NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Hoàng Hàm
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Hoàng Hàm

(thư thứ nhất)

Nhận được thư biết phu nhân mắc phải bệnh tật đã hơn cả tháng. Dùng thuốc khó khăn, các thầy thuốc đều bó tay. Nhằm ngay lúc này, đúng là lúc nên dùng thuốc A Già Đà trị chung vạn bệnh. Các hạ hay đem thuốc này thí khắp cho người, sao đối với bệnh của phu nhân lại chần chừ, lo ngại khó dùng thuốc này vậy? Lệnh lang, lệnh ái, lệnh tức[1] v.v… đều thọ ân sanh thành; đúng ngay lúc thân mẹ mắc bệnh nặng, sống chết khó bảo đảm này, hãy dạy họ ai nấy vì mẹ chí thành khẩn thiết niệm “nam-mô A Di Đà Phật”, để cầu tuổi thọ mẹ chưa hết sẽ chóng lành bệnh, tuổi thọ đã hết sẽ mau được sanh về Tây Phương. Các cậu con trai… hiếu tâm thuần thành, sốt sắng, ắt đều như cứu đầu cháy, sẽ thường trì niệm. Như thế chẳng phải chỉ hữu ích cho phu nhân mà còn có lợi ích sâu xa cho các cậu con trai, các cô con gái v.v… nữa! Phàm con người mắc bệnh, có thể dùng thuốc để trị được thì cũng không nhất quyết chẳng dùng đến thuốc. Nếu chẳng dùng thuốc để trị được thì dù có thuốc tiên cũng vô ích, huống gì là thuốc thế gian?

Bất luận bệnh có trị được hay không, đều nên uống thuốc A Già Đà. Thuốc này tuyệt đối chẳng hại người, uống vào dù thân hay tâm đều thấy công hiệu. Người sống trong thế gian, bất luận lâu mau, rốt cục đều phải chết. Chết không đáng tiếc, chết rồi sẽ đi về đâu há chẳng nên sắp đặt sẵn ư? Người có sức tự mình sắp đặt thỏa đáng sẵn sàng thì khi lâm chung cố nhiên chẳng cần đến ai khác giúp đỡ, nhưng nếu được phụ trợ lại càng thêm đắc lực. Người không có sức nên bảo gia thuộc thay mình niệm Phật, ắt đề khởi được chánh niệm, chẳng đến nỗi bị ân ái buộc ràng, vẫn cứ bị ái tình trói buộc y như cũ, trụ mãi nơi đây không thoát ra được!

Quang nói lời này chẳng những vì lệnh phu nhân tính kế mà còn vì thái phu nhân đã tám mươi ba tuổi, dẫu đức của các hạ đủ để kéo dài tuổi thọ của mẹ, sau này rốt cuộc phải có ngày qua đời. Sợ các hạ chưa thể nghĩ tới điều này, lại chú ý lo chạy thuốc men, tức là bỏ gốc theo ngọn, chẳng đạt lợi ích. Trái lại, khiến cho nhất tâm niệm Phật do bận bịu nơi thuốc men thành ra gián đoạn, chẳng thể thuần nhất. Như thế sẽ bị tổn hại lớn. Vì thế, nương theo căn bệnh của phu nhân, trình bày sẵn để các hạ tận tâm lực lo cho điều mà thần thức của mẹ sẽ đạt được, ngõ hầu rốt cuộc các hạ có thể báo được ân mẹ. Nay đem bài “Nêu Tỏ Ý Nghĩa Phật Tánh và Trợ Niệm Cho Trần Liễu Thường”[2] gởi kèm theo thư, tuy văn không tao nhã, trôi chảy, nhưng ý nghĩa thì có thể chấp nhận được.

