NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Phạm Cổ Nông
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Phạm Cổ Nông

(thư thứ nhất)

Một pháp Tịnh Độ lấy ba pháp Tín – Nguyện – Hạnh làm Tông, chỉ khi nào có đủ lòng tin chân thành, nguyện khẩn thiết thì mới dốc sức thực hành. Khi họa hại bức bách khẩn thiết mới thành khẩn, còn lúc nhàn nhã vô sự bèn hoãn đãi, đấy là bệnh chung của phàm phu. Nhưng trong lúc này, tình hình đời đạo như đang nằm yên trên đống củi, phía dưới đã bốc lửa mạnh chưa đốt đến thân, nhưng nháy mắt bèn cháy bùng toàn thể, khắp pháp giới không trốn tránh vào đâu được, thế mà vẫn còn hờ hững, coi thường để ngày tháng trôi qua, chẳng thể chuyên chí cầu cứu nơi một câu Phật hiệu thì cái tri kiến ấy nông cạn quá sức vậy!

Tu trì trong các tông của Phật pháp ắt phải đạt đến chỗ hạnh khởi giải tuyệt mới có ích lợi thật sự, chứ chẳng riêng gì tu quán trong Tịnh tông là phải như vậy. Nhà Thiền lấy một câu thoại đầu không có ý nghĩa gì đặt vào trong tâm, coi như bổn mạng nguyên thần, chẳng kể ngày giờ thường luôn tham cứu câu ấy. Đến khi nào thân tâm, thế giới thảy đều chẳng biết, mới có thể đại triệt đại ngộ, chẳng phải là hạnh khởi giải tuyệt hay sao? Lục Tổ nói: “Chỉ xem kinh Kim Cang liền có thể minh tâm kiến tánh”, chẳng phải là hạnh khởi giải tuyệt hay sao? Ngu tôi cho rằng: Một chữ Khởi nên hiểu nghĩa là Cực, chỉ có ra sức đến cùng cực thì mới đạt đến Năng lẫn Sở cùng mất, nhất tâm hiển lộ triệt để. Hạnh nếu chưa cùng cực, dẫu có quán niệm vẫn là có Năng, có Sở. Toàn là phàm tình dụng sự, toàn là tri kiến phân biệt, toàn là tri giải, sao có thể đạt được lợi ích chân thật? Chỉ dùng sức đến cùng cực thì tình kiến Năng – Sở mới tiêu diệt, chân tâm vốn có mới hiển hiện. Vì thế, xưa kia có người đầu như gỗ khô[1], về sau đạo phong [của vị ấy] chói lọi cổ kim. Lợi ích đều chỉ ở một chữ Cực mà thôi!

Người đời nay đa phần bàn xuông, chẳng trọng thực tiễn, khuyên tu Tịnh nghiệp hãy nên nêu cả Lý lẫn Sự, nhưng cần nhất là phải lấy Sự làm phương cách tu trì, vì sao? Vì đối với người hiểu rõ Lý thì toàn Sự chính là Lý, suốt ngày Sự Trì chính là suốt ngày Lý Trì. Nếu chưa hiểu trọn vẹn Lý – Sự, vừa nghe đến Lý Trì liền cảm thấy nghĩa này thâm diệu, lại còn hợp với cái tánh lười nhác, biếng trễ, sợ trì niệm nhọc nhằn của mình, bèn chấp Lý phế Sự. Đã phế Sự thì Lý cũng chỉ thành bàn xuông. Mong các hạ đem cái lý “toàn Sự chính là Lý” của bậc viên ngộ khuyên hết thảy mọi người thì lợi ích lớn lao lắm!

