ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

 

          (Kinh) Nhược ngộ điền liệp tứ tình giả, thuyết kinh cuồng táng mạng báo. Nhược ngộ bột nghịch phụ mẫu giả, thuyết thiên địa tai sát báo. Nhược ngộ thiêu sơn lâm mộc giả, thuyết cuồng mê thủ tử báo. Nhược ngộ tiền hậu phụ mẫu ác độc giả, thuyết phản sanh tiên thát hiện thọ báo. Nhược ngộ võng bộ sanh sồ giả, thuyết cốt nhục phân ly báo.

          ()若遇畋獵恣情者說驚狂喪命報。若遇悖逆父母者說天地災殺報。若遇燒山林木者說狂迷取死報。若遇前後父母惡毒者說返生鞭撻現受報。若遇網捕生雛者說骨肉分離報。

          (Kinh: Nếu gặp kẻ mặc sức săn bắn, bèn nói sẽ bị báo ứng kinh hãi, điên cuồng, mất mạng. Nếu gặp kẻ trái nghịch cha mẹ, bèn nói sẽ bị báo ứng trời đất giáng tai ương giết chết. Nếu gặp kẻ đốt núi rừng, cây cối, bèn nói sẽ bị báo ứng cuồng mê đến chết. Nếu gặp kẻ làm cha mẹ kế mà ác độc [đối với con riêng của chồng hay vợ], bèn nói sẽ bị báo ứng sanh trở lại [làm con cái của chúng nó] để bị đánh đập. Nếu gặp kẻ giăng lưới săn bắt chim non, bèn nói sẽ bị báo ứng cốt nhục chia lìa).

          Kế đó, nói về quả báo của các nghiệp khác nhau. Săn bắn được khởi xướng bởi Mật Hy Thị[1]. Do trong thiên hạ có nhiều loài thú, ông ta bèn dạy dân săn bắn, truy đuổi cầm thú, để trừ hại cho ruộng nương. Vì thế, xuân sưu, hạ miêu, thu tiển, đông thú[2] đều gọi là Liệp (獵, săn bắn). Nay săn bắn chỉ nhằm cầu lợi và thỏa thích cái miệng, mặc tình sát hại, cho nên đọa trong tam đồ. Sanh ra làm người, ắt bị quả báo kinh hãi, điên cuồng, mất mạng, như ngã xuống sông, rơi xuống hào, bị ngựa giẫm, xe đụng bị thương v.v… (Xưa kia, có một ông trưởng giả giàu có, chỉ sanh được một trai. Nó vừa mới cưới vợ được bảy ngày, do hái hoa cho vợ mà té khỏi cây chết tươi! Trưởng giả hỏi nguyên do, đức Phật dạy: “Xưa kia có một đứa trẻ giương cung bắn chim sẻ, bên cạnh có ba người cổ vũ tạo hứng cho nó. Hiện thời, cha mẹ và vợ [của đứa con đã chết] chính là ba người xưa kia đã cổ vũ”).

          Ổ Ba Đệ Thước trong tiếng Phạn, cõi này dịch Phụ Mẫu. Bột (𡥏) là đứa con trái nghịch. Chữ Bột do Tử (子) và Xuất (出) ghép lại, [hàm ý: Con cái] chẳng ngó ngàng đến cha mẹ. Lòng hiếu vốn là đối với đấng sanh ra ta, lòng nhân bắt nguồn từ đó. Đấy gọi là Thuận Đức. Quên mất gốc, chẳng yêu thương cha mẹ, thì gọi là Nghịch Đức, chẳng thuộc về loài người. Đã hành tà đạo, tự nhiên sẽ bị tai ương trời tru đất diệt! (Theo Quy Tâm Lục ghi chép, vào đời Tề, Hà Quân Bình ở Tương Châu, mẹ là Bùi Thị đẻ ra Bình lúc còn rất trẻ, sau đó không mang thai được nữa. Cha mẹ yêu quý Quân Bình như tròng mắt. Cho đến lúc hai mươi tuổi, không cho con ở phòng khác. Cha do đi sứ phải xuất ngoại, mẹ con gian díu với nhau. Về sau, cha trở về nhà, Quân Bình bèn cùng mẹ giết cha, chôn ở vườn sau. Trời giáng sấm sét, lộ xác cha ra. Sau đó, sét đánh xuống thân Quân Bình, ghi rõ nhân duyên. Họ hàng, láng giềng báo quan, truyền đến tai hoàng đế. Vua sắc truyền giết Bùi Thị, không cho thu nhặt hài cốt mai táng. Đấy chính là tội dâm mẹ, giết cha, trái lý, nghịch luân thường, phạm tội bậc thượng như loài lợn, chó. Vì thế, phơi thây để hạch tội như thế).

