ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

 

3.2.2.2. Thị nghiệp cảm sai biệt (chỉ dạy nghiệp cảm sai khác)

3.2.2.2.1. Phẩm đề (tựa đề của phẩm kinh này)

(Kinh) Diêm Phù chúng sanh nghiệp cảm, phẩm đt.

()閻浮眾生業感品第四

(Kinh: Phẩm thứ tư: Nghiệp cảm chúng sanh trong Diêm Phù).

[Ý nghĩa của] đề mục phẩm này xem trong phần Luân Quán. Cây Diêm Phù chính là thụ vương (樹王, cây chúa) trong Nam Châu (Nam Thiệm Bộ Châu). Vì thế, tôi ghi ra đầy đủ những điều đã khảo cứu được để độc giả xem xét. Kinh Trường A Hàm nói: “Sở dĩ danh Diêm Phù giả, hạ hữu Kim Sơn, cao tam thập do-tuần. Do Diêm Phù thụ cố, danh vi Diêm Phù kim. Thụ hữu ngũ đại cô, tứ diện tứ cô, thượng hữu nhất cô. Quả đại như Ma Già Đà quốc nhất hộc chi ung. Trích kỳ quả thời, trấp tùy lưu xuất, sắc bạch như nhũ, vị cam như mật. Kỳ Đông cô quả, Càn Thát Bà sở thực. Kỳ Nam cô giả, thất quốc nhân sở thực. Nhất Câu Lâu (thử vân Bất Chánh Khiếu), nhị Câu La Bà (vân Khiếu Hoán), tam Tỳ Đề (vân Bất Chánh Thể), tứ Thiện Tỳ Đề (vân Hiền), ngũ Mạn Đà (vân Thiện Hiền), lục Bà La (vân Lao), thất Bà Lê (vân Thắng). Tây cô quả, hải trùng sở thực. Bắc cô quả, cầm thú sở thực. Thượng cô quả, tinh tú thiên sở thực” (Sở dĩ gọi là Diêm Phù vì phía dưới có Kim Sơn, cao ba mươi do-tuần. Do cây Diêm Phù, mà gọi tên là vàng Diêm Phù. Cây có năm nhánh lớn, bốn phía là bốn nhánh, phía trên có một nhánh. Quả to như cái vò có thể chứa được một hộc của nước Ma Già Đà (Maghada, Ma Kiệt Đà). Khi hái quả ấy, nhựa cây sẽ chảy ra thành dòng, màu trắng như sữa, vị ngọt như mật. Quả nơi nhánh phía Đông do Càn Thát Bà ăn. Nhánh phía Nam dành cho người trong bảy nước ăn, một là Câu Lâu (cõi này dịch là Bất Chánh Khiếu), hai là Câu La Bà (dịch là Khiếu Hoán), ba là Tỳ Đề (dịch là Bất Chánh Thể), bốn là Thiện Tỳ Đề (dịch là Hiền), năm là Mạn Đà (dịch là Thiện Hiền), sáu là Bà La (dịch là Lao), bảy là Bà Lê (dịch là Thắng). Quả của nhánh phía Tây để cho hải trùng ăn. Quả nơi nhánh phía Bắc dành cho chim, thú ăn. Quả nơi nhánh phía trên dành cho tinh tú thiên ăn).

Kinh Quán Phật Tam Muội nói: “Diêm Phù Đề quả, vô dĩ vi thí. Kỳ hình đoàn viên, mãn bán do-tuần. Bà-la-môn thực, tức đắc tiên đạo, ngũ thông cụ túc, thọ mạng nhất kiếp. Phàm phu thực chi, đắc tứ Sa-môn quả, tam minh, lục thông vô bất tất bị” (Quả Diêm Phù Đề chẳng thứ gì có thể sánh ví được. Hình dạng của nó tròn trặn, to bằng nửa do-tuần. Bà-la-môn ăn vào liền đạt được tiên đạo, trọn đủ Ngũ Thông, thọ mạng một kiếp. Phàm phu ăn vào liền đắc tứ quả Sa-môn (Tứ Quả của Thanh Văn), tam minh, lục thông không gì chẳng đều trọn đủ). Lập Thế A Tỳ Đàm Luận nói: “Cây này sanh ở rìa Bắc cõi đất Diêm Phù Đề, bên bờ Nam của sông Nê Dân Đà La (Nimiṁdhara). Cội chính của cây ấy nằm ở chính giữa Nam châu. Từ chính giữa của cội cây, khoảng cách giữa hai góc Đông và Tây là một ngàn do-tuần. Cây sanh trưởng hoàn chỉnh, hình dạng đáng yêu. Lá che rợp cành, lâu ngày chẳng rụng; lần lượt che phủ, cao một trăm do-tuần. Phần dưới gốc to thẳng, trọn chẳng có mấu đốt. [Tính từ gốc lên cao] năm mươi do-tuần, mới có cành, nhánh. Thân cây có đường kính là năm do-tuần, chu vi là mười lăm do-tuần. Cành xòe ngang ra [mỗi phía] rộng năm mươi do-tuần. Đường kính ở chính giữa cây là một trăm do-tuần, chu vi là ba trăm do-tuần. Quả của nó ngon ngọt khôn sánh. Hạt của nó to như hạt cây Diêm Phù trong thế gian[1]. Phía trên có hình chim thú. Rễ của nó được phủ bằng kim sa (cát bằng vàng). [Ở dưới tán cây Diêm Phù], mưa Xuân chẳng dột nước, mùa Hè chẳng nóng, mùa Đông chẳng có gió lạnh. Thần Càn Thát Bà và Dược Xoa nương vào cây để ở”.

Cái tên Uế Thụ của cây này đã được giải thích đại lược trong phần trước. Nay giải thích thêm. Lập Thế Luận nói: “Một người nương vào thần thông, muốn đến chỗ cây Diêm Phù Đề, liền tạ từ đức Phật, đi theo hướng Bắc, đi qua bảy rặng núi. Tới bên rặng Kim Sơn thứ bảy, lên đỉnh núi, hướng về phía Bắc, vươn mình nhìn ra xa, chỉ thấy tối đen, bèn sợ hãi quay về. Đức Phật bảo: ‘Chỗ hắc ám ấy chính là cây Diêm Phù (ở đây coi hắc ám là Uế). Lại nữa, mùi thơm của quả ấy có thể làm tâm người ta bị nhiễm, trở thành điên cuồng (đấy là coi ô nhiễm là Uế)”.

