ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

 

3.2.3.1.2.2.1.2.2.2.2. Dụ hợp (nêu thí dụ để làm rõ nghĩa)

(Kinh) Thí như hữu nhân, tùng viễn địa lai, tuyệt lương tam nhật, sở phụ đảm vật, cường quá bách cân, hốt ngộ lân nhân, cánh phụ thiểu vật. Dĩ thị chi cố, chuyển phục khổn trọng.

 ()譬如有人從遠地來絕糧三日所負擔物強過百觔忽遇隣人更附少物。以是之故轉復困重。

(Kinh: Ví như có người từ nơi xa đến, cạn hết lương thực đã ba ngày, mang vác đồ vật nặng hơn trăm cân, bỗng gặp kẻ hàng xóm nhờ mang thêm chút vật. Do bởi lẽ đó, người ấy càng khốn khổ, nặng nề hơn).

“Hữu nhân” (có người) ví như chúng sanh trong Diêm Phù. “Tùng viễn địa lai” (từ xứ xa đến): Ví như sanh tử bao nhiêu đại kiếp kể từ vô thỉ đến nay, thiếu sót tư lương ba thiện căn đã lâu, có thể biết là bụng rỗng, sức mòn! Lại mang vác gánh nặng Ngũ Ấm nặng hơn trăm cân. Đấy là nói chẳng biết pháp Ngũ Ấm vốn là Không, lầm lạc so đo “ta, người”, tạo đủ Thập Ác. Mỗi thứ đều trọn đủ như gánh nặng trăm cân. Chuyện này giống hệt như bản thân người sắp mạng chung chẳng có thiện căn. Từ chữ “hốt ngộ” (bỗng gặp) trở đi, ứng với câu “xét theo nghiệp của kẻ đó”, “lân nhân” (kẻ hàng xóm) ứng với quyến thuộc. “Thấu hiểu tâm” là thân hữu. Không thấu hiểu tâm thì là “lân nhân”. “Cánh phụ thiểu vật” (nhờ mang thêm chút vật), ví như lâm chung, [quyến thuộc] lại còn sát hại. “Chuyển phục khốn trọng” (trở thành khốn khổ, nặng nề hơn): Ứng với chuyện càng tăng thêm nghiệp.

3.2.3.1.2.2.1.3. Kết hiển tu thiện đa thiểu tự đắc (tiểu kết và chỉ rõ tu thiện nhiều hay ít thì chính mình đều tự đạt được)   

(Kinh) Thế Tôn! Ngã quán Diêm Phù chúng sanh, đản năng ư chư Phật giáo trung, nãi chí thiện sự, nhất mao, nhất đế, nhất sa, nhất trần, như thị lợi ích tất giai tự đắc.

()世尊我觀閻浮眾生但能於諸佛教中乃至善事一毛一渧一沙一塵如是利益悉皆自得。

(Kinh: Bạch đức Thế Tôn! Con thấy chúng sanh Diêm Phù chỉ có thể ở trong giáo pháp của chư Phật mà làm thiện sự, dẫu chỉ bằng một mảy lông, một giọt nước, một hạt cát, một hạt bụi, sẽ đều tự đạt được lợi  ích như thế).

Đây là nói tu tập thiện sự trong Phật pháp, dẫu chỉ bằng một sợi lông, một giọt nước v.v… cũng đều tự đạt được lợi ích. Kinh Đại Bi dạy: “Nhược hữu chúng sanh, ư chư Phật sở, nhất phát tín tâm, như thị thiện căn, chung bất bại vong. Như nhân tích nhất mao vi bách phần, thủ nhất phần mao, triêm nhất trích thủy, trì ký ngã sở, ngôn ‘mạc linh thử thủy nhi hữu tăng giảm’. Như Lai tức thọ bỉ ký, trí Hằng hà trung. Như thị thủy trích bất tăng, bất giảm, cộng đại thủy tụ, tiệm nhập đại hải. Giả sử thị nhân trụ thế nhất kiếp, ngã diệc đắc trụ nhất kiếp. Bỉ nhân chí kiếp tận thời, nhi lai ngã sở, tác như thị ngôn: ‘Ngã bổn ký thủy, kim hữu vô da?’ Như Lai nhĩ thời, tri bỉ thủy trích tại đại hải trung, kiến tri trụ xứ, bất tăng, bất giảm, bình đẳng như cố, trì hoàn bỉ nhân. A Nan! Như Lai hữu đại thần thông, ư thọ ký nhân trung tối tôn, tối thắng. Nhược ư Phật sở ký phó như thị vi tế thủy trích, kinh ư cửu viễn, nhi bất khuy tổn. Tế mao, dụ tâm ý thức. Hằng hà, dụ sanh tử lưu. Nhất trích thủy, dụ nhất phát tâm vi thiểu thiện căn. Đại hải dụ Như Lai. Sở ký nhân dụ thanh tín đẳng. Trụ nhất kiếp, dụ Như Lai thọ bỉ ký thủy, chung bất khuy tổn. Như thị A Nan! Nhược ư Phật sở, nhất phát tín tâm, thiện căn bất thất. Hà huống chư dư thắng diệu thiện căn? Ngã thuyết thị nhân, nhất thiết tất thị thú Niết Bàn quả” (Nếu có chúng sanh ở nơi chư Phật vừa phát tín tâm, thiện căn như thế trọn chẳng hư mất. Như người chẻ một sợi lông làm trăm phần; lấy một phần lông ấy, thấm một giọt nước, cầm đến gởi ta, nói “đừng để cho lượng nước này có tăng hay giảm”. Như Lai liền nhận lấy, đặt nó trong sông Hằng. Giọt nước như thế chẳng tăng, chẳng giảm, ở chung với lượng nước to [của sông Hằng], dần dần vào trong biển cả. Giả sử người ấy sống một kiếp, ta cũng trụ thế một kiếp. Người ấy cho đến khi kiếp tận, đến chỗ ta, nói như thế này: “Nước tôi vốn gởi đó, nay có hay không?” Lúc bấy giờ, Như Lai biết giọt nước ấy ở trong biển cả, biết chỗ ở của nó, chẳng tăng, chẳng giảm, bình đẳng như cũ, đem trả cho người ấy. Này A Nan! Như Lai có đại thần thông, là bậc tối tôn tối thắng trong những người nhận lời gởi gắm. Nếu ở nơi Phật, gởi gắm giọt nước vi tế như thế, trải qua thời gian lâu xa mà chẳng hao hụt. Sợi lông nhỏ ví như tâm ý thức. Sông Hằng ví như dòng sanh tử. Một giọt nước ví như thiện căn phát tâm nhỏ bé. Biển cả ví như Như Lai. Người gởi gắm ví như hàng thanh tín nam, nữ. Trụ một kiếp ví như Như Lai nhận nước gởi gắm ấy, trọn chẳng hao hụt. Như thế đó A Nan, nếu phát tín tâm nơi Phật, thiện căn chẳng mất. Huống hồ các thiện căn thù thắng nhiệm mầu khác! Ta nói người ấy hết thảy đều hướng đến quả Niết Bàn).

