NGŨ PHƯỚC LÂM MÔN
Tác giả: Trần Bá Đạt
Dịch giả: Thích Thiện Phước

 

LỜI GIỚI THIỆU

Vào dịp tết ta thường thấy bốn chữ “Ngũ Phước Lâm Môn” viết bằng mực Tàu giấy đỏ gián trước cửa nhà, trông có vẻ rất dân gian và như đang tiềm ẩn một điều gì mà con người đang gởi gấm chờ mong, làm cho ai ai cũng phải nghĩ về nguồn cội xa xưa nào đó của một thời Nho học hưng thạnh.

Qua cái nhìn của Phật giáo, tất cả đều tuỳ thuộc vào hạnh nghiệp của mỗi cá nhân đã gây tạo mà phải chịu bình đẳng trước quan toà nhân quả. Tác giả Trần Bá Đạt vì muốn cho người đọc nắm rõ vấn đề nên giải thích cặn kẽ năm thứ phước ấy  theo quan điểm Phật giáo.   Nhằm giúp thêm tri kiến cho người đọc nên thầy Thiện Phước đã chuyển ngữ tập sách.

Hy vọng đây sẽ là một đề tài  giúp chúng ta quán niệm lại đời sống thường nhật, khiến cho năm thứ phước trên luôn ngự trị trong mỗi cá nhân, để gia đình an vui hạnh phúc xã hội thái bình thạnh trị. Xin trân trọng giới thiệu bản dịch nầy với bạn đọc gần xa.

Tỳ kheo Thích Lệ Trang

LỜI MỞ ĐẦU

Hoa nở rồi tàn, tóc xanh lại bạc. Đời người như một dòng nước cứ xuôi chiều trôi đi mãi mãi. Quả đúng như câu châm ngôn: “Thanh xuân bất tái lai” (Tuổi xuân không đến hai lần).

Năm tháng chất chồng, mạng người dần ngắn. Đôi lúc mình cảm thấy cuộc đời an vui tràn đầy ước vọng, nhẹ nhàng như chiếc lông hồng bay bổng; lại cũng có lúc chán chường lắm nỗi đau thương bất hạnh, nặng trĩu bởi những chuyện thế nhân.

Cuộc sống, dường như ai cũng muốn cho mình được giàu sang may mắn và không ai muốn mình lâm vào cảnh bất hạnh khó khăn. Thế nhưng, đâu phải người nào cũng được hoàn thiện như ý nguyện! Tuy nhiên, chúng ta không được quyền thất vọng về một tương lai tốt đẹp. Còn chuyện thành công hay không là tùy thuộc vào sự kiên trì và nỗ lực để vượt lên trên số phận của chính mình.

Đành rằng “Khổ vui là kiếp con người”, nhưng lắm lúc ta phải cảm ơn, cảm ơn thật nhiều về cuộc đời đầy dẫy khó khăn và số phận bất hạnh trớ trêu này để “mỗi lần vấp ngã là mỗi lần đứng dậy”. Chính vì thế mà mình trở nên cứng rắn và có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời. Được vậy, ta mới bền gan: “Ngẩng đầu đi giữa sa mạc mênh mông, vững chân bước trên con đường đầy sỏi đá”.

Người xưa nói: “Ý nguyện thì ai cũng như ai, nhưng thành tựu hay không là do nhân duyên phước đức”. Cho nên, ông bà ta cũng từng bảo:  “Ai có phần nấy” hay “Mỗi người mỗi cảnh” là vậy! Ôi, tham vọng của con người thì bao la quá, nhưng mạng sống thì tạm bợ như đám mây trôi lênh đênh giữa bầu trời không nơi nương tựa, mau chóng như bọt nước cuộn trào giữa trùng dương vô tận mênh mông! Sanh diệt, diệt sanh; thành hoại, hợp tan há chẳng phải là định luật muôn thuở của vũ trụ nhân sinh?

Trăm năm trong cõi người ta”, nhưng đã mấy ai sống trọn kiếp số trăm năm? Khi chúng ta chứng kiến cảnh thoi thóp giãy giụa, chân tay co quắp, miệng không ngớt rên rỉ khóc than… của người sắp chết thì chắc hẳn ai ai cũng thầm nguyện rằng: “Cuộc đời này, con thật không mong mỏi gì khác, chỉ mong sao khi con lâm chung được an tường mà qua đời là tốt rồi!”. Ai cao sang, ai quyền thế, có còn chăng? Hay “Khi tôi sanh ra, hai bàn tay trắng; lúc tôi trở về, phủi trắng đôi tay” và những gì tồn tại đằng sau cái chết…?

Lại nữa, tại sao trên đời này có kẻ giàu người nghèo? Người sanh vào nhà tôn quý lại bị chết yểu, kẻ sống lâu mà chẳng được thiện chung! Tại sao tôi làm lành mà lại gặp toàn chuyện xấu, còn kẻ tạo ác thì luôn được vận may? Chúng ta đừng vội oán trời trách người mà mình phải bình tĩnh nở nụ cười và dang tay đón nhận tất cả những thứ ấy như mong nhận được món quà mà mình đã từng yêu thích. Sở dĩ có sự khác biệt như thế là do đâu? Định nghiệp hay một bàn tay vô hình nào ban phước giáng hoạ…? Đó là những gì sắp được trình bày trong bổn thư này.

Với sức học còn non kém, lời văn quê mùa nông cạn. Vì thế, nói đến việc lột tả hết ngữ nghĩa của nguyên bổn và trau chuốt văn từ cho hoa mỹ chắc hẳn là điều không thể tìm thấy ở đây. Hơn nữa, trong quá trình chuyển ngữ lại có nhiều khuyết điểm. Cúi mong bạn đọc nguyên lượng phủ chính cho. Nguyện hồi hướng công đức cho khắp tất cả chúng sanh mau phát tâm lành, chóng lên bờ giác.

Trân trọng
Thích Thiện Phước



NGŨ PHƯỚC LÂM MÔN