ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.1.2. Cơ hủy hoạch báo (do chê bai, hủy báng mà mắc phải tội báo)
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.1.2.1. Chánh thị (chỉ dạy)
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.1.2.1.1. Thị cơ hủy tướng (dạy về tướng trạng gièm chê, hủy báng)
(Kinh) Phục thứ Phổ Quảng! Vị lai thế trung, nhược hữu ác nhân, cập ác thần, ác quỷ, kiến hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, quy kính, cúng dường, tán thán, chiêm lễ Địa Tạng Bồ Tát hình tượng.
(經)復次普廣!未來世中,若有惡人,及惡神惡鬼,見有善男子,善女人,歸敬供養,讚歎瞻禮,地藏菩薩形像。
(Kinh: Lại này Phổ Quảng! Trong đời vị lai, nếu có người ác, và ác thần, ác quỷ, thấy có thiện nam tử, thiện nữ nhân, quy hướng, cung kính, cúng dường, tán thán, chiêm ngưỡng, lễ bái hình tượng Địa Tạng Bồ Tát).
Trước hết, nêu ra những thứ gièm chê, hủy báng, kế đó là nói đến tướng trạng gièm chê, hủy báng. Chữ Cưu Na La (Kunāla) trong tiếng Phạn, được cõi này dịch là “ác nhân” (kẻ ác), còn dịch là “bất hảo nhân”. Ác thần, lớn là nói đến Ba Ty Dạ (Pāpīyas)[1], dịch sát nghĩa là Ác, nhỏ thì là những kẻ ác trong núi to, sông cái, núi nhỏ, sông con. Ác quỷ thì loại lớn là nói đến những loài Cưu Bàn Trà (Kumbhāṇḍa, Yếm Mị Quỷ, Đông Qua Quỷ) v.v… Nhỏ thì tức là những loài nương gá vào cỏ cây, ra oai, giáng phước. Ác có ba loại: Một là ác, hai là đại ác, ba là ác trung ác (kẻ ác nhất trong những kẻ ác). Ba loại ấy (ác nhân, ác thần, ác quỷ) đều có ba loại ác.
Từ chữ “kiến hữu” (thấy có) trở đi, nói về nguyên do gièm báng. Đức Phật dạy: “Thanh trược dị lưu, minh ngu dị thú, trung nịnh tương thù, tà thường tật chánh. Cố trước dục chi nhân, bất hiếu ngã vô dục chi hạnh. Ư thị, ác loại toại sanh tật tâm. Sở dĩ tật chi giả, ác nhân, khủng dĩ bỉ thiện, hình ngã chi ác dã. Ác thần, khủng kỳ xuất giới, thất ngã chi quyến thuộc dã. Ác quỷ, khủng kỳ trai giới, thất ngã chi huyết nhục dã. Hoài tư tuy dị, vi ác thị đồng” (Trong đục khác dòng, sáng suốt, ngu si khác đường, trung nịnh khác biệt, cong vạy thường ghen ghét điều chánh. Vì thế, kẻ đắm chấp dục vọng chẳng ưa hạnh vô dục của ta. Do vậy, các loài ác bèn sanh tâm ganh ghét. Sở dĩ ganh ghét là vì kẻ ác sợ người khác tốt lành sẽ bộc lộ điều ác của hắn. Ác thần sợ [người tu hành] sẽ thoát khỏi tam giới, khiến quyến thuộc của hắn bị hao hụt. Ác quỷ sợ [người tu hành vâng giữ] trai giới, sẽ chẳng được cúng tế máu thịt. Mỗi loài ác tuy ôm ấp niềm riêng khác nhau, nhưng đều làm ác giống như nhau).
Tăng Tử nói: “Nhân chi hiếu thiện, phước tuy vị chí, khứ họa viễn hỹ. Nhân chi vi ác, hung tuy vị chí, khứ phước cận hỹ” (Người ưa điều lành, tuy phước chưa đưa tới, đã cách xa họa. Kẻ làm ác tuy điều hung hiểm chưa xảy tới, nhưng đã mất phước rất gần). Sách Biện Ma viết: “Thấy người nuôi dưỡng điều thiện như mưa, sương móc thấm đượm cây cỏ; gặp phải điều ác sẽ trừ sạch như chim ưng, chim ó đuổi chim sẻ”. Sao mọi người chẳng nỗ lực tu thiện, mà cam tâm làm người ác, ác thần, ác quỷ vậy thay?
(Kinh) Hoặc vọng sanh cơ hủy, báng vô công đức, cập lợi ích sự, hoặc lộ xỉ tiếu, hoặc diện bối phi, hoặc khuyến nhân cộng phi, hoặc nhất nhân phi, hoặc đa nhân phi, nãi chí nhất niệm sanh cơ hủy giả.
(經)或妄生譏毀,謗無功德,及利益事,或露齒笑,或面背非,或勸人共非,或一人非,或多人非,乃至一念生譏毀者。
(Kinh: Hoặc lầm lạc sanh lòng chê gièm, hủy báng, báng bổ không có công đức và chuyện lợi ích, hoặc nhe răng cười, hoặc chê sau lưng, hoặc khuyên người khác cùng chê, hoặc một người chê, hoặc nhiều người chê, cho đến một niệm sanh lòng chê bai, hủy báng).
