KINH ĐẠI BÁT NIẾT-BÀN
ĐOÀN TRUNG CÒN, NGUYỄN MINH TIẾN dịch và chú giải
NGUYỄN MINH HIỂN hiệu đính
QUYỂN HAI MƯƠI MỐT[5]
PHẨM BỒ TÁT QUANG MINH BIẾN CHIẾU CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG
Phẩm thứ mười – Phần một
Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Đại Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương rằng: “Thiện nam tử! Nếu có vị Đại Bồ Tát nào tu hành kinh Đại Niết-bàn này sẽ được mười công đức không thể nghĩ bàn, không cùng chia sẻ với hàng Thanh văn và Phật Bích-chi, khiến người nghe đến đều phải kinh ngạc quái lạ, chẳng phải trong chẳng phải ngoài, chẳng phải khó chẳng phải dễ, chẳng phải tướng, chẳng phải không tướng, chẳng phải pháp thế gian, không có tướng mạo, thế gian không có được!
“Những gì là mười? Trong công đức thứ nhất[6] có năm điều. Những gì là năm? Một là nghe được những điều không [thể] nghe.[7] Hai là được nghe rồi có thể làm lợi ích. Ba là có thể trừ dứt lòng nghi hoặc. Bốn là tâm sáng suốt ngay thẳng không tà vạy. Năm là có thể biết được ý nghĩa sâu kín của Như Lai. Đó là năm điều [trong công đức thứ nhất].
“Thế nào là nghe được những điều không [thể] nghe? Đó là nói những ý nghĩa hết sức sâu kín như: Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật; Phật, Pháp, chư Tăng không có gì khác nhau; tánh tướng của Tam bảo là thường, lạc, ngã, tịnh; hết thảy chư Phật đều không dứt tất cả để nhập Niết-bàn mà luôn thường còn, không biến đổi.
“Niết-bàn của Như Lai chẳng phải có, chẳng phải không; chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi; chẳng phải hữu lậu, chẳng phải vô lậu; chẳng phải sắc, chẳng phải không sắc; chẳng phải tên gọi, chẳng phải không tên gọi; chẳng phải tướng, chẳng phải không tướng; chẳng phải có, chẳng phải không có; chẳng phải vật, chẳng phải không vật; chẳng phải nhân, chẳng phải quả; chẳng phải chờ đợi, chẳng phải không đợi; chẳng phải sáng, chẳng phải tối; chẳng phải xuất, chẳng phải không xuất; chẳng phải thường, chẳng phải không thường; chẳng phải dứt, chẳng phải không dứt; chẳng phải khởi đầu, chẳng phải kết thúc; chẳng phải quá khứ, chẳng phải tương lai, chẳng phải hiện tại; chẳng phải các ấm, chẳng phải không các ấm;[8] chẳng phải các nhập, chẳng phải không các nhập;[9] chẳng phải các giới, chẳng phải không các giới;[10] chẳng phải mười hai nhân duyên, chẳng phải không mười hai nhân duyên.
“Các pháp như vậy là hết sức sâu kín, từ trước [vị Bồ Tát ấy] chưa từng nghe được mà nay có thể nghe được.
“Lại nữa, không [thể] nghe đó [cũng] là nói tất cả kinh sách của ngoại đạo, như bốn bộ luận Tỳ-đà,[11] luận Tỳ-già-la,[12] luận Vệ-thế-sư,[13] luận Ca-tỳ-la,[14] cùng tất cả những chú thuật, y phương, kỹ nghệ, nhật thực, nguyệt thực, tinh tú vận chuyển, sách địa lý, sấm ký… Những thứ kinh sách ấy, từ trước chưa từng nghe được ý nghĩa sâu kín, nay ở trong kinh Đại Niết-bàn này đều được [nghe] biết rõ.
“Lại nữa, trong Mười một bộ kinh, trừ kinh Tỳ-phật-lược,[15] cũng không có nghĩa sâu kín như thế này. Nay nhân nơi kinh này mà được biết những nghĩa ấy. Thiện nam tử! Đó gọi là nghe được những điều không [thể] nghe.
“Thế nào là nghe rồi có thể làm lợi ích? Những ai có thể nghe và tin nhận kinh Đại Niết-bàn này ắt đều có thể rõ biết đầy đủ những nghĩa rất sâu của hết thảy kinh điển Phương đẳng Đại thừa. Ví như người đàn ông hay đàn bà khi nhìn vào tấm gương sáng sạch liền thấy được rõ ràng hình sắc, dáng vẻ của họ. Kinh Đại Niết-bàn cũng như tấm gương sáng, vị Bồ Tát cầm gương ấy liền thấy rõ được ý nghĩa rất sâu của kinh điển Đại thừa. Lại như người ở trong nhà tối cầm cây đuốc lớn liền soi thấy rõ hết thảy mọi vật. Kinh Đại Niết-bàn cũng như cây đuốc, Bồ Tát cầm đuốc ấy liền thấy được ý nghĩa sâu xa khó hiểu của Đại thừa. Lại như khi mặt trời hiện ra, có cả muôn ngàn tia sáng, ắt có thể soi rõ cả những chỗ tối tăm trong rừng núi, khiến hết thảy mọi người đều thấy được mọi vật ở xa. Mặt trời trí tuệ thanh tịnh Đại Niết-bàn này cũng vậy, soi rõ những chỗ sâu xa kín đáo của Đại thừa, khiến cho người theo Hai thừa có thể từ xa nhìn thấy Phật đạo. Vì sao vậy? Vì có thể nghe và tin nhận kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn này.
“Thiện nam tử! Nếu có vị Bồ Tát ma-ha-tát nào nghe và tin nhận kinh Đại Niết-bàn này, liền biết được tên gọi của hết thảy các pháp. Nếu có thể sao chép, tụng đọc thông suốt, vì người khác mà giảng rộng, suy xét ý nghĩa trong kinh, ắt rõ biết được nghĩa lý của hết thảy các pháp.
“Thiện nam tử! Người nghe và tin nhận kinh này chỉ biết được tên gọi, không biết được ý nghĩa. Nếu sao chép, tụng đọc, vì người khác giảng rộng, suy xét ý nghĩa trong kinh, ắt có thể biết được nghĩa.
“Lại nữa, thiện nam tử! Người vừa nghe qua kinh này, tuy biết rằng tự mình có tánh Phật nhưng không thể thấy được. Nếu sao chép, tụng đọc, vì người khác giảng rộng, suy xét ý nghĩa trong kinh, ắt có thể thấy được tánh Phật.
“Người nghe qua kinh này tuy có nghe tên gọi pháp bố thí nhưng không thể được thấy pháp Bố thí Ba-la-mật. Nếu sao chép, tụng đọc, vì người khác giảng rộng, suy xét ý nghĩa trong đó, ắt có thể thấy được pháp Bố thí Ba-la-mật. Cho đến pháp Trí tuệ Ba-la-mật cũng vậy.[16]
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát nếu có thể nghe được kinh Đại Niết-bàn này ắt rõ biết các pháp và ý nghĩa của pháp, đầy đủ hai đức không ngăn ngại,[17] đối với các sa-môn, bà-la-môn, hoặc chư thiên, ma, Phạm thiên, hết thảy các loài trong thế gian đều không có sự sợ sệt; [có thể] mở mang chỉ bày, phân biệt Mười hai bộ kinh, diễn thuyết ý nghĩa không chút sai lệch; không nghe nơi người khác mà có thể tự rõ biết, đến gần quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thiện nam tử! Đó gọi là nghe rồi có thể làm lợi ích.
“Thế nào là có thể trừ dứt lòng nghi hoặc? Lòng nghi có hai loại, một là nghi tên gọi, hai là nghi ý nghĩa. Người nghe qua kinh này dứt được lòng nghi về tên gọi. Người suy xét ý nghĩa kinh này dứt được lòng nghi về ý nghĩa.
“Lại nữa, thiện nam tử! Có năm mối nghi. Một là nghi việc Phật có chắc chắn nhập Niết-bàn hay không? Hai là nghi việc Phật có thường trụ hay không? Ba là nghi việc Phật có phải chân lạc hay không? Bốn là nghi việc Phật có phải chân tịnh hay không? Năm là nghi việc Phật có phải chân ngã hay không? Người nghe qua kinh này liền dứt trừ mãi mãi mối nghi về việc Phật nhập Niết-bàn. Nếu sao chép, tụng đọc, vì người khác giảng rộng, suy xét ý nghĩa trong kinh thì mãi mãi dứt trừ được cả bốn mối nghi kia.
“Lại nữa, thiện nam tử! Có ba việc nghi. Một là nghi việc có thừa Thanh văn hay không? Hai là nghi việc có thừa Duyên giác hay không? Ba là nghi việc có Phật thừa hay không? Người nghe qua kinh này, cả ba việc nghi ấy liền dứt sạch. Nếu sao chép, tụng đọc, vì người khác giảng rộng, suy xét ý nghĩa trong kinh, ắt có thể biết rõ rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.
“Lại nữa, thiện nam tử! Như có những chúng sanh không được nghe kinh Đại Niết-bàn này thì trong lòng có nhiều sự nghi hoặc, như là thường hay vô thường; lạc hay bất lạc; tịnh hay bất tịnh; ngã hay vô ngã; mạng hay chẳng phải mạng; chúng sanh hay chẳng phải chúng sanh; rốt ráo hay không rốt ráo; hoặc đời khác, hoặc đời đã qua, hoặc có, hoặc không, hoặc khổ, hoặc chẳng phải khổ; hoặc tập, hoặc chẳng phải tập; hoặc diệt, hoặc chẳng phải diệt; hoặc đạo, hoặc chẳng phải đạo; hoặc pháp, hoặc chẳng phải pháp; hoặc thiện, hoặc chẳng phải thiện; hoặc không, hoặc chẳng phải không. Ngay khi được nghe kinh này, những sự nghi hoặc như thế ắt đều dứt sạch.
