TỲ NẠI DA
Hán dịch: Sa-môn Trúc Phật Niệm, ở Lương Châu, đời Diêu Tần
Việt dịch: Thích Tâm Tịnh
Chứng Nghĩa: Tỳ kheo Thích Ðỗng Minh
Quyển thứ hai
Ngay đêm ấy, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Vừa rồi, có hai vị thiên đến nói rằng: “Tôn giả Bạc-khư-la đạt được quyết định giải thoát. Vị thiên thứ hai nói: “Vị ấy được giải thoát ở nơi giải thoát”. Sau khi nghe giải thích xong, họ mới ra đi.
Phật bảo một Tỳ-kheo đến chỗ Tỳ-kheo Bạc-khư-la ở vườn Ðoán-tác (một trong sáu tinh xá ở thành Kỳ-Hoàn) và nói rằng:
“Thầy đã nghe Thế Tôn dạy và nghe chư thiên nói, chớ có lo sợ nữa. Thầy sẽ không sanh vào nơi ác, không sống ở nơi ác. Nơi thầy sanh ra không có việc ác. Ðó là lời dạy của Thế Tôn. Ðêm qua có hai vị thiên đến chỗ Thế Tôn, một vị thiên hỏi rằng: “Tôn giả Bạc-khư-la được quyết định giải thoát phải không?”. Vị thiên thứ hai hỏi: “Tôn giả bạc-khư-la đã được giải thoát ở nơi giải thoát phải không?”. Này Bạc-khư-la, đó là lời chư thiên nói”.
Sau khi nghe Phật dạy, Tỳ-kheo ấy đến vườn Ðoán-tác.
Bạc-khư-la bảo Tỳ-kheo chăm nom bệnh nhân rằng:
– Các thầy hãy đặt tôi lên giường và khiêng ra ngoài cổng. Tôi không thể sống nữa, tôi muốn dùng dao tự tử.
Các Tỳ-kheo liền đặt vị ấy lên giường và khiêng ra khỏi cổng.
Lúc ấy, nhiều Tỳ-kheo kinh hành ở ngoài cổng. Tỳ-kheo được sai đi, liền đến chỗ các Tỳ-kheo kinh hành hỏi rằng:
– Tỳ-kheo Bạc-khư-la ở chỗ nào vậy? Tôi muốn đến hỏi thăm.
Các Tỳ-kheo đáp:
– Tỳ-kheo Bạc-khư-la đang được khiêng ra ngoài cổng, định dùng dao tự tử. Nếu muốn thăm hỏi thì hãy đến ngay.
Tỳ-kheo ấy liền đến chỗ Bạc-khư-la.
Trông thấy một Tỳ-kheo đang đi đến, Bạc-khư-la liền bảo Tỳ-kheo nuôi bệnh rằng:
– Hãy đặt giường xuống một lát để đợi Tỳ-kheo ấy đến.
Các Tỳ-kheo liền đặt giường xuống. Tỳ-kheo ấy đến, nói với Bạc-khư-la đầy đủ như Thế Tôn dạy, cho đến đây là lời Phật dạy, đây là lời chư thiên nói.
Bạc-khư-la đáp:
– Pháp ta chứng đắc, Thế Tôn cũng biết. Pháp ta thấy, Thế Tôn cũng biết. Vì thế, ta không còn nghi ngờ nữa.
Ðối với sắc là thường hoặc vô thường, cho đến thọ, tưởng, hành, thức là thường hoặc vô thường; pháp khổ, không, biến đổi cùng các pháp mà Sa-môn chứng đắc; pháp của ta, chẳng phải của ta, tất cả đều rỗng không.
Thật sự pháp ta biết, chư tiên cũng biết. Pháp ta thấy, chư thiên cũng thấy. Vì thế ta không còn nghi ngờ có thường hay vô thường, cho đến thấy hết không còn nghi ngờ gì nữa. Do nghiệp chướng đời trước bức bách nên tôi chỉ muốn cầm dao tự sát.
Nói xong, vị ấy liền cầm dao tự vẫn. Những Tỳ-kheo trông coi bệnh đều tự phân vân không biết mình có phạm Ba-la-di hay không, liền bảo nhau cùng đến hỏi Phật. Phật đáp:
– Nếu chán ghét, có ý giết nên đưa dao cho; hoặc có ý giết nên dạy người ấy chết rồi khiêng ra thì phạm ba-la-di. Nếu có tâm thương xót, bảo bọc, không muốn nghịch ý bệnh nhân thì không mắc Ba-la-di.
