CHUYỆN VÃNG SANH Ở VIỆT NAM
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập
11. NGUYỄN THỊ KIM BA (1956 – 2015) 59 Tuổi
Bà Nguyễn Thị Kim Ba sinh năm 1956, nguyên quán Long Giang, Chợ Mới. Song thân là cụ ông Nguyễn Văn Trạo và cụ bà Châu Thị Trâm. Bà đứng thứ Ba trong gia đình có sáu người con.
Khi đến tuổi trưởng thành bà kết hôn với ông Trần Phú Quý, sanh được bốn người con, một trai ba gái. Gia đình bà định cư tại ấp Kiến Hưng, xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Cả hai ông bà đều là giáo viên công tác tại Trường Tiểu Học “B” Vĩnh Thành.
Mẹ bà vốn là một Phật tử trường chay thờ Phật, nhờ hấp thụ truyền thống đạo đức quý báu ấy nên bà đã đến với Tam Bảo rất sớm, thuở còn ấu thơ mà đã biết sớm chiều lễ Phật sám nguyện.
Tính tình bà vui vẻ, hiền từ, nhu hòa, chân thật, và thích giúp đỡ mọi người xung quanh. Đối với những người nghèo khổ, bệnh hoạn hay tai nạn bà đều quan tâm giúp đỡ tận khả năng hiện có. Mọi công tác từ thiện xã hội lớn nhỏ gì bà cũng đều tham gia đóng góp bằng đồng lương khiêm nhượng của mình.
Bà cũng hướng dẫn các con về cách thức cư xử từ trong nhà cho đến bên ngoài lối xóm chòm riềng cần luôn nhẫn nhường: “Có những sự việc mình không làm nhưng bị người ta nói, mình cũng cần phải nhẫn để cho bầu không khí được vui vẻ hài hòa, hãy ‘hạ mình nhận lỗi mặc dù là không’…nhất là cần phải sống chân thật”.
Chồng bà là người hiền lành có đạo đức nên bầu không khí gia đình tương đối êm ấm, mọi chuyện sinh hoạt đời thường dường như thuận lợi mát mái xuôi chèo.
Năm 1995 bà phát tâm trường chay, và thường xuyên phóng sanh. Vào những ngày nghỉ hoặc những dịp hè bà hay dẫn người thân quen đi viếng chùa lễ Phật. Công khóa thường nhật của bà là sau hai thời sám nguyện sớm chiều thì ngồi niệm Phật khoảng 30 phút.
Thỉnh thoảng bà cũng nghiên cứu kinh điển sám kệ, nghe các băng đĩa về Phật Pháp.
**********
Sáng ngày 24 tháng 11 năm 2008, hai ông bà cùng người con đến trường dự buổi họp. Khi hoàn mãn ra về, đang đi giữa đường bỗng dưng ông lên cơn chóng mặt dữ dội, chuyển chưa kịp vào bệnh viện là ông đã qua đời. Đến bệnh viện Đa Khoa An Giang mới biết là do tai biến mạch máu não vì huyết áp cao.
Lúc này bà rất đau khổ, sức khỏe suy sụp trầm trọng phải vào bệnh viện. Cô con gái dùng lời Phật dạy để an ủi bà:
-Thế gian là chốn vô thường. Cõi trần hồng là tạm giả, có hợp thì có tan, có sanh thì có tử… Nợ duyên của cha đã hết thì cha phải ra đi… Mẹ đừng có đem lòng luyến ái mà phiền não, mà buồn khổ có hại thêm thôi. Bây giờ mẹ phải sống vì các con, phải lo tu đặng mà giải thoát mới là cần thiết và quan trọng hơn hết!…
Nhờ con nhiều lần khuyên nhắc như thế nên nỗi buồn đau lần hồi ngui ngoai, niềm sầu thương dần dà tan nhạt, bà tươi tỉnh trở lại.
Sau khi ra viện bà nỗ lực tu hành tinh tấn hơn xưa, sự hiểu biết về Phật Pháp ngày càng trở nên sâu rộng và vững chãi, nhất là đối với pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh có phần tin sâu nguyện thiết.
Quả thật đời người quá ư vô thường mong manh, như lời của Cổ Đức khai thị:
“Cuộc hồng trần xoay vần quá ngán,
Kiếp phù sanh tụ tán mấy lăm hồi,
Người đời có biết chăng ôi!
Thân này tuy có, có rồi hoàn không.