“Lại nữa, thiện nam tử! Như có người không được nghe kinh này, trong lòng lại có đủ mọi sự nghi hoặc, như là: Sắc có phải là ta hay chăng? Thọ, tưởng, hành, thức có phải là ta hay chăng? Là con mắt có thể nhìn thấy, hay bản ngã nhìn thấy? Cho đến là thức có thể nhận biết, hay bản ngã nhận biết? Là sắc thọ báo hay bản ngã thọ báo? Cho đến là thức thọ báo, hay bản ngã thọ báo? Là sắc đi đến một đời sống khác, hay bản ngã đi đến đời sống khác? Cho đến là thức [18]cũng nghi hoặc như vậy. [Lại nghi về việc] pháp sanh tử có khởi đầu, có kết thúc; hay là không có khởi đầu, không có kết thúc? Người được nghe qua kinh này rồi thì những sự nghi hoặc như thế cũng đều được dứt hẳn.
“Lại có người nghi ngờ rằng: những kẻ nhất-xiển-đề, kẻ phạm bốn giới cấm nặng, tạo năm tội nghịch, phỉ báng kinh Phương đẳng, những kẻ như vậy có tánh Phật hay không có tánh Phật? Người được nghe qua kinh này rồi thì những sự nghi hoặc như thế đều được dứt hẳn.
“Lại có người nghi rằng: Thế gian là có giới hạn hay không giới hạn? Có các thế giới mười phương hay không có các thế giới mười phương? Người được nghe qua kinh này rồi thì những sự nghi hoặc như thế cũng đều được dứt hẳn.
“Như vậy gọi là có thể dứt trừ lòng nghi hoặc.
“Thế nào là tâm sáng suốt ngay thẳng không tà vạy? Nếu trong lòng có nghi ngờ ắt chỗ thấy biết không chân chánh. Hết thảy người thế gian nếu không được nghe kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn này thì chỗ thấy biết đều sai lệch, tà vạy. Cho đến hàng Thanh văn, Phật Bích-chi, chỗ thấy biết cũng đều sai lệch.
“Thế nào gọi là chỗ thấy biết sai lệch, tà vạy của tất cả người thế gian? Trong chỗ hữu lậu mà thấy có thường, lạc, ngã, tịnh; đối với Như Lai mà thấy là vô thường, khổ, bất tịnh, vô ngã; thấy có chúng sanh, mạng sống, chỗ thấy biết, cho rằng có cõi trời phi hữu tưởng phi vô tưởng[19] là Niết-bàn; thấy vị trời Tự tại[20] có Tám thánh đạo, có chấp có, chấp đoạn diệt. Những chỗ thấy như vậy gọi là sai lệch, tà vạy. Bồ Tát ma-ha-tát nếu nghe được kinh Đại Niết-bàn này, tu tập và thực hành Thánh hạnh ắt dứt trừ được những chỗ thấy sai lệch, tà vạy như vậy.
“Thế nào gọi là chỗ thấy biết sai lệch, tà vạy của hàng Thanh văn, Duyên giác?[21] Họ thấy Bồ Tát từ cung trời Đâu-suất xuống, cưỡi voi trắng giáng thần vào thai mẹ, có cha là Tịnh-phạn, mẹ là Ma-da ở thành Ca-tỳ-la. Ngài ở trong thai đủ mười tháng rồi sanh ra. Khi ngài sanh ra chưa rơi xuống đất thì có Đế-thích đón lấy giữa hư không, có hai vị Long vương là Nan-đà và Bạt-nan-đà phun nước tắm. Đại quỷ thần vương là Ma-ni-bạt-đà cầm lọng báu đứng hầu phía sau. Thần đất hóa ra hoa đỡ dưới chân ngài. Ngài đi theo đủ bốn hướng, mỗi hướng bảy bước. Khi đến Thiên miếu, các tượng chư thiên đều đứng dậy nghinh tiếp. Vị tiên A-tư-đà bồng ngài lên xem tướng. Xem tướng xong liền sanh lòng buồn đau thảm thiết, tự đau xót rằng mình sắp qua đời, không được thấy Phật đạo hưng thịnh.
“[Họ cũng thấy] Bồ Tát theo thầy học sử sách, toán pháp, bắn tên, cưỡi ngựa, địa lý, sấm ký, các môn kỹ nghệ. Ngài ở trong cung có sáu mươi ngàn cung nữ để giúp vui. Ngài ra khỏi thành dạo chơi quán sát, đến vườn Ca-tỳ-la, trên đường gặp người già yếu cho đến vị sa-môn mặc pháp phục mà đi.[22] Khi trở về trong cung, ngài thấy hình thể và dung mạo của các cung nữ dường như những bộ xương khô, cung điện hiện có chẳng khác gì gò mộ trong bãi tha ma. Ngài nhàm chán, muốn xuất gia, giữa đêm liền vượt thành tìm đến chỗ những vị đại tiên nhân như các ông Uất-đà-già,[23] A-la-la[24]… nghe dạy về cảnh giới của thức và cảnh giới phi hữu tưởng phi vô tưởng. Nghe như vậy rồi, ngài quán sát kỹ những cảnh giới ấy, thấy cũng là vô thường, khổ, bất tịnh, vô ngã, liền từ bỏ mà đến ở dưới cội cây tu khổ hạnh đủ sáu năm.[25]
“Sau đó biết rằng khổ hạnh như thế không thể thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, Bồ Tát liền đi đến sông A-lợi-bạt-đề[26] tắm rửa sạch sẽ, rồi thọ nhận món cháo sữa do cô gái chăn bò phụng hiến. Dùng cháo xong, ngài đến ngồi dưới gốc cây Bồ-đề, phá ma Ba-tuần,[27] được thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Ở thành Ba-la-nại,[28] ngài vì năm vị tỳ-kheo[29] mà Chuyển bánh xe pháp lần đầu tiên, cho đến khi tại thành Câu-thi-na này thị hiện Niết-bàn.
“Những chỗ thấy như vậy của hàng Thanh văn, Duyên giác gọi là sai lệch, tà vạy.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát, nghe và thọ nhận kinh Đại Niết-bàn này ắt được dứt trừ những chỗ thấy biết như vậy. Nếu có thể sao chép, đọc tụng kinh này thông suốt, vì người khác giảng nói, suy xét nghĩa kinh, ắt được chỗ thấy biết ngay thẳng, không sai lệch, tà vạy.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát tu hành kinh Đại Niết-bàn này biết rõ rằng: Từ vô lượng kiếp đến nay, đức Bồ Tát chẳng hề giáng thần từ cung Đâu-suất vào thai mẹ, cho đến cũng có việc nhập Niết-bàn tại thành Câu-thi-na này. Đó gọi là chỗ thấy biết ngay thẳng của hàng Bồ Tát ma-ha-tát.
“[Thế nào là] có thể hiểu được ý nghĩa sâu kín của Như Lai? Đó là [những ý nghĩa về] Đại Bát Niết-bàn; là tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, [nhưng phải] sám hối bốn giới cấm nặng, trừ bỏ lòng chê bai giáo pháp, dứt hết năm tội nghịch, trừ bỏ tâm bất tín,[30] sau đó mới chứng đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Như vậy gọi là những ý nghĩa rất sâu xa kín đáo.
“Này thiện nam tử! Vì sao gọi là ý nghĩa rất sâu xa? Tuy biết chúng sanh thật không có tự ngã, nhưng nghiệp quả trong tương lai không hề dứt mất. Tuy biết rằng năm ấm tan rã trong đời này, nhưng nghiệp lành nghiệp dữ đều chẳng mất. Tuy có các nghiệp nhưng không có người tạo tác; tuy có chỗ đến nhưng không có người đi đến; tuy có sự trói buộc nhưng không có người bị trói buộc; tuy có Niết-bàn nhưng không có người nhập Niết-bàn. Đó gọi là ý nghĩa rất sâu kín.”
Lúc ấy, Bồ Tát ma-ha-tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương bạch Phật: “Thế Tôn! Theo như con hiểu nghĩa Phật đã dạy về chỗ nghe và không nghe thì không phải như thế! Vì sao vậy? Nếu pháp là có, liền phải xác định là có; nếu pháp là không, liền phải xác định là không. Cái không lẽ ra chẳng sanh, cái có lẽ ra chẳng diệt. Như có nghe tức là nghe; không nghe tức là không nghe, vì sao nói rằng nghe được những điều không [thể] nghe?
“Bạch Thế Tôn! Nếu không thể nghe, đó là không nghe; nếu đã nghe rồi, xét cho cùng cũng là không nghe. Vì sao vậy? Vì đã nghe rồi [nên hiện nay không nghe]! Vì sao nói rằng nghe được những điều không [thể] nghe?
“Ví như có người đi, khi đến rồi ắt là không đi, khi đang đi ắt là không đến. Cũng như khi đã sanh rồi là không có sự sanh, [nếu] không sanh cũng không có sự sanh. Khi đạt được rồi là không [còn gì để] được, [nếu] không đạt được cũng là không được. Khi nghe rồi là không [còn sự] nghe, [nếu] không nghe [cũng] là không nghe, [ý nghĩa] đều là như vậy!
“Bạch Thế Tôn! Nếu không nghe [cũng là] nghe thì tất cả chúng sanh chưa có Bồ-đề lẽ ra phải có, chưa được Niết-bàn lẽ ra phải được, chưa thấy tánh Phật lẽ ra phải thấy. Vì sao [Như Lai] nói rằng hàng Bồ Tát ở Mười trụ địa tuy thấy tánh Phật nhưng chưa [thấy] được rõ ràng?
“Thế Tôn! Nếu không nghe [cũng là] nghe, Như Lai trong quá khứ từng được nghe [Chánh pháp] từ nơi ai? Nếu là được nghe, sao trong kinh A-hàm Như Lai nói rằng không có thầy dạy?
“Nếu không nghe [là] không nghe mà Như Lai thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, thì tất cả chúng sanh không nghe [là] không nghe, lẽ ra cũng đều thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề! Nếu Như Lai chưa nghe kinh Đại Niết-bàn này mà thấy được tánh Phật, thì tất cả chúng sanh chưa nghe kinh này lẽ ra cũng phải thấy được tánh Phật!