(thư thứ hai)

Trung Ấm[2] là thức thần, không phải là thức thần biến thành Trung Ấm, thế tục thường gọi là “linh hồn” vậy. Như nói Trung Ấm cứ bảy ngày lại sống chết một lần, bốn mươi chín ngày bèn đầu thai v.v… chớ nên câu nệ, chấp trước. Nói đến sự sống chết của Trung Ấm chính là nói đến những tướng sanh diệt được hiện trong cái tâm vô minh của Trung Ấm; chẳng thể ngờ nghệch đem những tướng sanh tử của người đời để luận. Trung Ấm thọ sanh nếu nhanh thì như trong khoảng khảy ngón tay, liền vào trong tam đồ lục đạo; chậm thì bốn mươi chín ngày hoặc hơn bốn mươi chín ngày v.v…

Kẻ mới chết có thể cho người quen biết trông thấy trong ban ngày, ban tối, hoặc tiếp xúc cùng người khác, hoặc nói năng, chuyện này không phải chỉ Trung Ấm mới như vậy. Dẫu đã thọ sanh trong đường lành, nẻo ác, cũng vẫn có thể hiện hình trước người quen biết, thân thiết. Tuy điều này do ý niệm của chính người đó biến hiện, nhưng thực ra do những vị thần kỳ chủ trì quyền tạo hóa làm ra, ngõ hầu tỏ rõ con người chết đi thần minh bất diệt và quả báo thiện – ác chẳng dối vậy. Nếu không, người dương gian chẳng biết chuyện cõi âm, cái lý luận mù quáng “con người chết đi thân hình đã mục nát thì thần thức cũng phiêu tán” ắt sẽ được người đời xúm nhau phụ họa; người cả cõi đời bị hãm trong hầm sâu tà kiến “không nhân, không quả, không đời sau, hậu thế”, khiến cho người trông thấy điều thiện chẳng càng dè dặt, gắng sức tu đức, kẻ ác càng cùng hung cực ác muốn tạo ác! Tuy có lời Phật dạy, nhưng không có gì để chứng minh, ai chịu tin nhận? Do có những chuyện hiện hình cho thấy như thế, đủ chứng tỏ lời Phật nói không dối, quả báo phân minh, chẳng những người lành càng thêm hướng đến điều lành, mà tâm kẻ ác cũng bị những tình lý ấy chiết phục, cũng chẳng đến nỗi mười phần cạn tàu ráo máng. Thiên địa, quỷ thần muốn cho con người biết được điều này, nên mới có chuyện người chết hiện thân trong nhân gian, người cõi dương xử án chốn U Minh v.v…đều nhằm để phù trợ Phật pháp, giúp đỡ, khen ngợi trị đạo. Lý này rất vi tế, quan hệ rất lớn. Những chuyện này xưa nay được ghi chép rất nhiều, nhưng chưa thuật rõ quyền ấy do đâu cũng như chưa nêu lên mối quan hệ lợi ích của những chuyện ấy.

Trung Ấm tuy đã lìa thân xác, nhưng vẫn còn mang tình kiến thân xác như cũ. Đã có tình kiến thân xác, cố nhiên cần phải có cơm áo để đắp đổi. Do phàm phu nghiệp chướng sâu nặng, chẳng biết Ngũ Uẩn vốn không, không khác gì người thế gian. Nếu là bậc có đại trí huệ sẽ ngay trong lúc thoát xác không nơi nương dựa, Ngũ Uẩn trống không, các khổ bèn tiêu diệt, Nhất Chân hiển hiện, nên vạn đức trọn bày. Tuy cảnh giới ấy không nhất định phải giống nhau, nhưng chẳng ngại tùy tình kiến của mỗi người mà giúp đỡ cho. Như đốt áo giấy cho người chết, trong tâm người sống chỉ có ý nghĩ ban cho áo, tuy lớn, nhỏ, dài, ngắn làm sao vừa vặn, thích hợp cho được, nhưng do tình kiến của người sống và tình kiến của kẻ mất kia [tương ứng], nên [những áo ấy] đều vừa khít, thích hợp. Từ điều này có thể thấy được cái nghĩa lớn lao “hết thảy pháp chuyển biến theo tâm”. Sau khi chết đi, khi chưa thọ sanh trong sáu đường, thì gọi là Trung Ấm. Nếu đã thọ sanh trong lục đạo thì chẳng gọi là Trung Ấm. Những hồn dựa vào người khác để nói chuyện khổ, chuyện vui đều là tác dụng của thần thức.

