Thuở Trăng Chưa Tròn
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Viên Chiếu bây giờ thật đẹp, thật khang trang và sạch sẽ. Trái hẳn thời bảy lăm là túp nhà tranh lá tua tủa, lổn nhổn chung quanh toàn gốc cây, “cỏ hoa chen lá, lá chen gai”…

Viên Chiếu hình thành trong khung cảnh hoang dại nên cuộc sống chúng tôi nhuốm đầy mùi rừng rú. Tre gai bao um tùm, lối đi nhỏ hẹp. Vườn bắt tỉa trước chùa cách cửa ra vào vài bước chân. Vậy mà lũ khỉ vẫn dạn dĩ mò vào hái trộm ngay trước mắt chúng tôi giữa ban ngày ban mặt. Tầng gác ọp ẹp kết bằng ván thông thưa rĩnh. Buổi ngủ trưa thường có dĩa đồ ăn (phần lỡ bữa còn để dành) cất ngay trên đầu nằm gồm: mấy củ khoai, vài trái chuối)… vậy chứ nhờ nó mà chúng tôi mới tỉnh được giấc ngon khó thức…

Còn một đặc điểm nữa là rác, vỏ kẹp, vỏ chuối vát vương vãi chung quanh vườn, cứ tiện tầm tay là quăng đại cho thoải mái. Khoảng cách nhà ở với bụi lùm cây dại không xa thì giữ cho trong nhà không có rác là đủ rồi. Để một hôm có ai đó bất thần “nhìn lại ta” đã phải buột miệng kêu lên:

– Chèn ôi! Ra Thường Chiếu mà coi người ta sống, là tăng mà họ sạch sẽ ngăn nắp, còn ở đây?… – ứ hự! Còn tệ hơn cái viện kí nhi nữa!

Hưởng ứng câu phàn nàn ấy chỉ là những nụ cười toét miệng (rộng tới mang tai). Thật ra cảnh luôn hợp với người, mặt mũi chúng tôi lúc nào cũng nhem nhuốc bùn sình, làm ruộng thời khai hoang vào trễ là chuyện thường tình, tẩy rửa qua loa, ăn cơm xong thì đã tới giờ chỉ tịnh, muốn tranh thủ ngủ trưa thì cứ bê nguyên gương mặt còn đầy nốt ruồi… bùn mà đánh giấc (nếu muốn lười một chút mà ngủ no).

Buổi trưa im nắng, chỉ cần một bước chân lê nhẹ là sàn gác kêu rầm rầm. Cô Đức chịu hết thấu liền ban chỉ thị:

– Buổi trưa yêu cần quí vị giữ yên tĩnh cho người ta ngủ, xin đừng di chuyển qua lại vào giờ này!

Lệnh được thần dân ngự trên gác tuân theo răm rắp. Chúng tôi ở dưới đất nên chẳng có vấn đề gì. Và khi tất cả đang say giấc ban trưa thì bỗng nghe “rầm” một tiếng rõ to. Tôi thoáng thấy như có vật gì từ… trên trời (?) rơi xuống. Ai nấy choàng tỉnh, ngồi bật dậy hết, nhìn nhau ngơ ngác…

– Có chuyện gì vậy? Cô Đức hỏi trước tiên.

Một khoảng im lặng kéo dài. Không có lời đáp. Câu hỏi được lặp lại lần nữa. Có tiếng cô Giải Thiện cười hi hi trên gác, rồi cô giải thích:

– Giải Thanh muốn đi ngoài, không dám bước trên gác nên nó phi thân xuống đại… (xin giải thích: thuở ấy cửa sổ chống, không khung nên chỉ cần liều mạng nhảy xuống là có thể ở ngoài trời, song cú nhảy của Giải Thanh va vào tấm tôn ghép nơi vách lá nên âm thanh mới vang dội như thế).

Ai nấy đều lo lắng, không hiểu “ngọc thể” của kẻ phi thân có an toàn chăng? Giải Thanh đang đứng nép sát vào vách với gương mặt xanh lè. Kể từ ấy, cô Đức chẳng đá động gì tới lệnh giới nghiêm ban trưa trên gác nữa.

