TÂY-PHƯƠNG NHỰT-KHÓA
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
soạn thuật
CHƯƠNG III
TIẾT 2
GIẢI THÍCH PHẦN ĐẢNH LỄ TAM BẢO
Trong tiết-mục (thứ hai) nầy …
Xin giải-thích sơ qua về 12 phần đảnh-lễ Tam-bảo – Tức là đảnh-lễ Phật-bảo, Pháp-bảo và Tăng-bảo.
Trước hết,
Giải-thích ÐOẠN MỘT – Câu Ðảnh-lễ thứ nhất.
A. NHỨT-TÂM ÐẢNH-LỄ:
Hoằng-dương môn Tịnh-độ,
Thích-Ca Mâu-ni PHẬT.
Trăm ngàn ức hóa thân,
Khắp pháp-giới chư PHẬT.
a. Hai chữ “Nhứt-tâm” đây có nghĩa là:
– Chỉ còn lại có “mỗi một TÂM” duy-nhất (tức là TÂM tưởng đến PHẬT) mà thôi chớ không còn có thêm vào bất-cứ một tâm-tư, suy-nghĩ thứ hai, thứ ba nào khác … xen lộn vào trong đầu óc, tâm-tưởng của mình hết cả.
Có như thế thì mới “Cảm-ứng đạo-giao” không thể nghĩ bàn cùng với PHẬT được.
a. Ðảnh-lễ:
– Ðảnh là đảnh đầu,
– Lễ là lạy xuống.
Hai chữ nầy có nghĩa là:
– Cúi đầu và mặt lạy xuống (dưới chân của PHẬT) – Gọi là: – “Ðầu, diện tiếp-túc quy-mạng lễ”, để bày-tỏ lòng cực-kỳ tôn-kính lên PHẬT.
b. Hoằng-Dương: Có nghĩa là làm cho sáng tỏ, rực-rỡ cái đạo pháp của ta lên, khiến khắp cả mọi nơi và mọi người xa-gần đều rõ biết hết(để cùng nhau tu-học và chứng được quả-vị giải-thoát).
c. Môn Tịnh-độ: Là một môn-pháp tu chuyên niệm danh-hiệu Phật A DI-ÐÀ để cầu sanh về CỰC-LẠC quốc-độ mà chúng-ta hiện đang tu-học và trì-niệm mỗi ngày.
Thế nên câu kệ nầy có ý-nghĩa như sau:
– Nay con một lòng, cúi đầu đảnh-lễ pháp-môn Tịnh-độ là một pháp-môn tu-học đại-thừa, vừa thắng-diệu, vừa hợp với căn-cơ của tất-cả chúng-sanh chúng con trong thời buổi mạt-pháp nầy.
Ðây là con đường thẳng tắt để tiến đến quả vị vô-sanh, là cầu, là đò, đưa chúng-sanh chúng con đáo qua bỉ ngạn.
Con nguyện sẽ y theo pháp-môn Tịnh-độ mà đức Bổn-sư đã khai-mở, chỉ đường, để tu-học và nguyện sẽ hoằng dương pháp-môn nầy cho rộng-rãi thêm ra để báo đền công-ơn của đức từ-phụ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT và đức A DI-ÐÀ Thế-tôn từ-mẫu (đã vì chúng con mà dạy-dỗ, dắt-dìu….)
GIẢI-THÍCH CÂU THỨ 2:
B. THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT:
1. THÍCH-CA(dịch là Năng-nhân) là họ MÂU-NI (dịch là Tịnh-Mặc) là tên. PHẬT là quả-vị chứng-đắc cứu-cánh tột cùng – đầy-đủ cả bốn nghĩa là: Chơn-thường, chơn-lạc, chơn-ngã, chơn-tịnh.
– NĂNG-NHÂN là năng giúp cho chúng-sanh cho chín giới (được giải-thoát).
– TỊNH-MẶC là dứt hết tất-cả các hoặc-nghiệp, vô-khứ, vô lai.
SƠ-LƯỢC TIỂU-SỬ:
1. Ngài nguyên là một vị Cổ PHẬT, đã thành PHẬT từ vô-lượng, vô-biên(bất khả xưng kể) A tăng-kỳ kiếp về trước –(Giảng theo nghĩa Ðại-thừa).
2. Trước hết NGÀI dùng thiện-xảo phương-tiện (1), ẩn pháp-thân Tỳ-lô Giá-Na, thị-hiện và giáng-tích thành ra một vì đại Bồ-tát “Nhất sanh bổ-xứ” tên là HỘ-MINH, nơi(nội-viện) cung trời Ðâu-xuất để giáo-hóa thiên chúng.
3. Kế đó, vì quán-sát cơ-duyên của chúng-sanh nơi Nam-Thiện bộ châu đã đến thời-kỳ thành-thục(chín mùi) rồi nên NGÀI mới thị-hiện giáng-sanh vào trong dòng-họ THÍCH-CA, tại xứ Ca-Tỳ La-Vệ (thuộc miền trung nước Aán-Ðộ).Cha là TỊNH-PHẠN (đại vương), mẹ là MA-DA hoàng-hậu.
Phu-nhơn chiêm-bao, mơ thấy Bồ-tát cõi voi trắng 6 ngà (2) bay xuống, nhập vào hông bên hữu mà thọ thai.
4. Trước giờ đản-sanh, hoàng-hậu vào dạo chơi nơi vườn ngự-uyển Lâm Tỳ-Ni, nhơn thấy trên cây Vô-Ưu hoa nở rộ, bà đưa tay hữu lên vịn cành hoa. Bồ-tát từ nơi hông mặt của mẹ mà hóa-sanh ra.
(Trong 4 cách sanh là Thai, noãn, thấp, hóa thì cách hóa-sanh là tối-thắng và cao quý nhất – Ðức Phật THÍCH-CA thì gá vào hông bên mặt của mẹ mà hóa-sanh – Sau nầy đức DI-LẶC PHẬT sẽ gá vào nơi trán của mẹ mà hóa-sanh.)
Tất-cả chư PHẬT đều sanh ra bằng cách hóa-sanh nầy chớ không có theo lối thông-thường của chúng-sanh là do nơi sản-môn (cửa mình) của mẹ mà chào đời.
Khi vừa đặt chân xuống đất, NGÀI liền đi qua bốn hướng Ðông, Tây, Nam, Bắc, mỗi phương đều đủ 7 bước. Tay hữu chỉ lên trời, tay tả chỉ xuống đất, miệng thốt lời rằng:
– “Thiên-thượng, thiên-hạ, duy NGÃ độc-tôn” (Câu pháp-ngữ thậm-thâm nầy có vô-lượng nghĩa-lý. Nay chỉ xin lược ra 2 ý-nghĩ sau đây:
a. Nghĩa thường(nghĩa đen) là:
– Trên trời, dưới trời duy chỉ có TA là tôn-quý hơn cả (vì TA là PHẬT).
b. Pháp-nghĩa(nghĩa bóng) là:
– Trên trời, dưới trời chỉ có cái CHƠN-NGÃ (tức là Phật-tánh thanh-tịnh) là tôn-quý, là độc-tôn hơn hết tất-cả.
Lúc đó trên không trung hiện ra 9 con rồng phun nước xuống tắm-gội cho thân PHẬT vừa mới đản-sanh.
5. Phụ-hoàng đưa Thái-tử đến Thiên-miếu(miếu thờ Trời) lạy ra mắt Ðại Tự-Tại Thiên-vương (theo phong-tục thời đó). Khi NGÀI vừa bước chân vào trong miễu thì (pho tượng) của Ðại Tự-Tại thiên-vương và các vị thần tùy-thuộc liền đứng dậy, bước tránh qua một bên, quỳ xuống, chấp tay kính-lễ NGÀI.
6. Vua cha đặt tên cho NGÀI là SĨ ÐẠT-TA(Sarva siddhartha),
Năm lên 8 tuổi, NGÀI làu-thông hết tất-cả sách vở thế-gian – mà không cần phải học-hỏi chi cả.
7. Vua cha cưới công-chúa DA-DU ÐÀ LA(tức là nàng DA-THU) cho thái-tử làm vợ. Vì là cổ-PHẬT tái-lai, nên Thái-tử đối với công-chúa không có dục-nhiễm bất-tịnh. NGÀI lấy tay chỉ vào bụng công-chúa, nói rằng:
– “Sau đây sáu năm, nàng sẽ sanh hoàng-tử. (Công-chúa mang thai 6 năm, sau sanh ra Thái-tử LA HẦU LA – Lúc đó NGÀI đã đi tu rồi).
8. Năm lên 19 tuổi, NGÀI dạo-chơi nơi bốn cửa thành thấy bốn cảnh: Già, bệnh, chết và Sa-môn(Thầy tu Bà la-môn),ngộ lý vô-thường.
– Ðêm 19 tháng 2, bốn vị Ðại Thiên-Vương (Tứ đại Thiên-vương) bồng 4 chân ngựa Kiền-Trắc bay ra khỏi thành Ca-Tỳ La-Vệ – Ðến núi Ðàn-đặc đáp xuống – Thái-tử tự rút gươm tự cắt tóc mình, nguyện rằng:
– “Cùng các chúng-sanh dứt trừ phiền-não, trói-buộc”.
9. Bấy giờ Trời Tịnh-Cư bay xuống hóa làm người thợ săn đắp áo ca-sa. Thái-tử đem vương-phục(áo vua) của mình đến đổi lấy áo ca-sa (của người thợ săn biến-hóa nầy).
10. Kế NGÀI đi vào trong núi Di-Lâu, theo hai vị tiên tên là A-Lam và Ca-Lam(thị-hiện) học phép định “Bất dụng-xứ” trong ba năm (Phép định nầy của cõi trời Sắc-giới, còn lệ-thuộc vào trong vòng sanh-tử chớ chưa cứu-cánh giải-thoát).
11. Tiếp sau đó NGÀI theo tiên-nhơn Uất-Ðầu Lam-Phất thị-hiện học phép định “Phi-tưởng, phi-phi tưởng” trong ba năm(Phép định nầy của Trời Vô-sắc giới – cũng vẫn còn lệ-thuộc trong vòng sanh-tử chớ chưa được giải-thoát).
Sau khi thị-hiện học 2 phép ÐỊNH “Bất dụng xứ” và “Phi-tưởng, phi-phi tưởng” nầy xong, Thái-tử mới bảo cho các tiên-nhơn ấy biết rằng:
– “Phép tu của quý Ngài rất hay, nhưng vẫn chưa phải là chánh-pháp giải-thoát rốt-ráo”
Các tiên-nhơn đều kính-phục, thưa cùng NGÀI rằng:
– “Chúng tôi chỉ biết đến bao nhiêu đó mà thôi. Sau nầy nếu như NGÀI có chứng-đắc được pháp tu nào cao hơn, xin từ-bi chỉ dạy lại cho chúng tôi tu-học.
12. Thái-tử từ-giã, một mình đi vào núi Tượng-Ðầu, theo chúng ngoại-đạo thị-hiện tu khổ-hạnh, mỗi ngày chỉ ăn có một hột mè, một hột bắp … tu theo pháp :
“VÔ TÂM, VÔ Ý, VÔ THỌ, VÔ HÀNH”.
(Tức là phép tu VÔ CÔNG DỤNG-TRÍ của bậc Ðẳng-giác Bồ-tát).
Các ngoại-đạo đều kính-phục và cùng nhau nương theo NGÀI tu-tập.
Tu như thế sáu năm, tự biết ngày giờ thành-đạo đã đến.
(Mất một thời-gian, tu-tập tất-cả là 12 năm cùng với 19 tuổi đời, vị chi là 31 tuổi mới thành-đạo. (trong kinh nói 30 tuổi là theo lịch Tàu).
13. Thái-tử nghĩ, nếu để thân ốm-yếu, gầy còm(vì tu khổ-hạnh) … e rằng chúng-sanh nhục-nhãn phàm-phu không hiểu-thấu, không tin-tưởng và phục-tùng giáo-hóa, nên phải ăn lại cho hồi phục 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp tùy-hình – trước đã.
14. Ngài đến sông Ni-Liên tắm gội, thọ bát cháo sữa của nàng Mục-nữ(người con gái chăn bò) dâng cúng mà ăn – Dần-dần hồi-phục được các tướng-hảo của PHẬT.
15. Ngài đến bên cây bồ-đề TẤT BÁT LA tĩnh-tọa.
Thiên-Ðế Thích hóa ra một đồng-tử tên “Kiết-tường”, cắt cỏ lót chỗ ngồi cho ngài.
16. Ngồi trên tòa cỏ xong, ngài nhập vào đại-định trong 49 ngày – Ðến ngày mùng tám tháng 2(lịch Tàu), sau khi phóng quang dẹp ma xong ngài vào chánh-định. Ðến rạng-đông ngày mùng 8, thấy sao Mai (minh tinh) mọc, ngài (thị-hiện) hoát-nhiên đại-ngộ – THÀNH PHẬT, ÐẲNG CHÁNH-GIÁC – Xưng hiệu là THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT.
17. Sau đó trong 21 ngày kế tiếp, ngài vì chư “pháp thân đại-sĩ Bồ-tát” mà thuyết kinh HOA-NGHIÊM.
18. Phạm-vương, Ðế-Thích đến cung-thỉnh Phật chuyển Pháp-luân.
Ngài nhận lời – liền đến xứ Ba-la-nại, nơi vườn lộc-dã độ 5 vị Kiều-Trần Như
19. Sau đó đến nước Ma-Kiệt Ðề độ 3 anh em ngài Ca-Diếp Ba(Ưu Lâu-Tần-Loa Ca-diếp – Già-da Ca-Diếp, Na-Ðề Ca-Diếp) … các ngài Xá-lợi-Phất, Mục Kiền-Liên. Vv….
20. Trước sau ngài thuyết-pháp trên 300 hội, độ được vô-lượng nhơn, thiên giải-thoát.
21. Ngài hóa độ được 49 năm.
Ðể lại 12 bộ kinh và nhập Ðại Niết-bàn vào năm 80 tuổi.
Câu kệ nầy có ý dạy rằng:
– Nay con xin một lòng, cúi đầu đảnh-lễ đức cha lành: – Bổn-sư THÍCH-CA MÂU-NI THẾ-TÔN. Người đã vì chúng con mà thị-hiện giáng-trần, tu-hành gian-khổ, chứng thành Phật-quả, trước là để độ riêng cho chúng con và sau là để độ chung cho khắp cả muôn loài đồng đăng giác-ngạn.
C. Giải thích câu thứ ba:
Trăm ngàn ức Hóa Thân.
(Thiên, Bá, Ức Hóa Thân)
Qua con số trên đây thì:
– Trăm là số BÁ (tức là số 100).
– Ngàn là SỐ THIÊN (tức là số 1000).
– Ức là số BÁ-THIÊN (tức là số 100,000) (3).
Vậy cho nên câu: Thiên, bá, ức (nêu trên) chính là con số sau đây:
Thiên bá ức = 1000 * 100 * 100,000 = 10,000,000,000.
– Ðọc theo lối nhơn-gian thì là 10 tỷ.
– Ðọc theo lối trong kinh đạo là: THIÊN, BÁ, ỨC.
Ðây là con số những thế-giới thuộc về sở-hữu (có sẵn) của cõi TA-BÀ mà đức THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT làm giáo-chủ, gọi là ÐẠI-THIÊN THẾ-GIỚI (hay còn gọi bằng một tên khác nữa là Tam thiên đại-thiên thế-giới).
Ðơn-vị và danh-xưng của những thế-giới thuộc về cõi Ta-bà được gọi bằng các tên sau đây:
– Tiểu thế-giới.
– Tiểu-thiên thế-giới.
– Trung-thiên thế-giới.
– Ðại-thiên thế-giới.
Ðể cho dễ hiểu, xin quý liên-hữu xem kỹ phần trình bày nêu ra dưới đây về – ÐẠI THIÊN THẾ-GIỚI của chúng ta:
Trước hết xin nói về Tiểu thế-giới.
A. TIỂU THẾ-GIỚI gồm có:
-1 núi Tu-di.
– 1 mặt trời.
– 1 mặt trăng.
– 4 châu thiên hạ (4)
– 1 cõi trời Tứ vương (ở giữa núi Tu-di)
– 1 cõi trời Ðạo-lợi (trên đỉnh núi Tu-di)
– 1 cõi trời Dạ-Ma.
– 1 cõi Trời Ðâu-suất.
– 1 cõi Trời Hóa-lạc.
– 1 cõi Trời Tha-Hóa tự-tại.
(Các cõi trời nầy thuộc về Dục-giới thiên – Tất cả Thiên chúng đều có ái-dục).
– 1 cõi Trời Sơ-Thiền (trùm che bao phủ), Cõi trời nầy thuộc về “Sắc giới thiên”.
(Cõi Sơ-Thiền thiên nầy gồm có 3 từng trời sở-hữu và tùy-thuộc là:
– Phạm chúng thiên, Phạm phụ thiên, Phạm vương thiên)
(3 cõi trời nầy thuộc về sắc-giới thiên – không có ái dục)
B. TIỂU-THIÊN THẾ-GIỚI:
Trước tiên thì lấy:
– Một ngàn cái “TIỂU THẾ-GIỚI” như (ở trên) vậy, họp lại thì thành ra một “TIỂU THIÊN THẾ-GIỚI” (Tiểu thiên tức là “một ngàn nhỏ”).
Và như thế thì một “TIỂU THIÊN THẾ-GIỚI” gồm có:
– 1000 núi Tu-di.
– 1000 mặt trời.
– 1000 mặt trăng.
– 1000 tứ châu thiên hạ.
– 1000 cõi trời Tứ-vương.
– 1000 cõi trời Ðạo-lợi.
– 1000 cõi trời Dạ-Ma.
– 1000 cõi trời Ðâu-suất.
– 1000 cõi trời Hóa-lạc.
– 1000 cõi trời Tha-Hóa Tự-Tại.
– 1000 cõi trời Sơ-thiền.
Bao trùm và che phủ lên trên “TIỂU-THIÊN THẾ-GIỚI” nầy là một cõi trời NHỊ-THIỀN”. Cõi “Nhị thiền-thiên” nầy cũng gồm có ba từng trời sở-hữu và tùy-thuộc sau đây:
– Thiểu-quang Thiên, Vô-lượng quang thiên, Quang-âm thiên.
(Ba cõi trời nầy thuộc về sắc-giới thiên-chúng đều không có ái-dục).
C. TRUNG-THIÊN THẾ-GIỚI:
Kế đến là lấy:
– Một ngàn (1000) cái “TIỂU THIÊN THẾ-GIỚI” như (ở trên)vậy họp lại thì thành ra một “TRUNG THIÊN THẾ-GIỚI” (Trung thiên là một ngàn trung bình).
Và như thế thì một “TRUNG THIÊN THẾ-GIỚI” gồm có:
– 1,000,000 núi Tu-di.
– 1,000,000 mặt trời.
– 1,000,000 mặt trăng.
– 1,000,000 Tứ châu thiên hạ.
– 1,000,000 Tứ-vương thiên.
– 1,000,000 Ðạo-lợi thiên.
– 1,000,000 Dạ-Ma thiên.
– 1,000,000 Ðâu-Suất thiên.
– 1,000,000 Hóa-lạc thiên.
– 1,000,000 Tha-Hóa Tự-Tại thiên.
– 1,000,000 Sơ-thiền thiên.
– 1,000 Nhị-thiền thiên.
Bao-trùm và che-phủ lên trên cõi “TRUNG THIÊN THẾ-GIỚI” nầy là một cõi trời “TAM-THIỀN”.
Cõi “TAM-THIỀN THIÊN” nầy cũng gồm có ba từng trời sở-hữu và tùy-thuộc sau đây: – Thiểu-tịnh thiên, Vô-lượng tịnh thiên, Biến-tịnh thiên. – Vì đây là trời Sắc-giới, nên các Thiên-chúng đều không có ái-dục.
D. ÐẠI-THIÊN THẾ-GIỚI:
Sau rốt là lấy:
– Một ngàn cái “TRUNG THIÊN THẾ-GIỚI” như (ở trên) vậy, hợp lại thành ra một “ÐẠI-THIÊN THẾ-GIỚI” (Ðại thiên là một ngàn lớn).
Và như thế thì một “ÐẠI-THIÊN THẾ-GIỚI gồm có:
– 1,000,000,000 (một tỷ) Tu-di sơn.
– 1,000,000,000 mặt trời.
