Tuyển Tập Hải Triều Âm
Hoà Thượng Thích Viên Huy
Đặt Gánh Nặng Xuống
Thật khổ thay một đời sống có quá nhiều gánh nặng được đặt lên. Những gì được gọi là gánh nặng? Đó chẳng phải là khối vật chất có trong lượng lớn mà gánh nặng ở đây tức chỉ cho tâm tham ái, chấp thủ về ngũ uẩn đưa đến đau khổ, nặng nề và trở thành gánh nặng nơi trần thế. Sự đau khổ về việc chấp thủ ngũ uẩn được thể hiện rõ qua Tứ Diệu Đế. Khi đề cập đến diệu đế thứ nhất và thứ hai, đức Phật nêu rõ về sự thực khổ đế và nguyên nhân đưa đến khổ. Đây chính là giáo lý thâm diệu giúp cho chúng ta hiểu tại sao cần phải đặt gánh nặng mà bản thân đã mang vác nó từ vô lượng kiếp xuống. Bắt đầu từ sự tham cứu và nhận chân về thực tại mọi sự hiện hữu phát khởi luôn có khổ đồng thời sanh. Chúng ta thường chỉ cảm thấy khổ nhưng không nhận chân như thật về biểu hiện của khổ. Với bát khổ diễn tả chân thực về hiện trạng của khổ được đề cập đến như sau:
+ Khổ vì sự có mặt gọi là khổ sanh.
+ Khổ vì tàn tạ, héo úa, tiều tụy gọi là khổ già. + Khổ vì năm uẩn mất quân bình đưa đến đau bệnh nhức nhối, khó chịu gọi là khổ vì bệnh.
+ Khổ vì tan rã, hoại diệt không còn sức sống của năm uẩn gọi là khổ chết.
+ Khổ vì yêu thương năm uẩn bên ngoài gọi là yêu thương xa lìa khổ.
+ Khổ vì không hài lòng với năm uẩn bên ngoài gọi là oán tắng hội khổ.
Tuyển Tập Hải Triều Âm | 63
+ Khổ vì ước nguyện không thành tựu gọi là cầu mong không được khổ.
+ Khổ vì dính mắc chấp năm uẩn này là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi.
Tám cái khổ trên chính là biểu hiện tổng quát về khổ đau bắt đầu từ khi sanh ra cho đến khi chết đi, khổ đau không ngừng ngớt với sự chuyển đổi từ giai đoạn này đến giai đoạn khác. Trong vòng luân chuyển bất tận ấy, mỗi lần luân chuyển thì màn vô minh, ngu tối càng thêm đặc dày. Tuy nhiên, xét về nguyên nhân chính yếu của khổ đau thì cái khổ thứ tám, khổ do dính mắc vào năm uẩn, bao quát toàn bộ các biểu hiện còn lại của khổ. Do đó, có thể nói, năm thủ uẩn là nguyên nhân cốt lõi đưa đến mọi sự khổ đau của chúng sanh.
Chúng ta đa phần đều cho thân ngũ uẩn này là của ta và lần lần hình thành nên một cái ngã. Chính cái ngã này có sự phân biệt giữa người và ta. Từ sự phân biệt đó mà có chấp thủ, bám víu vào những thứ được mang dưới cái tên là bản ngã của ta. Để rồi khi một vật gì chúng ta yêu thích, ham muốn mà không đáp ứng được cái nhu cầu của bản ngã thì liền sanh đau khổ. Cái khổ ấy bắt nguồn từ nguyên nhân mà đức Phật đã nhiều lần đề cập đến trong tam tạng kinh điển như sau: “Sự tham ái đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia; như dục ái, hữu ái, vô hữu ái.”
Tham ái (tanha) chính là sự yêu mến, sự thèm khát, chữ ái ở đây là chỉ cho lòng ham muốn qua cảm thọ, ái chính là nguồn gốc của sự sinh tử luân hồi. Nếu xét về mặt phân loại, tham ái thường được chia làm ba loại:
Dục ái (Kamatanha) là sự ham muốn, đam mê, thích thú đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
Hữu ái (Bhavatanha) cũng chính là dục ái nhưng sanh khởi ở nơi người chấp thường kiến, cho rằng có một bản ngã thường hằng, tồn tại mãi mãi, không thay đổi, không biến diệt.
Phi hữu ái (Vibhavatanha) cũng là dục ái nhưng sinh khởi ở nơi người chấp đoạn kiến, cho rằng tất cả đều tiêu diệt, hủy diệt, không có gì tồn tại sau khi chết.