Hai năm sau, chúng tôi có một Tăng đường ra dáng hơn: tầng dưới là vách đất, tầng trên là vách lá sàn tre. Tầng gác còn có lan can bao quanh ba bên, ngồi thiền rất mát. Hạnh Kiên chiếm một góc ở hiên sau.

Buổi khuya mùa đông rất lạnh. Hạnh Kiên ngồi thiền mà quấn y trang giống hệt dân Bắc cực. Cả chúng đang tĩnh tọa êm đềm thì bỗng nghe “rầm” một tiếng, các thiền giả ở hè sau nhốn nháo cả lên:

– Ối trời ơi! Hạnh Kiên rớt xuống đất rồi!

Chúng tôi cấp tốc xả thiền hùa nhau hỏi thăm. Tầng gác mới này khá cao. Lơ mơ gãy xương chứ chẳng chơi. Hạnh Kiên đón chúng tôi bằng gương mặt tươi như hoa:

Hông! Hông có sao hết, hên là em té vào cái xe ba gác nằm ở dưới cộng thêm cái mền dày quấn quanh đỡ “đạn” dùm nên được bình an vô sự! Chúng tôi thở ra nhẹ nhỏm. Đây là lần duy nhất Hạnh Kiên nhập ngủ thiền (thiền ngủ gục) và té như mít rụng!

Chưa hết, cũng vẫn vào khuya, mới một hai giờ sáng đã nghe tiếng thét lanh lảnh: “Ăn trộm! Bắt lấy nó!” vậy là tỉnh ngủ hết. Quý cô lục tục kém nhau đi rọi đèn pin pha tứ bề. Vẫn không thấy gì. Ai nấy về chỗ nằm thì được báo cáo là tiếng la phát xuất từ mùng của một tôn giả đang ngủ tít mắt nhưng miệng thì mớ leo lẻo.

Mùa đậu ra ngoài Viên Chiếu 2, thuở tiện nghi eo hẹp, cái chòi nhỏ nhét mười mấy mạng, chugn quanh đậu chất đầy, chỗ ngủ còn thiếu thì nói gì đến chỗ tọa thiền? Thế nên chúng tôi “được” ngủ tới sáng. Bốn giờ rưỡi khuya cô Từ Thanh đã gọi:

– Dậy, dậy mấy đứa ơi!

Chẳng ai buồn nhúc nhích. Cô Thanh liền đổi chiến thuật:

– Dậy, dậy lo vệ sinh kẻo trới sáng!

Hiệu nghiệm thần tốc. Chúng tôi nhổm dậy ngay, mạnh ai nấy chụp cuốc đi giải quyết “đại sự”. Phải tranh thủ vào giờ này, vì ngoại trừ vườn cao su nằm đối diện trước mặt thì ba phía còn lại đều trống lốc, Thường Chiếu lại nằm gần bên.

Vậy chứ tình cảm mặn mà của cô Từ Thanh đã có lần gây khốn đốn cho chúng tôi.

Chả là thấy chúng tôi làm mệt mà không có gì ăn bữa lỡ, cô đi ra đi vào gãi đầu thương cảm… rồi cầm lòng không đặng, cô hốt ngay mớ đậu phọng sống phát cho mỗi đứa một nắm để ăn lấy sức. Ăn xong, tới phiên chúng tôi “cầm lòng không đặng”. Chột bụng nhằm lúc này (giữa ban ngày) thì chỉ có nước lủi vào rừng cao su, cỏ vườn cao su cao tới đầu gối nên có thể đi vớt vát được. Chỉ hiềm khi trở về chân chúng tôi máu rỉ long tong (vì vắt đeo hút tới no kềnh) lưng cổ đều mỏi vì ráng cúi thật thấp.

Đó là một vài chuyện của thuở đầu lập quốc Viên Chiếu. Giờ đây Chiều nào cũng khang trang cứ như cảnh tiên. Cũng có người than: “Bây giờ không giống hồi xưa, tâm con người cũng không giống hồi xưa.”