“Cơ” (譏) là nói trào phúng, chê bai. “Hủy” (毀) là chuyện báng bổ, phá hoại. “Cơ” là sanh tâm đố kỵ, ghen ghét. “Hủy” là khởi ý niệm tham lam, sân hận. Vì thế biết tâm chính là cội nguồn dấy lên điều ác, miệng là cái gốc chuốc họa. Toan tính báng bổ thánh hiền, chèn ép oan uổng người lương thiện; hư vọng bịa chuyện, vô duyên vô cớ mặc tình phun độc. Thoạt đầu là chê bai, khích bác nhẹ nhàng, về sau bèn vu hãm độc địa, tự làm kẻ Nhất Xiển Đề, bài bác không có nhân quả. Họ tuyên bố: “Những kẻ ấy chỉ trộm cái danh hiền thiện suông, chứ quy y, cung kính, tán thán, lễ bái [Địa Tạng Bồ Tát] thật ra chẳng có công đức! Phí uổng tiền tài, há có lợi ích gì đâu!” Họ đâu có biết thánh tượng bằng đất nặn, gỗ tạc, biểu thị những pháp sâu xa! Kính cẩn, chân thành, ân cần lễ bái, được phước vô biên. Tâm khinh thường, hủy báng, chuốc tội bao kiếp, ngu si, vô tri, trở ngại, thoái thất thiện căn. Hoặc nhe răng cười khinh bỉ, hoặc trước mặt bảo là đúng, sau lưng chê sai be bét! Chính mình chê bai, lại còn khuyên kẻ khác cùng đả phá. Hoặc khuyên được một người, hoặc lại khuyên nhiều kẻ cùng nhau chê trách. Đấy là nói tới những kẻ lắm điều hủy báng, ghét bỏ.
“Dẫu chỉ một niệm” là nói những kẻ hủy báng, ghét bỏ đôi chút. Họ đâu có biết các tội đều khởi đầu từ đấy! Ví như dòng sông cuồn cuộn khởi nguồn từ đầu nguồn nhỏ như miệng vò. Cây phủ rợp trời, nẩy lá từ cái mầm bé tẹo! Môi, miệng là chiếc cung, tâm suy nghĩ như dây cung, âm thanh như mũi tên, một niệm như lẫy cung. Buông suông [lời phỉ báng] trong đêm dài, chỉ nhuốm bẩn thân, miệng! Đoái nghĩ quả báo về sau, há chẳng cẩn thận ư?
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.1.2.1.2. Hiển cơ hủy báo (nêu rõ quả báo do gièm chê, hủy báng)
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.1.2.1.2.1. Trực đọa A Tỳ (đọa thẳng vào A Tỳ)
(Kinh) Như thị chi nhân, Hiền Kiếp thiên Phật diệt độ, cơ hủy chi báo, thượng tại A Tỳ địa ngục, thọ cực trọng tội.
(經)如是之人,賢劫千佛滅度,譏毀之報,尚在阿鼻地獄,受極重罪。
(Kinh: Người như thế khi một ngàn đức Phật trong Hiền kiếp diệt độ cả rồi, do quả báo của tội chê gièm, hủy báng, vẫn còn thọ tội cực nặng trong địa ngục A Tỳ).
Bộp chộp, ương bướng thành tánh, điên đảo, khinh bạc quen thói, chẳng biết Phật đạo chánh trực, chân thật, rộng sâu, lại phun ra những lời lẽ khinh bạc, thiển cận của thế gian, toan dùng cái tâm đố kỵ để hủy báng đạo căn. Hạng người như thế giống như chim gãy cánh, chẳng thể bay lượn. Hãy nên biết hạng người ấy trong đời vị lai, vĩnh viễn chẳng thể đạt tới chỗ tốt lành trong chốn nhân thiên.
Kiếp Bá (Kalpa) trong tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là Phân Biệt Thời Tiết. Bạt Tha (Bhadra) dịch sang tiếng Hán là Hiền. Do có nhiều hiền nhân xuất thế, nên gọi là Hiền Kiếp. Nay đang là Hiền Kiếp, có tất cả một ngàn vị Phật xuất thế. Nay đức Phật Thích Ca mới là vị Phật thứ tư, hãy còn có chín trăm chín mươi sáu vị Phật [chưa xuất thế]. Mỗi đức Phật xuất thế rồi diệt độ, có thể nói là năm tháng lâu xa. Nay nói là “thiên Phật diệt độ dĩ” (một ngàn đức Phật đã diệt độ cả rồi), mà do quả báo chê gièm, hủy báng, [tội nhân] vẫn còn trong đại địa ngục A Tỳ, chịu tội cực nặng, trọn chẳng có cùng tận! Kinh Hưng Khởi Hạnh dạy: “Thế nhân sở tác hạnh, hoặc tác thiện ác sự. Thử hạnh hoàn quy thân, chung bất hủ bại vong” (Những hành vi của người đời, hoặc làm chuyện thiện ác, hành vi ấy sẽ trở về chính thân họ, trọn chẳng hư nát, mất đi). Do kẻ báng pháp tội nghiệp cực đại nên đọa vào ba ác đạo, khó thể xuất ly, chớ nên chẳng cẩn thận!
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.1.2.1.2.2. Chuyển sanh ác đạo ([quả báo trong địa ngục đã hết], chuyển sanh vào đường ác)
(Kinh) Quá thị kiếp dĩ, phương thọ ngạ quỷ. Hựu kinh thiên kiếp, phục thọ súc sanh. Hựu kinh thiên kiếp, phương đắc nhân thân.
