YẾU LƯỢC VỀ TÍN HẠNH NGUYỆN
TRONG TU TẬP PHẬT GIÁO
ESSENTIAL SUMMARIES OF
FAITH-PRACTICE-VOW
IN BUDDHIST CULTIVATION
Thiện Phúc
Lời Đầu Sách
Theo Phật giáo, “Tín” là có lòng tin sâu sắc đối với thực thể của chư pháp, tịnh đức Tam bảo, và thiện căn của thế gian và xuất thế gian; có khả năng đem lại đời sống thanh tịnh và hóa giải nghi hoặc. Trong tu tập Phật Giáo, niềm tin luôn giữ một vai trò quan trọng. Không có niềm tin chắc thật về Phật Giáo Chánh Tín, hành giả sẽ rất dễ bị rơi vào Tà Kiến Ngoại Ðạo (chỉ các đạo không phải là Phật giáo). Niềm tin chính là một trong năm căn lành đưa đến những thiện nghiệp khác (Tín, Tấn, Niệm, Ðịnh, Huệ). Tín là có lòng tin sâu sắc đối với thực thể của chư pháp, tịnh đức Tam bảo, và thiện căn của thế gian và xuất thế gian; có khả năng đem lại đời sống thanh tịnh và hóa giải nghi hoặc. Câu hỏi đặt ra là niềm tin có vị trí nào trong đạo Phật? Niềm tin trong đạo Phật hoàn toàn khác hẳn niềm tin trong các tôn giáo khác. Trong khi các tôn giáo khác tin rằng hễ tín phục là được cứu độ. Niềm tin trong Phật giáo thì ngược lại, niềm tin có nghĩa là chấp nhận tin tưởng vào việc quy-y Tam Bảo và thực hành y theo giáo Pháp Phật Ðà. Phật tử thuần thành không những chỉ tin tưởng vào Ðức Phật như bậc Thầy cao cả nhất, tin vào giáo lý do Ngài thuyết giảng và giáo đoàn của Ngài, mà còn phải hành trì giới luật của Ðức Phật trong đời sống hằng ngày nữa. Trong đạo Phật, “niềm tin mù quáng” không hiện hữu. Không có trường phái nào để cho cụm từ “tin hay bị đọa” tồn tại được trong Phật giáo. Trong Kinh Kalama, Ðức Phật dạy: “Không nên tin một điều gì chỉ vì lý do truyền thống hay quyền thế của vị thầy, hay vì nó là quan điểm của nhiều người, một nhóm người đặc biệt hay ngược lại. Cũng chớ nên vội tin một điều gì dù đó là điều được thiên hạ nói đến; chớ vội tin vào những tập quán vì chúng được truyền lại từ ngàn xưa; chớ vội tin lời đồn đãi, đừng tin kinh sách do các Thánh Hiền viết ra; không nên chấp nhận điều gì vì nghĩ rằng đó là điều do Thần Linh đã truyền cho chúng ta; đừng nên tin một luận đề nào mà chúng ta suy ra từ sự phỏng định tình cờ; cũng đừng vội tin vào điều gì lấy sự giống nhau làm tiêu chuẩn; và chớ vội tin vào uy quyền nơi các giáo sư hay giáo sĩ của chúng ta. Chúng ta chỉ tin tưởng khi giáo lý hay những lời dạy đó được kiểm chứng bằng lý trí và sự hiểu biết của chính mình. Nói cách khác, mọi thứ đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng, quan sát, và phán xét xem đúng hay sai, không nên bác bỏ chúng ngay mà nên để lại suy xét thêm nữa rồi mới tin hay bác bỏ.”
Hạnh là phần thực hành, hay sự hành trì. Hạnh tu giữ một vai trò cực kỳ quan trọng trong Phật giáo vì hạnh là phần thực hành, hay sự hành trì. Trong Phật giáo, nhiệm vụ của “Hành” là chuyển tâm về một đối tượng nào đó, nhận biết và thực chứng đối tượng. Như vậy “Hành” là căn bản cho tất cả những mong ước của chúng ta (mong ước nơi thân, khẩu và ý qua hành động, lời nói và tư tưởng). Hành còn có nghĩa là tu hành những gì mình phát nguyện (nguyện là tất cả chúng sanh đều hàm chứa Như Lai tạng tính, đều có thể an trụ ở vô thượng Bồ Ðề, nên nguyện đem pháp Ðại Thừa Vi Diệu mà độ tận). Theo Phật giáo, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, người tu Phật phải luôn giữ hạnh kiên cố tu tập, từng hành động của chúng ta phải luôn khế hợp với “trí tuệ Bát Nhã”. Trong tu tập Phật giáo, tu tập Bồ Tát Hạnh trong cuộc sống tu hằng ngày có khả năng giúp hành giả tu tập theo con đường Bồ Tát đạt đến bậc vô sở đắc mà không khởi pháp nhẫn (vô sinh pháp nhẫn). Các ngài có khả năng tùy thuận diễn nói pháp luân bất thối; khéo hiểu rõ chân tướng vạn pháp, thấu biết căn cơ chúng sanh; oai đức bao trùm đại chúng và thành tựu pháp vô úy. Các ngài dùng công đức trí tuệ để trau sửa tâm mình, bằng cách lấy tướng tốt trang nghiêm thân hình sắc tướng dung nhan bậc nhất, vì thế bỏ hẳn tất cả trang sức tốt đẹp trong đời. Danh tiếng các ngài cao xa vượt hẳn núi Tu Di.
