NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Phan Đối Phù
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Phan Đối Phù

Trước kia đại mộng chưa tỉnh, nên có xung đột, khôn ngăn hổ thẹn! Nay tỉnh mộng rồi, vốn chẳng muốn nói năng chi, nhưng sợ các hạ có chỗ chưa thấu tỏ nên phải bèn trình bày đại lược. Mạnh Tử nói: “Có tiếng tăm không ngờ tới, ắt sẽ bị cái vạ chê trách cầu toàn”. Mạnh Tử nói lời ấy hết sức xác đáng, nhưng chưa nêu rõ được nguyên do. Phật nói hết thảy lợi, suy, đề cao, hủy báng, khen ngợi, chê trách, khổ, vui, mỗi điều đều có tiền nhân nên hiện thời chịu quả. Hiểu rõ điều này thì chỉ nên tự sám hối túc nghiệp, hơi đâu oán trách người khác! Vì vậy, quân tử trên chẳng oán trời, dưới chẳng hờn người, hễ phú quý bèn sống theo phú quý, hễ bần tiện bèn sống theo bần tiện, hễ sống nơi mọi rợ bèn sống theo lối mọi rợ, gặp hoạn nạn bèn thuận theo hoạn nạn, được sủng ái bèn sợ, bị nhục chẳng oán, cảnh nghịch xảy đến bèn thuận theo, không gì chẳng tự tại tiêu dao!

Bài truyện ấy[1] viết vào năm Dân Quốc thứ mười ba (1924), ông ta ở công ty Duyệt Lai tại Thanh Đảo, gởi thư cho Quang, chứ quả thật chưa gởi tác phẩm đến, Quang cực lực chê trách, bảo ông ta hãy hủy bản cảo đi. Đến tháng Tư năm nay, ông ta đem cuốn Niên Phổ do mình soạn đưa cho Quang xem. Trong phần Niên Phổ năm Dân Quốc thứ mười ba (1924) có chép đoạn văn ấy. Quang xé nát bài truyện ấy, cực lực quở trách, bảo ông ta là người như thế nào mà lại tự soạn Niên Phổ, cớ sao lại bịa chuyện hãm Quang vào cái tội cực đại “đem phàm lạm thánh, miệt thị những bậc tri thức Tông, Giáo và những bậc hiền sĩ, đại phu trong thiên hạ”, bảo ông ta vĩnh viễn không được chép nữa! Đến tháng Tám, do thúc giục nhà in ấn loát bản Quán Âm Tụng, đến đất Thân (Thượng Hải), từ nơi chỗ bè bạn, trông thấy bản văn của ông ta được in dầu[2], Quang đem về xé đi. Khi ấy, ông ta cũng đang ở nhờ chùa Thái Bình, tôi bảo ông ta: “Ông xưng tụng Quang như thế này, thật còn hơn cầm dao giết Quang trăm ngàn vạn lần, chớ nên lưu truyền”, không ngờ bài ấy đã sớm gởi cho tờ Hải Triều Âm[3] đăng báo rồi!

Đến khi các hạ gởi bài tới, Quang vẫn cho rằng mới in chưa lâu, vẫn còn có thể thâu thập được, cho nên mới bảo Úy Như khuyên các hạ tận sức thiêu hủy, mới là yêu thương tôi thật sự. Lại bảo những tờ lâm san[4], nguyệt san của Thượng Hải Cư Sĩ Lâm, Tịnh Nghiệp Xã đăng bài thanh minh kẻo người không biết tưởng ông ta thuận theo ý Quang mà viết bài đó. Đến khi các hạ gởi thư tới mới biết chẳng thể thâu thập, bèn ngộ được sự lý của những lời Mạnh Tử, Tử Tư[5], Phật đã nói, trong tâm không còn bận lòng về chuyện ấy nữa. Ấy là do túc nghiệp sai khiến, chỉ có thể oán đời trước ít chịu vun bồi, hơi đâu oán ông ta tạo lời đồn đãi xằng bậy! Đối với hành động ấy của Mã Khế Tây, và đối với hết thảy cảnh trước, Quang đều chẳng bận lòng nghĩ đến, may ra trở lại được với thiên chân của chính mình, rốt cuộc chẳng thẹn với tâm mình thì nhân họa bèn được phước, thật là may mắn lắm!

Các hạ in truyện ấy tùy ý các hạ, đốt đi cũng tốt, vứt đi cũng xong. Nếu như lòng thật yêu thương tôi, xin hãy đem những lời tôi khuyên răn ông ta trình bày tóm tắt độ vài trăm chữ in vào phần giấy trắng ở mặt trong bìa sách, ngõ hầu người không biết khỏi bắt chước theo thì càng tốt, chứ hoàn toàn chẳng phải nhằm rửa sạch lời vu báng ấy để khỏi bị người khác thóa mạ. Vì sao? Người ta thóa mạ càng nhiều, Quang được lợi ích càng sâu, bởi Quang không tự làm, lại bị thóa mạ, bèn được tiêu nghiệp chướng, tăng phước huệ, như trong phần thứ mười sáu của kinh Kim Cang đã nói. Quang sắc lực suy nhược, bận rộn nhiều việc, đến nỗi công phu Tịnh nghiệp xao nhãng thật đáng thẹn. Do nhân duyên này, chẳng tu mà được lợi ích, may mắn nào hơn!

***

[1] Bài Ấn Quang Pháp Sư Truyện do Mã Khế Tây viết.

[2] Du ấn: Một lối in dùng mực pha dầu để in, ta thường gọi là quay ronéo.

[3] Hải Triều Âm là tờ tạp chí Phật giáo trứ danh do Thái Hư đại sư, Tưởng Tác Bảo, Trần Nguyên Bá, Hoàng Bảo Thương v.v… sáng lập. Thoạt đầu báo có tên là Giác Xã Tùng Thư, ra số đầu vào tháng 11 năm Dân Quốc thứ 7 (1918), cứ ba tháng ra một số, đăng tải những bài nghiên cứu và hoằng dương Phật pháp. Sau khi phát hành được năm kỳ bèn đổi thành nguyệt san và đổi tên là Hải Triều Âm. Tờ báo này hiện vẫn còn đang phát hành tại Đài Loan.

[4] Lâm san: Tạp chí của Cư Sĩ Lâm.

[5] Tử Tư chính là cháu của Khổng Tử, ông tên thật là Khổng Cấp. Tương truyền, Mạnh Tử học đạo với ông này.