Tịnh Niệm Du Ký
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học
Chị Tịnh Niệm dáng người roi roi, thoạt nhìn cứ tưởng xương nhiều hơn thịt (nhưng chị khoe là chị nặng nửa tạ). Chị có đôi mắt thật sáng nằm núp dưới đôi mày đặc biệt, đôi mày mà bên hướng thiên bên hướng địa, nên nó càng làm tăng vẻ ưa nhìn cho dung nhan chị, nó khiến người đối diện thiện cảm hơn vì nụ cười tươi tắn tỏa hết nét hồn nhiên khi chị chào khách.
Tôi sẽ không viết về chị, nếu như cuối năm 2000 chị không làm chuyến Đông du đặc biệt khiến tôi suýt nữa thì tim lọt ra ngoài – tôi gọi Đông du vì dường như cốc tôi nằm về hướng Đông của chùa – và chị Niệm trong cơn buồn tơi tả đã trực chỉ sang cốc tôi tị nạn (tị nạn phiền não ấy mà).
Nếu bạn khó tánh, bạn sẽ cau mày thầm trách: “Đi tu mà phiền não cái gì?” – Xin thưa rằng, chỉ có những vị chứng A La Hớn mới lậu tận, nghĩa là hết sạch phiền não. Còn phàm nhân thì vẫn bị khổ vì phiền não hành. Khi dòng tư tưởng u mê vừa gợn lăn tăn nơi hồ tâm, nếu không tỉnh để kịp buông thì chẳng mấy chốc nó sẽ thành ba đào cuồn cuộn nhận chìm người chứa chấp nó với sức mê hoặc cực mạnh đến nỗi đương sự sẵn sàng bỏ ngoài tai mọi lời khuyên nhủ đúng chánh pháp để nhắm mắt tuân theo tiếng gọi… của phiền não.
Tâm con người có thể biến thiên khắp cõi. Lúc hiền như thánh, lúc tráo trở gian dối như quỷ thần và lúc đần độn như súc sanh. Có tâm là có Phật – và cũng có ma – nếu bất giác! Nên chuyện phiền não đâu là của riêng ai. Khi chưa lậu tận tham sân si, xin chớ vội phê phán: “Ai sao kỳ vậy, chứ tui không có niệm đó!” – Chư Tổ đã bảo mình giống nhau mũi dọc mày ngang, thì tất nhiên là mình giống luôn… cái tâm đa đoan phiền não. Mời bạn hãy nhìn sức quyến rũ của phiền não cũng như nhận ra sự diễm phúc của thiện hữu tri thức ở cạnh mình. Ngài A-nan từng thưa với Phật: “Có được thiện hữu tri thức là có được nửa cuộc đời thánh thiện…”, nhưng Phật đã chỉnh lại: “Không phải nửa, mà là có cả một cuộc đời thánh thiện”.
Đêm rằm tháng chạp vừa thỉnh nguyện xong thì tờ mờ sáng hôm sau chị Niệm đã mò sang cốc tôi mếu máo yêu cầu tôi cho chị ở nhờ, bằng không chị sẽ đi biệt. Tôi hỏi gì chị cũng không giải thích, chỉ “híc”, “híc” từng cơn – Mặc dù tôi bế quan không tiếp ai – chị vẫn xông vào xin gặp mặt, bởi cơn buồn đang thôi thúc. Tôi chẳng bỏ công tìm hiểu làm gì – Khi phiền não khởi thì chẳng cần lý do gì chính đáng lắm đâu – Đang bực bội mà gặp cái đuôi mèo hay cẳng chó đụng vào người là cũng giận được, huống nữa là một khuôn mặt quạu, hay tâm tư nhăn nhó của ai đó bất thần “va” trúng vào mình.
Nhìn gương mặt Niệm ủ rũ, sắc đen thẫm tối sầm làm buồn cả không gian, chắc trong tâm chị sóng gió quậy dữ lắm – chị khóc như con nít:
– Híc! Em thấy tu mà không có niềm vui (vui sao được? phiền não đang khởi mà). Tâm em như vậy không xứng đáng ăn cơm tín thí sợ tội. Thà em đi làm thuê, thà em làm cư sĩ, thà em… Biết là khổ nhưng em chấp nhận…
… Giờ đồ em đã cho hết – Híc! – Em không cần gì cả! Em cất cái chòi ở. – Híc! Đói ăn đói, no ăn no. Híc! Không ăn… chết cũng được, híc! Híc!…
– Thôi chị về chúng đi! Buồn chút rồi sẽ qua mà!
– Híc! Một đi không trở lại, em chào chúng rồi, híc!