Thệ nguyện là sự hoàn thành thệ nguyện tôn giáo. Lời nguyện do một vị Bồ Tát nói lên khi khởi đầu con đường tiến về đại giác của mình. Một lời tự nguyện, thường là thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sanh, hoặc là độ tận chúng sanh trước khi thành Phật, v.v. Trong Phật giáo Ðại Thừa, “Nguyện” là ba la mật thứ bảy trong “Thập Ba la mật” mà một vị Bồ Tát phải tu tập trên đường tiến tới Phật quả. Phát Nguyện là phát khởi từ trong tâm tưởng một lời thề, hay lời hứa kiên cố, vững bền, nhất quyết theo đuổi ý định, mục đích, hoặc công việc tốt lành nào đó cho đến lúc đạt thành, không vì bất cứ lý do gì mà thối chuyển lui sụt. Phật tử chơn thuần nên nguyện tu y như Phật để được thành Phật, rồi sau đó nguyện đem pháp mầu của chư Phật độ khắp chúng sanh, khiến cho nhất thiết chúng sanh đều bỏ mê về giác, phản vọng quy chơn. Phật tử chơn thuần nên luôn phát khởi thệ nguyện rằng: “Phát tâm Bồ đề, tin sâu lý nhân quả, đọc tụng kinh điển, khuyến tấn người tu hành, và cứu độ chúng sanh.” Nguyện giữ vai trò quan trọng trong tu tập Phật Giáo vì nguyện là sự hoàn thành thệ nguyện tôn giáo và phát triển thái độ đúng về việc tu tập. Sức mạnh của nguyện tiêu trừ được trọng nghiệp, quét sạch những bệnh tật của tâm và thân, điều phục ma quân và có thể đưa chư thiên và loài người đến chỗ được tôn kính. Vì vậy Phật tử chân thuần thệ nguyện từ Phật giáo mà sanh, hộ trì chánh pháp, chẳng để dứt Phật chủng, để sanh vào nhà như Lai cầu nhứt thiết trí. Tất cả Phật tử đều muốn vượt thoát khỏi biển khổ đau phiền não trong khi nguyện lại là chiếc thuyền có thể chở họ vượt biển sanh tử để đến bờ Niết Bàn bên kia.
Về sau nầy, khi trường phái Tịnh Ðộ được thành lập, lấy Tín-Hạnh-Nguyện làm thành tông yếu. Trường phái Tịnh Ðộ khẳng định rằng nếu một trong ba điều kiện này đầy đủ, chắc chắn được vãng sanh Cực Lạc. Hành giả Tịnh Ðộ nên để tâm đặc biệt chú trọng đến Tín và Nguyện, phải một lòng cầu về Tây Phương, chứ đừng mong làm chúng sanh cõi trời hay làm Pháp Sư, tuy là giác ngộ thế mấy đi nữa thì những chúng sanh này vẫn còn trong cảnh giới Sanh Tử Luân Hồi. Chỉ có như thế thì Tín Nguyện của mình mới cảm đến đức Phật A Di Ðà, và thệ nguyện của Ngài mới có thể nhiếp thọ được hành giả. Nói chung pháp môn Tịnh Ðộ lấy Tín, Hạnh, Nguyện làm giáo nghĩa, và chỉ khi có chân Tín và Nguyện thiết tha thì Hạnh mới được chuyên cần và thanh tịnh. Tuy nhiên, trở ngại thông thường nhất của phàm phu là chỉ chuyên cần khẩn thiết khi tai họa ập đến nhưng lại trây lười biếng trễ lúc bình thường. Theo Ấn Quang Ðại Sư, tổ thứ mười ba của Tịnh Ðộ Tông Trung Hoa, đây là một luận án chắc cứng như thép, dầu cho ngàn Phật xuất hiện cũng không thay đổi được. Chỉ có vững tin vào chân lý này, hành giả mới có phần nơi cõi Tây Phương Tịnh Ðộ. Trong “Lá Thư Từ Tổ Ấn Quang,” pháp môn Tịnh Ðộ trùm khắp cả ba căn, gồm thâu cả hàng lợi căn và độn căn. Tịnh Ðộ là đại pháp của Như Lai, nhằm mở ra phương tiện cho cả Thánh lẫn phàm đều được giải thoát sinh tử và đạt đến bất thối địa ngay trong hiện đời. Không tin nơi pháp tu vi diệu đặc biệt này quả là đáng thương, đáng tiếc lắm vậy! Giáo pháp chính của pháp môn Tịnh Ðộ là Tín, Hạnh và Nguyện.
