CHUYỆN VÃNG SANH Ở VIỆT NAM
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập

60. LÊ THỊ CÚC (1932 – 1982, 50 tuổi)

“Út ơi! Bữa nay Út ở lại với tui một đêm đi. Chớ út đừng có về chùa làm chi, đặng sáng tui đi!”

Ai cũng ngỡ bà vì ao ước vãng sanh quá nên mới nói như vậy, chứ đâu có ngờ…

Bà Lê Thị Cúc sinh năm 1932, cư ngụ tại ấp Thới Bình, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ. Thân phụ là cụ ông Lê Văn Quởn; thân mẫu là cụ bà Mai Thị Lựu. Bà là con thứ bảy trong gia đình có mười anh em.

Khi lên 19 tuổi, bà kết hôn với ông Lưu Phước Hiền, tục danh là Ba Đực, sinh được bốn trai, bốn gái. Gia đình sống bằng nghề làm ruộng.

Lúc bà về làm dâu, do mẹ chồng mất sớm, cha chồng không tục huyền, em trai thứ Bảy của chồng mới 10 tuổi, nên bà phải nhận thêm trách nhiệm chăm sóc trẻ, mãi cho đến khi cậu Út này ăn học nên người. Về sau gia đình bà ra riêng, đến định cư tại chợ Thới Bình, và mở cửa tiệm buôn bán tạp hóa để tăng thêm thu nhập, nâng cao tiện nghi sinh hoạt gia đình.

Bà rất hiền hậu, điềm đạm, từ hòa… khi gia đình thân tộc hay lối xóm láng giềng hữu sự, nhất là lúc sanh nở ốm đau, bà đều tận tình tùy phần săn sóc giúp đỡ, nên bà được nhiều người quí mến.

Năm 42 tuổi (1974), thiện căn quá khứ chín muồi, bà giác ngộ Phật pháp, liền phát tâm trường trai chuyên tu pháp môn Tịnh Độ, ngày bốn thời lễ niệm. Bà nhận thấy hình tướng cũng phần nào giúp ích cho sự tu nên tất cả y phục bà đã thay đổi bằng những bộ vạc mẻ, và mỗi lần ngắm nhìn nó bà cảm nghe lòng mình dâng tràn niềm vui thích lạ thường! Các con của bà cũng lần lượt phát tâm tu theo, những mong sớm được giải thoát, vĩnh viễn ra khỏi vòng sinh tử luân hồi nghìn trùng thống khổ… Bà cũng thường đi chùa, viếng non nên quen biết bạn đạo rất đông. Các thiện tri thức cũng thường xuyên ghé nhà để trợ duyên khích lệ gia đình về Phật Pháp, trọng điểm vẫn là đạo lý căn bản “bổn phận làm người” của cư sĩ tại gia và nguyên tắc niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới.

Quanh vùng, khi có những bịnh nhân nào cần hộ niệm, bà thôi thúc các con tham gia. Ban ngày thì lo làm việc, tối đến chúng hăng hái tranh thủ cùng đi với chư đồng đạo. Nếu gặp ca hộ niệm nào mà gia đình nghèo, bà bảo con mang gạo theo để giúp đỡ họ.

Năm 1980 (bà 48 tuổi), xương sống của bà phát cơn đau nhức. Sau nhiều tháng thay thầy đổi thuốc, tiêm chích đủ thứ mà không thuyên giảm. Cuối cùng bà uống ba thang thuốc Nam của ông thầy ở Phú Tân, bịnh tình mới được tạm bình phục. Từ đó, bà thường xuyên sang phòng thuốc từ thiện của chùa Khánh Vân để chặt thuốc, và phơi thuốc hằng ngày.

Có lần bà bị bịnh, đến Bệnh Viện Đa Khoa An Giang, bác sĩ khám thấy bà thiếu máu trầm trọng, lại biết bà đang ăn chay nên đã đề nghị bà phải ăn mặn thì mới điều trị. Bà hỏi bác sĩ:

– Tui bị bịnh gì mà ăn mặn mới điều trị được, thưa bác sĩ?

