CHUYỆN VÃNG SANH Ở VIỆT NAM
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập
05. LÊ HỮU LÂN (1940 – 2010) 70 Tuổi.
Ông Lê Hữu Lân sinh năm 1940, cư ngụ tại số nhà 215, tổ 7, ấp Tràng 1, phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Thân phụ là cụ ông Lê Văn Nhãn, thân mẫu là cụ bà Võ Thị Nhịn. Ông là người con thứ Ba trong gia đình có mười anh em.
Năm 16 tuổi ông ra Sài Gòn tìm việc làm kiếm tiền để gởi về nhà phụ giúp cha mẹ nuôi sống gia đình. Ông được người bà con giới thiệu vào làm công nhân cho một xưởng dệt ở tại đường Hậu Giang, quận 6. Thời gian sau đó ông được chủ xưởng dệt tín nhiệm, nên đã tạo điều kiện cho đi học lấy bằng lái xe để chuyển giao hàng khắp các nơi.
Năm 1969 do tai nạn lao động ông bị máy dệt cán lên bàn tay trái nên nghỉ việc ở công xưởng, ông quay trở về quê nhà làm nghề thợ bạc tại thị trấn Thốt Nốt. Nhưng làm nghề này chỉ trong thời gian ngắn thì ông chuyển sang thuê mặt bằng ở tại xóm để bán quán cà phê.
Năm 1973 ông làm tài xế cho đoàn hát Kiên Giang. Do nhân duyên này mà ông kết hôn với bà Khâu Xuân Mai, một nghệ sĩ của đoàn, sinh được hai cô con gái. Hai năm sau ông chuyển sang công tác cho đoàn gánh hát Tây Ninh. Bốn năm kế ông lại đến làm việc cho đoàn hát Cao Văn Lầu.
Năm 1983 ông quay về quê làm việc cho Hợp Tác Xã của xã Trung Nhứt, chuyên thu mua heo để phân phối thịt cho dân cư quanh vùng. Làm ở đây được ba năm thì ông xin nghỉ.
Năm 1988 ông sang làm việc cho ngành Giao Thông Đường Thủy, điều hành vận chuyển ghe tàu tại cầu thị trấn Thốt Nốt. Lúc này kinh tế gia đình gặp khó khăn, nên năm 1989 ông mang hết vợ con trở ra Sài Gòn ở nhà cha mẹ vợ để kinh doanh đại lý vé số kiến thiết tại đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3. Từ đó nghề nghiệp tương đối ổn định ông mua được nhà riêng cũng tại quận 3.
Khi tuổi gần lục tuần, các con học hành và làm ăn thành đạt, ông cảm thấy sức khỏe của mình bất ổn nên quay về quê cất nhà bên cạnh gia đình người em trai thứ Chín, với ý định hưu dưỡng ở độ tuổi xế chiều.
Năm 2001 đột nhiên ông bị bệnh khi đến bệnh viện thì phát hiện là bị ung thư tuyến tiền liệt, thân nhân đưa vào Bệnh Viện Bình Dân giải phẫu. Nằm ở đây hơn hai tuần thì xuất viện. Sức khỏe phục hồi không khả quan chi cho mấy.
Duyên may ông gặp được một vị thầy, mà thuở xưa là giáo sư của trường Thoại Ngọc Hầu, thành phố Long Xuyên. Vị này đã hướng dẫn ông trị bệnh theo phương pháp nhịn ăn. Trải qua gần hai tuần ngưng ăn, sau đó thể lực dần dần trở nên khang kiện.
Năm 2002 thấy ông rất thích khí hậu vùng cao nguyên nên các con đã mua hơn sáu mẫu đất thuộc huyện Di Linh để cho ông lập vườn và an nghỉ nơi đây.
Ông ở trên đó với một người làm công.
*****
Năm 2009 bệnh tái phát, ông phải vào Bệnh Viện Bình Dân để phẫu thuật. Lần mổ này là nội soi chứ không mổ hở như lần đầu. Ông nằm viện được vài tuần thì ra về. Từ đó bệnh trạng tiến triển ngày càng nhanh chóng.
Khoảng ba tháng sau, bệnh lại tái phát. Ông bèn điện thoại về nói chuyện với người em thứ Chín. Nói chuyện một hồi ông kết luận:
– Chiếc xuồng này nó hư hết rồi! Chắc anh phải cho nó chìm ở ngoài này quá!