– 1,000,000,000 mặt trăng.
– 1,000,000,000 Tứ châu thiên hạ.
– 1,000,000,000 Tứ vương thiên.
– 1,000,000,000 Ðạo-lợi thiên.
– 1,000,000,000 Dạ-Ma thiên.
– 1,000,000,000 Ðâu-Suất thiên.
– 1,000,000,000 Hóa-lạc thiên.
– 1,000,000,000 Tha-Hóa Tự-Tại thiên.
– 1,000,000,000 Sơ thiền thiên.
– 1,000,000 (một triệu) Nhị-thiền thiên.
– 1,000 (một ngàn) Tam thiền thiên.
Bao trùm và che-phủ lên cõi “ÐẠI THIÊN THẾ-GIỚI” nầy là MỘT cõi trời “TỨ THIỀN”.
Cõi “Tứ thiền thiên” nầy gồm có chín từng trời sở-hữu và tùy-thuộc sau đây:
– Vô vân thiên.
– Thiểu quả thiên (còn gọi là Phước sanh thiên).
– Quảng quả thiên.
– Vô-lượng quả thiên (còn gọi là vô-tưởng thiên).
– Vô nhiệt thiên.
– Vô não thiên (còn gọi là vô phiền thiên).
– Thiện-kiến thiên.
– Diệu thiện kiến thiên (còn gọi là Thiện-hiện thiên).
– A Ca Nhị tra thiên. (còn gọi là sắc cứu-cánh thiên).
(Chín cõi trời nầy cũng thuộc “Sắc-giới thiên” – thiên-chúng đều không có ái-dục).
– Trên đây là “TAM-THIÊN ÐẠI THIÊN” thế-giới, hay còn gọi bằng một tên nữa là “TA-BÀ THẾ-GIỚI”, tức là thế-giới thuộc về sự hóa-độ của đức bổn-sư THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT.
Ghi-chú quang-trọng:
a. Tam thiên là do nơi ba cái “THIÊN”:
– Tiểu thiên, trung thiên và Ðại thiên họp lại mà thành tên.
b. Gọi là TAM THIÊN ÐẠI THIÊN thế-giới vì lấy 3 cái “THIÊN” kia và hai chữ “ÐẠI THIÊN” sau chót họp lại mà thành danh. Chớ không phải là cõi TA-BÀ nầy có đến 3000 cái ÐẠI THIÊN THẾ-GIỚI đâu –
c. Cõi TA-BÀ nầy chỉ có MỘT(01) cái “ÐẠI THIÊN THẾ-GIỚI” duy-nhất mà thôi.
Vì vậy nên:
– Gọi cho đúng là: – ÐẠI THIÊN THẾ-GIỚI (tức là TA-BÀ THẾ-GIỚI).
Bởi vì thấy có một ít chư học-giả nghiên-cứu kinh Phật cùng số đông chư Phật-tử học Phật (đời nay) hiểu lầm chữ “Tam thiên đại thiên thế-giới” là 3000 cái đại thiên thế-giới – Một sự sai-biệt về số-lượng rất lớn – nên ở đây cần phải đính-chánh lại cho rõ để tránh các sự lầm-lẫn về sau.
Còn sao gọi là:
Thiên bá ức hóa thân
(Trăm, ngàn, ức hóa thân)
Tức là trong tất-cả các quốc-độ sở-hữu của cõi TA-BÀ, hay là cõi “ÐẠI THIÊN THẾ-GIỚI” nầy – gồm có Thiên, bá, ức quốc độ – Ðức THÍCH-CA MÂU-NI Thế-tôn đều có phân ra đầy-đủ hóa thân PHẬT (của ngài) ở tại các cõi đó (cứ mỗi một cõi là có một hóa-thân Thích-Ca PHẬT), cũng đồng thị-hiện ra đầy-đủ các tướng, như là:
– Ðâu-Suất giáng-thần.
– Ðản-sanh tại vườn ngự-uyển ….
– Dạo chơi bốn cửa thành ….
– Vượt thành xuất gia …
– Tu khổ-hạnh.
– Hàng-phục ma-quân, chứng thành đạo-quả.
– Chuyển pháp-luân.
– Nhập Niết-bàn.
Y-hệt như lúc Ngài thị-hiện giáng sinh ở tại châu Nam Thiện-bộ của chúng-ta đây vậy. Bởi vì nếu có thị-hiện như thế thì mới có thể giáo-hóa hết các chúng-sanh (hữu-duyên với Phật-đạo) ở khắpc nơi trong Ðại-thiên thế-giới của cõi Ta-bà nầy được.
E. Giải-thích câu:
Biến Pháp-giới chư PHẬT.
(Khắp pháp-giới chư Phật)
a. BIẾN:Có nghĩa là cùng khắp tất-cả mọi nơi, mọi chỗ, tức là không chỗ nào là chẳng có (sự hiện-diện của Phật).
b. PHÁP-GIỚI: Hai chữ nầy có vô-lượng, vô-biên nghĩa-lý khó mà giải-thích cho hết được. Chỉ xin tóm-tắt mà thôi.
– Pháp-giới ở đây gồm có 2 phần là SỰ và LÝ.
1. Về SỰ PHÁP-GIỚI: Thì tất-cả các tướng-dạng thuộc về hai phần DANH và SẮC(tức là TÂM và TƯỚNG) đều gọi chung bằng một tên là PHÁP. Các PHÁP nầy (đứng về mặt SỰ mà nói) thì mỗi pháp đều có cái tánh-thể riêng-biệt – chẳng hạn như” :
– Nhơn-đạo (loài người) thì lấy “Ngũ-giới” làm pháp.
– Thiên-đạo (trời) thì lấy “Thập-thiện” làm pháp.
– A Tu-la đạo thì lấy “Phước và Sân” làm pháp.
– Ðịa-ngục đạo thì lấy “Thập-ác” làm pháp.
– Ngạ-quỷ đạo thì lấy “Tham-lam, bỏn-xẻn” làm pháp.
– Súc-sanh đạo thì lấy “Si-mê” làm pháp.
Ðây là 6 cảnh-giới của lục-phàm (sáu loài phàm-phu), lấy các “PHÁP” ấy làm thể-dạng mà định-ngôi và phân-loại ở trong vòng tam-giới sanh tử.
Như trên vừa giải, hàng “lục-phàm” vì lấy các pháp ấy mà làm “thể”, cho nên phải bị trầm-luân trong biển khổ sanh-tử, luân-hồi.
Còn như chư thánh-nhơn trong vòng “Tứ thánh” – (Ðứng về phương-diện SỰ mà nói) thì quý NGÀI ấy cũng lấy các pháp riêng để làm thể-dạng.
Chẳng-hạn như:
– Thanh-văn quả thì lấy “Tứ-đế” làm pháp.
– Duyên-giác quả thì lấy “Thập nhị nhân-duyên” làm pháp.
– Bồ-tát quả thì lấy “Thập ba-la Mật” làm pháp (5)
– Phật-quả thì lấy “Thường-tịch Niết-bàn” làm pháp. (6)
Ðó chẳng qua là bởi vì các cảnh-giới và các căn tánh của chúng-sanh có cao-thấp bất-đồng, nên pháp cũng phải chia ra làm nhiều loại tương-xứng cho dễ-dàng hóa-độ mà thôi.
2. Ề LÝ PHÁP-GIỚI:
(Ðã có giảng ở trước, nơi phần “Nhứt thiết pháp thường-trú” rồi nên ở đây chỉ sơ-lược và bổ-túc thêm một ít … )
Còn đứng trên phương-diện LÝ mà nói thì dầu cho là NGƯỜI hay VẬT gì đi nữa cũng đều có một cái PHẬT-TÁNH, cái CHƠN-NHƯ tánh giống nhau:
Cho nên:
– Người có TU thì thành PHẬT – đã đành
– Thú-vật, nếu có TU, ắt cũng thành PHẬT được.
……………
Riêng về phương-diện chúng-sanh thì có tất-cả 18 cảnh pháp-giới sau đây:
a. Nội pháp-giới:gồm có 6 cái căn-cảnh(ở trong) là:
– Nhãn giới căn (là căn con mắt)– chủ về hai trần là SÁNG và TỐI.
– Nhĩ giới căn (là căn lỗ tai)– chủ về hai trần là ÐỘNG và TỊNH.
– Tỷ giới căn (là căn mũi) – chủ về hai trần là THÔNG và NGHẸT
– Thiệt giới căn (là căn mũi) – chủ về hai trần là LẠT và BIẾN (vị).
– Thân giới căn (là xác-thân tứ đại) – chủ về hai trần HIỆP và LY.
– Ý giới căn (là tâm sanh-diệt) – chủ về hai trần là SANH và DIỆT.
b. Ngoại Pháp-giới:
Gồm có 6 cái trần cảnh (ở ngoài) là:
– Sắc-giới cảnh (thuộc về phần-hành của Nhãn căn).
– Thanh-giới cảnh (thuộc về phần-hành của Nhĩ căn).
– Hương-giới cảnh (thuộc về phần-hành của Tỹ căn).
– Vị-giới cảnh (thuộc về phần-hành của Thiệt căn).
– Xúc-giới cảnh (thuộc về phần-hành của Thân căn).
– Pháp-giới cảnh (thuộc về phần-hành của Ý căn.)
c. Trung-gian pháp-giới:(Khoảng giữanộivà ngoại pháp-giới)
Gồm có 6 cảnh-giới là:
– NHÃN-THỨC giới – Nhiệm-vụ là phân-biệt các loại (hình) SẮC TRẦN.
– NHĨ-THỨC giới – Nhiệm-vụ là phân-biệt các loại (âm) THANH TRẦN.
– TỶ-THỨC giới – Nhiệm-vụ là phân-biệt các loại (mùi) HƯƠNG-TRẦN.
– THIỆT-THỨC giới – Nhiệm-vụ là phân-biệt các loại (mùi)VỊ TRẦN.
– THÂN-THỨC giới – Nhiệm-vụ là phân-biệt các loại (cảm) XÚC (giác) TRẦN.
– Ý-THỨC giới – Nhiệm-vụ là phân-biệt các loại pháp SANH, DIỆT.
VẬY:
Kết yếu câu: Khắp pháp-giới chư PHẬT – Như sau:
Do vì chúng-sanh có đầy-đủ 18 cảnh-giới như thế cho nên mới (bị) bày ra đủ hết các loại quả-báo sai-biệt cùng các loại Thiện, ác, khổ, vui … chẳng qua là cũng bởi tại ở nơi TÂM ham mê chạy theo hai phần DANH, SẮC (làm nhơn)mà cảm-hiện ra vô-số chủng-loại thế-giới sai khác (thành quả) , vô-số hình-tướng xấu, đẹp, Vô-số căn-tánh cao, thấp khác nhau đầy khắp cả tam-giới Tử, Sanh nơi 10 phương quốc độ (thế-giới ở khắp trong 10 phương).
Vì thế nên trong kinh PHẬT dạy:
– “Bởi nơi ba cõi (7) định NGÔI, sáu đường phân LOẠI, nên bày ra hình tướng có xấu, đẹp – quả-báo có khổ, vui.
Tìm ra chỗ khởi đầu, (thiệt là) chẳng ra ngoài hai chữ SẮC, TÂM.
Xả đến chỗ HỘI-QUY (8), (thiệt là) chẳng ra ngoài hai chữ SANH, DIỆT.
Chính là ý vừa giảng ở trên vậy.
Chư PHẬT nói chung, và đức Bổn-sư THÍCH-CA Mâu-ni Thế-tôn nói riêng, đều vì tâm ÐẠI-BI mà thị-hiện ứng, hóa thân ra trong khắp các vi-trần quốc độ ở 10 “phương pháp-giới chúng-sanh” đó, dùng đủ mọi thiện-xảo phương-tiện mà tiếp-độ, dắt-dìu, khiến cho cứu-cánh được thoát ra ngoài cái cảnh:
– “Ba cõi định ngôi, sau đường phân-loại” để:
“CHỨNG THÀNH PHẬT QUẢ” như PHẬT vậy mà thôi.
Lành vậy thay!
Trên đây, chúng-ta đã nhứt-tâm đảnh-lễ đức Bổn-sư THÍCH-CA MÂU-NI Thế-tôn (trước tiên hết) rồi – Ðể tỏ lòng ân-trọng lên NGÀI là giáo-chủ của cõi TA-BÀ nầy và cũng là đấng Như-lai đã vì chúng-ta mà chỉ bày ra con đường TỊNH-ÐỘ.
Kế tiếp sau đây là phần đảnh-lễ lên đức giáo-chủ CỰC-LẠC quốc-độ A-DI-ÐÀ PHẬT – Ðấng NHƯ-LAI đã vì tất-cả chúng-sanh mà phát ra 48 đại-nguyện vương, khai bày ra cửu-phẩm và từ-mẫn duỗi tay tiếp-độ, dắt-dìu …
Giải-thích câu Ðảnh-Lễ thứ 2:
A. Nhứt-tâm đảnh-lễ:
Thường-tịch quang Tịnh-độ,
A-Di-Ðà Như-lai.
Pháp-thân mầu thanh-tịnh,
Khắp pháp-giới chư PHẬT.
Bốn chữ: “-Nhứt-tâm đảnh-lễ” ở đây (ý-nghĩa cũng y như phần giảng ở câu đảnh-lễ đầu-tiên vậy)– Vì thế nên không lập lại để tỉnh-giảm bút-lực cho các phần sau.
B. THƯỜNG-TỊCH QUANG TỊNH-ÐỘ:
Ðây là danh-xưng của một trong bốn “cảnh giới” (khu vực) của cõi Cực-lạc.
Bởi vì Cõi Cực-lạc của đức A-DI-ÐÀ PHẬT được chia thành bốn cảnh giới khác nhau như sau:
(Từ bên ngoài vào đến bên trong)
1. Phàm thánh đồng cư độ:
Ðây là khu-vực dành cho các bậc vãng-sanh mà còn mang theo nghiệp (đới nghiệp vãng-sanh) hoặc còn một ít nghiệp nữa (trong ba phẩm Hạ là: Hạ phẩm hạ sanh, hạ phẩm trung sanh và hạ phẩm thượng sanh).
Tất-cả các bậc vãng-sanh nầy đều được cảm báo thân “Liên-hoa hóa-sanh”, đồng về cư trụ ở nơi đây, nương nhờ theo nguyện-lực của đức Phật A-DI-ÐÀ mà tu-tập, cho nên đều được dự vào ngôi-vị BẤT THỐI CHUYỂN –
Ðây gọi là quả “VỊ BẤT THỐI” (9).
2. Phương-tiện hữu-dư độ:
Ðây là khu-vực dành riêng cho các bậc vãng-sanh mà công tu-hành đã đạt đến mức-độ “SỰ NHỨT-TÂM” (tức là phần hành-trì” – Hai phần “Kiến-hoặc” và “Tư hoặc” đều đã đoạn hết, cả “Trần-sa hoặc” cũng đã trừ luôn – Ðây chính là các bậc Thanh-văn, Duyên-giác. (Trong ba phẩm Trung là: Trung phẩm hạ-sanh, Trung phẩm Trung-sanh, Trung phẩm Thượng-sanh).
Tất-cả các bậc vãng-sanh nầy cũng đều cảm báo được thân “Liên-hoa hóa-sanh”, đồng về cư-trụ tại nơi đây, nương theo nguyện-lực của PHẬT A-DI-ÐÀ và của riêng mình và tu-hành bất-thối chuyển.
– Ðây gọi là quả-vị “HÀNH BẤT THỐI”.
3. Thật-báo trang-nghiêm độ:
Ðây là khu-vực dành riêng cho các bậc vãng-sanh mà công tu-hành đã đạt đến mức độ “LÝ NHỨT TÂM”, tức là đã phá được một vài phần VÔ-MINH trở lên rồi (nghĩa là phá từ “một phần VÔ-MINH”) cho đến tiêu trừ hết-cả “41 phần vô-minh”.
Các bậc được vãng-sanh vào nơi khu-vực nầy đều là những bậc “Bồ-tát pháp-thân Ðại-sĩ” của các giai-vị THẬP-TRỤ, THẬP-HẠNH, THẬP HỒI-HƯỚNG, và THẬP-ÐỊA. (Trong ba phẩm vãng-sanh bậc THƯỢNG là: – Thượng-phẩm Thượng-sanh, Thượng-phẩm Trung-sanh và Thượng-phẩm Hạ-sanh).
Các bậc đại Bồ-tát nầy nương nơi nguyện-lực của riêng mình mà tu-niệm để chứng-đắc quả-vị “Vô-Thượng Bồ-đề”.
– Ðây gọi là quả-vị “NIỆM BẤT THỐI”.
4.Thường Tịch-quang Tịnh-độ:
Nơi khu-vực nầy chỉ dành cho PHẬT và các vị Ðẳng-giác Bồ-tát, Nhứt sanh bổ-xứ Bồ-tát (như Quán-Âm, Thế-Chí, Văn-Thù, Phổ-hiền, Di-Lặc vv…) cư-trụ mà thôi.
Như vậy, kết ý của câu:
“THƯỜNG TỊCH QUANG TỊNH-ÐỘ” nầy như sau:
– Chúng con xin cúi đầu, nhứt tâm kính-lễ về cõi “Thường tịch-quang tịnh-độ” cùng kính lễ đức PHẬT A-DI-ÐÀ – và chư Ðẳng-giác đại Bồ-tát, Nhứt-sanh bổ-xứ Bồ-tát …
(Tác đại chứng-minh)
C. A-DI-ÐÀ NHƯ-LAI:
(Ðức PHẬT A-DI-ÐÀ)
Ðây là một đức NHƯ-LAI, Chí-chơn, Ứng, Chánh-đẳng giác – Giáo-chủ của cõi nước Cực-lạc – A-DI-ÐÀ PHẬT.
Là một đức Như-lai được chư PHẬT mười phương đồng xưng-tán công-đức, và chúng-ta – người con PHẬT hiện-tại đây, ngày đêm chí-tâm lễ-lạy, xưng-niệm danh-hiệu A-DI-ÐÀ PHẬT của NGÀI, phát-nguyện được “ÐỚI-NGHIỆP VÃNG-SANH” (10) về nơi CỰC-LẠC, dự vào trong “cửu phẩm liên-đài”, thoát vòng luân-hồi, sanh-tử.
Kinh Tiểu-bổn A-DI-ÐÀ (Phật thuyết A-DI-ÐÀ) dạy:
– Từ đây về phương-Tây, trải qua 10 muôn ức (11) cõi PHẬT, có thế-giới tên là Cực-Lạc, cõi ấy có đức PHẬT hiệu là A-DI-ÐÀ, hiện đang thuyết pháp.
Vì sao cõi kia lại gọi là Cực-lạc ?
– Vì chúng-sanh ở cõi ấy không có các sự khổ, chỉ hưởng toàn những điều vui, nên gọi là Cực-lạc.
Ðức Phật ấy vì sao mà có hiệu là A-DI-ÐÀ ?
– Bởi vì:
– Quang-minh của đức PHẬT ấy vô-lượng, vô-biên soi sáng khắp cả 10 phương quốc-độ, không chỗ nào làm chướng-ngại được, nên hiệu là A-DI-ÐÀ.
– Ðức PHẬT ấy (cùng với nhân-dân của ngài) sống lâu vô-lượng, vô-biên a tăng kỳ kiếp, nên hiệu là A-DI-ÐÀ – và cũng bởi vì có thọ-lượng vô-biên như vậy, nên ngài còn có thêm tên khác nữa là VÔ-LƯỢNG THỌ PHẬT.
Sau đây là phần miêu-tả về thân tướng của đức A-DI-ÐÀ PHẬT (VÔ-LƯỢNG THỌ PHẬT).
Kinh “Quán Vô-lượng Thọ” dạy:
… “Phật VÔ-LƯỢNG THỌ ấy thân sắc vàng rực-rỡ như trăm, ngàn, muôn, ức sắc vàng Diêm-phù đàn (12) nơi cung trời Dạ-Ma. Thân tướng của PHẬT cao 60 muôn, ức na do tha, hằng hà sa do-tuần (13).
– Bạch-hào giữa hai (chân) mày, xong về bên hữu, uyển-chuyển như 5 tòa núi Tu-di.
– Mắt của PHẬT ấy có hai màu xanh biếc và trắng phân-minh, rõ-ràng, lớn rộng như 4 đại-hải (biển lớn).
– Các lỗ chân lông nơi thân PHẬT ấy phóng ra ánh-sáng như núi Tu-di.