Đối với việc cầu an cho người bệnh, tiến vong, người đời nay hay chú trọng tụng kinh, bái sám, làm đàn Thủy Lục[3] v.v… Quang đều bảo những bạn bè quen biết nên niệm Phật, bởi niệm Phật lợi ích hơn tụng kinh, bái sám, làm đàn Thủy Lục nhiều lắm. Vì sao vậy? Tụng kinh thì người không biết chữ chẳng thể đọc theo. Dù biết chữ nhưng tụng nhanh như nước chảy thì người miệng lưỡi hơi chậm chạp cũng không tụng được. Người biếng nhác tuy tụng được nhưng cũng không chịu tụng, thành ra hữu danh vô thực. Bái sám, làm đàn Thủy Lục cũng cứ theo đó mà suy. Niệm Phật thì không một ai chẳng thể niệm được, dẫu cho kẻ biếng nhác không chịu niệm, nhưng mọi người đồng thanh cùng niệm, kẻ ấy nếu không bịt tai thì một câu Phật hiệu cố nhiên sẽ rành rẽ phân minh rót vào tâm, tuy chẳng niệm mà cũng chẳng khác gì niệm. Như người nhiễm hương thân có mùi thơm, tuy không cố ý muốn thơm mà ngờ đâu lại được như thế. Vì thân quyến đảo bệnh, cầu siêu, không thể không biết điều này.

(thư thứ hai)

Ngày Hai Mươi Tám tháng Năm nhận được thư viết ngày 24, biết tôn phu nhân bệnh tình trầm trọng, các thầy thuốc đều bó tay, nhân đó yêu cầu gia quyến vì bà ta niệm Phật ngõ hầu tuổi thọ chưa hết sẽ mau lành, tuổi thọ đã hết sẽ mau được vãng sanh. Chẳng ngờ phu nhân tịnh nghiệp đã chín muồi bèn thoát xác ra đi, hôm qua nhận được thư Khế Tây gởi đến mới biết, khôn ngăn than thở cho các hạ đã mất đi vợ hiền, lệnh lang mất nơi nương tựa. Nhưng phu nhân túc căn sâu dầy, nên mới khiến cho lệnh từ[4], các hạ và lệnh lang v.v… cùng tha thiết nghĩ đến sự vô thường, gấp cầu xuất ly, riêng dùng thân mình thuyết pháp, ngõ hầu mọi người cùng tu Tịnh nghiệp, đồng sanh Tịnh Độ vậy! Quang được lọt vào mắt xanh, cũng chẳng thể không tận hết tấm lòng, nhưng Quang luôn khác với người đương thời, tuy hết sức đau buồn trước tang tóc của thân hữu, nhưng trọn chẳng làm những chuyện phúng viếng, viết điếu văn v.v… chỉ trong khóa tụng sáng tối, đối trước Phật hồi hướng một hai thất cho trọn tình bạn. Chiều tối hôm qua đã vì phu nhân hồi hướng, toan lấy hai thất làm chừng, nhưng ban ngày đủ mọi chuyện bận rộn, chỉ ban đêm mới có lúc rảnh. Mong các hạ đem đại nghĩa khai thị cho các con để họ lắng buồn, niệm Phật, ngõ hầu người mất, kẻ còn đều được lợi ích. Nếu chấp theo tình đời, buồn đau đến cùng cực, rốt cuộc có ích gì cho vong linh của mẹ đâu!

Làm Phật sự, bất tất phải niệm kinh, bái sám, làm đàn Thủy Lục, bởi những chuyện ấy đều thuộc bề ngoài, nên chuyên niệm Phật, khiến cho các con trai gái từ đầu đến cuối đều niệm theo, những người nữ nên ở trong phòng niệm, chẳng nên ngồi sau chư Tăng. Như thế thì chẳng những tôn phu nhân và lệnh quyến thật sự được lợi ích mà ngay cả những vị Tăng niệm Phật và những ai thấy nghe không ai chẳng được lợi ích. Phàm khi làm Phật sự, nếu chủ nhân chịu tham dự đàn tràng thì Tăng sẽ tự phát tâm chân thật, nếu chủ nhân chỉ làm cho đủ lệ, thì Tăng cũng chỉ làm chiếu lệ! Như một kỳ Phật sự đã xong, trong ban đêm tổ chức lễ Diệm Khẩu[5] là xong.