Bác sĩ trả lời:

– Cô thiếu máu trầm trọng mà cô ăn tương, biết chừng nào đủ máu mà trị!

Bà nói:

– Nếu như vậy thì thôi để tui đi về!

Thế là bà ra về.

Vào cuối tháng 10 năm 1981, bà bị tai biến mạch máu não nên liệt nửa người bên phải. Gia đình đưa bà đi chích thuốc ở Long Xuyên mười ngày, dùng ghe tàu để chở, sáng đi thì chiều về, nhưng bịnh vẫn không tăng không giảm. Biết mệnh số đã an bày, bà vui vẻ nhận chịu, hoan hỷ trả nghiệp, chuyên lo niệm Phật để sớm vãng sanh Tây Phương. Lúc này, bạn đồng tu tấp nập ghé thăm. Các liên hữu cũng thường đến an ủi khuyến tấn. Nhờ tin sâu lý nhân quả, nghiệp báo nên mặc dù bịnh khổ hành hạ khốn đốn nhưng lúc nào bà cũng vui tươi, không bực bội cáu gắt, hay than trời oán người; thân tuy bệnh mà tâm không bệnh, lúc nào cũng nhớ nghĩ cái chết luôn luôn cận kề, và hành trang cần thiết là những gì mà mình cần cố gắng lo liệu cho được chu toàn để khỏi phải ân hận về sau:

“Thân nghiệp chướng chứa đầy bao bệnh khổ,

Đau chỗ nào cũng tột độ xốn xang.

Mãi hoành hành cứ dai dẳng suốt canh tràng,

Chưa chợp mắt mơ màng bỗng trời chợt sáng.

Một mai kia mạng căn khi đúng hạn,

Rời dương gian cùng bè bạn lẫn người thân.

Rồi đìu hiu quạnh quẻ chốn mộ phần,

Muôn ngàn thứ của thế trần đều bỏ lại.

Nên giác ngộ khá toan lo hối cải,

Thời gian qua như ngựa sải chẳng chờ ai.

Tỉnh đi thôi kiếp sinh tử mộng đêm dài!

Trì Phật hiệu để chờ ngày ngồi sen báu!”

Vào mỗi chiều tối chồng bà đi làm về, ông thường nói với các con:

– Bữa nào đi ruộng về… mệt thiệt!… Nhưng nhìn thấy má mầy vui vẻ, ba ăn cơm… ba thấy ngon; còn bữa nào đi về… mà thấy… má mầy nằm nhẹp lép như vậy ba buồn… ba ăn không vô!

Vì thế, mặc dù trong người có bức ngặt cỡ nào bà cũng canh chừng lúc ông chồng sắp về tới, là bà rán gắng gượng ngồi dậy vui vẻ nói chuyện để cho ông ăn được ngon miệng.

Đến ngày 13 tháng 2 năm 1982, tới giờ cơm sáng, bà không dùng và nói với các con rằng:

– Từ nay tới ba ngày nữa, thỉnh nước cúng cho má uống thôi, chớ má không ăn cơm. Uống nước cúng cho sạch sẽ đặng má về với Phật!

Mặc dù lúc đó bà vẫn còn ăn uống bình thường, dường như khi ăn thức ăn vào bà cảm thấy khó chịu. Đồng thời bà bảo các con mời chư đồng đạo đến cầu an và hộ niệm cho bà, liên tục ba đêm. Bà còn dặn con nên cho mấy cậu hay tin bà sắp mất, nhưng đừng cho dì Út biết. Chừng nào bà mất rồi mới báo cho dì biết. Con bà lấy làm lạ liền hỏi:

– Sao vậy má? Có hai chị em, dì Út thương má lắm mà! Sao má không cho dì Út hay?

Bà nhẹ nhàng giải thích rằng:

– Ừ! Bởi vì có hai chị em… Dì Út thương má lắm! Nếu cho dì hay… dì khóc lóc bịn rịn, má không có vãng sanh được. Đợi chừng nào má đi rồi, mới cho dì Út hay!