Có các Tỳ-kheo cư trú ở biên giới nước Câu-tác-la thường tranh cãi nhau. Nếu Tỳ-kheo gởi thư cho vua hai nước dẫn quân giết người hoặc dạy người giết thì phạm Ba-la-di.
Bấy giờ, Phật ở tại vườn Trúc Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt.
Khi ấy, Ðiều-bà-đạt-đâu tụng kinh học đạo suốt mười hai năm không hề nghỉ ngơi. Trong thời gian ấy, ông ta đọc tụng tất cả các kinh đã được nghe Phật giảng nói, ông ta thường ở hang núi, gốc cây yên tịnh, gò mã vắng vẻ. Các Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, A-na-luật, Nan-đề, Kim-tỳ-la… là bạn của ông ấy.
Khi Ðiều-đạt chưa phát sanh ác ý đối với Thế Tôn, ông ấy không hề phạm một giới nhỏ. Về sau, khi ông ta đã phát sanh ác tâm đối với Thế Tôn, ông ta liền phạm giới.
Nền các giảng đường đều trải tọa cụ. Thế Tôn đã kiết giới: – Không rửa chân thì không được vào thiền đường.
Lúc ấy, Ðiều-đạt không rửa chân mà bước vào, Tỳ-kheo ni Ưu-bát-sắc liền bảo Ðiều-đạt:
– Này Ðiều-đạt! Thế Tôn đã chế giới không rửa chân thì không được vào kia mà!
Ðiều-đạt đáp:
– Ðồ Tỳ-kheo ni xấu tệ kia! Ngươi biết giữ giới thì có thể hơn được ta sao?
Nói xong, ông ta dùng nắm đấm của lực sĩ đánh lên đầu Tỳ-kheo ni ấy. Tỳ-kheo ni liền qua đời. Các Tỳ-kheo nói với Thế Tôn việc ấy. Thế Tôn bảo:
– Hãy thương xót kẻ ác này đã mắc tội rất nặng. Tỳ-kheo ni ấy đã đắc đạo A-la-hán.
Do việc ấy, Thế Tôn tập hợp chúng Tăng hòa hợp để kiết giới:
– Tỳ-kheo nào tự tay giết chết người nam hoặc người nữ thì phạm Ba-la-di.
Phật ở tại vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc. Lúc ấy, tôn giả Mục-kiền-liên bị bọn Phạm chí cầm gậy đánh như đập cỏ lau cho đến chết. Nhân dân trong nước ấy liền biết tôn giả Mục-kiền-liên bị bọn Phạm chí cầm gậy giết, thân thể nát nhừ như cỏ lau bị dập.
Nghe tin thầy mình bị giết, hai người: Mã-sư, Phất-na-bạt đùng đùng nổi giận dựng ngược lông tóc, dùng sức mạnh của đại lực sĩ bắt giết hết bọn Phạm chí cầm gậy.
Phật quán sát việc ấy, biết nhưng vẫn hỏi:
– Tỳ-kheo Mã-sư và Phất-na-bạt! Ta nói cho các thầy nghe bốn câu pháp nhé! (Tứ đế)
Mã-sư và Phất-na-bạt vô cùng xấu hổ, liền quỳ gối phải sát đất, chấp tay bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Tội chúng con nặng lắm, không dám nghe pháp sâu xa ấy.
Thế Tôn ân cần hỏi đến ba lần. Vì thương xót kẻ ác này đã xa lìa mình và xa lìa pháp sâu xa nên Thế Tôn liền kiết giới này cho các Sa-môn:
– Tỳ-kheo nào tự tay giết người hoặc dạy người khác giết thì phạm Ba-la-di.
(Hai người này đọa làm rồng ở sông Ðầu-sơn, thuộc xứ Tây-thất-lợi, nước Kiền-đà-việt. Giận Phật ngày xưa không nói pháp nên muốn ra khỏi sông phá hoại Phật pháp. Chợt có vị hóa Phật xuất hiện trước mặt chúng và nói rằng: “Các ngươi có muốn nghe bốn pháp sâu xa không?”. Sự sân hận liền chấm dứt. Những việc như vậy chẳng phải chỉ có một. Hai người này là đệ tử của Phật)
Phật ở tại vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-Vệ.