(經)過是劫已,方受餓鬼。又經千劫,復受畜生。又經千劫,方得人身。
(Kinh: Qua khỏi số kiếp ấy rồi mới thọ thân ngạ quỷ. Lại qua một ngàn kiếp lại làm thân súc sanh. Lại qua một ngàn kiếp mới được làm thân người).
Trải bao kiếp trầm luân, vĩnh viễn đánh mất con đường sanh thiên, theo duyên mà thọ báo, trọn chẳng có lúc thoát khổ! Do báng bổ là “chẳng có pháp vị gì”, cảm vời quả báo làm ngạ quỷ đói khát, chẳng biết chánh đạo; [sau đó] thọ thân súc sanh, xương sống nằm ngang. Chữ Xà Lê Đa (Preta) trong tiếng Phạn, dịch là Ngạ Quỷ, đường này hiện diện trọn khắp trong các đường khác, [ngoại trừ thiên đạo]. Do tâm ý siểm nịnh, dối trá, tạo tác hạ phẩm Ngũ Nghịch, Thập Ác, cảm thân trong đường này. Chữ Để Lật Xa (Tiryagyoni) trong tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là Súc Sanh, đường này cũng trọn khắp các chốn. Do ngu si, tham dục, tạo tác trung phẩm Ngũ Nghịch, Thập Ác mà cảm thân trong đường này. Trong hai đường ấy, trải qua kiếp số dài lâu mới được làm người. [Kinh văn] dùng chữ Phương (方) [ở đây] và chữ Túng (縱) trong câu sau, tức là từ ngữ diễn tả ý nghĩa “cũng chẳng nhất định!”
(Kinh) Túng thọ nhân thân, bần cùng, hạ tiện, chư căn bất cụ, đa bị ác nghiệp, lai kết kỳ tâm, bất cửu chi gian, phục đọa ác đạo.
(經)縱受人身,貧窮下賤,諸根不具,多被惡業,來結其心,不久之間,復墮惡道。
(Kinh: Dẫu được làm người, nghèo cùng, hèn hạ, các căn chẳng đủ, có lắm ác nghiệp vướng mắc trong tâm, chẳng bao lâu sau, lại đọa vào đường ác).
Dẫu được làm thân người, dư nghiệp vẫn còn chưa hết! Do xưa kia đoạn diệt pháp tài, nay cảm quả báo bần cùng. Do xưa kia, hủy báng kẻ kính trọng tôn dung [của Bồ Tát], nay chuốc lấy thân hạ tiện, lại còn kèm thêm các căn tàn khuyết, đến nỗi cửu kết[2] ràng buộc cái tâm. Từ chỗ tối vào chỗ tối, từ khổ đến khổ. Trong luận Đại Thừa, Kiên Ý Bồ Tát nói: “Phỉ báng pháp Đại Thừa, chắc chắn đọa ác đạo. Thiêu đốt thật đau khổ, là do tội của nghiệp báo. Nếu từ địa ngục thoát ra, lại chịu ác báo khác. Các căn thường khuyết thiếu, thô kệch, vĩnh viễn chẳng nghe tiếng pháp. Dẫu được nghe pháp thì lại sanh lòng báng pháp. Do nhân duyên báng pháp, lại đọa vào địa ngục”. Ôi! Chẳng đáng nên răn dè ư?
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.1.2.2. Kết huống (kết lại bằng cách nói “huống hồ”)
(Kinh) Thị cố Phổ Quảng! Cơ hủy tha nhân cúng dường, thượng hoạch thử báo, hà huống biệt sanh ác kiến hủy diệt.
(經)是故普廣!譏毀他人供養,尚獲此報,何況別生惡見毀滅。
(Kinh: Vì vậy, Phổ Quảng! Gièm chê, hủy báng người khác cúng dường còn mắc phải quả báo ấy, huống hồ lại còn sanh ác kiến hủy diệt khác).
Hai chữ “thị cố” (vì vậy) thừa tiếp chặt chẽ ý “vĩnh đọa A Tỳ, di kiếp kinh sanh nhi huống xuất” (vĩnh viễn đọa vào A Tỳ, trải bao kiếp nhiều đời, may ra mới thoát khỏi). Thiện nhân cúng dường, lũ ác gièm chê, hủy báng, còn mắc hại bao kiếp! Huống hồ kẻ sanh ác kiến khác, như Di Lê Xa (Mleccha)[3] hủy diệt Phật pháp, tội ấy còn quá hơn nữa! Vì thế, kinh Bảo Vũ nói: “Nhược phỉ báng giả, thị danh ngu nhân, đọa ư ác xứ, thọ chư khổ não. Hựu vị nhất thiết thế gian thiên, nhân, A-tố-lạc đẳng chi sở khinh tiện” (Nếu là kẻ phỉ báng thì gọi là người ngu, đọa vào chỗ ác, chịu các khổ não. Lại còn bị hết thảy trời, người, A Tu La v.v… trong thế gian khinh rẻ). Vì thế biết cái tội phỉ báng đúng là đứng đầu các tội!
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2. Biệt thị cửu bệnh đẳng ích (riêng dạy về lợi ích như người bệnh lâu năm…)
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.1. Cửu bệnh ác tướng (tướng ác của bệnh lâu năm)
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.1.1. Thị bệnh trung ác tướng (chỉ bày tướng ác của bệnh tật)
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.1.1.1. Thị tướng (chỉ bày tướng trạng bệnh tật)
(Kinh) Phục thứ Phổ Quảng! Nhược vị lai thế, hữu nam tử, nữ nhân, cửu xử sàng chẩm, cầu sanh, cầu tử, liễu bất khả đắc. Hoặc dạ mộng ác quỷ, nãi cập gia thân, hoặc du hiểm đạo, hoặc đa yểm mị, cộng quỷ thần du, nhật nguyệt tuế thâm, chuyển phục uông sái. Miên trung khiếu khổ, thảm thê bất lạc giả.
