NGŨ PHƯỚC LÂM MÔN
Tác giả: Trần Bá Đạt
Dịch giả: Thích Thiện Phước
CHƯƠNG III: PHÚ QUÝ
NGUỒN GỐC CỦA PHÚ QUÝ.
I. THỰC NGHĨA CỦA CÂU “SỐNG CHẾT CÓ MẠNG, GIÀU SANG BỞI TRỜI”.
Có người chỉ được trường thọ mà kém phước báo, tuy được sống lâu nhưng ngày tháng rồi cũng lần lượt qua mau! Tại sao trên đời này có những sự khác biệt như có người chỉ có thọ mạng lâu dài nhưng lại thiếu cảnh giàu sang, có người giàu sang và trường thọ đều đầy đủ? “Sống chết có mạng, giàu sang bởi trời”, câu này ngụ ý khuyên ta rằng: “Phàm làm việc gì thì trong lòng phải cởi mở, không nên chuyên tâm dốc ý vào việc truy tìm phú quý và trường thọ. Nhân vì phú quý và trường thọ là những điều không phải do ta miễn cưỡng cầu mong mà có được”. Các bạn lại càng không nên cho thọ mạng là một định số. Thọ mạng hoàn toàn nằm trong tay sinh sát của Thượng đế. Thật ra thì mạng sống con người dài hay ngắn đều do tâm từ bi và nghiệp sát ở đời quá khứ hoặc hiện tại quyết định. Nếu sự thật đã như thế thì ngay từ bây giờ, chúng ta nên vận dụng phương cách phóng sanh và phát lòng từ bi thì có thể chuyển biến được thọ mạng.
Thế nên chúng ta muốn biết mạng sống dài hay ngắn thì điều kiện tốt nhất là phải hiểu lý nhân quả. Dựa vào nhân và quả để giải thích câu “Sanh tử có mạng”, so ra nếu giải thích là “định số” thì vừa được thỏa đáng lại vừa chính xác. Hay nói cách khác, thọ mạng dài hay ngắn đều có liên quan đến vấn đề nhân quả, không phải là chuyện không có trong cuộc sống của chúng ta.
Tương tự như thế, câu “Phú quý bởi trời”, ta không nên hiểu rằng sự giàu sang của con người là do trời ban cho hay có người cho rằng giàu sang thật là do trời phú. Vậy chúng ta hãy cầu trời để trời ban cho giàu sang. Thật ra thì sự giàu sang của chúng ta hiện đời nay có được là do tâm cung kính và việc làm bố thí ở đời hiện tại hoặc quá khứ mà cảm vời ra. Thế nên, nếu chúng ta muốn được giàu sang thì ngay từ bây giờ phải gieo hạt giống cung kính, khiêm nhường và bố thí. Đã rõ được nhân, lại cộng thêm sự nỗ lực của chính mình tức là trợ duyên thì nhất định sẽ được quả giàu sang. Quả nghĩa là trái hoặc là quả báo vậy! hế nên, câu “
Phú quý do trời”, chúng ta phải hiểu là thuận theo lẽ trời tức là gieo trồng thiện nhân thì hợp lý hơn.
II. HAI TRẠNG THÁI PHÚ QUÝ:
Giàu sang có hai loại: Giàu sang tương đối và giàu sang tuyệt đối. Người có của cải nhiều nhất ở trong thiên hạ, địa vị sánh với bậc vương hầu, đó là hạng giàu sang tương đối. Còn người được thân tâm tự tại thanh tịnh là hạng giàu sang tuyệt đối. Loại thứ nhất là cái vui có sở đắc. Loại thứ hai là cái vui không có sở đắc. Loại thứ nhất là cái vui hỗn tạp và ngắn ngủi. Loại thứ hai là cái vui thuần túy và lâu dài.
Tục ngữ có câu “Nhân tỉ nhân, khí tử nhân” (cùng là con người, nhưng người thì gặp vận may, kẻ thì gặp vận rủi), ý nói không thể so sánh người này với người kia. Nếu đem sự giàu sang ra so sánh thì liền sinh ra phiền não, nhân vì một khi trong tâm khởi ý niệm so sánh thì liền tạo thành cạnh tranh, chấp ngã rồi sanh lòng tự ti và kiêu mạn. Người bình dân mà đi sánh với vua chúa thì sự giàu sang ấy cách rất xa. Vua chúa sánh với trời thì lại cảm đến tính tự ti và nhỏ bé.