– Viên-quang (14) của PHẬT VÔ-LƯỢNG THỌ rộng lớn như trăm ức Ðại-thiên thế-giới. Trong viên-quang ấy có trăm vạn ức na do tha hằng-hà sa “Hóa PHẬT” ấy lại cũng có đông, nhiều, vố-số “hóa Bồ-tát” làm thị-giả.
– Thân PHẬT VÔ-LƯỢNG THỌ có 8 vạn bốn ngàn “tướng đẹp” chánh – Mỗi-mỗi tướng đẹp ấy đều riêng có tám vạn bốn ngàn nét đẹp tùy hình – Mỗi-mỗi “nét đẹp tùy hình” kia lại có 8 vạn bốn ngàn ánh quang-minh – Mỗi-mỗi quang-minh ấy chiếu khắp thập-phương thế-giới, nhiếp lấy chúng-sanh niệm PHẬT không bỏ sót.
(Và cũng bởi do nơi “Ý” của đoạn kinh nầy, nên chư Tổ-sư có làm bài kệ tụng “Tán-thán” Phật VÔ-LƯỢNG THỌ (tức là đức A-DI-ÐÀ NHƯ-LAI) như sau:
A-DI-ÐÀ PHẬT thân kim sắc,
Tướng hảo quang-minh vô đẳng luân.
Bạch-hào uyển-chuyển ngũ Tu-di,
Hám mục trừng thanh tứ đại hải.
Hóa Bồ-tát chúng diệt vô-biên.
Tứ thập bát nguyện độ chúng-sanh,
Cửu phẩm hàm-linh đăng bỉ-ngạn.
Nam-mô,
Tây-Phương Cực-lạc thế-giới,
Ðại-từ, Ðại-bi,
Tiếp-dẫn đạo-sư,
A-DI-ÐÀ PHẬT.
Tạm-dịch:
Thân PHẬT DI-ÐÀ vàng rực-rỡ,
Tuyệt-vời xinh-đẹp tướng trang-nghiêm.
Năm Tu-di uyển-chuyển bạch-hào,
Bốn biển lớn trong ngần mắt biếc.
Vô-biên hóa PHẬT cùng Bồ-tát,
Hiện đầy trong ánh diệu quang-minh.
Nguyện lành bốn tám độ hàm-linh,
Chín phẩm sen vàng sanh Cực-lạc.
Nam-mô,
Tây-Phương Cực-lạc thế-giới,
Ðại-từ, Ðại-bi, Tiếp-dẫn đạo-sư,
A-DI-ÐÀ PHẬT.
Ðây là bài kệ tán PHẬT A-DI-ÐÀ mà tất-cả các Phật-tử tu Tịnh-độ chúng-ta đều tán-tụng mỗi ngày trước khi niệm PHẬT – (chắc hẵn là quý liên-hữu không quên ?)
…. Quang-minh và tướng-hảo của PHẬT VÔ-LƯỢNG THỌ vô cùng, không sao tả xiết.
Do vì như vậy cho nên Ðức PHẬT A-DI-ÐÀ ấy lại được có thêm (tất-cả là) 12 Phật-hiệu khác nữa như sau:
- Vô-lượng Thọ Phật.
- Vô-lượng Quang Phật.
- Vô-biên Quang Phật.
- Vô-ngại Quang Phật.
- Vô-đối Quang Phật.
- Viêm-vương Quang Phật.
- Thanh-tịnh Quang Phật.
- Hoan-hỷ Quang Phật.
- Trí-huệ Quang Phật.
- Nan-tư Quang Phật.
- Vô-xưng Quang Phật.
- Siêu nhựt-nguyệt Quang Phật.
– Về “quang-minh” của PHẬT A-DI-ÐÀ, Như trong kinh “VÔ-LƯỢNG Thọ” dạy:
– “Nầy A-NAN, đức Phật VÔ-LƯỢNG THỌ ấy, oai-thần quang-minh tối-tôn đệ nhất, quang-minh của chư Phật khác chẳng bằng … Chẳng riêng gì TA (Phật Thích-Ca) khen-ngợi quang-minh của NGÀI, mà tất-cả chư PHẬT, Bồ-tát, Duyên-giác, Thanh-văn, cũng đều ngợi khen như vậy …
– Về “Thọ-lượng” của Phật A-DI-ÐÀ, cũng ở nơi kinh “VÔ-LƯỢNG THỌ” dạy:
– “Lại nữa, nầy A-Nan, đức PHẬT VÔ-LƯỢNG THỌ ấy thọ-mạng dài lâu chẳng nói, kể được. Giải-sử như vô-lượng chúng-sanh ở trong tất-cả thế-giới khắp 10 phương đều thành được thân người rồi tu-chứng lên đến bậc Duyên-giác, Thanh-văn … đồng hội-họp lại, nhập vào trong định, dùng hết sức trí-huệ của họ, trải qua trăm, ngàn, muôn kiếp, cùng nhau suy-tính số kiếp thọ-mạng dài lâu của đức PHẬT ấy, cũng chẳng thể nào biết cho cùng tận được.
Không riêng gì đức PHẬT ấy, mà chúng Bồ-tát, Thanh-văn, Duyên-giác và các hàng Thiên, Nhơn nơi cõi CỰC-LẠC kia đồng có số-lượng thọ-mạng dài lâu cũng y như vậy, chẳng thể nào tính đếm hay dùng thí-dụ mà so-sánh được” ….
…………………….
Vì thế nên trong kệ tụng có câu rằng:
– QUANG, THỌ khó suy-lường … là do ở nơi lời kinh trên đây vậy (đây là nói về SỰ).
D.Pháp-thân mầu thanh-tịnh.
(Thanh-tịnh diệu phapù-thân)
– Pháp-thân đây tức là thân “chơn-như pháp-giới tánh” – Gọi là THANH-TỊNH PHÁP-THÂN TỲ-LÔ GIÁ-NA(PHẬT).
Quý đạo-hữu và chư liên-hữu, hãy nên dùng tâm thanh-tịnh của mình mà tưởng-nghĩ đến thân của Phật.
Tưởng nghĩ thân PHẬT như thế nào ?
Phải tưởng-nghĩ rằng:
– Thân PHẬT (lẽ đương-nhiên và chắc-chắn rằng) không phải là thân tứ-đại do ái-dục bất-tịnh (của cha, mẹ và thân trung-ấm – như đã có giảng ở trước) tạo thành.
– Thân PHẬT cũng không phải giống như thân của chúng-sanh chúng-ta, Thân ấy quyết-định cũng chẳng phải do nơi 360 khối xương ráp lại – cũng chẳng phải do nơi thịt, da, tóc, lông, răng móng, gân cốt, ruột non, ruột già, vv… kết tạo thành.
– Thân ấy chẳng phải là thân Thất-đại, ngũ-ấm, chẳng phải là thân sanh-diệt, vô-thường, chẳng phải là thân khổ đau, bịnh-hoạn, vv…
Nếu là Phật-tử chơn-chánh và hiểu đạo pháp phải nên biết đúng như vậy.
Kinh dạy:
…. “Vì Thân của Như-lai là thân kim-cương chẳng phá-hoại được. Thân của Như-lai không có sanh tạng(15) cũng không có thục-tạng(16), không có đại-tiện, tiểu-tiện bất-tịnh, cũng không có đàm dãi nhơ-uế.
– Thân của Như-lai sắc vàng rực-rỡ như màu vàng Diêm-phù đàn (tử ma kim), không khiếp-nhược, chẳng kinh sợ.
Có lúc thân của Như-lai hiển-hiện sự vi-diệu vô-thượng. Chư thiên ngọc-nữ(17) cúi đầu đảnh-lễ nơi chân của PHẬT, lúc chạm chân PHẬT, các Ngọc-nữ ấy cảm thấy có sự tột mịn, tột mềm không gì ví-dụ được … họ liền đều phát tâm vô-thượng Bồ-đề, xa-lìa trần-cấu.
………………
Thân của Như-lai chẳng phải là thân tạp-thực (18): không có uống, ăn – mà chúng-sanh – vì do nơi chủng-tử tạp-thực – cho nên thấy Như-lai có uống, ăn. Như có một vị Thiên-tử tên là “Tinh-lực” mới được thọ đạo. Thiên-tử ấy lấy bát đựng cơm của PHẬT và đem cơm trong bát ấy cấp cho những người đói thiếu.
Mọi người đều đến ra mắt đức Như-lai mà ăn, thấy đức Như-lai cầm cơm đưa vào trong miệng, cơm ấy tự-nhiên trở lại vào trong bát …
Vì thế nên biết rằng đức Như-lai chẳng ăn theo lối người thườngmà đức Như-lai lấy PHÁP là món ăn vậy.
TÓM-LẠI:
Thân của Như-lai là thân thanh-tịnh, là pháp thân – cho nên ƯNG-TRÌ Bồ-tát muốn đo-lường thân Phật mà không thấu(xem phần giảng trước, nơi câu “Sắc thân PHẬT vô-tận”.)
Pháp thân thanh-tịnh ấy cũng không phải là thân 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp tùy hình – Vì pháp thân ấy đồng đẳng như hư không nên vô hình tướng, cũng như hư không vô hình-tướng vậy.
Hỏi: Vì sao trong kinh nói thân PHẬT có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp tùy hình – chính ở nơi phần giải-thích trong quyển sách đây cũng có nói qua về các vẻ đẹp ấy ?
Ðáp: Thân “Sắc-tướng” đầy đủ 32 tướng đại nhơn và 80 vẻ đẹp tùy hình được PHẬT hiện ra đó, là vì các “hữu-tình chúng-sanh” vốn ham-ưa xinh-đẹp, thích cầu nơi ngôi-vị tôn-quý, sang-cả … nên đức Như-lai phải thị hiện ra hình-tướng ấy để cho mắt họ được thấy. Khi thấy được như thế rồi thì tánh cao-ngạo về dòng-dõi, về tuổi trẻ, về xinh-đẹp, về tôn-sang, về thế-lực vv… của họ lập-tức liền bị tiêu-trừ.
Do vì tiêu-trừ được các ngã chấp, ngã sở sai lầm về tôn-quý, xinh-đẹp vv… như thế nên họ (chúng-sanh) liền phát tâm “tàm-quý” (mắc-cỡ), kính mộ, xu-hướng nơi Phật mà cầu đạo vô-thượng Bồ-đề (để cũng sẽ được y như Phật vậy).
Cho nên phải biết rằng cái thân “Sắc-tướng” có đầy-đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp tùy hình của Như-lai hiện ra đó là thân “THIỆN-XẢO PHƯƠNG-TIỆN” dùng để độ các hữu-tình chúng-sanh mà thôi. Chớ kỳ-thật ra thì PHẬT “pháp-thân” vốn là VÔ-TƯỚNG.
Do nơi ý nầy nên trong kinh “Kim-Cang” Phật dạy:
– “Tu Bồ-Ðề, ư nhử ý vân hà ? khả-dĩ thân-tướng kiến Như-lai phủ ?”
(Tu Bồ-Ðề, ý ông nghĩ thế nào ? có thể do nơi thân-tướng mà thấy được Như-lai không ?)
Tu Bồ-đề bạch Phật ngôn: (Tu Bồ-đề bạch Phật rằng):
– Phất dã, Thế-tôn. (Bạch Thế-Tôn, không).
Bất khả-dĩ thân-tướng đắc kiến Như-lai. Hà-dĩ cố ? Như-lai sở-thuyết thân-tướng tức phi thân-tướng.”
(Không thể do nơi thân tướng mà thấy được Như-lai. Vì sao ? Bởi vì Như-lai nói thân-tướng tức chẳng phải thân-tướng)
(Chú-giải:
– Bởi vì cái thân-tướng PHẬT mà muốn nói ở đây chính là cái “thân-tướng PHÁP-THÂN” (vô-vi, vô hình, vô-tướng) chớ không phải là muốn nói về cái thân-tướng hữu-vi của phàm-phu chúng-sanh vốn có hình, có tướng. (vì độ các bậc thánh-nhơn như ngài Tu Bồ-Ðề đây thì phải nói “thân Pháp-tướng” mới được)
Mà hễ: -Thân vô-vi, vô hình-tướng thì vô sanh-tử, vô khứ lai (giải-thoát).
– Thân hữu-vi, có hình-tướng thì có sanh-tử, có khứ lai, (luân-hồi) Mà chúng-ta tu-hành đây là vì muốn cho được vô sanh-tử, vô khứ-lai kìa, chớ còn muốn sanh-tử, khứ lai, thì tu làm chi ?.)
Xin nêu ra một đoạn kinh khác để dẫn-chứng nữa, như sau: (Cũng trong kinh Kim-Cang).
“Phật cáo Tu Bồ-Ðề: (Phật bảo ngài Tu Bồ-Ðề).
– Tu Bồ-Ðề, ư như ý vân hà ? khả-dĩ tam thập nhị tướng kiến Như-lai phủ ? (Tu Bồ-Ðề, ý ông nghĩ thế nào ? có phải do nơi 32 tướng mà được thấy Như-lai chăng ?)
Tu Bồ-Ðề bạch Phật ngôn (Tu Bồ-Ðề bạch Phật rằng):
– Phất dã, Thế-Tôn. Bất khả-dĩ Tam thập nhị tướng đắc kiến Như-lai. Hà dĩ cố ? Như-lai thuyết tam thập nhị tướng, tức thị phi tướng, thị danh tam thập nhị tướng”.
(Bạch Thế-Tôn, không vậy – không thể do nơi 32 tướng để thấy Như-lai. Vì sao vậy ? Như-lai nói ba mươi tướng, tức chẳng phải là tướng, chỉ gọi là 32 tướng).
(Chú-giải:
– Bởi vì cái thân có 32 tướng (tốt) đó là “thân chánh báo” của Phật do công-đức, phước lành trong vô-lượng kiếp tu-hành, tích-tập lại mà thành, có hình có tướng – Dùng để độ chúng-sanh (vốn dĩ) có hình, có tướng – Thân ấy cũng còn có cái “HỮU” chớ chưa phải là “VÔ”, chẳng hạn như thân PHẬT THÍCH-CA lúc NGÀI còn tại thế cũng có đủ 32 tướng nữa! (vô-thường).
Còn nếu như cho rằng cái sắc-thân “32 tướng” ấy là PHẬT THÍCH-CA thì bây giờ đây cái “thân 32 tướng” ấy không còn nữa rồi! Vậy thì NGÀI không còn là PHẬT nữa sao ? Phải hiểu rằng: – Vì chúng-sanh “có tướng”, nên PHẬT mới nói thân có “32 tướng”, chớ còn một bậc thánh-nhơn như ngài TU BỒ-ÐỀ là A-LA-HÁN, tu ròng phép “KHÔNG” thì làm sao chấp “32 tướng CÓ” kia được. Nếu “ỔNG” mà chấp lấy 32 tướng kia là có thì “ỔNG” làm sao chứng-đạo, làm sao thành A La-Hán được!
Vì thế cho nên ngài TU BỒ-ÐỀ nói thưa rằng:
– Bạch Thế-Tôn, Thế-Tôn nói 32 tướng đó, bất quá nó chỉ có cái tên là 32 tướng (cho màu mè, cho vui-vẻ, trẻ-trung, để chúng-sanh ham-thích muốn có được 32 tướng như vậy mà tu theo thôi) chớ kỳ thật ra thì cái “Pháp thân thanh-tịnh” mà PHẬT và các vị Bồ-tát, Duyên-giác, Thanh-văn, chứng-đắc kia, nó đồng như hư không, trống-rỗng thì làm gì mà (tìm ra) 32 tướng ấy cho được chớ !
Ngay sau khi ngài Tu Bồ-Ðề (và chắc có lẽ có cả quý-vị ở trong đó nữa) hiểu như thế rồi thì PHẬT liền dạy tiếp:
“Phật cáo Tu Bồ-Ðề: (Phật bảo ngài Tu Bồ-Ðề rằng):
– Phàm sở hữu tướng, (phàm hễ vật gì có hình tướng).
Giai thị hư-vọng. (Ðều là hư giả)
Nhược kiến CHƯ TƯỚNG PHI TƯỚNG, (Nếu thấy các tướng là không)
Tức kiến NHƯ-LAI” (Thì liền thấy PHẬT)
Nghĩa là:
– Phàm hễ những (cái) pháp nào (những cái gì) mà nó có hình, có tướng (tức là hữu-vi) – Thì nó là giả-tạm, là vô-thường, là hư-dối, là không bền vững, phải bị hoại-diệt.
– Nếu như ai mà tu đến cái mức thấy tất-cả các tướng hữu-vi ấy là không thật, rồi không chấp lấy có, không chạy theo nó, không bị nó buộc vàm, xỏ mũi, coi nó như “PHA”, như không có vậy (Kiến tướng phi tướng), ắt nhiên sẽ không bị trói-buộc, tâm kẻ đó lúc nào cũng trốn-trơn, thong-dong, tự-tại. (tức là tâm giải-thoát).
Thì ứng-hạp với tâm giải-thoát của PHẬT – sẽ thấy được PHẬT.
Cho nên người Phật-tử chơn-chánh học Phật, tu theo Phật, muốn thành Phật, phải CHÁNH-QUÁN như thế.
Do vì “Pháp-thân” ấy của PHẬT không có ngằn mé, vô-hạn, vô-ngại, không có vọng-tướng, chẳng thể nghĩ-bàn, chẳng thể hạn-định, chẳng thể suy-lường. vv… được.
Nên gọi là “DIỆU PHÁP-THÂN”
Cái “DIỆU PHÁP-THÂN” ấy vi-diệu, nhiệm-mầu ngoài sự-tưởng nghĩ của chúng-sanh trong ba cõi.
Ðể hết ý của câu kệ:
Thanh-tịnh diệu Pháp-thân
(Pháp-thân mầu thanh-tịnh)
nầy. Người giải-thích – Hải-Quang tôi – xin tạm mượn đoạn kinh sau đây để làm chứng-tín:
…….”Ðức PHẬT hỏi VĂN-THÙ Sư-lợi đại Bồ-tát:
– Ông THIỆT đến đứng đây trước MUỐN THẤY NHƯ-LAI chăng?
(Nơi câu kinh đây ta phải lưu-ý đến các chữ: “THIIỆT … MUỐN THẤY NHƯ-LAI” mà PHẬT gạn hỏi ngài VĂN-THÙ BỒ-TÁT, nghĩa là có phải ông muốn thấy PHẬT THIỆT ? – Tức là thấy “PHÁP-THÂN THANH-TỊNH của PHẬT” chớ không phải thấy ỨNG-THÂN, thân 32 tướng, 80 vẻ đẹp tùy hình của Phật).
Văn-Thù Sư-Lợi Bồ-Tát bạch rằng:
– Bạch đức Thế-Tôn, tôi THIỆT đến trước MUỐN THẤY ÐỨC NHƯ-LAI. Tại sao ? Vì TÔI thích CHÁNH-QUÁN để lợi-ích chúng-sanh.
(Ở câu trả lời nầy ta thấy đức Văn-Thù Bồ-Tát cũng xác-nhận cùng với PHẬT là:
– “Tôi THIỆT MUỐN THẤY ÐỨC NHƯ-LAI” và “TÔI … CHÁNH-QUÁN” vv…
Chứng-tỏ một điều rằng: – Tâm của PHẬT là của Bồ-Tát đều cùng tương-ưng với THIỆT-TÁNH như nhau cả).
Tôi QUÁN đức NHƯ-LAI là:
- Tướng NHƯ-NHƯ (Tướng chơn-như, pháp-giới tánh).
- Tướng BẤT-DỊ (thiệt-tướng),
- Tướng BẤT-ÐỘNG (không có đến, không có đi – Vô lai, khứ),
- Tướng BẤT-TÁC(không có tác nghiệp sanh-tử, luân-hồi),
- Tướng VÔ-TRỤ (vô trụ-xứ, không có phương-sở, không có đây, kia),
- Tướng BẤT-DIỆT (vì không có sanh nên không có diệt – vô sanh-diệt),
- Tướng BẤT-HỮU (không có hữu-vi, tức là vô-vi)
- Tướng BẤT-VÔ (cũng không có cái gì mà gọi là vô-vi – tức là phi hữu, phi vô),
- Tướng CHẲNG TẠI PHƯƠNG, CHẲNG LY PHƯƠNG (chẳng đây, chẳng kia, chẳng không, chẳng có),
- Tướng PHI TAM-THẾ, PHI BÁT TAM-THẾ (chẳng phải quá khứ, hiện-tại, vị-lai cũng chẳng phải chẳng có quá-khứ, hiện-tại, vị-lai),
- Tướng PHI NHỊ, PHI BẤT NHỊ(tướng chẳng phải hại – (tức là một, là NHẤT tức là chẳng thủ, chẳng xả) – chẳng phải chẳng hai (tức là tùy-duyên hóa-độ),
- Tướng PHI CẤU, PHI TỊNH(chẳng phải dơ, chẳng phải sạch – vì dứt ngã-tướng, nhơn-tướng).