Kinh Trường A Hàm nói: “Hà duyên nguyệt hữu hắc ảnh? Do Diêm Phù thụ ảnh, tại ư nguyệt trung, cố nguyệt hữu ảnh, khởi phi nguyệt cung bổn tự quang minh, nhân thụ cố hiện hắc ảnh” (Vì sao mặt trăng có bóng đen? Do bóng cây Diêm Phù in giữa mặt trăng, cho nên mặt trăng có bóng, há chẳng phải là nguyệt cung vốn có quang minh, do cây [Diêm Phù soi vào] mà hiện bóng đen”), cái tên Uế Thụ há chẳng phải là do nói theo nghĩa này ư? Nay dựa theo hai cách giải thích trên đây ngõ hầu chẳng bị sai lạc! Vì thế, chép tường tận ra, mong chư hiền chứng biết!

3.2.2.2.2. Phẩm văn (kinh văn thuộc phẩm này)

3.2.2.2.2.1. Địa Tạng trùng thuật phó chúc (Địa Tạng nhắc lại lời phó chúc)

3.2.2.2.2.1.1. Đại sĩ thuật sự (Đại sĩ thuật chuyện)

3.2.2.2.2.1.1.1. Thuật (trần thuật)

3.2.2.2.2.1.1.1.1. Tích thừa Phật lực phân hóa (xưa kia đã nhờ Phật lực mà phân thân hóa độ)      

(Kinh) Nhĩ thời, Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Ngã thừa Phật Như Lai oai thần lực cố, biến bách thiên vạn ức thế giới, phân thị thân hình, cứu bạt nhất thiết nghiệp báo chúng sanh”.

()爾時地藏菩薩摩訶薩白佛言世尊我承佛如來威神力故徧百千萬億世界分是身形救拔一切業報眾生。

(Kinh: Lúc bấy giờ, Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát bạch với đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Con nương vào sức oai thần của Phật, phân thân hình trọn khắp trăm ngàn vạn ức thế giới để cứu vớt hết thảy chúng sanh nghiệp báo”).

Khi thánh mẫu vừa hỏi về địa ngục Vô Gián xong, ngài Địa Tạng lại trần thuật [chuyện độ sanh]. Ấy là vì chuyện phó chúc trước đó chưa xong, thế mà thánh mẫu đã hỏi ngay chuyện quả báo trong địa ngục, đúng là chỉ xâu vào kim, liên kết khít khao, nay [kinh văn] lại trần thuật [chuyện độ sanh] hòng nghĩa lý đừng bị gộp chung sai lạc. Đức Thế Tôn lại dạy rằng “[chúng sanh] tánh thức vô định, đến nỗi luân chuyển trong năm đường”, sẽ càng thấy ý nghĩa liên kết với phần nghiệp cảm Vô Gián trong đoạn kinh văn trước đó. Vì thế, hai phẩm này móc vào nhau như mắt xích, chẳng thể đứt lìa được! Do đó, sau phần Nghiệp Duyên, trước phần Nghiệp Cảm, bèn trần thuật [chuyện hóa độ] nhằm phát khởi phần kinh văn tiếp theo. Trước hết, [Địa Tạng Bồ Tát] trần thuật: Con cậy vào Phật lực mà phân thân. “Oai” (威) là Tứ Vô Úy[2]. “Thần” (神) chính là Lục Thần Thông. “Lực” (力) chính là Thập Lực. Trí Thập Lực của đức Phật sung mãn bên trong, cho nên đối trước ngoại duyên chẳng kinh sợ, rộng phát khởi thần thông hóa độ chúng sanh. Đấy là pháp của chư Phật, chứ Bồ Tát chưa đắc. Nay [hàng Bồ Tát] cũng có thể phân thân trong các cõi nhiều như cát, đều là do Từ lực của Như Lai ban cho, chẳng phải do khả năng của chính mình. Vì thế nói là “ngã thừa” (con nương vào). Nhưng phân thân cứu vớt chúng sanh chính là Đồng Sự Nhiếp trong Tứ Nhiếp. Do Pháp Nhãn của Bồ Tát mà thấy rõ căn duyên của chúng sanh, hễ có người cùng ưa thích, bèn phân hình tán ảnh (phân thân), hòa quang trọn khắp, cùng làm những sự nghiệp giống như họ, khiến cho ai nấy đều nhuần thấm lợi ích. Do cái nhân là sanh tâm thân ái, cho nên có thể cứu bạt nghiệp báo.

(Kinh) Nhược phi Như Lai đại từ lực cố, tức bất năng tác như thị biến hóa.

()若非如來大慈力故即不能作如是變化。

(Kinh: Nếu chẳng do sức đại từ của Như Lai, sẽ chẳng thể biến hóa như thế).

Tiếp đó, Ngài chỉ rõ: [Chỉ cậy vào] sức của chính mình, sẽ khó thể giáo hóa. Như Đại Luận nói: “Chư Bồ Tát tu chuyện khổ hạnh, [do thấy] khó thực hiện, khó thành tựu, cho nên toan giải đãi. Đức Phật an ủi rằng: – Đừng nên chán mệt, hãy nên siêng tinh tấn. Hành Thập Lực này, sẽ đắc vô lượng quả báo”. Vì thế, nói: “Nếu chẳng có sức đại từ của Như Lai, sẽ chẳng thể biến hóa như thế”. Dời chuyển, thay đổi lẫn nhau là Biến (變), đang là Không mà bỗng biến thành Có thì là Hóa (化). Đấy là trong Nhất Thiết Hạnh Thiền thì Vô Ký Hóa Hóa Thiền[3] có thể hiện tám thứ biến hóa:

          – Một là có thể biến nhỏ.

          – Hai là có thể biến lớn.