Phật dạy: “Giá trị ở cõi trời hơn cõi diêm phù đề này. Sự đẹp đẽ vi diệu ở cõi trời lại càng vượt hơn trăm ngàn món vui của những bậc đế vương tại nhân gian”.
Thế nên, sự mong cầu giàu sang chỉ là việc tốn công nhọc sức, chi bằng ta vui lòng chấp nhận những gì mình sẵn có, tùy theo cảnh ngộ mà vẫn an vui, biết đủ và thường tự tại trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta bàn luận về phú quý cốt là để xiển minh phần trợ duyên và nguyên nhân, nhưng điều căn bản nhất của phú quý là dạy mọi người phải gieo trồng nhiều chánh nhân bố thí mà không cần phải tham cầu quả báo hay sự hưởng thụ cảnh phú quý.
Thật ra chỉ cần biết được lẽ thật của nó thì liền được khoái lạc, đến như tiêu dùng những tài vật đều không phải là việc trọng yếu. Chúng ta hy vọng chúng sanh khắp nơi đều không vì hưởng thụ những tài vật không giống nhau mà sanh lòng phiền muộn, đồng thời cũng mong mỏi rằng chúng sanh không vì hưởng thụ tài vật không được thoải mái mà ảnh hưởng đến tâm hồn cao thượng; hoặc giả nhân vì kém thiếu vật chất mà trong tâm bấn loạn đôn đáo chạy chọt tìm tòi, không giây phút nào an ổn để tu hành đạo nghiệp; lại cũng không vì cảnh nghèo khó mà làm cản trở việc rèn luyện tâm trí mình và làm trở ngại lòng bi nguyện cứu độ chúng sanh.
III. CHÁNH NHÂN VÀ SỰ TRỢ DUYÊN CỦA GIÀU SANG:
Nguyên nhân chính để được giàu sang là thí xả tiền tài và vật chất cho những người nghèo đói khổ sở, còn đem thân mạng ra để làm việc đó thì chẳng qua là một loại trợ duyên để được giàu sang mà thôi!.
Giả như có người ở đời quá khứ không làm việc bố thí mà đời nay lại nỗ lực làm việc để kiếm tiền thì cũng kiếm không ra tiền, hoặc dù có tiền thì cũng không có phương thế nào giữ gìn được, sớm muộn gì cũng thất thoát!.
Trong cuộc sống hàng ngày, ta từng chứng kiến rất nhiều thương nhân chuyên kinh doanh buôn bán, mưu tính đủ cách cốt để kiếm tiền cho nhiều, thậm chí còn tiết kiệm đến mức không dám bỏ ra vài ngàn cho người ăn mày hay vào quán uống một ly nước. Họ cứ mãi mê lo mưu toan trên con đường danh lợi đễn nỗi không có thời gian để nghỉ ngơi ăn uống, thậm chí vài ngày mới tắm một lần. Thế nhưng, rốt cuộc bị nợ nần ràng buộc và tù tội bủa vây, nhà cửa thì thuê mướn khắp nơi, thật là “phận nghèo đi đến xứ mô cũng nghèo”. Đúng là “Thời vậy, vận vậy, mạng vậy!”. Đây là nhân vì kiếp trước, ta không có bố thí, lại không gieo trồng chánh nhân giàu sang, cho nên mới khổ sở như thế ! Tuy là đời nay dang thân ra để làm lụng mưu toan lời lỗ, nhưng khi quay đầu tỏ ngộ nhìn lại thì mình đã là người cùng quẩn, sống lăn lóc cho qua ngày. Thật đáng thương thay! Vì thế, người xưa có câu: “Đại phú do thiên, tiểu phú do kiệm” (giàu to do trời, khấm khá do kiệm). Cũng có một số người cho rằng làm không ra tiền là do chọn lầm nghề, vận khí không tốt, phương pháp không đúng…, nhưng thật ra thì những nhân tố này chỉ là phần trợ duyên của sự giàu sang, chứ không phải là nguyên nhân trọng yếu.
Vậy nguyên nhân căn bản của sự giàu sang chính là sự bố thí; còn nguyên nhân để được ngôi vị tôn quý là do ta lễ bái mười phương thánh hiền, cung kính tất cả chúng sanh, cam chịu những cảnh thuận nghịch và có tâm khiêm hạ, chứ không phải do thủ đoạn, đút lót hoặc chạy chọt tìm tòi mà có được. Người gặp được nhân duyên tốt, hoàn cảnh thuận lợi cộng thêm sự năng nổ trong công việc, hoặc được người khác đề bạt đều là dấu hiệu và phần trợ duyên của sự tôn quý, chứ không phải là nguyên nhân chính yếu.