“Bạch Thế Tôn! Phàm là hình sắc thì hoặc có thể thấy, hoặc không thể thấy. Âm thanh cũng vậy, hoặc có thể nghe, hoặc không thể nghe.
“Đại Niết-bàn này chẳng phải hình sắc, chẳng phải âm thanh, sao lại nói rằng có thể thấy, có thể nghe?
“Bạch Thế Tôn! Quá khứ đã dứt rồi nên không thể nghe, tương lai chưa đến nên cũng không thể nghe. Vào lúc đang nghe trong hiện tại cũng không gọi là nghe, vì vừa nghe rồi thì âm thanh liền diệt mất, nên xét cho cùng là không thể nghe!
“Đại Niết-bàn này cũng không thuộc về quá khứ, tương lai, hiện tại. Nếu không thuộc về quá khứ, tương lai, hiện tại thì không thể thuyết giảng. Nếu không thể thuyết giảng ắt là không thể nghe! Vì sao [Như Lai] nói rằng Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết-bàn này nghe được những điều không [thể] nghe?”
Lúc ấy, đức Thế Tôn khen ngợi Bồ Tát ma-ha-tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Nay ông biết rõ rằng tất cả các pháp dường như ảo hóa, như tia lửa lóe ra, như cảnh thành quách biến hóa, như hình vẽ trên mặt nước, lại cũng như bọt sóng, bọt nước, như thân cây chuối, rỗng không chẳng thật, chẳng phải mạng sống, chẳng phải ta, không khổ không vui, đồng như chỗ thấy biết của hàng Bồ Tát ở Mười trụ địa.”
Lúc ấy, giữa đại chúng bỗng trong khoảnh khắc xuất hiện ánh hào quang rực rỡ. Trong ánh hào quang ấy, không phải màu xanh lại thấy là xanh, không phải màu vàng lại thấy là vàng, không phải màu đỏ lại thấy là đỏ, không phải màu trắng lại thấy là trắng, không có hình sắc lại thấy là hình sắc, không phải sáng tỏ lại thấy là sáng tỏ, không phải sự thấy mà lại nhìn thấy.
Bấy giờ, đại chúng thấy hào quang ấy rồi, thân tâm đều khoái lạc, như vị tỳ-kheo nhập phép thiền định Sư tử vương.
Đại Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi liền bạch Phật: “Thế Tôn! Nay ánh hào quang này là do ai phát ra?”
Lúc ấy, đức Như Lai lặng thinh chẳng nói.
Bồ Tát Ca-diếp lại hỏi Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi: “Do nhân duyên gì mà có ánh hào quang này chiếu soi đại chúng?”
Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi lặng thinh chẳng đáp.
Lúc ấy, Bồ Tát Vô Biên Thân lại hỏi Bồ Tát Ca-diếp: “Ánh hào quang hôm nay là của ai vậy?”
Bồ Tát Ca-diếp lặng thinh chẳng đáp.
Bồ Tát Tịnh Trụ Vương Tử lại hỏi Bồ Tát Vô Biên Thân: “Do nhân duyên gì mà trong đại chúng có ánh hào quang này?”
Bồ Tát Vô Biên Thân lặng thinh chẳng đáp.
Cứ như vậy, năm trăm vị Bồ Tát lần lượt hỏi nhau, nhưng chẳng ai trả lời!
Bấy giờ, đức Thế Tôn hỏi Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi: “Do nhân duyên gì mà trong đại chúng có ánh hào quang này?”
Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi đáp: “Bạch Thế Tôn! Hào quang ấy gọi là trí tuệ. Trí tuệ tức là thường trụ; pháp thường trụ không do nhân duyên, sao Phật lại hỏi do nhân duyên gì có hào quang ấy?
“Hào quang ấy gọi là Đại Niết-bàn. Đại Niết-bàn tức là thường trụ, pháp thường trụ không do nhân duyên, sao Phật lại hỏi do nhân duyên gì có hào quang ấy?
“Hào quang ấy tức là Như Lai. Như Lai tức là thường trụ. Pháp thường trụ không do nhân duyên, sao Phật lại hỏi nơi nhân duyên?
“Hào quang ấy gọi là đại từ đại bi. Đại từ đại bi gọi là thường trụ. Pháp thường trụ không do nhân duyên, sao Phật lại hỏi nơi nhân duyên?
“Hào quang ấy tức là nghĩ nhớ đến Phật. Nghĩ nhớ đến Phật gọi là thường trụ. Pháp thường trụ không do nhân duyên, sao Phật lại hỏi nơi nhân duyên?
“Hào quang ấy là đạo không chung cùng với hết thảy hàng Thanh văn, Duyên giác. Đạo chẳng chung cùng với Thanh văn, Duyên giác tức là thường trụ. Pháp thường trụ không do nhân duyên, sao Phật lại hỏi nơi nhân duyên?
“Bạch Thế Tôn, thật cũng có nhân duyên. Đó là nhân dứt trừ vô minh liền thắp sáng được ngọn đèn A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.”
Phật dạy: “Văn-thù-sư-lợi! Nay ông chớ nên đi vào ý nghĩa rốt ráo sâu xa nhất của các pháp, hãy theo ý nghĩa chân thật [tương đối] của thế gian mà giảng nói về [hào quang] ấy.”
Văn-thù-sư-lợi thưa: “Bạch Thế Tôn! Về phương đông của thế giới này, trải qua số thế giới nhiều như số cát của hai mươi sông Hằng, có một thế giới Phật tên là Bất Động. Nơi ở của đức Phật tại thế giới ấy hai bề ngang dọc đều rộng đủ mười hai ngàn do-tuần.[31] Mặt đất nơi cõi ấy bằng bảy báu, không có các loại đất đá; bằng phẳng, mềm mại, không có hầm hố. Cây cối nơi ấy đều do bốn món báu[32] tạo thành. Hoa quả um tùm tươi tốt, mùa nào cũng có. Chúng sanh ngửi được mùi thơm của hoa thì thân tâm an lạc như vị tỳ-kheo vào cảnh thiền thứ ba.[33]
“Bao quanh cõi ấy lại có ba ngàn con sông lớn, nước sông mầu nhiệm, có đủ tám vị.[34] Chúng sanh tắm trong nước sông ấy liền được vui vẻ khoái lạc, như vị tỳ-kheo vào cảnh thiền thứ hai.[35] Các sông ấy có rất nhiều đủ mọi loại hoa như hoa ưu-bát-la, hoa ba-đầu-ma, hoa câu-vật-đầu, hoa phân-đà-lợi, hoa hương, hoa hương loại lớn, hoa vi diệu hương, hoa thường, các loại hoa không cần tất cả chúng sanh che chở, bảo vệ.
“Hai bên bờ sông cũng có đủ các loại hoa như hoa a-đề-mục-đa-già, hoa chiêm-bà, hoa ba-trá-la, hoa bà-sư-la, hoa ma-lợi-ca, hoa ma-lợi-ca loại lớn, hoa tân-ma-lợi-ca, hoa tu-ma-na, hoa do-đề-ca, hoa đàn-nậu-ca-lợi, hoa thường, các loại hoa không cần tất cả chúng sanh che chở, bảo vệ. Đáy sông đầy cát bằng vàng, có bốn bậc thang đi lên bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê đủ màu. Có nhiều loài chim tụ tập vui đùa trên bờ sông.
“Lại có vô số cọp, sói, sư tử và các giống thú dữ, chim dữ, nhưng chúng nhìn nhau hiền hậu và thương nhau như mẹ con.
“Trong thế giới ấy không có một người nào phạm các điều trọng cấm[36] hoặc phỉ báng Chánh pháp, cũng không có những kẻ nhất-xiển-đề, không có năm tội nghịch.[37]
“Thế giới ấy điều hòa thích hợp, không có những nỗi khổ vì nóng, lạnh, đói, khát. Không có những mối tham dục, giận tức, lười nhác buông thả, ghen ghét ganh tỵ. Không có mặt trời, mặt trăng, ban ngày, ban đêm, không phân biệt thời tiết, giống như ở cõi trời Đao-lợi, cõi trời thứ hai trong Dục giới.
“Nhân dân ở thế giới ấy đều có hào quang, hết thảy đều không có lòng kiêu mạn. Tất cả đều là những vị Đại sĩ Bồ Tát, đều đã chứng đắc thần thông, đầy đủ công đức lớn, lòng tôn trọng Chánh pháp, nương theo Đại thừa, yêu mến nghĩ nhớ đến Đại thừa, ham thích Đại thừa, trân trọng gìn giữ Đại thừa. Thảy đều thành tựu trí tuệ lớn lao, được phép Đại tổng trì, trong lòng thường thương xót tất cả chúng sanh.
“Đức Phật nơi ấy hiệu là Mãn Nguyệt Quang Minh Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Tùy nơi an trụ mà ngài tuyên giảng Chánh pháp, chúng sanh ở cõi ấy thảy đều được nghe.
“Đức Phật ấy đã vì Đại Bồ Tát Lưu Ly Quang mà tuyên giảng kinh Đại Niết-bàn này. Ngài dạy: ‘Thiện nam tử! Nếu Bồ Tát ma-ha-tát có thể tu hành kinh Đại Niết-bàn thì đối với những điều không [thể] nghe đều có thể nghe được.’
“Đại Bồ Tát Lưu Ly Quang thưa hỏi Phật Mãn Nguyệt Quang Minh cũng không khác với câu hỏi của Bồ Tát ma-ha-tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương ở cõi này.
“Phật Mãn Nguyệt Quang Minh liền dạy Bồ Tát Lưu Ly Quang rằng: ‘Thiện nam tử! Về phương tây của thế giới này, cách đây số cõi Phật nhiều như số cát của hai mươi sông Hằng, có một thế giới tên là Ta-bà. Cõi ấy có nhiều núi đồi gò nổng, đất cát đá sỏi, gai góc và chông độc đầy dẫy khắp nơi, thường có những nổi khổ vì đói, khát, nóng, lạnh.