Bấy giờ, tôn giả Da-xá dẫn theo hai trăm năm mươi đệ tử. Tôn giả Bạc-đà-tiên – con của Bạc-đàn-đà – cũng dẫn theo hai trăm năm mươi đệ tử, từ nước Câu-tát-la đến nước Xá-vệ để thăm hỏi Thế Tôn. Các Tỳ-kheo ấy nói chuyện ở bên ngoài cổng tinh xá Kỳ-hoàn, tiếng ồn vang thấu bên trong.
Nghe tiếng ồn, Thế Tôn biết mà vẫn hỏi A-Nan:
– Ai nói chuyện ngoài cổng mà tiếng ồn vang đến tận trong này vậy?
A-Nan bạch đầy đủ với Thế Tôn:
– Ðó là các Tỳ-kheo bàn luận. Do nhiều người tụ họp nên phát ra âm thanh lớn.
Thế Tôn liền bảo A-Nan:
– Hãy nói với đồ chúng của Da-xá và Bạt-đà-tiên rằng: “Thế Tôn bảo các thầy không được kiết hạ ở nước Xá-Vệ”.
Vâng lời Phật dạy, A-Nan liền đến chỗ đồ chúng của Da-xá và Bạt-đà-tiên nói rằng:
– Thế Tôn bảo các thầy không được kiết hạ ở Xá-vệ.
Khi ấy, đồ chúng của tôn giả Da-xá và Bạt-đà-tiên liền đến cạnh sông Bạc-cừ-mạc cất lều tranh để kiết hạ.
Năm ấy nhân dân đói kém; sương, mưa đá, sâu bọ ăn hại lúa, khất thực khó được. Lúc ấy các Tỳ-kheo suy nghĩ và nói với nhau:
– Các thầy biết không? Hiện nay thóc lúa đắt đỏ; sương, mưa đá, sâu bọ làm hại thóc lúa, khất thực khó được. Chúng ta nên đến nhà các trưởng giả ở nước Tỳ-xá-ly khen ngợi lẫn nhau: “Trưởng giả biết không? Tỳ-kheo tên ấy, họ ấy đã được sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền và cũng đạt đến từ – bi – hỷ – xả, đạt được bốn định vô sắc, tu chỉ quán, quán hơi thở, đạt được quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm- A-na-hàm và A-la-hán”. Chúng ta dùng lời ấy để ca ngợi lẫn nhau. Sau đó, ở nước ấy chúng ta sẽ được cúng dường. Chúng ta sẽ có được y phục, đồ ăn, giường nằm và thuốc thang từ quốc vương, đại thần, trưởng giả, Bà-la-môn hành đạo và dân thường.
Lúc ấy, các Tỳ-kheo đó vào nước Tỳ-xá-ly, đến gặp các trưởng giả và khen ngợi lẫn nhau:
– Trưởng giả nên biết, Tỳ-kheo tên ấy họ ấy đã đắc quả Tu-đà-hoàn, cho đến quả A-la-hán.
Các trưởng giả đều tin lời ấy, cho rằng họ đã đắc đạo nên tùy thời mà cúng dường y áo, thức ăn.
Thường pháp của chư Phật là có hai thời gian để chúng Tăng tập hợp. Ðó là: một tháng sau cùng của mùa Xuân (ở Ấn-độ một năm chia thành ba mùa). Sau khi tự tu ba tháng mùa Xuân, tháng cuối phải đến gặp Phật và thầy tổ. Mùa Hạ cũng vậy, phải đến gặp Phật đảnh lễ, nghe Phật thuyết pháp.
Trong ba tháng hạ, chúng ta phải học tập, tụng kinh. Sau khi giải hạ, phải may vá lại y áo đã mặc trong ba tháng vừa qua. Vào ngày đã may vá xong, họ mang bát đến chỗ Phật. Ðó là thời gian chúng Tăng hội họp.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo kiết hạ ở sông Bạc-cừ-mạc, may vá y đã mặc ba tháng qua. Vào ngày đã hoàn tất, họ đến chỗ Phật ở vườn Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.
Thường pháp của chư Phật là khi có Tỳ-kheo ở xa đến, trước hết Ngài hỏi thăm họ trong mùa hạ việc tụng kinh hành đạo có được tốt đẹp, có bị mỏi mệt hay không?
Khi ấy, đức Thế Tôn như thường lệ hỏi các Tỳ-kheo:
– Các Tỳ-kheo tụng kinh hành đạo có bị mệt mỏi không?
