danh lam còn có nhiều nhà được dâng cúng để làm Phật đường, vì thế nên có tấm bia đồng cỡ nhỏ này”. Như thế có thể biết vào đời Đường, những ngôi nhà lập thành Phật đường đều tôn trí tượng Phật nhỏ.

e. In hình Phật.

Quyển trung của bản Giới châu truyện ở chùa Chân Phước chép: Ngài Đạo Cảnh ở chùa Nhật Quang tại Tương Châu khắc ấn bản, thắp hương khấn nguyện rồi in 10 vạn ức bức tượng Phật A-di-đà, ban tặng khắp nơi.

Trong thời cận đại, khảo cổ học phát triển rực rỡ, các nhà học giả của cả Đông phương lẫn Tây phương lần lược đua nhau sang vùng Tây Vực thám hiểm các di tích, thành quả ấy đủ để khai thác về lãnh vực nghiên cứu văn hóa Đông phương và phương diện lịch sử mỹ thuật càng hiển lộ ngời sáng vô hạn! Trong đó, Đôn Hoàng là nhà bảo tàng mỹ thuật cổ đại ngay sở tại, lưu giữ rất nhiều tác phẩm quý hiếm mà thế gian thật sự hiếm thấy! Trên phương diện nghệ thuật Tịnh độ, bích họa chiếm con số rất lớn, theo sự thống kê của học giả Bá-hy-hòa người Pháp – các thạch động thứ 30, 34, 40, 51, 53, 19, 114, 120 và động G v.v… trên vách đều có vẽ biến tướng về Quán kinh (kinh Quán vô lượng thọ). Còn tác phẩm biên soạn về Thiên Phật Động của học giả người Anh là Tư-thản-nhân ghi chép càng tường tận và xác thực hơn nữa. Ở đây xin trích thuật những điểm chính yếu như sau:

– Biến tướng về Quán kinh. Trong động thứ 31 tại động Thiên Phật, Đôn Hoàng, chính giữa vách bên trái phía trong động vẽ cảnh Tịnh độ rất trang nghiêm, hai bên và phía dưới chép phần tựa và 16 cách quán tưởng trong Quán kinh, viền phía dưới là chín phẩm hoa sen nối liền nhau nghênh đón sẵn; trong “Đôn hoàng đồ phổ” của Bá-hy-hòa chỉ thâu thập được sáu hình trong số chín phẩm mà thôi. Bên phải phía trong hang động là cảnh vua Tần-bà-sa-la bị giam trong ngục tối được trình bày trong phần tựa của Quán kinh, ở dưới là bốn hàng tám đoạn tổng cộng thành 32 đồ hình. Biến tướng ở vách phía bên phải của hang động cùng với vách phía bên trái giống nhau.

– Cực lạc Tịnh độ. Có niên đại tương đối mới, hình vẽ rất tinh xảo, nửa bên phải đã bị hư hoại. Trong khoảng chính giữa vẽ cảnh đức A-di-đà Như Lai thuyết pháp tại thế giới Cực lạc, những cảnh được vẽ trong đó là hình vua A-xà-thế và phu nhân Vi-đề-hy v.v…, phía dưới của bức tranh là hình chín phẩm vãng sanh. Hình đức A-di-đà Như Lai ở chính giữa, ngồi kiết già trên đài sen, tay trái cầm chéo áo Ca-sa, tay phải biểu thị tư thế thuyết pháp. Hai vị đại sĩ Quan Âm và Thế Chí ngồi trên đài sen hầu hai bên. Bên vũ đài ở phía trước đức Phật, chư thiên diễn tấu kỹ nhạc cúng dường, trên hoa sen trong hồ có người vãng sanh, cây báu, điện báu, lầu các báu đứng sừng sững xung quanh, trang hoàng cực kỳ trang nghiêm. Khoảng ngoài, bên phải vẽ cảnh nguyên nhân vua A-xà-thế giam cầm cha mẹ v.v… được trình bày trong phần tựa của Quán kinh; bên trái phác họa phần chánh tông của Quán kinh, từ Nhật tưởng quán4 đến Tạp tưởng quán5 xuyên suốt 13 định thiện. Hai đầu phía trên và phía dưới đã bị hư hoại, dựa trên tác phong và kỹ xảo để xem xét thì có thể phong cách này đã kế thừa làn sóng kỹ nghệ thời Vãn Đường. (tranh dẫn A.stein Ruins of Desert Cothap, II. P.226, Fip, 202).