          “Thiêu núi rừng, cây cối”: Tổn thương sanh mạng quá nhiều! Kinh Phạm Võng dạy: “Nhược Phật tử dĩ ác tâm cố, phóng hỏa phần thiêu sơn lâm, khoáng dã, nhất thiết hữu tình vật bất đắc cố thiêu, đản nhất thiết thế nhân tâm hoài thảm độc, phần thiêu sơn dã. Hoặc nhân phong phóng hỏa, não hại nhất thiết; cố đắc mê cuồng thủ tử chi báo” (Nếu Phật tử do ác tâm mà phóng hỏa thiêu đốt núi rừng, đồng hoang, đối với hết thảy loài vật hữu tình, chẳng được cố ý thiêu đốt, nhưng hết thảy người đời ôm lòng thảm độc, thiêu đốt núi non, rẫy bái, hoặc theo hướng gió mà phóng hỏa, não hại hết thảy. Vì thế, mắc phải báo ứng cuồng mê đến chết). Xưa kia, quan Tư Mã họ Đỗ xứ Cù Châu, thoạt đầu làm quan úy tại Lạc Dương. Vùng Ngọ Kiều ở phía Nam thành [Lạc Dương] có nhà dân bị hỏa hoạn, thiêu chết mấy người. Chợt có một người chạy loạng choạng đến cửa huyện nha, chạy vọt ra rồi lại chạy vào. Ông Đỗ sai người bắt lấy tra hỏi, hắn ta thưa: “Tôi chính là người giết cư dân ở Ngọ Kiều. Tôi kết bè kéo đảng với năm đứa khác, cướp tài vật cả mấy trăm ngàn, rồi thừa cơ phóng hỏa đốt trụi. Khi sắp trốn thoát, chân chẳng thể bước lên được. Sáng ra, đi về phía Nam, có lửa cản đường. Do vậy, chạy về phía Bắc, lại có lửa nung tâm, xua chạy vào cửa huyện nha, tự biết chẳng thoát khỏi được!” Ông Đỗ bèn bắt trọn băng cướp, giải lên quận tử hình). Theo Tam Pháp Độ Luận, Khốc địa ngục chính là chỗ trả báo của những kẻ hỏa thiêu đồng hoang và hun đốt hang động của chúng sanh.

          “Tiền hậu phụ mẫu” tức là cha hay mẹ kế. Do nó chẳng phải là con do chính mình đẻ ra, bèn đối xử ác độc. Như kế mẫu của Đại Thuấn hoặc Mẫn Tổn (Mẫn Tử Khiên) là hạng người ấy. “Phản sanh tiên thát hiện thọ”: Tạo hóa xoay chuyển vô thường, thế cuộc xoay vần, [cha mẹ ghẻ độc ác ắt phải] đền trả trong đời khác, hoặc ngay trong đời hiện tại, [do đánh đập] lỡ tay đến nỗi con bị chết mất, đành phải chịu tội chốn công đình. Hoặc con bị dồn ép căm phẫn quá mức, đánh đấm ngược lại, làm sao có thể nói nhất định cho được? Người đời nay chẳng biết lý này, cứ mặc sức đòn vọt, chỉ sợ là ngay trong đời này báo ứng chẳng sai!

          “Võng bộ sanh sồ” (Giăng lưới bắt chim non): “Sồ” (雛) là chim non. Chim mới sanh có thể tự mổ thì gọi là Sồ. Hoặc giăng lưới để bẫy, hoặc bắt sống, đều chuốc lấy báo ứng cốt nhục chia lìa. Do người và chim thân hình tuy khác, tình mẹ con giống hệt như nhau (Xứ Tân Cam có Dương Sanh sống bằng nghề bắt chim sẻ. Một hôm, có con chim én đậu trên cây, Sanh cầm sào có nhựa dính trèo lên [toan bắt], cành gẫy bèn ngã xuống, đầu đâm vào sào, thấu tới óc, chảy máu đầm đìa mà chết). Vì thế, Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa đều răn cấm chuyện này!

          (Kinh) Nhược ngộ hủy báng Tam Bảo giả, thuyết manh, lung, ấm, á báo. Nhược ngộ khinh pháp mạn giáo giả, thuyết vĩnh xử ác đạo báo. Nhược ngộ phá dụng thường trụ giả, thuyết ức kiếp luân hồi địa ngục báo. Nhược ngộ ô phạm vu tăng giả, thuyết vĩnh tại súc sanh báo.

          ()若遇毀謗三寶者說盲聾瘖瘂報。若遇輕法慢教者說永處惡道報。若遇破用常住者說億劫輪迴地獄報。若遇污梵誣僧者說永在畜生報。

          (Kinh: Nếu gặp kẻ hủy báng Tam Bảo, nói sẽ bị báo ứng mù, điếc, ngọng, câm. Nếu gặp kẻ khinh mạn giáo pháp, nói sẽ bị báo ứng vĩnh viễn ở trong ác đạo. Nếu gặp kẻ xài phung phí của thường trụ, bèn nói sẽ bị báo ứng ức kiếp luân hồi trong địa ngục. Nếu gặp kẻ ô nhục, mạo phạm, vu hãm Tăng Già, nói sẽ bị báo ứng vĩnh viễn làm súc sanh).

          Đây là nói về quả báo đối với Tam Bảo. Phật như y vương, pháp như thuốc hay, Tăng như người xem bệnh. Nay hủy báng tức là chẳng có tín tâm. Kinh Thập Luân nói: “Nhược hữu Sát-lợi Chiên-đà-la, ư Tam Bảo sở khởi ư ác tâm, nhất thiết chư Phật sở bất năng cứu, thường đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Nhược đắc vi nhân, manh, lung, ấm, á” (Nếu có kẻ Chiên-đà-la trong dòng Sát-lợi khởi tâm ác đối với Tam Bảo, hết thảy chư Phật đều chẳng thể cứu, thường đọa trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Nếu được làm người thì mù, điếc, ngọng, câm). Than ôi! Mù thì vĩnh viễn chẳng thấy tướng Tam Bảo. Điếc thì vĩnh viễn chẳng nghe danh tự Tam Bảo. Ngọng câm thì vĩnh viễn chẳng thể tán dương đức của Tam Bảo được. Tuy sống mà như đã chết, tối tăm như trong đêm dài. Vì thế, kinh dạy: “Ninh thôn nhiên thán, vô báng tam tôn dã” (Thà nuốt than hồng, chẳng báng Tam Bảo).