“Nhân dân ở cõi ấy không biết cung kính hàng sa-môn, bà-la-môn, cha mẹ, thầy dạy; họ tham đắm những việc không đúng pháp, ưa muốn những việc không đúng pháp, tu hành theo tà pháp, chẳng tin vào chánh pháp, tuổi thọ ngắn ngủi. Có những kẻ làm việc gian trá bị phép vua trừng phạt. Những vị vua tuy có đất đai cai trị nhưng không thấy thỏa mãn, nhìn sang nước của vua khác mà sanh lòng tham muốn rồi khởi binh đánh nhau, người chết oan rất nhiều. Bậc vua chúa làm việc không đúng pháp như thế, các vị thiện thần ở bốn cõi trời không có lòng hoan hỷ, cho nên giáng xuống nạn hạn hán, lúa thóc mất mùa, nhân dân nhiều bệnh tật, khổ não vô cùng.
“Nơi cõi ấy có đức Phật hiệu là Thích-ca-Mâu-ni Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Vì lòng đại bi thuần hậu, thương xót chúng sanh nên ngài ở tại thành Câu-thi-na, trong rừng có cây sa-la mọc sóng đôi mà giảng rộng với đại chúng kinh Đại Niết-bàn này.
“Cõi ấy có vị Bồ Tát tên là Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương, cũng thưa hỏi về việc này giống như lời ông hỏi. Nay đức Phật Thích-ca Mâu-ni sắp trả lời câu hỏi ấy, ông mau đến đó, tự nhiên sẽ được nghe.’
“Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Lưu Ly Quang nghe vậy rồi liền cùng với tám vạn bốn ngàn vị Đại Bồ Tát sắp đến đây, cho nên trước hết hiện ra điềm lành. Do nhân duyên ấy nên có ánh hào quang này. Như thế gọi là nhân duyên, cũng không phải nhân duyên.”
Lúc ấy, Bồ Tát Lưu Ly Quang cùng tám vạn bốn ngàn vị Đại Bồ Tát, thảy đều cầm phướn, lọng, hương hoa, chuỗi anh lạc, các món kỹ nhạc, tốt đẹp thù thắng hơn nhiều lần so với các món đã được cúng dường [ở pháp hội này] trước đây. Tất cả cùng đến thành Câu-thi-na, chỗ hai cây sa-la mọc sóng đôi, mang các thức cúng dường dâng lên phụng hiến Phật, cúi đầu và mặt lễ bái sát chân Phật, chắp tay cung kính đi nhiễu quanh theo chiều bên phải ba vòng. Lễ kính xong, các vị đều ngồi sang một bên.
Bấy giờ, đức Thế Tôn hỏi các vị Bồ Tát kia: “Thiện nam tử! Các ông đến đây như vậy là có [sự] đi đến hay không có [sự] đi đến?”
Bồ Tát Lưu Ly Quang thưa: “Bạch Thế Tôn! Có đi đến cũng chẳng đến; không đi đến cũng chẳng đến. Chúng con quán xét trong nghĩa này hoàn toàn không có việc đến đây.
“Bạch Thế Tôn! Nếu các hành là thường, cũng không có việc đến đây; nếu là vô thường, lại cũng không có việc đến đây. Nếu người thấy có tánh chúng sanh thì có việc đến hay không đến. Chúng con nay không thấy có tánh nhất định của chúng sanh, làm sao nói rằng có việc đến hay không đến?
“Kẻ có lòng kiêu mạn liền thấy rằng có đi, có đến; người không có lòng kiêu mạn ắt không có đi, không có đến.
“Người chấp giữ các hành thì thấy rằng có đi, có đến; người không chấp giữ các hành ắt không có đi, không có đến.
“Nếu thấy rằng đức Như Lai dứt hết tất cả mà nhập Niết-bàn, ắt là có đi, có đến; nếu thấy đức Như Lai không dứt hết tất cả mà nhập Niết-bàn thì không có đi, không có đến.
“Không nghe biết tánh Phật ắt là có đi, có đến; người nghe biết được tánh Phật thì không có đi, không có đến.
“Nếu thấy hàng Thanh văn và Phật Bích-chi có Niết-bàn, ắt là có đi, có đến; nếu không thấy Thanh văn và Phật Bích-chi có Niết-bàn thì không có đi, không có đến.
“Nếu thấy hàng Thanh văn và Phật Bích-chi là thường, lạc, ngã, tịnh, ắt là có đi, có đến; nếu người không thấy như vậy thì không có đi, không có đến.
“Nếu thấy Như Lai không có thường, lạc, ngã, tịnh, ắt là có đi, có đến; nếu thấy Như Lai là thường, lạc, ngã, tịnh, ắt là không có đi, không có đến.
“Bạch Thế Tôn! Xin hãy tạm gác việc đó lại. Nay con có chỗ muốn thưa hỏi, xin Như Lai rủ lòng thương xót cho phép con được hỏi.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Ông cứ tùy ý mà hỏi, nay chính là lúc thích hợp. Ta sẽ vì ông mà phân biệt giảng thuyết. Vì sao vậy? Chư Phật thật khó gặp, cũng như hoa ưu-đàm. Chánh pháp cũng vậy, rất khó được nghe. Trong Mười hai bộ kinh, kinh Phương đẳng lại càng khó được nghe hơn hết. Cho nên phải hết lòng lắng nghe và nhận lãnh.”
Lúc ấy, Bồ Tát ma-ha-tát Lưu Ly Quang được Phật cho phép và ân cần răn dạy, liền bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Vì sao Bồ Tát ma-ha-tát tu hành kinh Đại Niết-bàn lại nghe được những điều không [thể] nghe?”
Bấy giờ, đức Như Lai ngợi khen rằng: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Nay ông muốn thấu triệt kinh điển Đại thừa Đại Niết-bàn sâu rộng như biển lớn này, lại gặp được ta có thể khéo léo giảng thuyết. Nay ông đang bị trúng mũi tên độc nghi ngờ, ta là vị đại lương y có thể khéo nhổ mũi tên ấy ra. Ông đối với tánh Phật chưa được sáng rõ, ta có ngọn đuốc trí tuệ có thể vì ông soi sáng. Nay ông muốn vượt qua dòng sông lớn sanh tử, ta có thể vì ông làm vị đại thuyền sư. Ông đối với ta sanh ý tưởng xem như cha mẹ, ta đối với ông cũng có lòng thương như con đẻ. Nay lòng ông ham muốn Chánh pháp, lại gặp được Như Lai có nhiều của quý, sắp ban cho ông.
“Hãy lắng nghe cho kỹ! Hãy nghe cho kỹ! Và hãy suy xét cho rõ. Ta sẽ vì ông mà phân biệt phân biệt giảng thuyết.
“Thiện nam tử! Nay ông muốn được nghe pháp thật là đúng lúc. Nếu được nghe pháp rồi nên sanh tâm cung kính, tin theo, hết lòng lắng nghe và nhận lãnh, tôn trọng cung kính. Đối với Chánh pháp đừng tìm chỗ lỗi lầm, đừng nhớ nghĩ những sự tham dục, sân khuể, ngu si. Đừng xét tìm những chỗ tánh nết tốt xấu của người thuyết pháp. Được nghe pháp rồi đừng sanh lòng kiêu mạn. Đừng vì sự cung kính, danh dự hay lợi dưỡng; hãy vì sự cứu độ thế gian, vì lợi ích của món cam lộ Chánh pháp. Cũng đừng sanh ý nghĩ rằng: ‘Ta được nghe pháp rồi, trước tiên sẽ tự độ mình, sau đó mới độ người khác. Trước tiên sẽ giải thoát cho mình, sau đó mới giải thoát cho người khác. Trước tiên sẽ tự an ổn cho mình, sau đó mới làm an ổn người khác. Trước tiên sẽ tự mình có Niết-bàn, sau đó mới khiến cho người khác được Niết-bàn.’
“Đối với Phật, Pháp và Chư tăng nên sanh ý tưởng bình đẳng như nhau. Đối với cuộc sanh tử nên sanh ý tưởng cho là hết sức khổ não. Đối với Đại Niết-bàn, nên sanh ý tưởng là thường, lạc, ngã, tịnh.
“Trước hết nên vì người khác, sau đó mới vì bản thân mình. Nên vì Đại thừa, đừng vì hai thừa Thanh văn và Duyên giác. Đối với tất cả các pháp nên không có chỗ trụ, cũng đừng chuyên chấp vào tướng trạng của tất cả các pháp. Đối với các pháp đừng sanh lòng tham muốn. Thường sanh những ý tưởng rõ biết pháp, thấy pháp.
“Thiện nam tử! Nếu ông có thể giữ tâm như vậy mà hết lòng nghe pháp thì có thể gọi là nghe được những điều chưa nghe.
“Thiện nam tử! Có các trường hợp là: không nghe [cũng là] nghe, không nghe [là] không nghe, nghe [cũng là] không nghe và nghe [là] nghe.
“Thiện nam tử! Cũng giống như các trường hợp không sanh [cũng là] sanh, không sanh [là] không sanh, sanh [cũng là] không sanh và sanh [là] sanh; hoặc như không đến [cũng là] đến, không đến [là] không đến, đến [cũng là] không đến và đến [là] đến.”
[Bồ Tát Lưu Ly Quang thưa hỏi:] “Bạch Thế Tôn! Thế nào là không sanh [cũng là] sanh?”
[Phật dạy:] “Thiện nam tử! [Khi Bồ Tát] trụ yên nơi lý chân thật của thế gian, lúc [thị hiện] vừa ra khỏi bào thai, đó gọi là không sanh [cũng là] sanh.”
[Lại hỏi:] “Còn thế nào là không sanh [là] không sanh?”
[Phật dạy:] “Thiện nam tử! Đại Niết-bàn này không hề có tướng sanh, đó gọi là không sanh [là] không sanh.”
[Lại hỏi:] “Thế nào là sanh [cũng là] không sanh?”
[Phật dạy:] “Thiện nam tử! Theo lẽ chân thật [tương đối] của thế gian thì lúc chết đi gọi rằng sanh [cũng là] không sanh.”
[Lại hỏi:] “Còn thế nào gọi rằng sanh [là] sanh?”
