Quả Đắng Cuối Cùng
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Ánh nắng chói chang mùa hạ chợt mềm đi, dịu dàng hơn khi lách mình vào khu rừng rậm dày mịt lá, cơn gió thoảng qua làm lay động những chiếc lá vàng đang lả tả rơi. Từ Tâm ngồi trên tảng đá, mặt ưu tư lo lắng dõi trông về phía bìa rừng. Từ lúc sư phụ bị cầm tù, huynh đệ chàng như rắn mất đầu, rừng núi càng cô quạnh hơn khi vắng bóng hiền hòa trầm mặc của sư phụ.

Chuyện nói ra thì chẳng ai tin nhưng nó xảy ra thực đến nỗi các huynh đệ chàng đều phẫn uất. Có gì đâu, chiều hôm kia sư phụ đang ngồi nấu nước nhuộm y để chuẩn bị cho hai sư đệ chàng lên kinh thọ đại giới. Như mọi lần, sư phụ lấy vỏ cây Hoàng mặc nấu rã để nhuộm đồ. Vỏ Hoàng mặc nấu lên màu đỏ như máu, nhưng thấm vào vải sẽ tạo nên màu vàng sậm đẹp như màu da bò, màu vàng cổ truyền của vùng đất Đại Tân mà giới tu sĩ thường dùng. Vậy mà lão Sói là dân du mục mới đến đây, bị mất bò. Lão đi kiếm khắp nơi rồi lạc tới chỗ sư phụ đang nhuộm y; nhìn vào thùng nước, lão la bài bải rằng sư phụ trộm bò lão làm thịt và đang nấu trong nồi, bằng chứng là tay sư phụ còn vấy máu (màu đỏ của cây Hoàng mặc). Thế là cả đám dân du mục hồ đồ chẳng để cho sư phụ biện bạch, kéo xệch ngài đi rất thô bạo. Lúc ấy huynh Từ Uy võ nghệ rất cao cường, đã toan xuất chiêu để dạy đám dân làng hồ đồ một bài học, mong cứu lấy sư phụ, nhưng ánh mắt sư phụ làm Từ Uy chùn lại, tai chàng như nghe văng vẳng lời dạy của thầy: “Khi bị người đem việc xấu vu oan, cần phải nhẫn nại. Đừng vì bị nhục mạ, bị vu khống, bị chế nhạo… mà sinh oán hận. Người tu Phật phải hành hạnh Phật, trụ Phật tâm mà sống, nên dùng lòng nhân ái xử sự, tùy duyên tiêu nghiệp cũ…” Do vậy, các huynh đệ đều cúi đầu vâng lệnh thầy, đánh đứng bất động để sư phụ bị lôi đi, buồn bã nhìn theo bóng thầy khuất dần…

Hai ngày sau lão Sói đã tìm được con bò lạc, nhưng lão vẫn im ỉm, chẳng hề áy này, chẳng một câu xin lỗi, cũng không tỏ chút thiện chí muốn rước sư phụ về. Còn cái tên Lý trưởng, ngay từ đầu chẳng thèm hỏi kỹ càng gì, đã vội ký lệnh tống giam ngay khi sư phụ vừa được giải đến! Đợi cả tuần chẳng thấy thầy về, anh em Từ Tâm buộc phải đệ đơn kêu oan cho thầy, nhưng từ xã đến quận, rồi tỉnh… lúc nào các huynh đệ cũng lâm vào cảnh chậm một nước cờ, sư phụ luôn bị giải đi trước một ngày khi họ vừa tới nơi. Mà tội sư phụ có nặng gì cam? Chẳng ai muốn nhận mình đã bắt oan người. Sư phụ cứ bị chuyển trại như một tử tội. Huynh Từ Uy bực lắm, nếu không vị nể sư phụ thì huynh đã nện cho lão Sói một trận ra trò! Cứ chịu đựng thế này nhỡ… người ta xử tử mất sư phụ thì sao? Hội ý, bàn bạc nhau mãi, cuối cùng Đại sư huynh Từ Trí đảm trách việc lên tận kinh thành cầu cứu với đức vua. Chàng đi đã hơn tháng rồi mà chẳng nghe tin gì, các huynh đệ ở nhà bồn chồn, cùng trách nhau, sao hôm ấy lại để thầy nhuộm đồ mà không giành làm thay? Ít ra họ đã có thể chịu nạn thế sư phụ, nhưng hôm ấy sư phụ rất vui vẻ, ngài còn tỏ ý muốn đích thân nhuộm y cho đệ tử mình… có ai ngờ chuyện xui xẻo lại xảy ra! Giờ chỉ còn biết âm thầm cầu nguyện cho ngài thôi, còn hơn là để tâm tư bấn loạn vì lo lắng.

Đức vua Hảo Nghi vốn là một đấng minh quân, khi Từ Trí đánh trồng kêu oan và gặp ngài trình tấu tự sự thì đứa vua rất bất bình và tỏ vẻ hết sức ân hận vì chuyện bắt nhầm người lại xảy ra trên đất nước mình! Ngài tức tốc truyền lệnh rước nhà sư đến cung điện để vấn an và làm rõ mọi sự việc.