Trên thế gian vẫn còn có rất nhiều người mới sanh ra cũng có tài sản vô số, ví như con của Thạch Du đại vương mới sanh ra mà đã có vô số tiền tài vật chất. Theo vương triều xưa, khi Thái tử mới sanh ra thì địa vị rất tôn quý. Họ không cần phải phí sức tìm tòi mà vẫn thản nhiên có được sự giàu sang tột bậc. Vậy thì ở những trường hợp này, ta phải trả lời và giải thích như thế nào ? Nếu chẳng phải là do phước báo của họ đã gieo trồng từ những kiếp trước thì đó là gì ?
IV. PHƯỚC BÁO VÀ NGHIỆP LỰC:
Kinh “Tạp Bảo Tạng” chép: “Vua Ba Tư Nặc có một nàng công chúa tên là Thiện Quang. Nhân vì nàng ấy không những nết na thùy mị đoan chính, lại còn thông minh lanh lợi. Thế nên, ai ai trong hoàng cung cũng đều kính yêu nàng.
Một hôm, vua Ba Tư Nặc gọi Thiện Quang đến và hỏi rằng: “Con vì nhờ vào uy đức của cha nên được mọi người kính chuộng, phải không?
Công chúa Thiện Quang đáp: “Dạ bẩm phụ hoàng, đấy là do nghiệp lực của chính con đã gây tạo từ kiếp trước, chứ không phải nhờ vào oai đức của cha đâu!”.
Vua Ba Tư Nặc liên tục hỏi ba lần như thế, công chúa Thiện Quang cũng đều trả lời như trên. Thế là vua Ba Tư Nặc đùng đùng nổi giận, bèn đem gả nàng cho một người cùng đinh khốn khó. Vua lại bảo cô ta rằng: “Để ta thử xem phước báo nghiệp lực của ngươi cỡ nào!”.
Kể từ khi công chúa Thiện Quang bị vua cha đem gả cho người bần cùng, nàng không bao giờ mủi lòng trách cứ. Một hôm, Thiện Quang bèn hỏi chồng mình rằng: “Cha mẹ của anh là người thế nào?”.
Chồng cô đáp: “Phụ thân tôi đã từng là người có danh vọng, tiền bạc bậc nhất ở thành Xá Vệ. Nhân vì sau khi ông chết đi, vận nhà trở nên tan hoang, tiền bạc chỉ còn hai bàn tay trắng”.
Sau đó, công chúa Thiện Quang bèn cùng đi với chồng đến nền nhà cũ, vô tình đào đất gặp được một kho vàng thật đồ sộ. Kể từ đó, hai vợ chồng trở thành đại phú hộ. Mấy tháng sau, những lầu gác, cung điện được xây dựng lên và trang hoàng lộng lẫy, lại còn rước rất nhiều nô tì hầu hạ.
Chuyện này chẳng mấy chốc đồn đến tai vua Ba Tư Nặc. Nhà vua vô cùng kinh ngạc. Thế là ông bèn đi đến Đức Thế Tôn để thỉnh giáo.
Phật dạy: “Trong kiếp quá khứ, vào thời Đức Phật Ca Diếp, có một người phụ nữ muốn sắm sửa thức ăn ngon để cúng dường Phật Ca Diếp, không ngờ chồng của cô biết được, bèn ngăn cản. Người phụ nữ ấy nói: “Thiếp đã phát nguyện rồi, xin chàng đừng làm thiếp thối tâm!”. Chồng của cô thấy ý chí kiên định của vợ mình như thế nên đành phải gượng gạo mà bằng lòng. Thế là người phụ nữ kia nhân đây mà được thuận lợi cúng dường Phật Ca Diếp. Người phụ nữ ấy chính là công chúa Thiện Quang, còn người chồng kia là anh bần cùng ngày hôm nay vậy! Nhân vì đời quá khứ đã từng làm nhiễu loạn, ngăn cản thiện niệm của vợ nên rất nhiều đời về sau luôn chịu sống trong cảnh bần cùng khốn khổ. Tuy nhiên, nhân vì về sau anh ta lại nhận lời cho vợ đi bố thí cúng dường một bậc thánh giả, cho nên đời nay nương vào phước của vợ mà được giàu có”.
