THÀNH TÂM ĐỂ THÀNH CÔNG
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dich: Thích Quang Định
THIÊN THỨ NHẤT
ĐA TÌNH CẦN ĐÚNG LẼ
Làm Sao Để Tránh Đố Kị Khi Thăng Chức?
Nhận được sự tán dương khen thưởng hay chuyện đề bạt thăng chức của cấp trên được coi là hỷ sự mà bất kỳ ai đều mong muốn, nhưng nếu bị đồng nghiệp ghen tỵ xoi mói ta nên hóa giải thế nào, làm sao để thay đổi cái nhìn đó?
Ta cần nhìn nhận việc nhân sự trong công ty thăng chức dưới ba góc độ khác nhau. Thứ nhắt, cần phải đứng trên lập trường của nhà quản lí, họ phải suy xét rất kỹ lưỡng nhiều phương diện xem ai là người thích hợp nhất cho chức vụ đó, tiếp đến là thu xếp cho người đó lên chức. Khi gặp phải ý kiến bất đồng từ phía các nhân viên khác thì ông chủ đó nên xem xét ai là người đáng tin cậy nhất, ai nghe lời nhất, ai không bị phản đối mạnh, nếu không làm được những điều trên thì có lẽ đây là bài toán khó trong việc bố trí nhân sự, và kết quả là thật khó hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra.
Điều này cũng giống như tôi vậy, tôi thường xem đồ đệ và những người tín Phật là Bồ-tát, là những vị Phật. Khi có nhu cầu bố trí nhân sự cần phải căn cứ vào khả năng của người đó, nếu chưa đủ thì có thể bồi dưỡng thêm. Nếu quỹ thời gian không đủ bồi dưỡng thêm nghiệp vụ thì ta cần xem xét đến việc tìm người ngoài có năng lực phù hợp đảm nhiệm chức vụ đó, sau đó dần dần thực hiện kế hoạch bồi dưỡng nhân tài.
Để đạt được mục tiêu nào đó ta cần dùng người theo tính chất đặc thù của công việc chứ không phải tìm người theo ý thích của riêng ai.
Cần tìm người có tài và có nhân phẩm Cần bố trí cho nhân viên đạt yêu cầu vào vị trí thích hợp.
Cái gọi là vị trí thích hợp bao gồm trong đó cả tài năng và phẩm chất của nhân viên. Có tài năng tức là khả năng hoàn thành nhiệm vụ của anh ta, ví như năng lực chuyên ngành, khả năng phản ứng, khả năng giao tiếp hòa đồng, khả năng tiềm tàng về việc thu nạp kiến thức mới.
Nhân phẩm mà chúng ta nhắc tới ở đây chỉ hành vi nhân cách của anh ta, đó có thể là lòng trung thành, sự liêm khiết trong sạch, tinh thần trách nhiệm hết lòng vì công việc, liệu anh ta có lấy danh nghĩa làm việc công để mưu cầu lợi riêng hay anh ta là kẻ tham ô, kẻ đầu cơ trục lợi, kẻ luôn nghĩ tới mối quan hệ nam nữ bất chính cùng nhiều vấn đề khác.
Thứ hai, ta cần đặt mình vào vị trí và lập trường của người được đề cử thăng chức, rất có thể ta phải đối mặt với một số trường hợp khó xử, tỉ như có người đề bạt một người khác tốt hơn anh ta về mọi mặt nhưng vì sao anh ta lại được đề bạt? Đây là câu hỏi mà tôi gọi là điều hết sức bình thường, nó thường xuyên xảy ra mọi lúc và mọi nơi. Thường thì những ai đưa ra ý kiến đó đều không có ác ý nhằm mục đích riêng tư gì, có thể đó chỉ là sự cảm nhận quen thuộc về một phương diện nào đó chứ không phải là sự nhận thức mang tính tổng thể khách quan, chúng ta cũng không nhất thiết quá lưu tâm đến chuyện đó. Rất nhiều người bị ảnh hưởng một khi những ý kiến trái chiều này lan truyền rộng rãi. Lúc này, các ông chủ cần tìm cách nói chuyện, tìm hiểu quan điểm của họ, đồng thời phân tích một cách khách quan cho họ hiểu điều kiện xét tuyển mấy nhân viên đó là gì, nguyên nhân vì sao công ty bố trí như vậy, để họ hiểu rõ hơn chính sách của công ty khi xem xét, cân nhắc vấn đề này.