          – Ba là có thể biến thành nhẹ.

          – Bốn là có thể tự tại.

          – Năm là có thể làm chủ.

          – Sáu là thể đến nơi xa.

          – Bảy là có thể động cõi đất.

          – Tám là có thể tùy ý mà làm.

[Tám loại này] còn được gọi là Bát Tự Tại Ngã. Đấy là do Bồ Tát khéo trụ trong pháp hòa kính, [hòa hợp] với hết thảy như nước và sữa, muốn sanh cái tâm hy hữu cho chúng sanh. Vì thế, hiện sức đại thần thông, như chuyện được biến hóa bởi hóa nhân vốn chẳng có thật. Do vậy, kinh Đại Phẩm Bát Nhã nói: “Hết thảy các pháp đều là hóa”. Vì thế, trong các pháp, bèn có pháp biến hóa của Thanh Văn, Bích Chi, Bồ Tát, và chư Phật, có phiền não pháp biến hóa, có nghiệp nhân duyên pháp biến hóa. Như Niết Bàn chẳng sanh, chẳng diệt, không có tướng dối gạt thì là pháp chẳng biến hóa, do hết thảy đều bình đẳng. Nay nói là “biến hóa” tức là dựa theo sự sanh diệt do tình kiến mà nói đó thôi!

3.2.2.2.2.1.1.1.2. Kim mông Phật chúc độ sanh (nay mong được đức Phật phó chúc độ sanh)

(Kinh) Ngã kim hựu mông Phật phó chúc, chí A Dật Đa thành Phật dĩ lai, lục đạo chúng sanh, khiển linh độ thoát.

()我今又蒙佛付囑至阿逸多成佛已來六道眾生遣令度脫。

(Kinh: Nay con lại mong đức Phật phó chúc, sai con độ thoát chúng sanh trong lục đạo cho đến khi ngài A Dật Đa thành Phật).

Chữ Kim (今, nay) tương ứng với vô ương số kiếp. A Dật Đa (Ajita) cõi này dịch là Vô Năng Thắng (không ai có thể hơn được), là họ của ngài Di Lặc. Tịnh Danh Sớ nói: “Có thuyết nói A Dật Đa là tên. Đã chẳng thể đích thân thấy chánh văn [trong tiếng Phạn] thì không thể chấp chặt một bề được”. Xét theo kinh Di Lặc Hạ Sanh, “thời Tu Phạm Ma tức dữ tử lập tự, danh viết Di Lặc” (khi ấy, ông Tu Phạm Ma đặt tên cho con là Di Lặc). Vậy thì “A Dật Đa là họ” đã là chuyện đích xác rồi!

3.2.2.2.2.1.1.2. Ủy (an ủi)

(Kinh) Dụy nhiên! Thế Tôn! Nguyện bất hữu lự.

()唯然世尊願不有慮。

(Kinh: Thưa vâng! Thế Tôn! Xin đừng lo lắng).

“Dụy” (唯) là từ ngữ thể hiện ý đáp ứng nhanh chóng. Nay đức Phật chẳng gọi, sao [Bồ Tát] lại nhanh chóng thưa? Vì đấy chính là từ ngữ thường nói của người Tây Vực vậy.

3.2.2.2.2.1.2. Như Lai thị ý (đức Như Lai bày tỏ ý Ngài)

3.2.2.2.2.1.2.1. Sanh tánh vô định (tánh của chúng sanh bất định)

3.2.2.2.2.1.2.1.1. Pháp thị (chỉ dạy về pháp)

(Kinh) Nhĩ thời, Phật cáo Địa Tạng Bồ Tát: “Nhất thiết chúng sanh vị giải thoát giả, tánh thức vô định, ác tập kết nghiệp, thiện tập kết quả”.

()爾時佛告地藏菩薩一切眾生未解脫者性識無 惡習結業善習結果。

(Kinh: Lúc bấy giờ, đức Phật bảo Địa Tạng Bồ Tát: “Trong hết thảy chúng sanh, những kẻ chưa giải thoát tánh thức bất định, do huân tập điều ác mà kết thành nghiệp, do huân tập điều thiện mà kết thành quả”).

Câu đầu tiên là căn bản của lời phó chúc. Giải thoát có hai loại:

– Nếu nói theo những người đã đắc A La Hán thì các đường Nê Lê đều bị bế tắc. Đấy là sự giải thoát của Tiểu Thừa.

– Nếu nói “ta đều khiến cho họ nhập Vô Dư Niết Bàn để diệt độ” thì là sự giải thoát của Đại Thừa.

Từ chữ “tánh thức” trở đi nhằm giải thích căn nguyên [vì sao] chưa giải thoát: “Do tánh thức vô định”. “Vô định” là định tánh chẳng vững vàng. Kinh Tứ Tự Xâm nói “học giả do dự, tâm bất chuyên hằng, hoặc tấn, hoặc thoái, cố sử mê hoặc, vãng lai bất tuyệt” (kẻ học do dự, tâm chẳng chuyên ròng, thường hằng, hoặc tiến, hoặc lùi, khiến cho bị mê hoặc, qua lại chẳng dứt) là nói về ý này.