(經)復次普廣!若未來世,有男子女人,久處牀枕,求生求死,了不可得。或夜夢惡鬼,乃及家親,或遊險道,或多魘寐,共鬼神遊,日月歲深,轉復尪瘵。眠中叫苦,慘悽不樂者。
(Kinh: Lại này Phổ Quảng! Nếu trong đời vị lai, có người nam, kẻ nữ, nằm trên giường bệnh lâu ngày, mong sống, hoặc mong chết, trọn chẳng thể được! Hoặc đêm mộng thấy ác quỷ, cho đến người nhà, hoặc đi trong đường hiểm đạo, hoặc thường bị bóng đè, cùng đi với quỷ thần, lâu năm chầy tháng, chuyển thành gầy mòn, bệnh lao. Kêu khổ trong khi ngủ, thê thảm, chẳng vui).
Phật Thuyết Y Kinh chép: “Nhân thân trung bổn hữu tứ bệnh, nhất địa, nhị thủy, tam hỏa, tứ phong” (Trong thân con người vốn có bốn bệnh, một là đất, hai là nước, ba là lửa, bốn là gió). Đại Trí Độ Luận nói: “Tứ Đại làm thân, chúng thường xâm hại lẫn nhau. Trong mỗi đại, có một trăm lẻ một chứng bệnh dấy lên. Bệnh hàn có hai trăm lẻ hai thứ, do nước và gió dấy lên. Bệnh nhiệt có hai trăm lẻ hai loại, do đất và lửa dấy lên”. Ấy là vì Tứ Đại khó điều hòa, lục phủ[4] càng khó hòa hợp. Do có báo thân, bỗng mắc phải bệnh tật lâu ngày. Nay [bệnh tình] lâu năm chầy tháng, nằm bẹp trên giường, chiếu, chẳng thể ngồi dậy được. Đấy chính là dư ương do giết chóc, đến nỗi khổ não vì bệnh tật bức bách lâu ngày. Muốn sống mà lâm vào tình thế chẳng sống nổi, mong chết mà lâm vào tình thế chẳng chết được!
“Mộng thấy ác quỷ” v.v… do bệnh tật bức bách cái tâm, tinh thần rối loạn, đêm gặp nhiều ác mộng, kinh hoảng càng nặng hơn. Luận Duy Thức nói bốn loại mộng: Một là tập khí vô minh, hai là điềm báo trước thiện ác, ba là [một hay nhiều món trong] Tứ Đại tăng nhiều, bốn là những điều đã hay biết cũ nay diễn lại trong tâm. Nay [mộng thấy] đi cùng ác quỷ, chính là điềm báo trước của ác tướng; và mộng thấy người nhà, chính là những điều đã hay biết cũ, nay diễn lại trong tâm. “Đi trong đường hiểm” tức là một hay nhiều món trong Tứ Đại tăng mạnh. “Đi cùng quỷ thần” chính là tập khí vô minh.
Chữ Ô Tô Mạn [trong tiếng Phạn], cõi này dịch là Yểm (bóng đè), tức là điềm chẳng cát tường [mộng thấy] trong khi ngủ, ngầm phù hợp với cái tâm [của người bệnh]. Luận Hành[5] nói: “Nằm thiêm thiếp mà chẳng ngủ được, nên gọi là yểm mị”. Nằm thiêm thiếp lâu ngày chẳng tỉnh, [mơ thấy] đi cùng quỷ thần, triền miên lâu năm, hình hài suy kém. Uông (尪) là yếu đuối, tức là bệnh gầy mòn. Sái (瘵) là lao sái (lao phổi), thuộc loại ngũ lao thất thương[6] v.v… Trong giấc ngủ kêu khổ v.v… do thân là thứ gây khổ, các Ấm là bình gốm mới nặn còn chưa nung, Tứ Đại rỗng tuếch, chống trái lẫn nhau. Mang thân trong cõi người, gặp phải lúc uế trược, nhận lãnh tấm thân có thể chất hư ngụy, ở trong cảnh kinh hãi. Vô lượng quỷ thần trong chốn u minh, cùng với người nhà, quyến thuộc, nương gá nhà cửa, nương gá miếu mạo, nương gá núi, gò, hễ có linh thức thảy đều có ảnh hưởng [tới bệnh nhân], khiến cho [bệnh nhân] tâm thần mê muội, thần thức mịt mờ, đến nỗi trong khi mơ màng, gặp nhiều nỗi kinh hoảng. Vì thế, ngủ không yên giấc, sáng tối kêu khổ, nội tâm bứt rứt, động tĩnh sầu thảm; đấy đều là những dáng vẻ khổ sở trong cơn bệnh tật.
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.1.1.2. Thích ý (giải thích ý nghĩa [của tình trạng khổ sở ấy])
(Kinh) Thử giai thị nghiệp đạo luận đối, vị định khinh trọng, hoặc nan xả thọ, hoặc bất đắc dũ. Nam nữ tục nhãn, bất biện thị sự.
(經)此皆是業道論對,未定輕重,或難捨壽,或不得愈。男女俗眼,不辯是事。
(Kinh: Đấy đều là do còn tranh biện về oán đối trong nghiệp đạo, chưa thể định tội nặng nhẹ, cho nên khó xả thọ mạng, hoặc chẳng được lành bệnh. Mắt tục của kẻ nam người nữ chẳng thể biện định chuyện này).