[Phật dạy:] “Thiện nam tử! Hết thảy phàm phu đều thuộc về trường hợp sanh [là] sanh. Vì sao vậy? Vì sự sanh này nối tiếp sự sanh kia, không hề gián đoạn. Hết thảy các pháp hữu lậu trong từng giây phút đều sanh ra, nên gọi rằng sanh [là] sanh.
“Hàng Bồ Tát ở trụ vị thứ tư thì sanh [cũng là] không sanh. Vì sao vậy? Vì sanh ra một cách tự do tùy ý nên gọi rằng sanh [cũng là] không sanh.
“Thiện nam tử! Như vậy gọi là những pháp trong [Phật pháp]. Còn thế nào là những pháp ngoài [Phật pháp]? Đó là các trường hợp chưa sanh [cũng là] sanh, chưa sanh [là] chưa sanh, sanh [cũng là] chưa sanh và sanh [là] sanh.
“Thiện nam tử! Ví như hạt giống chưa nảy mầm, được có đủ bốn đại hòa hợp, được người ra công chăm sóc, sau đó mới sanh ra mầm. Như vậy gọi rằng chưa sanh [cũng là] sanh.
“Thế nào gọi là chưa sanh [là] chưa sanh? Ví như hạt giống bị hỏng, cùng với hạt giống chưa gặp đủ điều kiện nhân duyên. Các trường hợp như vậy gọi rằng chưa sanh [là] chưa sanh.
“Thế nào là sanh [cũng là] chưa sanh? Như hạt nảy mầm rồi nhưng không tăng trưởng. Như vậy gọi rằng sanh [cũng là] chưa sanh.
“Thế nào gọi rằng sanh [là] sanh? Như hạt giống nảy mầm thì mới tăng trưởng, nếu không nảy mầm thì không tăng trưởng. Tất cả pháp hữu lậu cũng đều như thế. Như vậy là những trường hợp sanh [là] sanh của các pháp ngoài [Phật pháp].”
Bồ Tát ma-ha-tát Lưu Ly Quang bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Các pháp hữu lậu nếu như có sanh thì [sự sanh] đó là thường chăng? Hay là vô thường?
“Nếu sự sanh là thường thì các pháp hữu lậu ắt không có sự sanh. Nếu sự sanh là vô thường thì các pháp hữu lậu ắt phải là thường.
“Bạch Thế Tôn! Nếu cái sanh có thể tự sanh ra, thì sự sanh không có tự tánh. Nếu có thể sanh ra cái khác thì do nhân duyên gì không sanh ra vô lậu?
“Bạch Thế Tôn! Nếu trong khi chưa sanh mà có sự sanh, vì sao đến nay mới gọi là sanh? Nếu khi chưa sanh mà không có cái sanh, sao chẳng nói rằng hư không là sanh?”
Phật dạy: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! [Những điều như] không sanh [cũng là] sanh là không thể thuyết giảng; sanh [là] sanh cũng không thể thuyết giảng. [Các trường hợp] sanh [là] không sanh cũng không thể thuyết giảng; không sanh [là] không sanh cũng không thể thuyết giảng!
“Sự sanh cũng không thể thuyết giảng; sự không sanh cũng không thể thuyết giảng. Nhưng vì có nhân duyên nên cũng có thể thuyết giảng.
“Thế nào là không sanh [là] sanh không thể thuyết giảng? [Cái] không sanh đó gọi là sanh, làm sao còn có thể thuyết giảng? Vì sao vậy? Vì cái không sanh đó đã sanh rồi.
“Thế nào gọi rằng sanh [là] sanh không thể thuyết giảng? Vì sanh [là] sanh nên có sự sanh; vì sanh [là] sanh nên có sự không sanh. [Như vậy] cũng là không thể thuyết giảng.
“Thế nào là sanh [là] không sanh không thể thuyết giảng? [Có sự] sanh nên gọi tên là sanh, sự sanh không tự nó sanh ra nên không thể thuyết giảng.
“Thế nào gọi rằng không sanh [là] không sanh cũng không thể thuyết giảng? Không sanh đó gọi là Niết-bàn. Niết-bàn không sanh ra nên không thể thuyết giảng. Vì sao vậy? Vì nhờ tu tập theo Chánh đạo mà được Niết-bàn [chứ không có sự sinh ra].
“Thế nào là sự sanh cũng không thể thuyết giảng? Vì [tuy nói là có] sự sanh [nhưng vốn thật] là không.
“Thế nào là sự không sanh cũng không thể thuyết giảng? Vì [tuy nói là không sanh nhưng thật] có sự chứng đắc.
“Thế nào là vì có nhân duyên nên có thể thuyết giảng? Vì có mười pháp nhân duyên làm nhân cho sự sanh ra. Vì nghĩa ấy nên cũng có thể thuyết giảng.
“Thiện nam tử! Nay các ông chớ nên nhập phép Không định[38] rất sâu xa. Vì sao vậy? Vì đại chúng nơi đây căn tánh chậm lụt.
“Thiện nam tử! Sự sanh ra của các pháp hữu vi cũng là thường, [nhưng] vì sự tồn tại [của chúng] không thường nên sự sanh ra đó cũng là vô thường.
“Sự tồn tại của các pháp hữu vi cũng là thường, [nhưng] vì sanh [tiếp nối] sanh, [liên tục biến đổi] nên sự tồn tại [của chúng] cũng là vô thường.
“Sự biến đổi cũng là thường, [nhưng] vì pháp là vô thường nên sự biến đổi cũng là vô thường.
“Sự hoại diệt cũng là thường, [nhưng] vì vốn [từ chỗ] không mà nay thành có nên sự hoại diệt cũng là vô thường.
“Thiện nam tử! Do nơi thật tánh [mà nói] thì sự sanh ra, tồn tại, biến đổi, hoại diệt thảy đều là thường. [Nhưng] vì trong từng khoảnh khắc luôn tiếp nối nhau diệt mất nên không thể nói là thường. Vì Đại Niết-bàn này có công năng trừ dứt [các pháp ấy], nên gọi [chúng] là vô thường.
“Thiện nam tử! Các pháp hữu lậu khi chưa sanh ra vốn sẵn có tánh sanh, nên sự sanh mới có thể sanh ra. Các pháp vô lậu vốn không có tánh sanh, nên sự sanh không thể sanh ra. Cũng như lửa sẵn có tánh [cháy], gặp đủ điều kiện ắt sẽ bùng cháy. Mắt sẵn có tánh thấy, nhân có đủ các điều kiện như hình sắc, ánh sáng, tâm thức nên [có sự] thấy.
“Pháp sanh ra của chúng sanh cũng là như vậy, do sẵn có tánh [sanh], gặp đủ [các điều kiện] nhân duyên, nghiệp lực, cha mẹ hòa hợp, liền có sự sanh ra.”
Lúc ấy, Bồ Tát ma-ha-tát Lưu Ly Quang cùng tám mươi bốn ngàn vị Bồ Tát ma-ha-tát nghe pháp ấy rồi liền vọt lên hư không, cao bằng bảy cây đa-la,[39] cung kính chấp tay bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Chúng con nhờ ơn Như Lai ân cần dạy bảo, nhân nơi kinh Đại Niết-bàn mà lần đầu tiên nhận hiểu được ý nghĩa nghe được những điều không [thể] nghe, lại cũng giúp cho tám mươi bốn ngàn vị Bồ Tát ma-ha-tát hiểu sâu được sự sanh, không sanh… của các pháp.
“Bạch Thế Tôn! Nay con đã hiểu rõ, trừ dứt mọi sự nghi ngờ. Nhưng trong hội này còn có một vị Bồ Tát tên là Vô Úy muốn thưa hỏi, xin Phật rủ lòng thương cho phép vị ấy được thưa hỏi.”
Lúc ấy, đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Vô Úy: “Thiện nam tử! Ông cứ tùy ý chất vấn, ta sẽ vì ông mà phân biệt giảng thuyết.”
Bấy giờ, Bồ Tát Vô Úy cùng với tám mươi bốn ngàn vị Bồ Tát đều từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉnh trang y phục, rồi quỳ xuống chắp tay bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Chúng sanh ở cõi này cần phải thực hiện những nghiệp lành nào để được sanh về cõi Phật Bất Động kia? Bồ Tát ở cõi này làm thế nào để được thành tựu trí tuệ, thành bậc oai dũng vượt trội trong loài người; có oai đức lớn, tu tập đầy đủ các hạnh, tâm trí sáng suốt nhanh lẹ, vừa nghe qua liền có thể hiểu rõ?”
Đức Thế Tôn liền nói kệ đáp rằng:
Không giết hại chúng sanh,
Giữ theo mọi giới cấm,
Tin pháp Phật nhiệm mầu,
Ắt sanh cõi Bất Động.
Không cướp đoạt tiền tài,
Thường bố thí khắp cả,
Xây chùa khắp bốn phương,[40]
Ắt sanh cõi Bất Động.
Không dan díu vợ người,
Không tham dâm vợ mình.
Cúng dường bậc trì giới,
Ắt sanh cõi Bất Động.
Chẳng vì mình, vì người,
Mưu cầu lợi, khủng bố.
Chỉ nói lời chân thật,
Ắt sanh cõi Bất Động.
Chớ nghịch hại người lành,
Lìa xa mọi kẻ ác,
Thường nói lời hòa hợp,
Ắt sanh cõi Bất Động.
Như các vị Bồ Tát,
Dứt bỏ lời nói độc,
Chỉ nói lời dễ nghe,
Ắt sanh cõi Bất Động.
Ngay cả lúc đùa vui,
Cũng nói khi thích hợp,
Nói năng thường thận trọng,
Ắt sanh cõi Bất Động.
Thấy người được tài lợi,
Lòng cũng mừng vui theo,
Không khởi lòng ganh ghét,
Ắt sanh cõi Bất Động.
Chẳng gây sự phiền giận,
Thường khởi lòng thương yêu,
Chẳng tìm cách làm ác,
Ắt sanh cõi Bất Động.
Tà kiến phủ nhận thí,
Không cha mẹ, xưa nay.
Chẳng thấy biết như vậy,
Ắt sanh cõi Bất Động.
Đào giếng trên đường vắng,
Trồng cây trái rừng sâu,[41]
Cúng dường người khất thực,
Ắt sanh cõi Bất Động.
