TÂY-PHƯƠNG NHỰT-KHÓA
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
soạn thuật
CHƯƠNG III
TIẾT III
GIẢI-THÍCH BÀI KỆ SÁM-HỐI
Trong phần giải-thích nầy, xin được giải-thích sơ qua về ý-nghĩa của bài kệ SÁM-HỐI:
1. QUY-MẠNG MƯỜI PHƯƠNG PHẬT:
– Quy là quy-y,
– Mạng là thân-mạng – Ðây tức là thân tứ đại của mình.
Hai chữ QUY-MẠNG nầy có nghĩa là:
– Ðem cả thân-mạng của mình mà quy-y, nương-tựa vào nơi PHẬT.
– MƯỜI PHƯƠNG PHẬT: Tức là chư PHẬT ở trong tất-cả quốc-độ khắp mười phương.
Như vậy câu kệ trên có ý dạy rằng:
– Nay con đem hết cả thân-mạng của con mà quy-y, nương về nơi chư PHẬT khắp mười phương (nói chung)– và riêng về đức A-DI-ÐÀ Như-lai nơi cõi Cực-Lạc.
Ðây là quy-y PHẬT bảo.
2. TÔN PHÁP, HIỀN THÁNH TĂNG:
Trên đã quy-y ơi PHẬT bảo rồi, thì kế tiếp đây con cũng xin (nguyện đem cả thân-mạng mình) mà quy-y nơi PHÁP-BẢO và TĂNG BẢO nữa.
Hai câu kệ nầy đã nêu rõ lên sự thành-tâm “QUY TAM-BẢO” của mình – và của chư liên-hữu, bổn-đạo khác nữa.
3. TAM THÁNH Cõi Cực-Lạc:
Câu kệ nầy ý dạy như sau:
– Vì con đang tu theo giáo-môn TỊNH-ÐỘ, nguyện “Một đời đới nghiệp vãng-sanh, được bất thối-chuyển” về cõi Cực-lạc nên sau khi quy-y TAM-BẢO khắp 10 phương xong rồi… Kế tiếp đây con cũng xin nguyện đem thân-mạng của mình, riêng quy-y và nương về nơi “Tây-Phương tam-thánh” là: A-DI-ÐÀ PHẬT, QUÁN THẾ-ÂM BỒ-TÁT, ÐẠI THẾ-CHÍ BỒ-TÁT…
4. XIN THƯƠNG-XÓT CHỨNG-MINH:
Câu kệ nầy ý dạy như sau:
a. Nguyện xin 10 phương Tam-bảo thương xót con, chứng-minh cho tâm tha-thiết quy-mạng của con(về ba ngôi Tam-bảo).
b. Nguyện xin Tây-phương Tam đại Thánh Từ-Tôn, chứng-minh cho tâm của con(lúc nào cũng) quy-hướng về nơi Cực-lạc (Mà tiếp-dẫn, dắt-dìu cho con được vãng-sanh).
5. VÔ-THỈ KIẾP ÐẾN NAY:
Câu kệ nầy ý dạy như sau:
– Nguyên con đây từ đời vô-thỉ xa-xưa (tức là thời-gian cực-kỳ lâu xa về trước, không thể nào tính đếm hay nghĩ-tưởng biết được cho đến kiếp đời hiện tại hôm nay)….
6. CON MÊ-LẠC LUÂN-HỒI:
Con vì mê tâm, muội tánh, nên cứ mãi chạy theo thói đời điên-đảo của phàm tình chúng-sanh, đam-mê nơi ngũ-dục (1), lục trần (2). Do vì như thế nên phải bị luân-hồi trong sáu nẻo: Trời, thần, người, địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sanh, mãi cho đến bây-giờ đây, nơi kiếp hiện tại nầy, cũng chưa giải-thoát được.
7. DO BỞI THAM, SÂN, SI:
Sở-dĩ như thế là vì con cứ mãi để cho tâm mình luôn-luôn:
a. THAM: Tham ngũ-dục, tham lục trần …(Sắc, tài, danh, lợi, vv…)
b. SÂN:Sân-hận, nóng giận, chẳng có từ-bi.
c. SI: Ngu muội, vô-minh, không có trí-huệ, không chịu gần minh-sư, thiệu-hữu vv….
8. TỪ NƠI THÂN KHẨU Ý:
Các tội-lỗi đó, nó làm cho con cứ mãi bị luân-chuyển nơi ba cõi, sáu đường, thật ra không phải là do ai mang đến cho con hết, mà chính là tự nơi con (vì ngu muội)mà gây tạo ra thôi.
Như là:
– Thân con (vì ngu muội) mà sanh ra: Sát sanh, trộm cắp, tà dâm.
– Khẩu con (vì ngu muội) mà sanh ra: Nói dối, nói hung ác, nói thêu-dệt, nói đôi chiều.
– Ý con (vì ngu muội) mà sanh ra: Tham-lam, nóng giận, si mê.
Các tội như thế thiệt là do ở nơi con: Tự mình tạo ra hết cả.
9. TẠO TỨ TRONG, NGŨ NGHỊCH:
Ngoài các tội của: Thân, khẩu, ý ra, con còn gây-tạo thêm các tội ác khác nữa như là:
a. Tứ trọng: Dâm tà(tà dâm), Sát (giết hại), Ðạo (trộm cắp), vọng (nói dối).
b. Ngũ-nghịch: Giết cha, giết mẹ, làm cho thân PHẬT ra máu, phá hoại hòa-hợp tăng, làm ô-nhục người tu tịnh-hạnh.
