NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Hoàng Trí Hải
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Hoàng Trí Hải

Nhận được thư biết ông tu trì nghiêm mật, mừng vui vô cùng. Người đã ngoài năm mươi tuổi lại thêm công chuyện đa đoan, chỉ tốt nhất là chuyên tu Tịnh nghiệp. Nếu cứ nghiên cứu tràn lan, sợ rằng chẳng thể thông suốt kinh luận, Tịnh nghiệp đâm ra trở thành chuyện phụ. Nói đến sự phân biệt giữa Tánh, Tâm và Ý, thì Tâm đa phần là ước theo Thể mà nói, Ý chính là niệm lự, tức là Dụng của Tâm. Tánh chính là luận trên phương diện bản thể không biến động của Tâm. Nếu nói chung chung thì Tâm và Tánh có thể dùng lẫn cho nhau, nhưng Ý thì chỉ có thể chỉ cho niệm lự mà thôi. Nhưng Tâm có Chân Tâm và Vọng Tâm. Nếu ước theo Thể thì Tâm chỉ Chân Tâm, Vọng Tâm cũng thuộc về niệm lự, tức là vọng niệm nơi Tâm Thể vậy. Bốn giáo Tạng, Thông, Biệt, Viên chính là Như Lai thuận theo căn cơ của chúng sanh nói ra những pháp phù hợp. Do có những nghĩa ấy nên ngài Trí Giả dựa theo ý nghĩa mà lập ra những tên gọi ấy.

1) Tạng Giáo là vì căn tánh Tiểu Thừa, nói ra ba tạng Kinh, Luật, Luận, do đó gọi là Tạng Giáo. Đại Thừa cũng có ba tạng, ở đây chỉ nói riêng về Tiểu Thừa.

2) Thông Giáo là Đại Thừa sơ môn, do căn tánh bất đồng, độn căn thông với Tạng Giáo ở trên, lợi căn thông với Biệt Giáo, Viên Giáo ở phần sau, nên gọi là Thông Giáo.

3) Biệt là khác biệt, giáo này là pháp để dạy riêng cho Bồ Tát. Tất cả giáo, lý, trí đoạn, hạnh, vị, nhân quả, mỗi mỗi đều khác biệt, chưa thể viên dung bao gồm lẫn nhau như Viên Giáo, nên gọi là Biệt Giáo.

4) Viên là viên mãn, viên dung. Do pháp nào cũng viên dung, pháp nào cũng trọn đủ, nên gọi là Viên Giáo. Giáo này là Phật pháp tối thượng, do đức Phật đem những lý chính mình đã ngộ, đã chứng, giảng cho hết thảy đại căn Bồ Tát. Hãy xem Giáo Quán Cương Tông[1] sẽ tự biết được nghĩa ấy. Nếu muốn dùng bút mực để trình bày rõ, chẳng những quá tốn công lại còn chẳng bằng xem sách ấy tự hiểu vậy.

Chúng sanh đời Mạt căn cơ mỏng ít, muốn được lợi ích chân thật nơi giáo nghĩa Thiền Tông hết sức khó khăn, chỉ có pháp môn Tịnh Độ là nương cậy được. Hãy thử xem cái chết của Hiển Ấm[2] kém xa những kẻ ngu phu, ngu phụ, những gì Hiển Ấm biết được, kẻ ngu phu, ngu phụ không sao mong bằng được, nhưng những gì kẻ ngu phu, ngu phụ đạt được, Hiển Ấm lại không sao mong bằng được. Chính là như Quang đã nói: “Tánh thủy lặng trong, do phân biệt bèn xao động, đục ngầu, sóng Thức bủa giăng, nhờ Phật hiệu bèn ngừng lặng”. Do vậy, thượng trí chẳng bằng hạ ngu, khéo quá biến thành vụng to. Xin cư sĩ hãy chuyên chí Tịnh nghiệp, đừng hâm mộ chuyện Tông thông, thuyết thông, ngõ hầu chuyện liễu sanh thoát tử chẳng bị biến thành bánh vẽ.

