CHUYỆN VÃNG SANH Ở VIỆT NAM
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập

6. Cô Lương Thị Mọn (1950 – 1978)

Cô Lương Thị Mọn sinh năm 1950, cư ngụ ấp Thạnh Lợi I, xã Trung An, huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ. Cha tên là Lương Văn Ứng, mẹ là Nguyễn Thị Lũy.

Cô mồ côi mẹ từ thuở lên 10 tuổi, ít năm sau, cha tục huyền nên cô phải sống chung với người dì ruột.

Tính tình của cô chân thật và nhẫn nhường.

Đến năm 16 tuổi, được người dì bảo trợ cho học nghề may; hai năm sau, cô thành tài nhưng cô chưa có dịp làm ra tiền. Sáu năm sau nữa, mới mở tiệm may ở nhà người cậu, tại chợ xã Trung An vào năm 1974, lúc ấy cô 24 tuổi.

Nhận thấy gia đình hay xảy ra nhiều chuyện buồn, nên ngày 30 tháng 4 năm 1975 (âm lịch), cô phát tâm ăn chay với ý nguyện cầu cho gia đình vui vẻ trong thời gian chay lạt.
Từ đó, cô bắt đầu đọc kinh sách, kệ giảng, nhiều lúc cô tỏ ra rất thích pháp môn Tịnh Độ như quyển “Con Đường Tu Tắt”. Vì vậy cô dùng trường chay luôn.

Đến khoảng tháng 6 năm 1978 cô phát bệnh, sức khỏe yếu nhiều nên không dạy học trò may nữa. Thời gian này, cô được người cậu láng giềng là liên hữu Trần Công Danh giảng giải về Tịnh Độ và đem kinh sách trao cho cô xem.

Kể từ giờ phút ấy, cô bắt đầu tinh chuyên nỗ lực niệm Phật không xao lãng và tha thiết nguyện sanh về thế giới Cực Lạc của Đức Từ Phụ A Di Đà.

Đến ngày 4 tháng 8 năm 1978, bệnh lần chuyển nặng làm cho bác Bảy Biệp nhà bên cũng rất lo ngại nên thường qua nhắc cô ráng nhớ niệm Phật.

Cô nói với các dì rằng:

– “Lúc này con cần được yên tịnh để niệm Phật, các dì đừng chở đi đâu cho thêm cực nhọc và tốn kém. Con biết bệnh của con không thể hết được vì đây là quả báo con phải đền trả cho sạch trước khi về Tây Phương”.

Tuy nghe thế nhưng các dì nóng lòng vẫn chở cô đi chạy chữa, hết Đông y tới Tây y, bệnh vẫn không thuyên giảm chút nào.

Trong người cô đột nhiên nổi mụt độc, hành cô đau nhức dữ dội. Có người chỉ đâm con còng sống hòa với thuốc uống vô chắc chắn sẽ hết, có kẻ bảo phải cúng “tam tai” thì bệnh mới lành.

Cô nói:

– “Tôi đã nguyện trường chay niệm Phật nên thà chịu chết chứ không làm hại mạng khác để dưỡng mạng sống của mình. Còn cúng “tam tai” là dị đoan mê tín!”
Thế nên cô nhất quyết không làm theo. Trong lúc cơ thể đau đớn cùng cực mà cô vẫn đủ nghị lực để kiên định tín tâm, quả thật ít ai có được. Cổ Đức từng khuyên:

“Quyết tu sẽ có ngày đắc quả,
Đúng như câu vạn sự do tâm.
Học Phật đừng quên chữ thậm thâm,
Người bền chí sẽ tầm được Đạo.
Lấy nhẫn nhục chịu khi khảo đảo,
Đem giới răn để bảo vệ lòng.
Việc khó khăn và lúc gai chông,
Đủ nghị lực với lòng tin tưởng.
Cảnh xung quanh có nhiều ảnh hưởng,
Đừng để cho ép uổng được mình.
Trí huệ đem xem xét tận tình,
Thiền định lấy ra bình tâm địa.
Bao nhiêu đó biết lo trau trỉa,
Thì đường tu không ngã nửa chừng.
Chỉ một đời đủ chứng Phật Thần,
Đâu cần phải xả thân nhiều kiếp.”