Cần rộng lượng tiếp thu ý kiến bất đồng Người được đề bạt thăng chức không cần quá để ý đến dư luận xung quanh bởi anh ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công việc, cũng không cần chủ động làm yên lòng những kẻ buông lời dèm pha bởi rất có thể họ không chấp nhận sự vỗ về đó. Nhưng điều quan trọng là người được thảng chức cần có cái nhìn rộng lượng thu nạp tiếng nói khác nhau đó, thậm chí thu nạp cả những ý kiến phản đối. Một khi nhận nhiệm vụ mới, anh ta cần phải có thái độ đối xử bình đẳng với cả hai phe ủng hộ và phản đối mình, tuyệt đối không nên phân biệt đối xử. Người xưa có câu “trong bụng tể tướng dễ chống thuyền”, tức chỉ việc cần phải có lòng khoan dung độ lượng, thân là quản lý không chỉ quan tâm đến một vài người mà cần phải quan tâm cả một đội ngũ, một tập thể. Tuy một vài người trong tập thể đó không thích anh, nhưng anh vẫn cần giữ thái độ bao dung, tiếp nhận họ, không được bài xích họ, cần tìm cách hóa giải sự bất hòa này. Dù ai đó có nói nhiều lời dèm pha thế nào đi nữa, nhưng khi nhận chức bạn không được đối xử tệ với anh ta. Như cổ nhân thường nói, thời gian trôi qua lòng người cũng đổi thay. Lòng người không thay đổi cũng không sao, chỉ cần nhà quản lí coi họ như rào cản cần vượt qua, bởi rào cản sẽ khiến bạn trở nên trưởng thành hơn, vững vàng hơn.
Thăng chức không có nghĩa là bạn có tất cả Cuối cùng, chúng ta cần đặt mình vào vị trí của những người không được thăng chức. Có người cho rằng mình hơn người được thăng chức về mọi mặt, từ nhân phẩm, thâm niên công tác, kinh nghiệm làm việc, cho tới nhiều điều khác nữa nhưng sao lại không được cân nhắc. Trong trường hợp như vậy, anh ta có buồn phiền cũng không giải quyết được vấn đề gì, tuy sự thật năng lực của anh ta có tốt hơn hẳn phẩm chất, nhưng vấn đề là chưa gặp may mắn mà thôi. Phúc báo tốt thì sẽ có nhiều cơ hội tốt, ngược lại thì dù cố gắng đến đâu cũng không có được sự tán thưởng của mọi người ngay cả khi mọi thành công của người được thăng chức đó đều do sự giúp đỡ của anh ta mà lên.
Điều đó có nghĩa là, ông chủ chỉ nhìn thấy sự thể hiện của người kia mà chưa thấy được công lao phía sau của anh ta, cho rằng anh ta chưa phù hợp với công việc ở cấp độ cao hơn. Vậy phải làm sao? Lí do thật đơn giản, khi bạn thản nhiên dũng cảm đối mặt với tất cả, tiếp nhận tất cả, ắt tâm trí bạn cũng sẽ được thoải mái và sống một cuộc sống tự tại tràn ngập niềm vui; việc thăng chức hay không đều không liên quan đến hạnh phúc nhân sinh. Giá trị nhân sinh được đánh giá cao khi ai đó cống hiến hết mình, nó không được đo bằng sự thăng chức hay không thăng chức.