Ông Châu Đức Quảng ngày mồng Hai tháng Hai, ngồi niệm Phật qua đời, không có tâm tình bi luyến, vẻ mặt vui vẻ, ắt vào thẳng Liên Bang, làm đệ tử Phật Di Đà vậy! Năm ngoái, ông Châu sanh bệnh, phát nguyện dùng một vạn đồng mình đã để dành dùng làm điều thiện. Nhân đó, đem bảy ngàn đồng giao cho Quang, ba ngàn bốn trăm đồng dùng in Đại Sĩ Tụng một vạn bộ, một ngàn sáu trăm đồng in bộ Bất Khả Lục[3], hai ngàn đồng để in bộ Tăng Quảng Văn Sao mới san định xong, còn dư ba ngàn đồng làm những thiện sự khác. Bốn người con ông Châu đều không dư giả lắm, nhưng có thể đem tiền cha đã để dành vì cha làm công đức, chẳng chịu dùng tiền đó để tự mình xài, cũng đáng nói là đã làm được chuyện khó làm vậy!

Mong ông chuyên chí nơi Tịnh tông, đừng bị lay động bởi thuyết “thành Phật ngay nơi thân này” của Mật Tông. Thành Phật ngay trong thân đời này chính là Lý Tánh, chứ không phải là sự thật. Nếu hiểu là sự thật thì Tây Tạng, Đông Dương (Nhật Bản), Phật nhiều vô kể, đừng nói chi là hạng bình dân, ngay cả tâm hạnh, hành vi của Ban Thiền[4] còn chưa có phong thái của Phật, huống gì bảo là thành Phật được ư? Vì ông ta nhằm lúc dân không lẽ sống, vẫn chẳng biết tiếc thương xương máu của bá tánh, mặc tình bày vẽ hao phí, tiền lọt đến tay quý như tánh mạng, chẳng có mảy may ý niệm từ bi hỷ xả. Hiển Ấm tự khoe mình đắc chánh truyền nơi Mật Tông, bảo Phật pháp truyền sang Đông đến Trung Quốc, chỉ có mình giáo lý của Hoằng Pháp đại sư[5] là viên diệu, thường chê bai tổ sư các tông phái Trung Quốc, đều chê họ chẳng được chánh truyền như Hoằng Pháp đại sư, nhưng lúc chết rốt cuộc trở thành kẻ nghiệp thức mịt mờ, không có cội gốc gì để nương cậy. Ông ta đã thành Phật ngay nơi thân này, sao kết quả lại như thế? Mong ông hãy thấu hiểu thì may mắn lắm!

Tâm Bồ Tát ví như thái hư, không gì chẳng bao gồm, muốn lợi ích chúng sanh làm đủ mọi phương tiện, trước hết dùng Dục để lôi kéo, sau dạy họ nhập Phật trí, chớ nên dùng tri kiến phàm phu để suy lường xằng bậy, bởi các ngài đã chứng Pháp Nhẫn, trọn không còn Ta – Người, chỉ muốn nhiếp thọ hết thảy chúng sanh vào trong biển pháp đại giác của Như Lai. Nếu so lường, suy tính sẽ thuộc về tình kiến, chẳng thể ngầm khế hợp với đạo vô nhân ngã cho được! Nói các ngài bố thí đầu, mắt, tủy, não là thật, còn như nói bố thí kỹ nữ, thể nữ v.v… bất quá nhằm diễn tả rộng cái tâm Bồ Tát, chớ vì lời hại ý[6]. Nếu chấp chết vào từ ngữ để hiểu đoạn văn “kỹ nữ đầy khắp A Tăng Kỳ thế giới” thì sẽ an trí họ nơi đâu? Điều này nhằm hiển thị Bồ Tát trong ngoài đều bỏ được, trọn chẳng tham tiếc. Trong là đầu, mắt, tủy, não; ngoài là quốc thành, vợ, con, chẳng sanh tham đắm một pháp nào; vì thế, trong sanh tử riêng Ngài được giải thoát.

