THÀNH TÂM ĐỂ THÀNH CÔNG
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dich: Thích Quang Định
THIÊN THỨ NHẤT
ĐA TÌNH CẦN ĐÚNG LẼ
Trời Đất Mênh Mông, Đâu Người Tri Kỉ?
Đã bao giờ bạn tự hỏi bên cạnh mình có bao nhiêu người bạn chưa? Liệu có phải người mà chịu đựng sự cáu giận, bực tức, lắng nghe những lời tâm sự sẽ trở thành bạn của mình?
Đạo nghĩa bằng hữu chân chính trong cuộc đời này nên tìm kiếm nơi đâu? Những người bình thường chỉ mong kết giao với bằng hữu tốt, những bằng hữu có thể giúp đỡ mình, những bằng hữu có chí hướng hợp nhau. Nhưng nếu những ai nghe theo tôi, đứng cùng trận tuyến với tôi chính là bằng hữu; ngược lại, dù cho là tri kỷ hảo hữu nhiều năm, một khi nếu có lập trường bất đồng, quan điểm hay cách nghĩ không giống nhau thì rất có thể hiểu nhầm đối phương, cho rằng đối phương phản bội quay lưng lại, bán rẻ bạn bè.
Người xưa có câu “tri âm đã khó, tri tâm khó hơn”, tức tìm bạn tri âm rất khó, tìm bạn tri tâm lại càng khó hơn; cuộc đời của mỗi con người, rất khó tìm được bằng hữu tốt. Có rất nhiều người tự cho rằng mình có rất nhiều bằng hữu tốt, nhưng có thể đó chỉ là bạn bè rượu chè chơi bời, hoặc chỉ là người có lợi cho mình lúc đó thôi.
Nhưng có rất nhiều người khi kết giao bạn bè họ không nhất định tìm người có thể giúp đỡ mình, mà họ chỉ cần tìm người trút bầu tâm sự, lắng nghe những khó khăn mà họ đang mắc phải, hoặc chỉ để nói chuyện phiếm, hoặc chỉ để bàn bạc tranh luận về vấn đề nào đó, khi bản thân cảm thấy trong lòng trống trải và nhận thấy đó là bằng hữu của mình. Thực tế là, những kểu bạn bè như vậy chỉ có thể hầu chuyện bạn, lắng nghe khó khăn của bạn, hùa theo bạn mà thôi, họ không giúp được gì nhiều cho bạn.
Theo Khổng Tử thì “ích giả tam hữu”, tức trên đời này có ba loại bạn tốt giúp ích được cho ta, đó là người thẳng thắn cương trực, người bao dung thứ tha, và người nghe nhiều biết rộng. Bằng hữu chân chính là người cùng giúp đỡ phù trợ nhau, cùng dìu dắt nhau, cùng cổ vũ động viên nhau, cùng khuyên nhủ nhau, và cùng nhau hành thiện.
Vì vậy, bằng hữu chân chính cũng là việc anh ta tự nguyện giúp đỡ bạn, trợ giúp bạn, lúc cần thiết còn có thể khuyên can bạn, đó là cái mà cổ nhân thường gọi là “ái chi thâm, trách chi thiết – yêu càng đậm, trách càng đau”, yêu thì cho roi cho vọt, ghét thì cho ngọt cho bùi, có khi nói những lời lẽ khó nghe khiến bạn cảm thấy khó chịu, như các cụ thường nói lời thật thường mất lòng, nhưng họ chỉ cố gắng mong muốn bạn tốt hơn thôi.
về cơ bản thì bằng hữu có nhiều loại cấp độ khác nhau. Muốn kết giao đúng đạo nghĩa bằng hữu chân chính cần xem xét mức độ tin cậy nhau có đủ để làm bạn không? Nếu cấp độ không tương đẳng thì rất khó kết giao bạn bè; còn nếu độ tin tưởng nhau không đủ mạnh thì cũng khó tìm được những người bằng hữu thật lòng thật dạ với nhau.
Khi cấp độ tu dưỡng bản thân không cao, thường chỉ đứng trên lập trường của mình nhìn nhận sự việc mà không tự nguyện lắng nghe lời khuyên bảo chân thành của đối phương thì rất dễ mất đi cái đạo nghĩa bằng hữu đó. Bởi trên thế gian này, cái đạo nghĩa chân chính đó không có nhiều, đó là sự cố gắng tuyệt đối, sự cống hiến tuyệt đối; là sự nhất tâm nhất ý muốn giúp đỡ đối phương mà không hề mong được đền đáp lại.