Các Tỳ-kheo đáp:
– Bạch Thế Tôn! Chúng con không hề mệt mỏi.
Các Sa-môn an cư ở sông Bạc-cừ-mạc, có thân thể mập mạp, máu huyết sung mãn. Các Sa-môn kiết hạ ở nước Xá-vệ có thân thể gầy ốm, mất hết nhan sắc, khí lực yếu ớt. Các Sa-môn ở cạnh sông hỏi các Tỳ-kheo ở nước Xá-vệ:
– Vì sao các thầy gầy ốm, mất hết nhan sắc vậy?
Ðáp:
– Các thầy không biết sao! Ở nước này thóc lúa quý hiếm, khất thực khó khăn. Do đó thân thể chúng tôi gầy ốm, mất hết nhan sắc. Còn các thầy vì sao lại mập mạp, nhan sắc tốt tươi?
Các Tỳ-kheo ấy liền kể lại đầy đủ mọi việc. Nghe xong, các Tỳ-kheo gầy ốm rất kinh ngạc và nói rằng:
– Vì sao chỉ vì chút ít đồ ăn thối tha ấy mà các thầy nói dối đã chứng pháp thượng nhơn?
Các Tỳ-kheo hết sức trách mắng các Tỳ-kheo ấy:
– Vì sao các thầy lại làm thế? Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói về tội nói dối và ca tụng công đức không nói dối.
Các Tỳ-kheo đều đến chỗ Phật, đảnh lễ sát đất, ngồi qua một phía rồi đem việc ấy bạch đầy đủ với Phật.
Thế Tôn biết mà vẫn hỏi:
– Các Tỳ-kheo có thật sự làm việc ấy không?
Các Tỳ-kheo xấu hổ, quỳ hai gối sát đất, chấp tay bạch Phật:
– Ðúng vậy, thưa Thế Tôn.
Thế Tôn bảo:
– Này các Tỳ-kheo, trước đây Ta đã vì người ngu dùng vô số phương tiện nói về tội nói dối và ca ngợi công đức của việc không nói dối. Vì sao các thầy lại gây ra lỗi này?
Phật dùng vô số phương tiện để quở trách, sau đó vì việc này, Phật cho tập hợp chúng Tăng, vì muốn đủ mười công đức nên kiết giới cho Sa-môn và làm cho các Sa-môn biết được ý nghĩa này:
– Tỳ-kheo nào không biết, không thấy pháp thượng nhơn mà nói tôi có các đức, tôi biết tôi thấy thiện xứ, vô vi; tôi biết pháp ấy. Vào lúc khác, nếu có người hỏi: “Thầy có phải A-la-hán không?”. Tỳ-kheo ấy đáp: “Tôi chẳng phải là A-la-hán”. Vì muốn làm sạch lỗi lầm của mình, nhớ lại việc đã làm, vị ấy nói: “Tôi đã không biết nói biết, không thấy nói thấy. Ðó là lời nói hư dối, trống rỗng, không trong sạch”. Trừ khi chưa chứng mà tưởng đã chứng, nếu không thì Tỳ-kheo ấy phạm Ba-la-di.
Phật Thế Tôn ở tại vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ có một Tỳ-kheo nhỏ tuổi, mới học đạo chưa lâu, chưa thông hiểu pháp, ý niệm chưa định, đi lại không có tiết độ. Khi đến nhà người thì tự xưng là đã đắc pháp thượng nhơn.
Lúc ấy, chúng đại Tỳ-kheo đắp y mang bát vào nước Xá-vệ khất thực thì nghe Tỳ-kheo trẻ tuổi tự xưng mình đã chứng pháp thượng nhơn. Nghe vậy, sau khi xin được thức ăn, các Tỳ-kheo ra khỏi thành, đến chỗ Tỳ-kheo trẻ tuổi, nói rằng:
– Ông chớ có thường xuyên đến nhà người, chớ có tự xưng đắc pháp thượng nhơn.
Tỳ-kheo trẻ tuổi đáp:
– Các Tỳ-kheo trưởng lão thường đến nhà người, còn tôi vì sao lại không được đến?
Các Tỳ-kheo can gián như vậy nhưng Tỳ-kheo ấy không nghe.
Tỳ-kheo trưởng lão bảo các Tỳ-kheo:
– Hãy đến chỗ Phật bạch đầy đủ việc này.