– Ừ! Thôi… thì anh muốn chìm ở đâu… thì cứ cho nó chìm. Ở đâu cũng được mà!
Bởi vì ông xem xác thân của mình cũng giống y như chiếc ghe, chiếc xuồng. Khi chiếc ghe, chiếc xuồng đã sử dụng trải qua một thời gian khá lâu, thì tức nhiên nó phải hư rã mục nát không còn dùng xài được nữa, đương nhiên nước tràn vào nhiều quá thì phải chìm xuống mà thôi!
Khi bệnh phát tác dữ dội, từ Di Linh ông vào Sài Gòn, các bác sĩ ở Bệnh Viện Bình Dân đành phải bó tay vì đã ở vào giai đoạn cuối. Ông lại chuyển sang Bệnh Viên Y Học Dân Tộc điều trị mười ngày, thấy không thuyên giảm ông bèn xuất viện.
Một hôm ông gọi điện thoại cho chú Chín biết là ý ông muốn trở về quê. Chú Chín bèn ra Sài Gòn cùng đi với con gái của ông lên Di Linh để rước ông về. Lúc này bụng ông sưng to, và ông chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều nhờ người thân phụ giúp.
******
Xưa nay tính tình ông rất hiếu thuận, thương yêu lo lắng chăm sóc cho các em về vật chất cũng như tinh thần. Đối xử với mọi người luôn hài hòa, tốt bụng, tận tâm giúp đỡ người thân cũng như bè bạn nhất là về tiền bạc mà không hề xẻn tiếc, mặc dù ông chẳng giàu có gì lắm! Trải qua mấy mươi năm bon chen vật lộn với cuộc sống để tạo ra cơm áo gạo tiền nhưng đối với lý nhân quả tội phước ông luôn luôn hết lòng tin tưởng. Quả thật trong vô hình đã âm thầm khế hợp với lời dạy:
“ Thiện chẳng phải riêng dành nhà đạo,
Mà thiện ai muốn tạo cũng nên;
Liên Hoa có thiện được lên,
Dù người ấy chẳng mang tên đạo gì.
Mang tên đạo mà đi làm dữ,
Thua người lành chẳng ở phái chi;
Phật thành do tánh Từ Bi,
Phật không thành ở qui y bề ngoài.
Nên hành thiện dù ai cũng được,
Thật thiện tâm chớ chuốt ngoài môi,
Tấm lòng thiện ấy có rồi,
Thì là sẽ có chỗ ngồi Liên Hoa.
Rán ở thiện dù là nghèo khó,
Nên làm lành dù có nguy nan.
Nghèo hèn hay kẻ giàu sang,
Lành như nhau cả xóm làng đều vui.
Thương người cũng là đường của Phật,
Thương người nhiều là đức có nhiều;
Thương người thì họa sẽ tiêu.
Tình thương không có khó siêu Phật đài.
Thương càng rộng nạn tai càng nhẹ,
Tình thương là mẹ đẻ hòa bình;
Cho nên Phật gọi chúng sinh,
Hãy thương người thể như mình thương thân.
Con người tánh ngã nhân quá lớn,
Sống cho mình hơn sống cho ai;
Đó là bổn chất đời nay,
Vì tình thương giữa nhơn loài mất đi.
Nhơn loại khổ nhiều vì lẽ đó,
Còn khổ thêm nữa chớ giảm đâu.
Ngày nào người biết thương nhau,
Thì ngày đó mới khổ đau hết dần.
…Nếu ai cũng lòng nhân dạ thảo,
Sẽ đổi đời hung bạo ra hiền;
Chỗ nào cũng định cũng yên,
Người nào cũng được có điền có gia.
Cùng ở thảo người ta cùng sống,
Cùng làm hiền dân chúng cùng thương;
Thảo hiền cần phải chủ trương;
Để cho nhân loại có đường an vui.
Xã hội tốt nhờ điều nhân thiện,
Đời nhẹ nhàng do luyện đạo tâm;
Sống vui và chẳng lỗi lầm,
Do làm nhân thiện do cầm lòng tu.
Chớ để lợi danh mù lương thức,
Đừng cho tư tưởng thuốc nhân tình,
Nhơn sinh thì phải hiếu sinh,
Con người thì phải cho minh đạo người.
Không nên nói những lời phi nghĩa,
Không nên làm những lẽ bất nhân;
Đồng bào phải biết tương thân,
Nhân loài phải có tinh thần tương giao.