Đầu thai ắt phải do Thần Thức hòa hợp với tinh huyết của cha mẹ, lúc thọ thai, Thần Thức đã trụ trong thai. Lúc sanh nở từng có trường hợp tận mắt thấy người ấy (tức người sẽ đầu thai làm con) đi vào nhà mẹ, vì lúc cha mẹ giao cấu đã có Thức khác thay thế thần thức của người ấy nhập thai. Đến lúc thành thai, Bổn Thức (tức Thức của người thật sự sẽ đầu thai làm con nhà ấy) đến, cái Thức thay thế mới ra đi. Sách Dục Hải Hồi Cuồng quyển ba, trang thứ mười hai, dòng tám, chín, mười, mười một, mười hai đã từng hỏi về chuyện này, nhưng lời đáp chưa trúng lý lắm! Quang bèn sửa cho đúng, hãy nên tra duyệt. Lời đáp nguyên thủy như sau: “Ví như trứng gà, có trứng có cồ, có trứng không có cồ. Khi chưa có thức gá vào thai giống như trứng chưa có cồ vậy!” Chẳng biết trứng không có cồ, dẫu đem cho gà ấp cũng chẳng thể nở, làm sao sánh ví cho được? Quang chỉ mong Lý được sáng tỏ, chẳng nề hà chuyện tiếm quyền, vượt phận, nên vì cư sĩ trình bày duyên do. Bà mẹ của sư Viên Trạch[3] mang thai ba năm chính là vì lẽ này. Đấy là luận theo lẽ thông thường.

Phải biết nghiệp lực của chúng sanh chẳng thể nghĩ bàn, như người Tịnh nghiệp đã thành, dẫu thân chưa chết nhưng thần thức đã hiện nơi Tịnh Độ; kẻ ác nghiệp sâu nặng, thân còn nằm trên giường bệnh nhưng thần thức đã bị xử phạt nơi U Minh. Mạng tuy chưa tận, Thức đã đầu thai. Đợi đến lúc sắp sanh, toàn phần tâm thức mới gieo vào trong thai ấy. Lý này cũng chẳng phải là hoàn toàn không có; nên thông thường, đa phần là có Thức thay thế để thọ thai vậy. Các pháp trong tam giới duy tâm sở hiện. Chúng sanh tuy mê, nhưng nghiệp lực của họ chẳng thể nghĩ bàn chính là do tâm lực chẳng thể nghĩ bàn, cũng là do thần thông đạo lực của chư Phật chẳng thể nghĩ bàn. Hơn mười năm gần đây, sức nhìn của Quang chẳng ra gì nên chẳng thể dẫn rộng kinh luận để làm chứng, nhưng cố nhiên lý ấy chẳng phải do Quang bịa ra nói mò để phải chuốc lấy tội lệ! Sanh tử là chuyện lớn của chúng sanh, nhân quả là phương tiện giáo hóa lớn lao, nguyện các hạ chẳng tiếc tướng lưỡi rộng dài dùng nhân quả báo ứng chuyển phiền não sanh tử thành sự trợ giúp cho Bồ Đề Niết Bàn thì pháp môn may lắm, chúng sanh may mắn lắm!

***

[1] Nguyên văn : Mộc đầu nhân, là một thành ngữ chỉ những người ngu độn, ương bướng.