Vị sư già được dìu đến, người gầy gò như một bộ xương, chỉ có đôi mắt là sáng như sao và nét từ ái bàng bạc. Thoạt trông, nhà vua biết ngay đây là một bậc thánh mà đám quan ngốc nghếch của ngài chẳng thấy được Thái Sơn! Nhà vua vội vã bước xuống long ngai, vòng tay tạ lỗi:

– Bạch Đại Đức! Trẫm thật có lỗi khi để Ngài sống cảnh giam cầm lâu như vậy. Ngài hãy tha thứ cho trẫm. Trẫm sẽ bắt bọn vu khống Ngài trừng trị xứng đáng! Trẫm sẽ buộc chúng phải nếm lại cảm giác đày đọa gấp trăm lần nỗi đau khổ mà Ngài đã chịu, trẫm sẽ…

Vị sư già ôn tồn khoát tay:

– Không không! Xin bệ hạ đừng làm thế! Xin đừng trựng phạt bất kỳ một người nào hết!

– Trẫm sẽ không bao giờ yên lòng nếu không trị tội bọn tắc trách! Cho dù Đại Đức can ngăn, trẫm vẫn quyết thi hành pháp lệnh!

– Tất cả khổ đau ngày nay, chẳng qua là chút oan trái quá khứ, xin bệ hạ hãy nghe tôi giải thích: – Cách đây rất nhiều kiếp lâu xa về trước, thuở tôi chưa hề biết đến Phật pháp và sống bằng nghề trộm vặt, có lần tôi trộm được con bò và vì bị dân làng rượt đuổi gắt quá, túng thế tôi lủi vào vườn một nông dân, thả con bò lại đó, rồi chạy thí thân để cứu lấy mạng mình. Do vậy, ông chủ vườn bị bắt vì tội trộm, với tang chứng không thể chối cãi là con bò! Ông ta bị giam, bị hành tội suốt một tuần lễ.

… Từ lúc tôi gặp được Phật pháp, biết tu hành và ngộ đạo. Vô số đời đã trôi qua, tôi đã tái sinh rất nhiều lần và luôn đợi dịp để trả nợ cũ. Và mãi tới kiếp này, tôi mới có cơ hội ở vào vị trí vu khống, để hiểu cái cảm giác người vô tội bị kết án ra làm sao. Tôi đã trải qua bảy tháng tù giam. – Quả đắng cuối cùng đã trổ – vì xưa kia tôi đã khiến chủ vườn ở tù bảy ngày! Đối với những người có liên quan trong vụ án này, tôi chỉ có lòng yêu thương chân thành dành cho họ, làm sao đành lòng nhìn họ thọ khổ, khi họ chỉ vô tình hành xử theo luật nhân quả chứ? Xin bệ hạ hãy bỏ qua chuyện này và hãy chúc mừng rằng tôi đã trả hết ác nghiệp cũ trong đời hiện tại.

Đứa vua nhìn vẻ xúc động của mọi người đang có mặt trong triều, trang trọng nói:

– Chúng ta hãy nhớ lấy câu chuyện hôm nay để kể cho con cháu nghe. Hãy luôn răn nhắc mình phải thận trọng trong từng việc nhỏ, tránh đừng làm ác, đừng mê muội, vì nhân quả nghiệp báo không bao giờ sai lầm!

Và quay về nhà sư, đức vua chắp tay thi lễ, kính cẩn thưa rằng:

– Trẩm là vua, dùng chánh pháp để trị dân, trong nước có được những bậc hành đạo, hạnh giải tương ưng như ngài thật là quốc bảo của nước! Dân nhờ những bậc hiền nhân như ngài mà được cảm hóa thành người dân tốt, khiến đất nước trẫm thêm giàu mạnh, thái bình! trẫm chỉ sợ các thần dân mê muội vô tình hành hạ, làm một bậc thánh phải hàm oan rồi tự chuốc tội vào thân…! Trẫm cầu mong từ nay về sau, mọi oán hiềm vô tình hay cố ý đều được hóa giải, mọi người đều biết hỷ xả, tha thứ, để xóa đi mầm móng trả vay, nghiệp không còn phải đền trả khi lòng oán cừu đã được dập tắt!

– Lành thay đại vương! – Vị tu sĩ mỉm cười và buông lời tán thán, rồi ông về rừng với sự tiễn đưa ân cần của nhà vua. Chuyện đến tai đám người đã hành hạ nhà sư. Họ đều ăn năn và tới trước nhà sư tạ lỗi. May mắn thay, họ đã đến kịp lúc để cúng dường nhà sư bữa ăn cuối cùng, tạo cơ duyên gieo trống phước điền hiếm có đối với vị A-la-hán sắp lìa bỏ xác thân và đã vượt qua mọi tác động của nghiệp.

Lão Sói cũng đã học cách nhuộm y bằng vỏ cây Hoàng mặc để nhớ tới vị sư khả kính qua huyền thoại nhân quả về ân oán cũ giữa hai người. Lão dạy con cháu hãy luôn làm điều lành và khi lão mất, lão yêu cầu người ta khắc lên mộ bia lão mấy câu: “Khi bị người vu khống, hủy nhục, hãy hỷ xả và tha thứ. Đó là Phật tâm, và chỉ tâm Phật mới chặt đứt mọi trói buộc của nghiệp”.

* * * * * *
Cúng Dường

Con cúng dường ngài một bát cơm
Trồng nhân phúc thiện đẹp tâm hồn
Ngày sau tiếp nối duyên dương pháp
Hoa đức rạng ngời tỏ hương thơm.

2005

* * * * * *
Người Đi

Người đi vào sương gió
Chất chở nặng trong hồn
Bao niềm thương nỗi nhớ
Mây trắng sầu lang thang
Gió đùa vương tóc rối
Bụi phủ mờ y trang
Người thân còn ngóng đợi
Dáng ai về hiên ngang
Chờ một ngày không hẹn
Người về với trần sa?
Hay vẫn còn nguyên vẹn…
Giữa giòng đời phong ba?