          “Khinh pháp mạn giáo”: Như trong kinh Kiên Ý, đức Phật bảo ngài A Nan: “Ngã kim Thiền Định, lân thương thế nhân, bất tri Phật đạo chân chánh hoằng thâm, nhi dĩ thiển ngụy khinh bạc chi ngôn, dục thiết tật tâm, báng hủy đạo căn, hoặc hoại đạo pháp, khinh hủy sa-môn, cập Ưu-bà-tắc, ác khẩu, vọng ngôn. Đương minh thử nhân, vi tội sở khiên” (Ta nay trong Thiền Định, thương xót người đời do chẳng biết Phật đạo thật sự rộng sâu, bèn dùng lời lẽ nông cạn, hư ngụy, khinh bạc, toan dùng cái tâm ganh ghét để hủy báng gốc đạo, khinh hủy sa-môn và Ưu-bà-tắc, ác khẩu, nói dối. Hãy nên biết người ấy bị tội lôi dắt). Kinh Thắng Thiên Tử nói: “Nhược hữu pháp sư lưu thông thử kinh, thử địa tức thị Như Lai sở hành. Ư bỉ pháp sư, đương sanh thiện tri thức tâm, tôn trọng chi tâm, do như Phật tâm. Ngã nhược trụ thế nhất kiếp, nhược giảm nhất kiếp, thuyết thị lưu thông thử kinh pháp sư công đức, bất năng cứu tận” (Nếu có pháp sư lưu thông kinh này, nơi ấy chính là chỗ Như Lai đi, hãy nên đối với pháp sư mà sanh tâm coi như thiện tri thức, tâm tôn trọng, tâm coi như Phật. Nếu ta trụ thế một kiếp, hoặc ít hơn một kiếp, nói công đức của vị pháp sư lưu thông kinh này, chẳng thể nói trọn hết được).  

Nay đã khinh mạn giáo pháp, ai cứu giúp, che chở được? Vĩnh viễn ở trong ba ác đạo, hứng chịu ngàn vạn ức khổ não; muốn được làm thân người, [khó khăn] như rùa mù [từ đáy biển ngoi lên] gặp đúng bộng cây nổi vậy!

          “Phá dụng thường trụ” (Xài phung phí của thường trụ) như trong phần trên [đã giải thích]. “Ô phạm” như trong phần trước [đã giải thích]. “Vu tăng” (Vu báng tăng) là dùng vô căn ba-la-di[3], báng các vị tỳ-kheo. Như ông Câu Già Ly (Kokālika) báng bổ ngài Thân Tử (Xá Lợi Phất) và Mục Liên hành bất tịnh hạnh, bèn cảm thân sanh ghẻ độc, đọa vào địa ngục Đại Liên Hoa, thè lưỡi to lớn, năm trăm cái đinh đóng xuống, năm trăm lưỡi cày cày lên! Vậy thì vĩnh viễn làm súc sanh vẫn là dư báo sau khi làm quỷ trong địa ngục vậy!

          (Kinh) Nhược ngộ thang, hỏa, trảm, chước thương sanh giả, thuyết luân hồi đệ thường báo. Nhược ngộ phá giới phạm trai giả, thuyết cầm thú cơ ngạ báo. Nhược ngộ phi lý hủy dụng giả, thuyết sở cầu khuyết tuyệt báo.

          ()若遇湯火斬斫傷生者說輪迴遞償報。若遇破戒犯齋者說禽獸饑餓報。若遇非理毀用者說所求闕絕報。

          (Kinh: Nếu gặp kẻ dùng nước sôi, lửa, chặt, chém tổn thương chúng sanh, bèn nói sẽ bị báo ứng luân hồi đền trả. Nếu gặp kẻ phá giới, phạm trai, bèn nói sẽ bị báo ứng làm cầm thú đói khát. Nếu gặp kẻ phi lý hủy hoại vật dụng, bèn nói sẽ bị báo ứng những thứ cần dùng bị thiếu thốn hoặc chẳng có).

          Đây là nói về quả báo của các nghiệp khác nhau. “Thang, hỏa, trảm, chước” là cách để sát sanh. Dùng nước sôi (thang) để vặt lông, dùng lửa (hỏa) để nướng thân, hoặc chặt đầu (trảm), hoặc chém chân (chước). Kinh nói: “Dĩ nhân thực dương, dương tử vi nhân, hỗ tương thôn đạm, vô hữu cùng dĩ” (Do người ăn dê, dê chết thành người, ăn nuốt lẫn nhau, chẳng có cùng tận). Vì thế nói “luân hồi đệ thường” (luân hồi lần lượt đền trả).

          “Phá giới”: Nếu phá luật nghi, thô tội dễ thấy; nếu như [kẻ ấy] mang hình tượng tương tự trì giới thì tế ác (điều ác vi tế) sẽ khó biết. Trong Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận, đức Phật bảo ngài Ca Diếp: “Hữu tứ chủng phá giới tỳ-kheo, tự như trì giới. Nhất, hữu tỳ-kheo ư giới kinh trung, tận năng cụ hành, nhi thuyết hữu ngã. Nhị, hữu tụng trì kinh luật, thủ hộ giới hạnh, ư thân kiến trung bất động, bất ly. Tam, hữu cụ hành thập nhị Đầu Đà, nhi kiến chư pháp định hữu. Tứ, hữu duyên chúng sanh hành từ tâm, văn chư hành vô sanh tướng, tâm tắc kinh bố. Thị danh phá giới tự như trì giới” (Có bốn loại tỳ-kheo phá giới mà dường như trì giới. Một là có tỳ-kheo đối với giới kinh đều có thể hành trọn đủ, nhưng nói có Ngã. Hai là có tỳ-kheo tụng trì kinh luật, thủ hộ giới hạnh, nhưng đối với Thân Kiến chẳng động, chẳng lìa. Ba là có kẻ hành trọn mười hai hạnh Đầu Đà, nhưng thấy ‘các pháp nhất định là có’. Bốn là có kẻ hành từ tâm đối với chúng sanh, nhưng nghe các hành chẳng có tướng sanh, tâm bèn kinh sợ. Đó gọi là phá giới mà giống như trì giới).

