CHUYỆN VÃNG SANH Ở VIỆT NAM
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập

41. Ông Đỗ Thanh Sơn (1959 – 2006)

Anh Đỗ Thanh Sơn sinh năm 1959, tại phường Mỹ Xuyên, Thành phố Long Xuyên. Cha tên Đỗ Văn Sét, mẹ là Trần Thị Chỉnh. Anh có tất cả là mười anh em và đứng hàng thứ Năm trong gia đình. Biệt hiệu là Năm Cao.

Khi đến tuổi trưởng thành, anh kết hôn với chị Hồ Thị Liên, sinh được bốn người con, hai trai, hai gái. Anh sống bằng nghề thợ mộc.

Anh có đức tính chân thật, nhẫn nhường, giàu lòng thương người, giúp người nên được mọi người thương mến.

Nhờ hấp thụ gương hạnh của thân phụ, năm 20 tuổi anh phát tâm trường chay, sớm chiều lễ Phật, nồng nhiệt tham gia các công tác từ thiện xã hội, bào chế Đông dược thành phẩm, biếu tặng khắp các nơi. Vợ con đồng chí hướng nên đã hỗ trợ, nung đúc anh thêm. Ngoài việc đích thân làm mẫu mực cho các con noi theo, anh còn khéo léo đem đạo lý để cư xử hài hòa êm đẹp, giảng giải tỏ tường:

– “…Khi mẹ giận, mẹ la rầy con. Biết chắc rằng, điều la rầy là không đúng nhưng con cũng không được cãi lại! Chờ dịp khác, từ từ trình bày sau…

…Còn đối với thầy thợ làm công cho nhà mình (con anh mở dịch vụ Quảng Cáo), mình đừng so đo tính toán quá. Lỡ làm hơn một buổi thì xem như một ngày, còn những trường hợp hơi vất vả, phải thêm tiền bồi dưỡng. Vấn đề tiền bạc, con nên rộng rãi, thoải mái một tí…

…Con không được có tư tưởng chủ – tớ. Phải tôn trọng người làm, xem nhau như bạn, những việc nặng nhọc phải nhảy vô tiếp giúp một tay!…”

Khi rỗi rãnh, anh thích đọc kinh sách lắm, nhất là quyển “Khuyến Thiện” và nhiều băng đĩa Phật Pháp khác. Những quyển sách hay, xem xong, anh đều đưa cho các con đọc qua.

Đường lối tu hành chủ yếu của anh là: “Cố chí làm lành” rồi “Chuyên niệm Phật” để “Cầu sanh Phật Quốc”. Thế nên, ngoài hai thời lễ niệm, anh đều nhiếp tâm trì câu Vạn Đức Hồng Danh trong mọi oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi…sao cho không gián đoạn vì e rằng, nếu cù cưa sẽ lỡ làng, uổng phí một kiếp người nên anh hạ quyết tâm như lời khai thị của Cổ Đức:

“Rõ cảnh mộng chớ quanh đường mộng,
Biết miền chơn, kịp chóng tu chơn.
Dần dà tính thiệt so hơn,
Tuổi xuân qua mất để hờn về sau.
Sáu chữ Phật cùng nhau gắng niệm,
Chín phẩm đài sẽ chiếm ngôi vinh.
Chớ nên mình phụ lấy mình,
Trách sao Viêm Chúa vô tình chẳng dung.
Bỏ điều ác thuận tùng nẻo thiện,
Chừa lỗi xưa, tu tiến đường sau.
Lại vì quyến thuộc bảo nhau,
Cùng khuyên già trẻ sớm mau tu trì.
Khiến mỗi kẻ đều quy bến giác,
Cho muôn người đồng thoát sông mê.
Dù trong lao khổ dám nề,
Đài sen đốt mảnh hương thề nguyền xin.
Nguyền xin quyết vững tin với Phật,
Nguyền từ nay khép chặt phòng thu.
Nguyền kiếp này gắng công phu,
Thân người dễ mất quả tu khó thành.
Âm thầm trì niệm đêm thanh,
Rõ rành từng chữ Hồng Danh nối liền.
Thân – tâm xả, hết muôn duyên,
Thế Tôn dành sẵn Kim Liên một tòa !.”

Có lần, anh nói với vợ:

– “Tui ráng làm, lo cho các con ăn học khôn lớn và có nghề nghiệp là tui nghỉ làm thợ, để lo làm việc từ thiện và chuyên niệm Phật đặng vãng sanh Cực Lạc. Hiện nay, mình còn sống đây, nếu chừng nào, biết mình sắp chết thì mình phải buông xuôi hết tất cả, để chuyên lo niệm Phật thì chắc chắn Phật đến rước!”

Sự công phu hành trì của anh đều đặn và bền bỉ như thế, suốt hai mươi năm. Vào khoảng tháng 2 năm 2006, anh bị nóng sốt, đưa đến bệnh viện Đại Học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh, bác sĩ chẩn đoán là “viêm gan siêu vi B” và còn cho biết là bệnh này khi bộc phát thì dễ bị hôn mê lắm.

Anh nói với vợ:

– “Người ta mà để hôn mê thì thất bại lắm! Mình phải ráng niệm Phật sao cho đừng hôn mê, nếu hôn mê là dở.”