V. NGƯỜI NGHÈO KHÓ CŨNG NHÂN BỐTHÍ MÀ ĐƯỢC PHƯỚC:
Sự giàu sang tột bậc là do quả báo của hạt giống bố thí tài vật và tâm cung kính mà chiêu cảm đến. Tuy nhiên, phước báo lớn hay nhỏ hoàn toàn tùy thuộc vào sự quyết định của bốn nhân tố sau:
1. Đồ vật bố thí.
2. Đối tượng bố thí.
3. Tâm địa bố thí.
4. Thời gian bố thí.
Kinh “Bốn Mươi Hai Chương” chép: “Bần cùng bố thí nan” (nghèo túng bố thí là chuyện khó). Nói đến bần cùng, có hai cách giải thích như sau:
1. Là nói người không có phước báo gọi là “bần”, người không có trí tuệ thì gọi là “ cùng”. Bởi người không có phước báo thì không thể bố thí tiền của, còn người không có trí tuệ thì rất khó bố thí chân lý (pháp).
2. Là nói người không có tài sản thì gọi là “bần”. Không có y phục, đồ ăn thức uống thì gọi là “cùng”. Vì người bần cùng không có đồ vật tốt để thí xả, cho nên nói họ khó thực hiện được hành vi bố thí. Nếu nói theo phương diện khác, nhân vì họ kém thiếu tài vật mà lại sẵn lòng bố thí, nhưng cũng khó có thể được giàu sang.
Thật ra, ai ai cũng có thể bố thí, ngay cả người rất bần cùng túng thiếu cũng có cơ hội và năng lực để bố thí. Ví như mỗi lần trước khi ăn cơm, ta có thể đem một vài hạt bố thí cho các loài động vật nhỏ hoặc mời người uống một bát nước mát. Chỉ một việc nhỏ nhoi vậy thôi thì đâu cần phải tốn tiền. Thế nên, bố thí là điều mà ai ai cũng cần phải có. Người vượt lên trên mọi sự nghèo khó của chính mình để phát tâm bố thí thì một ngày nào đó chính họ sẽ thoát ly ra khỏi biển khổ nghèo nàn. Nếu ta tự ti cho rằng mình bần cùng, không có gì để bố thí thì đời đời kiếp kiếp ta sẽ không thoát ra được chiếc áo giáp khốn quẩn bao bọc quanh ta và cũng rất khó có cơ hội để thay đổi thân phận và ngóc đầu lên được.
Người đang sống trong cảnh bần cùng mà phát tâm bố thí thì đó là một hành vi vô cùng cao thượng, công đức không gì sánh bằng. Nhân vì lúc bố thí, tâm nguyện của họ vô cùng mạnh mẽ và ấn tượng cũng rất sâu sắc. Bởi vì họ dường như đã và đang lâm vào tình trạng ấy, cho nên họ và người là một. Chính vì sự đồng cảm ấy mà cảm ứng được công đức và phước báo vô cùng to lớn. Sau đây, chúng tôi xin dẫn vài câu chuyện nhỏ để chứng minh.
1. Câu chuyện người bần cùng bán của:
Kinh “Hiền Ngu” chép: “Thuở xưa, tại nước A Xà Đề, có một vị trưởng giả rất giàu có. Trong nhà của ông có một cụ già nhưng lại là một nô tì thấp hèn. Người nô tì ấy quanh năm suốt tháng chỉ có một bộ đồ rách nát để mặc, ăn uống thật đơn sơ, không được no ấm, lại thường bị đánh đập đuổi xô.
Ngày nọ, bà ta mang một cái bình đến bên bờ sông để múc nước. Nghĩ đến hoàn cảnh thương tâm của mình và không ngăn nổi sự uất ức chất chứa trong lòng từ bấy lâu nay, nên bà ta bật khóc thật lớn!
Bấy giờ, Tôn giả Ca Chiên Diên thấy thế, vô cùng thương xót, bảo bà ta rằng: “Nếu như bà chán ghét bần cùng, vì sao không đem bán nó đi?”.
Người nô tì ấy nói: “Trong trời đất này, có ai mua sự nghèo khó bao giờ đâu!”.
Tôn giả Ca Chiên Diên lại nói: “Sự nghèo nàn thật có thể bán được”.
Lão nô tì hỏi: “Sự nghèo nàn thì làm sao có thể bán được chứ?”.
Tôn giả Ca Chiên Diên đáp rằng: “Nếu như bà muốn đem bán sự nghèo nàn thì phải tin theo lời tôi: Trước là đem cái bình súc rửa cho sạch sẽ, sau đó đựng một ít nước trong rồi đem dâng cúng cho một người tu hành chân chính”.