Chúng ta không thể phủ nhận hoàn toàn cái được và cái mất trong mối quan hệ giữa người với người, tình hữu nghị nên được vun đắp trên nền tảng hợp tác hai bên cùng có lợi. Không thể lúc nào cũng yêu cầu người ta giúp đỡ mình mà không cần giúp lại họ. Cho dù đối phương không nguyện giúp mình, nói một cách gián tiếp thì ít nhất anh ta cũng giúp bạn đạt được một loại lợi ích khác – đó là tâm nguyện muốn được cống hiến.
Giúp đỡ về mặt vật chắt, cồ vũ về mặt tinh thần Thứ nhất, cần nghĩ cho lợi ích của người khác trước. Khi giao thiệp với bằng hữu, ta nên suy xét xem mình có thể giúp được gì cho họ.
Khi bản thân mình không thể giúp được gì thì chí ít cũng không khiến đối phương cảm thấy bị làm phiền, hoặc lãng phí thời gian của họ. Dù là khi ta cầu cứu sự giúp đỡ của ai đó, anh ta cũng sẽ dùng thái độ thành khẩn khiến đối phương cảm thấy vui vẻ. Nếu một ai đó cầu khẩn mình giúp đỡ, ta cần nghĩ đó là cơ hội tốt để mình cống hiến và trưởng thành hơn, điều đó đồng nghĩa với việc anh ta cũng sẵn lòng giúp đỡ ta khi ta gặp khó khăn, một khi có chủ tâm thành ý như vậy, ta ắt sẽ kết giao được bằng hữu chân tâm.
Muốn tìm được những người bạn chân chính ta cần có thời gian và phải thực hiện một cách từ từ, không thể nóng vội. Trong quá trình giao lưu, hai bên cần cố gắng tạo dựng lên sự tin tưởng, sự tôn trọng, giúp đỡ nhau một cách sâu sắc. Cái gọi là hoạn nạn kiến chân tình – trong lúc hoạn nạn mới biết ai thật lòng giúp mình – là người bạn đó không lợi dụng ta, không từ chối hảo ý ủng hộ dành cho ta; lẽ tất nhiên anh ta tự thấy rất mãn nguyện về những thứ mình cần và sự giúp đỡ của người khác dành cho mình Giúp đỡ về mặt vật chất là cần thiết, nhưng sự cỗ vũ về mặt tinh thần còn quan trọng hơn, đây cũng chính là cái đạo nghĩa giữa bằng hữu với nhau.
Thứ hai, cần cởi lòng mình với mọi người. Như người ta thường nói, thêm một tấm lòng thêm một mối nhân duyên, nếu đối phương coi bạn là bằng hữu họ sẽ không khách sáo với bạn, nói năng có phần thẳng thắn, công chính hơn, nhưng hậu quả là khiến người ta khó tiếp nhận. Lúc này, bạn cần bao dung rộng lượng hơn, dù đối phương có hiểu nhầm nhưng không để ý đến nó, cần hiểu rõ rằng đó là người bạn tri tâm của mình, anh ta không hề có ác ý gì đâu.
Thứ ba, cần có sự tin tưởng lẫn nhau. Dù bằng hữu có phê bình, chỉ trích bạn ngay trước mặt nhưng bạn phải tin vào họ, họ không bán đứng bạn. Tình cảm bằng hữu sẽ vững chắc hơn khi nó được xây dựng trên nền tảng là sự tin tưởng lẫn nhau. Khi xảy ra hiểu nhầm, cần tìm hiểu xem đối phương đang trăn trở suy nghĩ điều gì, khi thích hợp có thể chủ động hóa giải được sự nhầm lẫn này, đồng thời cần xin lỗi họ, không gây ra thêm bất cứ hiểu lầm nào khác nữa. Khi đối phương gặp khó khăn, ta cần quan tâm, giúp đỡ kịp thời. Mối tình giao kết trong thời khắc hoạn nạn khó khăn như vậy sẽ khiến người ta ghi nhớ suốt đời, dù người bạn đó có ở nơi xa xôi thì họ cũng sẽ trở thành bằng hữu tri âm lần thứ hai trong cuộc đời bạn.