Những kẻ nhận bố thí, được nguyện lực của Bồ Tát nhiếp trì sẽ ngay trong lúc ấy hoặc vào đời sau không ai chẳng tự hưởng lợi ích liễu sanh thoát tử. Như vua Ca Lợi[7] cắt chặt thân thể [của Nhẫn Nhục tiên nhân], về sau thành người được độ đầu tiên tức ngài Kiều Trần Như. Tâm đại Bồ Đề lượng như thái hư sao có thể dùng tiểu tri tiểu kiến của phàm phu để dò lường cho được? Phải biết: Phàm phu chưa đắc Pháp Nhẫn trong tâm hãy nên kính mộ đạo Bồ Tát, nhưng hành động nên học theo những lý thông thường của phàm phu . Nếu không, bèn đối với việc trụ trì pháp đạo rất có thể bị phương ngại. Nếu chưa chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn tức là chưa trụ trì pháp đạo, cũng chẳng nên học theo những chuyện bỏ đầu, mắt, tủy, não v.v… của Bồ Tát, bởi sức mình chưa đủ, chẳng kham nhẫn chịu được, dù mình hay người đều không ích lợi gì. Phàm phu phải hành theo những gì mình có thể làm thì mới nên!

***

[1] Giáo Quán Cương Tông là tác phẩm của ngài Trí Húc Ngẫu Ích (1599-1655) soạn vào đời Minh, được xếp vào quyển 43 của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, trình bày đại lược những giáo nghĩa trọng yếu của tông Thiên Thai. Do nhận thấy cuốn Thiên Thai Tứ Giáo Nghi của tổ Trí Giả giảng về cách tu hành Chỉ Quán quá đại lược, nên Tổ soạn thêm cuốn này để xiển dương giáo nghĩa ấy.

[2] Hiển Ấm (1902-1925), người xứ Sùng Minh, tỉnh Giang Tô, tự là Đại Minh, đệ tử xuất gia của ngài Đế Nhàn, thiên tư thông mẫn, học thông Tam Tạng, giỏi nhất là về mặt từ chương. Năm Dân Quốc 12 (1923) cùng với Bao Thừa Chí qua Nhật Bản học Mật tông tại Thiên Đức viện ở núi Cao Dã, được truyền quán đảnh. Năm Dân Quốc 14 quay về Thượng Hải, Hàng Châu truyền thọ Mật pháp, nổi danh một thời, nhưng cũng thị tịch ngay trong năm ấy, chỉ thọ 24 tuổi

[3] Bất Khả Lục chính là bộ Thọ Khang Bảo Giám, nội dung khuyên nên tiết chế sắc dục, cũng như nêu những chuyện phước báo do biết chế ngự sắc dục, những ngày tháng nơi chỗ, dịp nào, vợ chồng không nên chung đụng để khỏi bị tổn hại v.v…

[4] Ban Thiền (Panchen Lama): là vị lãnh tụ tôn giáo đứng hàng thứ hai của Tây Tạng sau Đại Lai Lạt Ma. Khi Đại Lai Lạt Ma đời thứ năm (Ngawang Lobsang Gyatso) thống nhất Tây Tạng, ông đã phong cho thầy mình là Lobsang Chokyi Gyatsen tước vị Panchen Lama và truy tặng lên đến ba đời trước đó. Do vậy, Lobsang Chokyi Gyatsen được coi là Ban Thiền Lạt Ma đời thứ tư. Ban Thiền có nghĩa là “đại trí huệ, đại học giả”. Ông này được coi là hóa thân của vị đệ tử thứ tư (tức Kherabje) của tổ Tông Khách Ba (Tsong Khapa) thuộc Hoàng Giáo (Gelugpa) Tây Tạng. Vua Thuận Trị nhà Thanh phong cho Ban Thiền tước hiệu Bác Khắc Đa (Bác Khắc Đa là tiếng Mông Cổ, có nghĩa là Duệ Trí Anh Vũ). Đến đời Ban Thiền thứ năm, lại được Thanh Thánh Tổ (Khang Hy) phong thêm hiệu Ngạch Nhĩ Đức Ni (Erdeni), nghĩa là Quang Hiển. Ban Thiền thường được coi là hóa thân của Phật A Di Đà vì Đại Lai Lạt Ma thứ năm tự xưng là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát. Ban Thiền đời thứ chín do bất hòa với Đại Lai nên chạy sang Trung Quốc sống ở Bắc Kinh, đến năm 1935 theo lời mời của Đại Lai thứ 13 mới trở về Tây Tạng, nhưng mất trên đường về. Vị Ban Thiền được tổ Ấn Quang nhắc đến ở đây xét theo niên đại chính là vị Ban Thiền thứ chín.