Bạch đức Thế-Tôn:
Tôi chánh QUÁN NHƯ-LAI như vậy, lợi-ích cho chúng-sanh.
Mười hai tướng của NHƯ-LAI trên đây mà đức Văn-Thù Bồ-Tát quán đó chính là “THIỆT-TƯỚNG”, gọi là:
– “Thanh-tịnh Diệu Pháp-thân”.
của tất-cả chư Phật (nói chung)và riêng cho đức A-DI-ÐÀ Như-lai trong phần đảnh-lễ thứ hai nầy vậy.
D. Biến Pháp-Giới Chư Phật
Bởi vì thân của tất-cả chư PHẬT đều cùng là thân “PHÁP-TÁNH GIỚI” như nhau, cho nên một PHẬT tức là tất-cả PHẬT, tất-cả PHẬT tức là một PHẬT. Vì thế nên THÍCH-CA PHẬT cũng là A-DI-ÐÀ PHẬT, A-DI-ÐÀ PHẬT cũng là THÍCH-CA PHẬT vậy.
Thế nên đức A-DI-ÐÀ PHẬT đâu phải chỉ có trụ ở tại cõi Cực-lạc không thôi đâu, mà ngài hiện-thân cùng khắp các quốc-độ của mười phương chư PHẬT để độ-thoát những chúng-sanh nào hữu-duyên cùng với NGÀI đã có phát-nguyện cầu sanh về An-Dưỡng quốc.
Chẳng hạn như ở cõi Ta-bà nầy vậy. Ðức THÍCH-CA Như-lai và đức A-DI-ÐÀ PHẬT, hai vị Thế-Tôn, một vị thì chỉ đường về nơi Tịnh-độ, một vị thì duỗi tay tiếp-dẫn, dắt-dìu.
– Chẳng phải riêng gì ở nơi cõi Ta-Bà nầy không thôi đâu.
– Mà ở khắp tất-cả các thế-giới khác nơi 10 phương cũng đều như vậy.
– Chẳng phải chỉ riêng Phật A-DI-ÐÀ và PHẬT THÍCH-CA hóa-độ như thế thôi đâu.
Mà tất-cả chư Như-Lai khác ở khắp 10 phương cũng đồng chung nhau một hạnh như thế.
Ðó gọi là:
TỪ-BI tiếp-độ các quần-sanh,
HỶ, XẢ cứu-an chúng hữu-tình.
của chư NHƯ-LAI vậy.
Và đây cũng là phần giảng bổ-túc (cho phần giảng trước) tóm lược của câu:
E. “Biến Pháp-Giới Chư PHẬT”
trong phần văn lễ-sám ở trên.
Giải-thích câu Ðảnh-lễ thứ 3:
Nhứt-tâm đảnh-lễ:
Thật-báo trang-nghiêm độ,
A-DI-ÐÀ Như-Lai.
Thân-tướng hải vi-trần,
Khắp pháp-giới chư PHẬT.
A. Câu:
“Nhứt-tâm đảnh-lễ” tức là “Một lòng cúi lạy” – Ðã có lược giảng qua ở trước rồi nên đây không lập lại nữa – để tỉnh-giảm bớt lực cho các phần kế-tiếp.
B. Câu thứ 1:
Thật báo trang-nghiêm độ,
Như trước đã có giải-thích qua (ở câu đảnh-lễ thứ hai) về bốn “phương-sở Tịnh-độ” nơi cõi Cực-lạc là: – Phàm thánh đồng-cư bộ, Phương-tiện hữu-dư độ, Thật-báo trang-nghiêm độ và Thường-tịch quang tịnh-độ, rồi.
Riêng tại cõi nước Cực-lạc, đức A-DI-ÐÀ PHẬT hiện thân ra trong khắp cả bốn phương-sở tịnh-độ, để giáo-hóa các bậc Thượng thiện-nhơn được vãng-sanh về nơi đây, để cho quý ngài được mau chóng thành-tựu quả-vị vô-thượng Bồ-đề của PHẬT.
Như ở cõi “Thật-báo trang-nghiêm độ” đây, là nơi mà các bậc Bồ-tát “pháp-thân Ðại-sĩ” trong các giai-vị: THẬP-TRỤ, THẬP-HẠNH, THẬP HỒI-HƯỚNG, THẬP-ÐỊA, đang cư-trụ (Ðộ tức là ở) để tinh-tấn tu-hành đặng phá trừ thêm các phẩm vô-minh tối-hậu (xem chú-giải trước nơi phần kiến-hoặc, tư-hoặc, trần-sa hoặc vô-minh hoặc), vì hễ cứ phá xong được một “phần Vô-minh”, thì thành-tựu thêm được một “phần pháp-thân”.
Chẳng-hạn như:
1. Thập trụ Bồ-tátphá được Thập phần vô-minh – thì thành-tựu được thập phần pháp-thân Bồ-tát.
2. Thập-hạnh Bồ-tátphá được Thập phần vô-minh, thì thành-tựu được thập phần pháp-thân Bồ-tát (cao hơn trước).
3. Thập hồi-hướng Bồ-tátphá được thập phần vô-minh, thì thành-tựu thêm được thập phần pháp-thân (cao hơn trước)
4. Thập địa Bồ-tátphá được Thập phần vô-minh, thì thành-tựu thêm được thập phần pháp-thân (cao hơn trước)
Khi đạt đến ngôi-vị Pháp-vân địa Bồ-tát (Bậc Bồ-tát tối cao của 10 giai-vị thập-địa) thì gọi là Ðẳng-giác Bồ-tát, đến địa-vị nầy cũng còn phải phá thêm một phần “vô-minh tối-hậu” nữa thì mới thành PHẬT được.
Ðức A-DI-ÐÀ PHẬT ngài hiện-thân ra trong cõi “Thật-báo trang-nghiêm độ” nầy để giáo-hóa chư đại Bồ-tát ở nơi đây tu-niệm như vậy …
Và mặc-dù vẫn còn đang tu để lần-lượt dứt trừ các phần “sanh-tướng vô-minh”, nhưng chư “Bồ-tát pháp-thân Ðại-sĩ” ở nơi cõi “Thật-báo trang-nghiêm độ” ấy vẫn hành các hạnh Bồ-tát của mình. Pháp-thân của quý NGÀI tuy bất-động nơi cõi Thật-báo, nhưng Ứng, Hóa thân của chư Ðại-sĩ nầy vẫn hiện đến khắp mười phương để:
– Dự vào trong pháp-hội của các chư PHẬT hầu nghe dạy bảo thêm các pháp-yếu tu-tập (tức là “Du-hành thính-pháp Bồ-tát”).
– Dùng các thiện-xảo phương-tiện độ khắp chúng hữu-tình – làm người bạn không cần mời thỉnh của chúng-sanh.
– Thực-hành tất-cả các Bồ-tát hạnh.
…………………..
Kết ý của câu lễ nầy như sau:
– Chúng con cúi đầu, nhất-tâm kính lạy:
– (Trước là đức PHẬT A-DI-ÐÀ và sau nữa là) tất-cả chư đại Bồ-tát nơi cõi “Thật-báo trang-nghiêm độ” ở Cực-lạc quốc.
Câu thứ 3:
A-DI-ÐÀ NHƯ-LAI
(Xem lại nơi phần giải thích trước)
Câu thứ 4:
Vi-trần tướng hải thân.
A. Chữ “Vi-trần” đây tức là bụi nhỏ.
Nói về bụi, thì có “9 loại bụi” tất-cả:
1. KHÍCH-DU TRẦN:là loại bụi bay qua được các kẻ hở.
2. NGƯU MAO ÐẦU TRẦN:là hạt bụi nhỏ như chót đầu của sợi lông con trâu.
3. DƯƠNG MAO ÐẦU TRẦN:là hạt bụi nhỏ như chót đầu của sợi lông con dê.
4. THỐ-MAO ÐẦU TRẦN:là hạt bụi nhỏ như chót đầu của sợi lông con thỏ.
5. THỦY-TRẦN:Ðem hột bụi “THỐ MAO ÐẦU” ở trên chẻ ra làm 7 phần, thì có được hột bụi nầy. Gọi là thủy-trần vì nó nhỏ quá, rớt vào trong nước mà nước không làm ướt nó được.
6. KIM-TRẦN: Ðem hột bụi THỦY-TRẦN ở trên chẻ ra làm 7 phần, thì có được hột bụi nầy. Vì nó nhỏ như vậy cho nên nó có thể lọt qua được các miếng vàng, sắt, nhôm vv… (và các thứ kim-loại khác nữa).
7. VI-TRẦN: Ðem hột bụi KIM-TRẦN trên chẻ ra làm 7 phần thì có được hột bụi nầy.
8. CỰC VI-TRẦN: Ðem hột bụiVI-TRẦN trên chẻ ra làm 7 phần thì có được hột bụi nầy.
9. LÂN HƯ-TRẦN: Ðem hột bụi CỰC VI-TRẦN trên chẻ ra làm 7 phần thì có được hột bụi nầy.
Ðến đây thì hết chẻ được nữa rồi. Vì chẻ nữa thì thành ra hư-không.
Ở trong lời kệ-tụng trên đây có nói đến chữ “VI-TRẦN” tức là loại hột bụi đứng nơi hàng thứ 7 nầy vậy.
Câu kệ nầy ý nói đức A-DI-ÐÀ PHẬT phân-thân ra khắp các thế-giới nhiều như số vi-trần trong mười phương quốc-độ.
Chữ “TƯỚNG-HẢI” đây cũng có ý nghĩa tương-tợ như trên, là đức A-DI-ÐÀ PHẬT phân-thân ra khắp các thế-giới nhiều như số nước biển trong các biển cả ở mười phương.
Ðể:
– Ðộ thoát vi-trần số chúng-sanh trong khắp tất-cả vi-trần số quốc độ ở 10 phương thế-giới. (HẢI đây cũng có nghĩa là PHÁP-GIỚI HẢI trong 10 phương hư không, cực-kỳ to rộng, bao-la … mà phạm-vi giới hạn của phần giải-thích nơi quyển sách nhỏ nầy không thể nào kể ra cho hết được.)
Giải-thích câu đảnh-lễ thứ 4.
Nhứt-tâm đảnh-lễ:
Phương-tiện thánh cư-độ,
A-DI-ÐÀ NHƯ-LAI.
Giải-thoát tướng nghiêm-thân,
Biến pháp-giới chư PHẬT.
A. Phương-tiện thánh cư độ:
(Tức là phương-tiện hữu-dư độ)
Ðây là khu-vực Tịnh-độ thứ 3 sau 2 khu-vực “Thường-tịch Quang” của PHẬT và “Thật-báo trang-nghiêm” của chư Bồ-tát đại-sĩ pháp-thân.
Các bậc thánh-nhơn trong hàng nhị thừa là Thanh-văn, Duyên-giác (đã hồi tâm về Ðại-thừa) đều được vãng-sanh vào trong khu-vực Tịnh-độ nầy, đang tinh-chuyên tu-tập để dứt-trừ các hoặc nghiệp là: Kiến-hoặc, Tư-hoặc và Trần-sa hoặc (Xem lại giải-thích về KIẾN, TƯ, TRẦN-SA hoặc, ở phần đầu chú-giải), để được tiến lên các giai-vị Bồ-tát, vào nơi cõi Thật-báo trang-nghiêm độ.
Số-lượng các bậc thánh-nhơn nầy đông nhiều vô-lượng, vô-biên bất-khả xưng kể.
Ðây là ứng theo đại-nguyện thứ 14 của Phật A-DI-ÐÀ là;
Nguyện thứ 14:
– Giả-sử khi tôi thành PHẬT, hàng Thanh-Văn trong cõi nước tôi mà còn có người tính đếm được, nhẫn đến tất-cả chúng-sanh trong khắp cõi Ðại-thiên cùng thành-tựu ngôi-vị Duyên-giác, chung nhau suy-lường so tính, đếm suốt trăm nghìn kiếp mà biết được số-lượng ấy, thì tôi thề chẳng lấy ngôi chánh-giác.
Ðức A-DI-ÐÀ Như-lai (và QUÁN-THẾ-ÂM, ÐẠI-THẾ-CHÍ, cùng với các chư đại Bồ-tát khác đều khắp hóa-thân tại “Ðộ” nầy để thuyết dạy về Bồ-tát hạnh cho quý bậc nhị thừa thánh-nhơn ở nơi đây tu-tập.)
B. Câu:
– A-DI-ÐÀ NHƯ LAI
(Xem lại các phần chú-thích trước)
C. Câu:
Giải-thoát tướng nghiêm thân.
Ðây tức ý nói: – Ðức A-DI-ÐÀ PHẬT dùng các tướng hảo trang-nghiêm (báo-thân) của Ngài, như 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp tùy hình vv… tất-cả chúng-sanh chỉ cần một phen được thấy các tướng đó, thì đều phát-tâm vô-thượng Bồ-đề và đương-lai đều được bước lên bỉ-ngạn (giải-thoát) hết cả.
(Xem lại phần chú-giải 32 tướng – 80 vẻ đẹp của PHẬT ở trước).
D. Câu:
– Biến pháp-giới chư PHẬT.
Tức ý nói pháp-thân của đức A-DI-ÐÀ Như-Lai (nói riêng) và chung cho tất-cả chư PHẬT – đều biến-mãn (đầy khắp)ở nơi tất-cả “PHÁP-GIỚI hải” của chư PHẬT trong 10 phương.
Như trong kinh Hoa-Nghiêm đã nói về các cảnh-giới trùng-trùng, điệp-điệp, Bất tư-nghị của chư PHẬT là:
– LÝ vô-ngại bất tư-nghị cảnh-giới,
– SỰvô-ngại bất tư-nghị cảnh-giới,
– LÝ-SỰ vô-ngại bất tư-nghị cảnh-giới,
– SỰ-SỰ vô-ngại bất tư-nghị cảnh-giới,
vậy.
(Các phần khác như pháp-giới vv… xin xem lại nơi các phần chú-giải trước).
Giải-thích câu đảnh-lễ thứ 5:
Nhứt-tâm đảnh-lễ:
Tây-phương AN-LẠC độ,
A-DI-ÐÀ Như-lai.
Ðại-thừa căn-giới thân,
Biến pháp-giới chư PHẬT.
A. Giải-thích câu:
Tây-Phương AN-LẠC ÐỘ.
(Cõi Cực-lạc phương Tây)
Qua 3 câu đảnh-lễ trên (Câu thứ 2,3,4) – Các (Phật-tử) chúng-ta đã một lòng (nhứt-tâm) đảnh-lễ – dùng đầu mặt và luôn cả tâm thành-kính nữa – cúi lạy ba cõi Tịnh-độ và tất-cả chư đại thánh-nhơn nơi ba cõi ấy là:
– Thường-tịch quang tịnh-độ (nơi Phật ngự).
– Thật báo trang-nghiêm độ (nơi chư pháp-thân Ðại-sĩ Bồ-tát ngự).
– Phương-tiện thánh-cư độ (nơi chư thánh-nhơn trong tam thừa (19) ngự). rồi – Qua đến câu đảnh-lễ nầy, chúng-ta chí thành và nhứt-tâm đảnh-lễ hoàn-toàn hết tất-cả 4 cõi Tịnh-độ, hay nói cách khác là đảnh-lễ toàn-thể THẾ-GIỚI CỰC-LẠC – Tức là cúi lạy khắp cả bốn khu-vực Tịnh-độ nơi cõi Cực-lạc là: – Thường-tịch quang, Thật-báo trang-nghiêm, phương-tiện hữu-dư và Phàm-Thánh đồng-cư độ … Dâng lời đảnh-lễ và tán-tụng lên đức LẠC-BANG giáo-chủ A-DI-ÐÀ PHẬT là bậc cha lành của tất-cả chúng-sanh nói chung và là bậc cha lành trong ba cõi: – Thật-báo trang-nghiêm, Phương-tiện hữu-dư và Phàm-thánh đồng-cư độ.
Tán-thán như thế nào ?
– Tán-thán rằng:
A-DI-ÐÀ Như-Lai,
Ðại-thừa căn-giới thân.
Biến Pháp-giới chư Phật.
Nơi đây xin giải-thích riêng câu “Ðại-thừa căn-giới thân” không thôi. Còn hai câu A-DI-ÐÀ Như-Lai và biến pháp-giới chư Phật xin xem lại nơi các phần giả-thích trước.
1. Sao gọi là đại-thừa ?
Xin giải-thích theo hai nghĩa sau đây:
a. Thông-nghĩa(nghĩa thông-thường):
Ðại-thừa có nghĩa là xe lớn – Mà đã là xe lớn thì có thể chở khắp hết tất-cả mọi người. Ðây tức ý là nói đức A-DI-ÐÀ Như-Lai trong vô-lượng, vô-biên A-tăng kỳ kiếp, rộng tu lục độ muôn hạnh của đại-thừa Bồ-tát, phát lời thệ-nguyện cứu độ khắp tất-cả chúng-sanh – như ý trong 48 đại-nguyện của NGÀI đã phát ra vậy.
Còn nói theo ý của “PHỔ-HIỀN hạnh” là:
– “Phát tâm đại-thừa, quảng-độ chúng-sanh – Giả-sử như tất-cả các thế-giới ở 10 phương đều nghiền nát ra thành vi-trần, trong mỗi vi-trần ấy lại có chứa số thế-giới nhiều bằng số vi-trần trên. Trong (các thế-giới) ấy có bao-nhiêu là các loại chúng-sanh – 12 loài – đức Phật A-DI-ÐÀ nói riêng và chư Như-lai nói chung cũng đều phát đại-nguyện thề nguyền độ cho thoát ra khỏi vòng sanh-tử hết cả.
Nếu như hư-không nầy có cùng tận thì sự QUẢNG-ÐỘ CHÚNG-SINH của Phật A-DI-ÐÀ mới cùng tận. Nhưng hư-không, không bao-giờ cùng tận, nên sự phát tâm đại-thừa QUẢNG-ÐỘ CHÚNG-SANH của chư PHẬT (và chư đại BỒ-TÁT) không bao giờ cùng tận, niệm-niệm (quảng-độ chúng-sanh của PHẬT A-DI-ÐÀ) nối luôn không dứt, cùng tận đến thuở vị-lai … vậy.
b. Ðại-thừa liễu-nghĩa(Mật nghĩa đại-thừa của chư PHẬT, bất tư-nghì cảnh-giới):
Kinh dạy:
….. “Gọi là Ðại-thừa vì thừa ấy rộng lớn:
– Vì với tất-cả chúng-sanh không có quái-ngại (20), vì là căn-bổn của nhứt thiết-trí.
– Vì trong ấy không có các phiền-não, không có kiết-sử, không có vô-minh.
– Vì “Tịch quang-minh” ấy không có chỗ, cho nên nơi nào cũng chiếu khắp cả.
– Vì bổn-tánh của (đại-thừa) không hề có ô-nhiễm.
– Vì dứt sạch hết tất-cả phiền-não tập-khí vv…
Vì có đủ các điều như vậy nên gọi là ÐẠI-THỪA.
Lại nữa “ÐẠI-THỪA” còn có thêm các nghĩa khác sau đây:
– THANH-TỊNHvì hộ-trì cấm-giới.
– AN-TRỤvì tu-tập chánh-định.
– VÔ-LẬUvì tu-tập trí-huệ.
– KHÔNG TRÓI BUỘC VÌ đã được giải-thoát.
– VÔ NĂNG ÐỘNG vì trí nhiếp đủ thập-lực (10 trí lực của PHẬT).
– VÔ SỞ ÚY vì không có kinh-sợ.
– VÔ-NGẠI vì nhiếp đủ cả 18 pháp bất cộng.
– BÌNH-ÐẲNGvì tu hạnh Ðại-từ.
– TỐI-THẮNG vì phá-hoại tất-cả chúng ma (10 loài ma đã có giải-thích ở trước).