3.2.3.1.2.2.2. Đại Biện trợ hiển (trưởng giả Đại Biện giúp hiển thị giáo pháp)

3.2.3.1.2.2.2.1. Đại Biện hưng vấn (Đại Biện nêu câu hỏi)

(Kinh) Thuyết thị ngữ thời, hội trung hữu nhất trưởng giả, danh viết Đại Biện. Thị trưởng giả cửu chứng Vô Sanh, hóa độ thập phương, hiện trưởng giả thân.

()說是語時會中有一長者名曰大辯。是長者久證無生化度十方現長者身。

(Kinh: Khi nói lời ấy, trong hội có một vị trưởng giả, tên là Đại Biện. Vị trưởng giả này chứng Vô Sanh từ lâu, hóa độ mười phương, hiện thân trưởng giả).

Trước hết, người trùng tuyên kinh trần thuật lời tán thán, kế đó là trưởng giả thưa hỏi. “Trưởng giả” (Śresthin) như trong phần trước đã giải thích. Chữ Bát Để Bà (Vākpaṭutva) trong tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là Biện Tài. Biện (辯) là nói. Xoay chuyển không vướng mắc, biện định rõ ràng, cho nên nói là “biện tài vô ngại”. Có bốn loại: Một là Nghĩa, hai là Pháp, ba là Từ, bốn là Nhạo Thuyết. Trưởng giả trọn đủ bốn đức ấy, nên tên là Đại Biện. Biện mà nói là Đại thì là: Từ trong một nghĩa mà diễn giải vô lượng nghĩa, từ trong một pháp diễn thành vô lượng pháp, từ trong một từ ngữ diễn thành vô lượng từ ngữ, cho đến tột cùng đời vị lai thích nói ba pháp môn này, cho nên có danh xưng tốt lành ấy. Đây là nêu danh, kế tiếp là ca ngợi phẩm đức. “Cửu chứng Vô Sanh” (chứng Vô Sanh đã lâu): “Vô” nghĩa là không. Thường nói là các pháp chẳng sanh, Bát Nhã chẳng sanh, “bất sanh” chẳng sanh, thì gọi là Đại Niết Bàn. Vị này đã chứng đắc Niết Bàn như thế từ lâu. Địa vị cao rộng, thuộc hàng Đẳng Giác, vì muốn hóa độ mười phương, cho nên hiện thân trưởng giả.

(Kinh) Hiệp chưởng cung kính, vấn Địa Tạng Bồ Tát ngôn: “Đại sĩ! Thị Nam Diêm Phù Đề chúng sanh mạng chung chi hậu, tiểu đại quyến thuộc vị tu công đức, nãi chí thiết trai, tạo chúng thiện nhân”.

()合掌恭敬問地藏菩薩言大士是南閻浮提眾生命終之後小大眷屬為修功德乃至設齋造眾善因。

(Kinh: Chắp tay, cung kính, hỏi Địa Tạng Bồ Tát rằng: “Thưa đại sĩ! Chúng sanh trong cõi Nam Diêm Phù Đề này sau khi mạng chung, các quyến thuộc lớn nhỏ vì người ấy tu các công đức, cho đến sắp đặt cỗ chay, tạo các nhân lành”).

Trong lời hỏi, [ông Đại Biện hỏi] “thị Nam Diêm Phù Đề” (cõi Nam Diêm Phù Đề này) vì phần kinh văn trước đó đã nói cặn kẽ: Khi lâm chung và sau khi đã mất, hãy nên tu phước, cho nên ông dùng ngay ý ấy để hỏi. “Công đức” là những việc như treo phan v.v… “Thiết trai” (sắp đặt cỗ chay) tức là dâng cơm cho chư Tăng. “Thiện nhân” (nhân lành) là như bố thí, tạo tượng v.v…

(Kinh) Thị mạng chung nhân, đắc đại lợi ích, cập giải thoát phủ?

()是命終人得大利益及解脫不

(Kinh: Người mạng chung có được lợi ích to lớn và giải thoát hay chăng?)

Từ “mạng chung” trở đi là phần nghi vấn chánh yếu. “Mạng” [theo quan niệm thông thường của Nho gia và Đạo giáo] là “sự tốt lành do trời ban”, là cội rễ tự nhiên nơi tánh, người học cần phải nắm vững. Khí chất bẩm thọ từ trời, cũng được gọi là Mạng. Do “trong, đục, dầy, mỏng” sai khác, mà “trí, ngu, hiền, chẳng ra gì” tách biệt. Khí số (vận mạng) nơi trời cũng gọi là Mạng. Hễ cái gì có sanh thì “thọ, yểu, giàu, nghèo, sang, hèn” đều đã định sẵn. Đấy đều là những ý nghĩa vay mượn của Mạng. Vua hạ lệnh cũng gọi là Mạng. Chữ Mạng (命) được ghép từ chữ Lệnh (令) và Khẩu (口), thuộc loại Hội Ý. Vua được tôn trọng như trời, vạn vật nghe theo mạng trời, vạn sự tuân theo lệnh vua. Vì thế nói là Mạng. Do vậy, Châu Văn Công nói: “Mạng giống như lệnh”. Đấy là những ý nghĩa tinh diệu về Mạng trong đạo Nho.