Thấy tình hình nguy ngập, các dì đưa cô đến Bệnh Viện Đa Khoa Cần Thơ. Bác sĩ chẩn đoán là bị “Ung thư tử cung” cần phải phẫu thuật, cô nói với các dì:

– “Con muốn yên tĩnh để niệm Phật chớ không muốn tâm trí mình bỗng nhiên mờ mịt vì bị chích thuốc mê như kẻ không hồn, làm sao còn nhớ niệm Phật được, xin các dì đưa con về!”

Cuối cùng, các dì phải chấp thuận đưa cô về.

Đến ngày mùng 8 tháng 8 năm 1978 bệnh trở nên trầm trọng, cô mệt nhiều, khi đi phải có người dìu. Khuya cô ngủ thiếp đi, mộng thấy Đức Phật A Di Đà hiện đến bảo rằng:

– “Số con đến bây giờ đã hết nợ ở thế gian, con ráng trì tâm niệm Phật trong vòng 3 ngày nữa, Ta sẽ đến rước!”

Cô mừng quá, lạy Phật rồi giựt mình thức dậy, sức khỏe cô tự dưng bình phục lại như thường. Cô lau mình, rồi đi dâng hương lễ bái, lòng tràn đầy hoan hỉ, câu Phật hiệu chẳng rời.

Sáng ra, cô kể lại với các dì về điềm mộng đã gặp vừa qua.

Cô tin chắc Phật sẽ rước mình, nên cô dặn các dì lúc hộ niệm đừng khóc lóc, đừng tỏ ra bịn rịn trong khi cô bỏ xác và còn nhiều điều thuộc phạm vi gia đình như: bố thí, phân tán của cải riêng của cô và việc chôn cất…

Bà con hàng xóm nghe tin cô sắp được vãng sanh, rủ nhau đến hộ niệm và cầu an càng lúc càng đông. Họ ở hết đêm này đến đêm khác để quyết lòng thấy cho được giờ phút vãng sanh của cô.

Thế rồi trong đêm thứ ba, sau khi cầu an xong, cô trở nên tỉnh táo lạ thường, cô ngồi dậy cảm ơn hết mọi người. Vì thế có một số đông anh chị em nghi là cô chưa vãng sanh nên lần lượt ra về, chỉ còn mấy người dì túc trực mà thôi.

Khoảng 12 giờ khuya, bác Bảy nhà cạnh bên có qua thăm thì thấy cô nằm nghiêng bên phải, hơi thở đều đều, ngỡ là cô đang ngủ nên trở về nhà.

Kế đó, em cô vì mỏi mệt nên định vào thăm lần nữa rồi đi ngủ. Nhưng khi hé mùng thì thấy cô nằm ngay thẳng, hai tay chấp vào ngực, mắt nhắm, vẻ mặt vui tươi, bèn sinh nghi nên rờ thử thì mạch đã hết nhảy, nhưng toàn thân hãy còn ấm, không dám động đậy nhiều, liền báo tin cho Bác Bảy hay để hộ niệm. Lúc ấy 0 giờ 25 phút ngày mùng 10 tháng 8 năm 1978, vì có chuẩn bị trước nên ai cũng lo niệm Phật chứ không khóc lóc thở than.

Trong lúc đó, trên hư không có đạo hào quang sáng rực xẹt xuống nhà cô, bà Hấn và rất nhiều người ở xóm xem thấy, bà rất đỗi ngạc nhiên và bà quả quyết chắc chắn rằng:

-“Cô Mọn chắc được Phật rước!”

Vì vào mùa nước nổi, có rất nhiều người đang giăng câu, giăng lưới ở ngoài đồng nhìn thấy ánh sáng, ánh sáng lớn quá nên họ ngỡ là nhà cháy.

Mọi người hộ niệm đến 6 giờ sáng, bác Bảy mới khám nghiệm thì các nơi trong cơ thể đều lạnh hết duy có đảnh đầu hãy còn nóng. Cô hưởng dương được 28 tuổi. Sau khi chứng kiến sự vãng sanh của cô, bà con nam nữ quanh vùng đã phát tâm ăn chay niệm Phật tu hành rầm rộ.

(Thuật theo lời của liên hữu Thiện Hảo, Bác Bảy Biệp và chư đồng đạo)