Đ a n g t i d l i u . . .
Tuyển Tập Hải Triều Âm

Tuyển Tập Hải Triều Âm
Hoà Thượng Thích Viên Huy

 

Gieo Hạt Giống Tốt

Mỗi người chúng ta đều là nông phu đang tự gieo  trồng những hạt giống trên thửa ruộng tu tập của chính  mình. Trong kinh Tương Ưng bộ, kinh Cày Ruộng, đức  Phật đã lấy ví dụ sự tu tập của mỗi hành giả như việc cày  ruộng ở thế gian. Nếu người thế gian cày ruộng là muốn  hướng đến cái quả về vật chất thì hành giả hướng đến  giác ngộ nỗ lực tu tập cày cấy mảnh đất tâm thức của  mình để hướng đến quả giải thoát- quả bất tử. Những  quả về vật chất, nó sẽ không thể tồn tại mãi mãi nhưng  quả bất tử lại khác, hạt giống giác ngộ đã gieo trồng  vào mảnh đất tâm này nhất định sẽ gặt hái được quả giải thoát.  

Dựa theo kinh nghiệm cốt lõi của những người nông  phu lâu năm, một mùa vụ bắt đầu với sự chuẩn bị nhiều  thứ. Từ dụng cụ cày cấy cho đến chọn hạt giống, tất  cả đều là một công đoạn rất quan trọng. Nếu ruộng đã được cày cấy kĩ lưỡng nhưng hạt giống không tốt, mùa  vụ không đúng thời thì chẳng thể bội thu. Trong kinh  Tăng Chi Bộ, đức Phật có dạy các yếu tố cho một mùa  vụ như sau: “Này các Tỳ-kheo, các hạt giống không bị  bể vụn, không bị hư thối, không bị gió và nắng làm hư,  còn tươi tốt được khéo gieo vào một đồng ruộng tốt,  được trồng vào đất khéo sửa soạn, và được trời mưa  xuống đều đặn, các hạt giống ấy, này các Tỳ-kheo, được  lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh.” Lựa chọn hạt giống  là điều trước tiên cần phải làm. Loại bỏ những hạt lép,  hạt bị mọt ăn, hạt bị hư mục, thối nát. Hạt giống đem  đi gieo trồng phải là những hạt lúa tốt nhất, không bị hư hoại hay các bệnh làm cho cây suy yếu không thể sinh trưởng. Sau khi đã chọn được hạt giống chất lượng,  người nông phu lại phải cày sâu khiến đất tơi xốp. Lại  phải canh thời vụ để tránh mưa gió trái mùa làm hạt  giống khó mà sanh trưởng. Sau khi đã chuẩn bị tốt giai  đoạn đầu cho việc trồng lúa, người nông dân phải trải  qua quá trình đầy cực nhọc chăm sóc cây lúa từ khi bắt  đầu gieo mạ đến khi trổ quả. Họ phải thường xuyên  chăm sóc lúa, bắt sâu, nhỏ cỏ, phun thuốc, canh lượng  nước, lượng thuốc,… Thành quả cuối cùng từ quá trình  gian khổ ấy chính là những hạt gạo thơm ngon, bán  được giá cao.  

Hàng đệ tử Phật tu tập cũng giống người nông phu  đều trải qua quá trình gieo trồng và chăm sóc gian khổ.  Với phương pháp gieo trồng đúng cách, cho quả  tốt được đức Phật đề cập đến trong kinh Cày Ruộng  như sau: 

Lòng tin là hạt giống, 
Khổ hạnh là mưa móc, 
Trí tuệ đối với ta, 
Là cày và ách mang, 
Tàm quý là cán cày, 
Ý căn là dây cột, 
Chánh niệm đối với ta, 
Là lưỡi cày, gậy đâm.” 

Đối với đức Phật hạt giống tốt nhất đó chính là lòng  tin. Lòng tin được đề cập đến trong bài kinh đó chính là sự tin vào Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Chúng ta tin  vào Phật là tin tưởng sự giác ngộ của Như Lai, tin vào  vị đã chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác,  vị ấy đã thoát ly được sự vô minh tăm tối để khai mở trí tuệ cho chúng sanh. Tin vào Pháp là tin vào những “Chánh pháp đã được Thế Tôn khéo léo thuyết giảng,  pháp ấy có kết quả ngay trong hiện tại, vượt ngoài  thời gian, đến để mà thấy, hướng dẫn đến đích, được  những người có trí tự mình giác hiểu, cửa bất tử được  rộng mở”. Tin vào Tăng là đoàn thể những người học  và hành trì theo lời Phật dạy. Đây là ba chỗ nương tựa  vững chắc nhất. Bởi tất cả những giáo lý mà đức Phật  nói ra không bị chi phối bởi thời gian, không gian. Nó tồn tại một cách bền bỉ và luôn là chân lý trong mọi thời  đại. Lòng tin chính là nơi khởi điểm phát sanh tất cả các thiện pháp. Nếu không có lòng tin kiên cố thì rất dễ bị ngoại đạo làm cho lung lay. Khi niềm tin vào Tam  Bảo đã trở nên bất động thì chúng ta không còn nghi  ngờ về con đường giải thoát khỏi sanh tử luân hồi. Tuy  nhiên, chúng ta cần phân định sự khác nhau giữa lòng  tin và sự mê tín để tránh sa vào đường hiểm của tà giáo.  