Nhưng họ chẳng biết cội nguồn của Mạng chính là do nhân duyên của nghiệp từ đời trước. Khi Trung Hữu (Trung Ấm) nương gá vào thai, thức thứ tám gieo vào trong ấy, mỗi hơi thở đều theo mẹ hít ra thở vào, vận mạng được thành lập ngay trong lúc đó. Do vậy, hễ thức còn nương gá thì thân còn tồn tại, mạng ở trong ấy. Cho nên nói “sắc và tâm duy trì lẫn nhau chẳng dứt thì gọi là Mạng”. Nếu một hơi thở không hít vào được nữa, sắc chất hư nát, hồn thần sẽ rời đi, gọi là “mạng chung”. Như vậy thì Sanh chẳng phải là do mạng trời mà sanh, kết thúc cũng chẳng do trời đoạt mà chấm dứt; mà là “duyên hội tụ bèn sanh, duyên hết bèn chết”. “Tạo” là tạo tác. Phàm làm các thiện sự, ắt phải cậy vào bảy chi nơi thân và miệng để tạo tác, lo toan, nhưng ắt cần phải do cái tâm dấy lên. “Được lợi ích và giải thoát” tức là [thắc mắc] người nơi dương trần tu phước, có thể khiến cho người chết thật sự đạt được lợi ích, giải thoát sanh tử hay không? Hay là chẳng được lợi ích, mà cũng chẳng thoát khỏi sanh tử?

3.2.3.1.2.2.2.2. Địa Tạng thùy đáp (ngài Địa Tạng rủ lòng trả lời)

3.2.3.1.2.2.2.2.1. Hứa thuyết (hứa nói)

(Kinh) Địa Tạng đáp ngôn: “Trưởng giả! Ngã kim vị vị lai, hiện tại nhất thiết chúng sanh, thừa Phật oai lực, lược thuyết thị sự”.

()地藏答言長者我今為未來現在一切眾生承佛威力略說是事。

(Kinh: Ngài Địa Tạng đáp rằng: “Này trưởng giả! Tôi nay vì hết thảy chúng sanh trong đời vị lai và hiện tại, nương theo oai lực của Phật mà nói đại lược chuyện ấy”).

Ý nghĩa dễ hiểu.

3.2.3.1.2.2.2.2.2. Đáp thị (trả lời, chỉ dạy)

3.2.3.1.2.2.2.2.2.1. Lâm chung văn danh tất thoát (lâm chung nghe danh hiệu [chư Phật, Bồ Tát, Bích Chi Phật] đều được giải thoát)

(Kinh) Trưởng giả! Vị lai, hiện tại chư chúng sanh đẳng, lâm mạng chung nhật, đắc văn nhất Phật danh, nhất Bồ Tát danh, nhất Bích Chi Phật danh, bất vấn hữu tội, vô tội, tất đắc giải thoát.         

()長者未來現在諸眾生等臨命終日得聞一佛名一菩薩名一辟支佛名不問有罪無罪悉得解脫。

(Kinh: Này trưởng giả! Các chúng sanh trong đời vị lai và hiện tại, vào ngày sắp mạng chung, được nghe danh hiệu của một vị Phật, một vị Bồ Tát, hoặc một vị Bích Chi Phật, chẳng cần biết là có tội hay vô tội, đều được giải thoát).

Đã nói “lâm chung được nghe”, có thể biết là người ấy lúc thường nhật không niệm. Đã nói “văn nhất danh” (được nghe một danh hiệu), chẳng nói đến những chuyện khác, thì lại có thể biết [người ấy vốn chẳng nghe Phật pháp]. Nhưng chẳng luận có tội hay vô tội, đều được giải thoát; vì sao công lực lại thần diệu dường ấy? Ấy là vì sự cấp bách mà tâm chuyên chú. Như người bị đưa đi tử hình, hoặc bị giam chặt trong lao ngục, hoặc bị oán tặc truy bắt, hoặc bị nước lửa bức bách, một lòng cầu thoát khỏi nỗi khổ ấy; cho nên chỗ mong tưởng liền thành tựu. Niệm vào lúc bình thường thì lời nói và hành vi không tương xứng, hoặc tín lực nhẹ, ít, tâm chẳng liên tục, ý có gián đoạn. Vì thế, công phu thường nhật đâm ra lơi là, còn ý niệm lúc lâm chung chóng thành tựu. Như trước kia, quốc vương hỏi sa-môn Na Tiên (Nāgasenā) rằng: “Người trong thế gian làm ác, tới lúc trăm tuổi, lâm chung niệm Phật. Sau khi chết, được sanh về nước Phật, ta không tin lời ấy!” Ngài Na Tiên nói: “Như chất một trăm khối đá to lên thuyền, nhờ thuyền nên đá chẳng bị chìm. Người tuy vốn ác, niệm Phật nhất thời, chẳng vào trong Nê Lê. Đá nhỏ bị chìm, như người làm ác, chẳng biết niệm Phật, liền vào Nê Lê”. Há chẳng phải là do sự cấp bách, tâm chuyên, cho nên công năng vượt xa lúc bình thường ư? Như người vào trận, chẳng tiếc thân mạng, thì được gọi là “kiện nhân” (健人, người mạnh mẽ). Vì thế biết thiện, ác không nhất định, bản thể của nhân duyên là Không. Xét theo hình tích thì có thăng, trầm, nhìn theo Sự bèn có hơn, kém. Một lạng vàng quý hơn trăm lượng bông gòn. Ánh sáng yếu ớt của một bó đuốc, hơn hẳn cỏ chất cao vạn nhận[1]. Hãy xem chuyện lâm chung của ông Trương Chung (tức Trương Thiện Hòa, còn có tên là Quỳ), liền tin lời giải thoát như kinh này đã dạy!

3.2.3.1.2.2.2.2.2.2. Thị chung hậu tạo phước hoạch nhất (dạy sau khi đã mất mà tạo phước thì người chết hưởng một phần)

3.2.3.1.2.2.2.2.2.2.1. Lược minh (nêu đại lược)

3.2.3.1.2.2.2.2.2.2.1.1. Trực minh chung hậu hoạch nhất (nói thẳng: Sau khi mất, người chết hưởng một phần phước)           (Kinh) Nhược hữu nam tử, nữ nhân, tại sanh bất tu thiện nhân, đa tạo chúng tội. Mạng chung chi hậu, quyến thuộc tiểu, đại, vị tạo phước lợi. Nhất thiết thánh sự, thất phần chi trung, nhi nãi hoạch nhất. Lục phần công đức, sanh giả tự lợi.

()若有男子女人在生不修善因多造眾罪。命終之後眷屬小大為造福利。一切聖事七分之中而乃獲一。六分功德生者自利。

(Kinh: Nếu có nam tử, nữ nhân, lúc sống chẳng tu nhân lành, tạo nhiều các tội. Sau khi mạng chung, quyến thuộc lớn nhỏ vì người ấy tạo phước để làm lợi. Trong hết thảy các thánh sự, bảy phần thì người mất hưởng một phần. Sáu phần công đức người sống tự hưởng).

