Tuyển Tập Hải Triều Âm
Hoà Thượng Thích Viên Huy
Thanh Tịnh Tâm Thức
Thực tánh chơn tâm của tất cả chúng sanh vốn dĩ thanh tịnh, trí tuệ hằng hữu nơi tánh viên giác chẳng nhọc tìm kiếm. Tuy nhiên, chúng sanh do vô minh nên cứ mãi vọng hướng ra ngoài, phân tâm tìm kiếm con đường tịnh hoá thân tâm mà chẳng quay về tự thân an trú. Do mải mê tìm kiếm lại vướng mắc vào sự phân biệt chấp thủ bởi các thành kiến sai lầm về con người và thế giới mà lẩn quẩn mãi trong vòng sanh tử luân hồi chưa từng ngừng ngớt. Ví như mặt trời tròn đầy, sáng suốt, rộng lớn không ngằn mé. Chỉ vì bị mây đen vô minh che đậy, ánh sáng không thể chiếu soi. Ánh sáng mặt trời không thể soi rọi không có nghĩa là nó đã biến mất. Nếu mây nương theo gió tan ra, mặt trời tức khắc hiển lộ với ánh sáng rực rỡ chiếu soi muôn loài. Cũng vậy, tâm thức của tất cả chúng sanh do mây vô minh che mờ tâm tự tánh thanh tịnh của tâm nhưng bản chất ấy vốn chẳng mất. Nếu nương theo lời Phật dạy tinh tấn tu tập với mục đích xé tan màn vô minh đen tối, ngay lập tức bản giác hiển lộ.
Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật từng dạy rằng: “Vì cứ theo vọng niệm phân biệt, chẳng nương theo chân tâm thường trụ, cho nên đời đời ô nhiễm, trôi lăn trong vòng sanh tử. Vậy các ông phải bỏ cái vọng niệm sanh diệt, theo về với chân tâm thường trụ. Khi chân tâm thanh tịnh sáng suốt rồi thì căn thân, trần cảnh và vọng thức tức thời tiêu diệt. Cảnh vọng trần và tâm cấu nhiễm đã tiêu rồi, lúc bấy giờ lo gì chẳng thành quả Phật vô thượng”. Chúng sanh do phân biệt, chấp thủ mà luân hồi sanh tử. Ngay cả khi tu tập cũng có sự phân biệt giữa các pháp môn mà vướng mắc vào nhị biên, mãi vọng hướng ra ngoài tu tập nên chẳng thấy được chơn tâm thường trụ nơi tự thân. Chúng ta nên hiểu rõ, sở dĩ đức Phật khai mở ra nhiều pháp môn là vì phương tiện dẫn dắt khiến chúng sanh lần quay về bản giác, vì mục đích “khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”. Tuy nhiên, hành giả khi tu tập nương nơi hoá thành phương tiện mà đức Phật dụ dẫn lại cho đó là đích đến tối thượng, sanh ra sự vướng mắc vào pháp môn tu tập. Sở dĩ tất cả chúng ta tu tập tinh cần để có thể gạn lọc những ô uế, cấu nhiễm nơi tâm thức, để thể nhập vào Như Lai tạng. Nhưng phần lớn hành giả khi tu tập lại dễ vướng mắc, bám víu vào phương pháp tu tập để rồi hàng loạt sự tham chấp vi tế khác lại sanh khởi. Với sự chi phối của tham chấp kết hợp cùng bản ngã đưa đến phân biệt về sự tối thượng của các pháp môn. Ai cũng tự cho pháp môn mà bản thân đang tu tập là chân lý, là đích đến tối thượng. Chẳng hiểu được rằng chúng ta chỉ nương nơi ngón tay để thấy trăng chứ chẳng thể nói rằng ngón tay chính là mặt trăng vậy.
Hành trình thanh tịnh hoá tâm thức của tất cả hành giả tu tập cần được chứng ngộ và thấu hiểu một cách rốt ráo. Sự vướng mắc vào năng và sở về pháp môn tu tập là một trong những thứ chướng ngại to lớn khiến hành giả tu tập mãi mà chẳng thoát khỏi lưới vô minh ngu tối, càng tu tập mây mờ vô minh càng dày đặc thêm. Do đó, bản thân chúng ta khi tu tập điều cần thiết đó là thấu triệt được lý không tánh nơi vạn pháp. Sở dĩ đức Phật đề ra sự phân biệt thiện, ác; tốt, xấu; khổ đau, hạnh phúc; Niết Bàn, vô minh là vì ngài muốn tạo ra những nấc thang thấp nhất để chúng sanh có thể tiếp nhận và gần gũi với Phật Pháp. Hướng hàng đệ tử dần vững chắc nơi giáo pháp rồi mới nói pháp Đại Thừa khiến chúng sanh đoạn trừ mọi vướng mắc vào lý thuyết nhị biên mà trụ nơi tánh không vô ngại. Phá bỏ mọi chấp trước, thể đạt đến trạng thái thanh tịnh thật sự nơi tâm thức.
Mặc dù đích đến tối thượng mà đức Phật muốn chúng sanh đạt được đó là tánh rỗng lặng tuyệt đối, an tịnh hoàn toàn. Nhưng vì chúng sanh có quá nhiều bệnh chướng nên chẳng vội nói thực tướng thanh tịnh cho chúng sanh. Nếu chúng sanh nghe tâm vốn đã thanh tịnh liền cho rằng không nhất thiết phải tu tập để đoạn ác, tăng trưởng thiện vì bản giác vốn hằng hữu nên việc tu tập là không cần thiết. Lại do thiếu tu tập nên tâm bất thiện mỗi ngày một tăng trưởng quảng đại, vô minh ngu tối càng sâu dày thì tâm thanh tịnh càng khó hiện hữu. Do đó mà đức Phật phương tiện khéo phân biệt để chúng sanh đoạn trừ dần sự ô uế nơi tâm thức. Cũng giống như người đãi cát tìm vàng. Bắt đầu từ việc loại bỏ những rác lớn, những hạt sỏi to rồi dần mới lần đến việc đãi cát. Khi vàng đã được tìm thấy thì người thợ phải nung nó ở nhiệt độ cao để loại bỏ tạp chất. Tạp chất nơi vàng đã bị loại bỏ, chỉ còn lại vàng nguyên chất thì lúc này mới có giá trị cao. Cũng vậy, thực chất tâm vốn thanh tịnh nhưng chúng sanh vẫn cần tu tập để gạn lọc, loại trừ tất cả ác bất thiện pháp nơi tâm thức. Khi tâm thức không còn bất kỳ tạp chất nào tồn tại thì ngay khi ấy bản thể viên giác tự nhiên hiển lộ.