TÂY-PHƯƠNG NHỰT-KHÓA
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
soạn thuật
Chớ quản gió-sương sông-núi cách,
Hoa sen Bảo-Tích sắc hương-mầu(1)
THAY LỜI TỰA…
Ba năm về trước, khi bổn-sư (và cũng là chú ruột)của tôi là cố Hòa-Thượng Đại-Ninh THÍCH THIỀN-TÂM viên-tịch, trong buổi lễ thọ tang ngài tôi có dâng lời nguyện trước giác-linh Hòa-Thượng cầu xin ngài chứng-minh và gia-hộ cho tôi – vừa là đệ-tử và cũng là cháu ruột của ngài – được đầy đủ đạo-lực cùng minh-tâm, kiến-tánh thêm hơn để nối-tiếp theo gót chân ngài, hoằng-dương pháp môn Tịnh-độ nơi hải-ngoại ….
Sau khi ấy, tôi tự-nghĩ lại, thấy mình nghiệp chướng hãy còn nhiều, tài, đức kém, bước đường tu-hành hãy còn sơ-bạc mà sự-nghiệp tịnh-độ của ngài lưu-lại thì quá lớn-lao, cho nên trong tâm cũng có đôi-phần e-ngại …
Chợt nhớ lại thời-gian trước kia, khi đóng-cửa thất ẩn-tu vĩnh-viễn, với tấm lòng bi-mẫn cho các hàng Phật-tử về sau, ngài đã có soạn ra một nghi-thức “Mật-Tịnh song-tu” dưới tên là: “TÂY-PHƯƠNG NHẬT KHÓA” để cho các hành-giả tu Tịnh-độ trong thời buổi mạt pháp sau nầy có được một pháp-nghi thích-hợp và một đường lối chơn-chánh tu-hành trên bước đường về nơi Lạc-quốc, nên tôi nảy sanh ra ý định là sẽ tái-bản lại quyển nghi-thức đặc-biệt nầy, trước là cúng-dường lên giác-linh Hòa-thượng và sau nữa để hiến-dâng cho các hàng liên-hữu có được thêm phương-tiện tu-trì.
Tuy nói là tái-bản lại, nhưng thấy vì trong phần chánh-văn, cố Hòa-thượng có dùng nhiều danh-từ chuyên-môn Phật-học (theo Âm-Hán Việt)có ý-nghĩa tương-đối cao-thâm mà các hàng Phật-tử trẻ tuổi, tân-học ngày nay thì lại không rành về chữ Hán – khó có thể nào hiểu biết cho trọn nghĩa được, e rằng quý-vị ấy kém hoan-hỷ mà bỏ phế việc tu-hành(theo nghi-thức)chăng ?
Kế nữa lại có đương-kim hội-trưởng, kiêm trưởng-ban hoằng-pháp và nghi-lễ của chùa Pháp-Hoa Tucson, Arizona là Ưu-bà-di BẢO-ĐĂNG đã có đến gặp tôi và trình-bạch lên ý-định: Xin thỉnh-cầu tôi chú-giải thêm một ít phần về các thâm-nghĩa trong chánh-văn của ngài và chú-thích lại các danh-từ Phật-học khó-khăn hầu cho các Phật-tử sơ-cơ có thể nhân nơi đó được hiểu thêm mà phát-tâm tu-học nhiều hơn nữa…
Tôi hoan-hỷ chấp-nhận.