Thế Tôn nói:
– Này các Tỳ-kheo! Giống như ở trong rừng sâu hoang vắng, có một dòng sông, có các con voi lớn xuống sông, lựa chọn ngó sen, rửa sạch bùn đất rồi lấy ăn. Các con voi lớn đó đều ăn no, sức khỏe dồi dào, vui vẻ, không hung bạo, không giết hại lẫn nhau, không bị chết chóc khổ sở. Các con voi nhỏ trong bầy voi nếu lội xuống sông lấy ngó sen thì không chịu rửa sạch, ăn luôn cả bùn đất. Ăn xong, sức khỏe yếu ớt, không được an vui, do vậy chúng giết hại lẫn nhau nên bị chết chóc khổ sở.
Cũng vậy, Tỳ-kheo trưởng lão đã lìa tham, sân, si, đã tu tịnh hạnh từ lâu, lại không thường xuyên đến nhà các đàn-việt. Do không thường đến nhà các đàn việt nên khi đến, các vị ấy gây lòng tin cho những người không tin; những người đã tin lại càng thêm tin tưởng. Nếu nhận được đồ vật thì không sanh tham đắm, không có ganh ghét. Nếu nhận của tín thí thì tiêu hóa hết, không có phỉ báng lẫn nhau, không có ý tà ngụy.
Trong chúng Tỳ-kheo trưởng lão có các Tỳ-kheo trẻ tuổi, học đạo mới được ít ngày, chưa hiểu pháp, tự ca ngợi bằng pháp thượng nhơn. Ðến nơi nào thì làm cho người không tin pháp ở nơi đó càng thêm không tin; người đã tin thì lòng tin bị giảm. Nhận được đồ cúng dường liền sanh tâm tham đắm, ganh ghét với bạn bè. Không hiểu vô thường. Nhận thức ăn mà ăn xong thì nhan sắc tiều tụy, không có sức khỏe. Vì thế mà bị khổ muốn chết.
Vì thế, Thế Tôn tập hợp chúng Tăng, kiết giới cho Sa-môn:
– Tỳ-kheo nào đến nhà trưởng giả, tự khen ngợi bằng pháp thượng nhơn thì phạm Ba-la-di.
Phật ở tại vườn Trúc Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt. Lúc mới xin làm Sa-môn, Ðiều-đạt mang theo ba trăm ngàn lượng vàng, con voi ông ta cỡi trị giá trăm ngàn lượng vàng, đồ đạc con voi mang trên mình cũng trị giá trăm ngàn lượng vàng. Y phục mà Ðiều-đạt mặc trên người cũng trị giá trăm ngàn lượng vàng. Sau khi xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc cà-sa, vị ấy rời bỏ phố phường, vào núi hành đạo, tụng kinh đã học. Vị ấy tụng hết tất cả các kinh mà Thế Tôn đã giảng dạy.
Trong kinh có kể chuyện các vị Tỳ-kheo có đại thần thông đến cõi Diêm Phù Ðề (do ở đó có loại cây tên Diêm-phù nên vùng ấy tên Diêm Phù Ðề). Các Tỳ-kheo có thần thông đến nơi ấy hái quả Diêm-phù đem về ăn. Cách cây Diêm-phù không xa có vườn Ha-lê-lặc lớn, vườn A-ma-lặc lớn (mỗi vườn cách nhau năm mươi do-tuần). Các vị còn đến Uất-đan-việt lấy loại lúa mọc tự nhiên đem về dùng; hoặc đến cõi trời Ðâu-thuật lấy cam-lồ của chư thiên đem về dùng; hoặc đến các phương Ðông, Nam, tây, Bắc, bay vọt trên không, biến hóa đủ cách.
Thấy các việc như vậy, Ðiều-đạt sanh tâm ganh ghét và nghĩ rằng: “Lúc nào ta mới có được thần thông to lớn này để bay đến gốc cây Diêm-phù hái quả ngọt về ăn, cho đến bay vọt trên không một cách tự do?!”.
Vị ấy suy nghĩ tiếp: “Ta phải đến gặp Phật để hỏi cách luyện thần thông”. Vị ấy liền đến chỗ Phật hỏi về pháp thần thông.
Biết Ðiều-đạt sẽ gây ra tội, không thể cứu được và sẽ gây việc vô ích cho Phật pháp, Thế Tôn liền bảo Ðiều-đạt:
– Hãy đi đi! Không nên hỏi pháp thần túc. Chỉ cần suy nghĩ về pháp vô thường, khổ, không, vô ngã.
