NGŨ PHƯỚC LÂM MÔN
Tác giả: Trần Bá Đạt
Dịch giả: Thích Thiện Phước
CHƯƠNG VI: LỜI KẾT
I. NGUY CƠ CỦA NỀN GIÁO DỤC HIỆN ĐẠI:
Chỉ lo chơi bời mà không để chí vào đạo đức, là gốc ngọn đảo lộn vị trí; xem trọng vật chất mà lược bỏ đi phần tâm linh, là bỏ gốc mà đi tìm ngọn.
Khổng Tử từng nói: “Chí ư đạo, cứ ư đức, y ư nhân, du ư nghệ” (Trước tiên phải dốc chí vào việc đạo, tựa ở nơi đức, nương vào lòng nhân, sau mới đeo đuổi theo nghề nghiệp).
Câu này mở bày cho chúng ta thấy rõ rằng học phải chú trọng đến phần gốc trước và phần ngọn sau. Do chất ở bên trong mà đượm ra bên ngoài thì mới hoàn bị được cả “thể” và “dụng”, hoa và trái đều xum xuê.
Nền giáo dục ngày nay vì quá đặt nặng về phần tri thức và kỹ năng, cho nên học sinh được đào tạo phần lớn chỉ biết vui chơi giải trí mà không rõ chữ “đạo” là gì, chỉ biết tham cầu danh lợi mà không hiểu đâu là “nhân, nghĩa, đức, hạnh”.
Người thời nay đa số chỉ xem nặng về cuộc sống vật chất mà quên lãng đi việc trau giồi tinh thần, thậm chí chỉ lo rong ruổi theo vật chất để hưởng thụ, còn phần tinh thần thì ngày càng trở nên sa đọa, tệ đến nỗi mất hết nhân cách.
Họ đâu biết Lão Tử đã từng dạy rằng : “Ngũ sắc lệnh nhân mục manh, ngũ âm lệnh nhân nhĩ lung” (Năm sắc khiến đui mắt người, năm âm khiến điếc tai người). Đức Thế Tôn cũng từng răn: “Sắc và thanh gọi là sắc trần và thanh trần”. Chỉ trừ thánh nhạc và phần phạm bái ra, còn những bản nhạc giựt gân thời nay đều giống như tro bụi vậy! Nó sẽ làm che mờ tâm trí và đậy trùm đức tánh giác ngộ của ta.
Có rất nhiều môn học chuyên nghiên cứu về vật chất, nhưng còn tinh thần là gì? Tại sao ta không quan tâm tới? Bề ngoài tuy có vẻ đạo đức nhân từ, nhưng xét lại bên trong tâm hồn thì lại có ra chi!
Thời bây giờ, có rất nhiều người nhận giặc làm con. Tuy cho rằng tư tưởng, quán niệm và ý thức là chân tâm, nhưng thật ra điều mà họ quán niệm thì chính là “pháp trần”, mà “pháp trần” thì lại thuộc về phần “danh tướng” do ý thức phan duyên mà có được, như trong kinh Phật đã nói: “Loại này chẳng khác gì sắc, thinh, hương, vị và xúc; chúng đều che mờ tâm trí của ta, cho nên gọi chúng là trần”.
Những suy nghĩ thông thường của chúng ta thật ra đều là vọng tưởng và tạp niệm, lấy học thuyết tư tưởng để nghiên cứu về tâm linh thì chẳng khác nào leo cây để tìm cá, mãi mãi là việc làm hư vô ngược đời. Nhân vì trong đầu có vọng niệm, cho nên tâm trí không có phương pháp để được thanh tịnh. Đây thật chẳng khác nào nước vì bị lay động mãi không ngừng, cho nên làm mất đi tác dụng của ánh sáng chiếu soi.