[2] Còn gọi là Trung Hữu, là khoảng tồn tại trung gian sau khi đã chết, trước khi thọ sanh. Câu Xá Tông cho nhất định là có Trung Ấm, Thành Thật Tông bác quan điểm này. Còn Đại Thừa cho rằng Trung Ấm có hay không chẳng nhất định: Người cực thiện hay cực ác sẽ không có thân Trung Ấm vì sanh thẳng vào thân sau. Còn những người khác sẽ có thân Trung Ấm. Sách Đại Thừa Nghĩa Chương giảng: “Khi mạng báo đã hết, thì gọi là Vô Hữu. Sau khi sanh ra, trước khi chết đi thì gọi là Bổn Hữu. Giữa hai thân ấy thì hình dáng hiện trong cõi Âm gọi là Trung Hữu”.

[3] Viên Trạch: Trong lần khai thị tại pháp hội Tức Tai Hộ Quốc ở Thượng Hải, tổ Ấn Quang đã kể chuyện thiền sư Viên Trạch đời Ðường như thế này: Do cha của Lý Nguyên làm quan trấn thủ Ðông Ðô bị An Lộc Sơn làm phản, giết chết. Lý Nguyên chẳng muốn làm quan, bèn biến căn nhà mình ở Lạc Dương thành chùa Huệ Lâm, thỉnh Viên Trạch làm Hòa Thượng; Lý Nguyên cũng tu hành ngay tại đấy. Qua mấy năm, Lý Nguyên muốn triều bái Nga Mi, mời Viên Trạch cùng đi. Viên Trạch muốn đi theo đường Thiểm Tây, nhưng Lý Nguyên chẳng muốn đến kinh đô nên nhất định theo đường thủy Kinh Châu. Viên Trạch đã tự biết mình chẳng trở về được nên liền dặn dò hậu sự, rồi cùng Lý Nguyên ngồi thuyền đi. Thuyền bơi đến thượng du Kinh Châu, sắp gần đến Giáp Sơn, thế nước chảy xiết, chưa đến tối đã phải cắm thuyền. Chợt có một người đàn bà mặc quần gấm, ra kéo nước bên sông. Viên Trạch vừa trông thấy, hai mắt ứa lệ. Lý Nguyên hỏi nguyên do, Viên Trạch đáp: “Ta chẳng chịu đi theo đường này là vì sợ bà ta. Bà ta mang thai đã ba năm, chờ ta sanh làm con. Chẳng thấy bà ta còn có thể trốn lánh, chứ nay đã thấy, không cách nào không làm con bà ta được! Ông nên tụng chú, giúp ta mau sanh. Ðến ngày thứ ba, hãy đến nhà thăm ta. Ta trông thấy ông, cười một tiếng làm tin. Mười hai năm sau, đêm Rằm tháng Tám, đến bên bờ giếng Cát Hồng tại Thiên Trúc ở Hàng Châu gặp lại ta”. Nói xong, Viên Trạch tọa thoát. Bà nọ liền sanh con. Ngày thứ ba, Lý Nguyên đến thăm, đứa bé liền cười. Sau đấy, Lý Nguyên quay về chùa Huệ Lâm, thấy trong quyển kinh đã viết sẵn lời dự ngôn về hậu sự, càng thêm tin Sư Viên Trạch chẳng phải là thường nhân. Mười hai năm sau, Lý Nguyên đến Hàng Châu. Tới đêm Rằm tháng Tám, ông đến chỗ ước hẹn chờ đợi; chợt thấy bên sông có đứa bé trai chăn trâu, ngồi vắt vẻo trên lưng trâu, dùng roi gõ sừng trâu, hát:

Trên đá ba sinh, vẫn nguyên hồn

Ngâm gió, thưởng trăng lọ phải bàn

Thẹn thấy cố nhân tìm đến gặp

Thân này tuy khác, tánh thường còn.

Lý Nguyên nghe xong bèn đến chào hỏi. Hàn huyên xong xuôi, đứa bé lại đọc:

Thân trước, thân sau sự vấn vương

Bàn chuyện nhân duyên luống đoạn trường

Ngô Việt giang sơn chơi khắp cả.

Gác chèo mây khói, ẩn ao chuôm.

Rồi ruổi trâu đi mất.