Vì thế nên quyển nghi-thức “TÂY-PHƯƠNG NHẬT-KHÓA” tái-bản lần nầy có thêm các phần chú-giải đặc-biệt – Những mong các bậc thức-giả, cao-minh khi đọc đến tùy-thời phủ-chánh cho, nếu như trong đó vương phải điều chi sơ-xuất, sai-lầm. Tôi thật vô-vàn cảm đội …
… Khách bộ-hành khi đi trên con đường gập ghềnh, hiểm-nạn, dưới ánh dương-quang thiêu đốt, chói-chang, tất-nhiên ai cũng muốn tìm đến chỗ bằng-phẳng có nhiều bóng cây râm-mát để tĩnh-dưỡng, nghỉ-ngơi, thì người Phật-tử học Phật (nói riêng)và con người (nói chung)cũng thế, nếu như quả-nhiên cảm nhận thấy rằng cuộc sống hiện-tại của mình có quá nhiều nỗi vất-vả, khổ đau, mê-muội, càng ngày càng chồng-chất thêm nhiều, ắt-nhiên trong tâm ai cũng đều phát ra ý-niệm muốn quay về con đường đạo-đức, tìm pháp-mầu tu-hành giải-thoát cho sớm ra khỏi vòng sanh-tử, ưu-bi…
Thuở-xưa, trong thời Tây-Hán – lúc Hán-Sở tranh-hùng – Trương-Lương (Trương-Tử Phòng)thổi tiêu cùng các tùng-nhơn hát khúc Sở-ca, mà Sở-binh động lòng nhớ quê-hương, tan-rã bỏ về nhà …
Thì ở nơi đây cũng thế …
Qua lời Phật dạy về pháp-môn Tịnh-độ nói chung và riêng cho quyển “TÂY-PHƯƠNG NHẬT KHÓA – MẬT TỊNH PHÁP-NGHI” nầy – Nếu quả như chư liên-hữu nhận thấy nơi cõi Ta-bà, chúng-sanh chúng-ta cứ mãi sống trong vòng khổ-não, nhơ-ác của thân-tâm cùng ngoại-cảnh, tin biết rằng có một quốc-độ tên là Cực-lạc mãi-mãi trường xuân … nơi phương Tây của thế-giới Ta-bà nầy – Một quốc-độ sáng đẹp, mầu-nhiệm và trang-nghiêm trong bổn-tánh “Diệu-minh chơn-thể” – tất-nhiên đều phát-tâm nô-nức, cầu được sanh về …
Pháp-môn Tinh-độ đây, đích-thực là con thuyền giải-thoát quý-báu duy-nhất cho chúng-sanh trong thời buổi mạt-pháp, rốt-ráo sau nầy, không gì hơn được. Bởi thế, trong kinh Vô-Lượng Thọ, đức bổn-sư đã dạy bảo rằng:
– “Có vô-lượng Bồ-tát ở mười phương thế-giới rất muốn nghe kinh nầy mà không được … giả-sử khắp cõi Đại-thiên, lửa đỏ cháy hừng, vì muốn cầu pháp-môn tịnh-độ nầy mà phải vượt ngang qua nơi ấy, cũng nên mong cầu” …
Qua lời dạy trên, ta có thể hiểu rõ được giá-trị của pháp-môn tịnh-độ nầy quý-báu biết là dường nào rồi.
Nay ta và tất-cả mọi người đang sống ở trong vòng nhiệt-não của thân-tâm và thế-giới, mà lại được nghe, được biết pháp-môn niệm Phật nầy thì đó là một điều đại hân-hạnh vậy. Phải nên tinh-tấn, trước là noi theo gót chân chư vị Liên-tông Tổ-sư cùng gương sáng của các bậc tôn-đức vãng-sanh có ghi trong các quyển: Đường về Cực-lạc, Mấy điệu sen-thanh vv… và sau nữa là gương vãng-sanh hiện đại của soạn-giả quyển nghi-thức nầy: Vô-Nhất Đại-Sư THÍCH THIỀN-TÂM Hòa-thượng – mà phát-tâm tinh-tấn, tu hành nhiều hơn nữa để cầu được vãng-sanh về miền An-dưỡng, xa lánh nẻo luân-hồi phiền-lụy, khổ đau … Chớ nên thờ-ơ, xao-lãng mà uổng-phí tháng ngày …
Xin vì những người đã có duyên may biết được và tu-tập theo pháp-môn tịnh-độ, cùng các hữu-duyên nhơn gặp được pháp-môn tu-tập quý-báu trong quyển “TÂY-PHƯƠNG NHẬT-KHÓA / MẬT-TỊNH PHÁP-NGHI” nầy, mà chúc mừng rằng:
“Chìm trong biển nghiệp,
Gặp chiếc từ hàng:(1)
Giữ lòng thành-kính,
Quy-mạng Giác-Hoàng. (2)
Mê-tân thệ tách, (3)
Bờ giác bước sang.