– TỊCH-TỈNH vì không còn có phiền-não (ma).
– BẤT KHẢ SỔ vì phá-hoại được ngũ ấm (ma).
– THƯỜNG-TRỤ vì phá-hoại được Tử (ma).
– PHÚ-TÚC vì đầy-đủ Bố-thí Ba-la mật
– VÔ-NHIỆT vì đầy-đủ Trì-giới Ba-la mật.
– VÔ-OÁN vì đầy-đủ Nhẫn-nhục Ba-la mật.
– VÔ-ÐỘNG vì đầy-đủ Tinh-tiến Ba-la mật.
–VÔ-LẬU, VÔ CHUYỂN vì đầy-đủ Thiền-định Ba-la mật.
– THẮNG TẤT-CẢ THẾ-GIAN, XUẤT THẾ-GIAN vì đầy-đủ trí-huệ Ba-la mật,
– NHIẾP TẤT-CẢ THỪA vì đầy-đủ phương-tiện Ba-la mật.
– VÔ-HỮU vì đoạn-trừ hết tất-cả hữu (lậu).
– ÐẦY-ÐỦ ÐỊNH-HUỆ vì đầy-đủ Bát thánh-đạo.
– ÐẠI THẦN-THÔNG vì đi qua lại vô-ngại trong tam-giới, và điều-phục được các căn.
Do vì “ÐẠI-THỪA” có đầy đủ các nghĩa bất-tư nghị như vậy nên chư PHẬT (nói chung) và riêng cho A-DI-ÐÀ Như-lai được gọi là bậc: “VÔ-LẬU, VÔ-VI, VÔ-THẮNG, VÔ-THƯỢNG, VÔ-KIẾN ÐẢNH, VÔ-NĂNG TRI, VÔ-CHƯỚNG NGẠI”.
Bởi như thế nên PHẬT được danh-văn lớn, biến-mãn khắp 10 phương (danh mãn thập-phương), được Trời, Người cung kính, thành-tựu vô-lượng, vô-biên công-đức, hay làm cho tất-cả chúng-sanh được đa-văn, an-lạc, hay dứt tất-cả khổ cho tất-cả chúng-sanh, hay làm cho chúng-sanh rốt-ráo được an-trụ vào nơi Phật-trí, vô-ngại trí, vô-thượng trí, bình-đẳng trí, nhứt-thiết trí của chư PHẬT.
Vì thế cho nên được:
“GỌI LÀ ÐẠI-THỪA” vậy.
2. Sao gọi là căn giới ?
a. Giải-tích theo thông-thường nghĩa:
Căn đây tức là lục căn gồm có: – Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỷ căn, Thiệt căn, Thân căn và ý căn. (Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý).
Sở-dĩ được gọi tên “Căn-giới” là vì:
– Ðó là các cảnh-giới mà lục căn thấy được, cảm được nhận được, biết được, phân-biệt được.
Thí-dụ như về “NHÃN CĂN GIỚI” phải được hiểu nghĩa như sau:
– Như NHÃN CĂN (con mắt) làm chủ phan-duyên (chạy theo) nơi SẮC TƯỚNG. Vì đối-diện với SẮC TƯỚNG mà thấy, biết, nên sanh ra “THỨC phân-biệt”, do nơi cái THỨC PHÂN-BIỆT được sanh ra đó mà biết rõ cái “Sắc tướng” kia là đẹp hay xấu, là màu sắc xanh, vàng, đỏ trắng, là dài ngắn, nhỏ to, là nam hay nữ. vv…
Tóm lại, tất-cả những sắc-tướng mà nhãn căn ấy cảm thấy và phân-biệt thì được gọi là NHÃN THỨC GIỚI.
Như nhãn thức giới vừa được giải-thích ở trên, thuộc về hai trần là “Sáng và tối”, thì đối với:
– Nhĩ thức giớibiết tiếng – thuộc về hai trần “Ðộng và tịnh”.
– Tỷ thức giới biết hương – thuộc về hai trần “Thông và nghẹt”.
– Thiệt thức giới biết vị – thuộc về hai trần “lạt, biến”.
– Thân thức giới biết xúc – thuộc về hai trần “hiệp, ly”.
– Ý thức giớibiết pháp – thuộc về hai trần “sanh, diệt”.
Cũng phải nên hiểu nghĩa như (nhãn thức giới vừa được giảng ở trên) vậy.
Trên đây là giảng theo “thông-nghĩa” cho phàm-phu chúng-sanh còn ở trong vòng sanh-tử nơi ba cõi, sáu đường, được dễ-dàng thấu-hiểu.
b. Giải-thích theo liễu nghĩa:(Nghĩa đại-thừa, đệ nhất nghĩ đế).
Ở nơi chúng-sanh vì còn có “hư-vọng, phân-biệt” nên còn thấy có căn, có giới. Chớ còn ở nơi chư PHẬT vì đã dứt hết tất-cả các “hư-vọng, phân-biệt” rồi nên không còn bị lệ-thuộc vào nơi căn, giới nữa. Hay nói một cách khác nữa là:
– Căn giới của chúng-sanh là căn-giới sanh-tử.
– Căn-giới của bậc Tiểu-thừa (Thanh-văn) và Trung-thừa (Duyên-giác) là căn-giới “hữu dư”.
– Căn-giới của chư PHẬT là căn giới đại-thừa, đại Niết-bàn, là “vô-dư” vậy.
Vì thế cho nên “căn-giới đại-thừa” ở nơi chư PHẬT phải được hiểu như sau:
Chư PHẬT vì:
1. NHÃN không,(nghĩa là căn con mắt không bị phan-duyên nơi sắc trần)vì nhãn không chấp tướng nên không còn thấy có NGÃ và NGÃ SỞ nữa. Biết NHÃN là không như vậy rồi thì SẮC TƯỚNG không còn có SỞ THỦ (không còn có sự chấp trước nơi sắc tướng).
– Vì SẮC TƯỚNG “vô sở thủ” nên “không còn có chỗ sở duyên”.
– Vì Sắc không còn có chỗ “sở duyên” nên cũng không có “Sở đắc”.
2. NHĨ không,(nghĩa là căn con mắt không bị phan duyên nơi thanh-trần) vì nhĩ không chấp nơi âm-thanh, nên không còn thấy có NGÃ và NGÃ SỞ nữa. Biết NHĨ là không như vậy rồi thì THANH-TRẦN không còn có SỞ THỦ.
– Vì Thanh-trần không còn có chỗ “sở thủ” nên nó không còn có chỗ sở duyên.
– Vì thanh-trần không còn có chỗ “sở duyên” nên cũng không có “sở đắc”.
– Như nhãn được hiểu như vậy.
– Nhĩ được hiểu như vậy.
Thì:
– TỶ không còn có SỞ THỦ, SỞ DUYÊN, SỞ ÐẮC nơi HƯƠNG.
– THIỆTkhông còn có SỞ THỦ, SỞ DUYÊN, SỞ ÐẮC nơi VỊ.
– THÂN không còn có SỞ THỦ, SỞ DUYÊN, SỞ ÐẮC nơi XÚC.
– Ý không còn có SỞ THỦ, SỞ DUYÊN, SỞ ÐẮC nơi PHÁP.
Cũng phải nên hiểu như thế.
Ðây gọi là:
“ÐẠI-THỪA CĂN GIỚI”của chư PHẬT.
Còn chữ THÂN đây là “THANH-TỊNH PHÁP-THÂN” tức là thân căn-giới đại-thừa, là thân đã lìa hết các SỞ THỦ, SỞ DUYÊN, SỞ ÐẮC của sáu trần Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. Gọi là “THÂN THƯỜNG-TỊCH, NIẾT BÀN” vậy.
Giải-thích câu đảnh-lễ thứ 6.
là:
Nhứt-tâm đảnh-lễ:
Tây-Phương An-lạc độ,
A-DI-ÐÀ Như-Lai.
Thân hóa đến mười phương.
Biến pháp-giới chư PHẬT.
Nơi phần đảnh-lễ nầy chỉ xin được giải-thích về nghĩa của hai chữ “NHƯ-LAI” và “Thân hóa đến 10 phương” thôi. (Các phần khác xin tạm xem lại những giải-thích đã lược qua nơi trước).
1. Sao gọi là “NHƯ-LAI” ?
Kinh dạy:
Gọi là Như-Lai vì:
a. Khéo-léo biết rõ căn tánh cao thấp sai-biệt của tất-cả các chúng-sanh,nên dùng các thiện-xảo phương-tiện khác nhau để giáo-hóa và thành-thục căn lành cho họ, khiến họ đều được an-trụ vào trong Phật-pháp, cứu-cánh đạt được “Nhứt thừa vô-thượng” chớ không còn có thừa nào khác nữa (như Thanh-văn thừa, Duyên-giác thừa hoặc Bồ-tát thừa). Vì lẽ ấy nên gọi là Như-lai.
b. Biết rõ thiệt-tướng,của tất-cả các pháp đều là vô-tướng, biết rõ tất-cả các pháp đều có đầy-đủ ba môn giải-thoát là: KHÔNG, VÔ-TƯỚNG, VÔ-NGUYỆN (giải-thoát môn) – Vì lẽ ấy nên gọi là Như-Lai.
c. Biết rõ chúng-sanh có nhiều thứ nguyện-cầunên đều hay thị-hiện để giáo-hóa cho họ. Vì lẽ ấy nên gọi là Như-Lai.
d. Hay dứt trừ tất-cả căn-bổn bất thiệncho chúng-sanh và thành-tựu tất-cả căn-bổn thiện-pháp cho họ(21) vì lẽ đó nên gọi là Như-Lai.
e. Hay khai-thị con đường giải-thoátcho chúng-sanh. Vì lẽ đó nên gọi là Như-Lai.
f. Hay khiến cho chúng-sanh an-trụ nơi chánh-đạomà xa rời tà đạo. Vì lẽ đó nên gọi là Như-lai.
g. Hay diễn-thuyết các “nghĩa KHÔNG”chơn thiệt. Vì lẽ đó nên gọi là Như-lai. vv….
Và cũng như vừa mới giải-thích nơi trên:
– Vì các căn trần của PHẬT đều vô SỞ THỦ, VÔ SỞ DUYÊN, VÔ SỞ ÐẮC nơi SẮC, THANH, HƯƠNG, VỊ, XÚC, PHÁP.
Nên gọi là NHƯ-LAI vậy.
2. Thập-phương hóa Vãng-Thân
(Thân hóa đến 10 phương)
Là ý nói trong tất-cả vi-trần cảnh-giới của chư PHẬT ở khắp 10 phương đều có ứng, hóa-thân của đức A-DI-ÐÀ Như-Lai hiện ra (ở nơi đó)để hóa-độ và tiếp-dẫn các chúng-sanh nào hữu-duyên với NGÀI.
Chẳng-hạn như cõi Ta-Bà của chúng-ta đây cũng đều có hóa-thân của đức A-DI-ÐÀ PHẬT – Ngài dùng pháp-môn Tịnh-độ và đại nguyện-lực của NGÀI để độ-thoát cho tất-cả chúng-sanh – Như chúng-ta đây cũng đều có hưởng được “ân-đức hóa-độ” của NGÀI cả, vì mỗi ngày, giờ, chúng-ta đều có xưng-niệm danh-hiệu của NGÀI và phát-nguyện cầu sanh về Cực-lạc.
Mà cõi Ta-bà nầy đã như vậy rồi, thì ở các thế-giới của chư PHẬT khác khắp 10 phương cũng đều giống y như thế.
Hỏi: Như vậy thì té ra là Phật A-DI-ÐÀ “lấn quyền” PHẬT THÍCH-CA sao ? (Ðây là lời đã kích pháp-môn Tịnh-độ và Phật A-DI-ÐÀ của một Phật-tử bên Nam-Tông, Nhất-định không chịu lễ-lạy và niệm danh-hiệu Phật A-DI-ÐÀ khi được nghe giảng về pháp-môn Tịnh-độ và khuyên niệm Phật cầu sanh Cực-Lạc).
Ðáp: Chớ nên đem tâm phân-biệt, ngã nhơn của chúng-sanh mà so-lường với tâm của PHẬT. Phải biết một PHẬT tức là tất-cả PHẬT, tất-cả PHẬT tức là một Phật vì cùng đều là PHÁP-TÁNH THÂN – tức là “Thanh-tịnh Pháp-thân” – như nhau cả.
Vả-lại chẳng thấy trong kinh-văn có dạy rằng:
– Một PHẬT ra đời ngàn PHẬT phò-trì, đó sao ?
Cho nên phải biết rằng:
– Phật THÍCH-CA cũng là Phật A-DI-ÐÀ, Phật Di-Ðà cũng là Phật Thích-Ca đó vậy. (Nhắc sơ lại vì đã có giảng ở trước rồi).
Ðây gọi là:
“PHẬT, PHẬT ÐẠO ÐỒNG” (22)
Các Phật-tử phải cần nên hiểu như vậy.
Trên đây …….
Từ phần đảnh-lễ đức bổn-sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật (đảnh-lễ thứ nhất) cho đến phần đảnh-lễ thứ 6 (Phật A-DI-ÐÀ).Sáu phần đảnh-lễ nầy được gọi chung bằng một tên là:
LỄ PHẬT BẢO (một trong Tam-Bảo).
Kế tiếp đây là phần đảnh-lễ PHÁP-BẢO thứ hai – trong “Tam-Bảo lễ” là:
Giải-thích câu ÐẢNH-LỄ thứ 7:
Nhứt-tâm đảnh-lễ:
Cõi Cực-lạc phương Tây,
GIÁO, HẠNH, LÝ tam kinh,
Y, CHÁNH đều tuyên-dương,
Khắp pháp-giới tôn PHÁP.
A. Câu 1:
Cõi Cực-lạc phương-tây (Xem lại các phần giải-thích trước).
B. Câu 2:
GIÁO, HẠNH, LÝ tam kinh,
a. GIÁO:
GIÁO tức là giáo-pháp, gồm những điều mà PHẬT đã tuyên-dạy cho các Phật-tử tu-tập. Các lời giáo-hóa, dạy bảo của PHẬT thảy đều tùy theo căn-tánh và trình-độ cao, thấp khác nhau của chúng-sanh mà NGÀI thuyết-dạy ra các pháp-môn tu-tập cao, thấp bất đồng.
Chẳng hạn như:
– Ðối với các hàng chúng-sanh căn-tánh chậm-lụt, thấp kém, thì PHẬT dạy cho cách tu-tập lần-lần từ thấp lên cao.
Ðây gọi là TIỆM-GIÁO (Tiệm là từ-từ).
– Ðối với hàng chúng-sanh căn-tánh sáng-suốt, lẹ-làng và thuần-thục, có thể trong hiện đời chứng ngay giải-thoát thì PHẬT dạy vắn-tắt cho mau đạt thành thánh-quả.
Ðây gọi là ÐỐN-GIÁO (Ðốn là lẹ-làng).
– Ðối với các bậc thượng-thượng căn, siêu-việt, phi-thường – Trong các quả-vị Tam hiền, Thập-thánh (23) thì PHẬT dạy một cách đầy-đủ, đưa đến sự chứng-đắc rốt-ráo của quả-vị vô-thượng Bồ-đề.
Ðây gọi là VIÊN-GIÁO, (Viên là tròn đủ).
GIÁO-pháp của đức bổn-sư Thích-Ca Mâu-Ni Thế-tôn được chia ra làm 5 thời kỳ giáo-hóa – gọi là “Ngũ thời giáo” như sau:
1. Thời HOA-NGHIÊM:
Sau khi Phật thành-đạo, trong 21 ngày đầu vì chư Bồ-tát pháp-thân Ðại-sĩ trong hàng Thập-tín, Thập-trụ, Thập-hạnh, Thập hồi-hướng, Thập-địa … mà thuyết ra kinh HOA-NGHIÊM…
2. Thời A-HÀM:
Kế tiếp sau thời Hoa-Nghiêm, bắt đầu từ nơi vườn “Lộc-dã” với nhóm của ngài KIỀU-TRẦN-NHƯ … PHẬT thuyết ra các bộ kinh (tiểu-thừa) A-HÀM (như Tạp A-Hàm, Trường A-Hàm, Trung A-Hàm, Tăng nhất A-Hàm), Thời kỳ nầy được Phật thuyết dạy trong 12 năm.
3. Thời PHƯƠNG-ÐẲNG:
Sau thời A-HÀM, liên-tiếp trong 8 năm, PHẬT thuyết ra các bộ kinh Ðại-thừa, giảng rộng về bốn khoa: Tạng-giáo, thông-giáo, biệt-giáo, viên-giáo.(24)
4. Thời BÁT-NHÃ:
Sau thời PHƯƠNG-ÐẲNG, PHẬT thuyết ra các bộ kinh BÁT-NHÃ liên-tiếp trong 22 năm.
5. Thời PHÁP-HOA – NIẾT-BÀN:
Sau Thời BÁT-NHÃ, PHẬT thuyết kinh PHÁP-HOA trong 8 năm, và kinh NIẾT-BÀN trong 1 ngày 1 đêm.
Tóm lại:
Ðức bổn-sư THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT thuyết ra các thời GIÁO của ngài trong 49 năm, trước sau gồm hơn 300 hội giảng-kinh.
b. HẠNH:
Tức là SỰ, là thực-hành theo các lời GIÁO của PHẬT để chứng được quả-vị giải-thoát.
c. LÝ:
Tức là nghĩa-lý bí-mật trong kinh. (Cần phải có minh-sư, thiện-hữu giải-thích ra mới hiểu được).
BA chữ trên GIÁO, HẠNH, LÝ là gọi tắt.
Gọi cho đủ là GIÁO, HẠNH, LÝ QUẢ (Tức là y theo GIÁO, HẠNH, LÝ mà thực-hành thì sẽ được chứng QUẢ).
d. TAM-KINH:
Tức là 3 bộ kinh mà trong đó thâu góp tất-cả các lời GIÁO (pháp) của PHẬT.
GIÁO (pháp) của Phật THÍCH-CA được gom lại trong 3 bộ kinh lớn gọi là TAM-TẠNG KINH. Ðó là:
– Kinh-tạng: Ðây thuộc về chơn-đế(25), xếp vào phần ÐỊNH-HỌC.
–Luật-tạng: Ðây thuộc về Tục-đế(26), xếp vào phần LUẬT-HỌC.
– Luận-tạng: Ðây thuộc về Trung-đế(27), xếp vào phần HUỆ-HỌC.
Sao gọi là KINH ?
Phải do PHẬT thuyết ra mới được gọi là KINH.Còn do nơi các đệ-tử của PHẬT (Bồ-tát, Duyên-giác, Thanh-văn),hoặc là Trời, Tiên, người … thuyết ra, nếu như không có PHẬT ấn chứng (cho các lời thuyết ấy) – thì KHÔNG được GỌI LÀ KINH. (Phải nhớ kỹ điều nầy để khỏi bị tà-sư, ngoại-đạo gạt-gẫm).
Sao gọi là LUẬN ?
Tức là những bộ-sách giảng rộng ra các phần GIÁO-LÝ và NGHĨA-LÝ vi-diệu, bí-mật trong kinh Phật, do các vị Bồ-tát, Tổ-sư trong tam-thừa (Bồ-tát, Duyên-giác, Thanh-văn) soạn ra sau khi PHẬT bát Niết-bàn – cho chúng-sanh các đời sau nầy được hiểu rồi y theo đó mà tu-tập.
Ba bộ KINH, LUẬT, LUẬN nấy sở-dĩ được gọi là TẠNG vì 3 bộ ấy như một cái KHO chứa (Tạng là kho chứa)pháp-bảo quý-báu vô-cực. Nếu y theo các lời dạy trong đó mà tu-tập, ắt sẽ được:
– Trí-huệ rộng như biển cả.
– Thành-đạo, giải-thoát.
Ðến đây xin kết ý câu: “GIÁO, HẠNH, LÝ tam kinh”, như sau:
– Nơi cõi Cực-lạc, có đầy-đủ tất-cả pháp-môn (cho các bậc được vãng-sanh về nơi đó) tu-tập – Bởi vì ở cõi nầy thì tiếng thuyết-pháp vang ra cùng khắp đó đây, dạy đầy-đủ rõ-ràng “tam kinh”. Ngoài hóa-thân của PHẬT và Bồ-tát thuyết-pháp ra thì không kể, lại còn có thêm các loài khác nữa như chim, nước, rừng, cây, gió thổi, nhạc trời vv… đều vang tiếng pháp-âm vi-diệu, nhiệm-mầu, dạy khuyên tu-tập.