Quang đem chuyện bốn mươi ba năm trải đời của mình tỏ bày cho tri kỷ. Nếu chẳng coi lời này là hủ bại, thì may mắn lắm! Thư chưa dán đã thấy bưu tá mang thư các hạ viết hôm mồng Năm đến, nhân đấy biết phu nhân bệnh tình tuy nặng, nhưng chánh niệm vẫn phân minh, đã có thể thường thấy Đại Sĩ, lại thêm có tín nguyện, có thể đoan chắc bà ta được vãng sanh. Như trong thư nói cho [người đã khuất] ăn mặc theo kiểu ni cô thì không nên; bà ta đã nguyện thọ Tam Quy, Ngũ Giới thì vẫn cứ mặc thường phục, đắp thêm pháp y lên trên là được rồi (pháp y chính là áo dài Tăng nhân thường mặc), hoặc mặc vào thân, hoặc xếp vào trong quan tài. Nếu quan tài đã đóng thì đốt trước linh vị, quy y, thọ giới sẽ tiến hành trong đêm nay, một mình Quang đối trước Phật kiền thành lễ bái xong, sẽ thuyết giới [cho phu nhân]. Vì thế, chẳng nên dùng các nghi thức phô trương lòe loẹt, chỉ nên lấy lòng chí thành cảm thông là được rồi. Pháp danh sẽ là Uẩn Không, trở thành Tam Quy Ngũ Giới Ưu Bà Di vậy. Nếu làm như hình thức ni sư thì về sự, về lý đều bị trở ngại.

Nên khuyên lơn các con trai gái, dâu v.v… lấy chí thành tựu sự vãng sanh cho mẹ làm hiếu, nỗ lực thay mẹ niệm Phật, ngõ hầu phẩm sen được cao thêm, hoa nở mau hơn, đấy mới là tận hiếu. Đừng uổng công bắt chước người đời làm chuyện vô ích gây hại cho chuyện hữu ích. Còn về tang sự, từ đầu đến cuối chẳng ăn mặn, để nhờ vào đây dạy dỗ cho kẻ ngu tục. Đấy cũng là trách nhiệm lớn lao của ông vậy!

(thư thứ ba)

Thư ngày mồng Chín đã nhận được, hôm qua nhận được thư ngày mồng Mười, biết tôn phu nhân quả thật được vãng sanh, trọn không còn nghi ngờ gì nữa! Đời trước bà ta đã vun bồi lớn lao nơi pháp môn Tịnh Độ, tiếc rằng các hạ đề xướng hơi chậm, chứ nếu đề xướng trước đó mười năm khiến cho đối với pháp môn Tịnh Độ dù sự hay lý thảy đều hiểu rõ lại thêm tận lực tu tập thì bà ta sẽ thành tựu Tịnh nghiệp không biết cao trỗi hơn bao nhiêu lần nữa! Bình thời, tâm yêu thương con cháu sâu nặng, tự nghĩ mình yếu hèn, đến lúc lâm chung lại bỏ sạch tình ái, quyết chí cầu sanh, đấy chính là thiện căn đời trước sai khiến. Bình thời, nằm hướng mặt về Đông, lúc lâm chung ngoảnh mặt về Tây nằm bên hông phải, cũng là do sức thiện căn đời trước xui khiến nên mới không mong cầu mà được như vậy. Lúc lâm chung có những thứ tướng lành sẽ chắn chắn vãng sanh, không cần phải khám xem hơi nóng nơi đảnh và ngực chỗ nào lạnh trước! Mặc pháp y hiện hình tướng đệ tử Phật, thỏa mãn ý nguyện, thật tốt lành thay!

Đã dặn dò con trai, con gái, dâu… sáng chiều đối trước bài vị niệm Phật cho nhiều thì các hạ nên khai thị cho họ biết: Thỏa nguyện cho thần thức của mẹ chính là hiếu cùng cực; dù thật sự được vãng sanh vẫn phải chí thành niệm Phật để cầu cho phẩm sen được tăng cao, mau chứng Vô Sanh, ai nấy tận hết lòng hiếu kính. Chuyện này tuy là lợi lạc cho vong linh nhưng cũng giúp cho con trai, con gái, dâu v.v… cùng gieo căn lành. Nếu đứa cháu nào niệm được cũng bảo chúng niệm theo. Lúc lâm chung, cả nhà không khóc lóc, niệm Phật là có lợi ích nhất. Lúc ấy tuy ngắn ngủi nhưng nên trong ba tiếng đồng hồ, không dứt tiếng niệm Phật, chẳng cất tiếng khóc, và di chuyển v.v… là tốt nhất. Mong hãy nhớ kỹ!