Nghe Thế Tôn dạy như vậy, Ðiều-đạt không bằng lòng và chỉ nghĩ đến thần thông. Vị ấy lại nghĩ: “Xá-lợi-phất là người có trí tuệ lớn, ta phải đến đó hỏi pháp thần thông. Vị ấy sẽ chìu ý ta”.
Ông ta liền đến hỏi Xá-lợi-phất đạo thần thông, nhưng vì biết Phật không dạy nên Xá-lợi-phất cũng không dạy.
Ðiều-đạt lại suy nghĩ: “Mục-kiền-liên là bậc có thần thông lớn nhất trong các Thanh văn. Ta phải đến hỏi vị ấy pháp thần thông”.
Ông ta liền đến đó hỏi pháp thần thông, nhưng Mục-kiền-liên cũng không nói.
Ðiều-đạt lại nghĩ: “A-Nan là em út của ta. Thế Tôn cũng từng khen vị ấy là người đa-văn bậc nhất trong số các Thanh-văn. Ta phải đến hỏi vị ấy pháp thần thông, chắc chắn vị ấy sẽ giảng pháp thần thông cho ta nghe”.
Khi ấy, A-Nan chưa đắc thần thông, không lường được việc này, lại chưa sạch hết trần cấu nên liền nói hết pháp thần thông mà mình đã nghe cho Ðiều-đạt.
Ðiều-đạt ghi nhớ hết pháp thần thông mà A-Nan đã truyền đạt, rồi lập tức đến nơi vắng vẻ, yên tĩnh, rừng cây trong núi sâu để tu tập pháp ấy suốt ngày đêm không nghỉ và đạt được bốn thiền sắc giới. Nương thiền định này, vị ấy liền đạt được thần thông.
Do trước đây đã thề, vị ấy liền đến cây Diêm-phù hái quả đem về ăn, cho đến lên cõi trời Ðâu-thuật lấy cam-lộ của cõi trời và biến hóa vô số cách. Bấy giờ, Ðiều-đạt phát sanh tâm ganh ghét, hướng về Như Lai mà suy nghĩ rằng: “Dòng họ và nơi sanh của Sa-môn Cù-Ðàm không thể hơn ta, ông ấy họ Thích, ta cũng họ Thích, có gì thua kém! Sở dĩ mọi người đến cúng dường là do thần thông của ông ấy. Nay ta cũng sẽ dùng thần thông giáo hóa thật nhiều người”.
Ðiều-đạt lại suy nghĩ: “Vua Tần-bà-sa-la đã chứng quả bất thối chuyển ở trong đạo của Sa-môn Cù-đàm. Ta không thể dùng thần thông giáo hóa ông ấy”.
Vốn thông minh lanh lợi, thông đạt thiên văn địa lý và tinh tú trên hư không, Ðiều-đạt quán sát hết mọi người và thấy chỉ có thái-tử A-xà-thế là đầy đủ tướng làm vua. Thái-tử này chắc chắn sẽ làm vua không còn nghi ngờ.
Ðiều-đạt suy nghĩ: “Ta phải đến dùng thần thông để giáo hóa thái-tử, để những người ở nước này đều phải nhận sự dạy dỗ của ta”.
Lúc ấy, Ðiều-đạt hóa thân làm voi, đến chỗ thái-tử A-xà-thế, đi vào xuyên qua vách tường rồi đi ra cửa, biến hóa đủ cách để thái-tử A-xà-thế biết là Ðiều-đạt. Ông ta lại hóa thân làm ngựa, ra vào không bị ngăn ngại, hoặc theo cửa vào và ra nơi không có cửa; hoặc hóa ra các loại châu báu để làm mũ báu đặt trên đầu gối thái-tử A-xà-thế. Thái-tử liền lấy đội nhưng cũng biết đó là vật do Ðiều-đạt biến hóa ra.
Ðiều-đạt lại hóa làm đứa bé được trang sức bằng xâu chuỗi vàng bạc, ngồi trên đùi thái-tử. Thái-tử liền ôm, đùa giỡn, nhổ nước miếng vào miệng làm dơ miệng đứa bé và cũng biết đó là do Ðiều-đạt biến hóa ra.
Khi ấy, thái-tử A-xà-thế liền phát sanh tâm điên đảo, cho rằng thần thông của Ðiều-đạt hơn Phật, liền cúng dường cho ông ta y phục, đồ ăn, giường nằm, thuốc chữa bệnh. Mỗi ngày, thái-tử mang năm trăm nồi cơm đến chỗ Ðiều-đạt. Thái tử đem năm trăm cỗ xe (chở hàng hóa) đến chỗ Ðiều-đạt. Cũng có năm trăm Tỳ-kheo ngồi ăn ở chỗ Ðiều-đạt.