Lời phi nghĩa khiến nhau đoạn tuyệt
Lẽ bất nhân gây việc thảm sầu;
Nói làm tránh họa về sau,
Ấy là biết xét dài lâu cuộc đời.
Mình có lợi cho người có lợi,
Mình được vui cho mọi người vui;
Tất nhiên hòa được với người,
Sự dầu khó cũng sẽ rồi dễ đi.
Quá riêng lợi chung qui có hại,
Quá riêng vui rốt lại quá buồn;
Rốt đời thêm rối khó suông,
Việc hòa trái lại sanh luôn bất hòa.
Liên Hoa Phật phải là tánh Phật,
Tánh phàm không ngồi được tòa sen;
Rõ ràng như trắng với đen,
Mặc dù Phật chẳng sang hèn biệt phân.
Phật chẳng biệt phân, nhân quả biệt,
Nhân quả không một việc nào sai;
Nếu ai muốn ngự Liên đài,
Phải ôm lòng Phật chớ đai lòng phàm.
Bao nhiêu tấm lòng ham tài sắc,
Đổi ra lòng ham Phật Tây Phương;
Thân trần lòng Phật luôn vương,
Thì là cảnh Phật được nương không lầm.
Nhân nào quả nấy tâm nên nhớ,
Muốn tự do thì nợ phải xong;
Giống sanh tử chớ gieo trồng,
Nên trồng những giống ngoài vòng tử sanh.
Đọa một kiếp nầy thôi chớ nữa,
Vui sướng chi trong cửa ngục trần;
Phải mau tu để thoát thân,
Dịp lành bỏ mất ngục trần khó ra…”.
Gia đình ông từ lâu đời đã có truyền thống tín ngưỡng Phật giáo, mẹ ông là một Phật tử thuần thành dùng chay mỗi tháng mười ngày thường xuyên đến chùa Phước Long. Vả lại các em thứ Bảy, thứ Tám và thứ Mười đều xuất gia tu theo hệ phái Nguyên Thủy. Vì vậy tín hướng về mặt tâm linh ông cũng đang ráo riết chuẩn bị hành trang cho chuyến ra đi của cuối cuộc đời mình! Lúc ấy là đầu tháng 2 năm 2010.
Một tuần sau có người bạn lối xóm là ông Út Tấn ghé thăm. Qua một hồi chuyện trò trao đổi, người bạn này đề nghị ông nên quy y Tam Bảo, ông gật đầu đồng ý. Bạn ông liền đến Tịnh Thất Liên Hoa cung thỉnh thượng tọa Minh Nhãn và Minh Giác đến nhà làm lễ quy y, ông được pháp danh là Thiện Mẫn. Sau đó hai sư đã khai thị sơ lược về pháp môn Niệm Phật cho ông trước khi từ giã ra về. Kể từ đó ông phát tâm dùng trường chay cho đến ngày mãn phần.
Chiều lại, ông nói với chú Chín:
– Trong gia đình mình, chú Tám với cô Bảy, cô Mười thì tu theo Thiền phái hệ Nam Tông; còn chú với cô Út thì tu Tịnh Độ! Vậy thì bây giờ anh đi con đường nào… anh sẽ tu theo ai đây?
-Theo như em xét thấy: Tu môn Thiền là hoàn toàn tự lực, khó khăn lắm! Thân khỏe tâm an tu mới dễ, khỏe mạnh như em mà em tu còn không nổi, anh bệnh trầm trọng như vầy thì làm sao mà tu cho được!? Còn tu pháp môn Tịnh Độ, mình tin vào 48 lời thệ nguyện của Đức Phật A Di Đà, cố gắng niệm Phật cầu vãng sanh, thì ngoài tự lực ra còn có lực tiếp dẫn của Đức Từ Phụ A Di Đà, nên tương đối dễ dàng hơn Thiền tông rất nhiều!
Nghe xong ông mỉm cười, rồi gật đầu. Chú Chín nói thêm:
– Vậy thì mỗi ngày em vô niệm Phật với anh nghen!
– Ừ! Em rán tiếp sức cho anh!
*****
Gia đình chú Chín trực tiếp chăm sóc cho ông đầy đủ mọi thứ. Người cháu rể lo phần tắm rửa cho ông. Ông ăn rất ít các thức ăn đều phải cho vào máy nghiền trước.
Đức Minh con của chú Chín, thường gởi mail sang bên Úc nhờ chú Diệu Âm hướng dẫn về phương pháp hộ niệm, cách thức sám hối, điều giải oán thân trái chủ… nhất nhất đều tuân thủ thực hành.