Lục số[6] cũng không cần phải bày vẽ thêm thắt, bởi nó không quan trọng, khẩn yếu. Nếu cho đó là nhất định thì lại thành ra xuyên tạc. Phải biết Sáu là con số của quẻ Khôn, phu nhân trọn vẹn đức hạnh người nữ, kham làm khuôn mẫu cho đời, dẫu cho không có con số nào là Sáu, nhưng từ sống đến chết, hằng ngày xoay vần trong con số Sáu, vì thế không một hơi thở nào không phải là Sáu. Ý nghĩa của con số Sáu là tận tụy làm, chứ không phải ở nơi năm tháng, nhà cửa v.v… Năm tháng, nhà cửa trúng nhằm con số Sáu cũng rất bình thường, trọn chẳng có mảy may gì lạ lùng, đặc biệt cả. Ấy là “các pháp từ duyên sanh, các pháp theo duyên diệt”.

Người ác nghiệp nặng cứ hở ra là bị tai họa, người thiện căn sâu dày, không gì chẳng tốt lành, cũng là tự nhiên như thế, chẳng an bài gì mà tợ hồ thật sự có an bài. Người đời muốn được tốt lành, may mắn nhưng chẳng biết vun bồi đức, như phá hủy đuốc để cầu ánh sáng, muốn đi về hướng Nam mà xoay bánh xe hướng về phía Bắc, uổng công nhọc nhằn khổ tâm, bị tổn hại vô ích. Mong hãy đem nghĩa này bảo cùng lệnh lang và dâu, con v.v…sẽ có lợi lớn lắm. Chuyện làm Phật sự, Quang trước đây đã nói rõ rồi. Mong đừng bắt chước thói đời, làm những chuyện sáo rỗng.

Nếu niệm Phật suốt bốn mươi chín ngày thì so với chuyện tụng kinh lợi ích nhiều hơn lắm lắm. Phép niệm Phật trọng tại tín nguyện. Tín nguyện chân thành, khẩn thiết, dù trong tâm chưa thể thanh tịnh, cũng được vãng sanh. Vì sao vậy? Do trong tâm có Phật để có thể cảm, nên Phật Di Đà bèn ứng. Như nước trong sông, biển, chưa thể trọn không có tướng động, nhưng hễ không có gió bạo, sóng cuồng, thì vầng trăng sáng trên không trung sẽ hiện bóng rõ ràng. Cảm ứng đạo giao như mẹ con nhớ nhau. Những ai chuyên trọng tự lực, chẳng cậy vào Phật lực là vì không biết đến nghĩa này vậy!

(thư thứ tư)

Nhận được thư khôn ngăn mừng rỡ. Tôn phu nhân đời trước có đại thiện căn, nên được các hạ uyển chuyển giúp thành Tịnh nghiệp, hỗ trợ vãng sanh. Lại còn suất lãnh con trai, con gái, dâu v.v… niệm Phật dài lâu, há chẳng riêng gì người mất được lợi, mà quả thật cũng khiến cho những người kia gieo thiện căn sâu xa. Lập pháp như thế có thể nói là đại từ, so với người đời vẫn giữ chuyện sát sanh nên bị chiết phước tổn thọ, khiến người mất bị lụy chốn u đồ; há có thể sánh kể được ư?

Chuyện của tôn phu nhân có thể nói là đúng pháp, nhưng thái phu nhân tuổi đã tám mươi ba, hãy nên thường khuyên dụ, khiến cho cụ tín nguyện niệm Phật. Nếu muốn cho cụ suốt ngày niệm Phật, e rằng chẳng thể làm như thế được. Trước đây tôi đã từng muốn lập cách để trợ niệm ngay khi còn sống, nhưng nghĩ chưa ra. Khi trấn thủ sứ Vương Duyệt Sơn đưa mẹ lên núi, thấy quyến thuộc đông đảo, nhân đấy tìm được một cách trợ niệm tuyệt diệu; tôi đã từng nói đại lược cùng ông ta, nay cũng đem những lời đã bảo cùng ông ta kể với các hạ. Nếu các hạ thực hành được thì ông ta cũng chẳng đến nỗi coi thường bỏ xó, cũng là đạo tự lợi, lợi tha vậy!