          “Phạm trai” là như đức Phật trả lời ngài Xá Lợi Phất: “Phi thời thực thị phá giới nhân, thị phạm đạo nhân. Dữ giả diệc nhiên, phi ngã đệ tử, thị danh đạo thực phi pháp chi nhân. Đạo dữ, đạo thọ phiến diêm, phiến tạc, giai tử đọa Tiêu Tràng địa ngục, thôn nhiệt thiết hoàn. Tùng địa ngục xuất, sanh trư cẩu trung, thực chư bất tịnh. Hựu sanh ác điểu, nhân quái kỳ thanh. Nãi chí ngạ quỷ thực phẩn, nhân trung bần tiện” (Kẻ ăn phi thời là người phá giới, là kẻ phạm tội trộm cắp! Người cho [kẻ ấy ăn] cũng giống như thế, chẳng phải là đệ tử của ta, mà gọi là “kẻ trộm ăn, phi pháp”. Trộm cho, trộm nhận chút muối, chút dấm, chết đi đều sẽ đọa vào địa ngục Cháy Ruột, nuốt hòn sắt nóng. Từ địa ngục thoát ra, sanh trong loài lợn, chó, ăn những thứ bất tịnh. Lại sanh làm chim ác, người ta ghét sợ tiếng của nó. Cho đến làm quỷ đói ăn phân, hoặc là kẻ bần tiện trong loài người). Theo kinh Chánh Pháp Niệm Xứ, thọ thân chim Giá Tra Ca (Caṭaka, sợ là tên tiếng Phạn của chim ngói, vẫn đợi người tra cứu), chỉ uống nước mưa từ trời, ngửa mỏ mà đợi, chẳng thể uống những thứ nước khác. Do vậy, chúng thường bị đói khát!

          “Phi lý hủy dụng” (Phi lý hủy hoại vật dụng): “Dụng” [ở đây] là vật dụng. Hoặc do tức tối mà tự hủy hoại, hoặc do ác tâm làm tổn hại người khác. Ấy là vì những vật dụng là những món cần thiết của con người. Cày cấy thì phải có lưỡi cày, cái bừa, thợ thuyền thì phải có búa, đục, trong nhà thì có những thứ gia dụng, đi đường thì có những thứ dù, lọng, các vật dụng để đi đường. Thuyền xe thì sào, mái chèo, đòn ngang, càng xe[4]. Nay bỗng dưng vô cớ hủy hoại, sẽ tự cảm vời quả báo những thứ cần dùng thiếu thốn hoặc chẳng có! (Xưa kia, tại vùng Sa Đầu huyện Thái Thương, có gã họ Trầm, hàng xóm có các thứ lưới đánh cá, hoặc lưỡi cày có bánh xe v.v… hắn đều mượn rồi ngầm phá hư. Một hôm, vợ của đứa con trai về thăm bố mẹ ruột, [cô ta] đi chưa được một dặm, bỗng mưa bão, sấm sét ầm ầm. Một con rồng lọt vào nhà hắn, cuộn quẫy, phá sạch sành sanh, trọn chẳng còn sót lại gì. Cả một nhà lớn bé chết sạch).

          (Kinh) Nhược ngộ ngô ngã cống cao giả, thuyết ty sử hạ tiện báo. Nhược ngộ lưỡng thiệt đấu loạn giả, thuyết vô thiệt, bách thiệt báo. Nhược ngộ tà kiến giả, thuyết biên địa thọ sanh báo.

          ()若遇吾我貢高者說卑使下賤報。若遇兩舌鬬亂者說無舌百舌報。若遇邪見者說邊地受生報。

          (Kinh: Nếu gặp kẻ hợm hĩnh, kiêu căng, bèn nói sẽ bị báo ứng hèn hạ, bị người khác sai khiến. Nếu gặp kẻ nói đâm thọc khiến mọi người gây gỗ, bèn nói sẽ bị báo ứng không lưỡi, hoặc trăm lưỡi. Nếu gặp kẻ tà kiến, bèn nói sẽ bị báo ứng thọ sanh nơi biên địa).

          “Ngô ngã cống cao”: Ngô ngã (吾我) là khoe khoang chính mình. Cống (貢) là dâng hiến. Kẻ dưới dâng vật gì đó lên người trên thì gọi là Cống, ắt phải đưa lên cao để dâng. Nay chấp ngã tự đại, tự cao, hạ thấp kẻ khác, giống như hình dạng dâng hiến đồ vật, [cho nên gọi là “cống cao”]. Đấy chính là cội rễ của sanh tử. Vì thế, kinh Đại Bảo Tích nói: “Nhất thiết kiến trung, duy hữu ngã kiến, tức thời năng đoạn ư trí huệ mạng” (Trong hết thảy các kiến, chỉ có ngã kiến là có thể ngay lập tức đoạn trí huệ mạng). Kinh Ngũ Khổ Chương Cú nói: “Chí đại chủng tánh, cống cao, kiêu mạn, thị trí miệt ngu, khinh mạo tha nhân, thị nhữ trọng đảm. Bất xả đảm giả, hậu nhập địa ngục. Cố kỳ tùng địa ngục xuất, thảng đắc vi nhân, tất sanh ty sử hạ tiện chi gia” (Còn như kẻ thuộc chủng tánh lớn, ngạo nghễ, kiêu mạn, cậy mình là trí, khinh miệt kẻ ngu, coi rẻ người khác. Đó là gánh nặng của ông. Kẻ chẳng bỏ gánh nặng, về sau sẽ vào địa ngục. Cho nên kẻ ấy từ địa ngục thoát ra, nếu được làm người, ắt sanh vào nhà tôi tớ, hạ tiện). Tuân Khanh có nói: “Kiêu mạn là mối hại của con người”, ứng nghiệm những điều đang nói ở đây!