Tín, nguyện, hạnh chuyên, (4)
Lễ Vô-Lượng Quang. “
(Lược theo ý của Vô Nhất Đại-sư THÍCH THIỀN-TÂM Hòa-thượng)
Niệm Phật Tăng
THÍCH HẢI-QUANG
(Nhi-tôn đệ-tử)
Cẩn-bút.
Ghi-chú:
(1) Từ-hàng: là chiếc thuyền từ (thuyền bát-nhã)của chưa Phật, chư Bồ-tát với chúng-sanh trong bể khổ trầm-luân.
(2) Mê-tân: là bến mê, bờ sanh-tử …
(3) Giác-Hoàng hay gọi cho đủ là: – Giác-Hoàng Điều-Ngự – đây là một danh-xưng khác nửa để gọi cho chư Phật (nói chung)và riêng cho đức A-DI-ĐÀ Như-lai nơi Cực-lạc quốc.
(4) Tín, nguyện, hạnh:là 3 điều cần yếu không thể thiếu được của pháp-môn Tịnh-độ.
Tín: là tin-tưởng có cõi Cực-lạc và Phật A-DI-ĐÀ…
Nguyện: là phát nguyện được sanh về (Cực-lạc).
Hạnh: là sự thực hành (niệm-Phật).
Trong 3 điều nầy thì:
– Tín, Nguyện: Thuộc về LÝ.
– Hạnh: Thuộc về SỰ.
Đầy-đủ hết LÝ – SỰ thì được vãng-sanh.
SƠ-LƯỢC VỀ TIỂU-SỬ Của CỐ HÒA-THƯỢNG SOẠN-GIẢ (Thân-thế và đạo-nghiệp)
I. THÂN-THẾ:
Hòa-Thượng pháp-danh là THÍCH THIỀN-TÂM pháp-hiệu LIÊN-DU, pháp tự VÔ-NHẤT, húy danh NGUYỄN NHỰT-THĂNG, xuất-gia vào năm ẤT-DẬU (1945)với đại-lão Hòa-Thượng THÍCH THÀNH-ĐẠO, tại chùa Sắc-Tứ Linh-Thứu (Xoài-Hột, Mỹ-Tho), thuộc dòng Lâm-Tế chánh-tông đời thứ 43.
Hòa-Thượng sanh năm ẤT-SỬU (1925)tại xã Bình-Xuân, quận Hòa-Đồng, tỉnh Gò-Gông (hiện nay là tỉnh Tiền-Giang). Thân-phụ là cụ ông Nguyễn Văn-Hương, thân-mẫu là cụ-bà Giác-Ân Trần thị-Dung.
Ngài là người con trai thứ ba trong số bốn người con trai của gia-đình.
II. THỜI-GIAN HỌC ĐẠO:
– Năm 1945: Hòa-Thượng xuất-gia tại SẮC TỨ LINH-THỨU TỰ.
– Năm 1948: Hòa-Thượng thọ Sa-di giới.
– Năm 1950: Hòa-Thượng thọ Cụ-túc đại giới tại giới đàn Ấn-Quang.
– Năm 1951: Hòa-Thượng hoàn-tất chương-trình Trung-đẳng Phật học tại Phật học-đường Liên-Hải và Ấn-Quang.
– Năm 1954: Hòa-Thượng hoàn-tất chương-trình Cao-đẳng Phật học tại Phật học-đường Nam-Việt với hạng tối-ưu.