Ba loại tham ái đều được xây dựng dựa trên thành kiến sai lầm về bản chất các pháp, hay nói cách khác đó là do vô minh nên có tham ái. Trên nền tảng của sự mê mờ thiếu trí đưa đến sự nắm giữ, bám víu vào đối tượng chúng ta ưa thích rồi từ đó sanh ra đau khổ. Nguồn gốc khổ đau phát xuất từ nơi tự thân có quá nhiều tham ái về bản ngã và thủ chấp về thế giới. Dựa trên lý duyên khởi chúng ta có thể thấy, khi ái phát sanh thì theo sau nó chính là thủ hiện hữu. Một khi hai chi phần này đã hoạt động thì các chi phần khác cũng hoạt động và bắt đầu một vòng luân hồi tái sanh liên tục không có điểm dừng. Cái vòng sanh tử luẩn quẩn ấy biết khi nào mới có thể chấm dứt nếu chúng ta cứ mãi gánh trên vai một đãy chứa đựng ngũ uẩn giả tạm này. Chỉ khi nào chúng ta vất được gánh nặng về sự tham ái và chấp thủ thì khi ấy ngũ uẩn không còn là gánh nặng. Xét về mặt chữ nghĩa thì chỉ cần chúng ta vất ra khỏi thân tâm một chữ “thủ” thì liền bỏ được gánh nặng ấy chỉ còn lại ngũ uẩn đơn thuần. Bản chất ngũ uẩn chẳng phải là gánh nặng mà gánh nặng chỉ được đặt lên khi tâm thức tồn tại ái và thủ. Do đó, trong kinh Tương Ưng, đức Phật dạy rằng:
“Năm uẩn là ghánh nặng
Kẻ ghánh nặng là người
Cầm lấy ghánh nặng lên
Chính là khổ ở đời
Còn đặt ghánh nặng xuống
Tức là lạc ở đời.
Đặt ghánh nặng xuống rồi
Không mang thêm gánh khác,
Nếu nhổ khát ái lên
Tận cùng đến gốc rễ
Không còn đói và khát
Để giải thoát tịnh lạc”
Đã biết rõ ngũ thủ uẩn chính là gánh nặng thì chúng ta phải tự mình cởi bỏ chúng xuống thì mới có thể thoát được sự đau khổ. Nêu biết đó là gánh nặng nhưng vẫn mang trên mình thì chính là những kẻ vô minh. Những kẻ ấy đắm vào dục lạc chút ít của thế gian để rồi khổ đau muôn kiếp vẫn cảm thấy thõa mãn. Đối với những người có trí, khi đã biết rõ được nguyên nhân của đau khổ thì phải tìm cách đoạn trừ chúng thì mới có thể tiến bước trên con đường giải thoát giác ngộ.
Muốn đặt gánh nặng thủ uẩn thì phương pháp cốt lõi không gì ngoài sự thắng tri ngũ uẩn theo ba sự thật. Ba sự thật ấy chính là vô thường, khổ, vô ngã. Khi chúng ta thắng tri một cách rõ ràng về ba trạng thái này của ngũ uẩn thì liền có thể đoạn tham ái và chấp thủ. Bản chất của ngũ uẩn vốn dĩ là vô thường, khổ và vô ngã. Chính cái thân mà chúng ta thường cho nó một bản ngã ấy thực chất chỉ là một khối thịt do tứ đại sanh cùng với tâm thức. Nó là sự kết hợp giữa danh và sắc. Khi các yếu tố này hòa hợp thì thân ngũ uẩn này vẫn tồn tại nhưng khi các yếu tố hợp thành này tan rã thì liền đoạn diệt. Sự tồn tại của một mạng sống chỉ trong chốc lát. Nó mong manh như sương ma buổi sớm, thoắt cái đã không còn tồn tại.
Do đó, những thứ chúng ta cảm thọ được đều nằm trong sự chi phối của vô thường. Ngay cả sắc thọ tưởng hành thức cũng chẳng thể tồn tại một cách mãi mãi. Như ngài Na Tiên đã từng giải thích trong Kinh Mi Tiên Vấn Đáp: “Tất cả căn, trần, thức và những tâm sở đồng sanh ấy chúng tương quan tương duyên với nhau. Như vậy thì thức, cái nhận biết, đâu phải là chủ thể, đâu phải là cái độc lập, đâu phải là tự ngã thường hằng nương gá ở trong thân.” Khi thấy rõ được sự vô thường, biến hoại trong ngũ uẩn thì bản thân chúng ta tự nhận chân được rằng làm gì có cái nào được gọi là tôi, là của tôi và là tự ngã của tôi. Mọi thứ đều do đầy đủ các yếu tố mà hợp lại hình thành nên một thân do nhiều yếu tố tạo thành. Cái thân ngũ uẩn này khi chết liền tan hoại, không thể nào tồn tại một cách vĩnh viễn. Nhưng do chúng ta bị vô minh che lấp lầm tưởng rằng đây là bản ngã của ta nên dùng chính những thứ giả tạm này mà tạo ra nghiệp để rồi chính nghiệp ấy lại là yếu tố khiến chúng ta luân hồi sanh tử không dừng.
Bản chất của ngũ uẩn không hề gây nên sự đau khổ nhưng do chúng ta không thấy được bản chất thật sự của nó nên sanh ra tham ái và chấp thủ đối với thân này nên mới bị khổ đau. Do đó, khi đã tu tập và hiểu rõ về ngũ uẩn thì chúng ta nên đoạn trừ những nguyên nhân đưa đến khổ đau một cách tận gốc. Để có thể đoạn trừ được những thứ khổ do ngũ uẩn gây ra, hành giả phải nỗ lực tu tập thì mới đoạn trừ được bởi lẽ có những sự tham đắm rất vi tế mà chúng phải tu tập mới có thể dứt được. Quá trình đoạn trừ sự tham ái và chấp thủ đối với ngũ uẩn không phải là việc một ngày liền có thể làm được. Vì vậy, hãy nỗ lực áp dụng các phương pháp được nêu trên để có thể chặt đứt cái khổ do thủ chấp đem lại.