10. THẬP ÁC VÔ-BIÊN TỘI:
– Thập ác là 10 điều ác do thân, khẩu, ý gây ra (giảng ở câu kệ thứ 8 trên).
Ngoài các tội căn bản là: Tứ trọng, ngũ-nghịch, thập-ác trên, con vì vô-minh ngu muội, nên còn gây tạo ra thêm vô-lượng, vô-biên các tội-nghiệp khác nữa, không làm sao mà kể ra cho xiết được (Nếu các tội ấy mà có hình-tướng thì 10 phương hư không chẳng thể nào dung chứa cho hết).
11. NAY ÐEM TÂM CHÍ THÀNH:
Nay con:
– Ðối trước Tam-bảo khắp 10 phương,
– Ðối trước Tây-phương Tam-đại thánh Từ-tôn. (là DI-ÐÀ, QUÁN ÂM, THẾ-CHÍ)đem hết tất-cả tâm chí thành, trân-trọng, dâng lên Tam-bảo để xin được …
12. PHÁT LỒ CẦU SÁM-HỐI:
Chứng-minh cho con, để con được:
– Bày-tỏ ra các tội ác của mình, không dám che giấu – Bởi vì chư PHẬT, chư Bồ-tát, chư hiền thánh tăng, có “tha tâm thông” biết rõ từng ý-niệm, thấy rõ từng tội-ác của con, không phải chỉ trong một đời mà là trong nhiều đời đã qua, thảy đều thấy biết rõ-ràng… như chính những tội-ác mà con mới tạo ra ngay trong ngày hôm nay vậy.
Các tội-ác như thế, nay con thành-tâm phát-lồ và cầu xin được sám-hối.
Nguyện chư PHẬT chứng-minh cho.
13. NGUYỆN NHỜ SỨC GIA-TRÌ:
Con nguyện xin chư PHẬT, chư BỒ-TÁT, chư Hiền Thánh-Tăng thương xót con, dùng sức thần-thông và nguyện-lực của quý NGÀI mà gia-hộ cho con được minh-tâm, kiến-tánh, trí-huệ sáng-suốt để con mãi-mãi được lánh ác, gần lành.
14. CHÚNG-SANH ÐỀU THANH-TỊNH:
Chúng-sanh đây có 2 loại:
a. Nội chúng-sanh: Là các sân-si, phiền-não, điên-đảo, vọng-tưởng, sân-hận vv… trong tâm của mình.
b. Ngoại chúng-sanh: Là các sân-si, phiền-não, điên-đảo, vọng-tưởng, sân-hận vv… của các người khác chung-quanh mình.
Nguyện xin gia-hộ cho con được:
– Trong thân, tâm con thanh-tịnh.
– Ngoài thì tất-cả chúng-sanh thân-tâm cũng thảy đều thanh-tịnh.
- \15. XIN PHÁT ÐẠI BỒ-ÐỀ:
Con nay xin đối trước chư PHẬT, và riêng nơi đức A-DI-ÐÀ thế-tôn, nguyện phát-tâm vô-thượng Bồ-đề, trên cầu thành Phật-quả, dưới thề nguyền độ khắp chúng-sanh.
16. ÐỘ MÌNH, NGƯỜI GIẢI-THOÁT:
Vì Tổ-sư có dạy:
Tu đức độ mình,
Ðộ khắp thế nhân …
Nên hôm nay con xin phát nguyện:
– Sẽ y theo lời PHẬT dạy, lánh dữ, làm lành và chăm lòng tu-tập, gìn một câu niệm A-DI-ÐÀ PHẬT, cầu được vãng-sanh. Khi con đã vãng-sanh về cõi Cực-lạc rồi, con sẽ nương theo đại nguyện của PHẬT và của chính-mình, hiện-thân trở lại cõi Ta-bà (nói riêng) và khắp cả mười phương (nói chung)để độ hết các loài hàm-thức, khiến cho tất-cả đồng nhau thoát ra khỏi biển khổ, sông mê nơi ba cõi, sáu đường, sanh về Cực-lạc.
Nam-mô Cầu SÁM-HỐI BỒ-TÁT
Ðến đây, là phần đảnh-lễ để cầu xin chứng-minh, gia-hộ ở nơi:
– CẦU SÁM-HỐI BỒ-TÁT là một vị Ðại Bồ-tát, mà mỗi khi mình đọc đến tên Ngài và trong tâm phát khởi ra ý-niệm tha-thiết sám-hối, thì lập-tức phát sanh ra một sự “cảm-ứng đạo-giao” đến NGÀI và NGÀI liền hiện đến chứng-minh.
Vị Bồ-tát nầy có một nguyện-lực là:
– “Nếu có chúng-sanh nào nghe danh-hiệu hoặc thấy hình tôi, thì đều được tiêu-trừ hết tất-cả các tội – Kẻ đó trong hiện-tại và tương-lai sẽ được vĩnh-viễn xa lìa ba ác-đạo, mãi-mãi sanh về các nẻo an-vui cho đến ngày giải-thoát”.
Cho nên sau phần sám-hối, tất-cả các Phật-tử chúng-ta đều cung-kính xưng-niệm danh hiệu của NGÀI là như vậy.
—————
(1)- Ngũ-dục: Là 5 điều ham-muốn không biết chán của chúng-sanh là: Tài (tiền bạc), sắc (sắc đẹp), danh (danh lợi),thực (ăn uống), thùy (ham mê ngủ-nghỉ).
(2)- Lục-trần:Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp (phàm-phu pháp)