Ðến giờ, đại chúng Tỳ-kheo đắp y mang bát vào thành La-duyệt khất thực. Các Tỳ-kheo nghe tin thái-tử A-xà-thế cúng dường Ðiều-đạt rất nhiều thứ, cho đến mang theo năm trăm cỗ xe đến chỗ Ðiều-đạt, có năm trăm Tỳ-kheo đi theo và ngồi ăn chung với Ðiều-đạt.
Nghe tin ấy, các Tỳ-kheo liền đến chỗ Phật, bạch đầy đủ việc này. Thế Tôn bảo:
– Các vị chớ có đến chỗ Ðiều-đạt nhận sự cúng dường, chớ có phát sanh lòng tham. Vì sao vậy? – Như uống thuốc độc, há có ai không chết? Ðã tự uống thuốc độc, lại cho người khác uống.
Này các Tỳ-kheo! Ví như cây Kiền-đà-lợi (chuối) sanh quả thì thân bị gẫy, cây bông lau sanh hạt thì chết. Con la mang thai thì mẹ con đều chết. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo! Ðiều-đạt mà cúng dường là tự uống thuốc độc, lại cho người khác uống thuốc độc.
Này Tỳ-kheo! Ví như có người rất mạnh, cầm gậy đánh con chó dữ sứt đầu gẫy mũi, chó còn hung dữ không?
Tỳ-kheo đáp:
– Vẫn còn, thưa Thế Tôn.
Phật nói:
– Cũng vậy, Ðiều-đạt được cúng dường càng thêm táo bạo. Thật đáng thương cho kẻ ngu si này sẽ phải chịu tội nặng như núi trong một thời gian dài.
Bấy giờ, Ðiều-đạt liền phát sanh ý nghĩ: “Nay ta được cúng dường nhiều hơn Như Lai. Vì sao Như Lai lại cấm chúng Tăng không cho họ đến nhận cúng dường?”.
Ðiều-đạt vừa phát sanh ý nghĩ đó, liền bị mất thần túc.
Bấy giờ, tôn giả Mục-kiền-liên đang ở hang Ca-lăng-già, thuộc thành La-duyệt. Lúc ấy Tỳ-kheo đồng học của Mục-kiền-liên tên Xiểm-phù-đà – con của trưởng giả Câu-lợi – tu tứ vô lượng tâm, sanh lên cõi trời Phạm thiên. Phạm thiên Xiểm-phù-đà liền dùng thiên nhãn quán thấy Ðiều-đạt mất thần túc. Trong thời gian con người co duỗi cánh tay, Phạm thiên Xiểm-phù-đà từ cõi trời Phạm thiên hạ xuống chỗ Mục-kiền-liên ở hang Ca-lăng-già, bạch với vị ấy rằng:
– Tôn giả biết không? Ðiều-đạt đã mất thần túc. Mục-kiền-liên! Thầy hãy đến bạch với Thế Tôn Ðiều-đạt đã mất thần túc.
Mục-kiền-liên liền sanh ý nghĩ muốn nhập thiền định để quán sát tâm của Ðiều-đạt. Mục-kiền-liên liền nhập thiền định và biết Ðiều-đạt đã mất thần túc thông.
Lúc ấy, Mục-kiền-liên liền im lặng nhận lời vị thiên. Vị thiên liền trở về trời.
Khi vị thiên ấy ra đi không bao lâu, Mục-kiền-liên nhập vào tam muội, đến vườn Trúc, rồi ra khỏi tam muội. Ở cách Phật không xa, sửa y phục, rồi đến chỗ Phật đảnh lễ sát đất, đứng qua một phía, bạch Thế Tôn rằng:
– Theo Phạm thiên Xiểm-phù-đà nói thì Ðiều-đạt đã mất thần túc.
Trong khi Mục-kiền-liên đang nói thì Ðiều-đạt dẫn theo năm người là: Cù-bà-ly, Khiên-đà-la, Bà-bà-ca-lưu-đà, Ðái-tam-văn-đà, La-hệ-đầu. Trông thấy Ðiều-đạt dẫn theo năm người đến, Thế Tôn quay lại bảo Mục-kiền-liên:
– Hãy thôi, đừng nói nữa. Kẻ ngu si ấy đến đây sẽ tự nói.