Đức Phật vì đại chúng thế tục thuyết pháp, ắt trước hết sẽ bàn về giới, bàn về bố thí, bàn về sanh thiên. Do Thí và Giới chính là thiện nhân để sanh lên trời. Hiềm rằng hết thảy chúng sanh chẳng hiểu “tất cả những gì có trong thế gian rốt cuộc đều là không”, chẳng có gì cả! Lúc an ổn, muôn sự vạn mối, chẳng vì thân toan tính mà đã chuốc lấy muôn tội. Ương họa ứng theo [nghiệp nhân đã tạo] như tiếng vang ứng theo âm thanh, vô thường đưa tới, trói buộc lôi theo, chẳng lìa tù ngục Ngũ Ấm, Lục Suy[2]. Vì thế nói “bất tu thiện nhân, đa tạo chúng tội” (chẳng tu nhân lành, tạo nhiều các tội). Từ “mạng chung” trở đi, [chánh kinh nói đến chuyện] vì người đã mất tu phước tạo lợi ích. Treo phan, bày lọng, thắp đèn, đều là phước nghiệp. Hồi hướng phước nghiệp ấy để giúp [người mất] sanh lên trời hưởng phước, hoặc sanh vào chỗ có phước trong nhân gian. Vì thế nói là “phước lợi”.

“Thánh sự”: “Thánh” có nghĩa là Chánh. Tụng kinh, cúng dường tượng, niệm Phật v.v… đều là những việc chánh đáng trong pháp môn, có thể giúp xuất thế, đạt được thánh quả trong tam thừa. Vì thế nói là “thánh sự”. “Bảy phần được một” là [người chết] được hưởng rất ít, nhưng chẳng uổng phí công lao! Người sống tự được hưởng sáu phần! Vì thế, kinh Vãng Sanh dạy: “Vong hậu tác phước, tử giả thất phần hoạch nhất, dư giả thuộc hiện tại giả” (Chết rồi làm phước thì người chết được một phần [công đức], những phần còn lại thuộc về người còn sống). Hai kinh dạy giống nhau.

3.2.3.1.2.2.2.2.2.2.1.2. Phản hiển tự tu tất đắc (chỉ ngược lại: Tự tu tập thì [những công đức đã làm] đều đạt được)      

(Kinh) Dĩ thị chi cố, vị lai, hiện tại thiện nam nữ đẳng, văn kiện tự tu, phần phần kỷ hoạch.

()以是之故未來現在善男女等聞健自修分分己獲。

(Kinh: Do vì lẽ ấy, các thiện nam thiện nữ trong vị lai và hiện tại, [đang trong lúc] tai nghe thông tỏ, thân thể mạnh mẽ, hãy tự tu thì mỗi phần [công đức, phước đức đã tu] chính mình đều được hưởng).

Nối tiếp ý câu trên, nói ngược lại nhằm dạy rõ: Nếu chính mình tự tu thì sẽ đạt được toàn bộ lợi ích. “Văn kiện” (聞健) là trong lúc tai nghe thông tỏ, thân thể mạnh mẽ. “Kiện” (健) là “kiến” (建, tạo dựng), hàm ý có thể tạo dựng. Đây là khuyên mọi người hãy tu hành thật sớm. Bởi lẽ, [theo kinh Dịch] Kiện là phẩm đức của quẻ Càn, là tinh túy của thuần dương. [Chữ Kiện (健)] do Nhân (人) và Kiến (建) ghép lại, tức là phỏng theo đạo trời mà lập chí. Chí đã lập, khí sẽ thuận theo. Kinh Dịch chép: “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức” (Đạo trời vận hành mạnh mẽ, [do đó], quân tử cũng tự phải không ngừng gắng sức trau luyện cho mình tốt đẹp hơn) là nói đến ý này.

Vì thế, trong kinh Tùy Nguyện Vãng Sanh, Phổ Quảng Bồ Tát bạch cùng đức Phật: “Nhược thiện nam nữ, vị chung chi thời, nghịch tu sanh thất, nhiên đăng, huyền phan, thỉnh tăng chuyển kinh, đắc phước đa phủ?” (Nếu thiện nam nữ, lúc chưa mất, đã lo tu sanh thất, [tức là] thắp đèn, treo phan, thỉnh tăng đọc kinh [trong khi còn sống suốt bảy ngày] thì có được phước nhiều hay không?) Đức Phật dạy: “Kỳ phước vô lượng” (Phước ấy vô lượng). Bồ Tát lại hỏi: “Phụ mẫu, thân tộc mạng chung thọ khổ, vị kỳ tu phước, đắc phước đa phủ?” (Cha mẹ, thân tộc mạng chung chịu khổ, vì họ tu phước, có được phước nhiều hay chăng?)

Đức Phật dạy: “Thất phần hoạch nhất, duyên tiền sanh bất tín đạo đức cố. Nhược dĩ vong giả nghiêm thân chi cụ, ốc trạch, viên lâm, dĩ thí Tam Bảo, khả bạt địa ngục chi khổ” (Bảy phần phước [thì người chết] được hưởng một phần, do họ lúc còn sống chẳng tin theo đạo đức. Nếu dùng những món trang sức, nhà cửa, vườn, rừng của người chết để cúng thí Tam Bảo, sẽ có thể dẹp trừ nỗi khổ trong địa ngục). Như trong Di Kiên Chí[3] có chép truyện Vương Ôn ở Ngạc Chử gởi kho, sai đầy tớ là Lý Đại viết rồi điểm chỉ. Tự tu trong lúc tai nghe thông suốt, thân thể khỏe mạnh, chớ nên không làm! Người đời có kẻ làm “sanh thất” (cúng thất trong khi còn sống), có kẻ gởi kho sẵn, đừng cho là chuyện vọng tưởng của mấy bà già quê mùa, si dại, để rồi khinh thường vậy!

3.2.3.1.2.2.2.2.2.2.2. Tường thị (dạy cặn kẽ)

3.2.3.1.2.2.2.2.2.2.2.1. Thị vong nhân vọng cứu (cho biết người đã mất mong được cứu giúp)

3.2.3.1.2.2.2.2.2.2.2.1.1. Tội phước vị định (tội phước chưa quyết định)

3.2.3.1.2.2.2.2.2.2.2.1.1.1. Cầu cứu chi ý (người chết có ý mong được cứu)

(Kinh) Vô thường đại quỷ, bất kỳ nhi đáo, minh minh du thần, vị tri tội phước, thất thất nhật nội, như si, như lung.

