CHUYỆN VÃNG SANH Ở VIỆT NAM
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập

 

59. ĐÀO THANH CH U (1919 – 2000, 81 tuổi)

“Bây giờ con cố gắng hành đạo để sau này cha con mình sẽ gặp nhau ở cõi Cực Lạc!”

Đó là lời một người cha đã mất nói với người con gái thứ Ba của mình trong giấc mộng sau 6 tuần thất!

Ông là Đào Thanh Châu sinh năm 1919, cư ngụ tại Thới Bình, Thới Thuận, Thốt Nốt, Thành phố Cần Thơ. Thân phụ là cụ ông Đào Văn Nghi; thân mẫu là cụ bà Ngô Thị Tánh. Ông là con thứ sáu trong gia đình có tất cả sáu anh em.

Năm 1939, khi phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam phát triển rực rỡ, ông đã qui hướng Tam Bảo và trở thành một cư sĩ tại gia chân chánh từ dạo đó. Ông tuân thủ đúng tôn chỉ: “Học Phật Tu Nhân” và tận lực tu thân hành thiện, mỗi tháng ăn chay bốn ngày, sớm chiều hai thời lễ bái tịnh niệm.

Lúc tròn 30 tuổi, ông kết hôn với bà Nguyễn Kim Thành, sinh được bốn trai hai gái. Gia đình ông sống bằng nghề làm ruộng.

Theo thời gian sự tu tập tăng dần, ông đã tích cực tham gia mọi công tác từ thiện xã hội như: bắc cầu, làm đường, cất nhà tình thương, giúp đỡ người bệnh tật, cô bần… Với tấm lòng thành thật chân tu, luôn hy sinh phụng hiến, không vì danh, vì lợi… nên ông được nhiều người kính mến.

Trong gia đình, ông cũng chuyên tâm dạy dỗ con cháu về đạo đức căn bản làm người, trau giồi nhân cách, đối nhân xử thế phù hợp với đạo lý cổ Thánh tiền Hiền đã chỉ dạy. Đồng thời chay lạt ít nhất mỗi tháng là bốn ngày, ngoài thời lễ nguyện sáng chiều ra còn phải rán niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, theo thể thức: “Nam Mô A-di-đà Phật sáu chữ, đi, đứng, nằm, ngồi rán niệm chớ quên, không đợi gì thời khắc”. Vì bản thân ông đã trải nghiệm về việc niệm Phật được tai qua nạn khỏi, đời sống an bình hơn. Và niệm Phật thì các điều ác sẽ không đến được với mình, bởi mình không có thời gian để nghĩ đến nó mà lúc nào cũng nghĩ đến điều thiện mà thôi!

Đến tháng 3 năm 1987, nơi gò má dưới mí mắt của ông có mọc một mụt bằng nốt ruồi, cái mụt này gây cảm giác ngứa làm ông khó chịu, ông bèn dùng kim khêu nó, thì nó làm dữ thêm. Ông đến phòng thuốc Nam của chùa Khánh Vân hỏi một lương y quen, rằng:

– Dì Út ơi! Đâu dì xem coi cái mụt này là cái thứ lành tính hay cái thứ ác tính?

Sau một hồi vọng chẩn, cô Út đáp:

– Mụt này là cái thứ ác tính. Cái này coi chừng là cái nghiệp cuối cùng của anh đó nghen. Anh đừng có phá, đừng có chích, có lể… đừng có động đến người ta nghen, anh!

Ông nghe xong, vẻ mặt trầm ngâm suy tư một tí rồi thốt:

– Dì nói… tui mới nhớ, cách đây khoảng ba tháng trước tôi nằm ngủ, trong chiêm bao… tui thấy một con rắn dài từ độ chừng ba, bốn thước nó cắn tay trái bên đeo đồng hồ của tui. Tui vẫy hết biết vẫy mà nó không sứt, bỗng nhiên con rắn nó nói: Tôi đòi nghiệp ông 100 năm về trước! Nghe nó nói như vậy thì tôi quá sợ, tôi vẫy thật mạnh thì con rắn mới văng ra xa, và tôi giật mình thức dậy.”