Đây là giải thích: Ác tướng của bệnh tật lâu ngày là do oán đối trong nghiệp đạo. Vì thế, đức Phật bảo vua A Xà Thế: “Nhất thiết chư pháp giai vi duyên đối. Thế nhân sở vi tác, các tự kiến kỳ hạnh. Hành thiện đắc thiện báo, hành ác đắc ác báo. Thị cố đại vương đương xả ác tùng thiện” (Hết thảy các pháp đều đối ứng với duyên. Đối với những gì người đời đã làm, mỗi mỗi đều tự thấy hậu quả của nó. Làm lành được báo lành, làm ác mắc ác báo. Do vậy, đại vương hãy bỏ ác theo thiện). Nay đã do nghiệp duyên oán đối đưa đến, nếu chẳng giao tánh mạng ra, chẳng có cách nào tránh né! Nhưng do chưa quyết định tội ấy nặng hay nhẹ, sao có thể phán định sự sống chết của người ấy cho được! Vì thế, kẻ đáng lẽ phải chết, nhưng chưa thể xả thọ ngay lập tức; kẻ chưa đáng phải chết, vẫn còn phải chịu bệnh tật rề rề khó lành. Sợ là ngũ âm chú trớ[7], có thể chuốc lấy nỗi oán hờn ba đời, hồn lẩn quẩn chốn âm ty, cõi trần đã nẩy sanh tai nạn. Mắt phàm tục thô lậu của nhân gian, làm sao có thể biện định những chuyện oán đối do nghiệp báo cho được?
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.1.2. Minh tu phước thoát tội (nói rõ: Do tu phước mà thoát tội)
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.1.2.1. Chánh thị phương quỹ (chỉ dạy phương cách)
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.1.2.1.1. Đối tượng độc kinh (đối trước tượng, đọc kinh)
(Kinh) Đản đương đối chư Phật, Bồ Tát tượng tiền, cao thanh chuyển độc thử kinh nhất biến.
(經)但當對諸佛菩薩像前,高聲轉讀此經一徧。
(Kinh: Chỉ nên đối trước tượng chư Phật, Bồ Tát, lớn tiếng chuyển đọc kinh này một lượt).
Phàm là người do chẳng giữ chừng mực cẩn thận, bị cảm nhiễm các chứng bệnh hàn, nhiệt v.v… thì thuốc thang trong cõi đời có thể chữa trị. Nay là bệnh tật do quả báo của ác nghiệp, cần phải cậy vào pháp lực thì mới hết bệnh được. Ấy là vì tâm của chư Phật lấy từ bi làm Thể, có thể làm y vương, khéo chữa các bệnh nơi thân, tâm của chúng sanh. Kinh là pháp dược, Bồ Tát là thầy thuốc khám bệnh, cho nên cần phải đối trước tượng đọc kinh. Thế nhưng, chỉ chuyển đọc một lượt, một hạt kim đan điểm sắt thành vàng! Một lời tột lý, chuyển phàm thành thánh, há đợi phải chuyển đọc nhiều lượt ư?
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.1.2.1.2. Vị bệnh xả vật (vì bệnh nhân mà thí xả vật dụng)
(Kinh) Hoặc thủ bệnh nhân khả ái chi vật, hoặc y phục, bảo bối, trang viên, xá trạch.
(經)或取病人可愛之物,或衣服寶貝,莊園舍宅。
(Kinh: Hoặc lấy những vật mà bệnh nhân yêu mến như quần áo, vật quý báu, trang trại, vườn tược, nhà cửa).
Bệnh của người đời có hai loại: Bệnh do Tứ Đại, tức là thân bệnh; và bệnh do Tam Độc là tâm bệnh. Thân bệnh có thể dùng thuốc, tâm bệnh ắt cần phải tu phước. Kinh Pháp Cú dạy: “Nhân tác thiện ác, ương phước tùy nhân, tuy cánh sanh tử, bất khả đắc miễn” (Người làm điều thiện, ác, ương họa hay phước báo sẽ theo người ấy, dẫu trải qua sống chết, chẳng thể tránh khỏi được). Vì thế, cần phải tu phước do tụng kinh để giải trừ. Đối với vật đáng yêu mến, đẹp đẽ, choáng lộn, quý trọng mà nay có thể cắt bỏ lòng yêu đắm, đoạn trừ gốc bệnh. Quần áo mặc vào để làm đẹp thân thể. Vật quý báu là thứ chất chứa để làm giàu. Trang trại, vườn tược là thứ để du ngoạn. Nhà cửa là chỗ cho con cháu yên thân, toàn là những thứ để ta hưởng thụ, chẳng thể khuyết thiếu được. Đây là nói đến những vật đem thí xả.
(Kinh) Đối bệnh nhân tiền, cao thanh xướng ngôn: “Ngã mỗ giáp đẳng, vị thị bệnh nhân, đối kinh tượng tiền, xả chư đẳng vật. Hoặc cúng dường kinh tượng, hoặc tạo Phật, Bồ Tát hình tượng, hoặc tạo tháp tự, hoặc nhiên du đăng, hoặc thí thường trụ”.
