KỶ NIỆM KHÓ QUÊN
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học
Chị Như Đoan dáng người thanh thanh, thuộc hàng mỹ nhân Viên Chiếu, nữ bác sĩ Trường mỗi lần ra thăm đều gọi chị là: “Người đẹp của tôi”. Có lần nhìn chị, tôi buột miệng châm chọc:
– Đúng là dân miền Trung, mặt mày toàn núi đồi không hà…
Chị đáp lễ:
– “Cậu” cũng rứa, có khác chi mình mô?
Lần đầu tiên gặp chị tôi đã bị quê một trận. Lúc đó chùa mới sắm xe ba bánh. Thấy xe ba bánh, đại chúng ai cũng hí hửng leo lên đạp, nào ngờ nó khó điều khiển và “ngang như cua”. Phải mất một lúc mới thuần phục được nó. Ngay thời điểm này chị Như Đoan “đầu quân” vào Viên Chiếu, chuyến công tác đầu tiên, chị được cắt đi chở hàng chung với tôi. Đường Viên Chiếu lồi lõm khúc khuỷu, người thì lo đạp, bẻ lái… người thì phụ đẩy, ít khi đèo nhau… do xe chở quá nặng nên một người đạp kham không nổi, cần có vài người phụ đẩy kèm theo. Cuộc hành trình xem như phải lội bộ đoạn đường dài năm bảy cây số, do vậy mà người đạp cần khéo lái, nếu không xe sẽ dạt tứ, xô tam.
Lúc đó tôi chỉ mới 17-18 tuổi, lốc chóc lanh chanh. Tôi nghĩ chị là tân binh, gặp xe ba bánh tất nhiên là không rành lái, nên lên mặt… chỉ bày, huyên thuyên cảnh báo, giải thích lung tung, thậm chí còn lái biểu diễn để chị… học theo. Chị Như Đoan chỉ cười tủm tỉm không nói gì, tới hồi tôi tuột xuống yên, giao xe cho chị cầm lái, chị leo lên đạp, điều khiển xe chạy thẳng bon, không hề lao trái nhào phải… gì như hồi tôi đạp xe ba bánh lần đầu, nhìn chị bẻ lái nhuần nhuyễn, tôi bỗng thấy quê dữ và hết ra vẻ ta đây.
Chị Như Đoan có giọng tụng kinh rất hay, mọi người thường xếp loại: “Trong chùa này… nhất Thiện nhì Đoan” – Ai cũng bảo cô Giải Thiện giọng “chuông”, còn chị Như Đoan giọng “khánh”. Chuông, khánh… gì thì tôi chẳng biết, nhưng phải nhìn nhận là chị Như Đoan có giọng hát rất tuyệt. Mỗi lần chị hát bài “Bông hồng cài áo” chúng tôi đều im lặng lắng nghe, hồn vía như bị âm thanh mượt mà của chị thu hết.
Thời lao tác tất bật, chỉ có những ngày đầu xuân là thong thả, công tác được giảm thiểu tối đa, tưới rẫy tưới rau xong, chúng tôi xúm xít ngồi lại bên nhau, ăn mứt, ca hát. Còn dẫn nhau đi qua mấy cái am, cốc lân cận ăn tiệc, chúc Tết. Lần ấy, chúng tôi đi “dự yến” ở cốc chị Ngọc. Lúc này cả khu rừng đều đổi sắc, cây lá khoác áo mới xinh tươi, hoa nở đầy, duyên dáng nghinh xuân.
Chị Đoan được yêu cầu hát rất nhiều bài, khi chị hát đến bài “Mưa trên phố Huế”… âm thanh vút cao, chị ngân nga nhấn nhá “Chiều mưa… phố buồn”… sâu lắng, thiết tha… đến độ những người dân bên suối chịu hết nổi phải quýnh quáng chèo thuyền qua, họ ghé lên bờ xong, e dè không dám vào mà áp sát sau vách để nghe trộm… rồi xì xào chắc lưỡi hít hà khen hay. Tức nhiên đôi tai chuột của tôi dỏng lên nghe rõ hết (thấy người ta ngưỡng mộ chị tôi cũng khoái như thể họ khen mình). Tôi vừa lắng nghe vừa phóng mắt quan sát, thầm biết những kẻ nghe lén hẳn cũng đang bị hớp hồn như những người được nghe công khai. (Chị hát dám… hay hơn ca sĩ chứ chẳng chơi!).
Ba mươi năm trôi qua, chỉ còn một số ít chúng cũ trụ lại Viên Chiếu, phần đông dạt tứ tán, người thì đi Trụ trì, bổ xứ hoặc ra am cốc riêng. Chỉ có gần ngày giỗ Sư ông mới họp mặt đầy đủ. Nhóm chúng cũ tìm đến “đại náo” cốc tôi. Lâu lắm rồi chúng tôi mới gặp lại nhau. Tia nhìn càng ấm hơn để bù lại cho xác thân lạnh lẽo già nua.
Chị Như Đoan mách tôi: Hạnh Đoan này, mình vừa bệnh suýt chết đấy. Cả hai lần xém ngoẻo đều được Hạnh Như giải cứu kịp thời…
– Chèn ơi! May quá hả? Nhưng chuyện xảy ra như thế nào?…
Chị Hạnh Như lên tiếng:
– Đoan nhớ hồi đó làm ruộng xong mình hay xuống suối tắm không?