Cúng dường Phật, Pháp, Tăng,
Một nén hương, ngọn đèn,
Hoặc chỉ một cành hoa,
Ắt sanh cõi Bất Động.
Dù chỉ do sợ hãi,
Hoặc cầu lợi, cầu phước,
Mà sao chép kinh này,
Ắt sanh cõi Bất Động.
Nếu vì cầu phúc lộc,
Dù chỉ trong một ngày,
Tụng đọc kinh điển này,
Ắt sanh cõi Bất Động.
Nếu vì đạo Vô thượng,
Trong suốt một ngày đêm,
Thọ trì tám trai giới,
Ắt sanh cõi Bất Động.
Những kẻ phạm cấm giới,
Hoặc chê bai Đại thừa,
Chớ chung đụng, gần gũi,
Ắt sanh cõi Bất Động.
Bố thí người bệnh tật,
Dù chỉ một trái cây,
Vui vẻ mà thăm nom,
Ắt sanh cõi Bất Động.
Không đoạt của bố thí,[42]
Khéo giữ vật cúng Phật,
Quét dọn nơi chùa tháp,
Ắt sanh cõi Bất Động.
Tạo tượng và tháp Phật,
Dù nhỏ như ngón tay,
Thường khởi lòng hoan hỷ,
Ắt sanh cõi Bất Động.
Nếu vì kinh điển này,
Mang thân thể, tài vật,
Cúng dường người thuyết pháp,
Ắt sanh cõi Bất Động.
Nếu nghe rồi sao chép,
Thọ trì và tụng đọc,
Nghĩa sâu kín Phật dạy,
Ắt sanh cõi Bất Động.
Lúc ấy, Bồ Tát Vô Úy bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Nay con đã biết được những nghiệp duyên tốt đẹp để sanh về cõi Bất Động.
“Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương vì thương xót khắp cả chúng sanh nên đã có lời thưa hỏi. Nếu Như Lai giảng thuyết việc ấy ắt có thể làm lợi ích, an lạc cho lồi người và chư thiên cùng các loài a-tu-la, càn-thát-bà, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già.”
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền bảo Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Đối với việc này ông nên hết lòng lắng nghe. Nay ta sẽ vì ông mà phân biệt giảng thuyết. Có những trường hợp: vì có nhân duyên nên chưa đến [là] không đến; vì có nhân duyên nên đến [cũng là] không đến; vì có nhân duyên nên không đến [cũng là] đến; vì có nhân duyên nên đến [là] đến.
“Do nhân duyên gì mà chưa đến [là] không đến? Thiện nam tử! Nói không đến đó là nói kẻ phàm phu chưa đến được Đại Niết-bàn vì có những sự tham dục, sân khuể, ngu si; vì các nghiệp thân, miệng chẳng trong sạch; vì nhận lãnh hết thảy những vật bất tịnh, phạm bốn tội nặng, chê bai phỉ báng kinh Phương đẳng, làm kẻ nhất-xiển-đề dứt mất lòng tin, phạm vào năm tội nghịch. Vì những nghĩa ấy nên [họ] chưa đến [là] không đến.
“Thiện nam tử! Do nhân duyên gì mà không đến [cũng là] đến? Không đến đó gọi là Đại Niết-bàn. Vì nghĩa gì mà [nói là] đến [được Đại Niết-bàn]? Đó là vì đã dứt hẳn tham dục, sân khuể, ngu si và những nghiệp ác của thân, của miệng; vì không nhận lãnh hết thảy những vật bất tịnh; vì không phạm vào bốn tội nặng; vì không chê bai phỉ báng kinh Phương đẳng; vì không làm kẻ nhất-xiển-đề đoạn dứt niềm tin; vì không tạo năm tội nghịch. Vì những nghĩa ấy nên gọi là không đến [cũng là] đến.
“Hàng Tu-đà-hoàn tuy chưa đến nhưng trải qua tám vạn kiếp thì đến; hàng Tư-đà-hàm trải qua sáu vạn kiếp thì đến; hàng A-na-hàm trải qua bốn vạn kiếp thì đến; hàng A-la-hán trải qua hai vạn kiếp thì đến; hàng Phật Bích-chi trải qua một vạn kiếp thì đến. Vì nghĩa ấy nên gọi là không đến [cũng là] đến.
“Thiện nam tử! Vì nhân duyên gì mà đến [cũng là] không đến? [Chỗ] đến đó gọi là hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu. Tất cả chúng sanh thường bị vô lượng phiền não trói buộc, che lấp, không ra khỏi được sự luân chuyển đến đi trong các cảnh giới ấy, như cái bánh xe quay tròn mãi, nên gọi đó là [chỗ] đến. Hàng Thanh văn, Duyên giác và các vị Bồ Tát đều đã vĩnh viễn dứt trừ [sự luân chuyển trong các cõi ấy] nên gọi là không đến. Nhưng vì muốn hóa độ chúng sanh nên thị hiện vào trong đó, cũng gọi là đến. [Vì nghĩa ấy nên nói rằng đến cũng là không đến.]
“Thiện nam tử! Vì nhân duyên gì mà đến [là] đến? [Chỗ] đến đó tức là hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu. Hết thảy phàm phu, từ Tu-đà-hoàn cho đến A-na-hàm, vì nhân duyên phiền não nên gọi rằng đến [là] đến [chỗ ấy].
“Thiện nam tử! [Về ý nghĩa] nghe được những điều không [thể] nghe cũng là như vậy. Có các trường hợp không nghe [cũng là] nghe, không nghe [là] không nghe, nghe [cũng là] không nghe và nghe [là] nghe.
“Thế nào là không nghe [cũng là] nghe? Thiện nam tử! Không nghe đó, gọi là Đại Niết-bàn. Vì sao [nói là] không nghe? Vì không phải pháp hữu vi, vì không phải âm thanh, vì không thể thuyết giảng. [Nhưng] vì sao cũng là nghe? Vì nghe được các danh xưng [của Đại Niết-bàn] như là thường, lạc, ngã, tịnh. Vì nghĩa ấy nên gọi rằng không nghe [cũng là] nghe.”
Lúc ấy, Bồ Tát ma-ha-tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Như Phật có nói, Đại Niết-bàn không thể nghe được, vì sao lại nói rằng thường, lạc, ngã, tịnh là có thể nghe được?
“Vì sao vậy? Thế Tôn! Người dứt trừ phiền não gọi là đạt được Niết-bàn, chưa dứt trừ thì gọi là không đạt được [Niết-bàn]. Vì nghĩa ấy nên tánh của Niết-bàn trước vốn là không mà sau thành có. Nếu pháp thế gian trước vốn là không mà nay thành có ắt phải gọi là vô thường. Ví như các loại bình chứa… trước vốn là không, sau lại thành có, đã có rồi sau lại [hư hoại] thành không, nên gọi là vô thường. Niết-bàn nếu cũng như thế thì sao lại nói là thường, lạc, ngã, tịnh?
“Lại nữa, bạch Thế Tôn! Thường thì hết thảy những việc do nhân duyên tu tập [trang nghiêm] mà thành đều gọi là vô thường. Niết-bàn nếu cũng như thế thì lẽ ra là vô thường. Là những nhân duyên gì [thành tựu Niết-bàn]? Đó là ba mươi bảy phẩm trợ đạo, sáu pháp ba-la-mật, bốn tâm vô lượng; là pháp quán tưởng tướng xương trắng, là pháp quán đếm hơi thở, là sáu niệm xứ, là phân tích chia chẻ sáu đại…[43] Những pháp như vậy đều là nhân duyên tạo thành Niết-bàn, cho nên [Niết-bàn] gọi là vô thường.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn! Sự hiện hữu gọi là vô thường. Nếu như Niết-bàn là hiện hữu, thì lẽ ra phải là vô thường. Như trước đây Phật có dạy trong kinh A-hàm: ‘Hàng Thanh văn, Duyên giác, các đức Phật Thế Tôn đều có Niết-bàn.’ Do nơi nghĩa ấy nên [Niết-bàn] gọi là vô thường.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn! Các pháp có thể nhìn thấy được gọi là vô thường. Như trước đây Phật có dạy: ‘Người nào thấy được Niết-bàn ắt đoạn trừ hết thảy phiền não.’
“Lại nữa, bạch Thế Tôn! Ví như hư không, đối với hết thảy chúng sanh đều bình đẳng không chướng ngại, nên gọi là thường. Nếu Niết-bàn là thường và bình đẳng, vì sao chúng sanh lại có kẻ được, người không được? Niết-bàn nếu là như thế, đối với chúng sanh không bình đẳng như nhau, ắt không thể gọi là thường.
“Thế Tôn! Ví như có trăm người cùng oán hận một người. Nếu kẻ bị oán hận ấy bị hại, ắt có nhiều người được vui. Nếu như Niết-bàn là pháp bình đẳng thì khi một người đạt được, lẽ ra cũng có nhiều người được; khi một người dứt trừ những sự trói buộc, lẽ ra cũng có nhiều người được dứt trừ. Nếu không phải như vậy, làm sao gọi là thường?
“Ví như có người cung kính cúng dường, tôn trọng, ca ngợi vị quốc vương hay vương tử, cha mẹ, sư trưởng… người ấy ắt được sự lợi dưỡng. [Việc] như vậy không gọi là thường. Niết-bàn cũng giống như vậy nên không gọi là thường. Vì sao vậy? Như Phật trước đây trong kinh A-hàm có dạy A-nan rằng: “Nếu ai thường cung kính Niết-bàn thì người ấy dứt trừ được phiền não trói buộc, thọ hưởng niềm vui vô lượng.’ Do nơi nghĩa ấy nên không gọi là thường.
“Bạch Thế Tôn! Nếu trong Niết-bàn có những danh xưng như thường, lạc, ngã, tịnh thì không gọi là thường. Còn như không có [những danh xưng ấy] thì [Niết-bàn] làm sao có thể thuyết giảng?”