[5] Hoằng Pháp đại sư (Kobo Dashi 774-835): Khai tổ Chân Ngôn Tông Nhật Bản. Sư xuất gia năm 12 tuổi tại Hòa Tuyền Trấn Vĩ Sơn Tự, pháp danh là Giáo Hải, sau đổi là Như Không, thọ Cụ Túc Giới ở chùa Đông Đại năm 14 tuổi, được đổi tên là Không Hải. Năm 15 tuổi, trong mộng từng cảm được kinh Đại Nhật, nhưng chưa giải ngộ. Năm 23 tuổi, vượt biển sang Trung Hoa, được thọ pháp Mật Tông nơi A-xà-lê Huệ Quả chùa Thanh Long, được quán đảnh làm A-xà-lê, mật hiệu Biến Chiếu Kim Cang. Năm Đại Đồng nguyên niên (806), Sư trở về Nhật Bản, giảng kinh Đại Nhật ở chùa Cửu Mễ thuộc Kinh Đô (Kyoto), cực lực hoằng dương Mật Tông, biện luận khuất phục các vị Đạo Hùng của Hoa Nghiêm Tông, Viên Chứng của Thiên Thai Tông nên được triều đình cho phép hoằng dương Mật Giáo rộng khắp nước Nhật. Ngài từng truyền thọ Mật pháp Kim Cang Giới cho các vị Tối Trừng (tổ dòng Thai Mật), Hòa Khí, Chân Cương v.v… Năm Hoằng Nhân thứ bảy (817), Sư được vua ban cho Cao Dã Sơn để kiến lập đạo tràng, được ban hiệu là Truyền Đăng pháp sư. Năm thứ 14, vua ban chiếu công nhận Cao Dã Sơn là đạo tràng vĩnh cửu của Mật Tông. Sư nhập diệt năm Thừa Hòa thứ hai (835), thọ 62 tuổi. Những trước tác quan trọng nhất Biện Hiển Mật Nhị Giáo Luận, Bí Tạng Bảo Thược, Thập Trụ Tâm Luận, Tức Thân Thành Phật Nghĩa, Thanh Tự Nghĩa, Hồng Tự Nghĩa, Bát Nhã Tâm Kinh Bí Kiện (những tác phẩm này được coi là cơ sở lý luận kinh điển cho Chân Ngôn Tông Nhật Bản), Phó Pháp Truyện, Ngự Di Cáo, Đại Tất Đàm Chương, Triện Lệ Vạn Tượng Danh Nghĩa, Văn Bút Nhãn Tâm Sao, Tánh Linh Tập v.v…

[6] Ý nói chớ hiểu lầm văn tự, đến nỗi không hiểu được ý nghĩa chân thật của kinh.

[7] Vua Ca Lợi (Kalingarā) là một vị vua trong kiếp quá khứ của Phật, đôi chỗ còn phiên âm là Yết Lợi Vương, Ca Lăng Già Vương, Yết Lăng Già Vương, hoặc Già Lam Phù Vương, hoặc dịch nghĩa là Đấu Tránh Vương, Ác Sanh Vương, Ác Thế Vương, Ác Thế Vô Đạo Vương. Thuở quá khứ, Phật là một vị tiên nhân tu Nhẫn Nhục, ông vua này ác nghịch vô đạo. Một hôm, vua rời cung du hành. Khi vua ngủ, các thị nữ bỏ đi chơi, gặp vị tiên nhân đang tọa thiền bèn ngồi lại nghe pháp. Vua tỉnh giấc, đi tìm, thấy vậy, ghen tức, sai người chặt chân tay tiên nhân. Tiên nhân vẫn không sân hận, lại còn thề khi thành Phật sẽ độ vua này trước. Vị tiên nhân khi ấy nay là Phật Thích Ca, vua Ca Lợi là ngài Kiều Trần Như.