          “Lưỡng thiệt đấu loạn” (Nói đâm thọc khiến người khác gây gỗ): Coi cong là thẳng, coi thẳng là cong. Hướng đến người kia nói chuyện người này, hướng đến người này nói chuyện kẻ kia. Đâm thọc thị phi, hoại loạn cương thường. Kinh Thập Luân nói: “Hữu vô lượng chủng đấu tụng vi tránh, hỗ tương khi lăng. Thô ác quai ly, vu vọng kiểu loạn. Sanh thời ký dĩ lưỡng thiệt đấu loạn, tha thế tự cảm vô thiệt, bách thiệt chi báo” (Có vô lượng thứ đấu đá, kiện tụng, tranh chấp, lừa dối, lấn hiếp lẫn nhau. Thô ác chống trái, đặt điều, vu khống, lường gạt. Lúc sống đã dùng cách nói đôi chiều để đấu đá, gây rối, đời khác sẽ tự cảm quả báo không lưỡi, trăm lưỡi).

          “Tà kiến”: Hết thảy những gì trái lý mà dấy lên thì đều là tà kiến. Nay nói riêng về điều này là do thứ kiến giải này độc ác nhất, nó có thể đoạn thiện căn. Trung Luận nói có hai thứ tà kiến: Một là phá sự vui trong thế gian, [tức là] nói “không có tội, phước, thánh hiền” v.v… Hai là phá Niết Bàn đạo, tham chấp Ngã, phân biệt “có, không”, đều gọi là tà kiến. Vì thế, cảm lấy dư báo, sanh vào chốn biên cương. Kinh Ngũ Khổ Chương Cú nói: “Biên địa vô nghĩa lý, phụ tử tương hý nhữ, gia thất hỗ tương mại, thuộc nhân vi nô tỳ, hằng đương cấp khu sử, động tĩnh gia trượng sở. Tuy đắc vi nhân hình, súc sanh cộng đồng lữ” (Chốn biên địa không có nghĩa lý, cha con cùng nhau đùa bỡn gái, bán thê thiếp cho nhau, đem kẻ thân thuộc làm nô tỳ, luôn đem họ cho người khác sai khiến, hở ra là đánh đập. Tuy được làm thân người, mà khác nào súc sanh). Vì thế, hành giả Đại Thừa vẫn sợ bị thọ sanh nơi biên địa. Nhưng nêu ra sát sanh trước tiên, vì nó là cội gốc to lớn của các điều ác; cuối cùng nói đến tà kiến vì nó là cái hang to lớn để dòng nghiệp [đổ vào] vậy.

3.2.2.2.2.2.2.2.3.2.1.2.2. Kết thị nghiệp cảm sai biệt (kết lại lời dạy về nghiệp cảm sai biệt)

          (Kinh) Như thị đẳng Diêm Phù Đề chúng sanh, thân, khẩu, ý nghiệp, ác tập kết quả, bách thiên báo ứng, kim thô lược thuyết.

          ()如是等閻浮提眾生身口意業惡習結果百千報應今麤略說。

          (Kinh: Do tập khí ác nơi thân, khẩu, ý nghiệp của chúng sanh trong Diêm Phù Đề mà kết thành cái quả trăm ngàn báo ứng như thế đó, nay chỉ nói đại lược).

          Câu đầu tiên nêu chung về người tạo ác. “Thân, khẩu, ý nghiệp” là nói về nghiệp nhân. Câu “ác tập” (tập khí ác) nói về tập quả (cái quả của tập khí). “Bách thiên báo ứng” (Trăm ngàn báo ứng) là nói về báo quả. “Thân, khẩu…”: Phàm phu tạo nghiệp bèn có nhiều thứ: Có trường hợp là thân và miệng tương xứng với tâm; có trường hợp thân, miệng trái nghịch cái tâm. Hễ thân và miệng dấy động, đều là do cái tâm sai khiến. Vì thế, ba nghiệp đều lấy tâm làm căn bản. “Ác tập kết quả”: Theo Di Lặc Vấn Kinh, có ba loại:         

          – Một là Quả Báo Quả, sanh vào địa ngục v.v…

          – Hai là Tập Khí Quả, sanh trong loài người, do sát sanh mà bị quả báo đoản mạng, cho đến do tà kiến mà si tâm tăng thượng (Tát Bà Đa Luận nói: “Tỳ-kheo Ngưu Ty từ loài trâu sanh [vào nhân gian, nên miệng luôn nhai nhóp nhép. Một tỳ-kheo khác] thường dùng gương để tự soi, do kiếp trước là dâm nữ. Ngài Mục Liên hay đùa bỡn nhảy nhót là do từ loài khỉ vượn sanh đến” v.v…)

          – Ba là Tăng Thượng Quả. Do mười thứ nghiệp đạo bất thiện mà hết thảy ngoại vật chẳng có được dồi dào, sung túc.

          “Bách thiên báo ứng”: Theo kinh Ưu Bà Tắc Giới, chúng sanh tạo nghiệp có bốn loại:

          – Một là hiện báo (Thân hiện tại tạo nghiệp, liền hứng chịu quả báo ngay trong thân này).