Chiêm bao nào thật mà mong,
Mơ màng chỉ một giấc nồng rồi tan,
Làm cho kẻ ở thế gian,
Khóc người bôn tẩu suối vàng xa xôi.
Khi nào đứng đứng ngồi ngồi,
Giờ không nhúc nhích như chồi cây khô,
Khi nào du lịch giang hồ,
Bây giờ nhắm mắt mà vô quan tài.
Hoa xinh khoe sắc ban mai,
Lụi tàn chiều đến lâu dài được đâu.
Đổi thay bãi bể nương dâu,
Hợp tan tan hợp thêm sầu thảm thê.
…
Người mau nhớ lại kiểng quê,
Chớ nên quá đỗi say mê hồng trần.
Ở trần chỉ khổ não thân,
Đâu bằng về cõi Phật Thần thảnh thơi.
Ở trần tuy nói ăn chơi,
Trong ăn chơi đó bắt người lo âu.
Sướng vui trong khối buồn rầu,
Ấy là cảnh sống của hầu hết dân.
Khổ tâm hoặc giả khổ thân,
Không ai ở cõi hồng trần được vui.
Được vui nhờ đạo biết mùi,
Nhờ lòng cởi mở hết nơi buộc ràng.
Thế gian vượt khỏi thế gian,
Tử sanh đổi lại Niết Bàn là vui.
Đã tu rán tiến chớ lùi,
Bước chân vào đạo đi xuôi một đàng.
Lợi danh cám dỗ không màng,
Sắc tài cũng mặc đem đàng nọ kia.
Một lòng đạo hạnh trau tria,
Y theo lời Phật sớm khuya tu hành.
…Nhà tu thì phải làm lành,
Trọng điều phước đức hơn danh lợi trần.
Tu cho minh mẫn tinh thần,
Sáng hơn kẻ tục muôn phần là tu.
Tu còn tâm trí mờ lu,
Tại người chưa được tóm thu vọng trần.
Phải cho đoan chính nhơn thân,
Trong lòng bình tĩnh xét cân mọi điều.
Những gì còn có bao nhiêu,
Tự mình biết rõ chẳng điều nào sai.
Lấy tâm thống trị bên ngoài,
Đừng cho ngoại vật đọa đày trong tâm.
Vọng tình như đá nam châm,
Cảnh trần như sắt đến gần hút ngay.
Cảnh xem tình chẳng động lay,
Là điều rất khó xưa nay ít người.
Việc chi dù khó mấy mươi,
Lòng người nhứt quyết rốt rồi cũng nên.
Người tu cần có chí bền,
Gặp bao thử thách cũng nên kiên trì.
Ngày nay được biết qui y,
Là do tiền kiếp đã đi đường lành.
Tu thêm nhứt định sẽ thành,
Cũng như giàu có nhờ dành nhiều năm.
Đạo thành rõ mối huyền thâm,
Như mù được sáng hết lầm đường đi.
…
Âm thầm trì niệm A Di,
Tây Phương Cực Lạc thệ ghi khắc lòng.
Sen hồng nhất định đơm bông,
Khổ đau muôn thuở trần hồng tiêu tan.
Mười phương chư Phật hân hoan,
Mỉm cười chào đón ngập tràn niềm vui!”
*******
Năm 2011 bà hưu trí, thời gian tu niệm nhiều hơn, thường tham dự đầy đủ các buổi niệm Phật định kỳ được tổ chức tại nhà chư liên hữu trong vùng. Bà rất thích những câu chuyện niệm Phật vãng sanh.
Hơn hai năm sau, đột nhiên tình hình sức khỏe của bà có nguy cơ báo động. Bà vốn đã bặt kinh từ lâu, vào khoảng tháng 5 năm 2013 sao bỗng dưng một hôm nọ có trở lại, với số lượng thật nhiều, bà liền đến các bệnh viện của huyện và tỉnh để khám nhưng vẫn không tìm được bệnh, nên hồ sơ bệnh án được chuyển ra Bệnh Viện Trung Tâm Ung Bướu. Nằm viện được một tuần, sau khi chờ kết quả xét nghiệm tế bào bác sĩ cho biết tử cung đã bị ung thư, và đề nghị vô hóa chất, nhưng bà xin về, bởi xét thấy có những bệnh nhân nhập viện trước đó đã mấy tháng rồi mà bệnh trạng chẳng khả quan gì cả!