Chồng bà và các con đều làm y theo lời bà căn dặn.

Cầu an và hộ niệm được 2 ngày, đến ngày thứ 3 là ngày rằm. Chiều hôm đó, khi bắt đầu lễ nguyện cầu an thì bà đề nghị với liên hữu Út Giềng:

– Cô Út ơi! Đêm nay cô đừng có cầu an nữa… mà cô cầu siêu đi. Cầu siêu cho tôi mau được vãng sanh về cõi Cực Lạc. Chớ đừng có cầu an nữa!

***

Thông thường đối với bịnh nhân còn khỏe thì chỉ hộ niệm đầu hôm, đến khuya thì ai về nhà nấy, phần thời gian còn lại gia quyến tự bố trí lo liệu. Nên gần khuya, nhóm đồng đạo của cô Út Giềng ở chùa Khánh Vân chuẩn bị ra về, bà nói:

– Út ơi! Bữa nay Út ở với tui một đêm đi. Chớ Út đừng có về chùa làm chi, đặng sáng tui đi!

Bởi vì ai cũng ngỡ là bà ao ước vãng sanh quá nên mới nói như vậy cho vui thôi, chứ không ngờ rằng đó lại là sự thật! Cho nên cô Út vừa cười vừa đáp:

– Đi đâu mà đi! Mấy em còn ở đây… mà chị đi cái gì!

Thế là quý cô đồng hoan hỉ nhận lời, hôm đó cùng nhau ở lại nghỉ tại nhà của bà.

Đêm ấy, trong khi mọi người đang niệm Phật bà cũng niệm Phật theo, thỉnh thoảng bà la lên:

– Đi chỗ khác coi! Làm cái gì vậy!

Cô Út thấy thế liền lên tiếng gọi:

– Chị Ba! Chị Ba! Niệm Phật chị Ba!… Chị nói cái gì ạ?

Bà trả lời:

– Tui đang niệm Phật mà nó đem ba khía tới nó kêu tôi ăn. Tui đuổi, tui đạp nó đi chỗ khác… Mà nó kêu: Ăn! Ăn! Ăn!

Cô liền khuyên:

– Niệm Phật đi chị Ba! Chị niệm theo em, chị niệm lớn lên đi chị!

Bà bèn niệm Nam Mô A-di-đà Phật lớn theo mọi người. Lát sau bà cũng la đuổi nữa, vì bà thấy có một đám người mang thịt cá đến bảo bà ăn. Ban Hộ Niệm cũng lay tỉnh và bảo bà niệm Phật lớn lên. Từ đó đến sáng, tình trạng ấy đã lặp đi lặp lại vài lần như thế.

Sáng ra, bà nhờ các con thay đồ, mặc áo vạc mẻ cho mình. Xong xuôi, mọi người vây quanh hộ niệm cho bà.

Đến trưa thì liên hữu Ba Đô vô tới. Một, hai ngày trước chú có ghé thăm bà, khi cáo từ ra về chú ngậm ngùi nói:

– Thím Ba bịnh như vầy mà con không có ở đây được, con đã lỡ lãnh cắt lúa cho người ta rồi!

Hồi sáng này chú đang cắt lúa, sao nghe trong người nóng bức, trong lòng rất xốn xang bồi hồi. Chợt nhớ đến bà, chú bỏ cắt đi về, chạy xe riết vào thì vừa đúng 11 giờ, lúc đó bà quay sang chào hỏi chú, rồi nằm chắp tay, miệng nhép môi niệm Phật theo mọi người. Niệm đến 12 giờ thì bà nhẹ nhàng an tường vãng sanh, tay vẫn còn chắp giữa ngực. Nhằm ngày 16 tháng 2 năm 1982, bà hưởng dương 50 tuổi.

Hộ niệm thêm 8 giờ sau thì thấy các khớp xương đều mềm mại, gương mặt tươi đẹp hồng hào, đỉnh đầu ấm nóng trong khi các nơi đều lạnh.

(Thuật theo lời Lưu Thị Duyên, cô con gái thứ Tư của bà)