          – Hai là sanh báo (thân hiện tại tạo nghiệp, thân kế tiếp sẽ thọ báo).

          – Ba là hậu báo (đời này tạo nghiệp, hai, ba đời sau mới thọ báo).

          – Bốn là vô báo (Do tạo các nghiệp vô ký v.v…)

          Vô báo lại có bốn loại:

          – Một là thời nhất định, nhưng báo không nhất định (loại này là đối với tam tế (tức quá khứ, hiện tại, vị lai) quyết định không thay đổi, nhưng do nghiệp có thể chuyển, cho nên báo bất định).

          – Hai là báo định, thời bất định (do nghiệp lực nhất định, quả báo chẳng thể thay đổi, nhưng thời có thể chuyển, cho nên thời bất định).

          – Ba là thời và báo đều định (do nghiệp là nhất định, nên thời cũng định).

          – Bốn là thời và báo đều bất định (do nghiệp chẳng quyết định, nên thời và báo chẳng nhất định).

          Kinh Niết Bàn lại nói đến dư báo của phiền não v.v… Trăm ngàn báo ứng như thế, nay chỉ nói đại lược thô thiển đó thôi!

          (Kinh) Như thị đẳng Diêm Phù Đề chúng sanh, nghiệp cảm sai biệt, Địa Tạng Bồ Tát bách thiên phương tiện, nhi giáo hóa chi.

          ()如是等閻浮提眾生業感差別地藏菩薩百千方便而教化之。

          (Kinh: Chúng sanh Diêm Phù Đề nghiệp cảm sai biệt như thế đó, Địa Tạng Bồ Tát dùng trăm ngàn phương tiện để giáo hóa họ).

          Từ “như thị” trở đi, kết lại sự sai biệt. Do chúng sanh tạo nghiệp [có hai loại] là trọn đủ và không trọn đủ. Nếu nghĩ trước rồi làm sau thì gọi là “tác cụ túc” (làm trọn đủ). Nếu trước hết chẳng nghĩ, mà trực tiếp tạo tác ngay thì gọi là “tác bất cụ túc” (làm chẳng trọn đủ). Lại có “tác bất cụ túc”, có nghĩa là đã tạo nghiệp rồi, nhưng quả báo bất định. Lại “tác dĩ diệc cụ túc” (làm rồi mà cũng trọn đủ) thì thời (thời điểm sẽ thọ báo) lẫn báo đều nhất định. Nghiệp cảm của chúng sanh đã là sai biệt, cho nên Bồ Tát giáo hóa cũng lập ra trăm ngàn phương tiện. Như trong kinh Thập Luân, đức Phật bảo Kiên Tịnh Tín Bồ Tát rằng: “Thử thiện nam tử, phát tâm dĩ lai, bất khả tư nghị A-tăng-kỳ kiếp, cửu dĩ năng độ Tát Bà Nhã hải, đản y bổn nguyện cố, hóa ứng thập phương. Nhi ư ngũ trược ác thế, hóa ích thiên hậu. Diệc y bổn nguyện lực sở huân tập, cập chúng sanh ưng thọ hóa nghiệp, cố tùng thập nhất kiếp lai, trang nghiêm thử thế giới, thành thục chúng sanh. Thị cố tại tư hội trung, thân tướng đoan nghiêm, oai đức thù thắng. Duy trừ Như Lai, vô năng quá giả. Hựu sở khởi hóa nghiệp, duy trừ Biến Cát, Quán Âm đẳng, chư đại Bồ Tát giai bất năng cập. Dĩ thị Bồ Tát bổn thệ nguyện lực, tốc mãn chúng sanh nhất thiết sở cầu, năng diệt chúng sanh nhất thiết trọng tội, trừ chư chướng ngại, hiện đắc an ổn. Hựu danh vi thiện an ủy thuyết giả, xảo diễn thâm pháp, năng thiện khai đạo. Sơ học phát ý cầu Đại Thừa giả, linh bất khiếp nhược” (Vị thiện nam tử này từ khi phát tâm đến nay, trong chẳng thể nghĩ bàn A-tăng-kỳ kiếp, đã có thể vượt biển Tát Bà Nhã (Nhất Thiết Trí) từ lâu, chỉ do nương theo bổn nguyện, nên hóa hiện ứng khắp mười phương. Nhưng trong đời ác ngũ trược, Ngài càng hóa độ tạo lợi ích đặc biệt sâu đậm. Cũng do nương vào sự huân tập của sức bổn nguyện, và nghiệp đáng nên tiếp nhận giáo hóa của chúng sanh, cho nên Ngài có thể từ mười một kiếp đến nay trang nghiêm thế giới này, thành thục chúng sanh. Vì thế, ở trong hội này, Ngài có thân tướng đoan nghiêm, oai đức thù thắng; chỉ trừ Như Lai, không ai hơn được! Lại nữa, nghiệp giáo hóa do vị ấy dấy lên, chỉ trừ những vị như Biến Cát, Quán Âm v.v… chứ các đại Bồ Tát khác đều chẳng thể sánh bằng. Do sức thệ nguyện của vị Bồ Tát ấy, có thể nhanh chóng thỏa mãn hết thảy những điều mong cầu của chúng sanh, có thể diệt hết thảy trọng tội của chúng sanh, trừ các chướng ngại, hiện thời được an ổn. Ngài lại có tên là đấng khéo nói lời an ủi, đấng khéo diễn nói pháp sâu, đấng khéo khơi mở, chỉ dạy, khiến cho kẻ sơ học phát tâm cầu Đại Thừa chẳng khiếp nhược).  