Sau đó, mụt ấy lớn dần dần, híp cả mắt bên trái, có màu đỏ như mồng gà, khô rang không chảy mủ máu chi hết. Ngày mồng 1 tháng 4 các con đưa ông vào Bệnh Viện Chợ Rẫy. Bác sĩ làm sinh thiết đồ được viện Paster cho biết kết quả là “Ung thư da ở giai đoạn 3”. Bác sĩ bó tay nên cho ông ra về vào ngày 13 – 4 – 1987.

Qua đó chúng ta nhận ra rằng không có cái gì từ trên trời rớt xuống cả, mà mọi thứ đều do nhân của thuở quá khứ mình đã gieo, như lời Cổ Đức từng khai thị:

“Nghiệp tạo rồi tuy đã bỏ quên,

Đúng giờ khắc tự nhiên nó đến.

Nghiệp lực rất mạnh vô bờ bến,

Ngàn muôn năm cũng chẳng mất đâu;

Giống nghiệp càng châm gốc rễ sâu,

Càng nảy nở dài lâu khó nhổ.

Nghiệp càng lắm càng nhiều đau khổ,

Vay cho nhiều phải trả lời nhiều;

Nợ hồng trần chẳng lúc nào tiêu,

Dây oan trái cứ đeo buộc mãi.

Năm tháng vấn vít trong khổ hải,

Kiếp đời lăn lộn mãi sông mê;

Đường Tây Phương bặt lối trở về,

Nẻo địa ngục vào ra mòn gót.

Chịu hành phạt đã không còn sót;

Cửa luân hồi chưa vượt khỏi qua;”

Phải mau tưởng niệm Di Đà,

Tin sâu nguyện thiết Liên tòa ắt lên!”

Tám giờ sáng ngày 14 – 4, lúc ông đi tới đi lui ngoài sân rồi xuống sông rửa tay, khi ông đi lên, cô con gái thứ Ba từ đằng xa nhìn thấy sắc diện và tướng trạng của ông có vẻ khác lạ, liền lao nhanh tới vịn ông, và kêu người nhà chạy ra tiếp, cùng dìu ông ngồi xuống nơi bàn thông thiên gần đó, đồng thời hộ niệm cho ông. Ông gục đầu xuống khoảng năm phút thì tỉnh lại, rồi ông cất tiếng niệm Phật lớn theo mọi người. Lát sau thấy ông đã khỏe, thân nhân bèn xúm nhau đưa vào nhà. Vào nhà ông nói với các con:

– Thôi bây giờ để cho ba phát nguyện ba ăn chay đi! Nếu mà nghiệp của ba hết thì cái quãng đời còn lại của ba… là ba cũng vừa lo tu vừa lo giúp đời; còn nếu mà ba chết, thì ba nguyện với Đức Phật gia hộ cho ba, khi ra đi ba biết trước ngày giờ vãng sanh về cõi Phật!

Các con ông rất hoan hỷ tán đồng, ủng hộ tâm nguyện trường trai của cha mình. Kể từ đó bệnh ông tăng dần, ăn uống mỗi lúc một kém lần. Đến ngày 25 tháng 4 ông không còn ăn cơm được, chỉ ăn bánh do con làm và một ít trái cây.

Một hôm ông nói với cô con gái thứ Ba là bệnh kỳ này chắc ông không qua khỏi. Bởi vì mấy chục năm trước ông cũng bị cơn bệnh nặng, mà lần đó ông nằm chiêm bao thấy Thầy, Thầy trị bệnh cho ông. Còn lần này cũng nằm chiêm bao gặp Thầy mà Thầy không có trị bệnh!

Bệnh tình diễn tiến ngày càng dữ dội và rất nhanh chóng, các con mới đề nghị mời chư đồng đạo đến hộ niệm, ông vô cùng hoan hỉ. Cuộc hộ niệm được khởi đầu từ ngày mùng một, liên tục kéo dài cho đến ngày ông mất là tròn hai tuần lễ.