()無常大鬼不期而到冥冥遊神未知罪福。七七日內如癡如聾。

(Kinh: Quỷ lớn vô thường đến bất ngờ, hồn thơ thẩn trong chốn tối tăm, chưa biết tội phước. Trong bốn mươi chín ngày, như si, như điếc).

Từ ngữ Tát Ca Da Tát trong tiếng Phạn được cõi này dịch là Vô Thường. Đại Luận nói: “Hết thảy các pháp hữu vi đều thuộc về nhân duyên, luôn sanh diệt đổi mới, cho nên nói là Vô Thường. Một là vô thường vì pháp liên tục hư hoại. Hai là vô thường vì sanh diệt trong mỗi niệm”. Tông Kính Lục chia [vô thường] thành hai loại và bốn tướng:

– Một là nói theo quả báo thô, tức sanh, lão, bệnh, tử.

– Hai là nói theo Hoặc Nghiệp vi tế, tức sanh, trụ, dị, diệt.

Hai thứ này giống như hai thứ vô thường trong Đại Luận.

“Đại quỷ”: Theo sách Hiếu Kinh Viện Thần Khế đã nói, thần Thái Sơn là cháu nội của Thiên Đế, chủ trì việc triệu hồn người (phủ Đông Nhạc (Thái Sơn) có Thái Bảo chuyên trách truy nhiếp hồn người sống là Ngạc nguyên soái, truy nhiếp hồn người chết là Mạnh nguyên soái, Phong Đô Cửu Khúc truy hồn trảm quỷ Vi nguyên soái. Do vậy, kinh Thanh Linh nói: “Người và vật chết rồi, đều có hồn”. Như Minh Báo Ký chép Lý Sơn Long ở Phùng Dực giữ chức Hiệu Úy đời Đường. Trong niên hiệu Vũ Đức[4], bỗng chết đột ngột, nhưng tim chẳng lạnh, nên người nhà chưa khâm liệm. Bảy ngày sau, ông ta sống lại, tự nói mình bị cõi âm bắt đi. Ông được dẫn tới trước bệ của nhà vua (Diêm vương), vua truyền ông hãy lên tòa tụng kinh Pháp Hoa. Sơn Long vừa tụng tựa đề kinh, một ngàn người cùng tội nhờ phước ấy mà đều thoát tội. Vua sai sứ đưa về. Có ba người nói với Sơn Long: “Vua đã thả ngài, có thể cho chúng tôi chút ít được hay không?” Họ nói: “Sứ giả đi bắt ngài khi trước thì một là Thằng Chủ (người quản lý dây trói), dùng dây đỏ trói ngài. Một là Bổng Chủ, dùng gậy đánh vào đầu ngài. Người nữa là Đại Chủ, dùng cái đãy thâu hơi thở của ngài. Nay thấy ngài được trở về, cho nên xin lại những vật ấy”).

Vì thế, kinh Hoa Nghiêm dạy: “Nhân dục chung thời, kiến Trung Ấm tướng, nhược hành ác nghiệp giả, kiến Diêm La trì chư binh trượng, tù chấp tương khứ” (Người sắp lâm chung, thấy tướng Trung Ấm. Nếu là kẻ làm ác, sẽ thấy Diêm La cầm các vũ khí, bắt giữ lôi đi). Vì thế nói là “vô thường đại quỷ”. Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói: “Hữu ư thai trung tử, hữu sanh thời mạng chung, hữu tài hành tiện vong, hữu năng tẩu hốt tốt” (Có kẻ chết trong thai, có kẻ sanh ra liền chết, có kẻ vừa mới biết đi liền chết. Có kẻ đã đi được bỗng chết). Vì thế nói “bất kỳ nhi đáo” (bất ngờ mà đến). Nội Đức Luận[5] viết: “Trăm tuổi dễ hết, năm phước khó thường hằng. Dòng sông mạng trôi như ánh chớp qua đi. Đất nghiệp lâu dài như trời cao” là nói về ý này!

“Thần” (thần thức, thần hồn): Đại Luận nói: “Phàm phu do nhớ nghĩ, phân biệt, tùy theo cái tâm ta chấp tướng, cho nên so đo là có thần thức, tức Trung Ấm Thân”. Như vị trời tên là Lục Huyền Sướng đã nói [với ngài Đạo Tuyên luật sư]: “Con người bẩm thọ bảy thức, mỗi thức đều có thần, tâm thức làm chủ. Trong chốn tối tăm, du hành trong hư không, đó gọi là tam đồ tột bậc truân chiên, mù mịt. Bốn dòng mênh mông không ngằn mé”. Vì thế nói là “minh minh du thần” (thần hồn thơ thẩn trong chỗ tối tăm). “Tội phước” tức là Thập Ác, Thập Thiện. Hồn thần đã chẳng biết chính mình tội phước như thế nào, cho nên trong bốn mươi chín ngày như si cuồng, vô tri, như kẻ tai điếc chẳng nghe. Đấy là lúc mới chết.

(Kinh) Hoặc tại chư ty, biện luận nghiệp quả. Thẩm định chi hậu, cứ nghiệp thọ sanh. Vị trắc chi gian, thiên vạn sầu khổ. Hà huống đọa ư chư ác thú đẳng.

()或在諸司辯論業果。審定之後據業受生。未測之間千萬愁苦。何況墮於諸惡趣等。

(Kinh: Hoặc ở tại các ty, biện luận nghiệp quả. Sau khi thẩm định, căn cứ theo nghiệp mà thọ sanh. Trong khi chưa quyết định, đã là ngàn vạn sầu khổ; huống hồ khi đọa vào các đường ác).

Từ “hoặc tại” (hoặc ở trong) trở đi, nói đến sự tra xét sau khi chết. Theo Đạo Tạng, “chư ty” có nhiếp phách, truy hồn, tróc sanh (bắt kẻ sống), lạc tử (bắt người chết), thưởng thiện, phạt ác, sát quá (phán xét lỗi lầm), củ phi (uốn nắn những sai trái). Hiển Ứng Thái Bảo Nhiếp Hồn thuộc Nhạc phủ (Đông Nhạc phủ của thần núi Hoa Sơn, tức Đông Nhạc Đế Quân) là Châu Tướng Quân. Cũng có phán quan lo việc tróc nã, áp tải, truy án, có các vị án chủ trông coi việc quản thúc, bắt giữ tội nhân đối chiếu với các chứng cớ. Theo kinh Tịnh Độ Tam Muội, dưới vua Diêm La có năm vị quan. Một là Tiễn Quan cấm sát, hai là Thủy Quan cấm đạo (nghiêm cấm trộm cắp), ba là Thiết Quan cấm dâm, bốn là Thổ Quan cấm lưỡng thiệt, năm là Thiên Quan cấm rượu. Đấy đều là các ty trong cõi âm.

