NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Gởi Hiếu Liêm Tiêu Vĩnh Hoa Ở Quảng Đông
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư gởi hiếu liêm[1] Tiêu Vĩnh Hoa ở Quảng Đông (viết thay cho thầy Khang Trạch)

Sách Ngũ Đăng Hội Nguyên[2] trong danh mục của các nhà xuất bản kinh đều không có, không cách nào thỉnh được. Chỉ vì không biết do lẽ gì các hạ tìm sách này nên khôn ngăn hỏi đi hỏi lại:

1) Vì làm bậc chân tham thật ngộ, thấu suốt rõ ràng tự tâm, thấy triệt để diện mục sẵn có trước khi cha mẹ sanh ra?

2) Hay là muốn học một gậy, một tiếng hét[3], hét Phật mắng Tổ, ngõ hầu miệng lưỡi biện bác trơn tru hòng được tiếng khen trong cõi tục? Hoặc là muốn nhớ được lời lẽ để bút lực mạnh mẽ, ngõ hầu lúc vung ngọn bút viết lách thần cơ hoạt bát, văn từ u huyền, thâm thúy như bọn ông Tô Tử Chiêm[4] phun châu nhả ngọc, gần như không phải là người ăn cơm thế gian có thể làm được!

Nếu muốn được như trường hợp thứ nhất, trước hết hãy nên nghiên cứu kinh Phật cho thông suốt giáo pháp. Lại phải thân cận bậc cao nhân sáng mắt, được nghe một chữ, một câu, tận lực tham cứu đến cùng cực, đến khi tận sức công thuần tự nhiên “tro lạnh, đậu nổ”[5], triệt ngộ tự tâm như duỗi tay thấy được lòng bàn tay, trọn chẳng còn mối nghi ta – người. Lại cần có cao nhân ấn chứng, kẻo sợ hiểu lầm dấu hiệu. Nếu làm được như thế thì hãy xem sách ấy và hết thảy sách Thiền. Người trong nhà và người trong cùng một nhà nói chuyện trong nhà, chỉ có ích chứ không tổn hại mảy may gì! Nếu chưa thể dụng công như thế và chưa được khai ngộ ấn chứng mà trước đó lại toan coi sách Thiền mong được khai ngộ thì cũng như gương cổ bụi lấp, muốn mau tỏa ánh sáng, chẳng mài chất nhơ, chỉ bôi phấn trắng. Bôi bao nhiêu kiếp cũng chẳng tỏa sáng. Đấy gọi là nương theo người khác để hiểu, tự lấp cửa ngộ, kể chuyện ăn, đếm của báu, sao cứu được đói, nghèo!

Nếu muốn được như trường hợp thứ hai thì tuy là nhân lành nhưng trái lại chuốc lấy quả ác. Đây chính là cái hố sâu vạn trượng Tăng – tục hiện thời bị hãm trong ấy. Bởi những gì Thiền Tông nêu bày, đề xướng đều một mực quy về hướng thượng. Người ngộ giải sẽ lãnh hội thần diệu, kẻ mê hoàn toàn bị ngôn ngữ chuyển, chẳng hiểu ý cổ nhân đập gậy, hét, chửi, bèn lấy đó để hành trì. Sự tổn thất ấy há nào phải chỉ là Vương Mãng[6] học đòi Châu Công, Tào Tháo học đòi Văn Vương. Đề-hồ thượng vị được cõi đời trân trọng gặp phải những người ấy biến thành độc dược. Ông Bùi Công Mỹ[7] nói: “Hiểu được ý thì mau thành Phật đạo, đánh mất ý chỉ sẽ vĩnh viễn vào Nê Lê (địa ngục)”. Chẳng đáng sợ ư? Nguyện các hạ đừng manh nha ý niệm ấy. Còn như muốn trước tác giống như cổ nhân, không biết cổ nhân ai nấy đều đã tỏ rõ tự tâm lớn lao. Vì thế, nói lời thốt chữ diệu hợp thiền cơ, ví như đầu bếp xẻ trâu, Dưỡng Do Cơ bắn vượn[8], không thể chỉ học mà được như thế đâu!

***

[1] Hiếu liêm vốn là một khoa thi phát xuất từ thời Hán nhằm tuyển người ra làm quan, tiêu chuẩn thời ấy là những người ấy phải vừa hiếu thuận vừa liêm khiết. Đến thời Minh – Thanh vẫn giữ khoa này, tuy thế chỉ thuần là khoa cử, không còn dựa trên tiêu chuẩn hiếu và liêm nữa! Người đậu khoa này được gọi là Hiếu Liêm.