Khi gặp các đồng tu đến hộ niệm ông rất vui vẻ chào hỏi. Có lần ông nói:

– Đồng đạo ơi! Rán hộ niệm tiếp tôi, cho cái nghiệp nó đừng có hành tôi đau nhức… Đồng đạo rán niệm Phật tiếp tôi, bởi vì Thầy nói: ‘Niệm chữ Di Đà tan chướng nghiệp’. Tôi đặt đức tin trọn vẹn nơi lời dạy này. Cho nên tôi niệm Phật và nhờ chư vị niệm Phật tiếp tôi!”

Thấy cái mụt đỏ ao, lớn híp cả mắt, cô Út Giềng mới hỏi ông:

– Anh Năm ơi! Anh có nghe đau nhức dữ dội gì không, anh Năm?

Ông đáp:

– Tôi tin tưởng Phật pháp nên tôi niệm Phật liên tục, nên không có đau nhức đó dì Út ơi! Khi tôi ngưng niệm Phật, tôi nghe nó có hơi đau thì tôi niệm liên tục, liên tục… Niệm như vậy thì thấy nó im. Với… đồng đạo niệm dội dội, tôi nghe tôi vui với tiếng Phật hiệu nên không nghe đau, không nghe nhức gì hết!

Đến ngày 11 tháng 4 nhuần năm 1987, ông nằm chiêm bao thấy mình đang ở bến phà Cần Thơ, có một chiếc xe mà những người trên đó mời ông lên đi, ông không chịu lên. Sau đó, ông giật mình tỉnh giấc.

Qua ngày 12 ông ngủ sớm, 7 giờ tối mọi người đang hộ niệm thì ông giật mình tỉnh giấc, ông kể lại với con ông rằng:

– Ba vừa nằm mơ ba thấy có một chiếc xe, có người trong xe nói là ba ngày nữa Đức Phật A-di-đà sẽ đến rước ba về cõi Phật. Vậy, con với đồng đạo thành tâm cầu nguyện cho ba… Và các con ở lại rán lo tu hành!

Mọi người nghe xong rất đỗi vui mừng. Cũng từ giờ phút đó tinh thần ông tươi tỉnh phấn chấn lạ thường. Ông không ăn uống gì cả chỉ dùng một ít nước trắng thấm giọng mà thôi, ông luôn luôn nhờ đồng đạo rán niệm Phật liên tục cho mình.

Sáng ngày 15 tháng 4 nhuần năm 1987, các con tắm rửa thay bộ y phục bà ba mới màu trắng cho ông. Khi mọi thứ đã xong, chư đồng tu vây quanh hộ niệm, vì có báo tin trước nên thân quyến và đồng đạo đến rất đông, đứng chật trong ngoài. Đúng 8 giờ ông an tường trút hơi thở cuối cùng. Ông hưởng thọ 68 tuổi.

Hộ niệm mãi tới chiều, khi nhập mạch các khớp xương mềm mại, đỉnh đầu ấm nóng, gương mặt hồng hào như người nằm ngủ!

Đến tuần thất thứ sáu, cô Ba nằm mộng thấy ông trong bộ đồ bà ba trắng, nhưng vóc dáng cao lớn vô cùng đẹp đẽ trang nghiêm. Ông nói chuyện Phật pháp cho cô nghe. Vì lúc còn sinh tiền mỗi khi rảnh rỗi ông cũng thường bàn luận đạo lý, chỉ dạy phương thức tu trì cho con mình. Sau cùng ông tóm kết lại rằng:

– Bây giờ con rán cố gắng hành đạo để sau này cha con mình sẽ gặp nhau ở cõi Cực Lạc.

Ông vừa nói dứt lời thì cô cũng liền tỉnh giấc, lòng ngập tràn niềm hỷ lạc vô biên.

(Thuật theo lời của cô con gái thứ Ba của ông và đồng đạo Út Giềng.)