(經)對病人前,高聲唱言:我某甲等,為是病人,對經像前,捨諸等物。或供養經像,或造佛菩薩形像,或造塔寺,或然油燈,或施常住。
(Kinh: Đối trước bệnh nhân, lớn tiếng xướng rằng: “Tôi tên là… vì người bệnh này, đối trước kinh, tụng, bỏ những vật này, hoặc để cúng dường kinh tượng, hoặc tạo hình tượng của Phật, Bồ Tát, hoặc tạo chùa, tháp, hoặc thắp đèn dầu, hoặc cúng thí thường trụ”).
Từ chữ “đối bệnh nhân” (đối trước người bệnh) trở đi, tuyên xướng thí xả vật dụng. Đối trước người bệnh lớn tiếng xướng, chính là để cho người ấy biết công đức của việc thí xả to lớn, trong tâm ghi nhớ chẳng quên. Kinh dạy: “Nhất thiết chư vật, tất giai phân tán, duy thử nguyện vương, bất tương xả ly” (Hết thảy các vật thảy đều phân tán, chỉ có nguyện vương này chẳng hề lìa bỏ) là nói đến chuyện này. Chữ Na Mãng trong tiếng Phạn, Hán dịch là “mỗ giáp” (某甲, tên này nọ). Giáp đứng đầu Thiên Can, là số đầu tiên, chẳng ngại liệt kê Ất, Bính… theo thứ tự.
Từ chữ “cúng” trở đi là phương pháp tu phước. “Cúng dường kinh tượng”: Pháp là Phật mẫu, Phật sanh từ pháp. Tam thế Như Lai đều cúng dường pháp. Tượng là di dung (遺容, dung nhan, hình ảnh để lại) của đức Thế Tôn; tuy là đất nặn, gỗ khắc, nhưng có thể khiến cho mọi người đều nghĩ đến Phật, chẳng khác đức Phật thật. Vì thế, thờ phụng sẽ được phước. Tạo hình tượng của Phật, Bồ Tát, hãy chuẩn theo kinh Tạo Tượng Phước Báo, công đức rất nhiều, nay nêu đại lược một đôi điều. Kinh dạy: “Thiên hạ nhân dân, năng tác Phật hình tượng giả, thế thế sở sanh chi xứ, nhãn mục tịnh khiết, diện mạo đoan chánh, thân thể, thủ, túc, thường hảo nhu nhuyễn, sanh ư thiên thượng, diệc phục tịnh khiết, chư thiên trung thắng. Tử ma kim sắc, đoan chánh vô tỷ. Tác Bồ Tát tượng, công đức diệc nhĩ” (Nhân dân trong thiên hạ, có thể tạo hình tượng Phật, đời đời sanh ở nơi đâu, mắt trong sạch, diện mạo đoan chánh, thân thể, tay, chân thường tốt đẹp mềm mại. Sanh lên cõi trời, cũng lại tịnh khiết, thù thắng nhất trong chư thiên. Thân có màu như vàng tía giồi mài, đoan chánh khôn sánh. Công đức tạo tượng Bồ Tát cũng như thế).
Tháp, chùa như trong phần trên [đã giải thích]. Kinh Tạp Bảo Tạng nói: “Tạo lập tháp tự, mạng chung sanh Đao Lợi thiên” (Tạo lập chùa, tháp. khi mạng chung, sanh lên trời Đao Lợi). “Nhiên du đăng” (thắp đèn dầu): Kinh Thí Đăng chép: “Phật cáo Xá Lợi Phất: – Hữu nhân ư tháp, miếu, hình tượng, phụng thí đăng minh, nãi chí dĩ thiểu đăng, cự, như thử phước đức, duy Phật năng tri” (Đức Phật bảo ngài Xá Lợi Phất: – Có người ở nơi tháp, miếu, hình tượng, cúng thí đèn chiếu sáng, cho đến chút ít đèn, đuốc, phước đức như thế chỉ Phật có thể biết). Hoặc đem những vật mà người bệnh yêu mến thí hết cho Chiêu Đề[8], cúng dường chúng tăng. Đấy là nói tùy ý hành một thứ, liền cảm quả báo thù thắng, chẳng phải là mỗi sự đều phải làm hết.
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.1.2.1.3. Thoát tội tri mạng (thoát tội, biết túc mạng)
(Kinh) Như thị tam bạch bệnh nhân, khiển linh văn tri. Giả linh chư thức phân tán, chí khí tận giả, nãi chí nhất nhật, nhị nhật, tam nhật, tứ nhật, chí thất nhật dĩ lai, đản cao thanh bạch, cao thanh độc kinh.
(經)如是三白病人,遣令聞知。假令諸識分散,至氣盡者,乃至一日二日,三日四日,至七日已來,但高聲白,高聲讀經。
(Kinh: Ba lượt thưa với bệnh nhân như thế, khiến cho người ấy nghe biết. Nếu như các thức đã phân tán cho đến khi người ấy tắt hơi, cho đến một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, cho đến bảy ngày trở lại, chỉ lớn tiếng xướng bạch, lớn tiếng đọc kinh).
Thay người bệnh xả vật, ắt bạch ba lượt để người bệnh nghe biết, muốn khiến cho người bệnh trong tâm nhận biết, biết rõ “ta có công đức như thế đó”. “Giả linh” (nếu như), ý nói: Nhờ vào phước thí ấy, bệnh hết, thân an, tốt lành chi bằng? Giả sử đại nạn khó thoát, vĩnh viễn dứt tuyệt duyên trong cõi đời, sẽ ngay trong lúc [người bệnh] các thức phân tán, tắt hơi, vẫn nên trong bảy ngày, lớn tiếng xướng bạch, đọc kinh, người ấy ắt giải thoát trọng tội, siêu thăng.