-Thể tranh nhỏ, cảnh thánh chúng đến tiếp dẫn. Đồ hình thứ 30 về động Thiên Phật của Tải Tại Tư Thị chỉ còn sót lại ba bức, nay xin lần lược trình bày như sau:

* Bức bên trái có hàng chữ viết theo chiều dọc: “Người làm mười điều ác, khi chết bị đọa vào địa ngục”, nửa phần trên vẽ cảnh người làm mười điều ác lúc lâm chung nằm ngang, có hai con quỷ đến dẫn họ đi. Nửa phần dưới là hình quỷ lớn đầu trâu và chiếc vạc lớn nơi địa ngục, con quỷ từ địa ngục cỡi mây bay đến, tay phải cầm kích chĩa ba, giơ tay trái tóm bắt vong hồn, trong chiếc vạc lớn nước sôi sùng sục, có vẻ muốn bỏ vong hồn vào trong vạc. Đồ hình này thuộc loại mô tả hai cảnh trên cùng một bức tranh, hai con quỷ nhỏ đứng hầu bên quỷ lớn chính là mô phỏng theo hình thức Tam Tôn mà ra.

* Bức chính giữa có hàng chữ: “Khi người làm 10 điều ác lâm bệnh”. Trong nhà vẽ cảnh người làm 10 điều ác bị bệnh tật hành hạ, trước sân nhà phác họa cảnh một mỹ nữ đang gảy đàn Tỳ bà và một người khác đem tiền của báu vật bày ra trên tấm vải, để biểu thị khi người làm 10 điều ác bị nhiễm bệnh, ngoài việc bị sự bức khổ của bệnh tật còn phải chịu nỗi khổ bị sự dâm dục và tham dục dẫn dụ bức bách.

* Bức bên phải, phía bên phải đã bị hư hoại, không thể thấy được hàng chữ viết gì, nhưng còn hình hai người làm ác. Một người cầm gậy đập phá tháp Phật (loại giống như tháp Bảo Khiếp Ấn), và một người khác đang hành hung, mạ nhục chư Tăng (hình người mờ nhạt, thân mặc pháp y).

* Hình bà Vi-đề-hy quy y Phật. Hình này đã bị hư hoại, trên có 2 vị đại thần Nguyệt Quang và Kỳ-bà cầm kiếm can gián Thái tử A-xà-thế, ở dưới mô tả cảnh A-xà-thế hạ ngục vua cha, và ghi câu “A-xà-thế vương nội môn thủ ấp chi quan x x”. (Bị mất hai chữ – nd)

– Tượng A-di-đà 52 thân. Thuộc động thứ 146 (theo số hiệu của ông Bá-hy-hòa), được tạo vào khoảng thời Sơ Đường. Chính giữa ao báu tôn trí tượng A-di-đà Tam tôn ngồi xếp bằng trên đài sen, kết ấn thuyết pháp, hai bên có hai vị Bồ-tát hầu. Xung quanh chính giữa hồ vẽ cảnh từ một hoa sen hóa thành nhiều hoa sen, trên mỗi hoa đều có một vị Bồ-tát, mỗi hai bên tượng đều có 25 thân, tổng cộng là 50 thân. Phía trên đỉnh đầu của Phật treo một chiếc bảo cái lớn, quang cảnh cực kỳ mỹ lệ, những nét nghệ thuật đặc sắc của thời Sơ Đường đều được biểu hiện không sót một điểm nào.

Ngoài thạch động Đôn Hoàng vừa trình bày ở trên, ông Kha-sách-la-phu (Kozloff) người Nga đã phát hiện ba bức tranh A-di-đà Tam tôn đến tiếp dẫn ở Hắc thành thuộc địa phận Cam Túc (Khara- Khoto).

– Bức tranh lụa có màu. Tượng A-di-đà ở chính giữa, hai vị Bồ-tát Quan Âm và Thế Chí hầu hai bên; chính giữa chiếc mũ báu của hai vị Bồ-tát, một cái tôn trí đức Hóa Phật, còn một cái tôn trí chiếc bình báu. Tam Tôn cỡi trên mây, đứng trên hoa sen, chân mây dần dần tản ra phía sau. Đức A-di-đà tay phải duỗi xuống phía trước, tay trái kết ấn an ủy; hai vị Bồ-tát cầm hoa sen đứng hầu hai bên, biểu thị cùng với bích họa Đôn Hoàng đã trình bày ở trên có chung một nguồn gốc. Còn phần phía dưới của bức tranh có một cội cây khô, dưới cội cây có một hành giả đứng chấp tay, trong tay bốc lên một làn khói mây lờ mờ, bay đến trước hoa sen mà hai vị Bồ-tát đang cầm thì dừng lại, kết thành đám mây, trên đám mây ấy có một người bạch y vãng sanh chấp tay chuẩn bị bước lên đài sen, chòm lông trắng giữa chặng mày của đức Phật phóng ra một luồng hào quang rực rỡ uyển chuyển xung quanh đầu người vãng sanh; hành giả đứng dưới gốc cây biểu thị ý tiếp nhận ánh hào quang đến tiếp dẫn của đức Phật A-di-đà. Lại nữa, trong đám mây năm sắc trên đỉnh đầu của đức Phật hiển hiện hình một đóa hoa báu xinh tươi, cội cây khô biểu thị cho cảnh Uế độ vô thường, trái lại là biểu thị ý nghĩa Tịnh độ an vui vĩnh cửu.