Do nhân duyên như thế, chúng sanh tiếp nhận sự giáo hóa [của Ngài bèn] đắc độ. Trăm ngàn phương tiện giáo hóa là như thế đó!

3.2.2.2.2.2.2.2.3.2.2. Khuyến thiên vương ủng hộ (khuyên thiên vương hãy nên ủng hộ)

          (Kinh) Thị chư chúng sanh, tiên thọ như thị đẳng báo, hậu đọa địa ngục, động kinh kiếp số, vô hữu xuất kỳ.

          ()是諸眾生先受如是等報後墮地獄動經劫數無有出期。

          (Kinh: Các chúng sanh ấy, trước hết đã thọ quả báo như thế, sau đấy, sẽ đọa địa ngục trải qua nhiều kiếp chẳng có thuở thoát ra).

          Trước hết, nêu ra ý hộ trì. Vì sao khuyên thiên vương ủng hộ? Do chúng sanh trước hết sẽ thọ những hoa báo vừa nói trên đây. Sau đấy, sẽ đọa vào địa ngục để chịu quả báo. Kinh Ưu Bà Tắc Giới nói: “Hữu nhân bất giải như thị nghiệp duyên, vô lượng thế trung lưu chuyển sanh tử. Tuy sanh Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, thọ bát vạn kiếp, phước tận, hoàn đọa tam ác đạo cố. Động kinh kiếp số, vô xuất kỳ giả” (Có kẻ chẳng hiểu nghiệp duyên như thế, trong vô lượng đời trôi lăn sanh tử. Dẫu sanh vào trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, thọ tám vạn kiếp, phước hết thì vẫn đọa vào ba ác đạo trải qua nhiều kiếp, chẳng có thuở thoát ra). Như kinh Cựu Tạp Thí Dụ đã chép: “Tích hữu lục nhân, vi bạn tạo tội, câu đọa địa ngục. Phật kiến chi tiếu, Mục Liên vấn: “Hà cố tiếu?” Phật ngôn: – Lục nhân đọa ngục, cộng tại nhất phủ, các dục thuyết bổn tội. Nhiệt thang phí dũng, các nhất ngữ tiện hồi hạ. Nhất ngôn Sa giả, thế gian lục thập ức vạn tuế, Nê Lê thỉ vi nhất nhật, hà thời đương cánh? Nhị ngôn Na giả, vô hữu xuất kỳ, bất tri hà thời đắc thoát? Tam ngôn Đặc giả, đốt, đốt, ngã đương dụng trị sanh, bất năng tự chế ý, đoạt ngũ gia phần, cúng dường tam tôn, ngu tham vô túc. Kim hối hà ích? Tứ ngôn Thiệp giả, ngôn ngã trị sanh, diệc bất trí thành, tài sản thuộc tha, vi đắc khổ thống. Ngũ ngôn Cô giả, thùy đương bảo ngã, tùng địa ngục xuất, tiện bất phạm đạo cấm, đắc sanh thiên lạc. Lục ngôn Đà-la giả, thị sự thượng đầu, bổn bất vi tâm kế. Thí như ngự xa thất đạo, chiết trục xa hoại, hối vô sở cập” (Xưa kia có sáu người, kết bạn cùng nhau tạo tội, đều đọa địa ngục. Đức Phật trông thấy bèn cười. Ngài Mục Liên hỏi: “Vì sao Ngài cười?” Đức Phật bảo: – Sáu người đọa vào địa ngục, cùng ở trong một cái nồi, mỗi người đều muốn nói tội của chính mình. Nước sôi sùng sục, mỗi người chỉ nói được một câu rồi bị [nước nóng] xoáy chìm xuống dưới. Người thứ nhất nói Sa (cát), [ý muốn nói]: “Sáu mươi ức vạn năm trong thế gian chỉ là một ngày trong Nê Lê, đến lúc nào mới xong [hết tội]?” Người thứ hai nói Na, [ngụ ý]: “Chẳng có thuở thoát ra, chẳng biết lúc nào mới được thoát khỏi?” Người thứ ba nói “Đặc”, ngụ ý: “Chao ôi! Than ôi! Ta chẳng thể khống chế tâm ý, chiếm đoạt tài vật cúng dường Tam Bảo, những món tài vật ấy thuộc về năm nhà (tức vua, giặc, nước, lửa, con bất hiếu), ngu si, tham lam, chẳng chán đủ. Nay hối hận ích gì?” Người thứ tư nói “Thiệp”, có nghĩa là “ta lo kinh doanh kiếm sống cũng chẳng chân thành, [nay chết đi] tài sản thuộc về người khác, còn chính mình chịu đau khổ”. Người thứ năm nói “Cô”, ý nói: “Ai có thể bảo đảm tôi thoát khỏi địa ngục, tôi sẽ chẳng phạm giới cấm, sẽ được hưởng niềm vui sanh lên trời!” Người thứ sáu nói: “Đà-la”, ý nói: “Đối với chuyện này thuở đầu vốn chẳng suy xét đến. Ví như đánh xe đi sai đường, trục gãy, xe hư, dẫu hối chẳng kịp!”)[5] Vì thế, trải qua kiếp số nhiều như vi trần, chẳng có lúc thoát khỏi địa ngục.

          (Kinh) Thị cố nhữ đẳng, hộ nhân, hộ quốc, vô linh thị chư chúng nghiệp mê hoặc chúng sanh.

          ()是故汝等護人護國無令是諸眾業迷惑眾生。

          (Kinh: Vì thế, các ông là bậc hộ trì mọi người, hộ trì đất nước, hãy khiến cho các nghiệp ấy chẳng mê hoặc chúng sanh).