[2] Do ngài Phổ Tế đời Nam Tống soạn, gồm 25 quyển, được xếp vào tập 138 của Tục Tạng Kinh. Bộ sách này toát yếu năm bộ sách Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, Quảng Đăng Lục, Tục Đăng Lục, Liên Đăng Hội Yếu, Phổ Đăng Lục, nên gọi là Ngũ Đăng Hội Nguyên. Nội dung chép sự tích quá khứ thất Phật, hai mươi tám vị Tổ Ấn Độ, các vị tổ Thiền Tông Trung Hoa từ Lục Tổ cho đến ngài Nam Nhạc và những vị thiền sư đích truyền thuộc pháp hệ này.

[3] Thiền Tông Lâm Tế dùng gậy đánh và tiếng hét để khai thị cho học nhân.

[4] Tức Tô Thức (1036-1101), người huyện Mi Xuyên, tỉnh Tứ Xuyên, sống vào đời Bắc Tống, tự là Tử Chiêm, hiệu Đông Pha, là một trong tám đại văn hào thời Đường – Tống; rất hâm mộ Phật pháp, chủ trương Thiền Tịnh song tu, thường giao du mật thiết với ngài Phật Ấn. Ông biện luận Phật pháp rất thông suốt, thường mang theo một bức tượng Phật Di Đà bên mình, nói “đây là sự nghiệp chung thân của ta” nhưng không chuyên tâm tu Tịnh nghiệp, cuối cùng vẫn không được vãng sanh.

[5] Câu thành ngữ “lãnh hôi đậu bộc”, có nghĩa là trong tro lạnh chợt nổ ra hạt đậu nóng, ngụ ý chuyện không thể có được. Ở đây, Tổ dùng thành ngữ này với ngụ ý: thực hiện được chuyện tưởng chừng như không thể nào xảy ra được.

[6] Vương Mãng người đời Hán, vốn là cháu của Hiếu Nguyên Hoàng Hậu. Sau được làm Đại Tư Mã cầm binh quyền. Hán Ai Đế băng, Mãng lập Bình Đế lên ngôi, bắt vua lấy con gái mình làm hoàng hậu. Mãng độc đoán chuyên quyền, coi mình như Châu Công, tự xưng là Hán An Công. Không lâu sau, Mãng giết Bình Đế, lập con Bình Đế là Lưu Anh lên ngôi, gọi là Nhụ Tử, được ba năm bèn soán ngôi, đổi quốc hiệu là Tân. Mãng làm vua được 15 năm (từ năm thứ 9 Công Nguyên đến năm 23 Công Nguyên), khi tông thất nhà Hán là Quang Vũ Đế nổi dậy, khôi phục nhà Hán, thương nhân Đỗ Ngô bèn lập mưu giết Vương Mãng.

[7] Bùi Công Mỹ tên thật là Bùi Hưu, tự Công Mỹ, làm tể tướng đời Đường Tuyên Tông, đắc pháp với thiền sư Hoàng Bá Hy Vận. Ông có để lại tác phẩm Truyền Tâm Pháp Yếu.

[8] Nguyên văn: “Bào đinh giải ngưu, Do Cơ xạ viên”. “Bào đinh giải ngưu” là điển cố xuất phát từ thiên Dưỡng Sanh Chủ của Trang Tử: Văn Huệ Quân thấy mổ trâu bèn nói: “Ôi! Giỏi thay! Tuyệt đến mức ấy”, người bào đinh (đầu bếp) thưa: “Thần khéo léo được như vậy là do tập quen, khéo léo dần”. Từ ngữ “bào đinh giải ngưu” được dùng để ví sự khéo léo, nhanh nhẹn đến cùng cực do tập luyện. Dưỡng Do Cơ là một tay thiện xạ nổi tiếng bách phát bách trúng “bách bộ xuyên dương” (bắn trúng lá dương liễu ở cách xa một trăm bước) thời Chiến Quốc. Tương truyền, Dưỡng Do Cơ đi săn, loài vượn thấy ông ta bèn khóc ròng vì biết không thể nào tránh tên được, cho nên ở đây mới nói: “Do Cơ bắn vượn”.