“Chư thức phân tán” (các thức chia lìa): Kinh Xử Thai chép: “Nhĩ thời Thế Tôn, tương dục thị hiện thức sở thú hướng, đạo thức, tục thức, hữu vi thức, vô vi thức, hữu lậu thức, vô lậu thức, hoa thức, quả thức, báo thức, vô báo thức, thiên thức, long thức, nãi chí nhân phi nhân thức. Thượng chí nhị thập bát thiên thức, hạ chí Vô Cứu địa ngục thức” (Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn sắp muốn thị hiện chỗ thức hướng về, tức đạo thức, tục thức, hữu vi thức, vô vi thức, hữu lậu thức, vô lậu thức, hoa thức, quả thức, báo thức, vô báo thức, thiên thức, long thức, cho đến nhân phi nhân thức. Trên là đến thức của [chư thiên trong] hai mươi tám tầng trời, dưới là đến thức [của chúng sanh] trong địa ngục A Tỳ). Ở đây, [kinh này chỉ nói “chư thức”] là nói chung. Nếu xét theo một người, sẽ gọi tám thức thần là “chư thức”.
“Khí tận” (tắt hơi) thì chính là như thường nói: “Phong trước, Hỏa sau, hồn thần rời đi”. Thân hư nhược, xác lạnh ngắt, hình hài cứng đờ! Sách Tông Kính Lục có đoạn viết: “Hỏi: Đến ngày các căn tan tác, hư hoại, lúc thức rời đi, bỏ tấm thân cũ này, để thọ hình chất khác, cái thức đến đi có tướng trạng như thế nào? Đáp: Kinh Hiển Thức dạy: ‘Phật cáo Hiền Hộ: – Thức chi vận chuyển, thiên, diệt, vãng, lai, do như Phong Đại, vô sắc, vô hình, bất khả hiển hiện, nhi năng phát động vạn vật, thị chúng hình trạng’ (Đức Phật bảo ngài Hiền Hộ: – Sự vận chuyển, đổi dời, diệt mất, đến đi của Thức giống như Phong Đại, vô sắc, vô hình, chẳng thể hiển hiện, mà có thể phát động muôn vật. Đó là các hình dạng của nó)”.
(Kinh) Thị nhân mạng chung chi hậu, túc ương trọng tội, chí ư Ngũ Vô Gián tội, vĩnh đắc giải thoát. Sở thọ sanh xứ, thường tri túc mạng.
(經)是人命終之後,宿殃重罪,至於五無間罪,永得解脫。所受生處,常知宿命。
(Kinh: Người ấy sau khi mạng chung, vĩnh viễn giải thoát túc ương, tội nặng, cho đến tội ngũ Vô Gián. Sanh ra ở nơi đâu, cũng đều thường biết túc mạng).
Từ “thị nhân” (người ấy) trở đi, nói rõ chuyển chướng, thác sanh, vĩnh viễn giải thoát khỏi túc ương, trọng tội, tội ngũ Vô Gián, chính là để hiển thị phước bố thí thù thắng. Công đức Tam Bảo sâu dầy, không chỉ [tội nhân] được thoát tội, thọ sanh, mà còn có thể thường biết Túc Mạng, tự nhiên biết rõ nhân quả, tội phước phân minh, từ chỗ sáng vào chỗ sáng, ắt đạt đến Phật quả!
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.1.2.2. Huống hiển lợi ích (nêu rõ lợi ích của kẻ không có túc ương, trọng tội)
(Kinh) Hà huống thiện nam tử, thiện nữ nhân, tự thư thử kinh, hoặc giáo nhân thư, hoặc tự tố họa Bồ Tát hình tượng, nãi chí giáo nhân tố họa, sở thọ quả báo, tất hoạch đại lợi.
(經)何況善男子,善女人,自書此經,或教人書。或自塑畫菩薩形像,乃至教人塑畫,所受果報,必獲大利。
(Kinh: Huống chi thiện nam tử, thiện nữ nhân tự chép kinh này, hoặc dạy người khác chép, hoặc chính mình đắp, vẽ hình tượng Bồ Tát, cho đến dạy người khác đắp, vẽ, sẽ đạt được quả báo, ắt đạt được lợi ích to lớn).
“Huống” (況) là hãy thử suy xét, ý nói: Thay kẻ đó xả thí mà còn đạt được phước như thế. Suy ra tự làm, há có thể sánh được ư? Luận Trung Biên Phân Biệt nói tu hành trong Đại Thừa có mười điều, điều thứ nhất là biên chép. Kinh Niết Bàn dạy: “Ư ác thế trung thư tả kinh quyển, diệc khuyến tha nhân linh đắc thư tả, cụ túc năng giải, tận kỳ nghĩa vị” (Trong đời ác, biên chép kinh quyển, cũng khuyên người khác biên chép, sẽ có thể thấu hiểu đầy đủ trọn hết nghĩa vị [của kinh]).