– Năm 1955-1964: Hòa-Thượng nhập-thất tịnh-tu qua các trụ-xứ tại Cái-Bè, Vang Quới (Mỹ-tho)và (Bến-Tre).
– Năm 1964: Hòa-Thượng triệu-hồi của giáo-hội, ngài trở về Sài gòn đảm-nhận việc thành-lập và giữ chức-vụ Giám-đốc Viện Cao-đẳng chuyên-biệt Phật-học tại An-Dưỡng-Địa, Phú-Lâm (tức là chùa Huệ-Nghiêm hiện nay).
– Phụ-trách phân-khoa Phật học tại Viện Đại-học Vạn-Hạnh. (Giáo-thọ dạy Duy-thức học).
– Giáo thọ sư tại các ni-trường Dược-Sư, Từ-Nghiêm.
– Năm 1967: Hòa-Thượng về Đại-Ninh kiến-lập Hương-Quang tịnh-thất, chuẩn-bị ẩn-tu.
– Năm 1968: Chánh-thức hoàn-trả chức-vụ lại cho Viện Hóa-Đạo, về hẳn tại Phú-An, Xã Phú-Hội huyện Đức Trọng, Tỉnh Lâm-Đồng, bế quan tịnh-tu.
– Năm 1970-1974: Qua sự tha-thiết thỉnh-cầu của tứ-chúng ngài tạm thời ra thất, kiến lập Hương-Nghiêm Tịnh-Viện(cho chư tăng)và Phương-Liên Tịnh-Xứ (cho chư ni). Mở khóa tu-học Tịnh-Độ chuyên-biệt tại 2 đạo-tràng nầy trong 3 năm liên-tiếp.
– Từ năm 1975-1992: Hòa-Thượng hoàn-toàn viễn-ly với bên ngoài, bế quan tịnh-tu vô thời-hạn. Ngài dự biết trước ngày giờ vãng-sanh hơn 6 tháng.
… Đến 4 giờ sáng ngày 21/11 Âl năm Nhâm-thân, (1992)Hòa-Thượng cho gọi thị-giả và cũng là trưởng-tử của ngài là ni-sư Thích-nữ THANH-NGUYỆT, triệu-tập các môn-đồ, pháp-quyến vào trong tịnh-thất hộ-niệm.
Đúng 6 giờ 15 phút sáng ngài lưu lại kệ sau cùng và an-nhiên thị-tịch ngay trên bản-tọa.
Đại-sư hưởng thọ tuổi đời 68, tăng-lạp 48.
Ngài là một cao-tăng đắc-đạo và được vãng-sanh Cực-lạc duy-nhất trong thời buổi cận-đại nầy.
Ngoài các công-nghiệp Tịnh-độ ra, Hòa-Thượng còn có lưu lại một hạt Ngũ Sắc Kim-Cang nha-xỉ Xá-Lợi. (Một răng-cấm 5 màu còn nguyên vẹn cứng như kim-cương, được bảo-toàn kỹ-lưỡng).
III. ĐẠO-NGHIỆP:
Hòa-Thượng đã lưu lại cho đời một số kinh-sách (đại-lược sau đây):
a. Phiên-dịch:
– Đại-bi tâm Đà-ra-ni kinh.
– Quán vô-lượng-thọ kinh.
– Đại-nhựt kinh.
– Quê-hương Cực-Lạc.
– Tịnh-độ thập-nghi luận.
– Thiện-ác nhân-quả báo-ứng kinh.
– Nhân-quả luân-hồi tạp-lục ký.
– Tam-Bảo cảm-ứng yếu-lược lục.
– Lá thơ Tịnh-độ.
b. Soạn-thuật:
– Duy-thức học cương-yếu.
– Phật-học tinh-yếu (1-2-3).
– Tịnh học tân-lương (1-2-3).
– Niệm-Phật thập-yếu.
– Mấy điệu sen-thanh (1-2-3-4-5-6-7).
– Tây-phương nhật-khóa.