Về nhà chưa bao lâu, cơn bệnh hoành hành dữ dội, lượng huyết cũng ra nhiều hơn, gia đình chuyển bà vào Bệnh Viện Phụ Sản Quốc Tế ngoài Sài Gòn, bác sĩ ở đây cũng xác định là ung thư tử cung, đồng thời chuyển bà sang Trung Tâm Ung Bướu chứ không cho nhập viện, thân nhân ưng thuận nhưng bà không chấp nhận, vì biết bệnh này là bệnh nan y, vô hóa chất rồi chẳng mấy chốc vẫn phải chết; tợ hồ như vừa nhận được bức công văn mà Diêm Vương gửi đến đính kèm dấu ấn “bất khả kháng”, cho dù ai đó có quyền thế tột cùng hay sang giàu tột bậc, cũng phải ngoan ngoãn chấp hành mệnh lệnh tối cao này! Vì vậy bà quyết định ra về, điều trị bằng Đông dược để dành chi phí phóng sanh hoặc bố thí sẽ gặt hái lợi ích thù thắng hơn!
Biết rằng mình còn sống chẳng bao lâu nữa nên bà thật sự buông bỏ muôn duyên, một lòng chuyên cần niệm Phật cầu về Tây Phương, mỗi tháng toàn bộ lương hưu trí bà đều phóng sanh, hay bố thí sạch sẽ. Bà còn viết mấy câu thi kệ bằng phấn gần giường nằm để tự sách tấn chính mình:
Dưới trần hương đốt một cây,
Tòa sen có một vầng mây bay vào.
Và:
Ao sen báu Tây Phương đua nở,
Chờ chúng sanh niệm Phật chí tâm.
Và:
Ở Tây Phương chư Phật ngóng trông,
Chờ bá tánh rủ nhau niệm Phật.
Bên cạnh đó nhờ sự trợ duyên đắc lực của các con nên công phu niệm Phật của bà mỗi lúc một tinh chuyên thuần thục, tâm tư luôn hướng về thế giới Tây Phương Cực Lạc, nguyện vọng tha thiết được quỳ dưới chân Đức Từ Phụ A Di Đà.
Hằng ngày bà sắc thuốc Nam để uống, thỉnh thoảng thêm một ít thuốc Bắc. Đôi lúc cơn đau xuất hiện hoành hành bứt ngặt, khối u lớn bằng quả cam ở vùng bụng di động qua lại làm cho bà phải bậm môi hít hà, nhưng chưa bao giờ nghe bà rên rỉ kêu than. Từ đó thể xác ngày một mòn hao suy gầy như chiếc đèn dầu cạn tim lụn, nhưng công phu trì niệm ngày một khẩn thiết chuyên tinh, tâm an thần định.
Bà dặn dò các con về hậu sự cho mình, càng đơn giản càng tốt, đừng nên hình thức phô trương tốn kém vô ích.
************
Ngày mùng 4 tháng 10, bà đã ngưng ăn 12 ngày, bệnh tình chuyển biến khá nặng, sức khỏe của bà cạn kiệt rõ rệt, cơn mệt diễn ra tăng dần và kéo dài, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng. Hôm sau cô con gái thứ Hai của bà liền liên hệ mời Ban Hộ Niệm. Ban Hộ Niệm đến niệm Phật qua hai tiếng đồng hồ, thì bà có phần khỏe khoắn trở lại. Vì đang bận trợ niệm cho bệnh nhân mới vừa mất nên Ban Hộ Niệm phải ra về. Trước khi ra về có dặn dò thân quyến rằng chừng nào bà mệt thì hãy gọi điện thoại ngay, là họ sẽ lập tức quay trở lại để tiếp tục hộ niệm cho bà!
Từ đó trở đi bệnh tình chẳng nguy cấp gì lắm, lúc lên cơn mệt nhiều bà gọi các con xúm lại bên giường niệm Phật tiếp bà, thường thì tản ra để nghỉ ngơi hoặc làm công việc vụn vặt.
Trải qua hơn tuần lễ, vào lúc 4 giờ chiều ngày 15 tháng 10, bà nói với cô Hai:
– Chắc mẹ chết Kim ơi!
Con bà liền hỏi:
– Tại sao mẹ biết?
– Phật kêu mẹ đi theo Ngài.
– Mẹ có thấy Phật không?
– Thấy! Phật đẹp dữ lắm, con ơi!
– Mẹ nói mẹ đi theo Phật, mà chừng nào mẹ mới đi?
