NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Hoàng Ngọc Như Ở Sùng Minh
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Hoàng Ngọc Như ở Sùng Minh

Nhận được thư, khôn ngăn mừng rỡ, an ủi. Pháp Trì Danh là pháp thích ứng căn cơ nhất trong đời Mạt Pháp. Ngài Thiện Đạo tuy sớ giải Quán Kinh, nhưng thật ra Ngài trọng nhất hạnh Trì Danh. Chẳng thấy [đoạn văn Ngài viết]: “Chúng sanh đời Mạt Pháp thần thức chông chênh, tâm thô, cảnh tế, quán khó thành tựu. Đại Thánh bi mẫn, riêng khuyên chuyên trì danh hiệu, bởi xưng danh dễ dàng, [niệm Phật] liên tục bèn được vãng sanh” hay sao? Tuy có mười sáu hạnh (pháp quán), nhưng hành giả tu tập phải hành từ pháp dễ tu trước, hoặc là quán tướng Bạch Hào[1] của Như Lai, hoặc quán tưởng pháp Tạp Quán thứ mười ba. Đến phần quán chín phẩm, chẳng qua là để cho người ta biết nhân trước và quả sau của hành nhân vãng sanh mà thôi. Chỉ mong hiểu rõ là được rồi, thật ra không cần phải quán riêng phép này.

Quán về mặt Lý không thể không biết, nhưng về mặt Sự, phải từ từ hành. Nếu không hiểu rõ Lý, quán cảnh chẳng rành, dùng cái tâm tháo động, bộp chộp để tu rất có thể khởi lên ma sự. Khi quán cảnh hiện tiền, nếu tâm lầm lạc nẩy sanh ý niệm vui sướng, thì cũng do vui sướng mà thành chướng, rất có thể bị lui sụt công tu tập từ trước. Do vậy, kinh Lăng Nghiêm nói: “Chẳng khởi tâm tưởng là thánh [cảnh] thì gọi là cảnh giới lành; nếu tưởng là thánh cảnh bèn vướng vào các tà”. Mong ông nhất tâm trì danh, bởi đây là hạnh ngàn vạn phần ổn thỏa, thích đáng. Đợi đến khi tâm đã quy nhất, tịnh cảnh sẽ tự hiện tiền. Tứ Thiếp Sớ[2] bị [in chép] sai ngoa rất nhiều; hai mươi năm trước, Quang đã từng giảo chánh đại lược. Năm ngoái, hòa thượng Diệu Liên thuộc Quán Âm Am ở ngõ Dương Bì tại Nam Kinh muốn khắc riêng bản ấy, sang năm chắc sẽ ra sách, xin hãy thỉnh về xem.

Tùy Tự Ý tam-muội[3] là hạnh cùng tu của ba căn thượng, trung, hạ.  Người niệm Phật  tuy  chẳng chuyên lấy pháp ấy làm chủ, nhưng cũng không thể không biết. Biết pháp này thì tâm Bồ Đề niệm Phật càng thêm thù thắng, bởi biết đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, nói năng, không lúc nào chẳng phải là lúc tự lợi, lợi tha. Nhưng cần phải từ “không làm các điều ác, vâng làm các điều lành, ăn chay, kiêng giết” mà khởi sự thì mới là người thật sự niệm Phật vậy.

***

[1] Bạch Hào (ūrna laksana): Còn gọi là hào tướng, mi gian bạch hào tướng, bạch hào trang nghiêm tướng, mi gian bạch hào nhuyễn bạch đâu-la-miên tướng. Đây là một trong 32 tướng hảo của đức Như Lai. Tức là khoảng giữa hai mày Phật có một sợi lông mềm mại, trắng, sạch, cuộn tròn, kéo ra dài đến một Tầm (có kinh nói lúc sơ sanh dài năm thước Tàu, lúc thành đạo dài một trượng sáu), buông tay ra liền uyển chuyển xoay về phía hữu, trông như một con ốc trắng, bên trong rỗng, lóng lánh như ống lưu ly. Bạch Hào trông xa như một viên minh châu giữa trán, tỏa quang minh chói ngời, quang minh ấy gọi là “bạch hào quang”. Chúng sanh được quang minh ấy chạm vào bèn tiêu trừ túc nghiệp, thân tâm yên vui. Tướng này do trong lúc tu nhân, Như Lai luôn tán dương tùy hỷ những người tu tập Giới – Định – Huệ. Theo kinh Quán Phật Tam Muội Hải, tướng Bạch Hào là tướng thù thắng nhất trong vô lượng tướng của Như Lai (theo kinh này, ba mươi hai tướng đại nhân chỉ là ba mươi hai tướng tiêu biểu, dễ thấy nhất trong vô lượng tướng của Như Lai).

[2] Tứ Thiếp Sớ chính là Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ của ngài Thiện Đạo trước tác. Do tác phẩm này được chia thành bốn quyển nên còn gọi là Tứ Thiếp Sớ.

[3] Theo Ma Ha Chỉ Quán, quyển 2, Tùy Tự Ý tam-muội là một trong bốn loại tam-muội của tông Thiên Thai, còn gọi là “phi hành phi tọa tam-muội”. Gọi là Tùy Tự Ý với ngụ ý: Hễ khởi ý liền tu tập Thiền Định, chẳng hạn cuộc là đi, đứng, hay nằm, ngồi. Kinh Đại Phẩm Bát Nhã gọi cách tu này là Giác Ý tam-muội, ngài Nam Nhạc Huệ Tư gọi là Tùy Tự Ý tam-muội, với thâm ý: Trong hết thảy thời, hết thảy sự, tùy ý dụng quán, hễ niệm khởi bèn giác, hễ ý khởi bèn tu tam-muội.