Hành giả tu Phật nên luôn nhớ rằng tu hành trong Phật giáo là thực hành những giáo pháp của Ðức Phật trên căn bản liên tục và đều đặn với đủ đầy Tín, Hạnh và Nguyện. Tu tập trong Phật giáo cũng có nghĩa là trưởng dưỡng Bồ Ðề bằng cách tu tập giới, định, tuệ. Như vậy tu tập trong Phật giáo không chỉ thuần là ngồi thiền hay niệm Phật, mà nó bao gồm cả việc tu tập lục ba la mật, thập ba la mật, hay ba mươi bảy phẩm trợ đạo, vân vân. Phật tử chân thuần nên luôn nhớ rằng thời gian rất ư là quý báu. Một tấc thời gian là một tấc mạng sống, chớ nên để cho thời gian trôi qua một cách lãng phí. Có người nghĩ rằng: “Hôm nay khoan hẳn tu, chờ đến ngày mai rồi hãy tu.” Nhưng khi ngày mai đến thì họ lại hẹn lần hẹn lựa đến ngày mai nữa, rồi ngày mai nữa, hẹn mãi cho đến lúc đầu bạc, răng long, mắt mờ, tai điếc. Lúc đó dầu có muốn tu đi nữa thì thân thể cũng đã rã rời, chẳng còn linh hoạt, thân nào còn có nghe mình nữa đâu. Phật tử chân thuần nên luôn nhớ rằng chúng ta sống trên đời nầy nào khác chi cá nằm trong vũng nước nhỏ, chẳng bao lâu sau, nước sẽ cạn, rồi mình sẽ ra sao? Bởi thế cổ đức có dạy: “Một ngày trôi qua, mạng ta giảm dần. Như cá trong nước, thử hỏi có gì mà vui sướng? Hãy siêng năng tinh tấn tu hành, như lửa đốt đầu. Chỉ nhớ vô thường, đừng có buông lung.” Từ vô lượng kiếp, chúng ta không có cơ may gặp được Phật Pháp nên không biết làm sao tu hành, nên hết sanh rồi lại tử, hết tử rồi lại sanh. Thật đáng thương làm sao! Hôm nay chúng ta có duyên may, gặp được Phật Pháp, thế mà chúng ta vẫn còn chần chờ chẳng chịu tu. Quý vị ơi! Thời gian không chờ đợi ai, thoáng một cái là thân ta đã già, mạng ta rồi sẽ kết thúc.
Quyển sách nhỏ có tựa đề “Yếu Lược Về Tín Hạnh Nguyện Trong Tu Tập Phật Giáo” này không phải là một chuyên đề nghiên cứu thâm sâu về giáo lý nhà Phật, mà nó chỉ đơn thuần vạch ra những yếu lược về lời Phật dạy về Tín Hạnh Nguyện cũng như vai trò của chúng trong tu tập hằng ngày mà hành giả tu Phật nên luôn có trong cuộc sống tu của mình theo quan điểm Phật giáo. Phải thực tình mà nói, Tín Hạnh Nguyện luôn giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong tu tập Phật Giáo. Phật tử chân thuần nên luôn nhớ rằng tu tập chỉ có hiệu quả khi chúng ta có đủ đầy Tín Hạnh Nguyện và chịu áp dụng những lời Phật dạy vào việc thực tập những bài tập có lợi ích được liên kết với những mẫu mực đã được thiết lập trong cuộc sống hằng ngày của mình, làm cho đời sống của chúng ta trở nên yên bình, tỉnh thức và hạnh phúc hơn. Cuộc hành trình từ người lên Phật còn đòi hỏi nhiều cố gắng liên tục với niềm tin và sự tu tập đúng đắn. Chính vì thế mà mặc dù hiện tại đã có quá nhiều sách viết về Phật giáo, tôi cũng mạo muội biên soạn tập sách “Yếu Lược Về Tín Hạnh Nguyện Trong Tu Tập Phật Giáo” song ngữ Việt Anh nhằm phổ biến giáo lý nhà Phật cho Phật tử ở mọi trình độ, đặc biệt là những người sơ cơ. Những mong sự đóng góp nhỏ nhoi nầy sẽ mang lại lợi lạc cho những ai mong cầu có được cuộc sống an bình, tỉnh thức, và hạnh phúc.
Thiện Phúc