Tuyển Tập Hải Triều Âm
Hoà Thượng Thích Viên Huy
Giới Luật Cội Rễ Của Chánh Pháp
Giới luật trong Phật giáo là những giới bổn được chế định bởi đức Phật và được hình thành dựa theo quy tắc tùy phạm tùy chế. Dựa theo Thanh Tịnh Đạo luận của Buddhaghosa giới được định nghĩa: “Đó là các pháp khởi từ tư tâm sở (cetana) hiện hữu nơi một người từ bỏ sát sanh, v.v… Hay nơi một người thực hành viên mãn các học giới.” Xét về ngữ nguyên, danh từ giới được phân tích như sau: “Giới Sila được gọi như thế là vì nó có ý nghĩa kết hợp (Silana). Kết hợp có hai nghĩa: một là phối hợp (Samadhana) chỉ sự không bất nhất trong ba nghiệp thân, lời và ý nhờ đức hạnh; hai là nâng lên (Upadharana) nghĩa là nền tảng (adha ra) vì giới là nền tảng cho những thiện pháp. Những người hiểu ngữ nguyên chỉ chấp nhận hai nghĩa này, song cũng có những người luận về ý nghĩa của giới là cái đầu (Siras) là mát mẻ (Sitala).” Tuy ngữ nguyên của giới được định nghĩa có đôi chút khó hiểu nhưng tựu chung lại giới cũng không ngoài ý nghĩa cốt yếu mà đức Phật muốn hướng tới: Đình chỉ các điều ác, Tăng trưởng thiện pháp và thanh tịnh hoá tâm thức. Với tính chất kiến tạo đời sống được nhiếp phục và chế ngự bởi tự thân, giới đóng vai trò cội gốc của chánh pháp, là yếu tố giúp Phật Pháp hưng thịnh và tồn tại lâu dài.
Trong Luật tạng có đề cập đến việc đức Phật thuyết giảng cho tôn giả Sariputta về sự tồn vong của giáo pháp sau khi các đức Phật nhập diệt. Đức Phật giải thích rõ sở dĩ giáo pháp của một số đức Thế Tôn không tồn tại lâu dài là do các ngài “Không ra sức để thuyết giảng Giáo Pháp một cách chi tiết đến các đệ tử và các vị ấy đã có ít suttam, geyyam, veyyakaranam, gatha, udanam, itivuttakam, jatakam, abbhuta, dhamma, vedallam.
Điều học cho các đệ tử đã không được quy định và giới bổn Patimokkha đã không được công bố.” Điều này khiến hàng đệ tử như các bông hoa khác nhau không được xâu kết lại bằng sợi chỉ, khi để trên tấm ván sàn sẽ bị gió làm cho bay tung tóe thậm chí bị hủy hoại. Cũng vậy, khi không có giới luật để các hàng đệ tử nương tựa thì sau khi chư Phật nhập Niết Bàn giáo pháp sẽ bị lụi tàn theo. Ngược lại, nếu chư Phật chế định giới luật một cách chi tiết và cụ thể thì sau khi chư Phật nhập diệt chúng đệ tử nương nhờ vào những giới luật đó mà tu tập khiến chánh pháp của các đức Thế Tôn tồn tại. Cũng giống như những bông hoa khác nhau được sợi chỉ xâu kết lại với nhau, nhờ đó chúng sẽ không bị gió làm cho tung tóe, không bị hủy hoại.
Sự thiết lập giới luật khiến cho tất cả hàng đệ tử đều cùng chung nhau tu tập, không sanh ra bất kỳ sự phân biệt giữa giai cấp, dòng tộc. Cũng ví như: “ sông Hằng, sông Yamuna, sông Aciravati, sông Sarabhu, sông Mahi, các con sông ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên họ cũ trở thành biển lớn. Cũng vậy, này Paharada, có bốn giai cấp: Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà, sau khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia trong Pháp và Luật được Như Lai tuyên bố, họ từ bỏ tên và họ của họ trước đây, và họ trở thành những Sa-môn Thích tử.” Chính nhờ vào giới luật đức Phật chế định nên trong
Tăng đoàn không còn sự phân biệt về dòng tộc cũng như giai cấp, chỉ còn lại là đệ tử của đức Phật, không có sự giàu, nghèo, tất cả đều nhờ vào giới luật mà sống hòa hợp với nhau như nước hòa với sữa. Nhờ sự hòa hợp ấy khiến cho Tăng đoàn ngày càng đoàn kết, trở thành những người xiển dương giáo pháp của chư Phật.
