Tuyển Tập Hải Triều Âm
Hoà Thượng Thích Viên Huy
Nụ Cười Đích Thực
Tâm an lạc và thanh tịnh là điều hết sức cần thiết cho tất cả chúng ta giữa cuộc sống có quá nhiều cái khổ tồn tại. Phải chăng con người là sinh vật khốn khổ vô cùng chỉ vì có vô lượng trạng thái khổ đau được miêu tả ? Thực chất, khổ đau hay hạnh phúc đều phụ thuộc vào sự chi phối của tâm thức. Trong Duy Thức có câu: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Tâm khổ thì thế giới đầy thống khổ, tâm lạc thì Tịnh độ liền sanh. Sự an lạc nơi tâm thức chính là yếu tố quyết định đời sống của mỗi chúng ta hạnh phúc hay khổ đau. Đối với Phật giáo, khi nói đến sự an lạc và hạnh phúc người ta thường nghĩ ngay đến hình tượng của đức Di Lặc Bồ Tát. Mặt cười hạnh phúc với sự rỗng rang, vô ngại nơi chiếc bụng lớn. Nụ cười đích thực ấy được xây dựng bởi tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả. Nụ cười không tồn tại cái khổ thường trú, cười vang cái tánh rỗng lặng như hư không, chẳng vướng mắc. Dù cho khổ đau hay hạnh phúc ngài vẫn cười cái mà thế gian chẳng ai cười nổi. Chúng ta thường thấy hình tượng Bồ Tát Di Lặc được tạc với dáng ngồi bệt, bụng to, tai lớn cùng với nụ cười hoan hỷ. Bụng lớn ấy chẳng phải tướng của người say sưa như dân gian thường nói mà nó mang ý nghĩa thông qua hai câu thơ:
Đại đỗ năng dung, dung thế gian nan dung chi sự
Hàm nhan vi tiếu, tiếu thế gian nan tiếu chi nhân.
Dịch nghĩa:
Bụng lớn năng dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ.
Miệng cười hỷ xả, xả những điều khó xả ở thế gian.
Bụng lớn-nơi dung chứa tất cả những gì thế gian khó dung chứa, dù đó là đẹp hay xấu, thành hay bại, xưng tụng hay chỉ trích. Hạnh từ, bi, hỷ xả của đức Bồ Tát Di Lặc được ví như tính chất của đất, thẩm thấu tất cả những vật ô uế, bất tịnh và chuyển hoá chúng thành dưỡng chất giúp vạn vật sinh trưởng. Bất kỳ sự khổ đau, nhục mạ hay những trạng thái tồi tệ hơn nữa tác động vào nơi Di Lặc Bồ Tát đều được bụng lớn dung chứa tất cả lại chẳng buồn phiền và luôn toát ra sự hỷ lạc tràn đầy.
Khác với bậc Bồ Tát thượng sĩ, những bậc vì chúng sanh mà phát khởi đại nguyện dấn thân nơi Ta Bà uế trước hầu thuyết pháp độ sanh, hàng chúng sanh ngu muội, căn cơ thấp kém khi tiếp nhận các tác động ngoại cảnh đưa đến cảm thọ bất lạc liền khó kham nhẫn. Ngay lập tức tâm thức sanh khởi sân hận và bị chiếm trọn bởi gốc rễ bất thiện mà đưa đến hành động bất thiện. Lại do hành động bất thiện nên quả khổ ắt phải lãnh thọ. Chính do thiếu kham nhẫn, không hỷ xả đối với các cảm thọ, luôn thủ chấp, bám víu vào cảnh trần mà tự tạo ra một đời sống khổ đau về cả tinh thần lẫn vật chất. Đối với cuộc sống chúng ta được bao quanh bởi quá nhiều cái khổ chồng chéo lên nhau thì khi được chút lạc tạm bợ liền bám víu vào. Chẳng thấy được trong cái lạc vô thường ấy khổ đau đã tồn tại.