“Biện luận nghiệp quả”: Thiện ác mỗi loại đều có ba phẩm. Khi tạo thì tâm cảnh khác nhau, tùy theo từng việc đã làm mà nhận được quả báo. Trời chẳng phán định oan uổng quá mức, bình đẳng, chánh trực bất nhị. Dựa theo việc đã làm mà mà lưới trời xử trị. Vì thế, cần phải biện luận. Nếu sau khi thẩm định, căn cứ theo nghiệp mà thọ sanh, như Luận nói: “Hết thảy những điều bất thiện đều là cái nhân của địa ngục. Ngoài những điều bất thiện ấy, sanh vào súc sanh, ngạ quỷ v.v…” Theo Minh Tường Ký, Triệu Thái sau khi chết, được phủ quân (Đông Nhạc Đế Quân) sai làm Thủy Quan Đô Đốc trông coi các chuyện trong địa ngục. Ông ta thấy một cái thành vuông vắn hơn hai trăm dặm, gọi là Thọ Biến Hình Thành (thành thọ thân biến hình).

Những kẻ đã chịu tra khảo, trừng trị trong địa ngục xong, sẽ ở trong thành này chịu quả báo biến đổi. Triệu Thái vào trong thành ấy, thấy mấy trăm nha lại thuộc các ty cục đang so sánh đối chiếu văn thư, nói kẻ sát sanh sẽ làm con phù du, sáng sanh, tối chết. Kẻ trộm cướp sẽ làm lợn, dê, bị người ta mổ, xẻ. Kẻ dâm dật sẽ làm chim hạc, cò, cheo, hoẵng. Kẻ nói đôi chiều, sẽ làm diều, cú vọ, cú mèo. Kẻ trốn nợ sẽ làm lừa, la, trâu, ngựa. Vì thế nói là “cứ nghiệp thọ sanh” (căn cứ theo nghiệp mà thọ sanh).

Theo kinh Chánh Pháp Niệm Xứ và luận Câu Xá, đúng là do tội nhân vì ác nghiệp hun đúc cái tâm, khiến cho tâm đổi khác, từ trong Không mà lầm lạc thấy có. Thật ra không có Diêm La trong ấy phán xét các tội nhân; nhưng đã do nghiệp huân tập, liền hư vọng thấy những cảnh ấy, tội nhân cho là thật, chẳng hư huyễn. Vì thế, sau khi người ấy mới chết, trước lúc thẩm định, chẳng suy lường được tội phước của chính mình nhiều ít ra sao, đã ngàn muôn lo lắng, ưu sầu, khổ sở lắm nỗi, đã là chẳng thể nói nổi! Huống hồ đọa vào các đường ác, nỗi khổ sở ấy càng quá hơn nữa!

3.2.3.1.2.2.2.2.2.2.2.1.1.2. Cầu cứu chi thời (đấy là lúc cầu cứu)

(Kinh) Thị mạng chung nhân, vị đắc thọ sanh, tại thất thất nhật nội, niệm niệm chi gian, vọng chư cốt nhục quyến thuộc, dữ tạo phước lực cứu bạt.

 ()是命終人未得受生在七七日內念念之間諸骨肉眷屬與造福力救拔。

(Kinh: Người mạng chung ấy chưa được thọ sanh, trong vòng bốn mươi chín ngày, trong mỗi niệm đều mong ngóng các quyến thuộc ruột thịt giúp tạo phước lực để cứu vớt).

Sách Phật Tổ Thống Kỷ nói cúng trai trong bốn mươi chín ngày. Du Già Sư Địa Luận nói người chết đi, thân Trung Hữu nếu chưa có duyên được thọ sanh, sẽ tồn tại nhiều nhất là bảy ngày bèn chết đi, rồi lại sanh. Lần lượt sống chết như thế cho tới bốn mươi chín ngày, quyết định được thọ sanh.  

Nếu có duyên để thọ sanh [sớm hơn] thì không nhất định. Kinh nói những kẻ cực thiện hoặc cực ác, không có thân Trung Hữu (Trung Hữu (Antarābhava) còn gọi là Trung Ấm. Cực thiện liền sanh Tịnh Độ, kém hơn thì sanh làm trời, người. Cực ác liền đọa địa ngục ngay trong ngày tử vong, không trải qua giai đoạn Trung Ấm). Sách lại dẫn Thích Thị Yếu Lãm[6] nói: Nay người đã chết, cứ mỗi bảy ngày, ắt phải sắp đặt cỗ chay làm phước truy tiến, gọi là “trai thất”, khiến cho Trung Hữu có chủng tử, chẳng chuyển sanh vào đường ác. Nay người đời trong bốn mươi chín ngày làm công đức, chính là để an ủi lòng mong mỏi được cứu vớt của người đã mất.

3.2.3.1.2.2.2.2.2.2.2.1.2. Thẩm định thọ báo (thẩm định, hứng chịu báo ứng)

(Kinh) Quá thị nhật hậu, tùy nghiệp thọ báo. Nhược thị tội nhân, động kinh thiên bách tuế trung, vô giải thoát nhật. Nhược thị Ngũ Vô Gián tội, đọa đại địa ngục, thiên kiếp, vạn kiếp, vĩnh thọ chúng khổ.

()過是日後隨業受報。若是罪人動經千百歲中無解脫日。若是五無間罪墮大地獄千劫萬劫永受眾苦。

(Kinh: Sau ngày ấy, sẽ theo nghiệp thọ báo. Nếu là tội nhân, sẽ trải qua trăm ngàn năm, chẳng có ngày giải thoát. Nếu là tội Ngũ Vô Gián, đọa trong đại địa ngục ngàn kiếp, vạn kiếp, hứng chịu các khổ mãi mãi).