Gia đình chú Chín theo sự hướng dẫn gián tiếp của cư sĩ Diệu Âm, nên đã sắp xếp lên chương trình hộ niệm cho ông bằng cách là giữ không gian thật yên tĩnh để cho ông tinh chuyên niệm Phật, không cho họ hàng thân thích hay biết rằng ông đang bệnh nặng; còn những người lối xóm lỡ như biết được nài nỉ vào thăm ông, thì chỉ cho hỏi vài ba câu rồi mời họ ra phòng khách.
Mỗi ngày hai buổi sáng tối, lúc 6 giờ chú Chín vào tụng kinh A Di Đà, ông nằm trên giường nương tụng theo. Ngoài ra còn thêm buổi chiều, khoảng 2 hoặc 3 giờ thì chú vào niệm Phật với ông. Trước khi niệm Phật chú hướng dẫn cho ông sám hối:
“Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần)
Đệ tử tên Lê Hữu Lân, pháp danh Thiện Mẫn.
Con xưa đã tạo bao ác nghiệp,
Đều do vô thỉ tham sân si.
Từ thân khẩu ý phát sanh ra,
Hết thảy con nay xin sám hối”.
Đọc cho ông đọc theo, rồi ngồi niệm Phật với ông khoảng ba mươi đến sáu mươi phút. Cuối cùng đọc bài văn phát nguyện:
-“Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần)
Đệ tử tên Lê Hữu Lân, pháp danh Thiện Mẫn. Nay con thành tâm nguyện xả báo thân này để được vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Ngưỡng mong Đức Phật từ bi thọ ký (3 lần)”.
Mặt khác, Đức Minh thường xuyên vào phòng, vừa xoa bóp vừa niệm Phật cho ông nghe.
Ngoài ra, những khoảng thời gian trống còn lại thì ông niệm Phật thầm theo máy suốt cả ngày đêm.
*****
Có những lúc cơn đau bứt ngặt dữ dội làm cho ông phải nhíu mặt nhăn mày, nhưng chưa từng thấy ông rên than hay bực bội, mà ông hoan hỷ trả nghiệp. Có lần cô Bảy nói với ông:
Khi đau nhiều quá, anh nên hướng tâm vào chỗ đau mà chí thành khẩn thiết niệm Nam Mô A Di Đà Phật, Nam MôA Di Đà Phật… thì nó tan biến ngay!
Từ đó ông y theo, cách thức ấy thực sự thu được lợi ích khả quan.
Mỗi lần trông thấy các em cháu vào phòng cùng niệm Phật với mình, ông vô cùng vui mừng, nỗi vui mừng lộ rõ trên khuôn mặt.
Kể từ khi biết được pháp môn Tịnh Độ ông chuyên tâm niệm Phật, rất ít nói chuyện, mọi người trong nhà thấy thế nên cũng tôn trọng thường giữ yên lặng chẳng dám hỏi gì. Mỗi lần cô Bảy, cô Út… hoặc em dâu vào phòng thường hay hỏi han này nọ, chẳng liên quan gì tới chuyện niệm Phật vãng sanh hết, như: “Anh có đau nhiều không? Anh có muốn ăn uống gì hay không?”…nên ông nói:
– Mấy cô cứ vô đây phỏng vấn tui hoài hà!… Chỉ có chú Chín mới tiếp lực cho tui mà thôi!
Vì những lúc chú Chín vào thì không có hỏi gì cả, chỉ một bề lo tụng kinh A Di Đà, sám hối, phát nguyện vãng sanh và niệm Phật cho đến chừng hết giờ công phu rồi đi ra.
Ngày mùng 9 tháng 4, chẳng biết đêm hôm ấy ông nằm chiêm bao thấy điềm gì mà sáng ra ông nhờ người thân mua mấy ký lô gam hành lá, đem giã nát rồi bó vào vùng bụng của ông (nơi sưng to). Bó xong, vài giờ sau ông đi cầu thật nhiều. Bó đến lần thứ ba thì bụng ông xẹp lép trở lại bình thường. Rồi ông gọi điện thoại nói chuyện với chú Tám, chú đang tu ở Thiền Viện Phước Sơn. Đại ý cuộc nói chuyện ấy là lời giã từ trước khi ông ra đi vĩnh viễn.