“Tố họa hình tượng” (đắp, vẽ hình tượng): Kinh Tạo Tượng dạy: “Tác Phật, Bồ Tát hình tượng, kỳ phước vô lượng, vô cùng tận thời, bất khả xưng số. Như thị tứ thiên hạ giang, hà, hải thủy, thượng khả thăng lượng. Tác Phật hình tượng, kỳ phước thậm đa, đa tứ thiên hạ giang, hà, hải thủy quá xuất thập bội. Hậu thế sở sanh, thường hộ Phật đạo. Tác Phật hình tượng, tử hậu bất phục nhập ư địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, chư ác đạo trung” (Tạo hình tượng Phật, Bồ Tát, phước ấy vô lượng, chẳng có lúc cùng tận, chẳng thể tính kể số lượng. Như nước của sông cái, sông con, biển trong tứ thiên hạ này còn có thể đong lường được, chứ phước do tạo hình tượng Phật rất nhiều, nhiều hơn cả mười lần lượng nước nơi sông cái, sông con, biển cả trong tứ thiên hạ. Sanh vào đời sau, thường hộ trì Phật đạo. Tạo hình tượng Phật, sau khi chết chẳng còn vào trong các đường ác như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh). Vì thế, do quả báo đạt được, ắt có lợi ích to lớn!
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
[1] Ba Ty Dạ (Pāpīyas), hoặc còn viết là Pāpman, Pāpimant, còn phiên âm là Ba Tỳ Duyện, Ba Duyên, Ba Bệ, Ba Tỵ, Ba Tỳ, Ba Ty Diện, tức là thiên ma Ba Tuần, hay Ma Vương.
[2] Cửu Kết (九結) là chín thứ phiền não thắt chặt, cuốn trói chúng sanh, tức là Ái, Sân, Mạn, Vô Minh, Kiến (kiến giải thiên lệch), Thủ (chấp giữ), Nghi, Tật (ghen ghét), Xan (keo kiệt).
[3] Mleccha (còn phiên âm là Miệt Lệ Xa, Di Ly Xa, Mật Lợi Xa, Tất Lật Xa, Di Lợi Xa) nghĩa gốc là “kẻ dã man, mọi rợ”, chỉ các sắc dân chưa được khai hóa, thiếu văn minh. Về sau, từ ngữ này thường được dùng để chỉ những kẻ ở biên địa tức những vùng xa xôi, không văn minh. Nghĩa thứ hai là chỉ những sắc dân man rợ xâm nhập Ấn Độ, phá hoại văn hóa tôn giáo của Ấn Độ như các sắc dân Ả Rập, Đột Quyết, hoặc những người theo Hồi giáo tàn phá, hủy hoại các chùa tháp của Ấn Độ giáo và Phật giáo, hoặc nói rộng hơn thì là những kẻ ỷ vào sức mạnh phá hoại Phật pháp.
[4] Lục phủ: Còn gọi là Lục Tạng, tức ruột già, ruột non, bao tử, bàng quang, tam tiêu, và mật, tương ứng với ngũ tạng (gan, tim, tỳ (lá lách), phổi, và thận). Theo Trung Y, ngũ tạng là Âm, lục phủ là Dương; ngũ tạng tương ứng ngũ hành, còn lục phủ tương ứng với lục tình (mừng, giận, thích, ghét, buồn, vui).
[5] Luận Hành (論衡) là trước tác trọng yếu của tư tưởng gia Vương Sung thời Đông Hán, gồm mười ba quyển, tám mươi lăm thiên, chủ yếu diễn thuật quan điểm vô thần luận của tác giả, nhằm phản đối sự sùng bái đối với các thể loại sấm vĩ (sách tiên đoán, sấm giảng) và các thứ phương thuật thần bí bói toán, bùa chú, cầu khẩn quỷ thần đương thời.
[6] Theo Trung Y, Ngũ Lao là năm chứng tổn thương do mệt nhọc quá sức: Nhìn quá lâu sẽ tổn thương huyết, nằm quá lâu sẽ tổn thuơng khí, ngồi quá lâu sẽ tổn thương thịt, đứng quá lâu sẽ tổn thương xương, đi quá lâu sẽ tổn thương gân. Thất Thương là ăn quá no sẽ tổn thương tỳ (lá lách), giận dữ sẽ tổn thương gan, nâng vật nặng quá sức hoặc ngồi quá lâu nơi ẩm thấp sẽ tổn thương thận, uống đồ lạnh sẽ tổn thương phổi, ưu sầu sẽ tổn thương tim, dầm mưa dãi gió, nhiễm nóng lạnh sẽ tổn thương thân hình, hoảng sợ sẽ tổn thương chí. Nói tổng quát, ngũ lao thất thương là từ ngữ phiếm chỉ tất cả các tác nhân gây bệnh.
[7] Ngũ Âm Chú Trớ là một thuyết trong Đạo giáo, theo đó, kẻ ác ở nơi miếu thờ tà thần, dùng giấy vàng và châu sa viết tên họ năm, tháng, ngày, giờ của người hắn tính nguyền rủa, rồi nguyền rủa độc địa, phun nước lên, sau đó giẫm đạp dưới chân, nguyền cho người ấy mắc đủ loại tai ương. Do tính theo ngũ phương nên gọi là Ngũ Âm Chú Trớ (nguyền rủa theo năm âm thanh). Do đó, trong Đạo giáo có riêng một bộ kinh là Thái Thượng Lão Quân Thuyết Giải Thích Chú Trớ Kinh để dạy cách hóa giải tà thuật này. Ở đây, ngài Linh Thừa chỉ mượn cách nói này để sánh ví bệnh nhân đang bị cừu gia oán đối kiện cáo trong âm ty.
[8] Chiêu Đề (Caturdeśa) có nghĩa gốc là “bốn phương”. Vật cúng thí cho tứ phương Tăng được gọi là Chiêu Đề Tăng Vật. Ở đây, Chiêu Đề được dùng với nghĩa Chiêu Đề Tăng (chư tăng bốn phương).