Từ chữ “ác tập” trở đi, giải thích nguyên do. “Tập” (習) là huân tập. Kinh Chiêm Sát nói: “Chúng sanh dĩ vô minh si ám huân tập nhân duyên, hiện vọng cảnh giới” (Chúng sanh do nhân duyên vô minh si ám huân tập mà hiện ra các cảnh giới hư vọng). Do huân tập điều ác, sẽ tạo các ác nghiệp như giết, trộm v.v… kết thành ác quả trong tam đồ. Do huân tập điều thiện, tạo các thiện nghiệp như Thí, Giới v.v… bèn kết thành thiện quả trời, người. [Trong đoạn kinh văn trên đây], trong phần nói về cái nhân ác thì lược đi chẳng nói đến cái quả, trong phần nói về thiện quả thì lược đi chẳng nói đến cái nhân. Kinh Trường A Hàm nói: “Bỉ Thiên Nhãn tịnh, kiến chư chúng sanh tử thử, sanh bỉ, tùng bỉ sanh thử, hình sắc hảo xú, thiện ác chư quả, tôn, ty, quý, tiện, tùy sở tạo nghiệp, báo ứng nhân duyên, giai tất tri chi. Thử nhân thân hành ác, khẩu ngôn ác, ý niệm ác, phỉ báng hiền thánh, tín tà đảo kiến. Thân bại, mạng chung, đọa tam ác đạo. Thử nhân thân hành thiện, khẩu ngôn thiện, ý niệm thiện, bất báng hiền thánh, kiến chánh tín hạnh. Thân hoại, mạng chung, sanh thiên nhân trung. Dĩ Thiên Nhãn tịnh, kiến chư chúng sanh tùy sở nghiệp duyên, vãng lai ngũ đạo” (Do người ấy Thiên Nhãn thanh tịnh, thấy các chúng sanh chết đây, sanh kia, từ nơi kia sanh vào nơi đây, hình sắc xấu, đẹp, các quả thiện, ác, cao, thấp, sang, hèn, tùy theo nghiệp đã tạo, nhân duyên báo ứng, thảy đều biết rõ. Người ấy thân làm ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác, phỉ báng hiền thánh, tin tưởng kiến giải tà vạy, điên đảo. Thân bại, mạng chung, đọa trong ba đường ác. Người ấy thân hành thiện, miệng nói lời lành, ý niệm tốt lành, chẳng báng bổ hiền thánh, kiến giải chánh đáng, có tín hạnh, [đến khi] thân hoại, mạng chết, sẽ sanh trong đường trời người. Do Thiên Nhãn thanh tịnh, bèn thấy các chúng sanh thuận theo nghiệp duyên đã tạo, qua lại trong năm đường).

Đấy là chỉ dạy: “Do Hoặc tạo nghiệp”. Nghiệp là tâm suy nghĩ; thân và miệng lấy tâm làm chủ. Vì thế, kinh nói: “Chư pháp tâm vi bổn, chư pháp tâm vi thắng, ly tâm vô chư pháp, duy tâm thân, khẩu danh. Dĩ y tâm cố, thiện ác nghiệp thành” (Các pháp tâm làm gốc, tâm hơn hẳn các pháp. Lìa tâm, không có các pháp. Duy tâm, gọi là thân, miệng. Do vì nương vào tâm, nghiệp thiện, ác được thành). “Kết” (結) là Hoặc và Nghiệp nương vào nhau, như cái khăn thắt thành nút; nếu muốn tháo nút, ắt phải kéo ở giữa. Vì thế, quốc sư Nam Dương Huệ Trung nói: “Khi mê, thắt tánh thành tâm. Khi ngộ, tháo gỡ tâm thành tánh”, đó là lời nói trúng ngay vào cội gốc vậy!

(Kinh) Vi thiện, vi ác, trục cảnh nhi sanh. Luân chuyển ngũ đạo, tạm vô hưu tức. Động kinh trần kiếp, mê hoặc chướng nạn.

()為善為惡逐境而生。輪轉五道暫無休息。動經塵劫迷惑障難。

(Kinh: Làm lành, làm ác, theo cảnh mà sanh. Luân chuyển trong năm đường, chẳng có lúc tạm ngưng nghỉ. Trải qua các kiếp nhiều như vi trần, mê hoặc, chướng nạn).

Hai câu “làm lành…” nhằm chỉ rõ [chúng sanh tánh thức] vô định, do nghiệp thiện hay ác đều ruổi theo cảnh mà sanh. Thiện tâm sanh thì đủ mọi thiện pháp sanh. Ác tâm sanh thì đủ mọi ác pháp sanh. Vì thế, kinh Mật Nghiêm dạy: “A Lại Da Thức, tùng vô thỉ thế lai, vi hý luận huân tập, chư nghiệp sở hệ, luân hồi bất dĩ. Như hải nhân phong, khởi chư thức lãng, hằng sanh, hằng diệt, bất đoạn, bất thường, nhi chư chúng sanh, bất tự giác tri, tùy ư tự thức, hiện chúng cảnh giới” (A Lại Da Thức từ đời vô thỉ đến nay bị hý luận huân tập, bị các nghiệp buộc ràng, luân hồi chẳng ngơi. Như biển do gió mà khởi các sóng thức, luôn sanh, luôn diệt, chẳng đoạn, chẳng thường, nhưng các chúng sanh chẳng tự hay biết, thuận theo cái thức của chính mình mà hiện ra các cảnh giới). Ấy là vì do Chân Như chẳng giữ lấy tự tánh, thuận theo duyên nhiễm hay tịnh, chẳng hợp mà hợp. Do đó, luân chuyển trong năm đường.

Đại Luận viết: “Hỏi: Kinh nói có năm đường, cớ sao nói là lục đạo? Đáp: Đức Phật đã lìa thế gian lâu xa, kinh pháp lưu chuyển, năm trăm năm sau, bộ loại sai biệt khác nhau. Hoặc nói là năm đường, là vì trong kinh đức Phật nói gộp là năm. Hoặc nói là lục đạo, vì trong kinh đức Phật đã nói rộng thành sáu”. Nay nói là “năm” (ngũ đạo) là như Phật Thuyết Ngũ Khổ Chương Cú Kinh đã chép: “Tam giới ngũ đạo, sanh tử bất tuyệt. Phàm hữu ngũ khổ: Nhất viết chư thiên khổ, nhị viết nhân đạo khổ, tam viết súc sanh khổ, tứ viết ngạ quỷ khổ, ngũ viết địa ngục khổ” (Năm đường trong ba cõi sanh tử chẳng dứt. Có năm thứ khổ: Một là chư thiên khổ, hai là nhân đạo khổ (khổ trong loài người), ba là súc sanh khổ, bốn là ngạ quỷ khổ, năm là địa ngục khổ) là nói đến điều này. Năm đường như thế giống như cái trục quay để kéo nước giếng, xoay tròn lên cao xuống thấp. Vì thế nói là “luân chuyển”. Đó là vì tướng của nghiệp thiện ác chẳng thể chuyển, trong ức ngàn vạn đời, nó cứ theo sát, chẳng bỏ, như chủ nợ đi theo con nợ. Khi nhân duyên trọn đủ, liền tạo thành quả báo, khiến cho [người đã tạo nghiệp] thọ sanh trong năm đường, nhanh chóng như tên bay, cho nên nói là “tạm vô hưu tức” (chẳng hề tạm ngưng nghỉ).