– Tịnh-độ pháp-nghi … vv …
(Riêng quyển “Niệm-Phật thập-yếu” được xem như là một quyển sách hoằng-dương Tịnh-độ có giá-trị bậc nhất hiện-thời).
c. Trứ-tác:
– Thiền-Tâm thi-tập (gồm hơn ngàn bài-thơ đạo đủ các thể loại).
– Ẩn-tu ngẩu-vịnh, bá bát thi.
Hòa-Thượng là một đại tôn-sư hoằng-dương cả 2 pháp-môn Tịnh-độ cùng Mật-tông lững-lẫy nhất của Phật-giáo Việt-Nam đương-kim.
Sự “hoàn-nguyên” của ngài một mất-mát vô-cùng lớn-lao của giáo-hội, và để lại cho toàn-thể tăng, tín-đồ Việt-Nam ở khắp mọi nơi vô-vàn nhớ-nhung, thương-tiếc…
Pháp-Hoa Tự
Tucson, Arizona ÚA
Ưu bà-di BẢO-ĐĂNG
(Lược-thuật)
THƠ …
TÂY-PHƯƠNG NHẬT-KHÓA ĐỀ-VỊNH …
Muôn-luận, ngàn kinh nghĩa rối phiền,
Tây-Phương Nhật-Khóa hậu lưu-truyền.
Thiền-Tâm, Vô-Nhất chuyên lòng soạn,
Hải-Quang Đại-Đức giải lời khuyên
Nhắn ai Liên-hữu người tu TỊNH,
An-dưỡng cầu sanh chớ lạc miền.
A-DI-ĐÀ PHẬT tâm luôn niệm.
Chín phẩm đồng quy vĩnh-viễn yên.
Tuyển trong kinh-luận những lời hay,
Giải-thích xem xong động cảm hoài.
Chớ nói nhà xưa về chẳng được,
Tây-Phương Nhật-Khóa chỉ đường ngay.
A-DI sáu chữ bày tông-chỉ,
Mười vạn ức đường thẳng tắt bay.
Tam-thánh đài sen trao đở gót.
Lìa xa sanh-tử, vững lòng thay.
Nghiệp sạch, tình không chẳng dễ gì,
PHÁP-VƯƠNG nguyện-lực bất tư-nghì.
Chín-phẩm sen vàng, ba cảnh-giới, (1)
Quyết chí về Tây tắm bảo-trì.
TÂY-PHƯƠNG Nhật-Khóa bày hương-lý,
THANH-LƯƠNG cố-quốc thẳng đường đi.
Lãng-tử hồi quê ôi thỏa-dạ,
Cha lành xem lại THIỆT A-DI.
Trọng Đông, Bính-Tý niêm.
Ngày mồng một tháng giêng.
Trưởng-ban
Hoằng-pháp và nghi-lễ
Pháp-Hoa Tự, Tucson – Arizona
THÍCH HẢI-QUANG trưởng-tử.
Ưu bà-di BẢO-ĐĂNG.
(Cẩn-đề)
LỜI KHẨN-NGUYỆN CỦA NGƯỜI GIẢI-THÍCH
Kính lạy Tây-phương Tam Thánh-Tôn,
Trí-quang nguyền chiếu phá mê-hồn.
Nguyện-lực, từ-bi xin tiếp-độ,
Liên-hữu đồng quy cửu phẩm môn.
Trọng-đông, Bính-Tý niên.
PHÁP-HOA TỰ, Tucson – Arizona.
THÍCH THIỀN-TÂM, môn-hạ.
Mạt học, Niệm-Phật tăng.
THÍCH HẢI-QUANG
Kính-bái.
(1) – Ba cảnh giới là:
– Phàm thánh đồng cư độ (3 phẩm sen HẠ)
– Phương-tiện hữu-dư độ (3 phẩm sen TRUNG)
– Thật-báo trang-nghiêm độ (3 phẩm sen THƯỢNG)
Ba cảnh giới này bao gồm hết chín phẩm sen.