Lúc ấy, đức Thế Tôn bảo Bồ Tát ma-ha-tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương: “Thực thể của Niết-bàn chẳng phải trước là không mà sau thành có. Nếu thực thể của Niết-bàn là trước không sau có thì ắt không phải pháp vô lậu thường trụ. Dù có Phật hay không có Phật thì tánh và tướng [của Niết-bàn] vẫn là thường trụ, chỉ vì chúng sanh bị phiền não che lấp nên không thấy được Niết-bàn, liền nói là không có. Hàng Bồ Tát ma-ha-tát dùng giới, định, tuệ, chuyên cần tu sửa trong tâm, khi dứt hết phiền não rồi liền thấy được Niết-bàn. [Vì thế] nên biết rằng Niết-bàn là pháp thường trụ, chẳng phải là trước vốn không mà sau thành có; vì thế nên gọi [Niết-bàn] là thường.
“Thiện nam tử! Ví như dưới giếng nước trong căn nhà tối, có đủ bảy báu. Người ta cũng biết là có, nhưng vì tối nên không nhìn thấy. Người khôn ngoan khéo biết phương cách liền thắp lên ngọn đèn lớn, mang đến soi sáng, thấy được tất cả. Người ấy đối với việc đó không hề nghĩ rằng: ‘Nước và bảy món báu trước là không mà nay thành có.’
“Niết-bàn cũng như thế, vốn luôn sẵn có, chẳng phải đến nay mới có. Vì phiền não tối tăm nên chúng sanh không thấy. Bậc Như Lai trí tuệ lớn lao khéo dùng phương tiện, thắp lên ngọn đèn trí tuệ, khiến cho các vị Bồ Tát thấy được Niết-bàn, thường, lạc, ngã, tịnh. Vì thế, người có trí tuệ đối với Niết-bàn không nên nói rằng trước vốn là không mà nay mới có.
“Thiện nam tử! Ông nói rằng do nhân duyên tu tập [trang nghiêm] mà được thành tựu Niết-bàn, nên [Niết-bàn] là vô thường. Nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy?
“Thiện nam tử! Thực thể của Niết-bàn là chẳng phải sanh ra, chẳng phải xuất hiện, chẳng phải chân thật, chẳng phải hư dối; không do sự tạo tác các nghiệp mà sanh, [nên] không phải là pháp hữu lậu, hữu vi.
“Niết-bàn cũng không phải nghe, không phải thấy; không sa đọa, không chết mất; không phải tướng riêng biệt, cũng không phải tướng tương đồng. Niết-bàn cũng không đi qua, không trở lại; không phải quá khứ, tương lai hay hiện tại; không phải duy nhất cũng không phải nhiều; không dài, không ngắn, không tròn, không vuông, không sắc nhọn, không tà lệch; không phải có tướng, cũng không phải không có tướng; không phải tên gọi, không phải hình sắc; không phải nhân, không phải quả; không phải ta và vật của ta.
“Vì những nghĩa ấy nên Niết-bàn là thường còn không hề biến chuyển, thay đổi. [Nhưng] phải dùng sự tu tập các pháp lành trong vô lượng a-tăng-kỳ kiếp để trang nghiêm tự thân rồi sau mới thấy được Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Ví như dưới lòng đất có [mạch] nước đủ tám vị[44] nhưng chúng sanh chẳng ai lấy được. Người có trí tuệ liền ra công đào xuyên qua đất, lấy được [mạch] nước ấy. Niết-bàn cũng giống như thế.
“Ví như người mắt mù không thấy được mặt trời, mặt trăng. Nhờ thầy thuốc điều trị rồi liền thấy được. Nhưng mặt trời, mặt trăng ấy không phải trước vốn là không mà nay thành có. Niết-bàn cũng thế, từ trước vẫn tự sẵn có, không phải đến nay mới có.
“Thiện nam tử! Ví như người có tội, bị trói giữ trong ngục tù, lâu lắm mới được thả ra. Khi trở về nhà liền thấy được cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc. [Những cha mẹ, anh em… đó thật không phải trước vốn là không mà nay thành có.] Niết-bàn cũng là như thế.
“Thiện nam tử! Ông nói rằng Niết-bàn là do nhân duyên mà có được nên lẽ ra phải là vô thường. Điều này cũng không đúng. Vì sao vậy?
“Thiện nam tử! Có năm loại nguyên nhân. Những gì là năm? Một là nguyên nhân sanh ra, hai là nguyên nhân hòa hợp, ba là nguyên nhân tồn tại, bốn là nguyên nhân tăng trưởng, năm là nguyên nhân bên ngoài.
“Thế nào là nguyên nhân sanh ra? Nguyên nhân sanh ra tức là các thứ nghiệp phiền não [trong tâm], các loại hạt giống cây cỏ bên ngoài. Những thứ ấy gọi là nguyên nhân sanh ra.
“Thế nào là nguyên nhân hòa hợp? Như tâm thiện với tâm thiện cùng hòa hợp; tâm bất thiện với tâm bất thiện cùng hòa hợp, tâm vô ký với tâm vô ký cùng hòa hợp. Đó gọi là nguyên nhân hòa hợp.
“Thế nào là nguyên nhân tồn tại? Như nhờ có những cây cột chống giữ bên dưới nên mái nhà không sập; núi sông, cây cối, nhờ có mặt đất chống giữ nên mới đứng vững; trong thân chúng sanh có bốn đại với vô lượng phiền não nên mới tồn tại. Đó gọi là nguyên nhân tồn tại.
“Thế nào là nguyên nhân tăng trưởng? Như nhờ có các điều kiện quần áo, thức ăn uống… nên chúng sanh mới tăng trưởng. Như các hạt giống ngoài trời nếu không bị lửa thiêu cháy, không bị chim ăn mất… thì mới được tăng trưởng. Như các vị sa-môn, bà-la-môn nhờ nương theo hòa thượng, thiện tri thức mà được tăng trưởng. Như con nhờ cha mẹ mà được tăng trưởng. Đó gọi là nguyên nhân tăng trưởng.
“Thế nào là nguyên nhân [khác] từ bên ngoài? Ví như nhờ có thần chú mà ma quỷ, chất độc đều không thể làm hại; như nhờ vị quốc vương mà không có giặc cướp; như hạt nảy mầm nhờ các điều kiện: đất, nước, độ ẩm, không khí…
“Như để làm ra món bơ sữa thì cần phải có nước, sự khuấy đảo, công người làm, đó là nguyên nhân [khác] bên ngoài. Như ánh sáng, hình sắc… là nguyên nhân bên ngoài của nhãn thức. Như tinh huyết cha mẹ là nguyên nhân bên ngoài của chúng sanh. Như các điều kiện thời tiết đều gọi là nguyên nhân bên ngoài.
“Thiện nam tử! Thực thể của Niết-bàn chẳng phải do năm loại nguyên nhân như vậy mà thành, sao lại nói rằng Niết-bàn là vô thường?
“Thiện nam tử! Lại có hai loại nguyên nhân, một là nguyên nhân tạo thành, hai là nguyên nhân làm rõ. Như các dụng cụ vòng, dây… của người thợ làm đồ gốm, đó gọi là nguyên nhân tạo thành. Như đèn, đuốc… soi sáng những vật trong chỗ tối, đó gọi là nguyên nhân làm rõ.
“Thiện nam tử! Đại Niết-bàn không do nhân tạo thành mà có, chỉ do nhân làm rõ [để thấy được]. Nhân làm rõ Niết-bàn là ba mươi bảy pháp trợ đạo, sáu pháp ba-la-mật… Đó gọi là nguyên nhân làm rõ, [vì nhân đó mà thấy được Niết-bàn.]
“Thiện nam tử! Bố thí là nhân Niết-bàn, chẳng phải là nhân Đại Niết-bàn. Pháp Bố thí ba-la-mật mới được gọi là nhân Đại Niết-bàn. Ba mươi bảy phẩm là nhân Niết-bàn, chẳng phải là nhân Đại Niết-bàn. Vô lượng vô số pháp trợ Bồ-đề mới được gọi là nhân Đại Niết-bàn.”
KINH ĐẠI BÁT NIẾT-BÀN
HẾT QUYỂN HAI MƯƠI MỐT
[5] Theo Nam bản thì từ đây bắt đầu quyển 19, phẩm Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương Bồ Tát thứ 22, phần 1.
[6] Chỉ riêng công đức thứ nhất này được trình bày suốt trong 3 quyển, từ quyển 21 đến cuối quyển 23.
[7] Nguyên bản ở đây dùng “bất văn”, nghĩa là “không nghe”, nhưng theo ý nghĩa được diễn giảng về sau thì chúng tôi hiểu đây là “không thể nghe”, tức là những điều “không thể giảng thuyết” (bất khả thuyết), là những ý nghĩa vượt ra khỏi phạm trù diễn đạt của ngôn ngữ thế gian.
[8] Tức là năm ấm: sắc, thọ, tưởng, hành và thức.
[9] Tức là 12 nhập, do sáu căn thiệp nhập với sáu trần.
[10] Tức là 18 giới, do sáu căn ở trong, sáu trần ở ngoài với sáu thức ở giữa.
[11] Luận Tỳ-đà, cũng đọc là Vi-đà, Phệ-đà, một bộ luận rất cổ của đạo Bà-la-môn, có từ trước thời đức Phật.
[12] Luận Tỳ-già-la, cũng đọc là Tỳ-da-yết-thích-nam hay Tỳ-hà-yết-lợi-nã, Hán dịch là Thanh minh ký luận, cũng là tên chỉ chung các bộ luận về ngữ học của thế tục.
[13] Luận Vệ-thế-sư , cũng đọc là Tỳ-thế-sư hay Phệ-thế-sử, Hán dịch là Thắng luận, một trong các bộ luận rất nổi tiếng của ngoại đạo thời đức Phật.
[14] Luận Ca-tỳ-la, cũng đọc là Ca-tỳ-lê hay Kiếp-tỳ-la, Hán dịch nghĩa là Hoàng đầu hay Xích sắc, đúng ra là tên của vị luận sư ngoại đạo đã chế tác bộ luận căn bản của phái Số luận, còn có tên là Tăng-khư luận, nêu lên ý nghĩa nhị thập ngũ đế. Ở đây lấy tên người làm tên bộ luận.