“Theo nghiệp thọ báo”: Nhân quả chẳng mất. Sách Pháp Uyển Châu Lâm nói: “Có hình sẽ hiện bóng; có âm thanh, ắt có tiếng vang. Chẳng thấy hình còn mà bóng mất, [chẳng thấy] âm thanh vẫn tiếp tục mà tiếng vọng lặng câm! Thiện ác báo đền là lẽ đương nhiên. Mong hãy tin sâu, đừng suy đoán đến nỗi lỡ làng!” Theo kinh, có hiện báo, sanh báo, và hậu báo khác nhau. Trong kinh Trường A Hàm quyển sáu, đức Phật dạy: “Phù bất thiện hạnh, hữu bất thiện báo, vi hắc minh hạnh, tắc hữu hắc minh báo. Phù hành thiện pháp, tất hữu thiện báo. Hành thanh bạch hạnh, tất hữu bạch báo” (Phàm là do hạnh bất thiện, sẽ có quả báo bất thiện. Làm hạnh tối tăm, sẽ có quả báo tối tăm. Phàm làm thiện pháp, ắt có thiện báo. Làm hạnh trắng sạch, ắt có quả báo trắng sạch). Các tội nhân ấy sẽ thọ quả báo tối đen. Những kẻ thuộc trung hạ phẩm sẽ đọa trong biên tiểu địa ngục (các địa ngục nhỏ và phụ), ngạ quỷ, súc sanh, xoay vần trong tam đồ. Cho nên trải qua trăm ngàn năm, chẳng có ngày giải thoát! Tội Ngũ Vô Gián chính là thượng phẩm Thập Ác, cho nên vĩnh viễn chẳng có lúc thoát ra. Kinh Tứ Thỉ nói: “Thân hạnh bất thiện, khẩu hạnh bất thiện, ý hạnh bất thiện, thân hoại mạng chung, cực thọ khổ báo” (Thân hạnh bất thiện, khẩu hạnh bất thiện, ý hạnh bất thiện, thân hoại, mạng chung, chịu khổ báo cùng cực) là nói về chuyện này!

3.2.3.1.2.2.2.2.2.2.2.2. Khuyến quyến thuộc tu trai (khuyên quyến thuộc làm chay cúng dường Tam Bảo)

3.2.3.1.2.2.2.2.2.2.2.2.1. Thị doanh trai pháp (dạy cách chuẩn bị cỗ chay)

(Kinh) Phục thứ trưởng giả! Như thị tội nghiệp chúng sanh, mạng chung chi hậu, quyến thuộc cốt nhục vị tu doanh trai, tư trợ nghiệp đạo. Vị trai thực cánh, cập doanh trai chi thứ, mễ cam, thái diệp, bất khí ư địa. Nãi chí chư thực, vị hiến Phật, Tăng, vật đắc tiên thực.

()復次長者如是罪業眾生命終之後眷屬骨肉為修營齋資助業道。未齋食竟及營齋之次米泔菜葉不棄 於地。乃至諸食未獻佛僧勿得先食。

(Kinh: Lại này ông trưởng giả! Chúng sanh tội nghiệp như thế, sau khi mạng chung, quyến thuộc cốt nhục vì người ấy sắp đặt cơm chay cúng dường, để giúp cho nghiệp đạo của người đó. Lúc chư tăng chưa thọ trai xong, và sau khi nấu xong cỗ chay, nước gạo, lá rau, đừng vứt bỏ nơi đất. Thậm chí các món ăn nếu chưa dâng lên Phật và Tăng, đừng nên ăn trước).

Đầu tiên là khuyên nên làm cỗ chay dâng cúng [Tam Bảo]. Đấy là nói rõ dâng cơm lên Tam Bảo, chẳng phải là “không ăn quá Ngọ thì gọi là Trai”. Nước gạo, lá rau đừng vứt bỏ nơi đất, hãy nên chứa trong đồ đựng. Sau khi cúng trai tăng xong, sẽ thí cho súc sanh. Theo Phật Thuyết Hộ Tịnh Kinh, cần phải giữ cho tay sạch sẽ khi vo gạo, rửa rau, cũng đừng nên dùng tay bất tịnh chạm vào đồ ăn thanh tịnh. “Vị hiến” (lúc chưa dâng cúng) là dạy về cách trai tăng. Đại Luận dẫn kinh nói: Phật là thân kim cang, không cần phải ăn uống, nhưng vì độ chúng sanh, hiện có ăn uống, chứ Ngài thật sự không ăn. Dâng thức ăn lên Phật, mà Phật chưa dùng, người khác sẽ chẳng thể tiêu. Vì thế, chưa dâng cúng lên Phật, Tăng, đừng ăn trước! Kinh Hộ Tịnh nói: “Nhất thiết hiền giả thí thiết phước hội, ư tiên thường xuyết, thử thực đô tác tàn thực. Đường tác thử hội, bất như bất tác. Hà cố? Chư thiên bất hoan, quỷ thần bất hỷ. Thử nhân ư tiên thường giả, ngũ bách thế trung, thọ ngạ quỷ khổ, cố giới đoạn vật tiên thực dã” (Hết thảy các vị hiền giả làm pháp hội trai tăng cầu phước, mà ăn hoặc nếm đồ ăn trước, những món ăn ấy đều thành đồ thừa. Uổng công làm pháp hội ấy, chẳng bằng không làm. Vì sao vậy? Chư thiên chẳng vui, quỷ thần chẳng mừng. Người nếm trước ấy sẽ trong năm trăm đời chịu khổ làm ngạ quỷ. Vì thế, răn dạy đừng ăn trước).

3.2.3.1.2.2.2.2.2.2.2.2.2. Minh cúng dường lực (nói về sức cúng dường)

(Kinh) Như hữu vi thực, cập bất tinh cần, thị mạng chung nhân, liễu bất đắc lực. Như tinh cần hộ tịnh, phụng hiến Phật, Tăng, thị mạng chung nhân, thất phần hoạch nhất.

()如有違食及不精勤是命終人了不得力。如精勤護淨奉獻佛僧是命終人七分獲一。

(Kinh: Nếu ăn trái  phép, và  chẳng  tinh  sạch, siêng  gắng, người mạng chung ấy trọn chẳng nhờ cậy được. Nếu chuyên ròng, siêng gắng, giữ gìn sạch sẽ, dâng cúng Phật, Tăng, người mạng chung ấy sẽ được hưởng một phần bảy công đức).