Kinh “Tiểu-bổn A-DI-ÐÀ” dạy:
– … “Bỉ quốc thường hữu chủng-chủng kỳ-diệu, tạp sắc chi điểu: bạch-hạc, khổng-tước, anh-võ, xá-lợi, ca-lăng-tần-già, cộng mạng … chi điểu. Thị chư chúng điểu, trú dạ lục thời, xuất hòa nhã âm, kỳ âm diễn-xướng, ngũ căn, ngũ lực, thất bồ-đề phần, bát thánh đạo phần, như thị đẳng pháp”….
– Nghĩa là:(Nước (Cực lạc) ấy, thường có các giống chim màu sắc sặc-sở đẹp lạ, như chim bạch-hạc, chim khổng-tước (công), chim anh-võ, chim xá-lợi, chim ca-lăng tần-già, chim cộng-mạng … Các loài chim ấy ngày đêm 6 thời hót ra những tiếng hòa-nhã, trong những tiếng ấy diễn-tỏ những diệu-pháp như: năm căn, năm lực, bảy bồ-đề phần, tám thánh-đạo phần, những diệu-pháp như thế …)
Lại dạy nữa rằng:
… “Bỉ Phật quốc-độ, vi-phong xuy-động, chư bảo hàng thọ, cập bảo la-võng, xuất vi-diệu âm, thí như bá thiên chủng nhạc đồng thời câu-tác. Văn thị âm giả, tự-nhiên giai sanh niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng chi tâm” ….
Nghĩa là:
– (nói cõi nước của đức PHẬT A-DI-ÐÀ kia, có những làn gió nhẹ thổi rung động các hàng cây báu, cùng những mạng lưới báu, phát ra những tiếng vi-diệu, ví như trăm ngàn thứ âm nhạc đồng-thời trổi lên.
Ai nghe được những tiếng ấy, tự-nhiên đều sanh tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng …)
Lại nữa khi còn là PHÁP-TẠNG Bồ-tát, đức A-DI-ÐÀ PHẬT có phát ra lời nguyện như sau:
NGUYỆN THỨ 7:
– “‘Giả-sử khi tôi thành PHẬT, hàng Thiên, nhơn nơi cõi nước tôi, nếu chẳng được thiên-nhĩ tối-thiểu là nghe được lời thuyết-pháp của trăm, ngàn, ức na do-tha chư PHẬT và chẳng thọ trì hết (các lời pháp ấy). Tôi thề chẳng lấy ngôi chánh-giác.”
Cho nên nhờ vào lời nguyện đó mà tất-cả các bậc thượng thiện-nhơn nơi cõi Cực-lạc thảy đều được nghe, học, đầy-đủ các pháp-môn (mà mình ưa-thích) của chư Phật ở khắp mười phương thuyết ra, để y theo đó mà tu-tập – chớ chẳng phải chỉ có riêng gì giáo-pháp ở nơi cõi Cực-lạc không mà thôi đâu.
Ðây là một sự thù-thắng, hy-hữu vậy.
C. Câu 3:
Cực y, chánh tuyên-dương.
(Y, chánh đều tuyên-dương)
a. CHÁNH:
– Ðây tức là chánh-báo, hay còn gọi là chánh-quả.
Nghĩa là hễ phàm là con người sanh ra nơi cõi đời nầy – hoặc là ở trên các cõi khác như trời, thần, tiên, thánh, … chí đến các loài sanh ra ở nơi ba ác đạo là Ðịa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sanh vv.. thảy đều là do nơi nghiệp-nhơn đời trước gây-tạo ra, mà đời nay, ở nơi kiếp nầy, mang thân nầy, phải bị cảm-ứng các điều trả đền tương-xứng.
Chẳng-hạn như thân (ngũ-uẩn của mình)thì có: – Cao, thấp, xấu, đẹp, lành lặn, tàn-khuyết, mập, gầy … được người ưa nhìn hay bị người ghét bỏ vv… Ðó gọi là CHÁNH-BÁO.
b. Y –(Báo):
Tức là những cái quả-báo phụ thêm, trực thuộc nơi thân, mạng và cuộc đời của mình. Nói hẹp trong phạm-vi cá nhân thì đó là những thứ vật chất sở-hữu như là nhà cửa, tiền bạc, xe cộ, giàu, nghèo, sang, hèn vv… Nói rộng ra ngoài xả-hội thì là đất nước, quê-hương, xóm làng, phố thị, cây cỏ, núi non vv…
Như ở cõi Ta-bà, nói riêng cho châu “Nam thiện bộ” (tức là quả địa cầu của mình đang ở)thì về phương-diện:
1. CHÁNH-BÁO:
Thì thân người do tứ đại và nghiệp-báo hợp lại mà thành nên có lùn thấp, bé nhỏ, thân tâm đầy-đủ ngũ-trược, tham, sân, si, các bệnh-tật khổ đau dày-dò thân-xác, đa phần đều chết yểu chớ chẳng được hưởng thọ-số trọn đời … Ðầy dẫy các sự đáng lo, đáng chán …
2. Y-BÁO:
Thì đất-đai nhơ-bẩn, hầm-hố, gai-chông, độc trùng, ác thú, cây cỏ, gò nổng, biển thẳm, núi cao, đầy dẫy các sự đáng sợ, chán ghét.
Còn ở nơi cõi CỰC-LẠC thì trái lại, về:
1. CHÁNH-BÁO:
Thì thân của của chúng-sanh nơi đó thuần bằng “liên-hoa hóa-thân”, sắc vàng rực-rỡ, dùng 32 tướng đại trượng-phu trang-nghiêm, không sanh, không già, không bệnh, không chết, không có các điều khổ (xem lại các phần giải-thích ở trước).
2. Y-BÁO:
Thì đất toàn là bằng vàng, ngọc, hoặc thất-bảo, bát bảo, cho tới vô-lượng bảo họp lại mà thành. Không có núi-non cao thấp, chẳng lạnh, chẳng nóng, chẳng có các sự bất như-ý vv… (Xem lại các phần giải-thích ở trước).
Còn về cây cối thì như ở trong
Kinh Ðại-bổn A-DI-ÐÀ nói:
… “Lại nầy A-NAN,
Trong cõi nước AN-LẠC ấy, những cây bằng bảy báu đầy khắp cả nước. Những cây vàng, cây bạc, cây lưu-ly, cây pha-lê, cây xa-cừ, cây san-hô, cây mã-não, hoặc có những cây bằng hai thứ báu, ba thứ báu cho đến bảy thứ báu hiệp lại thành.
– Hoạc có cây gốc bằng vàng, nhưng lá, bông và trái bằng bạc,
– Hoặc có cây gốc bằng bạc, nhưng lá, bông và trái bằng vàng,
– Hoặc có cây gốc bằng ngọc lưu-ly, nhưng lá, bông và trái bằng pha-lê,
– Hoặc có cây gốc bằng thủy-tinh, nhưng lá, bông và trái bằng ngọc lưu-ly,
– Hoặc có cây gốc bằng san-hô, nhưng lá, bông và trái bằng mã-não.
– Hoặc có cây gốc bằng mã-não, như lá, bông và trái bằng ngọc lưu-ly,
– Hoặc có cây gốc bằng xa-cừ, nhưng lá, bông và trái bằng vàng, bạc, lưu-ly, san-hô, mã-não, pha-lê,
– Hoặc có cây gốc bằng Tử-kim, nhưng thân bằng bạc, nhánh bằng lưu-ly, cành bằng thủy-tinh, lá bằng san-hô, bông bằng mã-não, trái bằng xa-cừ,
– Hoặc có cây gốc bằng thủy-tinh, nhưng thân bằng san-hô, nhánh bằng mã-não, cành bằng xa-cừ, lá bằng tử-kim, bông bằng bạc, trái bằng lưu-ly.
– Hoặc có cây gốc bằng san-hô, nhưng thân bằng mã-não, nhánh bằng xa-cừ, cành bằng vàng tử-kim, lá bằng bạc, bông bằng lưu-ly, trái bằng thủy-tinh,
– Hoặc có cây gốc bằng mã-não, nhưng thân bằng xa-cừ, nhánh bằng tử-kim, cành bằng bạc, lá bằng lưu-ly, bông bằng thủy-tinh, trái bằng san-hô.
– Hoặc có cây gốc bằng xa-cừ, nhưng thân bằng tử-kim, nhánh bằng bạc, cành bằng lưu-ly, lá bằng thủy-tinh, bông bằng san-hô, trái bằng mã-não vv…
Những cây báu ấy kết thành hàng hàng ngang nhau, thân thân đối nhau, nhánh-nhánh bằng nhau, lá-lá giao nhau, bông-bông thuận nhau, trái-trái xứng nhau … Màu sắc xinh-đẹp, chói sáng chẳng thể nào nhìn thấy hết hay tả xiết được. Gió mát luôn-luôn thổi đến phát ra ngũ-âm vi-diệu, hòa-hợp lẫn nhau” ….
Trên đây bút-giả chỉ sơ-lược mà thôi … Vậy kết yếu câu:
“Y-chánh đều tuyên-dương”.
Tức là nói:
– Ở nơi cõi Cực-lạc về người (Chánh báo)và cảnh (y báo) thì thảy đều phát ra các lời tuyên-dương, tán-thán chư Phật, Pháp, Tăng. Khắp nơi đều toàn là tiếng pháp lưu-thông, đầy-dẫy các bậc thượng thiện-nhơn, hoặc là tu-hành, hoặc là luận-bàn đạo-lý … Từ mặt đất lên đến hư-không những cung-điện, lầu-các, gió thổi, chim kêu, nhạc trổi … thảy đều tuyên-dương Phật-pháp, khuyến dạy đạo mầu.
Như ý thơ sau:
Ðây các thiện-nhơn bàn Tánh, tướng,
Kìa chư thiên-tử rải hoa-hương …
Các pháp-âm nhiệm-mầu như thế vang xa đến khắp cả 10 phương pháp-giới chư PHẬT, những chúng-sanh hữu-duyên thảy đều nghe, biết. Nghe, biết rồi liền đều phát-tâm niệm Phật, niệm pháp, niệm Tăng.
Vậy cho nên phải hiểu rằng:
– VÔ-TÌNH (chúng-sanh) là Y-BÁO.
– HỮU-TÌNH (chúng-sanh)là CHÁNH-BÁO.
– Y-báo là do nơi chánh-báo cảm-hiện ra, nên một khi chánh-báo (con người)tu-thành PHẬT rồi, thì y-báo (đồ vật vô-tình)cũng chuyển thành ra Phật cảnh vậy.
– Còn về cái GIÁC-TÁNH nếu như ở nơi chánh-báo của hữu-tình (chúng-sanh)thì gọi là PHẬT-TÁNH, hay là THANH-TỊNH PHÁP-THÂN.
– Còn cái GIÁC-TÁNH nầy nếu như ở nơi Y-báo của vô-tình (chúng-sanh) thì gọi là PHÁP-TÁNH.
Cho nên một khi mà CHÁNH-BÁO thành PHẬT thân rồi, thì Y-BÁO cũng thành ra Phật-cảnh luôn là như thế.
Và trên đây là phần đảnh-lễ PHÁP-BẢO nơi cõi Cực-lạc vậy.
Giải-thích câu ÐẢNH-LỄ thứ 8:
Nhứt-tâm đảnh-lễ:
Tây-Phương an-lạc độ,
QUÁN THẾ-ÂM Bồ-tát.
Vạn-ức Tử-kim thân,
Biến Pháp-giới Bồ-tát.
A. Tây-phương an-lạc độ:
(Cõi Cực-lạc phương Tây)
Xem lại các phần chú-giải trước.
B. QUÁN THẾ-ÂM Bồ-tát:
Kinh Ðại-bổn A-DI-ÐÀ (Vô-lượng Thọ kinh) nói:
– “Nầy A-NAN, cõi AN-LẠC ấy có hai vị đại Bồ-tát tối-tôn, oai-thần đệ-nhất, quang-minh vô-lượng chiếu khắp Ðại-thiên … Bồ-tát thứ nhất hiệu là QUÁN THẾ-ÂM, Bồ-tát thứ hai hiệu là ÐẠI THẾ-CHÍ” ….
Nơi đây lược-giảng về đại Bồ-tát QUÁN THẾ-ÂM:
Kinh dạy:
– Ðức QUÁN THẾ-ÂM Bồ-tát nguyên là một vị cổ Phật hồng-danh là CHÁNH PHÁP-MINH Như-lai, Ứng, Chánh đẳng-giác, ứng-tích trở lại mà làm Bồ-tát … Vì thế cho nên ngài không phải là một vị đại Bồ-tát thông-thường như bao nhiêu các vị đại Bồ-tát khác, tiêu-biểu cho quả-vị PHẬT của NGÀI là trên thiên-quan của Bồ-tát có hình “HÓA PHẬT”. Các chư đại Bồ-tát khác và chư Như-lai trông thấy “HÓA PHẬT hiệu” nầy trên thiên-quan của NGÀI, thì (ai nấy cũng) đều biết rằng:
– “Ðây là một cổ PHẬT ứng-tích trở lại để làm Bồ-tát” (vì tâm đại-bi chưa thỏa-dạ)vậy.
Trong kinh Ðịa-Tạng, đức bổn-sư THÍCH-CA Mâu-Ni thế-tôn đã khen ngợi QUÁN THẾ-ÂM Bồ-tát như sau:
– “Ông có nhơn-duyên rất lớn đối với chúng-sanh nơi cõi Ta-bà… Những chúng-sanh nào nghe danh-hiệu ông, thấy hình-tượng ông, mến-tưởng đến cùng khen-ngợi hay tán-thán ông… Thời những kẻ đó đều được bất thối-chuyển nơi đạo vô-thượng Bồ-đề.” …
Quán Thế-Âm Bồ-tát hiện tại ở cõi nước Cực-lạc, hầu bên tay trái của Phật A-DI-ÐÀ, chủ về phần Ðại-từ, đại-bi, cứu-khổ, cứu-nạn. Nơi cõi Ta-bà nầy chúng-sanh đồng tôn-xưng ngài là vị Bồ-tát QUẢNG-ÐẠI LINH-CẢM, ÐẠI TỪ-BI, CỨU KHỔ, CỨU-NẠN”, và nương-tựa nơi ngài còn quá hơn là con nương-tựa nơi đấng mẹ hiền (thế-gian)nữa.
C. Vạn-Ức Tử-kim thân:
QUÁN THẾ-ÂM Bồ-tát vì sao mà được gọi là “Thân Tử-kim muôn ức” ?
– Bởi “báo-thân” của vị Ðại Bồ-tát nầy tột cùng trang-nghiêm vi-diệu nên gọi là “VẠN-ỨC Tử-kim thân” – Tức là thân của ngài vàng tươi đẹp-đẽ còn hơn vạn-ức lần sắc vàng “Tử ma-kim” (Tức vàng Diêm Phù-Ðàn).
Xin hãy cung-kính chiêm-ngưỡng cùng quán-tưởng sắc thân của NGÀI như sau:
– “QUÁN THẾ-ÂM Bồ-tát, Thân cao 80 vạn-ức, na do-tha do-tuần, thân sắc ánh ra màu Tử-kim, trên đỉnh đầu có tướng nhục-kế, quanh cổ có viên quang (28), ánh-sáng từ nơi viên-quang nầy chiếu ra rộng xa mỗi phương đều đến trăm, ngàn do-tuần.
Trong ánh viên-quang của NGÀI có năm trăm vị “hóa PHẬT” cũng như đức THÍCH-CA MÂU-NI Thế-Tôn. Mỗi vị hóa Phật ấy đều có 500 vị “hóa Bồ-tát” và vô-lượng chư thiên vây-quanh thị-giả.
Trong ánh quang-minh toàn-thân của Bồ-tát QUÁN THẾ-ÂM chiếu hiện ra tất-cả các sắc tướng của ngũ-đạo chúng-sanh (29). Trước đỉnh đầu của Bồ-tát có “thiên-quan” bằng chất báu “Tỳ lăng-già ma-ni bửu”, trong thiên-quan ấy có một vị “HÓA-PHẬT” đứng, cao 25 do-tuần.
Gương mặt của Bồ-tát màu vàng rực như sắc vàng “Diêm-phù na-đàn”.
Bạch hào tướng-quang giữa chặn mày của NGÀI đủ màu sắc thất-bảo, từ nơi tướng “bạch-hào” nầy chiếu ra tám vạn bốn ngàn (84,000)thứ quang-minh. Trong mỗi mỗi ánh quang-minh ấy có vô-lượng, vô-số, trăm, ngàn vị HÓA PHẬT – Mỗi HÓA-PHẬT ấy lại có vô-lượng “HÓA BỒ-TÁT” làm thị-giả, biến-hiện tự-tại khắp cả 10 phương quốc-độ của chư PHẬT.
Cánh tay của BỒ-TÁT màu sắc như hoa sen hồng, từ nơi tay báu nầy phóng ra 80 ức ánh-sáng vi-diệu làm chuỗi đeo, trong chuỗi đeo ánh-sáng ấy, biến-hiện khắp hết tất-cả mọi sự trang-nghiêm.
Bàn tay của Bồ-tát đẹp, rộng như 500 ức hoa-sen báu. Nơi mỗi-mỗi của mười đầu ngón tay nầy đều có 84.000 lằn chĩ dường như chiếc “ẤN văn”. Mỗi-mỗi lằn chĩ tay ấy đều có tám vạn bốn ngàn màu sắc, mỗi màu sắc ấy đều phóng ra 84.000 ánh quang-minh – Quang-minh ấy uyển-chuyển, mềm-dịu chiếu khắp thập phương quốc-độ.
Bồ-tát QUÁN THẾ-ÂM dùng tay báu nầy tiếp-dẫn tất-cả chúng-sanh niệm PHẬT khắp 10 phương sanh về Cực-lạc.
Lúc Bồ-tát cất chân lên, thì từ nơi tướng “thiên bức luân”(30) giữa lòng bàn chân của NGÀI tự-nhiên hóa hiện ra năm-trăm ức đài quang-minh hiện khắp các nơi, lúc Bồ-tát đặt chân xuống có các thứ hoa “Ma-ni kim-cương” hiện ra rải-rắc cùng tất-cả chỗ, không nơi nào là không đầy khắp các hoa báu nầy.
Các tướng khác nơi thân của Bồ-tát QUÁN THẾ-ÂM đều đầy-đủ những hình sắc báu đẹp tựa như thân PHẬT không khác – Duy trừ có tướng “NHỤC-KẾ” và tướng “VÔ KIẾN ÐẢNH” là không bằng PHẬT mà thôi” ….
Ðây là sắc thân chơn-thật của đức QUÁN-THẾ-ÂM Bồ-tát nơi cõi nước Cực-lạc. Và được gọi bằng tên là:
Vạn-ức Tử-Kim thân,
QUÁN THẾ-ÂM BỒ-TÁT
vậy.
Quán Thế-Âm Bồ-tát được thọ-ký sẽ thành Phật hiệu là: – Biến xuất Nhứt-thiết Công-đức Sơn-Vương Như-lai, sau khi Phật A-DI-ÐÀ Niết-bàn, thế-giới Cực-lạc do ngài làm giáo-chủ sẽ đổi tên thành: Nhứt-thiết Trân-Bảo Sở Thành-tựu.
D. Biến pháp-giới Bồ-tát:
Câu kệ nầy tức ý nói:
– Ðức QUÁN THẾ-ÂM đại Bồ-tát danh mãn thập-phương, tất-cả chư Phật đều khen ngợi ,tất-cả chư Bồ-tát khác trong “pháp-giới Bồ-tát” cũng đều ngợi khen, kính-trọng. (Vì ngài là cổ PHẬT ứng-tích làm Bồ-tát)
(Như trên đã nói “Một vị Phật ra đời, ngàn Phật hộ-trì”) là vậy.
Giải-thích câu Ðảnh-lễ thứ 9:
Nhứt-tâm đảnh-lễ:
Tây-Phương An-lạc độ,
ÐẠI THẾ-CHÍ BỒ-TÁT.
Vô-biên quang-xí thân,
Biến pháp-giới Bồ-tát.
A. Tây-Phương AN-LẠC Ðộ:
Xem lại phần giải-thích trước.