Trong quyến thuộc của các hạ thì các ông con trai ai nấy đều có công việc làm, cố nhiên khó thể thường xuyên hành theo được, nhưng bọn con dâu thì vô sự rảnh rỗi, bọn tớ gái như các bà vú v.v… cũng không có chuyện gì quan trọng, nên dạy bọn họ căn theo đồng hồ, suốt ngày ở bên cạnh thái phu nhân, lớn tiếng niệm Phật nửa tiếng đồng hồ. Hết giờ lại đổi phiên, suốt ngày không ngớt tiếng niệm Phật.        Thái phu nhân có thể niệm theo thì cũng tốt, nếu chẳng thể niệm theo thì hãy bảo cụ nhiếp tâm lắng nghe, trong một ngày sẽ thường chẳng rời Phật. Mà những người kia cũng không mất sức, do trong một ngày, bất quá chỉ niệm một lần, hoặc hai lần, thời gian cách quãng cũng lâu. Bọn họ không có sự gì để phải chăm lo, nhờ vào việc này để tận lòng hiếu kính, gieo căn lành. Bọn tớ gái cũng nhờ vào nhân này gieo duyên thoát ly sanh tử.

Từ đây trở đi, lấy đó làm thường, dẫu cho thái phu nhân sống rất thọ, cũng chớ để cách này bị thiếu sót giữa chừng, lợi ích sẽ chẳng thể nghĩ bàn. Phàm những ai có tín tâm muốn thành tựu đạo nghiệp vãng sanh cho cha mẹ, đều nên đem lời này bảo cùng họ. Các hạ việc nước đa đoan, chẳng thể lập giờ giấc nhất định. Nếu có rảnh rỗi cũng nên niệm như thế một lần để làm gương thì con, dâu, tớ gái v.v… cũng sẽ hớn hở, hoan hỷ. Ý Quang cho rằng hành như thế quả thật là thuận tiện, ích lợi, nên đem cách này viết thành một bài, in kèm vào sau bộ Ấn Quang Văn Sao để những người muốn báo ân phụ mẫu chẳng đến nỗi uổng công ngâm câu “hạo thiên võng cực”[7]

***

[1] Lệnh tức: Tiếng gọi con dâu người khác một cách kính trọng.

[2] Xin coi bài “Sự tích vãng sanh của ưu-bà-di Trần Liễu Thường và nêu tỏ ý nghĩa ẩn kín của Phật Tánh” trong quyển 4

[3] Còn gọi là Thủy Lục Trai, Thủy Lục Đạo Tràng, Bi Trai Hội. Đây là pháp hội thí thực cho tất cả hữu tình sống trong nước (thủy) trên đất liền (lục) và các loài ngạ quỷ. Nguyên khởi do Lương Võ Đế (Tiêu Diễn) mộng thấy có vị Tăng dạy lập đàn Thủy Lục, cúng thí cho lục đạo tứ sanh. Vua bèn ra lệnh cho biên tập khoa nghi từ các kinh điển, dựa theo chuyện A Nan gặp Diện Nhiên ngạ quỷ (quỷ mặt bốc lửa cháy bừng bừng), được Phật dạy tạo Bình Đẳng Hộc để thí cho ngạ quỷ, soạn ra khoa nghi, tu Thủy Lục Trai Hội tại chùa Kim Sơn khoảng năm 504. Khoa nghi này được các đời sau bổ sung chi tiết hơn

[4] Lệnh từ: tiếng gọi tỏ vẻ tôn trọng mẹ người khác.