– Có ai chứng minh cho chị đâu! Lúc Niệm chào đi chỉ có mấy vị công quả và mấy em nhỏ thôi mà!
– Híc! Em hết duyên ở chúng rồi, híc! Em buồn trong tâm dữ lắm, chị cho em ở nhờ… hu hu… Híc!
– Thôi, chị cứ ở tạm đây rồi tính.
Vậy là Niệm đóng đô ở cốc tôi. Tôi để chị tự do. Chị không còn sức để tụng kinh, tọa thiền vì phiền não vật “nốc ao”. Rồi khi nghe chúng tụng kinh chị sụt sịt:
– Sao mà nghe bên chùa tụng kinh thấy nhớ chúng quá!
Vài ngày sau, chúng vẫn luân phiên qua dỗ Niệm. Thật ra Niệm là mẫu người chất phác, siêng năng. Làm việc rất có tinh thần trách nhiệm, không đợi sai bảo. Tôi thương cái nết thật thà của chị nghĩ gì nói đó, không sợ ai cười, ai chê. Có câu danh ngôn phương Tây: “Muốn xét người nào, hãy nhìn cách họ đối xử với kẻ dưới”. Niệm rất được chúng nhỏ mến thương vì cách cư xử giản dị thân tình, vì chị biết quan tâm lo cho người. Niệm thở than:
– Chắc em hết duyên với chúng rồi, chắc hộ pháp đuổi không cho em ở, tại sao mà ở bên đây thì khuây, mà bước qua cổng chùa lại buồn nẫu ruột? Em đâu ngờ có ngày mình đọa như vậy chứ?
Chúng vẫn qua thăm động viên Niệm về. Chị bảo tôi: – Chắc em phải dọn đi thật xa – thấy chúng tội quá thương quá!
Ở cốc tôi được mấy ngày. Niệm bèn dọn đi xa thật xa (qua… tận cái cốc vắng chủ bên cạnh, cách tôi vài bước chân là tới) đủ để tôi “bắc loa” nhắc Niệm ăn uống vì chị cứ dọn dẹp tìm khuây, không thiết ăn uống.
Rồi lá thư cô Trụ trì bay qua với nội dung:
“Chị để Tịnh Niệm đi xả hơi ít ngày. Xong rồi nhớ về chúng. Ở trong chúng, nhổ một cọng cỏ, lặt một cọng rau vẫn là làm cho chúng, là gieo trồng phước điền, tạo thiện duyên cho mình, ở trong chúng cần có tâm rộng như biển để bao dung mọi tánh tật, cần hỉ xả để giúp nhau tu tiến. Đừng có chạy theo phiền não, rồi là khổ mình”.
Đọc xong lá thư Niệm cảm động đăm chiêu. Mấy ngày nay chị hẳn đã thấy rõ lòng cô Trụ trì, lòng chúng đối với mình như bát nước đầy, lẽ nào lại không cảm thán” Khéo sống thì được người thương, khi bị nạn tai, phiền não… không ai bỏ mình.
Tôi thúc: – Niệm về đi Niệm! Mẫu người chị ở trong chúng rất có ích.
Niệm im lặng chưa trả lời, tôi bồi thêm:
– Chị nhìn lại mình đi! Hồi ở chúng chị không màng tới tiền. Ai cúng gì riêng cũng nhập chúng, cúng chúng còn lo được tượng đài Quan Âm cho dân ở làng chị thờ… Phẩm hạnh chị lúc đó thật đáng ca ngợi. Giờ vừa mới chuẩn bị ra riêng, đầu óc lúc nào cũng ong ong lo nghĩ tới tiền, thậm chí có phải hạ mình xin ai thì cũng là tự làm tuột dốc phẩm hạnh tốt xưa kia của chị. Xét tính cách chị, nếu ở trong chúng sẽ được mài dũa thánh ngọc quý – Những ai ở chúng đều sẽ thành ngọc quý cả. Em lỡ ở ngoài chúng rồi, Niệm đừng giống như em. Về đi Niệm!
Chị Niệm cười bảo tôi:
– Thật ra em nhớ chúng lắm, nhớ chùa lắm. Đi có mấy bữa mà thương chúng quá chừng!
Thế là “châu về Hợp Phố”, Viên Chiếu lại dang tay đón cô em vừa chiến thắng phiền não ma trở về.
Ngày hôm sau, Niệm mang cho tôi tô thức ăn, thủ thỉ:
– Sao về bên nớ lại thấy nhớ bên này!
Tôi thót tim trở lại: – Khi nào thích Niệm qua chơi với Hương. Thèm gì nói nó mua cho, chớ đừng đòi qua ở nhen?
– Ừ! Hi hi!
28 tháng chạp 2000