“Động kinh trần kiếp, mê hoặc chướng nạn” (Trải qua kiếp số nhiều như vi trần, mê hoặc, chướng nạn): “Mê hoặc” là nói Thập Sử. Do trong Thập Sử, năm lợi sử thuộc Kiến, năm độn sử thuộc Tư. Do Thập Sử mà khiến cho con người dấy lên Kiến Tư, hôn mê, Hoặc loạn. “Chướng” (障) là ba chướng, “nạn” (難) là tám nạn. Từ thời vô thỉ đến nay, trôi lăn trong sanh tử, chẳng thể đoạn Lậu, chẳng thể đạt được quả xuất thế, đến nỗi Thập Sử phiền não có thể chướng ngại lý Tứ Chân Đế. Lại tạo nghiệp chướng, chướng xuất thế pháp. Nghiệp đã thành, sẽ chuốc khổ, quả báo là sanh trong tám nạn trải qua kiếp số nhiều như vi trần, khó thể thoát ra. Do vậy, kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói: “Tam giới như luân chuyển, nghiệp hệ luân bất đoạn. Thị cố xả ái dục, ly dục đắc Niết Bàn” (Tam giới như bánh xe xoay, nghiệp ràng buộc luôn xoay chuyển chằng ngừng. Vì thế bỏ ái dục, lìa dục đắc Niết Bàn). Ai nấy hãy nên nghe điều này rồi tự suy nghĩ tu tập vậy!

3.2.2.2.2.1.2.1.2. Dụ hiển (dùng thí dụ để nói rõ)

(Kinh) Như ngư du võng, tương thị trường lưu. Thoát nhập tạm xuất, hựu phục tao võng.

 ()如魚遊網將是長流。脫入暫出又復遭網。

(Kinh: Như cá bơi trong lưới theo dòng nước dài, tạm được thoát ra rồi lại mắc lưới).

“Cá” ví như năm đường. “Lưới” ví như tam giới. “Trường lưu” (Dòng nước dài) ví như nghiệp quả. “Thoát nhập” (Thoát khỏi lưới) ví như sanh tử luân chuyển. Cá là động vật thuộc loại thủy tộc, ví như chúng sanh tánh thức vô định. Bầy cá do tham ăn mà mắc phải lưới dầy. Chúng sanh do ái mà rơi vào lưới ma. Kinh Nhật Minh Bồ Tát nói: “Hựu như mật võng, chúng ngư đầu chi, khoa tràng, trở kỷ” (Lại như chiếc lưới dầy, những con cá sa vào đó, bị mổ bụng khoét ruột, phơi mình trên thớt). Kinh Tứ Tự Xâm nói: “Thân nhược họa bình, nội mãn bất tịnh, bất tri nội ngoại, thân đương quy tận. Thường dĩ thái sắc chi phấn trang nghiêm, tự vị đoan chánh, nhan mạo vô song. Tư đẳng chi nhân, la võng sở triền, mạc năng quán thân” (Thân như cái bình tô vẽ đẹp đẽ, bên trong chứa đầy những thứ bất tịnh! Chẳng biết trong, ngoài, thân sẽ đều chết sạch. Thường dùng màu sắc, phấn sáp để trang nghiêm, tự cho là đoan chánh, có nhan sắc và hình dáng chẳng ai bằng. Những kẻ như thế bị lưới rập ràng buộc, chẳng thể quán thân). Vì thế, Đại Luận nói: “Lưới dâm giăng bủa, ai nấy đều dấn mình vào. Đấy là do nghiệp cảm quả, đối ứng với Khổ Đế”.

“Tương thị trường lưu” (Xuôi theo dòng nước dài): “Tương” (將) là thuận theo. Chữ Thị (是) chỉ A Lại Da Thức. Do chủng tử thiện hay ác trong cái Thức ấy huân tập hiện hành, khiến tạo ra nghiệp quả thiện hay ác liên miên chẳng ngừng, cũng giống như cá bơi theo dòng nước dài, hễ đi bèn chẳng trở lại. Vì thế, Duy Thức nói: “Như nước chảy xiết, các vật trên dưới như cá, cỏ v.v… đều bị cuốn theo dòng chẳng bỏ. Thức này cũng vậy, cùng với các tập khí bên trong, các pháp bên ngoài như Xúc v.v… luôn liên tục lưu chuyển” (A Lại Da Thức từ vô thỉ đến nay luôn tương ứng với năm thứ Tâm Sở là Tác Ý, Xúc, Thọ, Tưởng, và Tư). Đấy là do Hoặc mà tạo nghiệp, đối ứng với Tập Đế. Sách Kim Quang Minh Kinh Văn Cú cũng dùng nước để đối ứng với Tập Đế, vì bản thể của nước là thấm nhuần chúng sanh, như Tập có thể giúp Khổ. “Trường lưu”: Một nghiệp nếu thành, tội chẳng có ngằn mé, trăm ngàn vạn đời, thọ báo chẳng tận.

“Thoát nhập tạm xuất” (Tạm được thoát ra): Từ tam đồ mà thăng lên nhân thiên. “Hựu phục tao võng” (Lại bị mắc lưới): Từ nhân thiên lại đọa vào tam đồ. Do vậy, kinh Ngũ Khổ Chương Cú nói: “Tam ác đạo giả, thị vi nhất thiết chúng sanh chi gia, tạm đắc vi thiên, tạm đắc vi nhân, thí như tác khách. Tác khách nhật thiểu, quy gia nhật đa” (Ba ác đạo chính là nhà của hết thảy chúng sanh. Tạm được làm trời, tạm được làm người, ví như làm khách. Làm khách thì ít, về nhà thì nhiều). Người học hãy suy nghĩ, gắng sức tinh tấn, hòng được thoát khổ; đấy chính là nói về chuyện này đấy.