Nụ cười chúng ta thường thấy trong thế gian chẳng phải nụ cười biểu hiện hạnh phúc đích thực. Thế gian tràn đầy thống khổ và chúng sanh cười nụ cười chẳng trọn vẹn, chẳng xuất phát từ an lạc thực sự nơi tâm thức, chẳng phải nụ cười bất diệt. Nụ cười của chúng sanh thay đổi theo ngoại duyên tác động. Chúng ta thường cười khi thành công, khi đạt được những điều bản thân mong muốn, cười khi cái lạc thọ ập đến. Những cái lạc tạm thời nơi thế gian như chút mật ngọt nơi đầu lưỡi dao sắc nhọn. Chúng sanh mê mờ chẳng thấy lưỡi dao chỉ thấy mật ngọt, tranh nhau liếm mật liền bị đứt lưỡi. Vô minh khiến chúng sanh mê mờ tâm trí, tự tạo ra thế giới lạc thọ bởi vọng tưởng, điên đảo. Đắm chìm vào những nhận thức sai lầm bởi những nụ cười tạm thời nhằm xoa dịu khổ đau vốn đang bủa vây cùng với sự chi phối của vô thường nơi kiếp nhân sinh. Thế cho nên chúng ta thường nghe câu “ lắm kẻ cười ra nước mắt” chính là chỉ cho cái cười xuất phát nơi tâm thức chứa đầy thống khổ. Nỗi khổ ấy do sự tham chấp và ái luyến của tất cả loài hữu tình. Chúng ta thường than khổ nhưng lại chẳng truy nguyên nguồn gốc của khổ, chỉ thấy khổ và than khổ. Tất cả chúng ta chẳng khác nào đứa trẻ con khi không vừa ý nó liền khóc để thể hiện sự khó chịu. Chúng ta cũng thể hiện sự khó chịu qua than trách, qua cái cố bám víu chút lạc để xoa dịu cái khổ đã ăn sâu từ thân thể đến tâm thức.
Sự an lạc đích thực chỉ hiện hữu khi chúng ta nhận chân ra được thực thể về pháp giới tánh gói gọn trong lưới càn khôn của vô thường luân chuyển. Có điều gì thực sự tồn tại nơi thế gian vốn giả hợp thành? Thân và tâm của chúng ta có thật chẳng nếu chia chẻ ra từng bộ phận? Trên thực tế, chúng ta chẳng tìm thấy bất cứ nơi nào tồn tại về một cái ngã bất diệt nhưng đa phần lại chấp chặt vào một thứ sở hữu mang tên “ngã sở”. Chúng ta sẽ tìm thấy cái ngã thể ấy ở đâu khi thân và tâm của mỗi người đều do duyên sanh, giả danh mà tồn tại. Vậy lý luận ngã sở có chăng là một thành kiến ngu muội lấy bản thể vô ngã bám víu vào vật chất tạm bợ.
Cùng xuất phát điểm từ hai chủ thể chẳng thật có mà khẳng định đây là “tôi” và đây là “của tôi” thì quả thật vô minh. Do sự ám muội về mặt nhận thức ấy khiến chúng ta không nhận chân được không tánh bao trùm khắp pháp giới. Chỉ khi nào chúng ta thấu triệt được không tánh hằng hữu ấy, phá bỏ mọi tham chấp, bám víu, đoạn khổ đau do vô thường chi phối thì nụ cười an lạc đích tự tự nhiên sanh khởi, chẳng nhọc tìm kiếm.
Trong Phật giáo, ngoài biểu tượng của ngài Di Lặc với nụ cười hỷ xả thì còn giai thoại niêm hoa vi tiếu: đức Thế Tôn cầm cành hoa sen khai thị, trong đại chúng chỉ duy nhất Trưởng lão Ma Ha Ca Diếp mỉm cười. Ngay sau đó, đức Phật liền tuyên bố với các thầy Tỳ-Kheo: “Ta có chánh pháp vô thượng trao cho Ma-ha Ca-diếp.
Ca-diếp là chỗ nương tựa lớn cho các thầy Tỳ-kheo, cũng như Như Lai là chỗ nương tựa cho tất cả chúng sinh”. Nụ cười của Trưởng lão Ca Diếp đến nay vẫn có nhiều tranh cãi khi mọi người cố gắng lý giải trạng thái ấy. Tuy nhiên, chúng tôi chẳng cố đào sâu về phương diện tranh luận, điều mà tôi muốn hướng đến chính là nhấn mạnh về trạng thái đồng nhất thể giữa những bậc thánh nhơn cảm ứng tương thông, dùng tâm truyền tâm, đồng nhập vào không tánh, lìa nơi ngôn ngữ, văn tự mà thấu triệt vạn pháp. Với sự giác ngộ đích thực lưu xuất ra nụ cười bất diệt của những bậc thánh đã chấm dứt mọi trói buộc, thể nhập vào thanh tịnh địa rốt ráo.