Lão nô tì bèn nói rằng: “Chiếc bình này là vật của người chủ tôi thì làm sao đem nó để bố thí được chứ?”.
Tôn giả Ca Chiên Diên nói: “Chiếc bình tuy không phải của bà, nhưng nước trong bình ấy do chính tay bà múc. Vậy lẽ nào không phải là của bà ư?”.
Người nô tì ấy sau khi nghe tôn giả Ca Chiên Diên nói xong, những hoài nghi còn ngưng đọng ở trong lòng đều được cởi mở. Thế là bà lập tức đem chiếc bình múc thật đầy nước vào, rồi mang đến cúng dường tôn giả Ca Chiên Diên. Ngài tự tay tiếp nhận nước của bà mang đến cúng dường, lại dạy bà quy y Tam Bảo, thọ trì năm giới và còn dạy cho bà phương pháp niệm Phật.
Ngay buổi tối hôm ấy, người nô tì kia qua đời trong nhà của người chủ. Đến hừng đông sáng hôm sau, người chủ thấy tình cảnh ấy, bèn nổi giận và sai người mang thi thể của bà ném vào một khu rừng. Thần thức của lão nô tì được thác sanh lên cõi trời Đao Lợi, vì từ xa trông thấy thân thể trong tiền kiếp của mình, nên cùng với quyến thuộc ở cõi trời dùng hoa rải trên thi thể ấy để cúng dường.
2. Tận tâm bố thí thì nhất định giải trừ được sự nghèo khốn:
Bộ “Pháp Uyển Châu Lâm” chép: “Triều nhà Minh, tại núi Chung Nam, có một vị cao tăng pháp hiệu là Phổ An. Nhân vì Ngài là một vị thánh tăng, cho nên ở tất cả những nơi Ngài đến, mọi người đều sắm sửa thức ăn, rau quả… để cúng dường.
Một hôm, Ngài đến thôn Đại Vạn. Trong thôn ấy, có một người bần cùng tên là Điền Di Sanh. Gia đình của ông ta đang lâm vào cảnh khốn cùng. Căn phòng của ông ở chỉ là bốn bức tường trống không, ngay cả nóc che mưa cũng không có.
Điền Di Sanh có cả thảy bốn con, đứa nào cũng mặc quần áo rách nát, nghèo đến nỗi thân thể cũng không có quần áo để mặc cho kín đáo.
Người con gái lớn của Điền Di Sanh tên là Điền Hoa Nghiêm, năm ấy cô được 20 tuổi. Nhân vì nhìn thấy mọi người ở xóm, ai nấy đi thiết trai cúng dường vị thánh tăng nên trong lòng cảm than rằng: “Phận mình ngoài hai thước vải bố thô sơ, lại không có vật gì khác bố thí để gieo trồng ruộng phước”. Cô ta đã có sự cảm nhận rất sâu sắc đối với phận bần cùng của mình. Vả lại, cô cũng rất chán ghét ác vận nghèo nàn này. Ngay trong lúc cô ngước đầu lên, úp mặt lên tường mà khóc than nức nở, đột nhiên trong khe hở của xà nhà, có một bó lúa hiện ra. Khi cầm lên xem, cô nhặt được mười hạt thóc vàng. Cô bèn đem mười hạt thóc vàng ấy cùng với hai thước vải bố cúng dường cao tăng. Nhưng cô nghĩ đến phận mình không có y phục chỉnh tề, nên không thể giữa ban ngày mà ra khỏi cửa. Thế là cô đành phải đợi khi hoàng hôn buông xuống, thừa lúc đêm tối mà rón rén đi đến chùa của đại sư Phổ An. Cô đem xấp vải đã được gói ghém kỹ lưỡng, từ xa ném vào tăng phòng. Còn mười hạt thóc vàng thì cô len lén để vào thùng gạo của nhà chùa.
Điền Hoa Nghiêm lầm thầm cầu nguyện và hồi hướng rằng: “Con vì đời trước bủn xỉn và có tâm tham lam, cho nên đời nay mới chịu quả báo khốn khổ nghèo hèn. Bây giờ, con ở trước tượng Đức Phật, thành khẩn ai cầu mười phương thánh hiền cho con được sám hối lỗi lầm. Nay con dùng món đồ hèn mọn này để cúng dường chư tăng, rất trông mong nghiệp báo bần cùng của con cũng từ đây mà kết thúc. Con trông mong ngày mai khi cơm gạo trong chùa được nấu ra, nhân những hạt thóc vàng mà biến thành màu vàng nhạt”.