Hạt giống chánh tín đã được gieo trồng và cần được  thấm nhuận bằng mưa móc khổ hạnh. Trong trường  hợp này, khổ hạnh không mang nghĩa chỉ cho những  phương pháp tu tập ép xác cực đoan mà đức Phật muốn  nói đến sự tiết chế thân tâm thông qua giới luật. Giới  luật có công năng kháng các loại sâu bọ vọng động giúp  chúng ta hộ trì các căn. Do đó, hành giả tu tập thực hành và tôn trọng giới chính là yếu tố giúp chánh tín đã  gieo tăng trưởng. Chúng ta nên biết, hạt giống dù tốt  đến mấy nhưng thiếu sự bổ trợ của yếu tố thuỷ đại thì  chẳng thể nảy mầm. Chúng ta nên biết rằng giới luật  cũng chính là Pháp, là những lời dạy của bậc Đạo sư  giúp hàng đệ tử chế ngự, kiểm soát thân tâm. Nếu một  ai đó khẳng định họ đã phát khởi niềm tin tuyệt đối với  Tam Bảo nhưng lại không hành trì giới luật thì điều này  thật bất nhất so với lý luận ban đầu. 

Một yếu tố nữa được đề cập đến đó chính là công cụ  giúp cày xới mảnh đất tâm thức trở nên màu mỡ. Công việc cày cấy không thể nào thiếu cày và ách. Cày và ách  được ẩn dụ cho trí tuệ. Với công năng diệu dụng của trí  tuệ có thể xới lên những đá lớn tà kiến cùng với những  cỏ dại của các bất thiện pháp ẩn sâu trong tâm thức. Trí tuệ giúp chúng ta thấy được bản chất của các pháp là vô thường, khổ, vô ngã, thấy tất cả các pháp đều do duyên  sanh nhờ đó mà đoạn trừ nhanh chóng cỏ tà kiến, lậu  hoặc bị lấp sâu dưới lớp đất vô minh đen tối. Nhờ có trí  tuệ giúp cho mảnh đất tâm thức đủ điều kiện để chuẩn  bị cho việc gieo trồng những hạt giống tốt-chánh tín. 

Để điều khiển được cày và ách thì cán cày là vật  dụng không thể thiếu. Cán cày ở đây mang nghĩa chỉ  cho tâm tàm quý. Tàm là sự “Tự xấu hổ vì thân ác hạnh,  khẩu ác hạnh, ý ác hạnh, tự xấu hổ vì thành tựu ác, bất  thiện pháp.” Sự chán ghét, ghê tởm trước những  điều ác, bất thiện, tâm hỗ thẹn này phát sinh từ việc hành trì giới luật mà hình thành nên. Quý là sự “Tự sợ hãi vì thân ác hạnh, khẩu ác hạnh, ý ác hạnh, tự sợ hãi vì thành tựu ác, bất thiện pháp”. Cũng giống như  công năng của cán cày giúp người nông phu cày những  đường thẳng đều, tàm quý giúp hành giả tu tập đi đúng  con đường chân chánh nhờ có tâm hổ thẹn đối với ác  bất thiện pháp. 

Trong quá trình cày cấy tâm thức, ý căn được ví như  dây cột. Ý là nơi bắt nguồn của tất cả các pháp. Trong  Duy Thức định nghĩa về tính chất của ý chính là “công  vi thủ, tội vi khôi” nghĩa là ý căn vừa có công cũng vừa  có tội. Nếu không có sự thẩm sát của trí tuệ thì ý dễ  dàng tán loạn, vọng động. Khi ý được cột chặt với cán  cày tàm quý và ách trí tuệ đưa đến công năng điều khiển  trâu bò đi đúng đường hướng. Ý dưới cái nhìn sáng suốt  giúp điều đình những ác bất thiện chưa sanh khởi, đoạn  các ác bất thiện pháp đã sanh khởi trong tâm. 

 Muốn nhổ tận gốc lậu hoặc chánh niệm là yếu tố  tiên quyết. Giống như lưỡi cày và gậy đâm cắt đứt tận  gốc cỏ dại thì chánh niệm giúp hành giả nhổ cỏ lậu  hoặc, hướng đến thanh tịnh tâm thức. Sự chánh niệm  liên tục tỉnh giác giúp chúng ta biết rõ trạng thái đang  sanh khởi nơi tâm thức. Từ chánh niệm liên tục nên  phát sanh định và tuệ, mọi tham ưu, bám víu đến đây  được đoạn trừ tận gốc. Sau khi đã hiểu tường tận về  phương pháp gieo trồng thiện căn nơi tâm thức, việc  cần thiết cho hành giả tu tập đó chính là bắt đầu gieo trồng hạt giống giác ngộ để chờ ngày gặt quả  giải thoát.

 

Trang 1 2 3 4 5 6 7 8 9

0 0 Phiếu
Xếp Hạng Bài Viết
Đăng ký
Thông báo về
guest

0 Bình Luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả ý kiến