3.2.2.2.2.1.2.1.3. Hợp minh (nói gộp chung lại)

(Kinh) Dĩ thị đẳng bối, ngô đương ưu niệm.

()以是等輩吾當憂念。

(Kinh: Do những kẻ ấy mà ta phải lo nghĩ).

Đức Phật dạy: “Khó được thân người, khó trọn đủ sáu tình thức, miệng khó biện luận trúng, khó đạt được tài cán, thông minh, khó đạt được thọ mạng [lâu dài], khó gặp người sáng suốt, khó có lòng tin thẳng thắn, khó phát đại tâm, khó nghe kinh pháp, khó gặp đức Như Lai”. Thế gian có loài cây tên là Ưu Đàm Bát (Uḍumbara, Linh Thụy Hoa), chỉ có trái, không có hoa. Như Lai xuất thế, cây mới có hoa. Đã được làm thân người, có đủ sáu tình thức, miệng biện luận thông suốt, hay khéo, thọ mạng lâu dài, gặp gỡ người sáng suốt, phát Bồ Tát tâm, niềm tin ngay thẳng không lui sụt, nghe trọn kinh pháp, gặp Như Lai tại thế; đấy là những người đã từng tu hành phước đức trong đời trước, từ chỗ sáng vào chỗ sáng, noi theo dấu chân của Như Lai, hành mãi chẳng ngừng, sẽ ở trong đạo tràng, chẳng hủy căn cội, chẳng quên mất công sức trước kia. Hễ đánh mất đạo ý, sẽ trải bao kiếp số; cho nên đức Như Lai lo nghĩ tới họ. Bởi lẽ, đức Phật quán chúng sanh trong khắp cõi đất khác nào con một. Đức Phật lo họ tánh thức vô định, lại kết nghiệp quả thiện ác, nghĩ họ tạm thoát ra, sanh trong đường trời, người, rồi lại mắc phải lưới dầy tam đồ! “Vì thế, ta ân cần phó chúc ông hãy cứu giúp, giải thoát họ!”

3.2.2.2.2.1.2.2. Nhữ nguyện độ tội (ông nguyện hóa độ chúng sanh tội khổ)     

(Kinh) Nhữ ký tất thị vãng nguyện, lũy kiếp trọng thệ, quảng độ tội bối, ngô phục hà lự?

()汝既畢是往願累劫重誓廣度罪輩吾復何慮

(Kinh: Ông đã trọn nguyện xưa ấy, nhiều kiếp phát trọng thệ rộng độ những kẻ tội khổ, ta còn lo chi nữa?)

Chuẩn theo kinh văn trong phần trên, [từ ngữ] “tội bối” (罪輩, những kẻ tội khổ) chỉ chung năm đường. “Ta lo nghĩ chính là vì những kẻ ấy. Ông nay đã phát nguyện độ họ, ta còn lo lắng chi nữa!”

Hỏi: Chư thiên thăng lên chốn thanh tịnh, tu ròng Thiền Định, thất chúng [Tăng tục] đoan nghiêm, cung kính vâng giữ luật nghi, vì sao cũng gọi là “tội bối”?

Đáp: Trên cõi trời cũng có các nỗi khổ, tức cũng là khinh báo Nê Lê (địa ngục chịu báo ứng nhẹ). Lại nữa, lúc ở trong loài người, do chẳng học hiểu, luôn mê muội đối với đạo pháp, tuy tu các điều thiện, chẳng trừ tà báo. Vì thế, luận Câu Xá nói: “Kẻ tại gia do giữ lấy Ngũ Trần, cho nên dấy lên đấu tranh. Hàng xuất gia do giữ lấy các kiến giải, cho nên dấy lên đấu tranh”. Thành Thật Luận nói: “Nếu người nào trì giới mà chấp đó là thanh tịnh, thì gọi là Giới Thủ Kết, tức là cho rằng các thứ do chính mình chấp giữ mới là chân thật, những thứ khác đều là vọng ngữ, thì gọi là Kiến Thủ Kết”. Hai điều ấy chính là căn bản cho sự đấu tranh của người xuất gia. Hơn nữa, Giới Thủ là sự trói buộc của người xuất gia; các dục là sự trói buộc của người tại gia. Vì thế, những thứ như Giới Thủ v.v… chỉ là điều lành thế gian, chuốc lấy cái quả sanh tử; do vậy gọi là Tùy Khổ (thuận theo sự khổ), chẳng phải là đạo pháp chân thật. Kẻ ngu lắm mê, do chấp trước hư vọng mà sanh ra tội. Theo đó, [người xuất gia] há chẳng thuộc vào bọn tội khổ ư? Vì thế biết là thất chúng thuộc nội giáo hễ có chấp trước thì đều là sai! Lục sư ngoại đạo hễ chẳng chấp thì đều là chánh. Nếu đã thấu hiểu các pháp và nhân đều là Không, Nhất Chân vốn tịch diệt, nhập bình đẳng môn, dạo chơi trong nhà vô vi, hết thảy vô ngại, một đường thoát khỏi sanh tử, thì cái danh xưng “tội bối” há còn có ta trong ấy nữa hay chăng?

3.2.2.2.2.2. Đương cơ chánh vấn thệ nguyện (bậc đương cơ hỏi về thệ nguyện)

3.2.2.2.2.2.1. Tự Tại vấn lũy kiếp phát hà nguyện (ngài Định Tự Tại Vương hỏi trong bao kiếp [Địa Tạng Bồ Tát] đã phát nguyện gì)

3.2.2.2.2.2.1.1. Dĩ Địa Tạng các phát hà nguyện vấn (hỏi ngài Địa Tạng đã phát nguyện gì)

(Kinh) Thuyết thị ngữ thời, hội trung hữu nhất Bồ Tát Ma Ha Tát, danh Định Tự Tại Vương, bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Địa Tạng Bồ Tát lũy kiếp dĩ lai, các phát hà nguyện, kim mông Thế Tôn ân cần tán thán? Duy nguyện Thế Tôn, lược nhi thuyết chi”.