Trong tam tạng kinh điển mà đức Phật đã giảng dạy thì giới đóng vai trò tiên quyết cho sự hưng thịnh đạo pháp. Giới luật được ví như gốc rễ của cây cổ thụ giúp nó dứng vững và phát triển. Nếu cây tuy to lớn nhưng không có một gốc rễ vững chắc thì cây cũng không thể đứng vững được. Giáo pháp của đức Phật cũng vậy, nhờ có Tạng Luật làm gốc rễ vững chắc mà giáo pháp mới được duy trì, tồn tại. Bởi sau khi đức Như Lai nhập diệt, giáo pháp sẽ nương nhờ vào hàng Tăng chúng mà được xiển dương. Do đó, Tăng chúng phải sinh hoạt đồng nhất và nương vào luật để hòa hợp thì chánh pháp mới được trường tồn.
Một đất nước nếu không có luật pháp thì đất nước sẽ bị rối loạn, dân chúng không đoàn kết, đất nước sẽ đầy những tệ nạn và không thể phát triển được. Trong Tăng đoàn chúng đệ tử đức Phật cũng vậy, nương vào giới mà nhiếp phục tự thân, tạo nên một đoàn thể vững toàn thiện vững chắc. Đây chính là yếu tố khiến Phật pháp hưng thịnh, không suy giảm. Dựa theo bảy pháp bất thối được đề cập đến trong kinh Đại Bát Niết Bàn có pháp bất thối như sau: “Này các Tỳ-Kheo, khi nào chúng
Tỳ-Kheo không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ được ban hành, sống đúng với những học giới được ban hành, thời các Tỳ-Kheo, chúng Tỳ-Kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.” Người đệ tử Phật sống trong một đoàn thể đông đảo nếu không có giới luật thì biết căn cứ vào đâu để có thể hòa hợp mà cùng tu học. Mỗi người chúng ta sinh ra do những nghiệp nhân khác nhau nên mỗi người hành động tạo tác cũng khác nhau. Nếu không có giới luật thì mỗi người đều tự làm theo ý của bản thân tự cho là đúng, không có một khuôn phép nào để mọi người cùng nhau thực hành thì ắt sẽ xảy ra tranh cãi, kình chống nhau trong Tăng đoàn. Nếu không có giới luật làm khuôn phép cho Tăng đoàn thì chúng ta không khác gì các hàng ngoại đạo khác cũng sẽ trở thành một chúng Tăng ô hợp mà bản thân mỗi phần tử trong đó cũng không thể nào tu tập một cách tinh chuyên được. Bản thân không thể nào tu hành để đoạn trừ các lậu hoặc, không thể nào hộ trì các căn thì trong Tăng chúng dễ dàng sinh ra nhiều tệ lậu. Một Tăng đoàn rối loạn như một cuộn chỉ rối không tìm được đầu mối để kéo ra thì làm sao có thể truyền bá chánh pháp của đức Như Lai, làm sao có thể hóa độ chúng sanh trong khi bản thân và chúng sanh cũng giống nhau đầy những lậu hoặc. Do đó mà chánh pháp không được hưng thịnh và dần dần mất đi nếu không có giới luật.
Giới giúp cho Tăng đoàn hòa hợp để tạo nên một đoàn thể vững chắc khác hẳn với các tôn giáo ngoại đạo khác. Ngoài ra, giới luật còn có công năng đào thải những thành phần xấu trong Phật pháp. Với quy luật : “Ví như, này các Tỳ-Kheo, biển lớn không có chứa chấp xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng trên bờ hay vất lên đất liền. Cũng vậy, này các Tỳ-Kheo, người nào là ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh đáng nghi ngờ, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn nhưng tự nhận là Sa-môn, không sống Phạm hạnh nhưng tự nhận là có Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất định. Chúng Tăng không sống chung với người ấy, lập tức hội họp lại và đuổi người ấy ra khỏi. Dầu cho người ấy có ngồi giữa chúng Tỳ-Kheo tăng, nhưng người ấy sống xa chúng Tăng và chúng Tăng sống xa người ấy.” Quá trình đào thải như một quy luật tất yếu. Bởi chính những người không hành trì giới luật sẽ không thể nào đạt được đến quả vị giải thoát mà chắc chắn sẽ đọa lạc vào chốn khổ đau. Cũng vậy, trong giới luật của đức Phật không dung chứa những ai huỷ phạm giới pháp, cũng giống như biển chẳng dung chứa tử thi. Trên con đường tu tập của tất cả chúng ta, giới chính là yếu tố hướng con người giúp chúng ta hướng thiện. Giới luật như đãy lọc để chúng ta có thể gạn bỏ lần những bất thiện pháp thô sanh khởi tâm, điều đình hành động nơi thân để tránh đưa đến tạo tác ác pháp. Khi thân và tâm đã dần đi vào sự chế ngự, lúc ấy chúng ta mới có thể dễ dàng bắt đầu đi vào thực hành thiền định để trụ tâm. Tâm an trụ không một gợn sóng thì mọi vật đều được thấy rõ tường tận với tuệ giác siêu việt.