          Từ “thị cố” (vì thế) trở đi là lời khuyên. Dùng hai chữ ấy để tiếp nối ý trên đây, nhằm nêu bày ý nghĩa khuyên nhủ thiên vương hãy hộ trì. “Hộ nhân…”: Theo Kim Quang Minh Kinh Sớ, trong phần chú giải phẩm Quán Tâm, đã giải thích về Hộ Thế Tứ Thiên Vương như sau: “Đông Tập, Nam Khổ, Tây Đạo, Bắc Diệt. Tứ đế lý (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) là tứ thiên, trí quán Tứ Đế là bốn vị thiên vương. Gìn giữ cảnh Tứ Đế thì gọi là Hộ Quốc. Hộ trì tâm số (các pháp tâm sở) tức là ‘hộ chúng sanh’. ‘Thế’ [trong Hộ Thế] nghĩa là người khác. Vì kẻ khác mà nói tâm số, thì gọi là ‘hộ trì chúng sanh khác’. Nếu chẳng chiếu theo lý Tứ Đế thì Kiến Hoặc và Tư Hoặc sẽ xâm hại tâm vương, hủy tổn cảnh giới. Tâm vương mất thì cảnh quốc bại, nhân dân tâm số sẽ tứ tán, cảnh và trí đều bị quỷ thần não hại. Có thể quán Khổ và Tập, chế ngự Kiến Tư, ắt nước yên, dân ổn. Có thể vì kẻ khác mà nói Tứ Đế, chính là hộ trì quốc độ của họ. Ngăn che Kiến Tư, khiến cho họ an lạc thì chính là Quán Tâm Hộ Thế Tứ Thiên Vương”.  

Nếu chẳng phải như vậy, làm sao có thể khiến cho chúng sanh chẳng bị nghiệp mê hoặc cho được? Ương Quật nói: “Hộ trì pháp chân thật thì gọi là Hộ Thế” chính là nói đến ý này.

3.2.2.2.2.2.2.3. Thiên vương văn dĩ bi thoái (thiên vương nghe xong, xót xa lui ra)     

          (Kinh) Tứ thiên vương văn dĩ, thế lệ bi thán, hiệp chưởng nhi thoái.      

          ()四天王聞已涕淚悲歎合掌而退。

          (Kinh: Tứ thiên vương nghe xong, ứa nước mắt, xót xa thở than, chắp tay, lui ra).

          Đây là do nghe những tướng nghiệp cảm sai biệt như trên, lọt vào tâm, ngầm khế hợp, hiểu rõ chúng vốn không tịch, nghe chính là chẳng nghe thì gọi là “nghe bằng tâm”. Vì thế nói “văn dĩ” (nghe xong). Hiềm rằng chúng sanh chẳng hiểu rõ, lầm lạc tạo tác, lầm lạc hứng chịu. Vì thế, ứa nước mắt. Ba đời chẳng có thời, mười phương không có giới hạn, lục đạo chẳng biết, [cứ luân hồi trong sanh tử] trải qua nhiều kiếp, cho nên xót xa than thở. Do vậy, tự tâm hiệp nhất, chẳng lưu động xằng bậy. Lui về gìn giữ bí mật, tĩnh lặng đợi pháp âm, cho nên “chắp tay, lui ra”. Do vậy, có thể dùng lực, dùng pháp tự hộ trì, hộ trì người khác thì được gọi là Hộ Thế Tứ Thiên Vương vậy.       


ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ


[1] Mật Hy (宓羲) chính là Phục Hy (伏羲), còn gọi là Bào Hy, Bao Hy, Hy Hoàng, Thái Hạo v.v… Ông là một vị thánh vương trong huyền sử Trung Hoa, được tôn là Thiên Hoàng trong Tam Hoàng, cũng như được coi là thỉ tổ của nền văn minh Hoa Hạ, dạy dân săn bắn và đánh cá. Theo huyền thoại, do chiêm nghiệm Hà Đồ và Lạc Thư, ông đã sáng chế quẻ Tiên Thiên Bát Quái và đặt nền móng cho kinh Dịch.

[2] Những danh xưng này đều có nghĩa là “săn bắn”, do tùy theo mỗi mùa mà có tên gọi khác nhau; nhưng đều có mục đích là trừ các giống cầm thú gây hại cho mùa màng.

[3] Vô Căn Ba La Di là phỉ báng mà không có sự thật nên gọi là Vô Căn. Ba La Di (Pārājika), dịch sang tiếng Hán là Khu Tẫn (xua đuổi), Khí (vứt bỏ), Đoạn Đầu (đứt đầu), Bất Cộng Trụ (không thể ở chung) v.v… là danh xưng cho loại trọng tội bậc nhất trong giới Cụ Túc; nội dung chẳng ngoài bốn thứ giết, trộm, dâm, dối. Do tội phỉ báng vô căn cứ ở đây thuộc về đại vọng ngữ, nên gọi là Vô Căn Ba La Di.

[4] Nguyên văn là Nghê (輗) và Ngột (軏): Ngột là thanh gỗ dài cong, hoặc bằng sắt dùng nối thùng xe với cái ách để thắng ngựa, Nghê là thanh ngang để Ngột móc vào, trên Ngột có đóng ách để thắng ngựa kéo xe. Có thuyết lại nói Nghê là hai cái càng xe để kéo thùng xe, còn Ngột là thanh ngang để đóng ách bò hay ngựa. Nói chung Nghê và Ngột là những bộ phận chủ yếu để mắc ách đóng ngựa, hay trâu, bò kéo xe.

[5] Chúng tôi dịch đoạn này theo lời giải thích của cư sĩ Vương Văn Nguyên trong bộ Phật Điển Thí Dụ Kinh Toàn Tập (佛典譬喻经全集).