Chiều ngày 11 tháng 4 năm 2010, lúc 3 giờ ông nhờ chú Chín và cô Bảy dìu ông sang qua ngồi trên chiếc ghế dựa, rồi bảo lấy dây trói tay chân của ông lại, giống y như trói heo. Độ chừng hơn 20 phút sau ông nhờ tháo dây ra, rồi dìu ông qua nằm trên giường. Kế đó tiếp tục dùng dây trói tay chân như cũ. Cũng khoảng 20 phút mở dây ra. Cô Bảy bèn hỏi nhỏ:
– Bộ anh trả nghiệp hả?
Ông mỉm cười thay cho lời đáp. Ai cũng lấy làm lạ, nhưng rồi chẳng dám hỏi gì thêm. Vì lúc còn làm việc ở Hợp Tác Xã ông thường đi mua heo để phân phối thịt cho các nơi, mặc dù ông không trực tiếp giết mổ, chỉ lo đi chọn lựa thu mua mà thôi.
Sau đó ông nhờ người nhà mở máy điện thoại để ông nói lời từ giã với chú Tám
Đến 6 giờ tối thấy ông yếu nhiều, chú Chín đi mời chú Hai Quy đến cùng với gia đình mười mấy người vây quanh hộ niệm cho ông. Mấy ngày trước chú Hai cũng đã có đến niệm Phật với ông rồi, nên lần này chú Hai chỉ nhắc nhở ngắn gọn:
– … Bây giờ tui tới đây là tiếp sức niệm Phật với anh!… Anh ráng niệm Phật để cầu vãng sanh về Tây Phương thế giới, nghen anh Ba!
Rồi mọi người đồng niệm Phật với ông, một người cầm chân dung Đức Phật A Di Đà để trước mặt cho ông nhìn.
Niệm đến 10 giờ 50 phút khuya ông nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng. Trước khi ra đi ông đưa mắt nhìn mọi người, sau đó nhép môi rồi mới mất. Nhằm ngày 11 tháng 4 năm 2010, ông thọ 70 tuổi.
*****
Mọi người thay phiên nhau niệm Phật tới 6 giờ 30 phút sáng, thì thấy gương mặt của ông tươi tắn đẹp hơn lúc bình thời, các khớp xương đều mềm mại. Đặc biệt là toàn thân đều lạnh duy chỉ có đảnh đầu ấm nóng khá rõ. Chú Chín vui mừng đến đỗi hai hàng lệ bất giác tuôn chảy dầm dề. Mọi người ai cũng vui mừng, có nhiều vị cùng nhau vỗ tay làm kinh động những người hàng xóm nhà bên cạnh, vì thế nên họ sầm sì với nhau:
– Bộ ông Ba Lân sống lại hay sao mà cả nhà mừng vui dữ vậy cà!
* Sau khi hỏa táng, lúc đem hài cốt về. Chú Chín mới vừa đặt hũ sành lên bàn thờ, bỗng đâu có bốn, năm con chim se sẻ từ ngoài bay vào đậu trước mặt vừa nhảy vừa hót liên hồi, chú mới cười, nói với chúng:
– Mày cũng vui mừng nữa hả!?
* Bàn thông thiên trước nhà ông có mọc cây sồi, hai cành cây chìa ra hai bên bàn thông thiên. Kể từ khi ông mất có hai con chim lạ không biết là loại chim gì, thân hình nhỏ hơn chim sẻ một chút, đến đậu lên hai cành cây hai bên bàn thông thiên để ngủ. Mỗi sáng thì bay đi, chiều tối lại về. Đặc biệt là mọi người đứng kế sát bên nó, mà nó vẫn không sợ sệt gì cả! Qua 49 ngày thì không thấy chúng về nữa.
* Khoảng một tuần lễ sau ngày ông mất bỗng xuất hiện một mùi hương lạ, nơi giường ông nằm thơm ngát lan tỏa ra xung quanh, ra đến hàng rào sau hè, mỗi chiều thì từ 4, 5 giờ tới 9 giờ tối; còn sáng thì từ 4, 5 giờ tới 7 giờ. Mùi hương không giống với bất kỳ loại hoa nào. Ban đầu mọi người cứ đua nhau đi lục lạo kiếm tìm, nhưng tìm mãi cũng chẳng tìm ra được manh mối gì! Suốt 49 ngày hiện tượng này tự nhiên mất hẳn.
(Thuật theo lời Lê Hữu Đức, Hồ Thị Hai hai vợ chồng người em thứ Chín của ông)