NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Gởi Cư Sĩ X…(viết thay sư Liễu Dư)
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư gởi cư sĩ X… (viết thay sư Liễu Dư)

Giữa Xuân lên núi, chớp mắt đã nửa năm; dẫu thọ trăm năm, khảy tay liền qua. Còn một hơi thở nên cầu đường ra, chớ để đến lúc lâm chung hối không kịp nữa! Thường nhớ kinh dạy: “Thân người khó được, chính giữa đất nước khó sanh, Phật pháp khó nghe, tín tâm khó sanh”. Ông may mắn hội đủ cả bốn điều ấy, càng phải nên nỗ lực, như lên núi báu phải được Ma Ni. Do còn ở địa vị phàm phu, chưa đoạn Hoặc nghiệp, sanh tử chưa giải quyết khó khỏi đọa lạc.

Vì vậy, đức Như Lai cực lực khuyên chúng sanh phát chân tín tâm và tâm nguyện khẩn thiết, trì danh hiệu Phật cầu sanh Tịnh Độ. Mọi công đức như: cúng dường Tam Bảo, trọn đời giữ giới, hết thảy việc làm… chớ dùng để cầu phước báo nhân thiên trong đời sau, chẳng cầu đời này trường thọ, mạnh khỏe, bình yên, chỉ cầu lâm chung vãng sanh Tịnh Độ, tương khế, tương hợp với thệ nguyện của chư Phật, cảm ứng đạo giao nhất định mãn sở nguyện.

Như người té xuống biển, có thuyền đến cứu, nếu chịu ngồi lên thuyền liền lên được bờ kia. Cầu phước nhân thiên, chẳng cầu sanh Tịnh Độ giống như không chịu lên thuyền, khó khỏi chết chìm. Phật muốn khiến cho ông siêu phàm nhập thánh, ông lại chỉ nguyện được phước hữu lậu. Khi phước báo hết rồi, đọa mãi trong tam đồ, như dùng châu Ma Ni để bắn chim sẻ, được thì ít, mất thì nhiều! Chẳng đáng tiếc ư? Hãy nên cảnh tỉnh!

Phải biết một pháp niệm Phật vãng sanh chính là đạo trọng yếu bậc nhất để hết thảy chúng sanh mau thoát khỏi sanh tử, quả thật là pháp môn tối thượng để hết thảy chư Phật mau thành Chánh Giác. Đừng nghĩ pháp này giản tiện, dễ hành, rồi coi là chuyện nhàn hạ, phải chí tâm siêng năng, khẩn thiết mới có thể thành tựu. Còn như pháp tắc tu trì thì trong Long Thư Tịnh Độ Văn đã ghi đủ. Lại có An Sĩ Toàn Thư chép đủ pháp tắc niệm Phật vãng sanh và những việc để tích đức, sống trong cõi trần học đạo, tề gia, dạy con, làm cho đời yên, dân lành, đủ mọi pháp tắc đều bàn luận áo diệu đến cùng cực. Có thể nói là bộ sách độc nhất vô nhị thông Nho lẫn Phật, là tác phẩm vô song xưa nay, hết thảy Tăng, tục, nam, nữ đều có thể lấy sách ấy làm gương mẫu vậy!