Đang khi chúng ta có tạp niệm và tư tưởng so đo thì tâm tánh sẽ không có cách để giải trừ, ví như lúc nước xao động thì chúng ta chỉ thấy sóng chứ không thấy nước. Cho nên, trong kinh chép rằng: “Lìa bỏ vọng niệm và ý thức phân biệt thì mới có thể minh tâm kiến tánh, thấy được tâm tánh là một điều rất tốt và an tường khoái lạc; nhân vì chân tâm từ xưa tới giờ thường còn, không sanh không diệt, rộng lớn như hư không, trùm khắp cả pháp giới”. Nếu ta có được tấm lòng bao la này thì mới có thể khải phát được tâm từ ái không có hạn lượng và không điều kiện vậy!
Kinh “Viên Giác” chép: “Người có tạp niệm thì không thể nào thấy được thật tướng của vạn vật”. Đây cũng giống như con thuyền đang trôi, người trên thuyền không thể nào thấy được bộ mặt thật của cảnh vật ở trên bờ. Đang lúc ngồi trên thuyền, chúng ta cứ ngỡ rằng cảnh vật ở trên bờ di động. Đây gọi là thuyền đang trôi mà bờ lại di chuyển. Do vậy, chúng ta có thể biết được rằng những điều mà chúng ta trông thấy ở khắp thế giới này đều là những sự nhận thức quá lầm loạn hay hiểu biết một cách hư ảo về chúng.
Do nền giáo dục ngày nay không nghiên cứu về đạo lý và tâm tánh của con người mà chỉ đem hết tinh lực để chú trọng vào tri thức và nghệ thuật. Đây là một căn bệnh “bỏ gốc mà đi tìm ngọn”, “chạy theo bên ngoài mà bỏ bên trong”, dần dà rồi sẽ trở thành lầm lạc và mê mờ nơi tự ngã. Thật oan uổng cho cái kiếp nhân sinh !
Nếu ta không dốc chí ở nơi đạo, nương vào đức hạnh và tựa ở lòng nhân, mà chỉ rong ruổi theo kỹ nghệ thì cũng như cây chỉ có cành mà không có gốc rễ, chỉ ra hoa mà không kết trái. Làm người mà chẳng rõ đạo lý, tâm tánh và trí huệ mà cứ mãi mê tìm cầu tri thức và kỹ nghệ, rốt cuộc lại là một thứ máy móc thật không giúp đỡ được gì cho việc hài hòa và hạnh phúc trong cuộc sống của nhân loại. Dòng suối hài hòa và hạnh phúc chân chánh ấy được khơi nguồn từ sự bình an vô tận trong một tâm hồn khoáng đạt, chứ chẳng phải hướng về ngoại cảnh để truy cầu. Cho nên, kỹ nghệ và tri thức nếu không có đạo đức và nhân ái để làm nền tảng thì chẳng những không có ích mà trái lại còn có hại chung cho toàn thể nhân loại nữa. Hèn nào mà những vấn đề về an ninh xã hội và hành vi phạm tội thời nay cứ tiếp diễn mãi không ngừng.
Người xưa vì lấy đạo đức và nhân ái để làm nền tảng, cho nên việc nghiên cứu học vấn có mục đích là giúp đời và giúp người. Còn bàn về lối nghiên cứu học vấn thời nay, vì không ai chịu lấy đạo đức và nhân ái để làm nền tảng, cho nên mục đích ấy chủ yếu là để kiếm tiền vì danh lợi. Nếu chỉ có kỹ nghệ mà không có lý tưởng đạo đức thì ý nghĩa của nhân sinh và nội dung của cuộc sống sẽ thật rẻ rúng vô dụng, nhân vì lối sống của họ cứng ngắc và không có tình cảm bao la đối với nhân loại. Hạng người này cho dù có học vị tới Thạc sĩ – Tiến sĩ thì cái mỹ danh được gọi là “chuyên gia” ấy thật ra cũng chỉ là một người “thợ” mà thôi!
Khổng Tử nói: “Hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn” (Khi mình có thừa trí lực thì mới được học đến văn chương).