Sau khi cầu nguyện xong, Điền Hoa Nghiêm ôm mặt khóc nức nở mà trở về nhà. Đến trưa hôm sau, trong chùa nấu năm thạch1 gạo, quả nhiên biến thành màu vàng nhạt. Trong chùa, ai nấy đều lấy làm lạ, bèn đi dò la tin tức. Sau khi biết rõ chân tướng của sự việc, thế là có rất nhiều người hiếu nghĩa đem tiền bạc của cải đến cứu giúp nhà họ Điền. Cũng từ việc ấy, Điền Hoa Nghiêm từ biệt phụ thân và các em để cắt tóc đi tu.
Qua câu chuyện này, có thể biết rằng chỉ cần chúng ta dốc hết tâm sức để thực hành việc bố thí thì nghiệp chướng và vận mệnh xấu ác nghèo khổ đã gây tạo từ kiếp trước thảy đều bị tiêu diệt.
VI. LÀM SAO TRỪ BỎ ĐƯỢC TÂM KEO KIỆT?
Phương pháp phát tâm từ bi vô lượng:
Đời nay, sở dĩ chúng ta nghèo khốn khổ sở là do những hành động keo kiệt, tham lam và ích kỷ đã gây tạo từ đời trước mà chiêu cảm đến. Nếu muốn cải thiện vận mệnh bần cùng xấu ác ấy thì nhất định trước phải trừ bỏ tâm, hành vi và tập khí keo kiệt.
Thường nên quán tưởng rằng: “Nếu mình thí xả những tài vật để cứu giúp người nghèo khó bệnh hoạn thì sẽ trừ diệt được tâm keo kiệt”. Đương nhiên loại quán tưởng này phải xuất phát từ lòng chân thành thì mới có hiệu quả tốt. Mỗi ngày phải quán tưởng mình nên làm cho người khác có được niềm vui và nhổ trừ được nỗi đau khổ của chúng sanh. Phương pháp này chính là “Từ vô lượng tâm” và “Bi vô lượng tâm” mà trong kinh điển nhà Phật thường hay đề cập đến.
Người muốn tập tành “Từ vô lượng tâm” và “Bi vô lượng tâm” thì điều kiện trước hết phải phát lời thệ nguyện cứu giúp tất cả chúng sanh, bắt đầu quán tưởng từ những người thân của mình như cha mẹ, anh chị em …, sau đó lan rộng ra là đem tình thương yêu ban rãi khắp cả chúng sanh, ai ai cũng đều cảm nhận niềm vui giống nhau, chuyên lòng quán tưởng thật rõ, giả như có khởi lên những tạp niệm, trong tâm bị những chuyện khác lôi kéo thì liền thu nhiếp lại, rồi dốc lòng mà quán tưởng. Nếu thấy những cảnh giới khác thì cũng không nên suy tư tìm hiểu về nó mà chỉ một lòng quán tưởng, trong tâm luôn được sáng suốt rõ ràng, lâu dần thì liền được nhất tâm bất loạn và cũng từ đấy mà phát sanh ra định lực. Ngay trong định lực, dường như thấy rất rõ thân tâm của những người thân mình đều được an lạc, rồi sau mới quán tưởng rộng đến tất cả mọi người dường như đang sống trong cảnh an lạc, thậm chí quán tưởng những người có cừu oán với mình khiến cho họ cảm nhận được niềm an lạc vô biên. Loại quán tưởng này bắt đầu quán một người được an vui, dần dần lan rộng đến quán tưởng mười người, trăm người, mọi người trong nước, tất cả mọi người trong vũ trụ, thậm chí tất cả loài động vật và chúng sanh trong mười phương năm đường đều cảm nhận được niềm an lạc. Đây là một pháp tu về quán tưởng. Pháp ấy chẳng những dễ hay phát sanh ra định lực mà còn tiêu trừ được những tập khí oán ghét và giận hờn của chúng ta.
Chúng ta cũng có thể quán tưởng đến những chúng sanh đang chịu cảnh khổ não bệnh đau để kích phát lòng bi mẫn và từ tâm của mình, đầu tiên thì quán tưởng một người mà mình vô cùng thương mến đang lâm vào cảnh khổ đau, sau lại dần dà quán tưởng một vài người, người ở cả nước, rồi đến người ở khắp thiên hạ và tất cả những loài động vật. Đây là phương pháp để chúng ta rèn luyện lòng từ bi.