– Bữa nay mẹ đi!
– Mẹ có biết hôm nay là ngày mấy không?
– Bữa nay là ngày rằm!
Chú con trai thứ Ba đang đứng gần nghe bà nói như thế liền bật khóc, người chị bèn xoay qua xô em vào cánh cửa buồng, với dụng ý không cho mẹ trông thấy mà sinh tâm quyến luyến, trở ngại cho sự siêu thoát của bà. Mặc dù hiểu được thâm ý của chị nhưng chú vẫn không đè nén được cảm xúc của con tim mình, bởi “mất mẹ là mất cả bầu trời”, vì một mai khi bão giông nghiệt ngã của cuộc đời ập đến, số phận chiếc thuyền nhỏ lênh đênh giữa trùng dương bao la không bến không bờ biết sẽ phải trôi dạt về phương nào! Chú nghẹn ngào nấc lên thành tiếng, bà đưa mắt trố nhìn, cõi lòng dường như trào dâng nỗi niềm se thắt xốn xang!!!
Đêm hôm ấy cả thảy bốn chị em và các bà dì thay phiên nhau túc trực hộ niệm cho bà, nhưng những cơn mệt cứ nối đuôi nhau đến, rồi lại âm thầm ra đi, rốt cuộc mọi nỗi hồi họp, mừng vui lẫn lộn lo lắng của mọi người đều trôi qua một cách lặng lẽ yên bình.
Sáng lại tức ngày 16, đang lúc gội đầu tắm rửa để thay y phục cho bà, bà chị thứ Hai bèn hỏi:
– Em nói, em theo Phật! Mà sao bây giờ em còn ở đây?
Bà không trả lời mà chỉ đưa bàn tay lên, co lại 2 ngón, chìa ra 3 ngón tay. Vậy là mọi người một lần nữa chia nhau túc trực nghiêm ngặt hơn trước.
*************
Hai hôm sau, vào khoảng 10 giờ tối ngày 18, bà bảo rằng mình muốn uống sữa, cô con gái thứ Út đem sữa đến, bà kê ống hút uống hết trọn một hộp (dung lượng 237ml), trông thật ngon lành. Khi uống xong, bà uống thêm một tí nước tráng miệng rồi đưa tay lấy khăn lau miệng, cô Út thấy thế trong lòng vô cùng vui mừng trộn lẫn nỗi niềm kinh ngạc, do 20 ngày qua bà không ăn uống được gì cả, bởi vì thức ăn thức uống vừa đưa vào miệng là đã có cảm giác buồn nôn, nên không nuốt vô bụng được thứ gì. Cô bèn nói vui với bà:
-Ngày mai con sẽ mua sữa thật nhiều cho mẹ uống nữa nghen?
Bà không đáp mà chỉ lắc đầu.
Khoảng hai giờ sau bà bắt đầu lên cơn mệt nhẹ, hai bàn tay từ từ co lại, đan vào nhau và đặt trên ngực. Khi mới vừa trông thấy đôi bàn tay của bà bắt đầu co lại con bà không hiểu bà muốn gì, liền hỏi:
-Mẹ làm gì vậy mẹ?
Bà đáp:
-Mẹ đang niệm Phật, con đừng có hỏi!
Tiếng nói của bà lúc này rất nhỏ nhưng vẫn nghe rõ ràng.
Mọi người thân bu quanh đồng niệm Phật với bà, được chừng hơn 20 phút thì hai tay bà đang đặt trên ngực bỗng duỗi thẳng ra xuôi theo thân, rồi nhẹ nhàng an tường trút hơi thở cuối cùng trong tư thế nằm ngửa thoải mái đoan nghiêm, nhằm lúc 12 giờ 25 phút đêm 18 tháng 10 năm 2016, đúng như lời bà đã báo trước. Bà hưởng dương 59 tuổi.
Lễ nhập mạch và an tang được tiến hành vào lúc 9 giờ sáng ngày 19. Các khớp xương của bà khi ấy mềm mại, gương mặt tươi nhuần, sáng đẹp, trông như một người đang nằm ngủ. Đặc biệt là khối u lớn bằng quả cam thường ngày ở vùng bụng bỗng nhiên biến mất, mà thi thể lại sạch sẽ khô rang không có tí chất dịch gì rỉ chảy ra cả!
(Thuật theo lời Trần Thị Thiên Kim, cô con gái thứ Hai của bà)