Mục-kiền-liên liền suy nghĩ: “Ta phải nhập vào chánh định ngay tại đây để Ðiều-đạt không thấy ta”.
Khi ấy, Ðiều-đạt đến chỗ Thế Tôn,đảnh lễ sát đất rồi ngồi qua một phía, bạch Thế Tôn rằng:
– Thế Tôn đã già, sức khỏe yếu kém, thời đã qua. Xin Thế Tôn hãy bảo chúng Tăng nhận sự chăm nom của tôi.
Thế Tôn đáp:
– Những người có thần túc lớn như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên đến xin chăm nom chúng Tăng, ta còn không cho, huống gì kẻ còn được cho bú mớm, bồng bế như ngươi mà ta giao chúng Tăng cho được sao?
Ðiều-đạt liền suy nghĩ: “Vì sao Thế Tôn chỉ khen Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên mà chê đức độ của ta?!”. Ðiều-đạt liền phát sanh ác ý đối với Phật, Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, không từ giã mà đứng dậy bỏ đi.
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Vật tín thí rất nặng, làm Tỳ-kheo rơi vào chỗ tối tăm, không được nói được, kinh trước đây thường tụng nay lười biếng không tụng, không chứng đắc nói chứng đắc. Ví như người lực sĩ cắt gân làm dây quấn chặt cẳng chân, bắp tay, rồi kéo hai đầu dây, sợi dây ấy làm tổn thương da, thịt, gân. Gân đứt thì nó tiếp tục làm tổn thương xương, rồi đến tủy. Cũng vậy, các Tỳ-kheo nênbiết, tín thí làm con người đọa vào chỗ tối tăm, không được nói được, kinh trước đây thường tụng nay lười biếng không tụng, không chứng đắc nói chứng đắc. Tỳ-kheo nào nhận của tín thí mà tham đắm cho là vật của mình thì làm tổn thương da, cho đến xương tủy.
Này các Tỳ-kheo! Từ nay trở đi phải học, không được tham đắm vật tín thí cho là vật của mình, chỉ thọ những thứ cần thiết với tâm không phân biệt mà thôi. Tỳ-kheo phải học như vậy.
Nhân việc ấy cho đến đủ mười công đức, Thế Tôn kiết giới cho Sa-môn:
– Tỳ-kheo nào dựa vào thiền thế tục làm phát sanh thần túc và tự ca ngợi bằng pháp thượng nhơn thì phạm Ba-la-di.
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nên biết, có Tỳ-kheo vì y áo, đồ ăn uống, giường nằm, thuốc trị bệnh, chẳng phải A-la-hán mà xưng là A-la-hán; lại có Tỳ-kheo cầm đầu bọn cướp, dẫn theo một trăm người, hai trăm, ba trăm, cho đến một ngàn người thì hai tên giặc lớn này có gì thua kém nhau?
Tỳ-kheo đáp:
– Người dẫn theo một trăm người, cho đến một ngàn người cũng chỉ là hạng giặc nhỏ, bình thường. Hạng giặc thứ hai đối với chúng, Phạm, ma, Sa-môn, Bà-la-môn ở trong trời người, chỉ vì y áo, cơm ăn, giường nằm, thuốc thang, chẳng phải A-la-hán mà xưng là A-la-hán,đó chính là hạng giặc lớn ở trong các giặc.
Tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Thế Tôn:
– Ba-la-di nghĩa là gì?
Thế Tôn đáp:
– Tất cả các pháp như căn, lực, giác, đạo, chứng đạo, đắc quả dưới gốc cây, dứt sạch kiết sử… đều bị vứt bỏ. Vì thế gọi là vứt bỏ.
Này các Tỳ-kheo! Thí như có người mắc lỗi với nhà vua, bị vua đoạt hết các dụng cụ sinh hoạt, bị mất hết nhà cửa; cũng vậy, người nào phạm một trong bốn Ba-la-di thì mất hết tất cả các công đức.
Thế nào là bất thọ? – Ðó là ở nơi nói giới, tự tứ và yết-ma, Tỳ-kheo này không được tham dự. Tỳ-kheo này cũng không được biết các việc bí mật của chúng Tăng.
Bất thọ nghĩa là chẳng phải Sa-môn, chẳng phải con dòng họ Thích.
TỲ NẠI DA
Hết quyển hai