[15] Tỳ-phật-lược(Vaipulya), cũng đọc là Tỳ-phú-la, xếp thứ mười trong 12 bộ kinh, dịch nghĩa là kinh Phương quảng, lấy nghĩa “phương chánh quảng đại” (ngay thẳng chân chánh và rộng lớn). Xem chú giải về 12 bộ kinh ở trang 217, Tập 1.
[16] Đây nói tóm cả sáu pháp ba-la-mật: 1. Bố thí Ba-la-mật 2. Trì giới Ba-la-mật 3. Nhẫn nhục Ba-la-mật 4. Tinh tấn Ba-la-mật 5. Thiền định Ba-la-mật 6. Trí tuệ Ba-la-mật
[17] Tức là hai đức Pháp không ngăn ngại và Nghĩa không ngăn ngại, trong bốn đức không ngăn ngại của Bồ Tát được giảng rõ ở Tập 3. Hai đức còn lại là Lời lẽ không ngăn ngại và Vui thích thuyết diễn không ngăn ngại. Xin xem lại phần này bắt đầu từ trang 418 của Tập 3.
[18] Cách nói “là sắc… … cho đến là thức…” nghĩa là nói tóm về cả sáu căn và sáu thức. Ở đây nói sự nghi hoặc về tính tồn tại độc lập của căn, thức hay bản ngã.
[19] Tức cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng, là cõi trời thứ tư thuộc Sắc giới, là cõi trời cao nhất trong Tam giới, cũng gọi là cõi trời Hữu đỉnh (Hữu đỉnh thiên).
[20] Vị trời Tự tại (Tự tại thiên), phiên âm là Ma-hê-thủ-la, là vị thiên chủ ở cảnh trời cao nhất thuộc Sắc giới, cũng là cao nhất trong Tam giới, cũng gọi là Đại tự tại thiên. Ngoại đạo cho rằng chính vị này tạo tác ra hết thảy chúng sanh trong ba cõi.
[21] Đoạn trước có nói là Thanh văn và Phật Bích-chi, ở đây gọi là Duyên giác, vì hai tên gọi này là một. Bích-chi hay Bích-chi-ca là phiên âm từ tiếng Phạn là Pratyeka, còn Duyên giác là dịch nghĩa, vị này chứng ngộ do quán lý nhân duyên nên gọi là “duyên giác”.
[22] Đây nói tóm lược các chuyến đi ra ngoài thành của thái tử Tất-đạt-đa, kể đầy đủ trong các chuyến đi này thì ngài đã gặp một người già yếu, một người bệnh, một người chết và cuối cùng là một vị sa-môn sống cuộc sống không nhà. Thông qua đó ngài thấy rõ được rằng những nỗi khổ “sanh, lão, bệnh, tử” luôn bao trùm lên cuộc sống của tất cả mọi chúng sanh, và chỉ có con đường xuất thế mới có thể cứu thoát chúng sanh ra khỏi vòng sanh tử.
[23] Uất-đà-già, cũng đọc là Uất-đầu Lam-phất, Uất-đà-la La-ma tử hay Uất-đà La-già, Ốt-đạt Lạc-ca, Ưu-đà-la La-ma tử… đều chỉ là những cách đọc khác nhau để chỉ cùng một người, Hán dịch nghĩa là Mãnh Hỷ hay Cực Hỷ, là một trong các vị tiên nhân mà đức Phật đã tìm đến để hỏi đạo. Vị này tu thiền đã chứng đắc cảnh giới Phi tưởng định, được năm phép thần thông.
[24] A-la-la, cũng đọc là A-lam, A-lam-ca-lam hay Ca-la-ma, Hán dịch nghĩa là Tự đản hay Giải đãi, là vị tiên nhân mà đức Phật đã đến hỏi đạo trước tiên. Đức Phật đã ở lại chỗ vị này nhiều tháng, sau đó không hài lòng với giáo pháp do ông truyền dạy nên mới từ giã mà tìm đến chỗ ông Uất-đà-già. Khi Phật thành đạo, có ý muốn hóa độ các vị này trước hết, nhưng khi ấy thì các ông đều đã qua đời.
[25] Khoảng thời gian tu khổ hạnh này, Phật ở trong một khu rừng gọi là rừng Khổ hạnh (Khổ hạnh lâm), thuộc địa phận xứ Ưu-lâu-tần-loa, ngày nay nằm về phía đông của thôn Mục-chi-lân-đà, cho đến thời gian gần đây vẫn còn tồn tại một vùng cây rậm rạp ở đó.
[26] Sông A-lợi-bạt-đề. Các kinh sách khác đều gọi đây là sông Ni-liên-thiền, cũng đọc là Ni-liên-thiền-na. Đức Phật sau khi từ bỏ pháp tu khổ hạnh đã xuống tắm ở sông này. Kinh Quá khứ hiện tại nhân quả, quyển 3, quyển 4 kể rằng khi ngài xuống sông tắm rửa xong thì do thân thể quá suy nhược nên không thể lên được, liền có chư thiên xuất hiện nâng đỡ ngài lên, sau đó mới thọ nhận bát sữa cúng dường của nàng Nan-đà-ba-la.
[27] Ma Ba-tuần, cũng đọc là Ba-tuần-du hay Ba-ty-diện, Hán dịch nghĩa là Sát giả hay Ác giả, là tên gọi của Ma vương.
[28] Ba-la-nại (Vraṇasi), là địa danh thuộc miền Trung Ấn Độ cổ, nơi có khu vườn Lộc uyển mà đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên.
[29] Năm vị tỳ-kheo: là nhóm ông Kiều-trần-như, trước có cùng đức Phật tu khổ hạnh trong rừng, sau vì thấy Phật từ bỏ cách tu khổ hạnh nên cho rằng ngài đã thối chí, liền bỏ đi nơi khác. Do nhân duyên này nên đức Phật hóa độ cho năm vị này trước nhất. Đó là các ông: Kiều-trần-như, Át-bệ, Thập-lực Ca-diếp, Ma-nam Câu-ly và Bạc-đề.
[30] Nguyên bản Hán văn dùng “diệt nhất-xiển-đề”, ở đây phải hiểu là diệt tâm nhất-xiển-đề, tức là tâm bất tín, không có lòng tin nơi Tam bảo, nơi nhân quả.
[31] Nguyên bản dùng do-diên, là cách phiên âm khác của do-tuần.
[32] Bốn món báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê.
[33] Cảnh thiền thứ ba (đệ tam thiền): người tu thiền khi đạt đến cảnh thiền thứ ba thì thần thức vào ba cảnh giới là Thiểu tịnh thiên, Vô lượng tịnh thiên và Biến tịnh thiên, đều thuộc Sắc giới.
[34] Nước có đủ tám vị: cũng gọi là nước có tám công đức.
[35] Cảnh thiền thứ hai (đệ nhị thiền): người tu thiền khi đạt đến cảnh thiền thứ hai thì thần thức vào ba cảnh giới là Thiểu quang thiên, Vô lượng quang thiên, Quang âm thiên, đều thuộc Sắc giới.
[36] Trọng cấm: chỉ bốn trọng cấm, gồm giết hại, trộm cắp, dâm dục và nói dối.
[37] Năm tội nghịch: chỉ các tội giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, phá hòa hợp tăng và làm thân Phật chảy máu.
[38] Không định: phép thiền định quán sát thấy thật tánh của tất cả các pháp đều là không, không thật có tự tánh.
[39] Đa-la: tên cây phiên âm từ Phạn ngữ là tla, tên khoa học là borassus flabelliformis, mọc phổ biến ở Ấn Độ, Myanma, rỵ Lanka và một số vùng nhiệt đới thuộc châu Phi. Sách Tuệ uyển âm nghĩa nói rằng người xưa ước lệ chiều cao cây này là 10 trượng (tức 100 thước cổ) để làm đơn vị đo chiều cao. Nếu vậy thì ngang tầm một cây đa-la là khoảng hơn 30 mét, bảy cây là khoảng 210 mét.
[40] Nguyên bản Hán văn là “tạo chiêu đề tăng phường”. Danh từ chiêu đề viết đủ là chiêu-đấu-đề-xá, có nghĩa là bốn phương. Vì thế, chiêu đề tăng phường chỉ chung tất cả những nơi chư tăng cư trú khắp bốn phương.
[41] Đào giếng trên đường vắng, trồng cây trái rừng sâu: Do lòng vị tha nên làm các việc ấy, để khách đi đường vắng có giếng nước uống đỡ khát, người đi qua rừng sâu có trái cây ăn đỡ đói.
[42] Không đoạt của bố thí: nguyên bản Hán văn dùng “bất phạm tăng-man vật”. Danh từ tăng-man được dịch âm từ tiếng Phạn. Từ điển Đinh Phúc Bảo dẫn Giới sớ, quyển 2, tập thượng, ghi rõ danh từ này dịch nghĩa là “đối diện vật thí”, nhưng không thấy ghi nguyên ngữ. Như vậy, hiểu theo nghĩa này là “tài sản được bố thí trong hiện tại”. Các bản trước đây đều hiểu chữ tăng trong tăng-man là chỉ chư tăng, vì câu tiếp theo nói đến Phật. Nhưng như vậy thì chữ man (mái tóc mượt) ở đây hoàn toàn không có nghĩa.
[43] Sáu đại: sáu chất lớn, gồm tứ đại: địa, thủy, hỏa, phong, thêm vào hai đại nữa là không và thức. Theo vũ trụ quan này thì tất cả các sự vật hữu tình, vô tình đều do nơi sáu đại này tạo thành.
[44] Nước có tám vị, hay tám công đức, đó là: 1. Trừng tịnh: lắng gạn trong sạch; 2. Thanh lãnh: trong trẻo mát lạnh; 3. Cam mỹ: mùi vị ngon ngọt; 4. Khinh nhuyễn: nhẹ nhàng mềm mại; 5. Nhuận trạch: thấm nhuần tươi mát; 6. An hòa: yên ổn hòa nhã; 7. Trừ được đói khát và vô số khổ não; 8. Trưởng dưỡng thân tứ đại, tăng trưởng các thiện căn.