 ()說是語時會中有一菩薩摩訶薩名定自在王白佛言世尊地藏菩薩累劫已來各發何願今蒙世尊殷勤讚歎唯願世尊略而說之。

(Kinh: Nói lời ấy xong, trong hội có một vị Bồ Tát Ma Ha Tát tên là Định Tự Tại Vương, bạch cùng đức Phật rằng: “Thưa đức Thế Tôn! Địa Tạng Bồ Tát từ bao kiếp đến nay, đã phát những nguyện gì mà nay được đức Thế Tôn ân cần tán thán? Kính mong đức Thế Tôn hãy nói đại lược”).

Trước tiên là giải thích về danh xưng [của bậc đương cơ]. Bậc đại sĩ Định Tự Tại Vương là rồng trong loài người. Thế gian có ái, Ngài đều xa lìa, đã giải thoát các trói buộc, các lậu đã hết, “Na Già thường tại Định, chẳng có lúc nào không định!” Được tự tại nơi Định, nên gọi là Định Tự Tại Vương. Từ “bạch Phật” trở đi là lời hỏi: Vừa mới nghe đức Thế Tôn nói Địa Tạng Bồ Tát đã phát nguyện ấy, phát ra trọng thệ suốt bao kiếp, chẳng biết trong bao kiếp ấy, Ngài đã phát những nguyện gì, khiến cho nay Ngài được đức Thế Tôn không ngớt lời tán thán trong đại hội vậy? Từ “duy nguyện” trở đi, là lời thỉnh cầu xin hãy nói nguyện trong bao nhiêu kiếp [của Địa Tạng Bồ Tát], xin hãy nói đại lược. Đức Phật thuyết pháp có hai môn là cặn kẽ và đại lược, nay [Định Tự Tại Vương Bồ Tát] thỉnh Phật nói đại lược.

3.2.2.2.2.2.1.2. Ước chúng sanh nghiệp cảm phát tâm đáp (trả lời: Do xét theo nghiệp cảm của chúng sanh mà phát tâm)

3.2.2.2.2.2.1.2.1. Giới thính, hứa thuyết (răn bảo hãy lắng nghe, hứa nói)

(Kinh) Nhĩ thời, Thế Tôn cáo Định Tự Tại Vương Bồ Tát: “Đế thính, đế thính, thiện tư niệm chi! Ngô đương vị nhữ, phân biệt giải thuyết”.

()爾時世尊告定自在王菩薩諦聽諦聽善思念之吾當為汝分別解說。

(Kinh: Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Định Tự Tại Vương Bồ Tát: – Lắng nghe, lắng nghe. Hãy khéo nghĩ nhớ! Ta sẽ vì ông phân biệt, giải nói).

Răn dạy hãy lắng nghe, khéo nghĩ nhớ, vì Phật pháp rộng sâu, nguyện môn rộng lớn, chỉ do tín lực thì mới có thể tiếp nhận. Đại Luận nói: “Chuyên nhìn, nghe pháp như khát muốn uống, nhất tâm nhập vào ý nghĩa của từ ngữ. Hớn hở nghe pháp, tâm buồn vui lẫn lộn. Đối với người như thế thì đáng nên nói”. Do “lắng nghe, khéo suy nghĩ” có thể thành tựu Tam Huệ. Tiếp đó là hứa nói. Hết thảy các pháp vốn chẳng thể nói, bất sanh, bất diệt, pháp như Niết Bàn; nay do nhân duyên mà phân biệt, giải nói.

3.2.2.2.2.2.1.2.2. Đằng tích nguyện sự (nêu bày nguyện xưa)

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1. Chánh minh tích nguyện lợi ích (nêu bày lợi ích do nguyện xưa)

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1. Thuật tích thệ nguyện (thuật lại thệ nguyện xưa)

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.1. Tiểu quốc vương sở phát nguyện (lời phát nguyện của tiểu quốc vương)

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.1.1. Thuật vương Phật, kiếp, hiệu (nêu ra Phật hiệu, kiếp số và danh hiệu của vua)

(Kinh) Nãi vãng quá khứ vô lượng A-tăng-kỳ na-do-tha bất khả thuyết kiếp. Nhĩ thời, hữu Phật, hiệu Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Kỳ Phật thọ mạng lục vạn kiếp.

()乃往過去無量阿僧祇那由他不可說劫。爾時有佛號一切智成就如來應供正徧知明行足善逝世間解無上士調御丈夫天人師世尊。其佛壽命六萬劫。

(Kinh: Quá khứ vô lượng A-tăng-kỳ na-do-tha bất khả thuyết kiếp về trước. Lúc bấy giờ, có Phật, hiệu là Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vị Phật ấy thọ sáu vạn kiếp).

Trước hết, trần thuật kiếp số lâu xa. Từ “nhĩ thời” (lúc bấy giờ) trở đi, nêu ra danh hiệu của Phật. “Hiệu” (號) là do Khẩu (口) và Khảo (ㄎ) ghép lại; nếu thêm vào chữ Hổ (虎), sẽ có âm đọc giống như Hào (毫), thì có nghĩa là “âm thanh giận dữ của con cọp”. Lại có nghĩa là “hô lớn, gầm thét”. Xưa nay sai lầm chất chứa, rất khó thay đổi!

Chữ Tát Bà Nhã Đa (Sarvajñāna) trong tiếng Phạn, kinh Ban Châu phiên âm là Tát Vân (薩雲), dịch sang tiếng Hán là Nhất Thiết Trí Tướng, do trong nhất tâm mà đắc ba trí. Đã đắc trí huệ như thật thành tựu, bèn nương vào trí ấy để thành Chánh Giác, cho nên có danh hiệu là Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai. Đáng nhận đồ cúng dường tối thượng của chư thiên và người đời thì gọi là Ứng Cúng (Arhat). Chánh (正) là “các pháp bất động, bất hoại”. Biến (徧) là “chẳng phải là một pháp hay hai pháp”. Do đều biết tất cả hết thảy các pháp chẳng còn sót thừa, nên gọi là Chánh Biến Tri (正徧知, Samyak-saṃbuddha).