VII. PHÁT NGUYỆN TÙY HỈ VÀ HỒI HƯỚNG:
Sự tích bà lão nghèo thí đèn:
Đức Phật thường dạy chúng ta rằng: “Là đệ tử của Phật thì phải thường phát ra những lời nguyện cao thượng, thấy người khác làm việc cao thượng thì trong lòng phải vui theo, lại nguyện đem những công đức của mình làm hồi hướng cho khắp tất cả chúng sanh”.
Nếu có phát ra những lời nguyện cao thượng thì nhân cách và tâm trí của chúng ta sẽ có sự hỗ trợ rất lớn. Muốn rõ suốt được vấn đề này thì chúng ta nên tìm hiểu qua câu chuyện “Bà lão nghèo thí đèn” trong quyển “ A Xà Thế Vương Thọ Quyết kinh”:
Thuở xưa, tại nước Ma Kiệt Đà, vua A Xà Thế đem dâng cúng Phật một trăm chong dầu mè, thắp từ hoàng cung thẳng đến nơi Đức Phật đang thuyết pháp tức tịnh xá Kỳ Viên, chạy dọc suốt đến sáu dặm đường. Những ngọn đèn được thắp sáng trong sáu dặm đường ấy đều là đèn dầu của vua A Xà Thế.
Đương thời, có một bà lão nghèo nàn, vì trông thấy quốc vương phát tâm rộng lớn như vậy nên trong lòng bà vô cùng cảm kích. Bà lại than phận mình nghèo hèn, thật không có gì để bố thí cúng dường Đức Phật.
Thế là bà ta cầm hai đồng tiền đi đổi dầu cúng Phật. Thuở giờ, hai đồng tiền chỉ có thể mua được hai chong dầu thôi. Người bán dầu vì trông thấy bà lão có tâm kiền thành cúng dường Phật, nên trong lòng ông cũng rất cảm động. Hơn nữa, vì số tiền của bà lão quá ít nên chỉ mua được hai chong dầu. Thế là người bán hàng lại cho bà thêm ba chong nữa.
Bà lão thầm nghĩ năm chong dầu này quá ít, chắc đốt chẳng tới nửa đêm thì sẽ tắt ngay. Thế là bà tự phát ra lời nguyện rằng : “ Nếu như trong tương lai, con cũng thành một bậc thánh hoàn mỹ như Phật thì nguyện cho chong đèn con đốt đây suốt đêm sẽ không bị tắt”.
Thâu đêm hôm ấy, những chong đèn của vua A Xà Thế đốt có ngọn tỏ, có ngọn lu, không đều nhau, chỉ có mấy chong đèn của bà lão bần cùng ấy rực sáng mãi cho đến bình minh hôm sau.
Tôn giả Mục Kiền Liên muốn dùng cà sa để quạt tắt ngọn đèn ấy. Nhưng chẳng hiểu sao, ngọn đèn ấy không tắt mà lại còn rực sáng hơn lên. Đương khi ấy, Đức Phật đã chứng kiến những động tác của tôn giả Mục Kiền Liên làm ngay từ đầu.
Ngài bèn gọi: “Này Mục Liên! Ông không đủ sức để dập tắt được những ngọn đèn đó đâu! Bởi vì những ngọn đèn ấy được thắp lên bằng tất cả niềm tin và trí tuệ. Bà lão cúng ngọn đèn ấy đời quá khứ đã từng thân cận được 180 ức vị thánh có đức hạnh hoàn mỹ. Ba mươi kiếp sau, bà ấy sẽ được thành Phật với danh hiệu là “ Tu Di Đăng Quang Như Lai”. Nhân vì đời quá khứ của bà ta ít làm việc bố thí, nên đời nay phải chịu cảnh bần cùng như vậy!
Thế mới biết năng lực bố thí của người nghèo khốn khổ sở cũng thật trọng đại, vì đã bần cùng mà thực hành được việc bố thí là điều vô cùng khó khăn. Thật đáng quý thay!
Nhân tiện chúng tôi xin dẫn những phước báo của việc bố thí đèn:
Theo sách “An Sĩ Toàn Thư” chép: Bố thí dầu đèn soi sáng đường đi có rất nhiều phước báo :
1. Nhân vì có đèn soi sáng mà đường đi trước mắt được thấy rõ ràng, cho nên người bố thí đèn sẽ được quả báo mắt sáng.
2. Nhân vì có đèn soi sáng mà mọi người đi trên đường sẽ không lo lắng, thế nên người bố thí đèn sẽ được quả báo luôn gặp chuyện hoan hỉ.