B. ÐẠI THẾ-CHÍ Bồ-tát:
Ðây là một trong hai-vị Ðại Bồ-tát tối-tôn, vô-thượng nơi cõi Cực-lạc. Ngài đứng hầu về phía bên tay phải của đức A-DI-ÐÀ PHẬT – Chủ về phần Ðại-hùng, Ðại-lực.
NGÀI và đức QUÁN THẾ-ÂM Bồ-tát đều cùng trợ-lực với đức PHẬT A-DI-ÐÀ hoằng hóa và tiếp-dẫn chúng-sanh niệm PHẬT ở khắp 10 phương sanh về Cực-lạc.
Vì sao mà NGÀI lại được tôn xưng là VÔ-BIÊN QUANG-XÍ THÂN (Thân trí sáng vô-biên).
Xin hãy cung-kính chiêm-ngưỡng và quán-tưởng đến NGÀI như sau:
– “Ðức ÐẠI THẾ-CHÍ Bồ-tát về thân-tướng lớn, nhỏ đều đồng như đức QUÁN THẾ-ÂM Bồ-tát. Thân sắc màu Tử-kim, đỉnh đầu có nhục-kế. Quanh cổ ngài có viên-quang, ánh-sáng từ nơi viên-quang nầy chiếu ra rộng xa mỗi phương đều đến 250 do-tuần.
Toàn thân của NGÀI quang-minh màu Tử-kim chiếu ra sáng khắp 10 phương quốc-độ của chư PHẬT. Chúng-sanh hữu-duyên thảy đều được thấy ánh quang-minh nầy. (Nếu như có)người nào chỉ cần thấy được ánh quang-minh từ nơi một lỗ chân lông của Bồ-tát nầy, thì liền thấy được ánh quang-minh tịnh-diệu của 10 phương chư PHẬT.
Vì thế nên vị ÐẠI THẾ-CHÍ Bồ-tát nầy còn có thêm hiệu nữa là VÔ-BIÊN QUANG, NGÀI dùng ánh-sáng trí-huệ nầy chiếu khắp tất-cả các nơi, khiến cho chúng-sanh đều lìa được các khổ-nạn nơi chốn Tam-đồ (31) rồi dần-dần đạt-thành Vô-lượng lực, vì thế nên NGÀI còn có thêm một hiệu khác nữa là: VÔ THƯỢNG-LỰC ÐẠI THẾ-CHÍ Bồ-tát.
Trên đỉnh-đầu của Bồ-tát có một thiên-quan, trong thiên-quan nầy có 500 hoa báu. Trên mỗi-mỗi hoa báu ấy đều có 500 đài báu. Trong mỗi-mỗi đài báu ấy đều hiện rõ ra các tướng quốc-độ tịnh-diệu hoặc dài, ngắn … của chư Phật ở khắp 10 phương.
Nhục-kế ở đỉnh-đầu ngài như hoa Bát đầu-ma. Trên ấy có một BẢO-BÌNH (bình báu) trong đựng các thứ quang-minh, mỗi-mỗi ánh quang-minh ấy đều hiện rõ các Phật-sự của chư PHẬT.
Ngoài ra các thân-tướng khác của NGÀI cũng tương-đồng như đức QUÁN THẾ-ÂM Bồ-tát.
Lúc ÐẠI THẾ-CHÍ Bồ-tát bước chân đi, các thế-giới trong khắp 10 phương thảy đều chấn-động. Ðương lúc ấy liền có 500 ức thứ hoa báu hiện ra, mỗi-mỗi hoa báu ấy đều mầu, dịu, trang-nghiêm cao rõ như Thế-giới Cực-lạc.
Lúc Bồ-tát nầy ngồi xuống, thập phương các quốc-độ đồng thời dao-động.
Từ nơi thế-giới ở Hạ-phương của đức KIM-QUANG TRÀNG PHẬT lên đến thế-giới ở thượng-phương của đức QUANG-MINH VƯƠNG PHẬT, ở trong khoảng giữa ấy có vô-lượng, vô-số phân-thân của đức Phật Vô-lượng Thọ(A-DI-ÐÀ) , đức QUÁN THẾ-ÂM và đức ÐẠI THẾ-CHÍ Bồ-tát … Các phân-thân ấy thảy đều vân-tập về cõi Cực-lạc, đầy khắp các nơi đồng ngồi tòa bảo liên-hoa, diễn-thuyết diệu-pháp cứu khổ cho chúng-sanh.
Nếu như có người nào quán-tưởng được sắc-thân chơn-thật của Bồ-tát ÐẠI THẾ-CHÍ Bồ-tát như vậy, người đó sẽ trừ được tội nặng trong vô-số kiếp sanh-tử.
Và đây là báo thân chơn-thật của đức ÐẠI THẾ-CHÍ Bồ-tát nơi cõi Cực-lạc, được gọi bằng tên khác nữa là:
“VÔ-BIÊN QUANG-XÍ THÂN,
ÐẠI HÙNG LỰC ÐẠI THẾ-CHÍ BỒ-TÁT.
(Phụ-giảng):
Trong kinh LĂNG-NGHIÊM đức ÐẠI-THẾ-CHÍ Bồ-tát có dạy về pháp-môn Tịnh-độ (niệm Phật) như sau:
…. “Thí-dụ như, có hai người:
– Người bên nầy thì cứ mãi nhớ người bên kia.
– Người bên kia thì cứ mãi quên người bên nầy.
Như vậy thì hai người đó:
– Giống như gặp nhau mà không gặp,
– Giống như thấy nhau mà không thấy,
Bởi vì:
– Một người thì cứ nhớ hoài, nên dường như có gặp, có thấy. (Ðây là dụ cho Phật, Bồ-tát thường luôn thương-nhớ chúng-sanh).
– Còn một người thì cứ quên hoài, cho nên thành ra như không gặp, không thấy. (Ðây là dụ cho chúng-sanh – Vì ham-mê ngũ-dục – cho nên quên mất Phật và Bồ-tát đi).
Ðó là tại:
– Một bên nhớ (Phật nhớ Chúng-sanh).
– Một bên quên (Chúng-sanh quên Phật).
Cho nên thành ra như vậy.
Chớ nếu như:
– Hai người đều nhớ nhau. (Phật nhớ chúng-sanh và chúng-sanh cũng nhớ Phật nữa).
– Hai cái nhớ đều khắn-khít không rời,
Thì:
– Chắc-chắn là gặp nhau, thấy nhau,
– Từ kiếp nầy qua kiếp khác, như bóng với hình, không khi nào xa-cách nhau được.
– Các chư PHẬT trong 10 phương THƯƠNG nhớ CHÚNG-SANH như MẸ NHỚ CON. Nếu con cứ trốn lánh mẹ hoài. Thì dù mẹ có nhớ đến thế mấy đi nữa, cũng chẳng biết làm sao mà gặp con cho được.
– Còn nếu như CON NHỚ MẸ cũng giống như MẸ NHỚ CON, thì hai mẹ con dù cho có trải qua bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp đi nữa, cũng chẳng bao-giờ xa-cách nhau cả.
Suy đó thì biết rằng:
– Nếu như tâm, lòng của chúng-sanh thường luôn nhớ Phật, thì kiếp hiện tại đây cũng như những kiếp tương-lai về sau, chắc-chắn là được thấy PHẬT và chẳng cách xa PHẬT vậy.
– Còn đến lúc chết, PHẬT đến tiếp-dẫn, chắc-chắn là đặng thấy PHẬT.
– Hễ CÓ NIỆM thì CÓ PHẬT, niệm đâu PHẬT đó.
Cảnh TÂY-PHƯƠNG toàn ở nơi TÂM, chẳng cần mượn phương-tiện nào khác nữa hết mà TÂM của mình cũng được mở khai, tỏ rõ liền ngay lập-tức.
Cho nên:
– GẦN PHẬT, NHIỄM PHẬT RỒI THÌ TÂM CŨNG THÀNH PHẬT.
Cũng như:
– Gần hương, nhiễm hương rồi thì thân cũng thành hương.
Tôi dùng cái HƯƠNG-QUANG niệm PHẬT mà trang-nghiêm cái “Pháp-tánh” PHẬT trong thân, tâm tôi. Ấy gọi là HƯƠNG-QUANG TRANG-NGHIÊM.
Vậy bổn-nhơn (32) của tôi tu-hành là gốc: LẤY CÁI TÂM NIỆM PHẬT mà chứng VÔ SANH-NHẪN.
Nay tôi ở tại cõi Ta-bà nầy, dùng oai-lực gia-trì, tiếp-dẫn người niệm PHẬT đem về Tịnh-độ.
…. Tôi chỉ “Nhứt-tâm” niệm PHẬT mà nhiếp hết sáu căn,
Như là:
– MẮT chẳng thủ nơi sắc. Ðó là dùng mắt niệm PHẬT,
– TAI chẳng thủ nơi tiếng. Ðó là dùng tai niệm PHẬT.
– MŨI chẳng thủ nơi hương. Ðó là dùng mũi niệm PHẬT.
– LƯỠI chẳng thủ nơi vị. Ðó là dùng lưỡi niệm PHẬT.
– THÂN chẳng thủ nơi xúc. Ðó là dùng thân niệm PHẬT.
– Ý chẳng thủ nơi pháp. Ðó là dùng Ý niệm PHẬT.
Bởi vì:
Sáu căn nhiếp hết câu niệm PHẬT như vậy nên được gọi là:
– NHỨT NIỆM THANH-TỊNH CỨ NỐI-TIẾP NHAU LUÔN.
vì thế nên:
TÔI ÐẶNG CHỖ THANH-TỊNH BẬC NHẤT.
vậy.
…. Bồ-tát được thọ-ký thành Phật sau QUÁN-THẾ-ÂM Bồ-tát, hiệu là THIỆN-TRỤ TRÂN-BẢO SƠN VƯƠNG Như-Lai. Thế-giới, thời kiếp và Phật-sự của NGÀI cũng đồng như PHẬT CÔNG-ÐỨC SƠN-VƯƠNG không khác.
D. Biến pháp-giới Bồ-tát:
Tức là ý nói:
– Tất-cả chư đại Bồ-tát khác trong pháp-giới Bồ-tát thảy đều kính-trọng và khen-ngợi cùng tán-thán vị đại Bồ-tát nầy.
Giải-thích câu Ðảnh-lễ thứ 10:
Nhứt-tâm đảnh-lễ:
Tây-Phương An-lạc độ,
VĂN-THÙ Ðại Bồ-tát.
Thị-hiện trí mầu thân,
Biến pháp-giới Bồ-tát.
A. Tây-phương AN-LẠC ÐỘ:
Xem các phần giải-thích trước.
B. VĂN-THÙ Ðại Bồ-tát:
Trong kinh còn gọi Ngài bằng những tên sau đây: – MẠN THÙ THẤT-LY Bồ-tát, DIỆU KIẾT TƯỜNG Bồ-tát, DIỆU-ÐỨC Bồ-tát ….
Ngài là một vì đại Bồ-tát, trí nhẫn thậm-thâm, chủ về phần Trí-huệ, trong kinh gọi NGÀI là “ÐẠI-TRÍ VĂN THÙ SƯ-LỢI PHÁP-VƯƠNG TỬ ÐỒNG CHƠN Bồ-tát”.
Sau khi thành đạo, trong 21 ngày PHẬT hiện thân Tỳ-lô Giá-Na thuyết kinh Hoa-Nghiêm, NGÀI và đức PHỔ-HIỀN đại Bồ-tát đều làm thượng-thủ Bồ-tát trong hội Hoa-Nghiêm nầy, cùng với đức Tỳ-lô Giá-Na (Thích-Ca Như-Lai)được danh-xưng là “HOA-NGHIÊM TAM-THÁNH”.
Trong kinh “Quán Phật Tam-Muội hải” nói:
… Sau khi bày tỏ túc-nhân, đức VĂN-THÙ ÐẠI Bồ-tát tự nói đã chứng được Niệm Phật tam-muội, và sẽ được sanh về Cực-Lạc Tịnh-độ.
Ðức Thích-Ca Như-lai liền thọ-ký rằng:
– Ông sẽ được sanh về Cực-lạc.
Văn-Thù Sư-lợi đại Bồ-tát liền đọc kệ phát-nguyện rằng:
… Tôi nguyện khi lâm chung,
Trừ tất-cả chướng ngại,
Thấy PHẬT A-DI-ÐÀ,
Sanh về cõi Cực-Lạc.
Khi đã về nơi ấy,
Thành-tựu các đại-nguyện.
A-DI-ÐÀ Như-Lai,
Thọ-ký cho thành PHẬT.
Trong non Ngũ-Ðài, Ngài có dạy “Liên-Tông Tứ-Tổ PHÁP-CHIẾU đại-sư” về pháp-môn niệm PHẬT như sau:
… “Nay ngươi nên niệm PHẬT, chính là lúc hợp thời, bởi các môn tu-hành không chi hơn niệm Phật. Siêng-năng cúng-dường Tam-Bảo, gồm tu phước-huệ, đây là hai điều cần-yếu.
Ðời quá-khứ, ta nhân nơi cúng-dường, quán-tưởng và niệm PHẬT mà chứng được Nhứt-thiếtchủng-trí. Cho nên phải, tất-cả các pháp Bát-nhã ba-la mật, các môn thiền-định thâm-sâu, cho đến chư PHẬT, thảy đều từ nơi niệm PHẬT mà sanh. Vì vậy nên Niệm PHẬT là vua của các pháp.
Ngài PHÁP-CHIẾU đại-sư thưa rằng:
– Bạch Bồ-tát, nay con phải nên niệm PHẬT như thế-nào ?
VĂN-THÙ SƯ-LỢI Bồ-tát dạy:
Về phương-Tây của cõi Ta-bà nầy có PHẬT A-DI-ÐÀ, đức PHẬT ấy có nguyện lực không thể nghĩ bàn. Vậy ngươi nên tưởng-niệm PHẬT ấy đừng cho gián-đoạn, khi lâm-chung quyết-định sẽ vãng-sanh được bất thối chuyển.
Nói xong Bồ-tát đưa cánh tay vàng xoa đầu ngài Pháp-Chiếu, bảo rằng:
– Do ngươi niệm PHẬT, không bao lâu sẽ chứng được quả-vị vô-thượng Bồ-đề…”
Ðức VĂN-THÙ SƯ-LỢI Bồ-tát được thọ-ký thành PHẬT đương-lai, hiệu là PHỔ-KIẾN Như-lai, ứng, chánh đẳng-giác. Thế-giới của ngài nằm ở phương Nam, tên là “Thanh-Tịnh Vô-Cấu Bảo-Chỉ”, kiếp tên là “Tùy nguyện Tích-tập Thanh-Tịnh Viên-Mãn”.
Ngài lấy hằng-hà sa-số Phật-độ nhập lại để làm thành một Phật-độ của Ngài. (Cõi Ta-bà cũng nằm trong Phật-độ đó).
Giải-thích câu Ðảnh-Lễ thứ 11
Nhứt-tâm đảnh-lễ:
Tây-phương An-Lạc độ,
PHỔ-HIỀN đại Bồ-Tát.
HẠNH-NGUYỆN sát trần thân,
Biến pháp-giới Bồ-tát.
A. Tây-phương An-lạc độ:
(Cõi Cực-lạc phương-Tây)
Xin xem lại các phần chú-thích trước.
B. PHỔ-HIỀN đại Bồ-Tát:
Ðây là một bậc đại Bồ-tát có sức thần-thông, hạnh-nguyện quảng-đại, bất khả xưng kể (33).
Ngài đã thành-tựu thần-thông tự-tại bất-khả tư-nghị (34) vượt lên trên hết thảy chư đại Bồ-tát khác, hoàn-mãn tất-cả công-hạnh thanh-tịnh của Bồ-tát. Vô-lượng môn Ba-la-mật, vô-lượng môn vô-ngại đà-ra-ni, các môn biện tài vô-tận. NGÀI đều đã được thanh-tịnh, vô-ngại … Ngài vận lòng đại-bi làm lợi-ích cho tất-cả chúng-sanh suốt tột thuở vị-lai không hề nhàm mỏi….
Trong hội Hoa-Nghiêm ngài đã phát 10 đại-nguyện-vương như sau đây:
Nhứt giả “lễ kính chư PHẬT”,
Nhị giả “xưng-tán NHƯ-LAI”.
Tam-giả “quảng-tu cúng-dường”,
Tứ-giả “sám-hối nghiệp-chướng”.
Ngũ-giả “tùy-hỷ công-đức”,
Lục giả “thỉnh chuyển pháp-luân”.
Thất giả “thỉnh PHẬT trụ thế”,
Bát giả “thường tùy PHẬT học”.
Cửu giả “hằng thuận chúng-sanh”,
Thập giả “phổ giai hồi-hướng”.
Trong phần giải-thích trước, tệ-nhơn đã có trình-bày lược qua về hai nguyện vương “Lễ kính” và “Tán-thán” chư PHẬT của đức PHỔ-HIỀN đại Bồ-tát rồi … Nơi đây, xin lược thêm về một vài đại-nguyện vương khác của Ngài để cho chư Phật-tử đọc biết mà khởi lòng trân-trọng và quy-kính nơi đức PHỔ-HIỀN đại Bồ-tát.
Trước hết xin lược sơ-qua về đại-nguyện vương thứ 3 “Quảng-tu cúng-dường” của NGÀI:
Phải nên hiểu rằng:
– Cúng-dường và Bố-thí đều đồng một nghĩa.
Nhưng ở nơi:
– Chúng-sanh thì gọi là Bố-thí.
– Ở nơi chư đại thánh-nhơn như các bậc Thanh-Văn, Duyên-Giác, Bồ-tát, Phật thì gọi là cúng-dường.
Trong phần nầy xin được giải-thích riêng về đại nguyện-vương “Quảng-tu cúng-dường” của đức PHỔ-HIỀN Bồ-tát mà thôi.
Sao gọi là: QUẢNG TU CÚNG-DƯỜNG ?
Nơi kinh Hoa-Nghiêm đức PHỔ-HIỀN Bồ-tát dạy như sau:
– “Giả-sử như đem tất-cả cõi PHẬT trong khắp 10 phương, 3 đời, nghiền nát ra làm vi-trần, trong mỗi (hột bụi)vi-trần ấy đều có số chư PHẬT, NHƯ-LAI nhiều cũng như số vi-trần của tất-cả các cõi PHẬT trên(35). Nơi mỗi-mỗi đức PHẬT (trong số Phật vi-trần ấy) đều có vô-số chư Bồ-tát vây quanh nhóm họp.
Tôi dùng sức Hạnh-nguyện PHỔ-HIỀN khởi lòng tín-giải và hiện-tiền tri-kiến rất sâu, đều đem các món đồ cúng-dường thượng-đẳng, tối-diệu … mà cúng-dường nơi “Pháp-hội” ấy. Như cõi hư không nầy có cùng tận, nghiệp chúng-sanh có cùng-tận, phiền-não chúng-sanh có cùng-tận, thì sự cúng-dường của tôi mới cùng-tận.
– Nhưng hư không nầy không bao giờ cùng-tận,
– Nghiệp của chúng-sanh không bao giờ cùng-tận,
– Phiền-não của chúng-sanh cũng không bao giờ cùng-tận,
Nên:
Sự CÚNG-DƯỜNG CỦA TÔI CŨNG KHÔNG CÙNG TẬN. Niệm-niệm (cúng-dường) nối luôn không dứt, thân, khẩu, ý, nghiệp (hành hạnh cúng-dường)không hề nhàm-mỏi”.
Và như thế các đại nguyện kế tiếp là:
– Sám hối nghiệp chướng,
– Tùy-hỷ công-đức.
– Thỉnh chuyển pháp-luân,
– Thỉnh Phật trụ thế,
– Thường tùy phật học
– Hằng thuận chúng-sanh,
Ðức Phổ-Hiền đại Bồ-tát cũng tu như vậy, nghĩa là: – Không bao-giờ cùng-tận, không bao-giờ nhàm mỏi.