[5] Diệm Khẩu: Pháp sự nhằm thí thực cho ngạ quỷ căn cứ trên Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni Kinh. Pháp hội này lấy ngạ quỷ làm đối tượng chủ yếu để cúng thí, thường được cử hành nhằm hồi hướng công đức cầu siêu cho người đã khuất. Pháp cúng căn bản của Diệm Khẩu là cúng nước sạch, cùng một chút thức ăn như cơm, mì, bánh trái v.v.. tụng chú Biến Thực, chú Cam Lộ Thủy mỗi thứ bảy biến, xưng danh hiệu các vị Phật Đa Bảo, Diệu Sắc Thân, Ly Bố Úy v.v.. rồi đổ vào chỗ đất sạch. Về sau, những nghi thức Diệm Khẩu thêm vào các khoa phức tạp hơn như thăng tòa, nhập định, sái tịnh, quy y, đạo tràng quán, hiến Mạn Đà La v.v… Theo Mật điển, khoa nghi này không được cử hành kéo dài quá 11 giờ đêm vì sau giờ đó, các ngạ quỷ không ăn được nữa. Bản kinh Diệm Khẩu được dịch sớm nhất ở Trung Hoa bởi ngài Thật Xoa Nan Đà (tức kinh Cứu Diện Nhiên Ngạ Quỷ Đà La Ni và Cam Lộ Đà La Ni) vào đời Đường. Về sau, ngài Bất Không Tam Tạng dịch thêm Du Già Tập Yếu Cứu A Nan Đà La Ni Diệm Khẩu Nghi Quỹ Kinh. Đến đời Tống, do nhận thấy chư sư thực hành khoa này chưa đúng cách nên ngài Tuân Thức bèn soạn lại nghi thức, ngoài các mật chú, còn thêm phương pháp quán tưởng của tông Thiên Thai, chia pháp thí thực thành ba loại: Hộc Liệu, Minh Đạo và Thủy Lục. Hộc Liệu chính là Du Già Diệm Khẩu, Minh Đạo chính là đại trai Vô Giá thí thực cho người cõi âm. Thế nhưng vẫn có vị như Tông Hiểu chủ trương thí chung tất cả như thí Khoáng Dã Quỷ Thần, Quỷ Tử Mẫu v.v… Đến đời Nguyên, do ảnh hưởng của Mật Giáo, nghi thức Du Già Diệm Khẩu của Tây Tạng được truyền vào Trung Hoa. Nghi thức này cũng hơi giống với khoa nghi Du Già Tập Yếu Cứu A Nan Đà La Ni Diệm Khẩu Nghi Quỹ Kinh do ngài Bất Không dịch, nhưng thêm các phần Tam Quy, Đại Luân Minh Vương Thần Chú, Chuyển Pháp Luân Bồ Tát Chú, danh hiệu 35 vị Phật, Phổ Hiền Hạnh Nguyện Kệ, nhập Quán Âm định, Phá Địa Ngục chân ngôn, phần sau lại thêm những chú như Tôn Thắng Chân Ngôn, Kim Cang Tát Đỏa Bách Tự Chú v.v… Đến đời Minh, do các khoa nghi Diệm Khẩu truyền thừa bất nhất, trở thành mạnh ai nấy làm theo cách mình, nên ngài Thiên Cơ bèn san định lại, lược bỏ những chỗ rườm rà, soạn thành Tu Tập Du Già Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi, khoa nghi này được gọi là Thiên Cơ Diệm Khẩu. Tổ Vân Thê Liên Trì của Tịnh tông lại san định khoa nghi Diệm Khẩu của ngài Thiên Cơ một lần nữa, soạn thành Tu Thiết Du Già Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi, đồng thời viết lời chú giải. Năm Khang Hy 32 (1693), ngài Đức Cơ ở núi Bảo Hoa lại biên tập khoa nghi do tổ Liên Trì soạn một lần nữa, đặt tên là Du Già Diệm Khẩu Thí Thực Tập Yếu. Khoa nghi này thường được gọi là Bảo Hoa Diệm Khẩu. Ngày nay, hai khoa nghi Diệm Khẩu được sử dụng phổ biến nhất ở Trung Hoa là Thiên Cơ và Bảo Hoa Diệm Khẩu. Ở Việt Nam, khoa nghi Trai Đàn Chẩn Tế do chư Tổ người Việt soạn, có các bước pháp sự gần giống với đàn Thủy Lục hơn Diệm Khẩu.

[6] Lục số: một khái niệm dựa theo Dịch Học. Căn cứ theo Hà Đồ Lạc Thư, người ta chia ra Thiên Số và Địa Số. Địa Số gồm những số chẵn 2, 4, 6, 8, 10. Số 6 thuộc Âm, hào Âm cũng được gọi là hào Lục. Quẻ Khôn (tượng trưng cho đất, cho nữ giới) cũng thuộc về Âm. Phép Lục Số ở đây là nói đến chuyện coi ngày giờ chết để đoán định sự cát hung cho người thân còn đang sống.

[7] Bài thơ Lục Nga (cỏ nga xanh mướt) trong phần Nhĩ Nhã của kinh Thi, có đoạn: “Phụ hề sanh ngã, mẫu hề cúc ngã, phụ ngã súc ngã, trưởng ngã dục ngã, cố ngã phúc ngã, xuất nhập phúc ngã, dục báo chi đức, hạo thiên võng cực” (Tạm dịch: Cha sanh ra ta, mẹ nuôi nấng ta, vỗ về chăm nom, quan tâm che chở, ra vào lo lắng, muốn báo ân đức, trời xanh thăm thẳm, khôn thấu cho cùng). Cổ nhân thường mượn bài thơ này để diễn tả nỗi lòng người con ngậm ngùi, hận chưa báo được ân cha mẹ.