Trước hết là nói [cách sắp đặt, chuẩn bị trai tăng] không đúng pháp; kế đến là nói về chuyện có thể làm đúng pháp. “Tinh cần hộ tịnh” (siêng gắng, tinh ròng giữ cho thanh tịnh): Kinh dạy: “Chư hữu thiết thực chi xứ, nhất thiết như pháp tác trai phạn, bất khả bất thận. Tự kim dĩ hậu, dục đắc phước giả, như pháp tác trai thực, khả đắc phước đức. Chư thiên hoan hỷ, bách thần khánh duyệt, thiên thần ủng hộ, kinh bất hư ngôn, phước báo như ảnh hưởng” (Ở các nơi có sắp đặt thức ăn [để cúng dường Tam Bảo], hết thảy đều theo đúng pháp để cúng dường cơm chay, chớ nên không cẩn thận. Từ nay trở đi, những ai muốn được phước, hãy theo đúng pháp để chuẩn bị thức ăn, sẽ đạt được phước đức. Chư thiên hoan hỷ, trăm thần vui mừng, thiên thần ủng hộ, kinh chẳng nói lời hư dối, phân biệt như bóng theo hình, như tiếng vọng theo âm thanh). Kinh văn đã dạy rõ như thế, tiếc là người đời chẳng biết tin tưởng!

3.2.3.1.2.2.2.2.2.2.2.2.3. Kết tồn vong ích (tổng kết về sự ích lợi cho kẻ còn, người mất)          

(Kinh) Thị cố trưởng giả! Diêm Phù chúng sanh, nhược năng vị kỳ phụ mẫu, nãi chí quyến thuộc mạng chung chi hậu, thiết trai cúng dường, chí tâm cần khẩn. Như thị chi nhân, tồn vong hoạch lợi.

()是故長者閻浮眾生若能為其父母乃至眷屬命終之後設齋供養志心勤懇。如是之人存亡獲利

(Kinh: Vì thế, này ông trưởng giả! Chúng sanh trong Diêm Phù nếu có thể vì cha mẹ, cho đến quyến thuộc, sau khi họ mạng chung, sắp đặt cỗ chay cúng dường [Tam Bảo], chí tâm siêng năng, khẩn thiết. Người như thế thì kẻ còn lẫn người mất đều được lợi).

“Chí tâm cần khẩn” tức là siêng gắng, chuyên ròng, gìn giữ thanh tịnh. Chỉ tinh thành thì mới có thể chí tâm. “Tinh” là công phu đạt đến tột đỉnh. Chữ Tinh (精) do Mễ (米) và Thanh (青) ghép lại. Gạo vừa thoát khỏi vỏ trấu hãy còn vàng, còn thô. Gạo giã tróc cám, sẽ có màu gần hơi xanh. Đấy là ý nghĩa được bao hàm trong chữ này: Cái tinh túy nhất của thiên chân. Ân cần, thành khẩn như thế, sẽ tự đạt “người mất lẫn kẻ còn đều được lợi ích”. Phần trưởng giả Đại Biện giúp hiển phát ý nghĩa đã xong.

3.2.3.1.2.2.2.3. Quỷ thần phát tâm (quỷ thần phát tâm)

(Kinh) Thuyết thị ngữ thời, Đao Lợi thiên cung, hữu thiên vạn ức na-do-tha Diêm Phù quỷ thần, tất phát vô lượng Bồ Đề chi tâm.

()說是語時忉利天宮有千萬億那由他閻浮鬼神悉發無量菩提之心。

(Kinh: Lúc nói lời ấy, trên cung trời Đao Lợi có ngàn vạn ức na-do-tha quỷ thần trong cõi Diêm Phù đều phát tâm Bồ Đề vô lượng).

Vì sao đến đây quỷ thần mới phát tâm? Trong phần trên đã nói rõ “tế lễ quỷ thần vô ích, chỉ khiến cho người ta tạo nghiệp”. Quỷ cũng có lương tâm, há chẳng hổ thẹn ư? Vì thế, phát tâm làm quỷ thần hộ pháp. Hỏi: Quỷ thần tự phát tâm, hay là do đức Phật và ngài Địa Tạng dạy họ phát tâm? Đáp: Tự, tha, cộng, ly[1] đều chẳng thể được, nhưng do cảm ứng đạo giao bèn luận định về phát tâm đó thôi!

3.2.3.1.2.2.3. Trưởng giả lễ thoái (trưởng giả làm lễ lui ra)

(Kinh) Đại Biện trưởng giả, tác lễ nhi thoái.

()大辯長者作禮而退。

(Kinh: Trưởng giả Đại Biện làm lễ lui ra).

Đã là cùng một hội, lui về nơi nào? Do lúc hỏi pháp, ra khỏi chỗ ngồi, tiến đến trước làm lễ. Hỏi đáp đã xong, làm lễ, lui về chỗ ngồi, tức là biểu thị ai nấy tự trụ trong Tam Ma Địa.


ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ


[1] Nhận (仞) là đơn vị đo dài thời cổ. Thời Châu, một Nhận là tám thước. Sang thời Hán, một Nhận chỉ còn bảy thước. 

[2] Lục Suy chính là Lục Trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp), vì chúng có thể khiến cho con người suy hao chân tánh, ví như sáu tên giặc, nên còn gọi là Lục Tặc.

[3] Di Kiên Chí là tác phẩm thuộc thể loại bút ký chép về cuộc sống, nhân văn, những chuyện lạ lùng, quái dị mà tác giả được nghe biết, do Hồng Mại soạn vào đời Nam Tống. Nguyên tác đến bốn trăm hai mươi quyển, hiện thời không còn được một nửa!

[4] Vũ Đức là niên hiệu của Đường Cao Tổ (Lý Uyên) từ năm 618-626.

[5] Nội Đức Luận là một bài viết của Lý Sư Chánh vào đời Đường, luận định về đạo đức theo quan điểm nhà Phật, đả phá kiến chấp của Nho sĩ đương thời.

[6] Thích Thị Yếu Lãm do ngài Đạo Thành biên soạn vào năm Thiên Hỷ thứ ba (1019) đời Bắc Tống, nhằm giúp cho các tăng ni biết những kiến thức thông thường về Phật giáo. Sách viết về những khái niệm cơ bản trong Phật học, các quy tắc, pháp quy trong tự viện, cũng như giải thích một số từ ngữ Phật học, chia thành 679 mục. Sách dẫn chứng khá rộng các sách vở Phật giáo, là một tài liệu tham khảo rất hữu ích cho Phật giáo.

[1] Đây là bốn tướng để biện định sự việc: Tự là do chính mình làm, Tha là do người khác làm, Cộng là đôi bên cùng làm, Ly là ta lẫn người đều chẳng làm.