Trong hai tuần điều trị tại bệnh viện, anh tha thiết niệm Phật thành tiếng, nghe rất rõ ràng rành rẽ. Lắm lúc, anh nóng sốt tựa hồ như đi vào trong trạng thái hôn mê, anh cố niệm lớn lên, cả phòng đều nghe.

Bữa nọ, anh kêu vợ lại nói:

– “Tui đang niệm Phật, mơ màng thấy chiếc xe Chữ Thập Đỏ, đậu ở cửa bệnh viện Đại Học Y Dược và có hai người tướng hình to lớn đến nói: “Chừng nào ông đi ra, ông lên xe này, chúng tôi rước ông”. Tui thầm nghĩ, nếu Phật đến rước thì phải có hào quang hay là hình Đức Phật, hoặc hoa sen trang nghiêm tử tế hiện tới. Còn mấy tên này làm như vậy, kỳ lạ quá! Tui càng tha thiết niệm Phật liên tục thì chúng mất, nhưng vừa mê mê thì thấy họ khiêng băng ca tới nói: “Chừng nữa, ông lên đây tụi tui rước ông!” Những khi mơ màng thì hiện những cảnh ấy nữa. Tui bèn phát nguyện: “Nam Mô A Di Đà Phật! Nam Mô Phật Tổ, Phật Thầy từ bi gia hộ cho con: Nếu con tới số thì nhờ Đức Phật A Di Đà đến rước con vãng sanh về Cực Lạc; Nếu con chưa tới số, nhờ Phật độ con hết bệnh, con về nhà, nghỉ nghề thợ mộc và nguyện hy sinh hết thân này, đi làm từ thiện xã hội, lo tu hành tạo phước đức cho đến khi nào đủ duyên, Phật đến rước con về Cực Lạc. Nam Mô A Di Đà Phật!” Nguyện xong, tui không còn thấy mấy người và chiếc xe đó nữa!”
Bệnh thì thấy không thuyên giảm, anh xin bác sĩ về nhà một tuần lễ, sau sẽ lên điều trị tiếp. Trên đường về, anh nói với vợ:

– “Nếu tui bỏ xác vãng sanh thì đem tui vô lò thiêu!”

Đến nhà, anh không tiếp khách, chỉ ở trong phòng chuyên tâm niệm Phật, đúng bảy ngày.

Ngày 14 tháng 4 năm 2006 buổi sáng, thấy anh yếu dần, đồng đạo và thân quyến xúm lại hộ niệm. Anh yêu cầu khi niệm, chỉ một người niệm, số còn lại lặng lòng lắng nghe. Phải niệm thật chậm, niệm từ chữ, từ câu cho anh niệm theo.

Hộ niệm đến 2 giờ chiều, anh nhẹ nhàng nương câu Phật hiệu mà qua đời. Anh hưởng dương 47 tuổi. Gia đình y theo lời dặn, đưa nhục thân anh vào lò thiêu Phú Hòa.

Trong giây phút hộ niệm cho anh, cô con gái thứ Ba (Ngọc Thư), xưa nay cô có lập trường nguyện tu hạnh giải thoát, dù không mang hình thức người tu, cô mong mỏi Ba mình chắc chắn được vãng sanh và nhứt định phải báo cho mình một điềm lành nào đó, để mình an tâm giữ vững đường hướng mà mình đã chọn. Câu niệm Phật của cô cứ vương vấn niềm cầu mong, trộn lẫn lòng chí thành tha thiết. Ngay phút giây anh lìa trần, bỗng xuất hiện một luồng gió thơm mùi hương lạ, từ trong phòng phát ra, phất nhẹ qua mặt cô, làm cho cô tỉnh sáng, tâm ý an định, nỗi hoài mong được lời giải đáp, lòng tràn đầy vui sướng, tâm hồn thơ thới lâng lâng.

Trong khi chờ đợi thiêu hóa hài cốt, thì người chị thứ Ba đến nói:

– “Trước đây chị có nghe người ta nói, người nào tu hành niệm Phật chính chắn khi bỏ xác, thiêu sẽ có Xá Lợi. Còn chú Năm ăn chay cũng lâu và khi bệnh cũng tha thiết niệm Phật, vậy hãy vô lò thiêu kiếm Xá Lợi, chớ bỏ uổng lắm!”

Nghe vậy, con cháu anh vô lò thiêu thì lúc ấy, nhân viên lò thiêu đưa ra, thấy xương thì màu trắng nhưng có nhiều cục to, nhỏ, đen, xám khác lạ. Thấy vậy, con cháu anh nhặt khoảng hai mươi viên, đem về để trên bàn thờ của anh. Những viên đó khi ánh nắng rọi đến thì phản chiếu ra nhiều màu sắc.

Thời gian sau, có những Sư Cô từ Canađa về, nghe tin ghé viếng, quí Ni hết lòng trân trọng và cung kính bưng những hạt Xá Lợi ấy, quỳ xuống để trên đầu vái:
– “Ngài ơi! Ngài độ cho con tu hành giống như Ngài!”

Vợ con anh nghe thấy quí Sư Cô thành kính nguyện vái như vậy, ai nấy đều rùng mình cảm kính.

(Thuật theo lời chị Năm: Hồ Thị Liên và con trai của anh)