“Minh” là Tam Minh, như sẽ giải thích [trong phần sau]. Hạnh là Bồ Tát từ sơ phát ý cho đến [chứng đắc] Kim Cang tam-muội, thân nghiệp và khẩu nghiệp thanh tịnh, tùy ý mà hành, cho nên gọi là Minh Hạnh Túc (明行足, Vidyā-caraṇa Saṁpanna). Như hành xứ của các vị Phật trước đó, nay đức Phật [Thích Ca] cũng hành như thế, vượt lên bậc nhất, vĩnh viễn chẳng trở lại (chẳng lui sụt thành Bồ Tát hoặc Nhị Thừa trong thế gian này) thì gọi là Thiện Thệ (善逝, Sugata). “Giải” tức là biết. Biết chúng sanh giới trong thế gian, hết thảy các phiền não và thanh tịnh thì gọi là Thế Gian Giải (世間解, Lokavid). Trong các pháp, Niết Bàn vô thượng, Phật là vô thượng trong các chúng sanh. Do không có gì để đoạn, nên gọi là Vô Thượng Sĩ (無上士, Anuttara). Phật có thể điều phục chúng sanh, khéo gìn giữ căn môn. Kinh Trường A Hàm nói: “Thiện ngự lục xúc, hộ trì điều phục, do như bình địa. Hạ tứ mã xa, thiện điều ngự giả, chấp tiên trì khống, sử bất thất triệt” (Khéo điều ngự sáu xúc (sáu cảm thọ do sáu căn tiếp xúc sáu trần), bảo vệ, gìn giữ, điều phục, giống như đất bằng. Điều khiển cỗ xe bốn ngựa kéo, người khéo điều khiển sẽ cầm roi khống chế, khiến cho xe chẳng bị trật bánh). Nếu nói là “điều ngự nữ nhân” thì chẳng tôn trọng. Do vậy, gọi là Điều Ngự Trượng Phu (調御丈夫, Puruṣa-damya-sārathi). Đức Phật độ chúng sanh trong những đường khác thì ít, độ chúng sanh trong đường trời, người thì nhiều. Vì thế, gọi là Thiên Nhân Sư (天人師, Śāsta deva-manuṣyāṇaṃ). Hết thảy trí huệ thành tựu, biết chúng sanh, phi chúng sanh số, các pháp thường, vô thường v.v… nên gọi là Phật (Buddha). Có đủ mười hiệu như trên đây, được cõi đời cùng tôn trọng, cho nên gọi là Thế Tôn (世尊, Bhagavat).

“Thọ mạng sáu vạn kiếp” có phải là thọ mạng của thắng ứng thân Phật trong quốc độ thanh tịnh đó chăng? Nhưng xét theo thời số, kiếp có bốn loại: Một là biệt kiếp, hai là thành kiếp, ba là hoại kiếp, bốn là đại kiếp. Nếu lại phân tích rộng hơn, thì có sáu loại kiếp: Một là biệt, hai là thành, ba là trụ, bốn là hoại, năm là không, sáu là đại. Nếu nói gọn lại thì có ba loại kiếp: Một là tiểu, hai là trung, ba là đại. Từ lúc con người thọ mười tuổi, dần dần [tăng lên] cho đến tám vạn tuổi; tới lúc tám vạn tuổi, lại dần dần giảm xuống mười tuổi; đó là một Biệt Kiếp (do đối với Tổng mà gọi là Biệt, tức là Tăng Giảm Kiếp). Tiểu kiếp tức là Biệt Kiếp. Trung kiếp là nói một kiếp thành hay hoại, đại kiếp là nói gộp chung cả Thành và Hoại. Nói gộp lại thì tám mươi biệt kiếp là một đại kiếp. Nay nói sáu vạn kiếp thì phải xét theo tuổi thọ dài lâu như vị Phật trong cõi Cực Lạc, chẳng nên dùng ba loại kiếp trong cõi này để phán định; nhưng chỉ có Phật với Phật thì mới có thể biết mà thôi!


ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ


[1] Nói là “cây Diêm Phù trong thế gian” tức là nói tới loại cây Jambolan thường mọc ở Ấn Độ và Đông Nam Á, cũng thường gọi là cây Diêm Phù. Jambolan là một trong các loại cây thuộc họ Trâm, thường được gọi là cây Trâm Mốc trong tiếng Việt. Cây này có tên khoa học là Syzygium Cumini, còn gọi là Java Plum, hay Black Plum. Cây có thể cao hơn ba mươi mét. Trái có hình bầu dục, thon dài, chính giữa có hạt cứng, chuyển từ màu xanh sang hồng nhạt cho đến tím rịm khi chín. Chất dịch trái này sẽ khiến cho lưỡi người ăn có màu tím.

[2] Tứ Vô Úy: Khi đức Phật thuyết pháp, trọn đủ bốn loại công đức không sợ hãi:

1. Chánh Đẳng Giác vô úy: Do Nhất Thiết Trí không sợ hãi, đức Phật nói với đại chúng: “Ta là đấng Nhất Thiết Trí, tâm không sợ hãi”.

2. Lậu vĩnh tận vô úy: Không sợ hãi vì đã đoạn hết các lậu (phiền não).

3. Thuyết chướng pháp vô úy: Nói các pháp gây chướng ngại giải thoát như phiền não, tam độc v.v… không sợ hãi.

4. Thuyết xuất đạo vô úy: Nói ra đạo giải thoát hết khổ mà không sợ hãi.

[3] Vô Ký Hóa Hóa Thiền là một loại Thiền Định có thể tự nhiên vô ngại biến hóa vô cùng. Theo Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Huyền Nghĩa và Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn, có chín loại Thiền lớn. Trong đó, loại thứ sáu là Nhất Thiết Hạnh Thiền, được coi là bao gồm hết thảy các hành pháp Thiền Định của Đại Thừa. Nhất Thiết Hạnh Thiền lại được chia nhỏ thành mười ba loại, trong đó, loại thứ hai là Vô Ký Hóa Hóa Thiền.