3. Nhân vì có đèn soi sáng mà mọi người đi đường sẽ không dẫm bùn nhơ, cho nên người thí đèn sẽ được quả báo thân thể trong sạch.
4. Nhân vì có đèn soi sáng mà mọi người đi đường không sợ chó cắn, cho nên người bố thí đèn sẽ được quả báo không có sợ hãi.
6. Nhân vì có đèn soi sáng mà mọi người đi đường không bị trượt chân té tổn thương, cho nên người thí đèn sẽ được quả báo không có bệnh đau.
7. Nhân vì có đèn soi sáng mà mọi người không bị rơi vào hầm hố đến nỗi mất mạng, cho nên người thí đèn sẽ được quả báo trường thọ.
(Xem “Âm Chất Văn Quảng Nghĩa Tiết Luc”, quyển hạ)
Nhân đây, xin nhắc nhở các bạn rằng : Khi ta bố thí hoặc trang thiết bị hệ thống đèn đường, cần phải có đồ chụp đèn để tránh trường hợp thiêu thân và những côn trùng nhỏ khác nhân thấy ánh sáng mà lao vào, rồi bị bỏng hoặc chết thiêu. Như vậy, không những không có được phước báo thọ mạng diên trường mà lại còn phải bị họa nhân sát sanh tổn thọ.
VIII. CỨU HỘ ĐỘNG VẬT SẼ ĐƯỢC GIÀU SANG:
Tống Giao cứu đàn kiến:
Vào triều nhà Tống, có hai anh em Tống Giao và Tống Kỳ cùng đọc sách ở Thái Học. Lúc bấy giờ, có một vị tăng sau khi nhìn thấy tướng mạo của họ, bèn nói rằng: “Người em thi sẽ chiếm đầu bảng, người anh ở giữa bảng”.
Mùa xuân năm sau, sau khi thi xong, vị tăng gặp lại Tống Giao. Ngài rất niềm nở chúc phước Tống Giao rằng: “Ngươi dường như đã từng cứu sống mấy trăm vạn sanh mạng thì phải?”.
Tống Giao nói: “Tôi vốn là một thư sinh nghèo khó, đâu có năng lực gì mà cứu được nhiều mạng sống như thế!”.
Vị tăng lại nói: “ Dù cho là loại côn trùng nhỏ nhoi, há chẳng phải là sinh mạng sao?”.
Tống Giao ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói rằng: “À! Tôi nhớ ra rồi. Có một hôm, trời đổ mưa thật to, tổ kiến bị nước mưa tràn vào, có vô số kiến đang nổi lều bều trên mặt nước, tôi mới dùng những que trúc bắc lên gò cao để cứu đàn kiến. Lẽ nào đây là việc mà Ngài vừa nói ư?”.
Vị tăng đáp: “Thật đúng vậy! Lần thi này đúng ra là người em của ngươi đỗ Trạng nguyên, nhưng hiện tại thì chuyển cho ngươi rồi”.
Sau khi đề danh bảng vàng, Tống Kỳ quả nhiên đỗ Trạng nguyên. Nhưng Hoàng Thái hậu nói: “Phận làm em thì địa vị không nên ở trước mặt huynh trưởng”. Thế là Tống Giao được sửa lại là người đứng đầu bảng vàng, còn Tống Kỳ thì bị giáng xuống đến bậc thứ mười. Lúc ấy, Tống Giao mới tin điều mà vị tăng nói là hoàn toàn đúng sự thật, không một chút sai sót vậy!
Các vị không nên thắc mắc rằng Tống Giao chẳng qua là cứu được một ít kiến thì làm sao có quả báo to như thế! Thật ra thi đỗ Trạng nguyên chẳng qua chỉ là một quả báo nhỏ mà Tống Giao mới được ở hiện đời mà thôi. Hơn thế, việc đứng đầu bảng Trạng nguyên chính là “thân ngoại hư danh” (danh rỗng ngoài thân). Còn chuyện mai sau Tống Giao sẽ được mấy trăm vạn sanh mạng vì cảm kích ơn cứu mạng mà báo đáp.
Qua đó, ta thấy năng lực phóng sanh cứu mạng có phước báo rất lớn, cho nên điều thú vị chân chánh nhất lại là những gì còn ở đằng sau vậy!