– Bức tranh họa có màu. Hình thức chế tạo giống như bức tranh trước, đồ hình chính có hai vị Bồ-tát thị giả cầm một đài sen đến trước hành giả, người được vãnh sanh chấp tay đứng bên gốc cây cỡi mây bay lên; tượng Trung tôn, ngoài vòng hào quang trên đầu ra, đặc biệt còn có hào quang lấp lánh khắp toàn thân.

– Bức tranh khắc bản in trên giấy. Ý tưởng cấu tạo đơn giản giống như bức tranh trước, có một hành giả già yếu mặc y phục thế gian ngồi trên mặt đất, mây lành uyển chuyển trên đầu, bay đến trước đài hoa sen lớn mà hai vị Bồ-tát đang cầm, một đồng tử khỏa thân chấp tay trước ngực đang bước dần đến đài sen.

Ngoài Hắc Thành ra, còn có Xa Duệ, ở đây xin phân ra để trình bày như sau:

* Sự lưu truyền biến tướng Tịnh độ sang Phương đông (Nhật Bản). Theo sự ghi chép của Viên trân truyện (do Tam Thiện Thanh Hành soạn) thì vào năm thứ 9 niên hiệu Thanh Hòa Trinh Quán (867 TL), trong đạo tràng ở Ôn Châu nước Đại Đường, tọa chủ Đức Viên nhờ Chiêm Cảnh Toàn ở Vụ Châu đem một biến tướng Cực lạc Tịnh độ (một bản trong 400 bản) do hoàng hậu Tắc Thiên thêu, dài 2 trượng 4 thước, rộng 1 trượng 5 thước và một bức tranh thêu biến tướng Linh Sơn Tịnh độ dài 1 trượng 5 thước, rộng 1 trượng, tặng cho Viên Trân. Từ đó nghệ thuật Tịnh độ của đại sư Thiện Đạo mới nhân đó mà được truyền sang Phương đông (Nhật Bản). Việc này cũng được chép trong Việt châu thần trí, truyện thứ 25 trong Tống cao tăng truyện, chỉ là ghi chép có phần hơi khác một tí mà thôi. Theo truyện thì Thần Trí là người xứ Vụ Châu (nay là huyện Kim Hoa tỉnh Chiết Giang), khoảng quá trung niên đến Trường An, nhờ tướng quốc Bùi Hưu tâu xin mà được ban cho bức tranh thêu của Thiên Hậu và Tạng kinh 5000 quyển v.v… (Đương Ma Mạn-đồ-la được lưu truyền ở chùa Đương Ma nước Đại Hòa thuộc Đông Vực, tương truyền chính là vật này).

* Sự lưu hành của tranh Đường Trắng Giữa Hai Sông (Nhị Hà Bạch Đạo). Kế tiếp sau bức tranh trước thì bức “Đường Trắng Giữa Hai Sông” là nổi tiếng nhất. Muốn biết rõ sự chế tạo của nó xin xem phần sau của Tam Tôn Thích Trung Châu Hồi Hướng Phát Nguyện Tâm Thích trong Thiện Kiến Nghĩa. Bức tranh này đã được chỉ định làm quốc bảo, trong đó chùa Túc Sanh Quang Minh, chùa Tha Nga Thanh Lương và viện Tri Ân ở Kinh Đô mỗi nơi cất giữ một trong bảy bức vẽ được truyền sang, bức bình phong được lưu giữ ở Tân Hắc Cốc Thị tại Kinh Đô và bức được cất giữ tại Đại Bản Cố Thôn Sơn Long Bình Thị là ưu tú hơn cả. Bức mà chùa Túc Sanh Quang Minh lưu giữ tương truyền là thủ bút của Huệ Tâm Tăng Đô, là tác phẩm thuộc thời đại Liêm Thương; phong cách, cách miêu tả, màu sắc và cấu trúc bức vẽ đều cực kỳ siêu việt, đem cảnh Tịnh độ trang nghiêm và đời sống ở Ta bà đối chiếu nhau mà miêu tả, đó là đặc trưng của bức tranh này. Ở đây xin phân ra để trình bày như sau:

– Bức do chùa Thắng Man ở nước Tam Hà lưu giữ được phân thành ba phần để miêu tả: Phần trên là cảnh thánh chúng đến tiếp dẫn, phần giữa là hình hai con sông, người được tế độ sang bờ sông trắng là một vị Tăng, trong sông lửa là những con người ồn ào náo nhiệt, trong sông nước miêu tả cảnh nam nữ chìm đắm trong ái dục, phần dưới thì phối trí cảnh Ta bà.

– Bức do chùa Băng Kiến Đinh Quang Chiếu ở nước Việt Trung lưu giữ. Đặc trưng của bức tranh này là bờ phía đông vẽ cảnh trên Tạng kinh phóng ra hào quang rực rỡ, chiếu sáng trên vệt trắng; ở đây muốn biểu thị cho di giáo của đức Phật Thích Ca, tức ý muốn nói “dù cho đức Phật Thích Ca đã diệt độ, người đời sau không thể trông thấy, nhưng còn giáo pháp có thể cầu học, tức ví đó như lời dạy của Ngài lúc tại thế”. Khoảng giữa bờ sông, hai người bạch y cãi vã nhau ầm ĩ, phía bờ sông nước vẽ hình một người con gái đang khóc nức nở.

– Bức được lưu giữ tại chùa Kim Sâm Thiện Lập ở Cận Giang. Tương truyền bức tranh này thuộc thời kỳ đầu của phái Đại Cốc do giảng sư Huệ Không tạo, có bia của Tịnh độ tông nghĩa sơn, người được vẽ trên mặt tranh là Tăng lữ.

 

V. KẾT LUẬN

Những điều được trình bày ở trên có thể cho ta thấy nguồn gốc nghệ thuật Tịnh độ bắt nguồn từ Tây Vực, phát triển rực rỡ tại đất Hán (Trung Quốc) và hội tụ lại ở Đông Doanh (Nhật Bản); mặt khác, tín ngưỡng Tịnh độ là tín ngưỡng chung của cộng đồng các dân tộc Phương đông, nên nghệ thuật Tịnh độ cũng chính là loại hình nghệ thuật độc đáo của người Phương đông, và đại sư Thiện Đạo là người đem loại hình tín ngưỡng và nghệ thuật này hoằng dương ở Phương đông.

Thời kỳ nhà Tùy và nhà Đường là thời đại hoàng kim của văn hóa Trung Quốc, cũng là thời kỳ cực thịnh trong lịch sử nghệ thuật Trung Quốc mà thành phần Phật giáo là cơ sở chính. Từ khi vua Đường Võ Tông hủy diệt Phật giáo về sau, Phật giáo đã trải qua một khoảng thời gian dài suy vi trầm trọng, nghệ thuật cũng theo đó mà suy đồi theo. Như vậy có thể thấy nghệ thuật và tôn giáo có mối quan hệ nhân quả hỗ tương nhau rất mật thiết. Một vài năm trước, từng có người đề nghị lấy nghệ thuật để thay thế cho tôn giáo, dẫn tới có rất nhiều ý kiến và cách nhìn khác nhau nhưng cuối cùng vì đề nghị ấy chỉ là kiến giải cá nhân nên không được sự ủng hộ của quần chúng tín đồ, đành phải để rơi vào im lặng quên lãng.

Tóm lại, có sự giáo hóa rộng rãi, không để cuốn trôi trong vòng mê tín; có tài năng siêu việt, không mắc vào sai lầm phóng túng thiếu thận trọng, hun đúc tôn giáo và nghệ thuật vào chung một lò, ẩn hàm diệu lý, tự rõ đường ngay, nhỏ để tu thân giữ mình, lớn thì cải hóa nhân tâm, thay đổi phong tục, điều này có lẽ chỉ có nghệ thuật Tịnh độ mới có thể đảm đương mà không phải hổ thẹn? Và đại sư Thiện Đạo hoằng dương nghệ thuật Tịnh độ khiến cho Phật giáo Trung Quốc không chỉ có một sắc thái riêng trong nước mà còn truyền bá ra khắp thế giới, có thể nói là công đức vô lượng vô biên vậy!