Đức Phật cũng dạy: “Trước phải học thật kỹ về những chân lý có liên quan đến tâm tánh và nhân sinh, rồi sau mới được đọc đến các sách có tánh tri thức và kỹ thuật khác ”. Nhân vì tri thức và kỹ năng của thế tục chỉ là đồ bỏ của chư vị Bồ tát, các ngài xem chúng là những thứ để hóa độ chúng sanh thôi. Cho nên điều tối quan trọng để học, trước hết là làm sao giải trừ được tất cả phiền não và khổ đau, thấy rõ được tâm tánh của mình cho đến chân lý làm lợi ích tất cả chúng sanh. Bổn vụ của mình mà không hiểu được, không giải quyết được, không biết đối nhân xử thế, lại đi học tập chút tài vụn vặt và tri thức ở thế gian, rốt cuộc có dùng được vào đâu?
Vì vậy, chúng ta phải minh biện đâu là sự lợi hại trong ngoài, đâu là việc khinh trọng và mau chậm; sau đó lại nghiên cứu cho kỹ rồi mới thọ dụng. Được vậy, may ra mới có thể đem cái học ra để giúp đời.
Sách này đã giới thiệu qua rất nhiều mối tương quan giữa “đạo đức” và “vận mệnh”, nhưng mục đích chính là trông mong các bạn phải dốc lòng tu sửa phẩm chất đạo đức và rèn luyện tâm địa thì năm loại phước báo này tự nhiên sẽ đến cửa thôi!
I. TÓM TẮT:
Chủ chỉ của sách này là ở chỗ tham khảo về ý nghĩa, chủng loại, nguyên nhân, điều kiện và mối quan hệ của năm thứ phước; lại cũng giới thiệu qua những phương pháp và nguyên lý để đạt được năm loại phước ấy:
1. Trường thọ:
Trường thọ chủ yếu là kết quả của tâm từ bi mà cảm ứng được.
2. Phú quý:
Phú quý là kết quả của sự thí xả và lòng cung kính mà cảm ứng được.
3. Khương ninh:
Khương ninh là kết quả của tâm thanh tịnh mà cảm ứng được.
4. Hảo đức:
Hảo đức là kêu gọi chúng ta phải nên rộng kết duyên lành, bòn mót phước đức và rèn luyện tâm trí.
Nhân vì ba loại phước đầu tiên đều là kết quả của người đời thọ dụng, còn nói về nguyên nhân và nguồn gốc của nó chính là hảo đức. Giả như chúng ta đời nay không gieo trồng những công đức tốt lành thì khi phước báo ta thọ dụng hết, nhất định sẽ gặp ác vận như bần cùng, hèn hạ, nhiều bệnh tật và số mạng ngắn ngủi. Đó là lẽ đương nhiên!
5. Thiện chung:
Thiện chung là do hành vi, danh tướng và quả báo của chúng ta hành thiện mà không chấp vào thiện thì mới được thế. Hay nói cách khác, thiện chung là kết quả của dòng tâm thức ta khi không còn bị chướng ngại.
Tất cả phước đức và trí huệ đều không ra ngoài chữ “tâm”, chỉ cần ở nơi tâm của mình có sự công phu tu tập, gieo nhiều nhân lành, thường nhổ sạch cỏ dại, luôn đem nước từ bi tưới cho mảnh ruộng tâm thức được tươi tốt và cũng thường dùng ánh sáng trí huệ để soi khắp nhân lành, được như thế thì sẽ trổ ra quả lành năm phước vậy!
Thế nên, có câu nói: “Hạnh phúc lai tự nội tâm, bất yếu hướng ngoại tầm cầu”, nghĩa là hạnh phúc ở ngay trong tâm của mình, không cần phải tìm cầu bên ngoài. Nếu rong ruổi theo ngoại cảnh và vật chất để tìm cầu sự khoái lạc thì đó chỉ là sự tạm bợ, ngắn ngủi và lại rất thô thiển; nhân vì tất cả sự vật ở bên ngoài sẽ biến hóa và hư hoại, thế thì làm sao ta có thể nương tựa được ư ?.