Ở nơi “Ðại nguyện-vương” thứ 10 sau chót của NGÀI, tức là nguyện vương “PHỔ-GIAI HỒI-HƯỚNG”. Ðức PHỔ-HIỀN đã vì chúng-sanh chúng-ta mà tu hạnh HỒI-HƯỚNG như sau:
Nói PHỔ-GIAI HỒI-HƯỚNG (Tức là Hồi-hướng khắp cho tất-cả) là như vầy:
– “Từ nơi sự LỄ KÍNH chư PHẬT ban đầu cho đến sự HẰNG-THUẬN chúng-sanh… Nếu có được bao nhiêu công-đức, tôi (đức PHỔ-HIỀN) đều đem hồi-hướng hết đến cho tất-cả chúng-sanh trong khắp 10 phương hư không pháp-giới. NGUYỆN cho tất-cả chúng-sanh thường an-lạc, không có các bịnh khổ, khi họ muốn thật hành các “pháp ác” thì đều không thành, còn như muốn tu các “nghiệp lành” thì được mau thành-tựu. Ðóng bít hết tất-cả các ác-đạo, mở bày rõ-ràng ra con đường “chánh-đạo” của nhơn, thiên, Niết-bàn – Nếu tất-cả các chúng-sanh nhơn vì trước kia chứa nhóm nhiều nghiệp-ác nên nay phải bị trả quả, lảnh lấy các điều khổ nạn, tôi đều chịu thế cho họ, tôi đều khiến cho họ được giải-thoát, an-vui, rốt ráo thành-tựu được quả VÔ-THƯỢNG BỒ-ÐỀ.
Tôi tu Bồ-tát hạnh và hồi-hướng cho khắp tất-cả chúng-sanh như vậy.
Giả-sử như hư-không nầy có cùng-tận, thế-giới chúng-sanh có cùng-tận, nghiệp của chúng-sanh có cùng-tận, phiền-não của chúng-sanh có cùng-tận, thì sự hồi-hướng của tôi đây mới cùng-tận.
Nhưng vì:
– Hư không nầy không bao giờ cùng-tận,
– Thế giới của chúng-sanh không bao giờ cùng-tận,
– Nghiệp của chúng-sanh không bao giờ cùng-tận,
– Phiền-não của chúng-sanh không bao giờ cùng-tận,
Cho nên:
– Sự HỒI-HƯỚNG KHẮP HẾT TẤT-CẢ CHO CHÚNG-SANH CỦA TÔI CŨNG KHÔNG BAO-GIỜ CÙNG-TẬN.
Niệm-niệm hồi-hướng (cho tất-cả chúng-sanh của tôi như thế) nối luôn không dứt. Ba nghiệp THÂN, KHẨU, Ý(hành pháp hồi-hướng ấy) không bao giờ nhàm, mỏi cả”.
Vì thế cho nên:
– Ðức PHỔ-HIỀN đại Bồ-tát, chẳng những được tất-cả chúng-sanh trong 10 phương, ba cõi cung-kính, đảnh-lễ, cúng-dường, mà chí cho đến tất-cả các đại Bồ-tát khác cũng đều đảnh-lễ và cung-kính xưng niệm rằng:
– Nam-mô đại-hạnh PHỔ-HIỀN Bồ-tát.
Và tất-cả chư Như-Lai cũng thảy đều khen-ngợi, tán-thán đến NGÀI luôn.
Nơi kinh Hoa-Nghiêm, phẩm “PHỔ-HIỀN hạnh-nguyện”, đức PHỔ-HIỀN Bồ-tát đã có tuyên kệ phát-nguyện cầu sanh về Cực-Lạc như sau:
… Nguyện tôi lúc mạng sắp lâm-chung,
Trừ hết tất-cả các chướng ngại.
Tận mặt gặp PHẬT A-DI-ÐÀ,
Liền được vãng-sanh cõi Cực-lạc.
Tôi đã vãng-sanh cõi kia rồi,
Hiện-tiền thành-tựu đại-nguyện nầy.
Cả thảy tròn đủ không thừa, thiếu.
Lợi-lạc tất-cả các chúng-sanh.
Chúng hội DI-ÐÀ đều thanh-tịnh,
Tôi từ hoa sen nở sanh ra.
Thân thấy đức PHẬT VÔ-LƯỢNG QUANG.
Liền thọ-ký tôi đạo bồ-đề.
Nhờ đức PHẬT kia thọ ký rồi,
Tôi hóa vô-số ức vạn thân.
Trí-huệ rộng lớn khắp mười phương,
Khắp lợi tất-cả chúng-sanh giới….
Bồ-tát được thọ-ký thành PHẬT đương-lai, hiệu là:
TRÍ CANG HẨU TỰ-TẠI TƯỜNG VƯƠNG Như-lai, Ứng, Chánh đẳng giác.
Thế-giới của NGÀI nằm về phương Bắc, tên là “TRI THỦY THIỆN-TRỤ TỊNH CÔNG-ÐỨC”.
Thế nên phải biết:
– Pháp môn TỊNH-ÐỘ RỘNG LỚN KHÔNG NGẰN. Tất-cả chư Bồ-tát trong Hoa-Nghiêm hải-hội (Kể luôn cả hai Ngài đại Bồ-tát VĂN-THÙ, PHỔ-HIỀN) thảy đều phát-nguyện cầu được sanh về.
Còn chúng-ta đây là hàng bạt-địa phàm-phu, tội-chướng sâu dầy, há lại chẳng siêng-cần niệm PHẬT mà cầu sanh về Cực-Lạc Tịnh-độ hay sao ?
Giải-thích câu Ðảnh-Lễ thứ 12
Nhứt-tâm Ðảnh-lễ:
Tây-phương An-lạc độ,
Thanh-tịnh đại-hải chúng.
PHƯỚC, TRÍ nhị nghiêm thân,
Biến pháp-giới thánh chúng.
A. Tây-Phương An-Lạc Ðộ:
(Xem lại các phần chú giải trước).
B. THANH-TỊNH ÐẠI-HẢI CHÚNG:
Ðây không phải là tên riêng của một vị Bồ-tát nào cả, mà là tên dùng để gọi chung cho tất-cả các bậc Bồ-tát và chư Thượng-thiện nhơn nơi cõi Cực-lạc.
Thanh-Tịnh: Nghĩa là không còn có các phiền-não nữa (dứt phiền não).
Ðại-hải: Tức là nước biển lớn – Ðây ý nói số-lượng chư Bồ-tát nơi cõi Cực-lạc rất nhiều, (cũng như nước trong biển cả vậy).
Chúng:Là một số rất đông người họp chung nhau lại và cùng ở một nơi.
Ðây là chỉ cho những bậc Bồ-tát “Pháp-thân Ðại-sĩ” từ nơi các giai-vị THẬP-TRỤ Bồ-tát, THẬP-HẠNH Bồ-tát, THẬP HỒI-HƯỚNG Bồ-tát, THẬP-ÐỊA Bồ-tát, ÐẲNG-GIÁC Bồ-tát, NHẤT-SANH Bổ-xứ Bồ-tát … ở hai khu vực “Thật-Báo trang-nghiêm” và “Thường-tịch Quang Tịnh-độ” nơi cõi Cực-lạc.
C. PHƯỚC, TRÍ NHỊ NGHIÊM THÂN:
(Thân phước, trí trang-nghiêm)
Các bậc Bồ-tát ở nơi Cực-lạc (cũng như tất-cả các bậc thánh-nhơn khác trong hai cõi “Phàm thánh đồng cư độ” và “Phương-tiện hữu-dư độ) thảy đều trang-nghiêm pháp-thân của quý NGÀI bằng hai thứ bảo-vật thượng-đẳng, vô-song là: PHƯỚC-ÐỨC và TRÍ-HUỆ – gọi tắt là “PHƯỚC-TRÍ”. Tức là Phước-đức và trí-huệ của các ngài thảy đều đầy-đủ, có thể làm Phước-điền cho tất-cả chúng-sanh (trong 3 cõi, sáu đường).
D. BIẾN PHÁP-GIỚI THÁNH-CHÚNG:
Tức là PHƯỚC-TRÍ của chư Bồ-tát Thánh-chúng nơi cõi Cực-lạc được “Danh mãn thập-phương” (Danh tiếng được chư Thánh-chúng khác ở khắp mười phương cõi PHẬT thảy đều khen ngợi)
Bởi vì tiền-thân của đức PHẬT A-DI-ÐÀ, khi còn làm PHÁP-TẠNG Bồ-tát, ngài đã có đối trước PHẬT THẾ TỰ-TẠI VƯƠNG phát ra 48 lời đại-nguyện, trong đó có các đại-nguyện như sau:
– Nguyện thứ 22:
Giả-sử khi tôi thành PHẬT, chúng Bồ-tát ở các cõi khác sanh về nước tôi, rốt-ráo đều chứng đến ngôi-vị “nhất-sanh bổ-xứ”(36). Trừ người có bổn-nguyện tự-tại hóa-độ, vì chúng-sanh mà mặc giáp hoằng-thệ, chứa công-đức cứu-độ tất-cả, đi qua các nước PHẬT khác tu-hạnh Bồ-tát, cúng-dường chư PHẬT mười phương, khai-hóa hằng-hà sa số vô-lượng chúng-sanh, khiến họ đứng nơi đạo chánh-chơn vô-thượng, vượt hơn công-hạnh của hạng tầm-thường, hiện-tiền tu công-đức PHỔ-HIỀN.
Nếu không được như vậy, thì tôi thề chẳng lấy ngôi chánh-giác.
– Nguyện thứ 24:
Giả-sử khi tôi thành PHẬT, Bồ-tát trong cõi nước tôi ở trước chư PHẬT hiện công-đức mình, nếu những thứ cần dùng để cúng-dường không có được đầy-đủ như-ý muốn, thì tôi thề chẳng lấy ngôi chánh-giác.
– Nguyện thứ 29:
Giả-sử khi tôi thành PHẬT, Bồ-tát trong cõi nước tôi nếu đọc, tụng, thọ-trì, diễn-thuyết kinh-pháp mà chẳng được trí-huệ biện-tài, thì tôi thề chẳng lấy ngôi chánh-giác.
– Nguyện thứ 30:
Giả-sử khi tôi thành PHẬT, trí-huệ biện-tài của Bồ-tát trong cõi nước tôi mà còn có hạn-lượng thì tôi thề chẳng lấy ngôi chánh-giác.
………………………
Do vì được nương nhờ vào nơi các nguyện-lực như thế, nên tất-cả chư Bồ-tát Thánh-chúng ở nơi cõi Cực-lạc thảy đều đầy-đủ cả hai phần PHƯỚC, TRÍ.
Ðó gọi là “LƯỠNG TÚC” vậy.
Các phần đảnh-lễ nầy (từ đảnh-lễ thứ 8, lễ đức Quán Thế-Âm Bồ-tát, cho đến đảnh-lễ thứ 12, lễ Thanh-tịnh đại-hải chúng Bồ-tát) – Gọi là lễ (thánh) TĂNG (37).
Tóm lại:
Trong 12 lễ nầy thì:
- Từ lễ thứ 1 đến thứ 6: Là lễ PHẬT BẢO.
- Lễ thứ 7: Là lễ PHÁP BẢO.
- Lễ thứ 8 đến thứ 12: Là lễ TĂNG BẢO.
(12 lễ nầy được gọi chung lại bằng một tên là: LỄ TAM-BẢO (Riêng nơi cõi Cực-lạc).
———————————————————————————————
(1)- Thiện-xảo phương-tiện:Thiện là lành, tốt, là chơn – Xảo là tinh-xảo, tức là quý-báu, tốt đẹp. Ðây tức là nói dùng phương-tiện chơn-chánh, tinh-xảo (để làm lợi-ích cho chúng-sanh).
Trái với “Thiện-xảo phương-tiện” là “Bất thiện-xảo (là tà, ác) phương tiện.”
(2)- Voi-trắng, sáu ngà:Là voi chúa – voi đây có ý-nghĩa là: Tượng-trưng cho sự mang vác gánh nặng, chuyên chở(chúng-sanh)qua bên kia bờ giải-thoát.
Sáu ngà: là tượng-trưng cho đầy-đủ lục ba mật
(3)- Số ức: Theo thống-tôn toán pháp thì con số ỨC nầy có tất-cả là 3 loại:
– Loại nhỏ thì lấy 100,000 làm số-lượng.
– Loại trung-bình thì lấy 1,000,000 (một triệu)làm số-lượng.
– Loại lớn thì lấy 10,000,000 (10 triệu)làm số-lượng.
(4)- 4 châu thiên-hạ là: Ðông thắng thần châu – Nam thiên bộ châu – Tây ngưu hóa châu và Bắc câu lư châu.
(5)- Thập Ba-la mật:10 pháp Ba-la mật. ấy là:
1- Bố-thí Ba-la mật. 2- Trì-giới Ba-la mật. 3- Nhẫn-nhục Ba-la mật. 4- Tinh-tấn Ba-la mật. 5- Thiền-định Ba-la mật. 6- Trí-huệ Ba-la mật. 7- Phương-tiện Ba-la mật. 8- Lực Ba-la mật. 9- Nguyện Ba-la mật. 10- Trí Ba-la mật.
Trong 10 pháp Ba-la mật nầy thì:
– Bồ-tát ở ngôi sơ-địa, thành-tựu được Bố-thí Ba-la mật.
– Bồ-tát ở ngôi Nhị-địa, thành-tựu được Trì-giới Ba-la mật.
– Bồ-tát ở ngôi Tam-địa, thành-tựu được Nhẫn-nhục Ba-la mật.
– Bồ-tát ở ngôi Tứ-địa, thành-tựu được Tinh-tấn Ba-la mật.
– Bồ-tát ở ngôi Ngũ-địa, thành-tựu được Thiền-định Ba-la mật.
– Bồ-tát ở ngôi Lục địa, thành-tựu được Bát-nhã Ba-la mật.
– Bồ-tát ở ngôi Thất địa, thành-tựu được Phương-tiện Ba-la mật.
– Bồ-tát ở ngôi Bát địa, thành-tựu được Lực Ba-la mật.
– Bồ-tát ở ngôi Cửu địa, thành-tựu được Nguyện Ba-la mật.
– Bồ-tát ở ngôi Thập địa, thành-tựu được Trí Ba-la mật.
(6)- Thường-tịch Niết-bàn của Phật, ấy là: Chơn-thường, chơn-lạc, chơn-ngã, chơn-tịnh.
(7) – Ba cõi: Dục-giới, Sắc-giới, Vô-sắc-giới.
(8) – HỘI, QUY và SANH, DIỆT. Nghĩa là:
– Hễ cái VỌNG mà nó HỘI lại ở trong tâm thì bị SANH (tử, luân-hồi).
– Còn cái CHƠN mà nó QUY lại ở trong tâm thì DIỆT được (sanh-tử, luân-hồi).
(9) – Vị BẤT THỐI: – Là chứng được vào trong địa-vị không bao giờ bị thối chuyển nơi đường tu-tập nữa, nhứt-định sẽ chứng được quả vị PHẬT ở tương-lai.
(10)- Ðới nghiệp vãng-sanh: Là mang luôn nghiệp báo của mình vãng-sanh về nơi Cực-lạc.
(11)- 10 muôn ức là số: 10 x 10.000 x 100.000 (cõi Phật).
(12)- Vàng Diêm-phù đàn: là một loại vàng cực quý (thế-gian không có) màu sắc vàng ấy rực-rõ phi-thường. Vàng-y 24k của thế-gian nếu đem để gần bên vàng Diêm-phù đàn kia thì cũng tỷ như là “bùn đen để cạnh vàng y” mà thôi.
Như vậy cũng biết là nó quý đến bực nào rồi …..
(13) – Một con số không thể nào lường nổi được. Chỉ lấy tâm tín-nhận vào nơi lời PHẬT dạy mà thôi.
(14)- Viên-Quang: Là hào quang vòng tròn bao-bọc quanh đầu.
(15)- Sanh tạng: là bao-tử, gan, mật, ruột non …
(16)- Thục-tạng:là ruột-già …
(17)- Ngọc-nữ:là chư thiên-nữ đẹp nhất ở trên các cõi trời Dục-giới – Còn gọi là Bảo-nữ (người đàn-bà quý-báu như châu-bảo)….
(18)- Tạp-thực:ăn uống (như người đời).
(19) – Tam-thừa là: Thanh-văn thừa, Duyên-giác thừa và Bồ-tát thừa. (Trong hàng Thập-Tín Bồ-tát).
(20)- Ðối với tất-cả căn, tánh, nghiệp-báo sai-biệt của tất-cả 12 loại chúng-sanh trong 9 giới. Phật và chư đại-thừa Bồ-tát, tâm không bao-giờ e-sợ, hay chán-nản bỏ dở nửa chừng sự hóa-độ của mình – Mà trái lại quý NGÀI phát-tâm không lui-sụt, độ cho bằng được, đến khi nào (chúng-sanh) được giải-thoát cả mới chịu thôi, nghỉ.
(21)- Căn-bổn thiện-pháp: là do nơi thân, khẩu, ý hành đầy đủ thập thiện.
Căn-bổn bất thiện pháp: cũng là do nơi thân, khẩu, ý hành đủ thập ác. Vậy căn bổn thiện pháp hay bất thiện pháp cũng do từ nơi Thân, khẩu, ý mà sanh ra. Vì thế nên kinh Lăng-nghiêm dạy: – “Thành Phật cũng do nơi thân, khẩu, ý, – làm chúng-sanh luân-hồi cũng do nơi thân, khẩu, ý mà ra cả.
(22)- Phật, Phật đạo đồng: Nghĩa là – Tất-cả chư Phật đều cùng chứng đắc ngang nhau, đạo-pháp cũng đồng như nhau không khác. Phật quá-khứ cũng đồng với Phật hiện-tại và Phật vị-lai. Ba đời chư Phật cùng đồng như nhau cả.
(23)- Tam hiền: là Bồ-tát trong các giai-vị Thập-trụ, Thập-hạnh, Thập hồi-hướng.
Thập-thánh: là các bậc đăng-địa Bồ-tát trong các giai-vị Thập-Ðịa, từ sơ địa (hoan-hỷ địa) cho đến Thập-địa (pháp-vân địa)Bồ-tát.
(24)- a. Tạng-giáo(Còn gọi là Kinh tạng).Tức là các lời dạy tổng-quát gồm có KINH, LUẬT, LUẬN, để dạy các bậc Nhị thừa là Thanh-văn, Duyên-giác và (một phần ít sơ tâm Bồ-tát).
- Thông-giáo:Giáo-lý dạy chung cho cả Tiểu-thừa và Ðại-thừa (như các thuyết về KHÔNG, BẤT SANH vv…)
- Biệt-giáo: Giáo-lý riêng-biệt chỉ để dạy cho hàng Ðại-thừa Bồ-tát mà thôi.
- Viên-giáo: Giáo-lý dàng riêng cho các hàng “Bồ-tát pháp-thân đại-sĩ”(như trong hội HOA-NGHIÊM – Kinh Hoa-Nghiêm).
(25)- Chơn-đế: Là đệ-nhất nghĩa-đế – Thuộc về Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát, Phật, nên không có các Pháp, hoàn-toàn là KHÔNG. (thị chư PHÁP không tướng).
(26)- Tục-đế: Thuộc về Thế-gian chúng-sanh – Vì phải tùy-duyên hóa-độ nên thuyết ra vô-lượng pháp-môn.
(27)- Trung-đế: Thuộc về Trung-đạo, nên chẳng cómà cũng chẳng không– Thống nhiếp tất-cả các pháp.
Ba ÐẾ nầy gọi là “TAM ÐẾ LÝ”.
(28)- Viên-Quang:Là hào quang vòng tròn bao-bọc quanh đầu.
(29)- Ngũ đạo chúng-sanh:Trời, người, địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sanh (Không nói đến A Tu-la vì A Tu-la được liệt về hàng trời).
(30)- Thiên bức-luân: Là tướng bánh xe có ngàn cây căm ở nơi giữa lòng bàn chân của PHẬT.
(31) Tam-đồ: Nhục-đồ, đao-đồ, huyết đồ. Ðây là 3 hình phạt nơi cõi địa-ngục.
(32)- Bổn nhơn: Cái nhơn duyên đầu tiên cái nguồn-gốc, cội-nguồn. vv…
(33)- Bất khả xưng kể: Không thể nào nói cho cùng-tận được.
(34)- Bất-khả tư-nghì: Không thể nào tưởng nghĩ cho hết được.
(35)- Tức là đem số vi-trần nói trên “bình-phương” ra thì có được số chư PHẬT như trong lời kinh dạy.
(36)- Nhất-sanh bổ-xứ: Là bậc Bồ-tát chỉ còn trong một đời nữa là sẽ thành PHẬT. (Tức là chỉ còn có một lần chuyển sanh nữa mà thôi).
(37)- Bởi vì chư Thánh-chúng ấy còn ở giai-vị của Bồ-tát, nên gọi là TĂNG (thánh tăng) – Hễ chưa thành PHẬT THÌ GỌI LÀ TĂNG.