– Nhớ!…
Chuyện là thế này, hồi đó mỗi lần ra ruộng về quần áo thần dân Viên Chiếu tẩm đầy bùn, nổi chính xác hơn là bùn bao bọc y phục, dính lên đến cả mặt mày và chẳng thau chậu nào có thể kham giặt giũ và có thể giúp giải quyết sạch sẽ những y phục bê bết bùn đó… ngoài con suối phía sau chùa.
Thường thì mỗi khi kiểng xả công tác đổ hồi, chúng tôi vác cuốc về, ai nấy đều ghé vào chiếc cầu bắc xuống suối, gột rửa, tẩy giặt, thậm chí… bơi trong suối để bùn trôi hết.
Khi cuốc đất khắp người dính đầy bùn thì ít thấy lạnh, nhưng kiểng xả công tác vừa đổ hồi, vác cuốc lên vai đi mới thấy lạnh thắt thẻo… vì gió chở đầy hơi rừng, ào ào thổi tới… (Đợi vào được chỗ cây cầu nhỏ bắc xuống suối thì quá xa), trong khi đó, cây cầu Dương Chỉ, (giống dạng cầu khỉ, cao nhồng, cách mặt nước gần hai mét), thì đang ở gần ngay trước mặt. Làn nước trong xanh phía dưới đầy mời gọi rủ rê… khiến chúng tôi “cầm lòng không đặng” ai cũng có chung một ước muốn mỗi khi bước qua cầu: thèm được lao xuống nước ngay tức khắc để tắm táp và gột rửa…
Thế là chúng tôi cùng vất cuốc sang một bên. Rừng lá xanh ngắt một màu, quanh đây lúc này chỉ có chúng tôi ngự trị (Không! – Có thêm mấy con khỉ nhỏ núp sau lùm tre ở xa xa nữa chứ!)… vì vậy mà chúng tôi chẳng chút e dè, tha hồ nghịch đùa, mỗi người lần lượt bước lên cầu… và lao thẳng thẳng xuống dòng nước.
Sau mỗi cú nhảy là một trận cười.
Chi Như Đoan lúc này cảm thấy hưng phấn tràn trề khi chứng kiến cảnh bạn bè quanh mình “bay”… xuống suối quá đẹp mắt. Tất nhiên chị không nhịn được, bắt chước… biểu diễn ngay “một màn ngoạn mục” tiếp theo. Đầu tiên chị báo hiệu cú nhảy bằng một tràng cười sảng khoái. Tôi đã nói là tiếng chị cười nghe rất thích. (Nhỏ Hương thường bảo chị cười oai như vua). Nhưng lần này giai nhân Như Đoan đã làm mọi người điên đảo thần hồn khi nàng:
Qua cầu dừng bước trên cầu
Ngắm người lao xuống, nàng nhào theo luôn.
Vâng! “Nàng” cũng “bay” xuống suối thật đẹp như bao người, khác chăng là nàng trồi lên hụp xuống ngót mấy lượt, miệng há ra… táp nước lia lịa… và… chìm lỉm, đợi hoài cũng không thấy nổi lên.
Lúc này Hạnh Bửu, Tịnh Niệm đều bật khóc. Tịnh Niệm mếu máo la inh ỏi:
– Chị Như Đoan chết rồi!… Hu hu!… Chị Như Đoan chết rồi! Ai xuống cứu chị ấy đi! Hù hu!…
Hạnh Như thấy tình thế nguy ngập vội nhảy ùm xuống suối… lặn vớt chị Đoan lên.
Mặt chị Đoan trắng bệch, không còn chút máu. Sau màn sơ cứu, chi nôn thốc nôn tháo nước ra. Mọi người chất vấn chị:
– Này! Có biết bơi không vậy?
– Không!
– Trời đất ơi! Không biết bơi?… Tại sao lại nhảy xuống…?
Chị Đoan thều thào:
– Có biết chi mô nà? Thấy ai nhảy xuống suối cũng nổi hết, em tưởng mình cũng vậy, ai ngờ tới phiên em, nó lại chìm? (Lúc này chị Đoan tuổi đã ba mươi).
– Ối trời ơi…!
Qua kinh nghiệm trên, xin cảnh báo với quý vị: Mỗi khi ra tắm biển hay tắm sông, nếu thấy người bên cạnh mình lao vào nước rất hăng hái, còn nhào tuốt ra xa thật xa, bộ dạng rất gan dạ, hầu như không biết sợ là gì, thì quý vị… nhớ kiểm tra xem họ có… biết bơi không? Để tránh lâm vào tình huống phải… lặn kiếm vớt họ. Gặp dòng chảy bình lặng …hiền hòa thì may ra dễ cứu. Nhưng nếu biển động, sóng cao rất nguy hiểm. Có lần cả tập thể ra biển, tôi thấy “tả phù hữu bật” quanh mình nhào ra biển rất hăng, rất xa. Tới hồi phỏng vấn nghe họ đáp là “không biết bơi” thì tôi… xém xỉu, vội năn nỉ xin họ lui vào bờ… làm phước, vì những “yên hùng” vô tư này tuy chòi, đạp, quơ quào… rất hăng nhưng hoàn toàn không biết chút thuật bơi lội nào và nếu khinh suất… gặp sự cố xảy ra, họ có thể bị những đợt sóng cuồng cuốn phăng mất hút…
Vậy đó! Viên Chiếu có rất nhiều chuyện đặc biệt, không giống ai nhưng làm người ta nhớ đời.