Làm sao được? giòng nước chảy qua trước mặt loáng một cái không còn là dòng cũ thì làm sao buộc tâm và cảnh phải “giống như xưa”? nỗi niềm hoài cổ hay vọng hướng tương lai đều dễ làm mình khổ. Mà thật ra quá khứ, hiện tại, vị lai… không có gì khác nhau (nghĩa là phiền não tham sân si lúc nào cũng vậy, khác chăng là nhiều hay ít hơn thôi). Ai làm chủ được tâm mình thì làm chủ được hạnh phúc. Làm chủ, có nghĩa là điều khiển được dòng tâm thức mình chứ không phải bị nó điều khiển. Ngày nào tâm vẫn còn nổi sân nhưng không thèm sân theo, nổi tham nhưng không thèm tham theo; nghĩa là nổi lên bất cứ gì đều tỉnh kịp, không theo; thì coi như Thiên đường trong tầm tay rồi! Còn bây giờ si vẫn nặng chình chịch. Mình sân mà ai nói: “Người tính tình gì sân dữ…” hay “Nghiệp sân nặng dữ quá!” là bừng bừng nổi khùng thêm liền, cứ ngỡ rằng cái khổ tự người ngoài đưa tới, chứ không phải tại mình tạo ra cho mình. Dường như trong âm thầm sâu lắng mình luôn mong người xử với mình đẹp như thánh, còn mình thì tha hồ cư xử theo tùy hứng của phiền não, theo tánh tật của riêng mình.

Thôi thì đã “trót” sinh ra trong môi trường hoàn cảnh mà… gì cũng tốt đẹp hơn xưa, thì cầu mong tâm tư chúng ta ngày càng tươi mát hơn xưa. Có nghĩa là dù tham sân si vẫn còn đấy, nhưng chúng ta sử dụng chúng ít hơn, dè sẻn hơn, cho đến bao giờ không còn xài chúng nữa. Được vậy thì trong thời gian ngắn ngủi ta góp mặt với nhau trên cõi đời này, ta sẽ đỡ ân hận hơn vì ít “nện” người bằng chính phiền não của mình và sẽ dễ cảm thông hơn khi bị vô minh của ai đó “tông” vào làm mình khổ lây. Bởi vì vọng niệm rồi sẽ phải tan, đâu có niệm nào thường hằng? Những cơn khùng của vọng tâm sẽ qua và sẽ lặng… Sau cơn mưa trời lại sáng, chúng ta lại nhìn nhau, chia sẻ niềm hạnh phúc của từng tí chút làm chủ tâm mình.

* * * * * *
Lý Sự

Nào ai biết rằng khi thành Phật
Người gian nan vất vả đến ngần nào
Chỉ thấy người sau khi thành Phật
Ung dung, an lành, phúc lạc biết bao!
Con đường ấy giờ người sau noi theo
Chỗ đến một nhưng lối đi lắm hướng
Dễ làm lạc người ôm nhiều tham muốn
Nôn nóng mau thành mà nhẫn nại tóp teo
Thánh ở giữa giòng người xốc nổi
Tâm hiền hòa bình lặng bao dung
Dễ thứ tha, chịu đựng đến vô cùng!
Mặc người đánh – còn la làng inh ỏi
Người mơ gặp quanh mình là thánh
Để tương giao được đẹp ý vừa lòng
Trời vô tư lỡ mưa,, nắng khi không
Chẳng đúng lúc tâm mong, còn bị trách…
Thì vừa ý, làm sao vừa ý vọng?
Thỏa làm sao? Thỏa hết được tâm tham
Càng chìu nhau, lần chồng chất thêm lầm
Khi tham vọng cứ tăng, không chịu đóng
Phòng bịt kín, nắng xuyên qua sao thấu?
Tâm sục sôi, sao đón được nụ cười?
Nhân quả phân minh, theo sát không rời
Trách ai – nếu mình gieo toàn nhân xấu?
Trăng vằng vặc khi mây không che phủ
Hồ tâm trong, hạnh phúc khỏi cần tìm
Thánh và phàm rơi rụng giữa tịch nhiên
Khi trực nhận tự tâm mình đầy đủ…